Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4427/TB-TCHQ | Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2018 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA TỔNG CỤC TRƯỞNG TẠI CUỘC HỌP BÀN TRIỂN KHAI CÔNG TÁC QUẢN LÝ, GIÁM SÁT HẢI QUAN ĐỐI VỚI MẶT HÀNG PHẾ LIỆU NHẬP KHẨU
Ngày 25/7/2017, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn đã chủ trì họp bàn triển khai công tác quản lý, giám sát hải quan đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu. Tham dự cuộc họp có Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành; đại diện Lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị: Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Cục Quản lý rủi ro, Cục Kiểm định Hải quan, Vụ Pháp chế và Văn phòng Tổng cục.
Sau khi nghe báo cáo tình hình, kết quả triển khai công tác quản lý hải quan đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu trong thời gian qua; ý kiến tham gia của PTCT Mai Xuân Thành và các đơn vị tham dự cuộc họp, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn kết luận như sau:
I. TÌNH HÌNH NHẬP KHẨU MẶT HÀNG PHẾ LIỆU
Thời gian qua, sau khi Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở nước ta có chiều hướng gia tăng mạnh, diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống, gây bức xúc trong dư luận. Qua theo dõi, số lượng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng gấp hơn 02 lần so với khối lượng phế liệu nhập khẩu trong năm 2016. Trong đó: khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy và xỉ hạt nhỏ là những loại phế liệu có khối lượng tăng từ 200% đến 400% so với tổng khối lượng nhập khẩu năm 2016; đặc biệt trong 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến gần 200% so với năm 2017. Tuy nhiên, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất
Trong quá trình theo dõi, kiểm tra, giám sát hàng hóa, điều tra xác minh đã phát hiện doanh nghiệp thực hiện một số phương thức, thủ đoạn gian lận trong nhập khẩu phế liệu như làm giả, tẩy xóa, sửa đổi các văn bản, Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu phế liệu, khai sai tên hàng, mã số hàng hóa khác với tên hàng, mã số hàng hóa là phế liệu thuộc danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhằm quản lý chặt chẽ đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường, Tổng cục Hải quan đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm soát chặt chẽ như: ban hành công văn số 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018 hướng dẫn quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam; chuyển luồng, kiểm tra thực tế 100% đối với các mặt hàng phế liệu và hàng hóa đã qua sử dụng có đặc trưng của phế liệu; tiến hành điều tra, xác minh và khởi tố đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm....
II. MỘT SỐ CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI
Để quản lý chặt chẽ đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu, tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tài chính. Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai một số nội dung công việc sau:
1. Phân công PTCT Mai Xuân Thành chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan thực hiện công tác quản lý, giám sát đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu, bao gồm: công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, điều tra, thanh tra... và xử lý theo quy định.
2. Các đơn vị thuộc và trực thuộc
2.1. Phổ biến, quán triệt và thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung chỉ đạo của Tổng cục Hải quan tại công văn số 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018 về việc hướng dẫn quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam;
2.2. Không gây phiền hà, sách nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan; trường hợp vi phạm xử lý nghiêm theo quy định.
3. Cục Giám sát quản lý về hải quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan
3.1. Tham gia ý kiến đối theo nhiệm vụ được giao vào dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách về quản lý và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất đảm bảo thời hạn và nội dung theo hướng: Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, theo đó: chỉ được nhập khẩu phế liệu để sản xuất khi có tiêu chuẩn, quy chuẩn; cơ quan Hải quan căn cứ pháp luật Hải quan, trên cơ sở kết quả kiểm tra hàng hóa thực nhập để quyết định việc thông quan theo quy định; công khai Giấy phép nhập khẩu, danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu, thông báo nhập khẩu phế liệu lên Cổng thông tin một cửa Quốc gia để cơ quan Hải quan theo dõi, kiểm tra; quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, các hãng vận tải, doanh nghiệp kinh doanh kho bãi phải chịu trách nhiệm trong việc xử lý, tái xuất các lô hàng phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu, rác thải ra khỏi lãnh thổ Việt Nam....
3.2. Hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, liên tỉnh, thành phố:
- Xử lý hàng phế liệu nhập khẩu, hàng có đặc trưng của phế liệu tồn đọng tại các cảng theo hướng: Chỉ tiến hành kiểm tra, không khám xét đối với các lô hàng rác thải; yêu cầu doanh nghiệp vận tải chịu trách nhiệm tái xuất đối với các lô hàng phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu, chất thải ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
- Trường hợp chi tiêu cần giám định chưa thực hiện được thì hướng dẫn Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập thực hiện thủ tục trưng cầu giám định tại cơ quan quản lý nhà nước có chức năng giám định chuyên ngành; không trưng cầu giám định tại các doanh nghiệp được chỉ định.
3.3. Đầu mối đôn đốc, tiếp nhận thông tin giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (bao gồm Giấy xác nhận do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố cấp), phối hợp Cục CNTT và Thống kê hải quan đưa vào hệ thống để chia sẻ các đơn vị sử dụng, theo dõi, quản lý.
4. Cục Kiểm định Hải quan:
4.1. Thực hiện đúng quy định tại Điểm c.6 Khoản 1 Mục III và Điểm k khoản 2 Mục III công văn số 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018 của Tổng cục Hải quan, theo đó: thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa bằng mắt thường và các thiết bị tại hiện trường không quá 08 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình đầy đủ hàng hóa; trường hợp hàng hóa có số lượng lớn, nhiều chủng loại hoặc việc kiểm tra phức tạp thì không quá 02 ngày làm việc.
4.2. Không tiếp nhận kiểm định đối với các mặt hàng không có tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định tại kỹ thuật quốc gia về bảo vệ môi trường theo quy định tại Thông tư số 43/2010/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4.3. Đề xuất các tiêu chí giám định mà Cục Kiểm định Hải quan, Chi cục Kiểm định Hải quan thực hiện được, báo cáo Tổng cục Hải quan và các tiêu chí giám định không làm được đề nghị Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện giám định và tiến hành thông quan.
4.4. Đối với các lô hàng xác định được bằng mắt thường và các thiết bị tại hiện trường thì xác định ngay kết quả đủ hoặc không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu.
Trường hợp Cục kiểm định Hải quan, Chi cục Kiểm định Hải quan không xác định được mẫu phù hợp quy chuẩn Việt Nam về môi trường thì Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập tiến hành trưng cầu giám định các tổ chức, cơ quan giám định. Nội dung, tiêu chí do Cục Kiểm định Hải quan đề xuất.
5. Cục Quản lý rủi ro
5.1. Phân tích, phân loại rủi ro trong hoạt động nhập khẩu phế liệu theo từng nhóm về: Loại phế liệu, doanh nghiệp vi phạm, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm gắn với từng Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Chuyển thông tin chính sách doanh nghiệp và tờ khai có dấu hiệu vi phạm trong nhập khẩu phế liệu cho các đơn vị Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Cục Kiểm định hải quan.
5.2. Hỗ trợ phân tích thông tin e-manifest, chuyển luồng kiểm tra thực tế các lô hàng nghi vấn là chất thải, phế liệu nhập khẩu.
5.3. Phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Cục Kiểm định hải quan để xây dựng tiêu chí kiểm tra điều kiện, không cho phép đăng ký tờ khai đối với trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu không có Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
6. Cục Điều tra chống buôn lậu
- Đôn đốc, hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, kiểm tra, điều tra xác minh theo Kế hoạch số 275/KH-TCHQ ngày 11/7/2018;
- Tiếp tục điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ để khởi tố đối với một số doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu có dấu hiệu vi phạm.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan đánh giá tình hình vi phạm trong hoạt động nhập khẩu phế liệu; trên cơ sở đó đề xuất Lãnh đạo Tổng cục nội dung phối hợp với Cơ quan Công an để điều tra, xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
7. Văn phòng Tổng cục
7.1. Theo dõi, trừ lùi đối với các mẫu do Cục Kiểm định hải quan phối hợp với Chi cục Hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa bằng mắt thường và các thiết bị tại hiện trường và kết quả giám định của cơ quan giám định bên ngoài.
7.2. Tổ chức họp báo về công tác quản lý phế liệu vào ngày 30/7/2018
8. Vụ Thanh tra, kiểm tra:
Chủ trì, phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu, Văn phòng Tổng cục đối chiếu hình ảnh mẫu thu được với hình ảnh trên hệ thống giám sát trực tuyến để xác định các mẫu nghi vấn và xử lý theo quy định.
Tổng cục Hải quan thông báo để các đơn vị biết và thực hiện./.
| TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1Công văn 3428/TCHQ-GSQL năm 2018 về tăng cường quản lý phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam do Tổng cục Hải quan ban hành
- 2Công văn 3738/TCHQ-GSQL năm 2018 về quản lý phế liệu nhập khẩu do Tổng cục Hải quan ban hành
- 3Công văn 3747/TXNK-CST năm 2018 về chính sách thuế đối với phế liệu, phế phẩm dư thừa do Cục Thuế xuất nhập khẩu ban hành
- 4Công văn 4633/TCHQ-GSQL năm 2018 về giám sát hải quan đối với hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất có sự thay đổi phương thức vận tải do Tổng cục Hải quan ban hành
- 5Công văn 5486/TCHQ-GSQL năm 2018 về tra cứu Giấy xác nhận, Thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu do Tổng cục Hải quan ban hành
- 6Công văn 3212/GSQL-GQ1 năm 2018 thực hiện Thông tư 08/2018/TT-BTNMT và 09/2018/TT-BTNMT do Cục Giám sát quản lý về Hải quan ban hành
- 7Công văn 3156/GSQL-GQ1 năm 2018 thực hiện Chỉ thị 27/CT-TTg do Cục Giám sát quản lý về Hải quan ban hành
- 1Thông tư 43/2010/TT-BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 2Quyết định 73/2014/QĐ-TTg về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 3428/TCHQ-GSQL năm 2018 về tăng cường quản lý phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam do Tổng cục Hải quan ban hành
- 4Công văn 3738/TCHQ-GSQL năm 2018 về quản lý phế liệu nhập khẩu do Tổng cục Hải quan ban hành
- 5Công văn 3747/TXNK-CST năm 2018 về chính sách thuế đối với phế liệu, phế phẩm dư thừa do Cục Thuế xuất nhập khẩu ban hành
- 6Công văn 4202/TCHQ-PC năm 2018 hướng dẫn quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam do Tổng cục Hải quan ban hành
- 7Công văn 4633/TCHQ-GSQL năm 2018 về giám sát hải quan đối với hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất có sự thay đổi phương thức vận tải do Tổng cục Hải quan ban hành
- 8Công văn 5486/TCHQ-GSQL năm 2018 về tra cứu Giấy xác nhận, Thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu do Tổng cục Hải quan ban hành
- 9Công văn 3212/GSQL-GQ1 năm 2018 thực hiện Thông tư 08/2018/TT-BTNMT và 09/2018/TT-BTNMT do Cục Giám sát quản lý về Hải quan ban hành
- 10Công văn 3156/GSQL-GQ1 năm 2018 thực hiện Chỉ thị 27/CT-TTg do Cục Giám sát quản lý về Hải quan ban hành
Thông báo 4427/TB-TCHQ năm 2018 về kết luận của Tổng cục trưởng tại cuộc họp bàn triển khai công tác quản lý, giám sát hải quan đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu do Tổng cục Hải quan ban hành
- Số hiệu: 4427/TB-TCHQ
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 26/07/2018
- Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
- Người ký: Nguyễn Trung Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra