Hệ thống pháp luật

Mục 4 Chương 3 Thông tư 01/2012/TT-BGTVT quy định về bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu hàng không tại Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải ban hành

MỤC 4. YÊU CẦU KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG ĐỐI VỚI HỆ THỐNG NẠP QUA ĐƯỜNG ỐNG NGẦM

Điều 33. Xả hệ thống đường ống nạp ngầm

1. Hàng tuần, tất cả các điểm xả tại các vị trí thấp của hệ thống tra nạp qua đường ống ngầm phải được xả sạch hoàn toàn với dòng chảy ở áp suất cao để đảm bảo loại bỏ nước và tạp chất cho đến khi thu được mẫu sạch.

2. Tổng lượng xả tùy theo thiết kế của hệ thống và lượng tạp chất quan sát được. Sau khi xả một lượng lớn hơn tổng sức chứa của toàn bộ đường ống lấy mẫu, lấy một mẫu dòng chảy để Kiểm tra trực quan.

3. Sau sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống phải tăng tần suất xả ở vị trí thấp để tiến hành kiểm tra bổ sung đảm bảo độ sạch của nhiên liệu trong hệ thống tra nạp qua đường ống ngầm.

4. Phải tiến hành các kiểm tra bổ sung khi có các thay đổi khác, như tăng tốc độ bơm, dẫn đến thay đổi chế độ chảy trong ống và có thể gây nhiễm bẩn cho nhiên liệu.

5. Được đảm bảo độ dẫn điện qua các ống mềm, mỗi bích ngăn cách giữa đầu nối ống của hệ thống đường ống và xi téc chứa nhiên liệu xả phải được lắp các đai truyền tĩnh điện. Không được sử dụng cáp nối (khi kẹp có thể phát sinh tia lửa trong các hố van, gây cháy nổ).

Điều 34. Vệ sinh và bảo dưỡng hệ thống các hố van

1. Hàng tuần, phải tiến hành vệ sinh và kiểm tra các hố van và ghi thành báo cáo. Các hố van phải được duy trì ở tình trạng sạch sẽ, khô ráo.

2. Kiểm tra thường xuyên hoạt động của van mở nhanh điều khiển bằng dây giật, thời gian đóng phải trong khoảng từ 2 đến 5 giây. Quá trình kiểm tra các van phải được thực hiện dưới áp suất của tốc độ dòng cao nhất có thể và có thể thực hiện trong suốt quá trình tra nạp nhiên liệu. Ghi lại các kết quả kiểm tra.

Điều 35. Hệ thống ngắt khẩn cấp

1. Các nút ngắt khẩn cấp (ESB) hệ thống tra nạp qua đường ống phải được đặt gần vị trí tra nạp (trong vòng 80 mét) và cũng phải được đặt gần các van phun rửa rốn xả. Các nút ngắt khẩn cấp (ESB) phải được đặt ở vị trí rõ ràng, dễ quan sát và thuận tiện khi thao tác và phải được bảo trì liên tục.

2. Hàng tháng: Phải thực hiện kiểm tra hệ thống ngắt khẩn cấp hệ thống tra nạp qua đường ống. Ghi lại các kết quả kiểm tra hàng tháng, gồm vị trí của các nút ngắt khẩn cấp.

3. Sáu tháng: Mỗi nút ngắt khẩn cấp (ESB) phải được kiểm tra ít nhất 2 lần trong một năm. Ghi lại các kết quả kiểm tra.

Điều 36. Cảnh báo an toàn ở nắp các hố van

1. Các nắp hố van tra nạp ngầm phải được buộc chặt vào các hố van bằng những cách thức thích hợp. Điều này đặc biệt quan trọng ở nơi mà nắp hố van có thể hướng trực tiếp về phía luồng khí xả của động cơ.

2. Các hố van được nhận biết rõ ràng ở nơi có nhiều chủng loại nhiên liệu và phải được đánh dấu tên loại nhiên liệu.

Điều 37. Bảo vệ Ca-tôt

Các đường ống dẫn liên kết phải có lớp phủ và bảo vệ chống ăn mòn bằng một hệ thống bảo vệ ca-tốt, và để thực hiện điều này phải có một chương trình bảo dưỡng. Ghi chép chủng loại hoặc đặc điểm kỹ thuật sản xuất.

Điều 38. Độ kín và thử áp suất hệ thống tra nạp qua đường ống ngầm

1. Kiểm tra độ kín:

a) Phải kiểm tra độ kín của hệ thống tra nạp qua đường ống ngầm theo đúng tiêu chuẩn dựa trên khuyến cáo của các nhà sản xuất và các quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Các hệ thống đường ống tra nạp không có các hệ thống phát hiện rò rỉ

- Sáu tháng một lần, phải tiến hành kiểm tra độ kín ít nhất bằng một trong các hệ thống kiểm soát rò rỉ thích hợp;

- Hàng tháng, phải kiểm tra hệ thống ở áp suất vận hành khi không có bất kỳ hoạt động tra nạp nào và ghi lại áp suất sụt giảm (sau 2 giờ). Áp suất sụt giảm (phải dưới 10 psi) phải được so sánh với các kết quả kiểm tra trước đó. Bất kể sự tăng nào trong khi tụt áp suất mà nguyên nhân không phải là do thay đổi áp suất kiểm tra hay nhiệt độ nhiên liệu trong đường ống đều có nghĩa là hệ thống đã bị rò hoặc có van chặn bị lỗi. Tất cả các kết quả kiểm tra phải được ghi lại.

2. Thử áp suất hệ thống tra nạp qua đường ống ngầm:

a) Tất cả các đoạn ống ngầm và hệ thống tra nạp bằng đường ống không được trang bị hệ thống phát hiện rò rỉ phải được thử áp định kỳ hàng năm ở áp suất vận hành lớn nhất để đảm bảo độ kín của hệ thống;

b) Áp suất vận hành lớn nhất là áp suất đẩy lớn nhất ở chiều cao lớn nhất của bể chứa;

c) Thử áp phải được thực hiện trong 8 giờ (xem API 570), nếu kết quả kiểm tra cho thấy không có sự sụt giảm áp suất đáng kể thì có thể giảm thời gian thử nghiệm xuống thấp nhất là 1 giờ;

d) Nếu kết quả kiểm tra cho thấy có sự rò rỉ, phải thực hiện thử áp ở áp suất bằng 110% áp suất vận hành lớn nhất cho phép;

e) Nếu không thể xác định được giá trị áp suất vận hành lớn nhất cho phép thì phải thực hiện thử áp ở áp suất bằng 125% áp suất làm việc của hệ thống. Thử áp phải được thực hiện theo quy trình đã được chuẩn bị trước và đặc biệt chú ý là phải cô lập các van an toàn đường ống;

f) Tất cả các báo cáo kiểm tra phải ghi rõ cả nhiệt độ và áp suất theo thời gian trong suốt quá trình thử;

g) Đường ống trong lòng đất/ trên mặt đất ở các điểm mà ống bắt đầu đi xuống đất cũng phải được kiểm tra với tần suất tương đương với việc thử áp đường ống;

Tất cả các kết quả kiểm tra phải được ghi lại.

Điều 39. Thiết bị giảm chấn/ van điều áp

Phải kiểm tra áp suất trong đường ống khi lắp đặt các thiết bị giảm chấn đảm bảo áp suất phù hợp theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Điều 40. Van xả khí ở các vị trí cao của đường ống

Các van xả khí ở các vị trí cao của đường ống phải được xả hết không khí khỏi hệ thống ngay sau khi đường ống tra nạp ngầm đã được nạp đầy nhiên liệu để đi vào hoạt động hoặc sau khi đường ống được sửa chữa, cải tạo. Khí còn sót lại trong tuyến ống có thể gây rung và ảnh hưởng đến độ chính xác khi kiểm soát rò rỉ của hệ thống.

Phải có quy trình kiểm tra đặc biệt các van xả khí ở các vị trí cao của hệ thống và phải đề phòng sự hình thành sương mù nhiên liệu/ khí (có nguy cơ gây cháy nổ cao).

Điều 41. Các buồng van của đường ống

Một năm một lần, các buồng van phải được kiểm tra định kỳ bằng mắt về tình trạng cấu tạo, tình trạng hoạt động của đường ống và các thiết bị phụ trợ.

Thông tư 01/2012/TT-BGTVT quy định về bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu hàng không tại Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 01/2012/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 09/01/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 171 đến số 172
  • Ngày hiệu lực: 23/02/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH