Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 416/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2019

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC TRƯƠNG HÒA BÌNH, PHÓ TRƯỞNG BAN THỨ NHẤT BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG KHỦNG BỐ QUỐC GIA, CHỦ TỊCH ỦY BAN AN NINH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG QUỐC GIA TẠI HỘI NGHỊ ĐÁNH GIÁ NGUY CƠ UY HIẾP AN NINH, AN TOÀN HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG CỦA TÀU BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI VÀ CÁC PHƯƠNG TIỆN BAY SIÊU NHẸ ĐỂ ĐƯA RA CÁC GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU RỦI RO

Ngày 22 tháng 11 năm 2019, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Trưởng ban Thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia (Ủy ban) đã chủ trì Hội nghị đánh giá nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không dân dụng của tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ để đưa ra các giải pháp giảm thiểu rủi ro; tham dự có đại diện Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao, Tư pháp, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài chính, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và ý kiến các cơ quan, đơn vị dự họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Trưởng ban Thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia, Chủ tịch Ủy ban đã kết luận như sau:

Chính phủ đã có sự quan tâm thích đáng đến vấn đề nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không dân dụng của tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ đang được phát triển đa dạng và được ứng dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, mang lại nhiều lợi ích trong đời sống kinh tế - xã hội; tuy nhiên, do đặc điểm gọn nhẹ, dễ vận chuyển, dễ điều khiển, dễ chế tạo, lắp ráp, sử dụng, có thể hoạt động trong các điều kiện môi trường mà con người khó có thể tiếp cận, giá thành rẻ, lại được quản lý chưa chặt chẽ nên tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ cũng đang bị lạm dụng, trở thành mối đe dọa uy hiếp an ninh, an toàn của hoạt động hàng không dân dụng.

Việt Nam đang tiếp tục có tốc độ tăng trưởng hoạt động hàng không dân dụng ở mức cao (đạt 10 - 15%), 9 tháng đầu năm 2019 đã có 376.000 lượt chuyến bay dân dụng đi và đến (tăng 12% so với cùng kỳ) và số lượng tàu bay đăng ký là 208 chiếc (tính đến ngày 04 tháng 10 năm 2019); 23 năm chưa để xảy ra tai nạn hàng không dân dụng. Với vai trò là Quốc gia chủ nhà của năm ASEAN 2020, là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên lượng khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam sẽ tăng lên không chỉ trong năm 2020 mà cả những năm sau.

Dù đã có 23 năm, chưa để xảy ra tai nạn hàng không dân dụng, chúng ta không được chủ quan, tự mãn; việc phòng ngừa các nguy cơ can thiệp vào hoạt động hàng không dân dụng của tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ để giảm mức rủi ro trong an ninh, trật tự và an toàn hàng không là một yêu cầu cần ưu tiên thực hiện.

Để nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, giảm thiểu mức rủi ro trong an ninh, trật tự và an toàn hàng không; bảo đảm tuyệt đối Quốc phòng và An ninh quốc gia, trật tự và an toàn hàng không, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban Thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia, Chủ tịch Ủy ban yêu cầu các bộ, ngành và địa phương liên quan, khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Bộ Quốc phòng

- Khẩn trương chủ trì xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo tăng cường các giải pháp dài hạn trong quản lý đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ để giảm thiểu mức rủi ro trong an toàn, an ninh hàng không dân dụng.

- Chủ trì phối hợp các bộ, ban, ngành liên quan triển khai soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ (theo quy trình thủ tục rút gọn, trình Chính phủ trong Quý 1/2020).

- Chủ trì soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thiết lập khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ công khai đến mọi tổ chức, cá nhân biết để thực hiện.

2. Bộ Công an

- Phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng điều tra, yêu cầu khai báo đối với các tổ chức, cá nhân sở hữu tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.

- Quản lý các tổ chức, cá nhân có sở hữu tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ thông qua việc khai báo, đăng ký tại các địa bàn. Bổ sung, hoàn thiện xác định các hành vi vi phạm và chế tài xử lý hành chính liên quan đến hoạt động của tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.

3. Bộ Công Thương

- Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tăng cường các biện pháp quản lý nguồn đầu vào trong hoạt động nhập khẩu, tạm nhập tái xuất tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan bổ sung các quy định chặt chẽ về nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất; tăng cường công tác quản lý thị trường kinh doanh, mua, bán tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ

Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; tiêu chuẩn cho cơ sở thiết kế, sản xuất sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay và trang, thiết bị của tàu bay không người lái các phương tiện bay siêu nhẹ.

5. Bộ Giao thông vận tải

- Phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu bổ sung hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý vùng trời, quản lý bay (Luật Hàng không, Nghị định về quản lý hoạt động bay...), trong đó có quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng trong duy trì trao đổi thông tin kịp thời khi xảy ra vụ việc, hiệp đồng xử lý tình huống theo các điều khoản đã được ký kết giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông, các Đài: Truyền hình Việt Nam, Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và Ủy ban nhân dân các địa phương liên quan:

- Ưu tiên có chương trình tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội về các quy định của pháp luật về khai thác, sử dụng tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, các nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn của hàng không dân dụng từ tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ. Cần lan tỏa đến mỗi người dân quyết tâm và cam kết của Chính phủ về bảo đảm an toàn cho hàng không dân dụng, không để xảy ra tai nạn hàng không.

- Có kế hoạch dài hạn nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguy cơ và rủi ro của tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, trách nhiệm quốc gia của Việt Nam trong bảo đảm an toàn cho hàng không dân dụng quốc tế và trách nhiệm chủ nhà ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, để nhận thức trở nên bền vững và hình thành vững chắc văn hóa an toàn về tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.

- Chính quyền các địa phương ưu tiên tổ chức việc tuyên truyền thành hình thức thường xuyên, song song với việc nâng cao hiệu lực quản lý để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các trường hợp lạm dụng tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ can thiệp vào hoạt động hàng không dân dụng.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg Chính phủ;
- BCĐ phòng, chống khủng bố Quốc gia;
- UB An ninh hàng không dân dụng Quốc gia;
- UB An toàn giao thông Quốc gia;
- UB Quốc gia ứng phó SC, TT&TKCN;
- Các Bộ: CA, QP, GTVT, TT&TT, TC, KH&CN,
TP, CT, KH&ĐT, NG, VH, TT&DL, YT;
- Các Đài: Truyền hình VN & Tiếng nói VN;
- Thông tấn xã Việt Nam;
- Ủy ban QL vốn nhà nước tại DN;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, QHQT, NC, PL, QHĐP, KTTH, KGVX;
- Lưu: Văn thư, CN (2b).LM.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 416/TB-VPCP năm 2019 kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Trưởng ban Thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia tại Hội nghị đánh giá nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không dân dụng của tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ để đưa ra các giải pháp giảm thiểu rủi ro do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 416/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 09/12/2019
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Cao Lục
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/12/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản