Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG BIỆN PHÁP QUẢN LÝ, GIÁM SÁT ĐỐI VỚI TÀU BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI VÀ PHƯƠNG TIỆN BAY SIÊU NHẸ

Hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ phát triển rất nhanh chóng và đa dạng. Các phương tiện bay này được ứng dụng rộng rãi và mang lại lợi ích trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Tuy nhiên những thiết bị bay này cũng có thể là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ việc ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, an toàn hàng không; đặc biệt khi tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ bị các lực lượng phản động, chống đối sử dụng làm công cụ để thực hiện các hành vi khủng bố, phá hoại sẽ gây hậu quả khó lường.

Trên thế giới đã có nhiều vụ sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ mang vũ khí nhằm tiêu diệt các mục tiêu quân sự, ám sát lãnh tụ, tấn công vào các mục tiêu quan trọng của quốc gia, vùng lãnh thổ thù địch. Tại Việt Nam trong vài năm gần đây đã phát hiện và xử lý nhiều vụ sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ trái phép như: Bay không có phép bay, bay vào khu vực cấm bay; đối tượng chống đối sử dụng tàu bay không người lái ghi hình hoạt động biểu tình phát tán trên trang mạng xã hội để tuyên truyền kích động các hoạt động chống phá... Một số đơn vị Quân đội cũng đã phát hiện tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ xâm phạm khu vực quân sự. Đáng chú ý các vụ vi phạm trong sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ gia tăng cả về số lượng và tính chất nguy hiểm. Gần đây, theo báo cáo Ủy ban An ninh Hàng không quốc gia, vào các ngày 19 tháng 9 năm 2019 và ngày 16 tháng 10 năm 2019 xảy ra vụ tàu bay Hàng không dân dụng khi hạ, cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất và Phú Quốc đã va chạm với vật thể trong không gian (có khả năng là tàu bay không người lái cỡ nhỏ) làm móp đầu mũi máy bay, đe dọa nghiêm trọng an toàn bay.

Để quản lý chặt chẽ tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm an toàn, an ninh hàng không trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ Quốc phòng

a) Chủ trì phối hợp các ban, bộ, ngành liên quan soạn thảo, trình Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trong quý I năm 2020;

b) Chủ trì soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thiết lập khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ công khai đến mọi tổ chức, cá nhân biết để thực hiện;

c) Trước mắt, khi chưa có nghị định thay thế Nghị định 36/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, không cấp phép bay cho các tổ chức, cá nhân trong khu vực tám ki-lô-mét tính từ ranh giới các cảng hàng không, sân bay có hoạt động của tàu bay hàng không dân dụng (trừ tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ thực hiện công vụ);

d) Tăng cường các biện pháp quản lý cơ sở nghiên cứu, thiết kế, sản xuất tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ trong nước; quản lý, giám sát việc sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ thông qua cấp phép bay, cấp phép thử nghiệm thiết bị bay;

đ) Xây dựng phương án đối phó với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ để bảo vệ các mục tiêu trọng yếu;

e) Phối hợp với Bộ Công an xác định các hành vi vi phạm và chế tài xử lý hành chính trong hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.

2. Bộ Công an

a) Phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng điều tra, rà soát, yêu cầu khai báo đối với các tổ chức, cá nhân sở hữu tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ;

b) Quản lý các tổ chức, cá nhân sở hữu tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ thông qua việc khai báo, đăng ký tại các địa bàn;

c) Bổ sung, hoàn thiện xác định các hành vi vi phạm và chế tài xử lý hành chính trong hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ;

d) Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, triển khai các phương án đối phó với hành vi sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ can thiệp bất hợp pháp vào công trình hàng không dân dụng.

3. Bộ Công Thương

a) Phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tăng cường các biện pháp quản lý nguồn đầu vào trong hoạt động nhập khẩu, tạm nhập tái xuất tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ;

b) Chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu, bổ sung các điều kiện về nhập khẩu, tạm nhập tái xuất tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ

Chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; tiêu chuẩn cho cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay và trang bị, thiết bị của thiết bị bay siêu nhẹ.

5. Bộ Giao thông vận tải

a) Phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu bổ sung hoàn chỉnh nội dung liên quan đến quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hàng không dân dụng;

b) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong duy trì trao đổi thông tin liên quan khi xảy ra vụ việc về hàng không, hiệp đồng xử lý tình huống theo quy định;

c) Đề xuất phương án triển khai các trang thiết bị phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ tại khu vực các Cảng hàng không, sân bay có hoạt động của hàng không dân dụng.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương; chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát trên địa bàn xác định tổ chức, cá nhân tự ý sản xuất, kinh doanh, sở hữu, sử dụng bất hợp pháp tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật;

b) Tăng cường tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân và mọi người dân sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ hiểu rõ các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng loại phương tiện này.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng (để báo cáo);
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ;
- Cục Tác chiến/BTTM;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: CN, KGVX, QHĐP, TH;
- Lưu: VT, NC (2).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trương Hòa Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 02/CT-TTg năm 2020 về tăng cường biện pháp quản lý, giám sát đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 02/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 15/01/2020
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trương Hòa Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản