Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BAN CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/TB-BCĐ

Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA CHỦ TỊCH UBND THÀNH PHỐ NGUYỄN ĐỨC CHUNG, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(tại Phiên họp số 49)

16h30 ngày 06/8/2020, tại trụ sở UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo Thành phố) đã họp nghe các đơn vị báo cáo về tình hình triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố. Dự họp tại điểm cầu Thành phố có các đồng chí Thường trực Thành ủy; Lãnh đạo Đảng đoàn HĐND Thành phố; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô; Thành viên Ban Chỉ đạo Thành phố; Lãnh đạo: Văn phòng Thành ủy, Văn phòng HĐND Thành phố, Văn phòng UBND Thành phố. Tại điểm cầu địa phương có Giám đốc các bệnh viện của Thành phố; Lãnh đạo UBND quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, các thành viên Ban Chỉ đạo quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

Sau khi nghe Sở Y tế báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố, ý kiến của các đại biểu dự họp, đặc biệt là phát biểu chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố - Trưởng Ban Chỉ đạo Thành phố chỉ đạo như sau:

I. Về dự báo, nhận định tình hình, những thuận lợi và khó khăn trong việc phòng, chống dịch bệnh của Thành phố trong giai đoạn hiện nay

1. Dịch COVID-19 trên thế giới hiện nay cũng như Việt Nam đang diễn biến hết sức phức tạp và rất khó lường. Trước đây đã có các dự kiến về thời gian của đỉnh dịch, nhưng dịch bệnh đã xảy ra ở mức độ và tốc độ lây lan khác nhau, ở nhiều nước, dịch bệnh đã bùng phát trở lại. Hiện số người nhiễm COVID-19 trên thế giới là gần 19.000.000 người, 711.000 người đã tử vong, con số này tăng lên hằng ngày. Ở Việt Nam, sau 105 ngày (kể từ ngày 14/4/2020) không có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, đến nay, cả nước bắt đầu xảy ra dịch bệnh, tâm dịch là thành phố Đà Nẵng, sau đó đến tỉnh Quảng Nam, đã lan ra 11 tỉnh, thành cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, với sự cố gắng, nỗ lực của Ban Chỉ đạo từ cấp Thành phố đến cấp cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, thành phố Hà Nội đã xử lý tốt việc phòng, chống dịch bệnh trong các giai đoạn trước và đã xử lý rất thành công ngay khi phát sinh 2 trường hợp mắc COVID-19 trong giai đoạn 2. Thành ủy, UBND Thành phố đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành Thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

2. Tuy nhiên, trước yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới, nhất là từ khi tại quận Bắc Từ Liêm xuất hiện trường hợp bệnh nhân số 714, có lịch sử di chuyển, tiếp xúc rất phức tạp, tiếp xúc rất nhiều người, đã đến thăm khám khoảng 5 bệnh viện và cơ sở y tế của cả Trung ương và địa phương, do đó, nguy cơ lây nhiễm cao tại nhiều khu vực, việc truy vết, khoanh vùng xử lý dịch gặp nhiều khó khăn, hiện nay Thành phố chưa thống kê hết các trường hợp F1, F2 của bệnh nhân số 714.

- Về thuận lợi: trong công tác phòng, chống dịch giai đoạn 2 này, Thành phố đã có rất nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh, có sự đồng lòng, đồng sức của cả các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự hợp tác rất chặt chẽ của các cấp, các ngành và tinh thần tự giác, sự tin tưởng, ủng hộ của người dân...

- Về khó khăn: Tính từ 0h00 ngày 28/7/2020, thời điểm Chính phủ chỉ đạo cách ly Đà Nẵng, đến nay chưa qua đủ 14 ngày, nên còn tiềm ẩn các trường hợp có thể nhiễm vi rút. Dự báo của Bộ Y tế cũng như của Thành phố, trong thời gian tới khoảng đến ngày 11, 12/8/2020, là thời điểm chúng ta phải hết sức đề phòng, dịch bệnh có thể có lan truyền và bùng phát mạnh. Lượng người từ Đà Nẵng về Hà Nội trong thời gian vừa qua là rất lớn, Thành phố dự kiến chỉ khoảng 21.000 người, nhung hiện đã lên đến khoảng 96.479 người và có thể tăng hơn. Do đó, công tác phòng, chống dịch của lần này khó khăn hơn lần trước nhiều, vì tốc độ lây lan nhanh hơn và đã xuất hiện nhiều chùm ca bệnh tại cộng đồng, nhất là trong các bệnh viện và kể cả gia đình. Vật tư, thiết bị của Thành phố hiện nay đang yếu, nhất là xét nghiệm để chẩn đoán.

Trước tình hình đó, ngày 28/7/2020, Ban Bí thư đã có công điện gửi tất cả các đảng bộ tỉnh, thành phố và các tổ chức đảng trong toàn quốc, trong ngày 28/7/2020, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Công điện, ngày 3/8/2020 Thường trực Thành ủy đã họp, ban hành Thông báo số 2792-TB/TU về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

II. Về nhiệm vụ thời gian tới

Trên cơ sở những nhận định, đánh giá tình hình như trên; quán triệt chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành và nhân dân Thành phố thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là Công điện ngày 28/7/2020 của Thường trực Ban Bí thư và của Ban Thường vụ Thành ủy, Thông báo số 2792-TB/TU của Thường trực Thành ủy và Kết luận số 272 ngày 3/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ sau phiên họp giao ban với tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là tập trung quán triệt thực hiện nghiêm túc 08 giải pháp trọng tâm và 05 nhiệm vụ cấp bách theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo Thành phố ngày 06/8/2020 như sau:

1. Về 8 giải pháp trọng tâm

(1) Kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch của Thành phố đã thiết lập từ trước đến nay, trong đó cả về nguồn nhân lực, vật lực, cơ chế và các phương thức phối hợp giữa các lực lượng. Thống nhất việc kích hoạt hoạt động của hệ thống theo mức độ diễn biến của dịch bệnh xảy ra nhưng cao hơn một mức so với kịch bản đã phê duyệt từ đầu. Ban Chỉ đạo của Thành phố nghiên cứu để có thể nâng mức nguy cơ cao hơn nữa cho một số khu vực, thôn, tổ, khu phố hoặc những khu vực có độ rủi ro cao hơn mức độ chung của toàn Thành phố.

(2) Rà soát lại tất cả các điều kiện để đảm bảo yêu cầu “4 tại chỗ” như Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từ giai đoạn trước, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chỉ thị số 31-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Đặc biệt phải rà soát lại để xem xét nhu cầu và khả năng cung ứng các thiết bị, phương tiện phòng, chống dịch bệnh.

- Các sở, ngành chức năng chỉ đạo các cơ quan, rà soát, cân đối cung cầu, nội dung thiếu, cần tập trung mua sắm công khai, minh bạch, tránh tiêu cực, tham nhũng theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Y tế.

- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố kêu gọi các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm, các địa phương khác ủng hộ phòng, chống dịch bằng các trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch.

- Ngành Công thương Thành phố phải rà soát lại toàn bộ các nhu cầu và khả năng cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu cũng như lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác, không để thiếu hụt, nâng giá.

(3) Tiếp tục thực hiện tốt phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, đặc biệt là phát huy vai trò then chốt, quan trọng của các cán bộ, từ thôn, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn; nhân viên y tế, các đồng chí cảnh sát khu vực, lực lượng quân đội... Ngoài việc giám sát, cách ly các trường hợp F1, F2, phải lưu ý rà soát để kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, nhập cảnh trái phép vào địa bàn Thành phố. Người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương, đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh và để dịch bùng phát tại địa bàn, đơn vị.

(4) Giai đoạn này, Thành phố tập trung ưu tiên tăng cường xét nghiệm PCR, phải thực hiện theo diện rộng. Ngoài các bệnh viện, cơ sở y tế của Thành phố, phải huy động cả các bệnh viện tư nhân theo hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ Y tế, trước hết là xét nghiệm ngay những trường hợp F1, người đi từ vùng dịch về Hà Nội từ 01/7/2020, người đang có triệu chứng, thực hiện kết nối với tất cả các hiệu thuốc để phát hiện người nghi ngờ có dấu hiệu nhiễm COVID-19, đảm bảo trong thời gian ngắn nhất có thể xét nghiệm được cho hơn 96.000 người đi từ vùng dịch về, có thể không chỉ xét nghiệm 1 lần.

(5) Về khoanh vùng cách ly và thực hiện giãn cách xã hội, tùy theo quy mô (toàn Thành phố, từng quận, huyện, xã, phường, thôn, tổ dân phố...), mức độ nguy cơ của dịch bệnh, căn cứ tình hình thực tế, Ban Chỉ đạo Thành phố có chỉ đạo phù hợp và những quy định cụ thể.

(6) Về chữa trị cho bệnh nhân COVID-19, ngoài việc đưa các bệnh nhân vào Bệnh viện nhiệt đới Trung ương, cơ sở Đông Anh, Thành phố phải tính toán, chuẩn bị những phương án xấu nhất có thể xảy ra, nhằm giảm thiểu mức thấp nhất những tổn thất, thiệt hại. Rà soát lại toàn bộ khả năng chữa trị COVID-19 của các cơ sở y tế trực thuộc Thành phố để sẵn sàng có phương án khi cần.

(7) Về thông tin và truyền thông, đây là công tác rất quan trọng, phải đi trước tình hình thực tế một bước, cần phát huy được kinh nghiệm và những thành quả đã đạt được trong giai đoạn trước, tiếp tục tuyên truyền, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, việc hợp tác tự nguyện của người dân và của toàn bộ hệ thống chính trị, với tinh thần bình tĩnh, tự tin, không hoang mang nhưng tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

Ban Tuyên giáo và Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền vận động người dân Hà Nội cài đặt, ứng dụng rộng rãi phần mềm Bluezone, Sở Thông tin Truyền thông có văn bản tuyên truyền và hướng dẫn về kỹ thuật.

(8) Bảo vệ tuyệt đối an toàn cho người dân; tiếp tục thực hiện đợt cao điểm phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

2. Về 5 nhiệm vụ cấp bách

(1) Tổ chức tốt và tuyệt đối an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của Thành phố. Các cấp, các ngành cần theo dõi sát từ nay đến ngày thi, có thể còn có những diễn biến phức tạp, cần tuân thủ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban Chỉ đạo Thành phố, tiếp tục cập nhật thường xuyên, liên tục kịch bản đã xây dựng.

(2) Tổ chức phục vụ tốt Đại hội Đảng bộ cấp quận, huyện và tương đương, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các điều kiện về vệ sinh dịch tễ cho đại biểu theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Thành ủy.

(3) Chuẩn bị thật tốt về thiết bị, vật tư, nhân lực cần thiết để đáp ứng yêu cầu của Thành phố ở mức độ cao nhất, sẵn sàng chi viện nhân lực vật lực cho thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam trong phòng, chống dịch, bảo đảm thiết thực, nhất là đội y, bác sĩ tình nguyện. Trường hợp cần thiết cần khởi động lại các hệ thống sinh viên của các trường Đại học, Cao đẳng y trên địa bàn Thành phố, bố trí sẵn sàng để tập hợp thành đội thanh niên tình nguyện sẵn sàng tham gia công tác phòng, chống dịch.

(4) Tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu thông sản phẩm hàng hóa thiết bị thiết yếu theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương. Thành phố cần đáp ứng đầy đủ yêu cầu của người dân trong mọi tình huống, phòng, chống hàng giả, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn trong phòng chống dịch, cơ quan chức năng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt vi phạm.

(5) Chuẩn bị cho các hoạt động bình thường của hệ thống chính trị trong tình hình mới, nhất là cho các hoạt động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long Hà Nội, Đại hội Đảng bộ Thành phố và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cũng như các hoạt động khác của Trung ương và Thành phố.

3. Để thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp trên, Ban Chỉ đạo Thành phố phân công tổ chức thực hiện như sau:

(1) UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn

- Tiếp tục khẩn trương truy vết, rà soát các trường hợp F1, F2 đối của các bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là bệnh nhân 714 và các bệnh nhân của chuyến bay 7198 ngày 24/7/2020.

- Tất cả các trường hợp sốt, ho, khó thở trên địa bàn đều phải tiến hành xét nghiệm RT PCR, đối với trường hợp đi từ Đà Nẵng và Quảng Nam ra có dấu hiệu này phải lấy mẫu xét nghiệm ngay và cách ly tại bệnh viện.

- Các trường hợp F2 phải cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe, các trạm y tế, khu dân cư và các ban quản lý tòa nhà và phải tiến hành thực hiện theo dõi sức khỏe như giai đoạn phòng, chống dịch bệnh trước đây.

- Phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố chỉ đạo các trạm y tế phường, xã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm RT PCR đối với tất cả các trường hợp về Thành phố từ vùng dịch (từ ngày 15-29/7) chưa đủ 14 ngày. Ưu tiên thực hiện trước trường hợp có triệu chứng, trường hợp về Hà Nội từ ổ dịch (theo thông báo của Bộ Y tế), quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, 4 quận nội thành.

(2) Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính hướng dẫn tới các đơn vị phân bổ kinh phí để chủ động thực hiện việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế để phục vụ công việc liên quan đến lấy mẫu xét nghiệm, phun khử khuẩn, bảo hộ y tế...

- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tiếp nhận 10.000 bộ Kit test COVID-19 do doanh nghiệp tặng Thành phố, trước mắt phân phát cho các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm để kịp thời lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp F1.

- Chủ động phối hợp Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội vận động các đơn vị tài trợ ủng hộ bằng hiện vật, trước mắt là các bộ kit xét nghiệm RT PCR.

- Tham mưu Ban Chỉ đạo xin ý cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Trung ương về việc nâng mức cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đối với Thủ đô Hà Nội để có các phương án chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

- Chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã tham mưu Ban chỉ đạo Thành phố nghiên cứu để có thể nâng mức nguy cơ cao hơn nữa cho một số khu vực thôn tổ, đường phố hoặc những khu vực có độ rủi ro cao, cao hơn mức độ chung của toàn Thành phố.

(3) Sở Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì, phối hợp Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã chuẩn bị tốt mọi điều kiện phục vụ kỳ thi tốt nghiệp của học sinh PTTH năm 2020. Đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh phải thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế. Thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh để kịp thời có các giải pháp xử lý hiệu quả.

(4) Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP ngày 09/4/2020, về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết của HĐND Thành phố về việc hỗ trợ cho các đối tượng ảnh hưởng do dịch COVID-19.

(5) Sở Công Thương

Chuẩn bị sẵn sàng các phương án liên quan đến hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân Thành phố, đảm bảo không để tăng giá và thiếu hàng hóa. Chủ động phối hợp với các tỉnh, thành để kết nối cung cầu nông, lâm, thủy, hải sản của các tỉnh thành cho thị trường Hà Nội.

(6) Công an thành phố Hà Nội

- Thực hiện tốt công tác đấu tranh với các đối tượng nhập cảnh trái phép.

- Phối hợp Cục Quản lý thị trường Hà Nội đấu tranh, chống buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, đặc biệt đối với mặt hàng khẩu trang và các trang thiết bị y tế.

(7) Sở Thông tin và Truyền thông

- Tiếp tục tuyên truyền, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, việc hợp tác tự nguyện của người dân và của toàn bộ hệ thống chính trị. Với tinh thần bình tĩnh, tự tin, không hoang mang nhưng tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

- Chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy tuyên truyền, vận động người dân Thủ đô cài đặt, ứng dụng rộng rãi phần mềm Bluezone, hướng dẫn người dân về kỹ thuật.

(8) Các đoàn thể; sở, ban, ngành Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, thực hiện các nội dung liên quan thuộc thẩm quyền (trong 08 nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp cấp bách nêu trên); báo cáo UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo Thành phố chỉ đạo nội dung vượt thẩm quyền của đơn vị.

Giao Thường trực Ban Chỉ đạo Thành phố theo dõi, đôn đốc, báo cáo Ban Chỉ đạo Thành phố kết quả thực hiện các nội dung kết luận trên./.

 


Nơi nhận:
- BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch; (để báo cáo)
- Đồng chí Bí thư Thành ủy; (để báo cáo)
- Các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy; (để báo cáo)
- Ban Thường vụ Thành ủy; (để báo cáo)
- Chủ tịch UBND Thành phố; (để báo cáo)
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố; (để báo cáo)
- BCĐ phòng, chống dịch Thành phố;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Ban Dân vận Thành ủy;
- Văn phòng Thành ủy;
- Văn phòng HĐND Thành phố;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH Hà Nội;
- Cục Quản lý Thị trường Thành phố;
- Các Sở, ngành Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Đài PTTH Hà Nội; Báo: Hànộimới, Kinh tế&Đô thị;
- VPUB: CVP; PCVP Đ.H. Giang;
Phòng: KGVX, KT, TKBT;
- Lưu: VT, KGVXDg.

TL. TRƯỞNG BAN




CHÁNH VĂN PHÒNG
Vũ Đăng Định

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 07/TB-BCĐ năm 2020 về kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 07/TB-BCĐ
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 07/08/2020
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Vũ Đăng Định
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/08/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản