Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 981/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 06 tháng 6 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KHU DU LỊCH BA BỂ THÀNH KHU DU LỊCH QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2022-2030, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2050

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 19 tháng 6 năm 2001 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định một số điều của Luật Du lịch;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Căn cứ Nghị định số 30/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ tư (khoá XII) về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của UBND huyện Ba Bể tại Tờ trình số 07/TTr-UBND ngày 25 tháng 01 năm 2024 về việc đề nghị phê duyệt Đề án phát triển Khu du lịch Ba Bể thành Khu du lịch quốc gia giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án phát triển Khu du lịch Ba Bể thành khu du lịch quốc gia giai đoạn 2022-2030, định hướng đến năm 2050.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 (t/h);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ và các hội đoàn thể tỉnh;
- Huyện ủy, HĐND huyện Ba Bể;
- UBND các huyện, thành phố;
- LĐVP;
- Lưu: VT, VXNV (Lam).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Duy Hưng

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN KHU DU LỊCH BA BỂ TRỞ THÀNH KHU DU LỊCH QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2022-2030, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 981/QĐ-UBND ngày 06/6/2024 của UBND tỉnh Bắc Kạn)

A. PHẦN MỞ ĐẦU

I. SỰ CẦN THIẾT LẬP ĐỀ ÁN

1. Tiềm năng và lợi thế

Khu du lịch Ba Bể thuộc huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn có nhiều tiềm năng và lợi thế đặc biệt về cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái và đa dạng sinh học, kết hợp với sự phong phú về truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó nổi bật nhất là danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể thuộc vùng lõi của Vườn Quốc gia Ba Bể tại xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, với tổng diện tích bảo tồn thắng cảnh lên đến 10.048 ha. Khu vực này không chỉ nổi bật với giá trị đa dạng sinh học mà còn mang những giá trị to lớn về địa chất, địa mạo với những cảnh quan thiên nhiên độc đáo như thác Đầu Đẳng, hẻm vực sông Năng, Ao Tiên, động Puông, đảo An Mạ, đảo Bà Góa... đặc biệt là Hồ Ba Bể - một trong số ít hồ nước ngọt tự nhiên trên núi lớn và đẹp trên thế giới. Vùng Hồ Ba Bể còn có nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc độc đáo của người dân tộc thiểu số như các lễ hội, tâm linh, tín ngưỡng. Bên cạnh đó, các xã xung quanh danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể cũng có nhiều tài nguyên du lịch có giá trị như các hồ nước, suối, thác, hang động, di tích, khu cảnh quan nông nghiệp (ruộng bậc thang, vườn cây ăn quả, cây trà hoa vàng, vùng trồng bí xanh thơm...) và những bản làng giữ nguyên vẻ đẹp tự nhiên.

Với tiềm năng tài nguyên du lịch sẵn có, Khu du lịch Ba Bể đã và đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước. Do đó, việc bảo vệ, khai thác và phát triển bền vững Khu du lịch Ba Bể không chỉ giúp Ba Bể giữ vững được những giá trị tự nhiên, những nét văn hóa đặc sắc mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng địa phương.

2. Vị trí và vai trò

Năm 2004, Vườn Quốc gia Ba Bể được công nhận là di sản thiên nhiên của ASEAN; tại Hội nghị Quốc tế về hồ nước ngọt diễn ra tại Mỹ vào tháng 3/2005 Hồ Ba Bể được đưa vào danh sách 20 hồ nước ngọt đặc biệt nhất của thế giới cần được bảo vệ và là "viên ngọc xanh của nhân loại”; năm 2011, Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) thứ 1.938 của thế giới; tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể là một trong các di tích quốc gia đặc biệt được xếp hạng.

Là khu du lịch sinh thái nổi tiếng của vùng Đông Bắc Việt Nam với nhiều phong cảnh kỳ thú và đa dạng về sinh học, Ba Bể có vị trí đặc biệt trong việc phát triển du lịch, rất thuận lợi trong việc kết nối tour, tuyến du lịch như: tiếp giáp khu di tích lịch sử ATK, huyện Chợ Đồn; di tích lịch sử Nà Tu, huyện Bạch Thông; các điểm du lịch của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang; xa hơn là khu di tích lịch sử Pác Bó và thác Bản Giốc, tỉnh Cao Bằng… Với vị trí đặc biệt như vậy góp phần đưa Ba Bể trở thành trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh Bắc Kạn.

3. Định hướng phát triển của địa phương

Thực hiện Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định Khu du lịch Ba Bể là một trong các điểm hình thành Khu du lịch Quốc gia, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến phát triển Khu du lịch Ba Bể , trong đó ngày 12/8/2021, Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ tư (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Hiện nay, lượng khách du lịch tới Khu du lịch Ba Bể ngày càng tăng, đời sống của Nhân dân được nâng cao, nhiều nhà đầu tư đã và đang khảo sát, đề xuất ý tưởng thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch tại Khu du lịch Ba Bể . Vì vậy, Khu du lịch Ba Bể ngày càng khẳng định vai trò, vị thế và có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ba Bể nói riêng và của tỉnh Bắc Kạn nói chung.

Nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch và dịch vụ đạt tiêu chuẩn, hình thành hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch, khu vui chơi giải trí, thể thao và các cơ sở dịch vụ đồng bộ khác để phát triển du lịch tại Ba Bể, UBND tỉnh đã triển khai xây dựng và đang phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể.

4. Thực trạng

Khu du lịch Ba Bể sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đã có những bước tiến quan trọng trong việc cải thiện hệ thống giao thông, cơ sở vật chất du lịch. Tuy vậy, thực tế cho thấy Khu du lịch Ba Bể vẫn còn có nhiều vấn đề cần được giải quyết như tiêu chí và chỉ tiêu phát triển khu du lịch đạt được chưa cao, sự quan tâm từ khách du lịch và nhà đầu tư đối với việc phát triển du lịch Ba Bể còn nhiều hạn chế, lượng khách du lịch chưa đạt mức mong đợi, các sản phẩm và dịch vụ du lịch chưa thật sự phong phú, việc tổ chức hoạt động còn gặp khó khăn, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được đồng bộ, nguồn nhân lực chưa chuyên nghiệp…

5. Sự cần thiết lập Đề án

Thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 12/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ tư (khóa XII) về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và thực hiện phương hướng phát triển các ngành quan trọng theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc xây dựng Đề án phát triển Khu du lịch Ba Bể thành khu du lịch Quốc gia giai đoạn 2022-2030, định hướng đến năm 2050 là cần thiết để có cơ sở khoa học và thực tiễn, có những định hướng, kế hoạch phát triển du lịch rõ ràng và cụ thể đưa du lịch Ba Bể phát huy hiệu quả các giá trị, xứng tầm với tiềm năng du lịch vốn có, thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương, góp phần bảo tồn các giá trị di sản, duy trì bản sắc văn hóa, môi trường sinh thái.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ VÀ CHỦ TRƯƠNG ĐỊNH HƯỚNG

1. Văn bản quy phạm pháp luật

- Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019.

- Luật Du lịch ngày 19/6/2017.

- Luật Di sản văn hóa ngày 19/6/2001 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009.

- Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14, ngày 25/11/2017.

- Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020.

- Luật Đa dạng sinh học ngày 13/11/2008.

- Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định một số điều của Luật Du lịch.

- Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.

- Nghị định số 30/2022/NĐ-CP ngày 19/5/2022 của Chính phủ quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia.

- Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Lâm nghiệp.

- Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/07/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

- Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

- Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới.

- Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.

2. Nghị quyết

- Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

- Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 11/4/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc thông qua điều chỉnh Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Nghị quyết số 16-NQ/ĐH ngày 28/10/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

- Nghị quyết số 18/NQ-TU ngày 12/8/2021 của Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ tư (khóa XII) về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

3. Các định hướng, chiến lược

- Quyết định số 2153/QĐ-TTg ngày 21/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh Hồ Ba Bể thuộc tỉnh Bắc Kạn và Tuyên Quang.

- Quyết định số 980/QĐ-TTg ngày 21/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030.

- Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 10/5/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

- Quyết định số 2176/QĐ-TTg ngày 23/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

- Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL ngày 21/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

- Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

4. Các chương trình, dự án phát triển du lịch

- Quyết định số 1872/QĐ-UBND ngày 30/10/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng Khu du lịch Ba Bể , tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030; Quyết định số 110/QĐ-UBND ngày 15/01/2014 của UBND tỉnh đính chính Quyết định số 1872/QĐ-UBND ngày 30/10/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng Khu du lịch Ba Bể , tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030.

- Quyết định số 2100/QĐ-UBND ngày 21/12/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

- Quyết định số 974/QĐ-UBND ngày 01/6/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030.

- Quyết định số 1427/QĐ-UBND ngày 10/8/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ du lịch thông minh tỉnh Bắc Kạn”.

- Quyết định số 1434/QĐ-UBND ngày 10/8/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án “Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

- Quyết định số 1489/QĐ-UBND ngày 11/8/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

- Quyết định số 1389/QĐ-UBND ngày 03/8/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025.

- Quyết định số 2094/QĐ-UBND ngày 03/11/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 12/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ tư (khóa XII) về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

- Quyết định 1477/QĐ-UBND ngày 09/8/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch xây dựng Khu du lịch Ba Bể , tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030.

- Quyết định số 2739/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững Vườn Quốc gia Ba Bể giai đoạn 2021 - 2030.

- Quyết định số 676/QĐ-UBND ngày 26/4/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

III. MỤC TIÊU

1. Rà soát, đánh giá tiềm năng, lợi thế, thực trạng phát triển Khu du lịch Ba Bể theo các tiêu chí của khu du lịch quốc gia.

2. Nhận định, xác định những điều kiện đã đạt, chưa đạt của Khu du lịch Ba Bể theo quy định tại Điều 26 Luật Du lịch năm 2017 và Điều 13 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định một số điều của Luật Du lịch; phân tích nguyên nhân, thực trạng.

3. Xây dựng định hướng và đề xuất các nhóm giải pháp, kế hoạch, chương trình tổ chức thực hiện từ năm 2022 đến năm 2030 định hướng đến năm 2050 nhằm duy trì các điều kiện đã đạt, hoàn thiện các điều kiện còn thiếu để phát triển Khu du lịch Ba Bể đủ điều kiện trở thành khu du lịch quốc gia.

IV. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

1. Tài nguyên du lịch khu vực nghiên cứu

- Tài nguyên du lịch tự nhiên bao gồm: Cảnh quan thiên nhiên; các yếu tố địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái và các yếu tố tự nhiên khác có thể được sử dụng cho mục đích du lịch.

- Tài nguyên du lịch văn hóa bao gồm: Di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người có thể sử dụng cho mục đích du lịch.

2. Đối tượng du lịch khu vực nghiên cứu

- Khách du lịch.

- Sản phẩm và dịch vụ du lịch.

- Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.

- Hạ tầng du lịch.

- Bộ máy quản lý.

- Các dự án đầu tư và các vấn đề khác có liên quan.

V. QUY MÔ, PHẠM VI NGHIÊN CỨU VÀ THỜI GIAN

1. Quy mô và phạm vi nghiên cứu: Là toàn bộ diện tích vùng lõi Vườn Quốc gia Ba Bể (bao gồm di tích danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể) và các khu vực phụ cận có liên quan mật thiết về các tài nguyên du lịch.

2. Thời gian

- Thời gian khảo sát tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch Ba Bể từ năm 2016-2022.

- Thời gian xây dựng định hướng mục tiêu: giai đoạn 2022-2030 và định hướng đến năm 2050.

B. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, XÃ HỘI, TÀI NGUYÊN VÀ THỰC TRẠNG

I. KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, XÃ HỘI

1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên

Khu du lịch Ba Bể nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Bắc Kạn, với khu vực vùng lõi nằm trên địa bàn các xã Nam Mẫu, Quảng Khê, Hoàng Trĩ, Khang Ninh, Cao Thượng huyện Ba Bể, cách thị trấn Chợ Rã (trung tâm huyện Ba Bể) khoảng 14km, cách thành phố Bắc Kạn khoảng 74km, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 250km. Hiện nay, đang thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn - Hồ Ba Bể với chiều dài khoảng 39km, dự kiến hoàn thành trong năm 2024 sẽ rút ngắn khoảng cách từ Hà Nội đến Hồ Ba Bể chỉ còn khoảng 215 km sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Địa hình khu vực gồ ghề và cắt xẻ bởi các ngọn núi cao từ 1.400m đến 1.600m xen kẽ là các thung lũng mang lại sự đa dạng của địa hình có núi với nhiều hang động, có hồ, có suối tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ. Ba Bể thuộc khu vực nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm từ 21ºC - 23ºC, lượng mưa trung bình hàng năm là 1.343 mm; khí hậu mát mẻ, trong lành, phù hợp với các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng. Hệ thống sông suối khá dày đặc, với trên 2-2,5 km dòng chảy/km², Hồ Ba Bể có diện tích mặt nước khoảng 500 ha, độ sâu trung bình 15 - 20m; hệ thống thủy văn cung cấp nguồn nước dồi dào cho sinh hoạt và sản xuất. Là nơi có mật độ che phủ rừng rất cao, diện tích rừng tự nhiên rộng lớn phân bố ở tất cả các xã với các loài cây bản địa và nhiều loài gỗ quý như Lát, Đinh, Lim, Sến, Táu, Dẻ… Diện tích rừng tái sinh, rừng trồng cũng ngày càng tăng với các loại cây phù hợp đặc điểm của địa hình và thổ nhưỡng.

Vùng lõi du lịch cũng chính là vùng lõi của Vườn quốc gia Ba Bể và di tích danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể có diện tích 10.048 ha nằm trên địa bàn các xã Thượng Giáo, Khang Ninh, Cao Thượng, Quảng Khê, Nam Mẫu, Hoàng Trĩ và xã Nam Cường huyện Chợ Đồn; khu vực đã mang tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học với nhiều loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ IUCN (The IUCN Red List of threatened species).

Với những tiềm năng về điều kiện tự nhiên, Khu du lịch Ba Bể có thể phát triển các loại hình du lịch đa dạng như: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch khám phá…

2. Điều kiện kinh tế, xã hội

Ba Bể có mật độ dân cư thấp, phân bố rải rác, tập trung cao nhất tại thị trấn Chợ Rã và dọc theo các tuyến giao thông quốc lộ, tỉnh lộ. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mông, Dao nên trong vùng duy trì tốt nhiều phong tục tập quán đặc trưng cùng các sinh hoạt văn hoá dân gian độc đáo. Tuy nhiên, cần có các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo tồn môi trường sinh thái và văn hóa truyền thống.

Kinh tế chủ yếu là phát triển nông nghiệp với các hoạt động như trồng lúa, khai thác rừng, khai thác thủy sản; một số thôn, bản người dân đã tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng. Thu nhập bình quân đầu người thấp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.

3. Hiện trạng khu vực nghiên cứu

- Hiện trạng sử dụng đất: Diện tích đất rừng chiếm tỷ lệ trên 85%, là vùng bảo tồn thiên nhiên quan trọng của quốc gia; diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ, tập trung tại các khu vực ven hồ và diện tích đất ở chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

- Hiện trạng công trình kiến trúc:

+ Khu vực vùng lõi du lịch: Các công trình thành phần của Ban Quản lý Vườn quốc gia Ba Bể, công trình kinh doanh du lịch của một số doanh nghiệp và nhà ở của một số hộ dân có hình thức hiện đại đang dần thay thế các công trình nhà sàn truyền thống của người dân địa phương. Hiện nay, nhà ở của người dân tại các thôn Pác Ngòi, thôn Bó Lù đang dần chuyển từ hình thức nhà sàn truyền thống sang xây dựng các công trình kết hợp khách sạn, nhà nghỉ với kiến trúc hiện đại.

+ Toàn khu vực: Khu vực dọc theo đường ĐT.258 có hình thái kiến trúc pha trộn nhiều phong cách, chủ yếu là nhà ống và nhà mái bằng hiện đại. Khu vực dân cư nông thôn phân bố rải rác, kiến trúc nhà ở chủ yếu là nhà sàn truyền thống, tuy nhiên hiện nay đang bị mai một. Vùng rừng bảo tồn và phục hồi sinh thái, không gian kiến trúc hầu như chưa phát triển.

- Hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

+ Giao thông: Khu vực vùng lõi du lịch có các tuyến giao thông chính là đường tỉnh 254 và đường tỉnh 257B. Trên toàn khu vực có hệ thống đường quốc lộ, đường tỉnh và đường huyện tương đối phát triển.

+ Nền xây dựng và thoát nước: Nền xây dựng chủ yếu là nền đất, nền bê tông cốt thép tại các khu vực đô thị hóa.

+ Hệ thống thoát nước chủ yếu là thoát nước tự nhiên.

+ Cấp điện: Hầu hết nhà ở dân cư và trụ sở các cơ quan trong khu vực đã được cấp điện lưới quốc gia.

+ Cấp nước: Nước sinh hoạt của các hộ dân chủ yếu lấy từ nước giếng hoặc các mỏ nước tự nhiên trên sườn núi.

- Hạ tầng môi trường: Một số thôn, bản với dân cư tập trung đã có các hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt và vận chuyển đến điểm xử lý quy định. Chưa có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt.

- Hiện trạng hạ tầng xã hội: Có các công trình hạ tầng xã hội như:

+ Khu trụ sở Ban Quản lý Vườn quốc gia Ba Bể.

+ Trung tâm du lịch Ba Bể.

+ Trụ sở Đảng ủy, HĐND, Ủy ban nhân dân các xã.

+ Hệ thống Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế xã.

+ Hệ thống thiết chế văn hóa xã, thôn bản.

+ Hệ thống thiết chế giáo dục.

- Hiện trạng tài nguyên rừng, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản: Độ che phủ rừng cao, là vùng bảo tồn thiên nhiên quan trọng của quốc gia, có nhiều loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu, nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng.

- Một số vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường như:

+ Thiên tai: Lũ lụt, sạt lở đất, ngập úng.

+ Bồi lắng: Do phù sa của các sông, suối đổ vào Hồ Ba Bể.

+ Ô nhiễm môi trường nước: Do rác thải sinh hoạt, nước thải từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ.

- Hiện trạng sử dụng đất, công trình kiến trúc, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tài nguyên rừng, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cần được quan tâm giải quyết.

4. Các quy hoạch, dự án đang triển khai

a) Các quy hoạch dự án đang triển khai

- Quyết định số 2043/QĐ-UBND ngày 06/12/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể;

- Quyết định số 1794/QĐ-UBND ngày 26/10/2018 của UBND tỉnh phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Bắc Kạn;

- Quy hoạch chung phát triển nông thôn mới các xã liên quan.

- Dự án Hệ thống thu gom và xử lý nước thải các thôn khu vực Hồ Ba Bể (Sở Xây dựng được giao làm chủ đầu tư thực hiện).

- Hiện nay, UBND tỉnh đang trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể.

- Ngoài ra, đang triển khai các dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ phục vụ phát triển du lịch.

b) Đánh giá chung việc thực hiện các quy hoạch

- Các quy hoạch được lập theo ngành, lĩnh vực khác nhau như quy hoạch lâm nghiệp, quy hoạch du lịch, quy hoạch nông thôn, quy hoạch di tích... Mỗi quy hoạch phù hợp với quan điểm, mục tiêu và giải pháp riêng, cách tiếp cận và góc nhìn riêng của mỗi ngành, lĩnh vực dẫn đến tình trạng thiếu sự liên kết, phối hợp giữa các quy hoạch, gây khó khăn trong việc thực hiện, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

- Việc quản lý triển khai thực hiện quy hoạch tại địa phương:

+ Một số quy định trong cơ sở pháp lý chưa thực sự rõ ràng, gây lúng túng trong quản lý, ảnh hưởng đến việc xử lý, ngăn chặn vấn đề từ khi phát sinh.

+ Quá trình lập quy hoạch theo lĩnh vực quản lý của các ngành về đất đai, xây dựng, phát triển du lịch khi được phê duyệt đều có hạng mục đo đạc, lập bản đồ và xác định ranh giới, mốc giới theo diện tích. Tuy nhiên, trên thực tế sau khi phê duyệt quy hoạch chưa thực hiện cắm mốc để xác định ranh giới quy hoạch ngoài thực địa hoặc có quy hoạch đã có mốc giới tạm nhưng người dân tự ý di chuyển cọc mốc đã phân định ranh giới dẫn đến tình trạng khó xác định ranh giới quản lý.

- Các ngành liên quan và địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích cho Nhân dân hiểu về ý nghĩa của việc quản lý xây dựng các công trình trong vùng lõi Vườn Quốc gia, nhưng vẫn có hiện tượng một số người dân, hộ gia đình cố tình vi phạm.

- Các quy hoạch chưa được điều chỉnh theo đúng kỳ quy hoạch do đó ảnh hưởng đến quá trình phát triển của địa phương; một số quy hoạch do các cấp lập, quản lý khác nhau nên có sự không thống nhất trong nội dung quy hoạch.

Những khó khăn, bất cập chưa được giải quyết làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên của Vườn quốc gia Ba Bể cũng như đời sống của người dân trong vùng, đặc biệt là các hộ dân sinh sống trong vùng lõi Vườn quốc gia Ba Bể. Những ảnh hưởng trên ngày càng lớn và chịu nhiều áp lực trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của kinh tế xã hội, phát triển du lịch tại Khu du lịch Ba Bể .

II. THỰC TRẠNG

1. Tài nguyên du lịch

a) Tài nguyên du lịch tự nhiên

- Yếu tố địa hình, địa chất độc đáo: Khu vực Hồ Ba Bể có nhiều giá trị độc đáo, tiêu biểu cho quá trình phát triển, tiến hoá lâu dài và phức tạp của địa chất, địa mạo từ cách đây hàng trăm triệu năm. Các yếu tố địa chất tại Hồ Ba Bể và sự vận động lâu dài của các hoạt động địa chất đặc biệt tại đây hình thành nên những dãy núi cao hùng vĩ, những hẻm vực, thác nước và diện tích mặt Hồ Ba Bể.

- Hệ sinh thái đa dạng, phong phú: Hệ sinh thái Hồ Ba Bể với diện tích rừng bao phủ lớn cùng các khu hệ thực vật, động vật đa dạng, có nhiều loài quý hiếm, nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam cần được bảo tồn, nơi đây là biểu trưng các giá trị của hệ sinh thái núi karst đá vôi của Việt Nam cùng với giá trị toàn cầu về bảo tồn đa dạng sinh học - đặc trưng của mật độ cao của các loài động thực vật.

- Cảnh quan thiên nhiên: Vườn quốc gia Ba Bể nằm trên độ cao từ khoảng 150m đến hơn 1.000m so với mặt nước biển, chiếm ưu thế là các dãy núi đá vôi với nhiều đỉnh cao lởm chởm, độ phân cắt lớn, nhiều sườn đồi dốc bao quanh các thung lũng và sông suối tạo nên những cảnh quan độc đáo. Trong đó, Hồ Ba Bể nằm giữa một vùng rừng nguyên sinh trên núi đá hùng vĩ với những vách núi đá thẳng đứng cùng với thảm thực vật đặc trưng tạo nên cảnh quan sơn thuỷ huyền diệu, hữu tình, mặt hồ phẳng lặng, yên ả tạo sức hấp dẫn cho du lịch; đảo An Mạ, đảo Bà Goá là những khối đá vôi nhô cao soi bóng xuống mặt hồ; quanh hồ, trên những vách núi đá vôi có loài trúc dây mọc buông xuống như những bức mành tạo nên cảnh sắc lung linh huyền ảo…Ba Bể là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam và là một trong các hồ nước ngọt lớn nhất thế giới; hướng Bắc của Hồ Ba Bể là Ao Tiên, với diện tích mặt nước khoảng 1,5ha, xung quanh cây rừng phủ kín bờ và có nhiều đá tầng tạo nên cảnh quan rất thơ mộng, yên tĩnh. Dọc theo sông Năng đi về phía Tây là thác Đầu Đẳng, thác chảy qua 3 bậc đá, chênh nhau từ 7-8m, sức nước chảy mạnh, hai bên vách đá thẳng đứng tạo nên một cảnh quan hùng vĩ, hấp dẫn du khách ưa khám phá mạo hiểm.

Một đặc điểm rất quan trọng tạo nên cảnh quan phong phú tại Vườn Quốc gia Ba Bể là hệ thống các hang động với vẻ đẹp kỳ vĩ gắn liền nhiều huyền thoại như: động Puông ở phía Bắc Vườn Quốc gia trong hệ núi Lung Nham, động có nhiều thạch nhũ loại rũ và bậc thang và là nơi cư trú của nhiều loài động vật, đặc biệt là dơi và chim nhạn, chim én rất hấp dẫn cho du khách tham quan và các nhà nghiên cứu; động Tiên ở phía Bắc Hồ Ba Bể, cách mặt hồ khoảng 15m, cửa động cao 15m, rộng 35m tạo bởi các lớp đá xếp thành tầng và thạch nhũ, từ cửa có thể quan sát được toàn cảnh Hồ Ba Bể; động Ba Cửa cách bến phà phía Bắc khoảng 1,2km, cách mặt hồ 20m, có 3 cửa hình tròn, đường kính 2-3m, cửa động quay về hướng Tây đối diện với thôn Pác Ngòi, trong động có một khoảng rộng xấp xỉ 100m² với nhiều thạch nhũ xếp tầng, từ đó theo một ngách dài khoảng 70m đưa tới vách hồ và ở đây có thể nhìn thấy đảo Bà Goá; động Thẳm Khít nằm trên đường mòn từ bến phà Bắc đi Pác Ngòi ở độ cao 200m, cửa động cao 10 - 20m, rộng 50 - 60m, có nhiều tầng lớp, trong động có chỗ rộng khoảng 150 - 200m2, có nhiều loại thạch nhũ, hình rũ, hình cột, hình măng... khi có ánh đèn chiếu sáng, động hiện lên vẻ đẹp tráng lệ.

Các xã quanh khu vực hồ cũng có nhiều địa điểm có giá trị khai thác du lịch như: thác Tát Mạ, động Thẳm Phầy (xã Hoàng Trĩ); động Hua Mạ, động Thẳm Thinh, thác Tát Tửn (xã Quảng Khê); thác và rừng trúc Pù Lầu (xã Yến Dương)...

b) Tài nguyên du lịch văn hóa

- Qua khảo sát, Ba Bể vẫn còn lưu giữ được những bằng chứng của lịch sử tiến hoá loài người như nhiều công cụ thời kỳ đồ đá cũ (cách đây 11.000-25.000 năm) đã được tìm thấy ở hang Thẳm Thinh (xã Quảng Khê) và động Puông, công cụ đồ đá mới (cách đây 11.000 năm) cũng được tìm thấy ở động Tiên (Thẳm Mjìa), công cụ của thời kỳ đồ đá muộn - kim loại (cách đây 3.000-4.000 năm) được tìm thấy ở Nà Cà, Nà Tem, Khau La. Ngoài ra còn những dấu tích lịch sử triều đại Lê - Mạc (thế kỷ thứ XVII) tại động Puông, đảo An Mã; bia đá khắc văn bia ghi lại một sự kiện một sự kiện lịch sử gắn với triều Nguyễn (tác giả văn bia có thể là Nguyễn Khắc Hòe) tại đảo Bà Góa... Nơi đây còn có các di tích lịch sử cách mạng có giá trị như: nơi ở và làm việc của Đài Tiếng nói Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp; nơi thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên trong cao trào kháng Nhật cứu nước năm 1945... các địa điểm mang dấu tích lịch sử, các di tích đã trở thành những điểm đến tham quan có giá trị trong hệ thống du lịch.

- Ba Bể là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số với quá trình lao động, sản xuất, sinh hoạt mang trong mình những truyền thuyết, câu chuyện, các lễ hội, trang phục, ẩm thực và các nét đẹp văn hóa riêng đậm truyền thống bản sắc của từng dân tộc, các yếu tố này đã và đang thu hút sự quan tâm của khách du lịch đến để trải nghiệm và tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của địa phương, góp phần làm phong phú hơn các sản phẩm du lịch.

- Về cảnh quan làng bản: Ba Bể có sự giao hòa giữa cảnh quan thiên nhiên, làng bản, những ngôi nhà truyền thống xen giữa không gian núi rừng xanh ngát cùng với thửa ruộng bậc thang, sự hòa quyện này không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp tự nhiên mà còn tạo ra một không gian sống động, nơi du khách có cơ hội cảm nhận tổng thể về các giá trị thiên nhiên và văn hóa. Trong không gian thiên nhiên và văn hóa, thuyền độc mộc là hình ảnh đặc trưng, chiếc thuyền được đẽo từ một thân gỗ dài, có chiều ngang hẹp và chở được khoảng hai người. Hiện nay, thuyền độc mộc đang được phục dựng để phục vụ các hoạt động du lịch và trải nghiệm tại Ba Bể.

- Về ngữ văn dân gian: Trong quá trình lịch sử, lao động, sáng tạo, đồng bào nơi đây còn có nhiều câu chuyện kể, truyền thuyết gắn liền với các địa danh như truyền thuyết về sự hình thành Hồ Ba Bể, các câu chuyện về các cuộc giao tranh với giặc phương Bắc, câu chuyện về nhà Mạc tại đảo An Mạ…thể hiện sự phong phú của văn hóa về những sự kiện đã diễn ra trong lịch sử gắn với những nhân vật có thật đã xuất hiện ở quá khứ mang nhiều yếu tố thần kỳ nhằm giải thích một số phong tục, tập quán và giáo dục thế hệ sau. Với hệ thống ngữ văn dân gian phong phú là nguyên liệu tốt trong các giới thiệu, thuyết minh đem lại các hiểu biết, cảm nhận sâu sắc cho khách du lịch.

- Về văn hóa nghệ thuật: các điệu hát then, sli, lượn… được duy trì trong cuộc sống sinh hoạt và trình diễn trong các lễ hội, liên hoan văn nghệ hoặc các chương trình văn nghệ phục vụ các đoàn khách du lịch.

- Về lễ hội: hàng năm vào ngày 10 tháng giêng (âm lịch), lễ hội Lồng tồng Ba Bể (hội xuống đồng) được tổ chức đã thu hút nhiều du khách đến tham gia, trải nghiệm với hình thức tổ chức có phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ được tiến hành tại đền An Mạ sau đó rước về địa điểm hội ở sân bãi thôn Bó Lù, tín ngưỡng dân gian được duy trì tại đền An Mạ đã thu hút khá nhiều du khách thập phương đến lễ; phần hội được tổ chức gồm hội trại, các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian (tung còn, bịt mắt bắt vịt, chọi bò, kéo co, đua thuyền độc độc...), biểu diễn văn nghệ, thi trang phục dân tộc... Ngoài ra còn có các hoạt động lễ hội khác như lễ cầu mùa, cầu mưa thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tham gia, trải nghiệm.

- Về trang phục: Đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn giữ được nét trang phục mang bản sắc riêng của dân tộc mình, mặc dù hiện nay việc sử dụng đã ít dần trong đời sống thường ngày song trang phục truyền thống vẫn được chú trọng bảo tồn, gìn giữ.

- Về ẩm thực: Ba Bể có ẩm thực phong phú với nhiều món ăn đặc sắc của đồng bào nơi đây như cá, tôm hồ nướng, bánh củ chuối, bánh lá ngải cứu, bánh trời, lạp sườn, thịt lợn treo gác bếp, xôi nếp nương, thịt lợn chua, tôm chua, bí xanh thơm, hồng không hạt và các loại rau rừng theo từng mùa…

- Vùng xung quanh khu du lịch là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, cùng với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất đã tạo nên các giá trị văn hóa và trở thành tài nguyên du lịch đặc sắc như cảnh quan các làng bản cùng kiến trúc nhà ở truyền thống các dân tộc Tày, Mông, Dao; cảnh quan nông nghiệp với ruộng bậc thang, các vùng trồng bí xanh thơm, trà hoa vàng, hồng, mận... Cộng đồng dân cư và các nghề truyền thống đã tạo được những sản phẩm hàng hóa du lịch như rượu ngô, rượu men lá, bí xanh thơm, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ... Cùng với các phong tục tập quán hiện còn lưu giữ được đã trở thành tiềm năng du lịch văn hóa phong phú, sẵn sàng đáp ứng và làm hài lòng du khách.

c) Sức chứa của điểm tài nguyên:

Ba Bể là một vùng cảnh quan sinh thái rộng lớn, theo tính toán tại quy hoạch xây dựng Khu du lịch Ba Bể, vùng lõi của khu du lịch có sức chứa khoảng 4.500 khách/ngày, trong đó lượng khách lưu trú tới 2.250 khách/ngày. Theo dự báo các chỉ tiêu du lịch tại phương án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể như sau:

- Khu vực lập quy hoạch di tích có diện tích 10.184,70 ha, trong đó diện tích phát triển dịch vụ, du lịch là 104,48 ha. Ước tính diện tích dành cho khách (diện tích đảm bảo cho khách du lịch hoạt động thuận lợi nhất) là 150 m2/khách thì sức chứa tối đa cho khu di tích vào khoảng 7.000 khách hoạt động cùng một lúc (như vậy, sức chứa tối đa trung bình của khu du lịch nằm trong khoảng 2.250 đến 3000 khách/ngày là phù hợp).

- Đón khoảng 800 nghìn - 1,2 triệu khách/năm; nhu cầu phòng khoảng 3.000 phòng (dự kiến khoảng 500 - 1.000 phòng phân bố trong ranh giới di tích, còn lại phân bố tại các khu vực lân cận: Quảng Khê, Chợ Rã, Nam Cường, Khang Ninh…).

d) Bảo vệ và tôn tạo tài nguyên

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các tài nguyên du lịch văn hóa chịu nhiều tác động và có phần biến đổi theo nhiều xu hướng, chịu những tác động từ biến đổi khí hậu và cả từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, tài nguyên du lịch vẫn còn giữ được tương đối nguyên bản, được bảo vệ tốt, tạo cảnh đẹp, bảo tồn được truyền thống văn hóa hấp dẫn riêng biệt, cùng với đó là sự quan tâm, chú trọng của các cấp, ngành, chính quyền, địa phương và Nhân dân.

Một số vấn đề hiện hữu cần quan tâm giải quyết nhằm ngăn chặn các tác động và biến đổi ảnh hưởng đến tài nguyên du lịch như:

- Hiện tượng bồi lắng hồ và các sông chảy vào Hồ Ba Bể đã làm ảnh hưởng đến khả năng chứa nước, biến đổi địa hình, ảnh hưởng thủy sinh trong lòng hồ.

- Các hiện tượng sai phạm trong hoạt động xây dựng các công trình cao tầng, mật độ cao, xu hướng thay thế các công trình kiến trúc truyền thống bằng những công trình mới thiếu bản sắc đã ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch, tính toàn vẹn của thắng cảnh Hồ Ba Bể.

- Nước thải từ các khu vực dân cư không qua xử lý đổ vào các tuyến sông và đổ vào Hồ Ba Bể, cùng rác thải gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng môi trường và mỹ quan thắng cảnh.

- Các phương tiện vận chuyển trên hồ phần lớn là các xuồng máy chạy dầu, gây tiếng ồn lớn, ô nhiễm không khí do khói động cơ, ô nhiễm môi trường nước do dầu thải chảy tràn.

- Tình trạng khai thác nguồn lợi thủy sản quá mức, khai thác tại những khu vực dành cho cá đẻ, khai thác liên tục, dùng những công cụ bị cấm như lưới bát quái, lưới mắt nhỏ... đã gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.

- Còn hiện tượng xâm phạm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép, đốt nương làm rẫy, săn bẫy thú rừng gây ảnh hưởng đến diện tích rừng và đa dạng sinh học.

- Việc phát triển du lịch “nóng” tạo ra các nhu cầu đầu tư xây dựng có nguy cơ ảnh hưởng đến cảnh quan, đất rừng, suy giảm diện tích trồng lúa và ảnh hưởng đến sinh kế của người dân đang sinh sống.

2. Phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch

a) Cung cấp và chỉ dẫn thông tin

- Cung cấp thông tin cho khách hàng:

+ Hiện chưa có dịch vụ cung cấp thông tin cho khách qua điện thoại 24/24.

+ Việc cung cấp dịch vụ thông tin qua mạng thông tin toàn cầu (website hoặc mạng xã hội) chưa được chú ý đúng mức. Website của Vườn Quốc gia Ba Bể được xây dựng bằng hai ngôn ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) nhưng nội dung còn đơn giản, chưa cung cấp được nhiều thông tin cần thiết; trên Website của huyện Ba Bể nội dung du lịch chỉ là một mục nhỏ, rất đơn giản và ít thông tin.

+ Hiện nay đã có một số ấn phẩm hướng dẫn thông tin phát cho khách tham quan, được thiết kế công phu, hình ảnh ấn tượng, độc đáo, kích cỡ phù hợp để mang theo, thông tin đầy đủ, dễ đọc, sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường.

- Chỉ dẫn thông tin trong toàn bộ khu du lịch:

+ Đã có một số bảng nội quy của toàn khu du lịch và bảng nội quy chi tiết tại các khu chức năng, tuy nhiên còn thiếu, ít và không gây ấn tượng.

+ Sơ đồ chỉ dẫn toàn khu du lịch và các khu chức năng được đặt tại một số nơi trong khu du lịch nhưng số lượng ít, thiếu và nhiều biển đã hư hỏng; chưa hình thành tính hệ thống biển chỉ dẫn đến các khu chức năng trong khu du lịch.

+ Biển chỉ dẫn bằng tiếng Việt được thiết kế với nhiều hình ảnh, ký hiệu nhưng chưa thể hiện tính thông tin và không có sơ đồ thông tin định vị vị trí của du khách.

- Trung tâm thông tin du lịch

+ Do chưa có trung tâm thông tin du lịch nên trên thực tế việc cung cấp thông tin du lịch còn rất hạn chế.

+ Không có phòng cung cấp thông tin trang bị máy tính kết nối internet cho khách du lịch tìm kiếm thông tin về khu du lịch.

+ Không có nhân viên chuyên trách trực cung cấp thông tin tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của du khách...

+ Không có các quầy thông tin tại các phân khu chức năng trong khu du lịch.

b) Thuyết minh

Đã có thuyết minh viên chuyên trách phục vụ khách du lịch nhưng đội ngũ còn ít, kinh nghiệm chưa nhiều nên chưa đáp ứng được tương lai phát triển, một số thuyết minh viên có khả năng sử dụng ngoại ngữ nhưng chưa có dịch vụ thuyết minh tự động; chưa có bảng thông tin điện tử thuyết minh về các đối tượng tham quan, chưa có hỗ trợ khách khiếm thính.

c) Các dịch vụ du lịch

- Dịch vụ cung cấp cho du khách trong các khu lưu trú với nhiều hình thức như khách sạn, nhà nghỉ, homstay có bảng công khai giá dịch vụ, trong một số thời điểm cũng đã có chính sách ưu đãi cho khách hàng, tuy nhiên chưa mang tính tổng thể, tính hệ thống cao trong toàn khu. Các cơ sở lưu trú đều không giới hạn thời gian phục vụ; một số nhân viên có kỹ năng tốt, thân thiện, nhiệt tình.

- Dịch vụ ăn uống: Ba Bể có nguồn nguyên liệu ẩm thực phong phú, có nhiều sản phẩm OCOP, các món ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mang đậm nét văn hóa ẩm thực riêng biệt.

- Dịch vụ vui chơi, giải trí còn rất hạn chế do chưa có trung tâm giải trí lớn, du khách chủ yếu dành nhiều thời gian đi tham quan, trải nghiệm phong cảnh tự nhiên và nghỉ dưỡng.

- Các hoạt động trình diễn, biểu diễn nghệ thuật: Đã có các đội văn nghệ tại các thôn, bản, đội văn nghệ của Trung tâm văn hóa huyện với nhiều hoạt động trình diễn, biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách, tuy vậy hoạt động này còn ít và chưa thật sự phong phú.

- Dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá, tìm hiểu các giá trị về tự nhiên, văn hóa: Chương trình tham quan chưa phong phú, linh hoạt, chưa tương xứng với nguồn tài nguyên du lịch, chủ yếu là các hoạt động đơn lẻ như đi thuyền trên hồ, tham quan một số điểm như thác nước, ruộng bậc thang...; đã hình thành một số tuyến đi bộ (tracking) xuyên rừng tự nhiên hoặc đi tới các thôn bản vùng cao phía Tây Bắc của Hồ Ba Bể.

- Dịch vụ tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo: Các sự kiện, hội nghị, hội thảo ít được tổ chức trong khu vực và chưa được phong phú.

- Dịch vụ mua sắm: Hiện có các dịch vụ nhỏ lẻ, hàng quán của người dân để phục vụ nhu cầu của khách như mua sắm, tư vấn sức khỏe, thuê thiết bị cá nhân, trải nghiệm nghề dệt thủ công truyền thống người Tày, sản phẩm nông sản, ẩm thực... tuy nhiên các cơ sở còn nhỏ hẹp, hoạt động manh mún.

3. Lượng khách du lịch

Biểu thống kê khách du lịch:

Năm

Đơn vị

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2021

2022

Lượt khách

Khách

44.900

49.883

62.900

57.200

85.000

38.000

20.350

76.840

Quốc tế

Khách

5.578

5.283

8.600

12.700

15.000

3.500

300

3.000

Nội địa

Khách

39.322

44.600

54.300

44.500

70.000

34.500

20.050

73.840

(Nguồn: Theo số liệu của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Bể)

Số liệu trên được thống kê theo số lượng vé du lịch chỉ trong khu vực Hồ Ba Bể, số lượng thực tế đến với toàn khu vực sẽ cao hơn. Tuy nhiên số liệu trên cũng đã minh chứng về xu hướng tăng trưởng du lịch tại địa phương.

Hàng năm, lượng khách đến khu du lịch có tăng nhưng chưa nhiều, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID nên lượng khách năm 2020 và năm 2021 giảm mạnh so với các năm trước đó, đến năm 2022 du lịch được phục hồi, lượng khách đạt khoảng 77.000 lượt. Tuy nhiên, chủ yếu là khách nội địa, số ngày lưu trú ngắn (trung bình khoảng 1 ngày), khách quốc tế chiếm tỷ lệ nhỏ. Tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân hàng năm (không kể những năm 2020-2021 chịu tác động của dịch bệnh COVID) là 13,4%/năm; trong đó, tốc độ tăng trưởng lượng khách quốc tế là 8,7%/năm, tốc độ tăng trưởng lượng khách nội địa là 16,0%.

4. Tổ chức quản lý hoạt động

a) Bộ máy quản lý hoạt động

Ban quản lý Khu du lịch Ba Bể được thành lập theo Quyết định số 08/QĐ- UBND ngày 04/01/2018 của UBND tỉnh trên cơ sở chuyển nhiệm vụ quản lý và kinh doanh du lịch thuộc Trung tâm giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường rừng thuộc Ban quản lý Vườn Quốc gia Ba Bể; là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng để hoạt động theo quy định của pháp luật, chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của UBND huyện; trụ sở làm việc của Ban quản lý Khu du lịch Ba Bể được đặt tại nhà Hợp tác xã quản lý Hồ Ba Bể. Ban quản lý Khu du lịch Ba Bể có trách nhiệm quản lý điều hành, xử lý các vấn đề của khu du lịch (còn lại các địa bàn khác liên quan chưa nằm trong hệ thống quản lý của Ban mà hoạt động theo đăng ký kinh doanh, dưới sự giám sát quản lý của các Phòng, ban chuyên môn của huyện) một cách phù hợp, hài hòa, đảm bảo tăng trưởng đều hàng năm, tuy vậy trên thực tế tăng trưởng hàng năm chưa thực sự có bước đột phá.

b) Quản lý vệ sinh môi trường

- Môi trường tự nhiên và vệ sinh chung: Bên cạnh không khí trong lành, yên tĩnh thì nguồn nước mặt (hồ, ao, sông, suối...) đã có những biểu hiện ô nhiễm đến từ đầu nguồn nước của các sông chảy vào Hồ Ba Bể; việc thu gom nước thải trong khu du lịch chưa được thực hiện triệt để, nước thải chưa qua xử lý từ các hộ dân chảy thẳng xuống các vùng trũng, rãnh, sông, suối và chảy vào Hồ Ba Bể; có hiện tượng rác thải bị vứt bừa bãi dọc đường giao thông, tại các điểm tham quan và các nguồn nước mặt (hồ, ao, sông, suối, khu vực ven bờ...), mặc dù các cơ quan chức năng đã thường xuyên tuyên truyền, khắc phục nhưng chưa triệt để, chưa hiệu quả.

- Xử lý rác thải: Hiện nay huyện đã có phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, có hệ thống thu gom rác thải lẻ, bố trí thùng rác dọc một số đường giao thông nội bộ và các khu vực tập trung đông người, có phương tiện vận chuyển rác thải tới nơi xử lý rác, tuy nhiên việc thực hiện chưa đầy đủ, triệt để, biện pháp xử lý còn thô sơ, chủ yếu bằng cách đốt hoặc chôn lấp…

- Hệ thống nhà vệ sinh công cộng: Hiện tại hệ thống nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch được đặt tại các khu chức năng và các điểm tham quan chính, chưa có bố trí các buồng vệ sinh lưu động tại các khu công cộng khác.

c) Quản lý môi trường xã hội: Không xuất hiện các hành vi quấy nhiễu khách du lịch (đeo bám khách để bán hàng, chào mời dịch vụ…); người dân giao tiếp, ứng xử lịch sự, văn minh thể hiện được bản sắc văn hóa, luôn sẵn sàng hỗ trợ khách du lịch như tư vấn, hướng dẫn, chỉ đường, tôn trọng văn hóa, ứng xử của khách du lịch từ các vùng miền, nhiệt tình giới thiệu hướng dẫn khách du lịch hòa nhập, cảm nhận và trải nghiệm phong cách văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của địa phương.

d) Quản lý an ninh trật tự

- Tổ chức lực lượng an ninh, trật tự: Khu du lịch Ba Bể có bộ phận đảm bảo an ninh trật tự nhưng chưa có các tổ chuyên trách bố trí trực tại các điểm và chưa có đội giám sát, tuần tra chuyên trách, các công việc chủ yếu được thực hiện bởi Vườn Quốc gia và Công an xã.

- Phương án đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch: Hiện nay chưa có phương án đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch trong điều kiện bình thường với những sự cố đơn giản, thường gặp, chưa có đường dây nóng kết nối với ban, ngành chức năng của địa phương để phối hợp trong việc đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch (như: hỗ trợ khu du lịch trong việc phối hợp giải quyết các vấn đề vượt quá chức năng của khu du lịch, cử nhân viên trực đường dây nóng 24/7…), chưa có phương án chủ động sơ tán, ứng cứu cho khách và tài sản khi có thiên tai, hỏa hoạn và những sự cố nghiêm trọng khác.

- Cơ sở vật chất kỹ thuật: Chưa có hệ thống camera hiện đại, góc quay rộng, độ phân giải cao để giám sát an ninh ở các điểm tham quan chính và các khu chức năng; chưa có trang bị hệ thống báo cháy nổ tự động trong các khu nhà, chưa có hệ thống loa phóng thanh để thông báo các sự cố, trường hợp khẩn cấp, tại những khu vực nguy hiểm đã có bố trí hệ thống hàng rào cách ly khu vực nguy hiểm, đã bố trí vòi nước và các bồn chứa nước phục vụ cứu hỏa tại các khu chức năng.

5. Các cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch

a) Hệ thống cơ sở lưu trú

Hiện nay, huyện Ba Bể có trên 80 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 832 phòng và 56 cơ sở lưu trú theo loại hình Homestay, trong đó khu vực vùng lõi du lịch có 74 cơ sở lưu trú du lịch với 12 khách sạn (có 04 khách sạn đạt tiêu chuẩn, 06 khách sạn 1 sao, 01 khách sạn 2 sao, 01 khách sạn 3 sao); 06 nhà nghỉ du lịch; 56 nhà nghỉ homstay với tổng số 697 phòng, buồng và 1.289 giường. Hệ thống cơ sở lưu trú tập trung chủ yếu quanh vùng lõi du lịch là khu vực Hồ Ba Bể với công suất phục vụ như hiện nay của các cơ sở lưu trú cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu trú, tuy nhiên để đạt tiêu chí khu du lịch quốc gia thì phải đáp ứng tối thiểu 300.000 lượt khách lưu trú/năm, tương ứng với khoảng 1.200 phòng.

b) Hệ thống nhà hàng phục vụ khách du lịch

Khu vực quanh Hồ Ba Bể hiện có 102 nhà hàng ăn uống nhưng chủ yếu là các nhà hàng nhỏ, có một số nhà hàng đạt tiêu chuẩn và tại một số khách sạn, nhà nghỉ, homstay có nấu ăn kèm theo; ngoài ra, tại thị trấn Chợ Rã có khoảng 3-4 nhà hàng và một số cơ sở ăn uống tại một số xã khác cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà hàng đều có quy mô nhỏ, không đồng bộ, chất lượng kinh doanh dịch vụ chưa cao, chưa theo kịp với xu thế phát triển du lịch hiện nay.

c) Cơ sở phục vụ vui chơi giải trí

Hiện nay, có 17 cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe (tắm thuốc, xông hơi massage, karaoke...) đều là các cơ sở dịch vụ nhỏ, hoạt động không đều; chưa có khu vui chơi giải trí tổng hợp như khu vui chơi ngoài trời, khu vui chơi trong nhà, rạp chiếu phim... chưa có khu vui chơi nào được chứng nhận khu vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế IAAPA.

d) Các điểm mua sắm hàng hóa

Hiện nay, khu du lịch có khoảng 50 điểm bán hàng dịch vụ phục vụ khách du lịch, các điểm bán hàng hóa còn nhỏ lẻ, tạm bợ, các sản vật, sản phẩm lưu niệm còn đơn điệu, chưa thể hiện được đầy đủ các giá trị đặc trưng vùng miền.

e) Hệ thống vận chuyển khách du lịch

Khu vực Hồ Ba Bể chưa có hệ thống xe điện phục vụ di chuyển của du khách. Các phương tiện vận chuyển khách du lịch chủ yếu là ô tô cá nhân, ô tô khách lưu thông, tiếp cận vào vùng lõi du lịch, gây ô nhiễm âm thanh và không khí. Trong tương lai cần bố trí các bến, bãi đỗ xe của khách du lịch nằm bên ngoài vùng lõi và phát triển hệ thống xe điện đưa khách đến các điểm tham quan.

Hiện nay có 162 xuồng, số lượng xuồng khá nhiều nhưng chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ du lịch, cùng với việc các cơ sở vui chơi giải trí - thể thao, dịch vụ phục vụ khách du lịch còn hạn chế nên chưa kích thích được khả năng chi tiêu, kéo dài thời gian lưu trú cũng như khả năng quay lại tham quan, trải nghiệm của du khách; hầu hết các xuồng đang sử dụng động cơ nhiên liệu hóa thạch gây tiếng ồn lớn và làm ô nhiễm không khí. Cần thiết dần chuyển đổi các xuồng du lịch sang sử dụng động cơ điện.

6. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật

a) Hệ thống đường giao thông

- Hệ thống giao thông tiếp cận: Đường vào khu du lịch được kết nối trực tiếp với hệ thống giao thông quốc gia thông qua hai đầu đoạn tuyến đường ĐT.254 đi qua khu vực, tạo ra 02 cửa ngõ chính để vào địa bàn.

- Biển báo chỉ dẫn tiếp cận khu du lịch bằng đường bộ, đường thủy: Đã có một số biển báo chỉ dẫn, tiếp cận khu du lịch với thiết kế rõ ràng, đầy đủ thông tin và vị trí đặt các chỉ dẫn phù hợp (có biển báo ở tất cả các ngã ba, ngã tư đường dẫn đến khu du lịch) nhưng biển báo chưa được diễn đạt song ngữ.

- Đường giao thông nội bộ: Các hệ thống đường giao thông nội bộ cơ bản đã phủ bê tông/nhựa đảm bảo an toàn giao thông, tại các điểm tiếp cận có các tuyến đường 2 làn (2 chiều), tuy nhiên vẫn còn có một số tuyến đường giao thông nội bộ có mặt cắt nhỏ theo tiêu chuẩn đường nông thôn miền núi và một số đoạn đường ven hồ đã xuống cấp.

- Bến, bãi đỗ xe, bến thuyền:

+ Huyện có 01 bến xe khách liên tỉnh tại thị trấn Chợ Rã, có 03 bãi đỗ xe chính phục vụ khách du lịch tại Khu du lịch Ba Bể (bến thuyền Buốc Lốm, bến thuyền chính của Hồ Ba Bể, điểm tham quan động Hua Mạ), còn lại các khu vực khác chưa được tổ chức bến, bãi đỗ xe cho khách du lịch. Tuy nhiên, việc dùng bãi đỗ xe tại bến thuyền chính của Hồ Ba Bể phục vụ cho đỗ xe ô tô của khách du lịch là chưa phù hợp, gây ô nhiễm âm thanh và ô nhiễm không khí cho khu vực, các bãi đỗ xe trong vùng lõi du lịch chỉ nên là điểm để xe điện đỗ, dừng chờ đón trả khách.

+ Bến thuyền: Hiện tại trong khu Hồ Ba Bể có 04 bến thuyền đang hoạt động gồm bến bờ Bắc, bến bờ Nam, bến Kéo Slưu và bến Pác Ngòi; dọc sông Năng có 02 bến là bên Buốc Lốm và bến Đầu Đẳng; còn lại 01 bến tại hạ lưu thác Đầu Đẳng có khả năng kết nối với hồ Na Hang (tỉnh Tuyên Quang), tuy nhiên bến này ít được sử dụng vì trên thực tế mối liên kết du lịch giữa Khu du lịch Ba Bể và khu du lịch tại Na Hang chưa được thông suốt.

b) Hệ thống điện: Các công trình chiếu sáng với hệ thống đèn cao áp đã được bố trí dọc một số đoạn tuyến đường giao thông chính, hệ thống đèn Led, đèn chiếu sáng đô thị được bố trí dọc theo một số đoạn đường giao thông đô thị nhưng hình thức còn đơn điệu, một số khách sạn đã có hệ thống điện dự phòng,... nhưng nhìn chung các công trình chiếu sáng còn đơn giản và chưa đầy đủ.

c) Hệ thống cấp, thoát nước: Hệ thống nước sạch chưa được bố trí hết ở các khu vực chức năng, chưa có hệ thống lọc nước sạch theo tiêu chuẩn quốc tế (có thể uống ngay không cần đun sôi) để phục vụ nhu cầu của khách du lịch; đã có nước và hệ thống đường ống, vòi nước phục vụ chữa cháy tại một số công trình lớn; có hệ thống thoát nước được xử lý cục bộ đảm bảo vệ sinh môi trường trước khi xả ra hệ thống thoát nước chung. Tuy nhiên, nước thải sinh hoạt tại các thôn, bản hoạt động du lịch cộng đồng chưa được xử lý mà đổ thẳng ra các sông, suối và các vùng đất trũng, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo an toàn cho môi trường, chưa thực hiện tái sử dụng nước thải cho việc tưới cây, vệ sinh...

7. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch

Nhân lực phục vụ du lịch trực tiếp hiện nay có khoảng 400 người và phục vụ gián tiếp khoảng 600 người, chủ yếu là người địa phương, chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, đa số là lao động phổ thông, lao động có trình độ đại học chiếm tỷ lệ thấp nên cơ bản thiếu kỹ năng phục vụ khách du lịch; trình độ ngoại ngữ của hướng dẫn viên du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch quốc tế; một số cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc ngành du lịch chưa được bố trí đúng chuyên ngành, biên chế quá ít.

Tình trạng nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu về số lượng, yếu về kỹ năng đã trở thành vấn đề quan trọng cần giải quyết trong tương lai.

8. Quảng bá du lịch

Xác định du lịch là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên thời gian qua Ba Bể đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết, hợp tác phát triển du lịch trên địa bàn như: xây dựng pa nô quảng cáo du lịch, viết tin bài quảng bá, giới thiệu du lịch Ba Bể đăng tải trên cổng thông tin điện tử của huyện, Đài Phát thanh - Truyền hình của tỉnh, trên các trang mạng xã hội, tổ chức một số hoạt động quảng bá như mời các nghệ sĩ nổi tiếng quảng bá bí xanh thơm và du lịch Ba Bể, tổ chức cuộc thi người đẹp, cuộc thi ảnh giới thiệu Ba Bể, tham gia giới thiệu, quảng bá du lịch tại các hội chợ thương mại, du lịch trong khu vực... Tuy nhiên, kinh phí dành cho quảng bá du lịch còn hạn chế, việc truyền tải thông tin du lịch hiện nay chỉ dựa trên giới thiệu các giá trị tài nguyên du lịch như tính độc đáo của thiên nhiên, văn hóa địa phương, chưa khẳng định được sự phong phú về hoạt động du lịch, quản lý chưa chuyên nghiệp... Vì vậy, để duy trì và phát triển thương hiệu du lịch Hồ Ba Bể cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường quảng bá, tiếp thị, liên kết hợp tác phát triển cùng các địa phương để tạo thành tour, tuyến du lịch, tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc duy trì bảo tồn môi trường và tôn trọng văn hóa địa phương.

9. Sự tham gia của cộng đồng địa phương

Trong khu du lịch, tỷ lệ tham gia của người dân địa phương vào hoạt động du lịch chiếm tỷ trọng khá lớn, nhất là trong các hoạt động du lịch cộng đồng và dịch vụ thuyền vận chuyển khách trên các tuyến du lịch đường thủy. Theo thực trạng hệ thống cơ sở lưu trú thì hiện nay vùng lõi du lịch đang cung cấp khoảng 400 việc làm, toàn huyện cung cấp khoảng 600 việc làm cho người dân địa phương.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Tổng hợp thực trạng và so sánh với các tiêu chí

1.1. Đánh giá theo các tiêu chí điểm đến du lịch

Nhóm tiêu chí đánh giá

Tiêu chí đánh giá

Mã tiêu chí đánh giá

Yêu cầu

Điểm tối đa

Điểm đánh giá

Tài nguyên du lịch

Sự đa dạng và độc đáo của tài nguyên

1.1

Có các phong cảnh đẹp hoặc hiện tượng, di tích đặc biệt, trong đó có công trình văn hóa, di tích lịch sử được công nhận cấp quốc gia đặc biệt hoặc di sản thế giới, thắng cảnh quốc gia, khu bảo tồn/vườn quốc gia/khu dự trữ sinh quyển/di sản thiên nhiên thế giới; hoặc có thể khai thác phát triển nhiều hoạt động/sản phẩm du lịch.

10

10

Sức chứa của các điểm tài nguyên

1.2

Ít nhất 1.400 người/ngày.

2

2

Bảo vệ và tôn tạo tài nguyên

1.3

Còn nguyên bản, được bảo vệ tốt, tạo cảnh đẹp, còn giữ được truyền thống văn hóa, có biện pháp bảo vệ, tạo nét hấp dẫn riêng biệt.

3

2

Sản phẩm và dịch vụ

Cung cấp thông tin cho khách hàng (qua điện thoại, mạng thông tin toàn cầu, ấn phẩm)

2.1

- Có dịch vụ cung cấp thông tin cho khách qua điện thoại 24/24.

1

0

- Có dịch vụ cung cấp thông tin qua mạng thông tin toàn cầu (website hoặc mạng xã hội), website, mạng xã hội đăng tải hình ảnh động, video, hỗ trợ download ấn phẩm điện tử của khu du lịch, có mục Hỏi - Đáp, trả lời các câu hỏi thường gặp nhất của khách du lịch, có hỗ trợ tư vấn online, địa chỉ email liên hệ trực tuyến, có đường dẫn tới các website liên quan khác như: hãng lữ hành, hãng vận chuyển…

- Có ấn phẩm hướng dẫn thông tin phát cho khách tham quan, ấn phẩm được thiết kế công phu, hình ảnh ấn tượng, độc đáo, kích cỡ phù hợp để mang theo, thông tin đầy đủ, dễ đọc, sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường.

- Thông tin trên ấn phẩm in, ấn phẩm điện tử, website hoặc mạng xã hội được thể hiện bằng ít nhất 02 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.

Chỉ dẫn thông tin trong toàn bộ khu du lịch

2.2

- Có bảng nội quy của toàn khu du lịch và bảng nội quy chi tiết tại các khu chức năng.

1

0

- Sơ đồ chỉ dẫn toàn khu du lịch và các khu chức năng được đặt tại nhiều nơi trong khu du lịch.

- Có hệ thống biển chỉ dẫn đến các khu chức năng trong khu du lịch.

- Biển chỉ dẫn bằng tiếng Việt và ít nhất 1 ngoại ngữ, được thiết kế với nhiều hình ảnh, ký hiệu thể hiện tính thông tin cao và có sơ đồ thông tin định vị vị trí của du khách.

Thuyết minh (trực tiếp hoặc qua băng ghi âm, qua hình ảnh, bảng thông …)

2.3

- Có bảng thông tin thuyết minh về các đối tượng tham quan hoặc có thuyết minh viên chuyên trách phục vụ khách

2

1

- Có bảng thông tin điện tử thuyết minh về các đối tượng tham quan

- Thuyết minh viên có khả năng sử dụng ngoại ngữ để thuyết minh cho khách/Có dịch vụ thuyết minh tự động

- Có hỗ trợ khách khiếm thính

Trung tâm thông tin du lịch

2.4

- Có phòng cung cấp thông tin trang bị máy tính kết nối internet cho khách du lịch tìm kiếm thông tin về khu du lịch

2

0

- Có nhân viên chuyên trách trực cung cấp thông tin tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của du khách...

- Có thêm các quầy thông tin tại các phân khu chức năng trong khu du lịch (trưng bày những ấn phẩm quảng cáo về khu du lịch dành cho khách du lịch, giá để ấn phẩm thông tin được thiết kế gọn, thuận tiện cho việc lấy ấn phẩm..).

Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ lưu trú của khách du lịch

2.5

Có cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên

3

3

Dịch vụ cung cấp cho khách trong các khu lưu trú

2.6

- Dịch vụ đa dạng và có chính sách ưu đãi cho khách hàng

2

1

- Không giới hạn thời gian phục vụ

- Nhân viên có kỹ năng tốt, thân thiện, nhiệt tình

- Đối xử bình đẳng với tất cả khách hàng

- Công khai giá dịch vụ

Hệ thống nhà hàng phục vụ khách du lịch

2.7

- Có các nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, có khả năng phục vụ từ 500 khách trở lên, được phân loại thành nhà hàng Âu, Á...

3

1

- Hệ thống nhà hàng được phân bố thuận lợi cho khách trong khách sạn và tại các phân khu chức năng.

Dịch vụ ăn uống

2.8

- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

2

1

- Thực đơn đa dạng và có chính sách ưu đãi cho khách hàng.

- Thời gian phục vụ linh hoạt.

- Nhân viên có trình độ, kỹ năng tốt, thân thiện, nhiệt tình.

- Đối xử bình đẳng với tất cả khách hàng.

- Công khai giá dịch vụ.

Cơ sở phục vụ vui chơi giải trí

2.9

- Có khu vui chơi giải trí tổng hợp với nhiều loại trò chơi như khu vui chơi ngoài trời, khu vui chơi trong nhà, rạp chiếu phim... dành cho người lớn và trẻ em.

2

0

- Có chứng nhận khu vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế IAAPA.

Dịch vụ vui chơi, giải trí

2.10

- Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch.

1

0

Dịch vụ đa dạng và có chính sách ưu đãi cho khách hàng.

Nhân viên có trình độ, kỹ năng tốt, thân thiện, nhiệt tình.

- Đối xử bình đẳng với tất cả khách hàng.

- Trang thiết bị phục vụ hoạt động vui chơi giải trí đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn của nhà sản xuất.

- Công khai giá dịch vụ.

Các hoạt động trình diễn, biểu diễn nghệ thuật

2.11

Có các hoạt động trình diễn, biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách với tần suất ≥ 1 lần/ngày.

1

0

Dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá, tìm hiểu các giá trị về tự nhiên, văn hóa

2.12

- Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch.

6

2

- Nhân viên có kiến thức rộng, sâu về các đối tượng tham quan, khám phá tại điểm du lịch, kỹ năng tốt, thân thiện, nhiệt tình.

- Chương trình tham quan phong phú, đa dạng và linh hoạt.

- Có thông tin chính thống về các đối tượng tham quan.

- Đối xử bình đẳng với tất cả khách hàng.

- Công khai giá dịch vụ.

Dịch vụ tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo

2.13

- Dịch vụ đa dạng và có chính sách ưu đãi cho khách hàng.

2

1

- Thời gian phục vụ linh hoạt.

- Nhân viên có trình độ, kỹ năng tốt, thân thiện, nhiệt tình.

- Trang thiết bị hiện đại, phong phú phù hợp tính chất của nhiều loại sự kiện khác nhau.

- Đối xử bình đẳng với tất cả khách hàng.

- Công khai giá dịch vụ.

Dịch vụ mua sắm

2.14

- Có Trung tâm thương mại phục vụ nhu cầu mua sắm cho khách du lịch hoặc có khu mua sắm tập trung bao gồm các cửa hàng được cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

2

1

- Có đa dạng các dịch vụ phục vụ nhu cầu phong phú của khách (mua sắm, làm đẹp, tư vấn thời trang, tư vấn sức khỏe, thuê thiết bị cá nhân...)

- Thời gian phục vụ linh hoạt.

- Nhân viên có trình độ, kỹ năng tốt, thân thiện, nhiệt tình, có trách nhiệm.

- Công khai giá dịch vụ.

- Đối xử bình đẳng với tất cả khách hàng.

Quản lý điểm đến

Quản lý chung

3.1

- Có Ban quản lý khu du lịch với tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng.

2

1

- Ban Quản lý điều hành, xử lý các vấn đề của Khu du lịch một cách suôn sẻ, có trách nhiệm, đảm bảo tăng trưởng đều hàng năm cho toàn khu.

- Xây dựng, ban hành và kiểm soát thực hiện nội qui, qui tắc ứng xử đối với các đối tượng liên quan trong phạm vi khu du lịch.

Môi trường tự nhiên và vệ sinh chung

3.2

- Không khí trong lành, không bị ô nhiễm.

2

0

- Nguồn nước mặt (hồ, ao, sông, suối...) không bị ô nhiễm.

- Rác thải không bị vứt bừa bãi dọc đường giao thông, tại các điểm tham quan và các nguồn nước mặt (hồ, ao, sông, suối, đài phun nước, khu vực biển ven bờ...).

- Các trang thiết bị trong điểm du lịch như đèn chiếu sáng, biển báo, tượng đài, tiểu cảnh... được làm sạch.

- Các khu vực bán sản vật, quà lưu niệm, các món ẩm thực trong khu du lịch phải đảm bảo vệ sinh môi trường chung.

Xử lý rác thải

3.3

- Rác thải được thu gom đúng vị trí quy định.

2

0

- Khu vực đang thi công được che chắn.

- Có phương án đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu du lịch.

- Có hệ thống thu gom rác thải lẻ, trung bình có ít nhất 01 thùng rác có nắp đậy trên 300m dọc đường giao thông nội bộ.

- Có khu vực tập trung rác thải của cả khu du lịch.

- Có hệ thống xử lý rác thải riêng trong khu du lịch hoặc có phương tiện vận chuyển rác thải tới nơi xử lý rác của địa phương với tần suất 1 lần/ngày.

- Sử dụng các công cụ hỗ trợ chuyên dụng công nghệ cao (sử dụng hóa chất được cho phép để xử lý ô nhiễm, xử lý rác thải...) tại những khu vực thích hợp.

Hệ thống nhà vệ sinh công cộng

3.4

- Có nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tại các khu chức năng và các điểm tham quan chính.

2

0

- Có các buồng vệ sinh lưu động tại các khu công cộng khác.

Môi trường xã hội (sự thân thiện của cộng đồng địa phương)

3.5

- Cộng đồng địa phương không thực hiện các hành vi quấy nhiễu khách du lịch (đeo bám khách để bán hàng, chào mời dịch vụ…)

2

2

- Giao tiếp, ứng xử thể hiện bản sắc văn hóa và sự văn minh của người dân địa phương.

- Sẵn sàng hỗ trợ khách du lịch (hướng dẫn, chỉ đường....)

- Tôn trọng văn hóa, ứng xử của khách du lịch từ các vùng miền đến với địa phương.

- Sẵn sàng giới thiệu và hướng dẫn khách du lịch hòa nhập và trải nghiệm phong cách văn hóa mang tính đặc trưng của địa phương.

Tổ chức lực lượng an ninh, trật tự

3.6

- Có bộ phận đảm bảo an ninh trật tự, các tổ chuyên trách được bố trí trực tại các điểm và có đội giám sát, tuần tra chuyên trách.

2

0

Phương án đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch

3.7

- Có phương án đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch trong điều kiện bình thường với những sự cố đơn giản, thường gặp.

1

0

- Thiết lập đường dây nóng kết nối với ban, ngành chức năng của địa phương để phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch (hỗ trợ khu du lịch trong việc phối hợp giải quyết các vấn đề vượt quá chức năng của khu du lịch), cử nhân viên trực đường dây nóng 24/7.

- Có phương án chủ động sơ tán, ứng cứu khách và tài sản khi có thiên tai, hỏa hoạn và những sự cố nghiêm trọng khác.

Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch

3.8

- Có điểm trực an ninh trong khu du lịch và tại mỗi phân khu chức năng.

2

0

- Lực lượng an ninh được trang bị đồng phục và những thiết bị tối thiểu (găng tay, ống nhòm, còi, dùi cui, đèn pin, ủng, mũ, loa, bộ đàm...) phục vụ công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch.

- Có hệ thống camera hiện đại, góc quay rộng, độ phân giải cao để giám sát an ninh ở các điểm tham quan chính và các khu chức năng.

- Trang bị hệ thống báo cháy nổ tự động trong các khu nhà.

- Có hệ thống loa phóng thanh để thông báo các sự cố, trường hợp khẩn cấp.

- Có hệ thống hàng rào cách ly khu vực nguy hiểm.

- Bố trí vòi nước và các bồn chứa nước phục vụ cứu hỏa tại các khu chức năng.

- Có xe chuyên dụng phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát an ninh trật tự trong khu du lịch, được trang bị thêm các trang thiết bị để vận chuyển hoặc cứu hộ chuyên dụng như xe đạp, xe mô tô, thang dây, xuồng cứu hộ.

Cơ sở hạ tầng

Hệ thống đường giao thông

4.1

- Đường vào khu du lịch có thể được kết nối trực tiếp với hệ thống giao thông quốc gia thông qua ít nhất 2 trong 4 loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không (không phải thông qua hệ thống đường giao thông liên huyện hoặc có nhưng khoảng cách ngắn).

3

2

- Có trên 1 cửa ngõ vào khu du lịch

- Các cửa ngõ này được phân bố từ nhiều hướng, nhiều địa phương khác nhau giáp ranh với khu du lịch tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện giao thông

Biển báo chỉ dẫn tiếp cận khu du lịch bằng đường bộ, đường thủy

4.2

- Có biển báo chỉ dẫn, tiếp cận khu du lịch

3

1

- Vị trí đặt biển báo phù hợp (trước các ngã ba, ngã tư)

- Số lượng và vị trí đặt các chỉ dẫn phù hợp (có biển báo ở tất cả các ngã ba, ngã tư đường dẫn đến khu du lịch)

- Biển báo được thiết kế rõ ràng (kích cỡ biển báo, cỡ chữ, hình ảnh thông tin, màu sắc...), nội dung thông tin đầy đủ

- Biển báo được diễn đạt song ngữ

Đường giao thông nội bộ

4.3

100% hệ thống đường giao thông nội bộ phủ bê tông/nhựa và rộng đảm bảo an toàn giao thông cho 2 làn đường (2 chiều).

3

2

Hệ thống điện

4.4

- Thiết kế và lắp đặt hệ thống chiếu sáng với những trang thiết bị hiện đại, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng dọc đường giao thông nội bộ, khu lưu trú, các phân khu chức năng và tất cả các điểm tham quan trong khu du lịch.

3

1

- Có hệ thống điện dự phòng.

- Có hệ thống chiếu sáng nghệ thuật.

Hệ thống cấp, thoát nước

4.5

- Có hệ thống nước sạch đảm bảo nhu cầu nước sạch của khách.

3

0

- Có hệ thống lọc nước sạch theo tiêu chuẩn quốc tế (có thể uống ngay không cần đun sôi) phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

- Có nước và hệ thống đường ống, vòi nước phục vụ công tác chữa cháy.

- Có hệ thống thoát nước đảm bảo vệ sinh môi trường.

- Có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo an toàn cho môi trường.

- Có quy trình xử lý nước thải để tái sử dụng cho các nhu cầu như tưới cây, vệ sinh...

Sự tham gia của cộng đồng địa phương

Tỷ lệ lao động là người địa phương trong khu du lịch

5.1

- Sử dụng lao động là người dân địa phương (từ 3% tổng lao động toàn khu du lịch trở lên).

10

5

- Có trích doanh thu của khu du lịch hỗ trợ các hoạt động phong trào của địa phương hàng năm.

- Có trích doanh thu của khu du lịch hỗ trợ xây dựng, nâng cấp các công trình công cộng của địa phương hàng năm.

- Tỷ lệ hộ gia đình của địa phương được tham gia kinh doanh trong khu du lịch đạt từ 5% trở lên.

Sự hài lòng của khách du lịch

Đánh giá sơ bộ qua phiếu khảo sát sự hài lòng của khách du lịch với các nội dung:

- Về điều kiện giao thông đến và tại khu du lịch

- Về việc đảm bảo vệ sinh môi trường của khu du lịch

- Về cảnh quan của khu du lịch

- Về các dịch vụ vui chơi, giải trí, tham quan trong khu du lịch

- Về dịch vụ lưu trú và ăn uống trong khu du lịch

- Về nhân viên phục vụ trong khu du lịch

- Về các chính sách phục vụ của khu du lịch

- Về giá dịch vụ của khu du lịch

15

10

Tổng

100

49

Mặc dù có nhiều tài nguyên du lịch có giá trị, phong phú nhưng sơ bộ điểm đánh giá chất lượng Khu du lịch Ba Bể chưa cao, chưa tương xứng với tài nguyên du lịch sẵn có, cần thiết phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch và khuyến khích các hoạt động đầu tư, nâng cấp chất lượng dịch vụ tại đây và cần có thời gian đủ dài để có thể khắc phục, cải thiện các vấn đề còn tồn tại.

1.2. Phân tích, đánh giá theo từng tiêu chí các điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia

a) Có ít nhất 02 tài nguyên du lịch, trong đó có tài nguyên du lịch cấp quốc gia; có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Tỷ lệ bản đồ phụ thuộc vào yêu cầu quản lý và địa hình khu vực. Cụ thể:

- Có ít nhất 02 tài nguyên du lịch, trong đó có tài nguyên du lịch cấp quốc gia: Đã đạt.

- Có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận: Chưa đạt, ranh giới khu du lịch chưa được xác định và chưa có quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

b) Có trong danh mục các khu vực tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khu du lịch đã có trong danh mục các khu vực tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

c) Có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch, bao gồm:

- Có hệ thống điện lưới, hệ thống cung cấp nước sạch;

+ Hệ thống điện lưới: Có hệ thống điện lưới nhưng chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được công suất trong tương lai.

+ Hệ thống cung cấp nước sạch: hiện nay mới chỉ có hệ thống nước sạch ở một số khu vực tập trung dân cư.

- Có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 500.000 lượt khách mỗi năm, có hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 300.000 lượt khách lưu trú mỗi năm, trong đó có cơ sở lưu trú du lịch được công nhận hạng từ 4 sao trở lên: hiện đã có hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 300.000 lượt khách lưu trú mỗi năm, đã có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, tuy nhiên chưa có cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch và chưa có cơ sở lưu trú du lịch được công nhận hạng từ 4 sao trở lên.

- Có nội quy, hệ thống biển chỉ dẫn, thuyết minh về khu du lịch; có hệ thống biển chỉ dẫn, biển báo về giao thông, các cơ sở dịch vụ, các điểm tham quan. Hiện nay đã có cung cấp dịch vụ thuyết minh, hướng dẫn du lịch.

d) Hiện đã có kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông quốc gia.

e) Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, bao gồm:

Đã bố trí bộ phận bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn; đã công khai số điện thoại, địa chỉ của tổ chức quản lý khu du lịch, có bộ phận thông tin hỗ trợ khách du lịch nhưng chưa thuận lợi cho việc tiếp cận, kết nối của khách du lịch; chưa có nhân viên chuyên trách tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của khách du lịch.

Chưa có đủ nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ được thông gió và đủ ánh sáng, tương ứng với số lượng khách du lịch vào thời kỳ cao điểm. Chưa có hệ thống thu gom và xử lý rác thải, nước thải tập trung theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Việc bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường và việc áp dụng các biện pháp phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật chưa được đầy đủ.

Chi tiết đánh giá các tiêu chí, điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia theo biểu sau:

Biểu đánh các tiêu chí, điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia

TT

Tiêu chí

Kết quả

Ghi chú

I

Có ít nhất 02 tài nguyên du lịch, trong đó có tài nguyên du lịch cấp quốc gia; có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Tỷ lệ bản đồ phụ thuộc vào yêu cầu quản lý và địa hình khu vực.

Chưa đạt

 

1

Có ít nhất 02 tài nguyên du lịch, trong đó có tài nguyên du lịch cấp quốc gia

Đạt

Di tích quốc gia đặc biệt Vườn quốc gia

2

Có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Chưa đạt

 

II

Có trong danh mục các khu vực tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đạt

Quyết định số 201/QĐ- TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

III

Có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch, bao gồm:

Chưa đạt

 

1

Có hệ thống điện lưới, hệ thống cung cấp nước sạch

Chưa đạt

 

 

Hệ thống điện lưới

 

Đã cung cấp tới các khu vực hoạt động du lịch

 

Hệ thống cung cấp nước sạch

 

Chưa đầy đủ

2

Có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 500.000 lượt khách mỗi năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 300.000 lượt khách lưu trú mỗi năm, trong đó có cơ sở lưu trú du lịch được công nhận hạng từ 4 sao trở lên.

Chưa đạt

 

 

Có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 500.000 lượt khách mỗi năm.

Chưa đạt

Đáp ứng nhu cầu lượng khách hiện trạng dưới 200.000 lượt khách mối năm; chưa đáp ứng tương lai tối thiểu 500000 lượt khách/năm

 

Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 300.000 lượt khách lưu trú mỗi năm, trong đó có cơ sở lưu trú du lịch được công nhận hạng từ 4 sao trở lên.

Chưa đạt

Chưa có cơ sở lưu trú du lịch được công nhận hạng từ 4 sao trở lên

3

Có nội quy, hệ thống biển chỉ dẫn, thuyết minh về khu du lịch, biển báo về giao thông, các cơ sở dịch vụ, các điểm tham quan.

Đạt

Chưa đầy đủ

4

Cung cấp dịch vụ thuyết minh, hướng dẫn du lịch.

Đạt

Chưa đủ

IV

Có kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông quốc gia.

Đạt

Có tuyến Quốc lộ 3C qua khu du lịch

V

Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, bao gồm:

Chưa đạt

 

1

Có bộ phận bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn.

Chưa đạt

 

2

Công khai số điện thoại, địa chỉ của tổ chức quản lý khu du lịch.

Chưa đạt

 

3

Có bộ phận thông tin hỗ trợ khách du lịch; có hình thức tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của khách du lịch.

Chưa đạt

 

4

Nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng, được bố trí đủ, tương ứng với số lượng khách du lịch vào thời kỳ cao điểm.

Chưa đạt

 

5

Có hệ thống thu gom và xử lý rác thải, nước thải tập trung theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường.

Chưa đạt

 

6

Áp dụng các biện pháp phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.

Đạt

Yếu

Như vậy, hiện nay Khu du lịch Ba Bể chưa đáp ứng được đầy đủ các các tiêu chí, điều kiện để công nhận khu du lịch quốc gia.

2. Đánh giá chung

a) Thuận lợi

Ba Bể là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam và là một trong một trăm hồ nước ngọt lớn nhất thế giới.

Khu du lịch Ba Bể có nhiều giá trị lớn về thiên nhiên và sự phong phú, đa dạng về văn hóa mang tầm quốc tế nên được sự quan tâm của Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. Đây là khu vực dễ dàng tiếp cận với các trung tâm hành chính của huyện, tỉnh và không quá xa đối với Thủ đô Hà Nội.

Hiện nay, du lịch tỉnh Bắc Kạn nói chung và khu vực Hồ Ba Bể nói riêng đã đạt được một số thành công, ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Các giá trị lớn về địa chất, hệ sinh thái và bản sắc văn hóa dân tộc vẫn được gìn giữ tương đối tốt, dịch vụ phục vụ du lịch vẫn đang ngày càng được chú trọng, nâng cao nhằm đáp ứng yêu cầu của du khách.

b) Khó khăn

- Địa bàn rộng, có người dân sinh sống trong khu vực di tích nên sẽ nảy sinh các bất cập giữa phát triển kinh tế - xã hội với việc bảo tồn các giá trị thiên nhiên và văn hóa.

- Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng chưa đáp ứng yêu cầu, hiện tượng xây dựng nhà ở, các công trình dịch vụ không có quy hoạch đã làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan thắng cảnh.

- Sản phẩm du lịch còn nghèo, đơn điệu chưa đủ sức hút hấp dẫn du khách lưu trú. Các hoạt động dịch vụ chưa chuyên nghiệp, chất lượng phục vụ chưa cao. Hạ tầng du lịch mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa tương xứng với tiềm năng.

- Nguồn thu từ du lịch, dịch vụ còn thấp.

c) Thách thức

- Nguồn lực đầu tư chưa nhiều, chưa có các cơ sở pháp lý vững chắc để tạo thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch.

- Việc thay đổi tư duy cho người dân trong việc phát triển bền vững đòi hỏi có nhiều thời gian và cách tuyên truyền.

- Dân số gia tăng, kinh doanh du lịch dịch vụ và khai thác các tài nguyên đã phần nào làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và việc bảo tồn di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể.

d) Cơ hội

- Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được định hướng xuyên suốt đối với các địa phương trong cả nước, trở thành chiến lược, mục tiêu lớn của tỉnh Bắc Kạn và huyện Ba Bể.

- Phát triển du lịch gắn với việc khai thác bản sắc văn hóa, nông thôn miền núi và phát triển nông nghiệp đang được các cấp, các ngành quan tâm.

- Du lịch Bắc Kạn đang ngày một khẳng định vị trí trong hệ thống du lịch cả nước, hiện nay có một số nhà đầu tư lớn quan tâm nghiên cứu đầu tư phát triển dịch vụ du lịch.

3. Các vấn đề tồn tại phải giải quyết

- Về thu hút đầu tư: Ít có sự tham gia của các nhà đầu tư lớn vào phát triển du lịch tại khu vực do sự kết nối đến khu vực chưa thực sự thuận lợi và do cơ chế chính sách chưa đủ sức thu hút các nhà đầu tư.

- Về bảo vệ môi trường:

+ Sự gia tăng số lượng xuồng trên hồ như xuồng phục vụ du lịch, xuồng đánh bắt cá chạy bằng động cơ Diezel gây tiếng ồn, xả chất thải váng dầu ra mặt hồ…gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước, các hang động mặt nước, tính đa dạng sinh học và trực tiếp đe dọa thủy sinh trong hồ, thậm chí một số thời điểm có tình trạng rác thải nhựa ở các cửa sông chảy ngầm vào hồ. Ngoài ra, việc người dân sử dụng dụng cụ đánh bắt cá (có phao lưới bắt cá là chai nhựa) gây phản cảm.

+ Lượng rác thải, nước thải từ sinh hoạt của người dân và hoạt động du lịch gia tăng cùng với địa bàn rộng nên khó thu gom rác thải trong khi phương pháp, công nghệ và hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ.

+ Hiện trạng các sông bị bồi lắng chưa được nạo vét để thiết lập các tuyến du lịch đường thủy. Chưa có các kết nối du lịch đường thủy, đường bộ thuận tiện với thị trấn Chợ Rã hoặc với khu vực phát triển du lịch Na Hang (tỉnh Tuyên Quang).

- Về phát triển dịch vụ du lịch: Hiện nay quy mô, số lượng các cơ sở lưu trú, nhà nghỉ xung quanh hồ phát triển một cách nhanh chóng dẫn đến các bất cập trong quản lý xây dựng và ảnh hưởng đến cảnh quan chung.

- Về điều kiện cơ sở vật chất và sản phẩm du lịch: cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động du lịch còn thiếu, ít sản phẩm du lịch, chủ yếu là du lịch sinh thái, chưa khai thác mở rộng các sản phẩm du lịch như du lịch làng bản, du lịch nông nghiệp, du lịch tâm linh, du lịch nghiên cứu... Nhìn chung khách đến du lịch ít có cơ hội để tiếp cận, hiểu về các hoạt động sinh hoạt của cộng đồng địa phương và lịch sử hình thành nên vùng mà chính bản thân họ đang tham quan.

C. QUAN ĐIỂM ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP

I. QUAN ĐIỂM

- Hình thành Khu du lịch Ba Bể bao gồm cả các khu vực tài nguyên du lịch và dịch vụ liên quan, không chỉ gói gọn trong khu vực Vườn quốc gia Ba Bể và danh lam thắng cảnh quốc gia Hồ Ba Bể.

- Đáp ứng các tiêu chí công nhận khu du lịch quốc gia: Để được công nhận là khu du lịch quốc gia, Ba Bể cần đạt các tiêu chí theo Luật Du lịch, bao gồm tiêu chí về cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, an toàn và bảo vệ môi trường.

- Phát triển du lịch Ba Bể cần đảm bảo tính bền vững như: Bảo vệ được các yếu tố di tích danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể, bảo vệ rừng quốc gia, môi trường và hệ sinh thái, cải thiện đời sống của cộng đồng dân cư địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch đến với Khu du lịch Ba Bể .

- Khai thác triệt để các tài nguyên du lịch: Ba Bể cần khai thác triệt để các tài nguyên du lịch gắn với giá trị Vườn quốc gia và Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể, đưa Ba Bể trở thành điểm đến du lịch Việt Nam và Quốc tế.

- Nâng cao đời sống Nhân dân trong vùng: Phát triển du lịch Ba Bể cần đóng góp vào nâng cao đời sống, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế địa phương.

- Thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch Ba Bể, tạo điều kiện để phát triển ngành du lịch trong vùng.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu chung

- Bảo vệ các tài nguyên du lịch, tăng sức thu hút khách du lịch.

- Hoàn thiện hệ thống giao thông, hệ thống viễn thông kết nối hệ thống giao thông, hệ thống viễn thông quốc gia.

- Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, phát triển các cơ sở dịch vụ đáp ứng đón khách du lịch vào từng thời kỳ.

- Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.

- Đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ môi trường.

- Đến năm 2030, khu du lịch đạt các tiêu chí công nhận khu du lịch quốc gia theo Luật Du lịch. Sau năm 2030, khu du lịch đi vào hoạt động ổn định.

2. Mục tiêu cụ thể

- Thu hút khách du lịch: Đến năm 2030 đón được 1,0 triệu lượt khách; đến năm 2035 đón được khoảng 1,35 triệu lượt khách; đến năm 2050 đón được khoảng 2 - 2,5 triệu lượt khách.

- Mục tiêu về cơ sở vật chất: Đảm bảo cung cấp đầy đủ và chất lượng các cơ sở vật chất phục vụ cho du khách bao gồm khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe; mục tiêu đến năm 2030 đạt các tiêu chí sau:

+ Có tối thiểu 01 khách sạn 4 sao.

+ Có tối thiểu 01 nhà hàng công suất trên 500 chỗ.

+ 100% các cơ sở dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

- Mục tiêu môi trường: Đảm bảo việc bảo vệ và bảo tồn môi trường trong lành, bảo vệ các tài nguyên du lịch với các tiêu chí cụ thể như:

+ Rác thải được thu gom hàng ngày.

+ 100% các cơ sở dịch vụ được cấp nước sạch.

+ 100% các cơ sở dịch vụ được cấp điện lưới quốc gia.

+ 100% các điểm tham quan có bố trí nhà vệ sinh công cộng.

- Mục tiêu về quản lý nhà nước: Hình thành được bộ máy Ban quản lý Khu du lịch quốc gia trực thuộc tỉnh.

- Mục tiêu về phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật: hoàn thiện hạ tầng giao thông và viễn thông để kết nối khu du lịch với hệ thống giao thông và viễn thông quốc gia cũng như các khu vực lân cận.

III. DỰ BÁO SƠ BỘ MỘT SỐ CHỈ TIÊU VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Tên mục

Đơn vị

Năm

2025

2030

2035

Khách du lịch

Tổng

Khách

485.890

1.000.000

1.341.600

 

Quốc tế

Khách

50.000

200.000

268.200

 

Nội địa

Khách

435.890

800.000

1.073.400

Ngày khách

Tổng

Ngày khách/năm

242.945

1.250.000

2.683.200

 

Quốc tế

Ngày khách/năm

25.000

250.000

536.400

 

Nội địa

Ngày khách/năm

217.945

1.000.000

2.146.800

Ngày khách trung bình

Tổng

Ngày khách

0,5

16,3

2,0

Tăng trưởng khách

Tổng

%/năm

14,6

32,0

6,1

 

Quốc tế

%/năm

32,0

12,9

6,1

 

Nội địa

%/năm

12,9

32,1

6,1

Tăng trưởng ngày
khách

Tổng

%/năm

14,6

49,9

14,7

 

Quốc tế

%/năm

32,0

28,3

14,6

 

Nội địa

%/năm

12,9

16,3

14,7

Lao động du lịch

Tổng

Lao động

2.990

15.380

33.020

 

Trực tiếp

Lao động

930

4.810

10.320

 

Gián tiếp

Lao động

2.060

10.570

22.700

 

Được ĐTBDNV

%

50

75

100

Số phòng lưu trú

Phòng

 

470

2.400

5.160

Số thuyền vận chuyển

Thuyền (8 người)

 

170

340

460

IV. NHIỆM VỤ

1. Xác định quy mô và ranh giới khu du lịch

Đơn vị thực hiện: Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể

Quy mô và ranh giới Khu du lịch Ba Bể được xác định bao gồm các khu vực tập trung tài nguyên du lịch, không gian đáp ứng nhu cầu đầu tư, mở rộng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, hạ tầng kỹ thuật du lịch đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch quốc gia, theo nguyên tắc định hướng như sau:

+ Lấy toàn bộ diện tích khu vực tập trung nhiều tài nguyên du lịch là Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể làm trọng tâm (chủ yếu là diện tích xã Nam Mẫu, một phần các xã khác nằm trong ranh giới).

+ Xem xét mở rộng bao gồm cả các khu vực tài nguyên du lịch và dịch vụ liên quan các xã và thị trấn xung quanh như: thị trấn Chợ Rã, xã Cao Thượng, xã Địa Linh, xã Đồng Phúc, xã Hoàng Trĩ, xã Khang Ninh, xã Mỹ Phương, xã Quảng Khê, xã Thượng Giáo, xã Yến Dương và xã Nam Cường (huyện Chợ Đồn).

+ Ưu tiên lựa chọn ranh giới bao gồm toàn bộ diện tích xã liên quan nhằm tạo điều kiện thống nhất, thuận lợi về quản lý vận hành trong tương lai.

+ Hướng tiếp cận chính: hướng Nam theo tuyến đường thành phố Bắc Kạn đến Hồ Ba Bể.

2. Bảo vệ tài nguyên du lịch

a) Bảo vệ tài nguyên du lịch tự nhiên

Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND huyện Ba Bể và các đơn vị có liên quan

- Tiếp tục đẩy mạnh việc giữ gìn sự đa dạng và độc đáo của tài nguyên du lịch, bảo vệ cảnh quan, đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng.

- Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và hệ sinh thái tự nhiên, đồng thời hạn chế các hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường như chất thải, rác thải, đánh bắt, săn bắn trái phép.

- Khuyến khích các hình thức du lịch sinh thái, du lịch bền vững nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên của khu vực.

- Một số công việc cụ thể:

+ Xác định cụ thể một số điểm trong rừng quốc gia mang tính đặc trưng, tập trung một số loài động, thực vật tạo các điểm đến tham quan du lịch.

+ Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên hệ thống thác nước, sông, suối tại khu vực thác Đầu Đẳng, sông Năng, sông Chợ Lèng, suối Cốc Tộc, Ao Tiên (xã Nam Mẫu, thuộc vùng lõi du lịch); thác và rừng trúc Pù Lầu (Phiêng Phàng); thác Tát Từn (Quảng Khê); thác Tát Mạ (Hoàng Trĩ) và các suối thác khác trong khu du lịch.

+ Xử lý bồi lắng lòng hồ và các đoạn sông cạn tại sông Năng, sông Chợ Lèng...

(lưu ý đánh giá kỹ về thủy văn, độ dốc, tốc độ dòng chảy... của sông Năng và sông Chợ Lèng, ảnh hưởng cảnh quan, tính khả thi của mục tiêu hình thành tuyến giao thông đường thủy và loại phương tiện vận chuyển khách du lịch).

+ Tôn tạo cảnh quan, khai thác đưa vào phục vụ các hang động: Động Thẳm Thinh, Hua Mạ (Quảng Khê); hang Thẳm Phầy (Hoàng Trĩ); Động Puông (Khang Ninh); Động Tiên, Động Pia Sloi, Hang Chản, Hang Khâu Qua (Nam Mẫu)...

+ Xây dựng bảo tàng thiên nhiên tại Trung tâm Vườn quốc gia Ba Bể, nâng cấp, cải tạo Vườn thực vật Ba Bể thuộc xã Nam Mẫu phục vụ nghiên cứu khoa học, sưu tầm, chế tác và trưng bày bảo quản mẫu vật thiên nhiên và phục vụ du lịch sinh thái.

b) Bảo vệ tài nguyên du lịch văn hóa

Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND huyện Ba Bể và các đơn vị có liên quan

- Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn Khu du lịch Ba Bể :

+ Về cảnh quan làng bản: Tôn tạo cảnh quan các làng bản, ưu tiên các làng bản có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại vùng lõi du lịch như Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, Bản Cám, Khau Qua, Nậm Dài, Nà Phại...(xã Nam Mẫu) và một số bản tại các xã xung quanh như Pù Lầu (xã Phiêng Phàng), Bản Váng (xã Địa Linh), Nà Hai, Nà Lẻ (xã Quảng Khê), trung tâm xã Hoàng Trĩ...Khuyến khích Nhân dân xây dựng nhà ở và các công trình theo kiến trúc truyền thống dân tộc, hình thành không gian chung phù hợp. Xác định các khu vực cảnh quan nông nghiệp có giá trị thẩm mỹ như ruộng bậc thang như Nà Hai và Nà Mặn (xã Quảng Khê), các vùng trồng bí xanh thơm (xã Địa Linh, xã Yến Dương), trà hoa vàng, hồng, mận (bản Hủa, bản Chán, xã Đồng Phúc)... để có các hoạt động quản lý, bảo vệ, lập thiết kế cảnh quan riêng cho các khu vực này.

+ Về phương tiện trên hồ: Khôi phục thuyền độc mộc truyền thống phục vụ khách du lịch; lựa chọn hoặc thiết kế tạo mẫu riêng các phương tiện vận chuyển khách trên hồ khai thác nét đặc sắc về hình dáng của thuyền độc mộc truyền thống.

+ Về ngữ văn dân gian: Sưu tầm các câu chuyện kể, truyền thuyết về địa danh, lịch sử, sự kiện...tại địa phương; Ứng dụng trong các giới thiệu, thuyết minh đem lại các hiểu biết, cảm nhận sâu sắc cho khách du lịch.

+ Về văn hóa nghệ thuật: Bảo tồn các Then, Lượn cọi…ứng dụng trình diễn trong các lễ hội, liên hoan văn nghệ hoặc các chương trình văn nghệ phục vụ các đoàn khách du lịch. Khai thác sự hiểu biết và nhiệt tình của các nghệ nhân văn hóa truyền thống để truyền lại cho các thế hệ kế tiếp; thành lập và duy trì các đội văn nghệ tại các thôn bản; trang bị các dụng cụ, trang phục biểu diễn cho đội văn nghệ.

+ Về lễ hội: Đầu tư xây dựng, hoàn thiện nội dung, không gian lễ hội Lồng tồng Ba Bể (hội xuống đồng của dân tộc Tày) thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu; khôi phục lễ cầu mùa, cầu mưa... (dân tộc Dao, Mông) mang đậm đà bản sắc văn hóa bản địa.

+ Về trang phục: Khuyến khích nhân dân sử dụng trang phục truyền thống, đặc biệt là nhân lực du lịch tại các cơ sở dịch vụ du lịch. Sáng tác, cải biến trang phục mang tính truyền thống để người dân thuận tiện sử dụng hoặc trở thành hàng hóa du lịch. Yêu cầu các công chức, viên chức, cán bộ... sử dụng trang phục mang phong cách truyền thống địa phương.

+ Về ẩm thực: Duy trì thường xuyên các cuộc thi, ngày hội, sự kiện về ẩm thực. Kết hợp việc phục vụ ẩm thực với trình diễn ẩm thực như các câu chuyện, hình thức trình bày món ăn, cách thức thưởng thức món ăn... Phổ biến các món ăn đặc sắc trên toàn địa bàn, hình thành ẩm thực đặc trưng cho Khu du lịch.

+ Về hàng hóa du lịch: Tiếp tục phát huy các sản phẩm hàng hóa du lịch như rượu ngô, rượu men lá, bí xanh thơm, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm... Tăng cường tính liên kết giữa các cơ sở sản xuất với các trung tâm giới thiệu sản phẩm, các cơ sở dịch vụ du lịch. Tôn vinh các nghệ nhân, phối hợp với các nghệ nhân truyền dạy lại các nghề thủ công truyền thống cho các thế hệ sau. Tôn tạo cảnh quan, phát huy hoạt động của các chợ phiên truyền thống chợ Lèng (xã Quảng Khê), chợ phiên Pác Ngòi (xã Nam Mẫu).

- Thực hiện bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa trong khu vực:

+ Các di tích lịch sử: Động Nả Phoòng, Khau Cổm, Đồn Tây, Đền An Mạ.

+ Các di tích khảo cổ: Hang Thẳm Kít, động Puông, hang Thẳm Thinh.

- Có biện pháp ngăn chặn các hành vi phá hoại, xâm hại, đe dọa các di sản văn hóa trong khu vực.

c) Quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan

Đơn vị thực hiện: Sở Xây dựng, UBND huyện Ba Bể và các đơn vị có liên quan

- Quản lý xây dựng các công trình mới, cải tạo, hướng tới việc khai thác, gìn giữ hình thức kiến trúc mang bản sắc văn hóa truyền thống địa phương, phù hợp với Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

- Kiên quyết xử lý các công trình sai phạm trong khu vực.

- Đề xuất các mẫu thiết kế kiến trúc công trình để người dân lựa chọn và ứng dụng phù hợp với nhu cầu sử dụng. Các công trình kiến trúc ưu tiên khai thác hình thức mái dốc và lợp ngói âm dương (ngói máng).

- Cải tạo các công trình gây ảnh hưởng cảnh quan chung, các công trình không mang tính bản sắc địa phương bằng các hình thức như thay thế hình dáng mái dốc và vật liệu lợp ngói, thay đổi màu sắc, vật liệu ngoại thất, trồng cây xanh che chắn các nhược điểm...

- Thành lập một hội đồng thẩm duyệt về phong cách kiến trúc đối với các công trình kiến trúc xây dựng mới trong khu du lịch.

- Áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế và quản lý cảnh quan hợp lý trong việc sử dụng không gian và tài nguyên đất đai.

- Đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển khu du lịch địa phương và quốc gia.

3. Phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch:

a) Các công trình dịch vụ du lịch

Đơn vị thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND huyện Ba Bể và các đơn vị có liên quan.

- Khuyến khích các cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ hiện có cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao tiêu chuẩn, nâng cấp quy mô phục vụ để đạt đủ điều kiện phục vụ khách du lịch.

- Khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú dành cho khách du lịch, đặc biệt là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn từ 4 sao trở lên.

- Khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng nhà hàng lớn, có khả năng phục vụ từ 500 khách trở lên. Hệ thống nhà hàng được phân bố thuận tiện cho khách trong khách sạn và tại các phân khu chức năng.

- Khuyến khích và tạo điều kiện xây dựng các khu thể thao, vui chơi giải trí tổng hợp với nhiều hoạt động đa dạng như khu vui chơi ngoài trời, khu vui chơi trong nhà, rạp chiếu phim... dành cho người lớn và trẻ em, đặc biệt phải đáp ứng các tiêu chí để đạt chứng nhận khu vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế IAAPA.

- Khuyến khích và tạo điều kiện xây dựng Trung tâm thương mại phục vụ nhu cầu mua sắm cho khách du lịch hoặc có khu mua sắm tập trung bao gồm các cửa hàng được cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

b) Các phương tiện vận chuyển

Đơn vị thực hiện: Sở Giao thông Vận tải; UBND huyện Ba Bể và các đơn vị có liên quan.

- Đường bộ:

+ Hướng tới việc vận chuyển khách du lịch trong khu du lịch chủ yếu bằng xe điện 4 bánh phục vụ du lịch.

+ Sử dụng các phương tiện không gây tiếng ồn và phát ra khí thải khác như xe đạp...

- Đường thủy:

+ Đối với các thuyền máy hiện đang hoạt động: thay thế các động cơ dầu, xăng của phương tiện đường thủy bằng động cơ điện.

+ Đối với các phương tiện vận chuyển mới: chỉ cho phép sử dụng các phương tiện được sản xuất, lắp ráp đồng bộ sử dụng động cơ điện.

+ Các phương tiện vận chuyển trên hồ cần có kiểu dáng thiết kế khai thác những đặc điểm mang bản sắc riêng biệt của Hồ Ba Bể từ những phương tiện vận chuyển truyền thống như thuyền độc mộc...

+ Với đặc điểm hệ thống đường thủy tại khu du lịch, nên sử dụng các phương tiện vận chuyển chủ yếu với công suất nhỏ (4-6 người), công suất vừa (8-10 người) để vận chuyển. Đối với mặt nước Hồ Ba Bể với độ sâu đáp ứng, có thể cho phép sử dụng các tàu, thuyền lớn hơn.

+ Với một phương tiện vận chuyển tiêu chuẩn (trung bình 10 người), tới năm 2030 dự kiến cần thêm tới 100 phương tiện. Số lượng phương tiện vận chuyển cần khảo sát phù hợp nhu cầu thực tế trong từng thời điểm.

+ Một số đoạn sông, suối có thể sử dụng hình thức bè, mảng... nhằm gia tăng các trải nghiệm cho khách du lịch.

- Ứng dụng một số phương tiện vận chuyển hiện đại khác trong nội bộ khu du lịch như tàu hỏa du lịch chạy điện, xe buggy, cáp treo... để kết hợp mục đích di chuyển với hoạt động tham quan ngắm cảnh.

4. Phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch

4.1. Các sản phẩm du lịch

Đơn vị thực hiện: Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể

a) Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù:

- Tại vùng lõi du lịch: theo dự thảo Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể hiện nay đang trình phê duyệt:

+ Du lịch trải nghiệm thung lũng: Xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở khai thác đầy đủ các đặc trưng văn hóa địa phương, kết hợp với điều kiện tự nhiên vượt trội tạo ra các sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo của hồ núi cao. Các sản phẩm du lịch đặc thù của Hồ Ba Bể gắn với các trải nghiệm khác nhau về 06 thung lũng riêng biệt: Thung lũng đá thạch nhũ (khu vực dọc sông Chợ Lèng); thung lũng làng nhà sàn (khu vực thôn Pác Ngòi); thung lũng đầm phá (khu vực thôn Cốc Tộc); thung lũng rừng cao nguyên (khu vực thôn Khau Qua); thung lũng cù lao và thung lũng thác nước (khu vực dọc sông Năng). Kết nối 06 thung lũng này thông qua nhiều phương tiện giao thông đặc trưng (thuyền, tàu hỏa du lịch chạy điện, xe buggy, cáp treo...) để tạo thành một câu chuyện gắn kết với 6 trải nghiệm khác nhau.

+ Du lịch di sản địa chất Hồ Ba Bể gắn liền với việc nâng cao tính giáo dục văn hóa, nghiên cứu khoa học địa chất, du lịch có trách nhiệm và thân thiện với môi trường. Khuyến khích tham gia cộng đồng địa phương vùng di tích tham gia hoạt động du lịch địa chất, phát triển sản phẩm địa phương và cung cấp dịch vụ cho du khách. Các dấu tích địa chất có giá trị bao gồm các hẻm vực sông Năng, sông Chợ Lèng, hệ thống hang động và sông ngầm...

+ Du lịch gắn với các giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số như: Tham quan nghiên cứu các di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống của cộng đồng dân tộc sinh sống ở vùng di tích, đặc biệt của đồng bào dân tộc thiểu số (Tày, Mông, Dao, …); Du lịch cộng đồng (homestay) bản làng đồng bào dân tộc như Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, Bản Cám, … Hỗ trợ, kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch cho bản làng như: Hỗ trợ cải tạo, không gian cảnh quan; xây dựng, nâng cấp chợ đêm và không gian trải nghiệm văn hóa truyền thống… Trải nghiệm các lễ hội và sinh hoạt tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số (lễ hội Lồng tồng Ba Bể, chèo thuyền Độc mộc...), trải nghiệm hát then và chơi đàn tính cùng người bản địa tại những câu lạc bộ hát then, đàn tính. Tham quan, trải nghiệm các làng nghề truyền thống (nấu rượu ngô, chế biến tép chua, làm bánh...).

- Các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù khác:

+ Du lịch nông nghiệp và trải nghiệm đồng quê: Ba Bể cũng đã được ghi nhận với việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp, với những khu vực ruộng bậc thang, vườn cây ăn quả đầy màu sắc và các điểm nuôi cá hồi, cá tầm, đặc biệt đã có nhiều sản phẩm địa phương đạt chất lượng OCOP. Du khách sẽ được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm đồng quê như cấy lúa, gặt lúa, bắt cá, hái hoa quả, đồng thời khám phá trang trại và gia trại; những địa điểm như vùng trồng bí xanh thơm (Yến Dương, Địa Linh) hay trà hoa vàng (Đồng Phúc). Sản phẩm du lịch này mang đến cho du khách những trải nghiệm chân thực, đắm chìm trong cảnh đẹp nông nghiệp và cơ hội thưởng thức các sản phẩm đặc sắc của địa phương.

+ Du lịch suối, thác: Khu du lịch Ba Bể còn đặc sắc với những điểm đến như thác Pù Lầu (thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương), thác Tát Từn (thôn Nà Lẻ, xã Quảng Khê), thác Tát Mạ (xã Hoàng Trĩ) và các con suối tại xã Đồng Phúc. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp tự nhiên hùng vĩ của thác nước, tận hưởng không khí trong lành, được đắm chìm trong không gian văn hóa độc đáo và cảm nhận vẻ dẹp của thiên nhiên, rừng núi.

b) Sản phẩm du lịch chính

- Tại Khu du lịch Ba Bể , phát triển một số sản phẩm du lịch đa dạng và độc đáo để thu hút du khách như:

+ Du lịch sinh thái: Đây là sản phẩm du lịch chủ đạo với nguồn tài nguyên cho du lịch sinh thái có giá trị cao như hệ thống sông, hồ, rừng, và động vật hoang dã phong phú, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, khí hậu trong lành… Khu du lịch Ba Bể có thể phát triển các tour du lịch sinh thái nhằm trải nghiệm, khám phá thiên nhiên hoang dã để du khách có thể tham gia đi bộ đường rừng, câu cá, thăm hang động hoặc tham gia các hoạt động quan sát chim và động vật hoang dã.

+ Du lịch văn hóa: Khu du lịch Ba Bể có nền văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số như Tày, Dao, Mông, vì vậy khai thác du lịch văn hóa cộng đồng du khách có thể tham gia vào các chương trình du lịch văn hóa để tìm hiểu về phong tục, tập quán và đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Các hoạt động tham quan làng du lịch cộng đồng, trải nghiệm nghề nấu rượu, làm bánh, nghề đan lát, dệt thổ cẩm…và tham dự các lễ hội truyền thống cũng là những trải nghiệm độc đáo của du lịch văn hóa tại Khu du lịch Ba Bể .

+ Du lịch thám hiểm: Khu du lịch Ba Bể có nhiều điểm tham quan thú vị như hang động, hệ thống sông và đảo trên Hồ Ba Bể nên du khách có thể tham gia vào các tour du lịch thám hiểm để khám phá những hang động kỳ thú, chèo thuyền trên sông Năng...

+ Du lịch nghỉ dưỡng và thư giãn: Khu du lịch Ba Bể cũng có tiềm năng phát triển các resort, khách sạn, khu nghỉ dưỡng để du khách có thể thư giãn và tận hưởng không gian yên tĩnh, trong lành. Các hoạt động như tắm suối, tắm thuốc và chăm sóc sức khỏe khác cũng có thể được kết hợp để tạo nên trải nghiệm nghỉ dưỡng hoàn hảo.

- Ngoài ra, Khu du lịch Ba Bể cũng có thể phát triển các sản phẩm du lịch khác với nhiều hình thức đa dạng như:

+ Du lịch mạo hiểm và thể thao: Khu du lịch Ba Bể có địa hình đa dạng thích hợp cho các hoạt động mạo hiểm như leo núi, thám hiểm hang động, đạp xe địa hình, đua thuyền hoặc các hoạt động vui chơi giải trí trên hồ...Các hoạt động này thu hút những du khách yêu thích mạo hiểm, thử thách bản thân.

+ Du lịch tôn giáo và tâm linh: Khu du lịch Ba Bể có những nơi linh thiêng như đền An Mạ (xã Nam Mẫu), động Thẳm Thinh (xã Quảng Khê), Chùa Phố Cũ (thị trấn Chợ Rã). Du khách có thể tham gia vào các chương trình du lịch tâm linh, tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của khu vực.

+ Du lịch nghệ thuật và thủ công: Khu du lịch Ba Bể có truyền thống lâu đời về nghệ thuật và thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số, tại đây du khách có thể tham quan và trải nghiệm các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát... cũng có thể mua sắm và mang về những sản phẩm thủ công độc đáo của khu vực.

+ Du lịch mua sắm và ẩm thực: Khu du lịch Ba Bể có thể phát triển các khu chợ địa phương và khu vực mua sắm để du khách khám phá, thưởng thức ẩm thực truyền thống đặc trưng và mua các sản phẩm đặc sản, quà lưu niệm.

+ Du lịch hội nghị, hội thảo: Cùng với sự phát triển du lịch chung khi đã tạo dựng được hệ thống cơ sở vật chất du lịch phù hợp, việc tổ chức các hoạt động du lịch hội nghị, hội thảo có cơ hội được tổ chức thường xuyên và số lượng lớn hơn.

4.2. Thiết lập các tour tuyến du lịch

Song song với các định hướng phát triển từng sản phẩm du lịch theo tình hình thực tế, thiết lập các tuyến du lịch nhằm kết nối các điểm đến:

- Ngoài tỉnh:

+ Tuyến liên kết Hồ Ba Bể với ATK Chợ Đồn (huyện Chợ Đồn), ATK Định Hóa (Thái Nguyên), Hà Nội theo các tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; Thái Nguyên - Bắc Kạn (mở mới).

+ Tuyến du lịch chuyên đề khám phá thiên nhiên gắn với Khu bảo tồn Na Hang (Tuyên Quang) và Hồ Ba Bể theo tuyến đường kết nối Ba Bể - Na Hang; Na Hang - Khang Ninh.

+ Tuyến du lịch sinh thái kết hợp khám phá văn hóa gắn với Hồ Ba Bể và Lạng Sơn, Cao Bằng theo tuyến kết nối Cao Bằng - Bắc Kạn - Ba Bể - Lạng Sơn.

- Trong tỉnh:

+ Tuyến du lịch Tây Bắc của tỉnh kết nối thành phố Bắc Kạn - Phủ Thông - Chợ Rã - Hồ Ba Bể.

+ Tuyến du lịch vòng phía Tây của tỉnh kết nối thành phố Bắc Kạn - Phủ Thông - Chợ Rã - Hồ Ba Bể - Bằng Lũng - thành phố Bắc Kạn.

+ Tuyến du lịch khám phá dọc tuyến đường thành phố Bắc Kạn - Hồ Ba Bể.

+ Tuyến du lịch Hồ Ba Bể - Mù Là (huyện Pác Nặm) - Lủng Cháng (huyện Ba Bể) - Hồ Bản Chang (huyện Ngân Sơn).

+ Các tuyến leo núi, mạo hiểm hang động: Động Áng Toòng (huyện Na Rì) - leo núi khu vực Hồ Ba Bể - trượt thác (thác Đầu Đẳng), thể thao mạo hiểm hang động khu thác Tát Mạ (Hoàng Trĩ).

- Tuyến nội bộ:

+ Tuyến du lịch cáp treo (xây mới) kết nối Thác Đầu Đẳng - Khau Qua - Cốc Tộc.

+ Tuyến trải nghiệm đường sắt kết nối Hua Mạ đi Bó Lù.

+ Các tuyến trekking khám phá núi rừng Vườn quốc gia Ba Bể:

. Tuyến 1: QL3C - Động Puông

. Tuyến 2: Ao Tiên - Động Phja Biooc.

. Tuyến 3: Đảo An Mã - Pác Ngòi.

. Tuyến 4: Hồ Pé Lầm - Động Pia Sloi.

. Tuyến 5: Hồ Pé Lầm - Khau Qua.

. Tuyến 6: Thác Đầu Đẳng - Nà Phại - Khau Qua - Cốc Tộc.

+ Tuyến cầu kính (xây mới):

. Tuyến 1: Từ Bản Cám đi Thác Đầu Đẳng.

. Tuyến 2: Từ Động Nả Phòong đi Pác Ngòi.

+ Tuyến du lịch trên Hồ Ba Bể.

+ Tuyến du lịch trên sông Năng.

+ Tuyến du lịch hang động: Hang Hua Mạ - hang Thẳm Thinh - động Puông.

+ Các tuyến đi thuyền mạo hiểm vượt ghềnh thác: khu vực Hồ Ba Bể - thác Đầu Đẳng.

+ Các tuyến đi bộ vượt rừng từ Hồ Ba Bể sang bản Cám, đi bộ vòng quanh Hồ Ba Bể...

+ Các tuyến đi xe đạp: Vòng quanh khu vực Hồ Ba Bể, các khu du lịch cộng đồng Pác Ngòi, Bó Lù...

+ Các tuyến phượt bằng xe máy, mô tô địa hình.

+ Tuyến dã ngoại trong rừng phía Đông và phía Tây Hồ Ba Bể.

+ Tuyến du lịch văn hóa, cộng đồng kết nối vùng lõi du lịch với các khu, điểm du lịch cộng đồng quanh khu vực các xã Quảng Khê, Hoàng Trĩ, Đồng Phúc, Yến Dương.

+ Tuyến du lịch nông nghiệp, kết nối với các vùng cảnh quan nông nghiệp và sản phẩm OCOP.

4.3. Các dịch vụ du lịch

Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể

a) Yêu cầu chung

- Cơ sở kinh doanh dịch vụ khi cung cấp dịch vụ phải đạt các điều kiện quy định. Cơ quan quản lý sẽ rà soát và cấp chứng nhận đủ điều kiện phục vụ khách du lịch cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, dịch vụ ăn uống, dịch vụ thể thao, dịch vụ vui chơi, giải trí, dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên địa bàn; kiểm tra điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch.

- Phát triển các dịch vụ mang tính đa dạng, luôn sẵn sàng phục vụ khách trong mọi thời điểm, nhân viên có kỹ năng tốt, thân thiện, nhiệt tình, đối xử bình đẳng với tất cả khách hàng.

- Các dịch vụ cần gắn với cơ sở vật chất kỹ thuật có khả năng đáp ứng hoạt động phục vụ du lịch.

- Giá dịch vụ phải được niêm yết công khai tại các cơ sở dịch vụ.

b) Các dịch vụ

* Dịch vụ ăn uống

- Địa điểm:

+ Tại các trung tâm: thị trấn Chợ Rã, các xã Khang Ninh, Nam Cường, Quảng Khê, Đồng Phúc phù hợp với các hình thức tổ chức dịch vụ với quy mô lớn.

+ Gần các bến thuyền, khu vực cổng Vườn quốc gia Ba Bể, các điểm tham quan chính nhà hàng, quán ăn quy mô hợp lý.

+ Tại các làng bản: Phát triển homestay kết hợp phục vụ ăn uống mang đến trải nghiệm ẩm thực địa phương độc đáo.

+ Tại các điểm tham quan phát triển các dịch vụ nhỏ phục vụ du khách tham quan.

- Hình thức:

+ Chợ, phố, vườn ẩm thực: Phục vụ món ăn đa dạng, từ bình dân đến cao cấp.

+ Nhà hàng: Phục vụ món ăn đa dạng, từ bình dân đến cao cấp.

+ Quán ăn: Phục vụ các món ăn đặc sản địa phương, món ăn dân dã.

+ Homestay: Kết hợp lưu trú và phục vụ ăn uống, mang đến trải nghiệm văn hóa địa phương.

+ Dịch vụ ăn uống lưu động: Phục vụ du khách tham gia các hoạt động ngoài trời như trekking, kayaking.

- Hướng phát triển:

+ Phục vụ các món ăn đa dạng, phù hợp với nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

+ Nâng cao chất lượng món ăn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chú trọng sử dụng nguyên liệu địa phương, các món ăn truyền thống.

- Về quản lý, cần tăng cường quản lý các cơ sở dịch vụ ăn uống trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cụ thể như: Phục vụ các thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ; kết hợp với các nhà cung cấp, phát huy hệ thống sản phẩm OCOP của địa phương.

* Dịch vụ vui chơi, giải trí

- Địa điểm:

+ Tại các trung tâm: thị trấn Chợ Rã, các xã Khang Ninh, Nam Cường, Quảng Khê, Đồng Phúc tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí sôi nổi, náo nhiệt.

+ Các làng bản du lịch: Phát triển các hoạt động vui chơi giải trí gắn liền với văn hóa địa phương.

+ Các điểm tham quan: Phát triển các hoạt động vui chơi giải trí nhẹ nhàng, phù hợp với không gian thiên nhiên yên tĩnh.

- Hình thức:

+ Khu vui chơi giải trí: Đây là khu vực tập trung nhiều trò chơi giải trí dành cho mọi lứa tuổi như tàu lượn siêu tốc, đu quay,... hoặc mang tính chuyên đề khác.

+ Khu biểu diễn nghệ thuật: Nơi diễn ra các chương trình ca múa nhạc, xiếc,... phục vụ du khách.

+ Khu thể thao: Cung cấp các dịch vụ thể thao như sân tập golf, sân tennis, sân bóng đá, hồ bơi,...

+ Khu trò chơi dân gian: trải nghiệm các trò chơi truyền thống như ném còn, kéo co, đi cầu kiều,...

+ Các trung tâm vui chơi giải trí nhỏ: Karaoke, bar, pub, trò chơi điện tử,...

- Hướng phát triển:

+ Cung cấp các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp với nhu cầu của du khách ở mọi lứa tuổi.

+ Hình thành các khu vui chơi giải trí hiện đại quy mô lớn.

+ Tận dụng, nâng cấp, phát huy các thiết chế văn hóa, thể thao hiện có, kết hợp hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí.

+ Hợp tác với người dân địa phương để phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí gắn với truyền thống văn hóa, lao động, sản xuất của địa phương.

- Về quản lý hoạt động:

+ Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch.

+ Trang thiết bị phục vụ hoạt động vui chơi giải trí đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn của nhà sản xuất.

* Các hoạt động trình diễn, biểu diễn nghệ thuật

- Duy trì và thành lập mới các đội văn nghệ tại các thôn, bản, trước tiên cần chú trọng các điểm đã và đang tập trung đông khách du lịch hoặc địa phương đang chú trọng phát triển tại thị trấn Chợ Rã, các xã Nam Mẫu, Khang Ninh, Quảng Khê, Đồng Phúc, Nam Cường.

- Hợp tác, khai thác thế mạnh của các đoàn, đội văn hóa nghệ thuật của huyện, tỉnh. Thường xuyên tổ chức các hoạt động trình diễn, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật phục vụ khách du lịch, đối với các sự kiện lớn được tổ chức hàng năm với sự thay đổi về chủ đề, nội dung, hình thức tổ chức.

* Dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá, tìm hiểu các giá trị về tự nhiên, văn hóa

+ Tổ chức các hoạt động tham quan Hồ Ba Bể như trải nghiệm trên mặt hồ, Ao Tiên, Động Puông, thác Đầu Đẳng, theo dòng sông Năng, khám phá các đảo Bà Góa, đảo An Mã…

+ Phát triển các tour du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa địa phương, nghỉ dưỡng...tại các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng thôn, bản.

+ Di tích lịch sử - văn hóa: Phát triển các tour tham quan, tìm hiểu giá trị lịch sử - văn hóa.

- Hướng phát triển:

+ Đối với khu vực quanh Hồ Ba Bể: Củng cố các dịch vụ du lịch sẵn có tại hồ và các thôn, bản như: Pác Ngòi, Pó Lù, Cốc Tộc, bản Cám; phát triển các dịch vụ cao cấp phục vụ du lịch tham quan, nghỉ dưỡng; tổ chức các hoạt động trekking khám phá rừng, trải nghiệm các hoạt động leo núi, chèo thuyền kayak, tìm hiểu hệ sinh thái đa dạng của Vườn quốc gia Ba Bể.

+ Đối với các điểm tham quan, điểm du lịch cộng đồng, các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh liên quan cần tạo dựng điều kiện cơ sở vật chất phù hợp và tổ chức dịch vụ đón khách tham quan, trải nghiệm.

- Các yêu cầu khác:

+ Đảm bảo an toàn cho khách du lịch.

+ Nhân viên có kiến thức rộng, sâu về các điểm tham quan, du lịch, có kỹ năng hướng dẫn tốt, thân thiện, nhiệt tình.

+ Chương trình tham quan phong phú, đa dạng và linh hoạt.

+ Có thông tin chính thống về các đối tượng tham quan.

* Dịch vụ tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo

- Dịch vụ tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo được cung cấp và tổ chức linh hoạt tại các địa điểm phù hợp với quy mô và cách thức tổ chức theo yêu cầu.

- Định hướng phát triển:

+ Cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, không gian kiến trúc cảnh quan của các công trình sẵn có như các nhà văn hóa, sân vận động, khu tổ chức lễ hội.

+ Đầu tư xây dựng các khu hội nghị, hội thảo hiện đại, tiện nghi tại các khu vực trung tâm trong khu du lịch, tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng...

- Đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, có kinh nghiệm tổ chức sự kiện.

Phối hợp với các đơn vị tổ chức sự kiện chuyên nghiệp, các công ty du lịch, lữ hành để tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch.

+ Các yêu cầu khác: Thời gian phục vụ linh hoạt; trang thiết bị hiện đại, phong phú phù hợp tính chất của nhiều loại sự kiện khác nhau.

* Dịch vụ mua sắm

- Địa điểm:

+ Các dịch vụ mua sắm được cung cấp chủ yếu tại các khu vực trung tâm của thị trấn Chợ Rã và các xã Khang Ninh, Quảng Khê, Đồng Phúc và Nam Cường.

+ Các dịch vụ mua sắm còn được cung cấp tại các điểm tham quan, điểm du lịch cộng đồng và các khu vực tập trung đông khách du lịch khác.

- Hình thức:

+ Các trung tâm thương mại, siêu thị: Bán nhiều loại hàng hóa, sản phẩm;

+ Cửa hàng: Bán đa dạng sản phẩm như đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, đặc sản địa phương,...

+ Chợ: Tổ chức các phiên chợ bán các sản phẩm địa phương, tạo không khí đặc trưng cho khu du lịch.

- Có các dịch vụ đa dạng phục vụ nhu cầu phong phú của khách (mua sắm, làm đẹp, tư vấn thời trang, tư vấn sức khỏe, thuê thiết bị cá nhân...).

- Khuyến khích tham gia cung cấp dịch vụ mua sắm, đặc biệt các mặt hàng mang tính địa phương.

- Khuyến khích các hộ gia đình sản xuất thêm đồ thủ công, đồ lưu niệm mang nét độc đáo riêng biệt của địa phương như: khăn lụa; sáo; mô hình thuyền độc mộc, mô hình nhà sàn làm từ gỗ, tre…

4.4. Cung cấp và chỉ dẫn thông tin

Đơn vị thực hiện: Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị có liên quan

a) Cung cấp thông tin cho khách hàng

- Có dịch vụ cung cấp thông tin cho khách qua điện thoại 24/24.

- Có dịch vụ cung cấp thông tin qua mạng thông tin toàn cầu (website hoặc mạng xã hội), website, mạng xã hội đăng tải hình ảnh động, video, hỗ trợ download ấn phẩm điện tử của khu du lịch, có mục Hỏi - Đáp, trả lời các câu hỏi thường gặp nhất của khách du lịch, có hỗ trợ tư vấn online, địa chỉ email liên hệ trực tuyến, có đường dẫn tới các website liên quan khác như: hãng lữ hành, hãng vận chuyển…

- Có ấn phẩm hướng dẫn thông tin phát cho khách thăm quan, ấn phẩm được thiết kế công phu, hình ảnh ấn tượng, độc đáo, kích cỡ phù hợp để mang theo, thông tin đầy đủ, dễ đọc, sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường.

- Thông tin trên ấn phẩm in, ấn phẩm điện tử, website hoặc mạng xã hội được thể hiện bằng ít nhất 02 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.

b) Chỉ dẫn thông tin trong toàn bộ khu du lịch

- Có bảng nội quy của khu du lịch và bảng nội quy chi tiết tại khu chức năng.

- Sơ đồ chỉ dẫn toàn khu du lịch và các khu chức năng được đặt ở nhiều nơi trong khu du lịch.

- Có hệ thống biển chỉ dẫn đến các khu chức năng trong khu du lịch.

- Biển chỉ dẫn bằng tiếng Việt và ít nhất 1 ngoại ngữ, được thiết kế với nhiều hình ảnh, ký hiệu thể hiện tính thông tin cao và có sơ đồ thông tin định vị vị trí của du khách.

c) Thuyết minh

- Có bảng thông tin thuyết minh về các đối tượng tham quan hoặc có thuyết minh viên chuyên trách phục vụ khách tham quan.

- Có bảng thông tin điện tử thuyết minh về các đối tượng tham quan.

- Thuyết minh viên có khả năng sử dụng ngoại ngữ để thuyết minh cho khách/Có dịch vụ thuyết minh tự động.

- Có hỗ trợ khách khiếm thính.

d) Trung tâm thông tin du lịch

- Có phòng cung cấp thông tin trang bị máy tính kết nối internet cho khách du lịch tìm kiếm thông tin về khu du lịch.

- Có nhân viên chuyên trách trực cung cấp thông tin tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của du khách…

- Có thêm các quầy thông tin tại các phân khu chức năng trong khu du lịch (trưng bày những ấn phẩm quảng cáo về khu du lịch dành cho khách du lịch, giá để ấn phẩm thông tin được thiết kế gọn nhẹ, thuận tiện cho việc lấy ấn phẩm...).

5. Quản lý điểm đến

5.1. Quản lý chung

Đơn vị thực hiện: Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể

- Đề xuất, xây dựng và ban hành các quy định, nội quy, quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên, cảnh quan, môi trường và các hoạt động du lịch tại Khu du lịch.

- Kiểm soát và đảm bảo thực hiện các nội quy, quy định của cơ quan nhà nước về quản lý, bảo tồn và phát triển khu du lịch.

- Thực hiện công tác giám sát, đánh giá, đề xuất các biện pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn, phát triển khu du lịch.

- Xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác với các đơn vị liên quan, các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương để đẩy mạnh quản lý và phát triển khu du lịch.

* Bộ máy quản lý chung:

- Trước khi khu du lịch quốc gia được công nhận, UBND huyện Ba Bể cần củng cố lại tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm Ban quản lý du lịch hiện có hoặc có thể hình thành một bộ máy linh hoạt, hiệu quả để quản lý và phát triển khu du lịch triển khai các định hướng, kế hoạch phát triển tiến tới hình thành khu du lịch quốc gia. Trong giai đoạn này, huyện cần nghiên cứu, đề xuất thành lập Ban chỉ đạo phát triển Khu du lịch quốc gia Ba Bể để thống nhất các định hướng, chỉ đạo chung và phối hợp giữa UBND huyện Ba Bể và Ban quản lý Vườn quốc gia Ba Bể.

- Sau khi khu du lịch quốc gia được công nhận, cần thiết lập Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Ba Bể trực thuộc UBND tỉnh, với tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể được xác định rõ ràng; Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Ba Bể sẽ có khả năng quản lý và phát triển khu du lịch một cách chủ động, đảm bảo sự bền vững và phát triển du lịch tại khu du lịch (nghiên cứu áp dụng quy định tại Nghị định số 30/2022/NĐ-CP ngày 19/5/2022 của Chính phủ quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia).

* Mô hình tổ chức Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Ba Bể có thể như sau:

- Ban quản lý: Ban Quản lý Khu du lịch chịu trách nhiệm chính về quản lý, điều hành, triển khai thực hiện các hoạt động liên quan đến phát triển, quảng bá, bảo tồn và giám sát khu du lịch.

- Các phòng ban chức năng: Ban Quản lý Khu du lịch có thể được tổ chức thành các phòng, ban chức năng để đảm bảo quản lý hiệu quả các lĩnh vực khác nhau. Các phòng ban có thể bao gồm:

+ Phòng Quản lý Tài nguyên và Môi trường: Chịu trách nhiệm về quản lý tài nguyên thiên nhiên bao gồm quản lý rừng, nước, động vật hoang dã. Bảo vệ và bảo tồn môi trường bao gồm việc giám sát và đánh giá tác động môi trường của các hoạt động du lịch, triển khai biện pháp bảo vệ môi trường và quản lý chất thải.

+ Phòng Phát triển Du lịch: Định hướng, triển khai các chương trình và dự án phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm, quảng bá và tiếp thị.

+ Phòng Quản lý Văn hóa và Lịch sử: Chịu trách nhiệm quản lý, bảo tồn di sản văn hóa và lịch sử, đồng thời phát triển các hoạt động văn hóa, lễ hội và các trải nghiệm du lịch liên quan đến văn hóa địa phương.

+ Phòng Quản lý Khách hàng và Tiếp thị: Đảm bảo chất lượng dịch vụ và trải nghiệm du lịch cho khách hàng, xây dựng các chiến dịch tiếp thị, quảng bá, quản lý thông tin và tiếp nhận khách du lịch.

- Tổ chức thành phần: Ngoài Ban quản lý khu du lịch, có thể thành lập các đơn vị tổ chức thành phần tại khu du lịch để quản lý và phát triển các khu vực cụ thể. Các tổ chức này có thể bao gồm quản lý các khu vực như bến thuyền, làng du lịch, làng nghề truyền thống và các điểm tham quan khác.

- Hợp tác với các đối tác: Ban quản lý khu du lịch thiết lập mối quan hệ hợp tác với các đối tác liên quan như các tổ chức du lịch, cộng đồng địa phương, trường học, trung tâm nghiên cứu và các doanh nghiệp du lịch nhằm tăng cường nguồn lực, chia sẻ kiến thức, kỹ năng và thúc đẩy phát triển bền vững của khu du lịch.

5.2. Giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường

Đơn vị thực hiện: Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể

a) Môi trường tự nhiên và vệ sinh chung

- Giữ môi trường không khí trong lành, không bị ô nhiễm: hạn chế và dần chuyển đổi các phương tiện động cơ xăng, dầu sang động cơ điện.

- Giữ gìn môi trường nguồn nước mặt (hồ, ao, sông, suối...) không bị ô nhiễm như: Thường xuyên thu gom rác thải trên mặt hồ; có biện pháp hạn chế và ngăn chặn rác thải theo các tuyến sông (sông Chợ Lèng, sông Năng, sông Nà Phại…). Đối với các tuyến sông đổ vào hồ, những đoạn chảy qua các khu dân cư tập trung phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải.

- Đặt các thùng thu gom rác dọc đường giao thông, tại các điểm tham quan.

- Các trang thiết bị trong điểm du lịch như đèn chiếu sáng, biển báo, tiểu cảnh... được làm sạch thường xuyên.

- Các khu vực bán quà lưu niệm, các món ẩm thực trong khu du lịch phải đảm bảo vệ sinh môi trường chung.

- Khu vực đang thi công được che chắn và đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường trong xây dựng.

b) Xử lý rác thải

- Có phương án đảm bảo thu gom rác thải vệ sinh môi trường trong khu du lịch. Áp dụng phương pháp tách nguồn rác thải tại các điểm tập trung đông người và các khu vực khách sạn, nhà hàng, quán ăn để dễ dàng thu gom và xử lý.

- Đặt các thùng rác tại các vị trí phù hợp, có các biện pháp thu gom, phân loại, xử lý rác thải để đảm bảo an toàn cho du khách và môi trường, trung bình có ít nhất 01 thùng rác có nắp đậy trên 300m dọc đường giao thông nội bộ.

- Bố trí khu vực tập trung rác thải trước khi vận chuyển về nơi xử lý.

- Trang bị phương tiện vận chuyển rác thải tới nơi xử lý rác của địa phương với tần suất 1 lần/ngày.

c) Hệ thống nhà vệ sinh công cộng

- Nâng cao chất lượng và số lượng các nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch trong các khu vực đông dân cư và các điểm du lịch như cải tạo các nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tại các khu chức năng và các điểm tham quan chính và đặt các buồng vệ sinh lưu động tại các khu công cộng.

- Đảm bảo các nhà vệ sinh công cộng luôn sạch sẽ, có đủ tiện nghi và cung cấp đủ nước sạch để phục vụ khách du lịch.

- Đặt biển chỉ dẫn rõ ràng để khách du lịch có thể dễ dàng tìm thấy các nhà vệ sinh công cộng và buồng vệ sinh lưu động.

- Thường xuyên kiểm tra và bảo trì các hệ thống xử lý nước thải của các nhà vệ sinh công cộng để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

5.3. Môi trường xã hội

Đơn vị thực hiện: Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể.

- Tuyên truyền, giải thích, vận động người dân và có chế tài phù hợp để cộng đồng hiểu và thực hiện các nội dung như: Không thực hiện các hành vi chèo kéo, đeo bám khách du lịch để bán hàng, chào mời dịch vụ…Giao tiếp, ứng xử thể hiện bản sắc văn hóa và sự văn minh của người dân địa phương; sẵn sàng hỗ trợ khách du lịch (tư vấn, hướng dẫn, chỉ đường....); tôn trọng văn hóa, ứng xử của khách du lịch từ các vùng miền đến với địa phương; sẵn sàng giới thiệu và hướng dẫn khách du lịch hòa nhập và trải nghiệm văn hóa đặc trưng của địa phương.

- Nâng cao nhận thức Nhân dân về tầm quan trọng của du lịch đối với phát triển kinh tế và xã hội của địa phương; tạo động lực cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cùng cộng đồng tham gia tích cực vào hoạt động phát triển du lịch.

- Tổ chức các hoạt động tình nguyện để hướng dẫn, tư vấn hoặc các chương trình bồi dưỡng, đào tạo cho người dân địa phương về các kỹ năng để giao tiếp, phục vụ khách du lịch.

- Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động du lịch như hướng dẫn, tư vấn, cung cấp dịch vụ, sản phẩm và các hoạt động văn hóa truyền thống để tạo sự đa dạng và độc đáo cho sản phẩm du lịch.

- Bảo vệ các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc truyền thống và phát triển các hoạt động văn hóa và giáo dục nhằm tăng cường nhận thức và khả năng đón nhận của du khách về các giá trị này.

5.4. An ninh trật tự

Đơn vị thực hiện: Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể phối hợp với các đơn vị có liên quan

a) Tổ chức lực lượng an ninh, trật tự

- Ban quản lý khu du lịch tổ chức lại các bộ phận đảm bảo an ninh trật tự, các tổ chuyên trách được bố trí trực tại các điểm và giám sát, tuần tra chuyên trách.

- Phối hợp các đơn vị an ninh xã, huyện, Vườn quốc gia trong vấn đề đảm bảo an ninh trật tự.

- Cung cấp đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ cho lực lượng an ninh như đèn pin, máy bộ đàm, đèn pha, bình cứu hỏa, trang phục... để đảm bảo an toàn cho khách du lịch trong quá trình tham quan và tạo ra một môi trường an ninh trật tự trong khu du lịch.

- Thường xuyên tổ chức huấn luyện, nâng cao năng lực cho lực lượng an ninh trật tự để đáp ứng tốt hơn với tình hình an ninh và các tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

b) Phương án đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch

- Có phương án đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch trong điều kiện bình thường với những sự cố đơn giản, thường gặp.

- Thiết lập đường dây nóng kết nối với ban, ngành chức năng của địa phương để phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch (hỗ trợ khu du lịch trong việc phối hợp giải quyết các vấn đề vượt quá chức năng của khu du lịch), cử nhân viên trực đường dây nóng 24/7.

- Có phương án chủ động sơ tán, ứng cứu khách, tài sản khi có thiên tai, hỏa hoạn và những sự cố nghiêm trọng khác.

- Nâng cao trang thiết bị an ninh, an toàn như lắp đặt camera giám sát tại các khu vực quan trọng và khai thác các công nghệ an ninh mới nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch, tài sản của khách.

- Đào tạo đội ngũ nhân viên an ninh, an toàn chuyên nghiệp, có kỹ năng giải quyết tình huống khẩn cấp, ứng xử tốt với khách du lịch.

- Tổ chức các cuộc diễn tập tình huống có sự tham gia của lực lượng an ninh, trật tự và các đơn vị chức năng khác để tăng cường kỹ năng, năng lực ứng phó với các tình huống khẩn cấp.

- Hướng dẫn khách du lịch về các biện pháp phòng ngừa và tự bảo vệ cá nhân, tài sản của mình trong quá trình du lịch.

c) Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch

- Bố trí các điểm trực an ninh trong khu du lịch và tại mỗi phân khu chức năng.

- Trang bị đồng phục và những thiết bị tối thiểu (găng tay, ống nhòm, còi, dùi cui, đèn pin, ủng, mũ, loa, bộ đàm...) cho lực lượng an ninh phục vụ công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch.

- Bố trí hệ thống camera hiện đại, góc quay rộng, độ phân giải cao để giám sát an ninh ở các điểm tham quan chính và các khu chức năng.

- Trang bị hệ thống báo cháy nổ tự động trong các khu nhà.

- Bố trí hệ thống loa phóng thanh để thông báo các sự cố, trường hợp khẩn cấp.

- Bố trí hệ thống hàng rào cách ly khu vực nguy hiểm.

- Bố trí vòi nước và các bồn chứa nước phục vụ cứu hỏa tại các khu chức năng.

- Trang bị xe chuyên dụng, xuồng máy phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát an ninh trật tự trong khu du lịch, được trang bị thêm các trang thiết bị để vận chuyển hoặc cứu hộ chuyên dụng như xe đạp, xe mô tô, thang dây, xuồng cứu hộ.

6. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật

6.1. Hệ thống đường giao thông tiếp cận

Đơn vị thực hiện: Sở Giao thông Vận tải; Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể.

- Hoàn thiện, chỉnh trang các tuyến đường giao thông Quốc lộ 3C, ĐT.254 hiện có tiếp cận vào khu du lịch từ hướng thị trấn Chợ Rã (phía Đông khu du lịch) và từ hướng xã Nam Cường (huyện Chợ Đồn, phía Tây khu du lịch).

- Sớm hình thành tuyến kết nối thành phố Bắc Kạn - Hồ Ba Bể tiếp cận vùng lõi Khu du lịch từ hướng Nam.

- Khai thác tuyến đường thủy kết nối khu du lịch Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) tiếp cận Khu du lịch Ba Bể tại thác Đầu Đẳng.

- Hoàn chỉnh hệ thống chỉ dẫn tiếp cận khu du lịch bằng đường bộ, đường thủy. Số lượng và vị trí đặt các chỉ dẫn phù hợp (có biển báo ở tất cả các ngã ba, ngã tư đường dẫn đến khu du lịch). Biển báo được thiết kế rõ ràng (kích cỡ biển báo, cỡ chữ, hình ảnh thông tin, màu sắc...) nội dung thông tin đầy đủ và diễn đạt song ngữ.

6.2. Đường giao thông nội bộ

Đơn vị thực hiện: Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể

Hoàn thiện hệ thống giao thông nội bộ bao gồm:

- Đường bộ: Mở rộng tuyến đường ven phía Nam của hồ đảm bảo 2 làn xe tránh nhau; hoàn thiện, trải bê tông hoặc trải nhựa toàn bộ, sửa chữa hư hỏng các tuyến đường giao thông hiện có; bố trí các bãi đỗ xe hợp lý, tránh các xung đột về giao thông.

- Đường thủy: Khai thông một số đoạn tuyến từ bản Cám đến động Puông đảm bảo cho các xuồng du lịch di chuyển; xử lý bồi lắng lòng hồ; cải tạo các bến thuyền du lịch, nâng cao độ tiện nghi và thẩm mỹ của các khu bến thuyền du lịch.

- Phát triển một số tuyến giao thông nội bộ đặc biệt khác như: như tàu hỏa du lịch chạy điện, xe buggy, cáp treo... nhằm gia tăng các hình thức trải nghiệm cho khách du lịch.

6.3. Bến, bãi đỗ xe, bến thuyền

- Bãi đỗ xe cho khách du lịch:

+ Nâng cấp bãi đỗ xe tại bến thuyền Buốc Lốm;

+ Lựa chọn vị trí và xây dựng mới bãi đỗ xe tại hướng tiếp cận phía Tây thuộc xã Nam Cường (huyện Chợ Đồn).

+ Lựa chọn vị trí và xây dựng mới bãi đỗ xe tại hướng tiếp cận phía Nam thuộc xã Quảng Khê, là bãi đỗ xe của hướng tiếp cận chính của Khu du lịch.

+ Chuyển hình thức sử dụng của bãi đỗ xe tại bến thuyền chính của Hồ Ba Bể chỉ dành cho xe điện đỗ, dừng chờ đón trả khách.

- Bến thuyền:

+ Tôn tạo cảnh quan toàn bộ các bến thuyền hiện có, đảm bảo cho xe điện đỗ, dừng chờ đón trả khách, bao gồm 04 bến thuyền trong khu vực hồ là bến bờ Bắc Hồ Ba Bể (bến thuyền chính), bến bờ Nam Hồ Ba Bể, bến Kéo Slưu và bến Pác Ngòi; 02 bến thuyền dọc sông Năng là bên Buốc Lốm và bến Đầu Đẳng.

+ Khôi phục khai thác bến thuyền tại hạ lưu thác Đầu Đẳng có khả năng kết nối với hồ Na Hang (tỉnh Tuyên Quang).

6.4. Hệ thống điện

Đơn vị thực hiện:Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể

- Thiết kế và lắp đặt hệ thống chiếu sáng với những trang thiết bị hiện đại, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng dọc đường giao thông nội bộ, khu lưu trú, các phân khu chức năng và tất cả các điểm tham quan trong khu du lịch.

- Có hệ thống điện dự phòng cho các khu chức năng.

- Bố trí các hệ thống chiếu sáng nghệ thuật cảnh quan tại các khu vực tập trung đông người nhất là vào buổi tối như tại thị trấn Chợ Rã, khu vực bến thuyền Buốc Lốm, khu dịch vụ phía Đông Hồ Ba Bể và các điểm phát triển du lịch cộng đồng.

6.5. Hệ thống cấp nước sinh hoạt

Đơn vị thực hiện:Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể

- Xây dựng hệ thống nước sạch đảm bảo nhu cầu nước sạch của khách; tại các khu vực tập trung đông khách du lịch cần bố trí hệ thống lọc nước sạch theo tiêu chuẩn quốc tế (có thể uống ngay không cần đun sôi) phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Bố trí hệ thống đường ống, vòi nước phục vụ công tác chữa cháy cho tất cả các khu vực tập trung đông dân cư.

- Đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước cho các khu vực đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh môi trường. Các hệ thống này cần phối hợp với kiến trúc cảnh quan nhằm hạn chế các tác động tiêu cực với cảnh quan chung.

- Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho các khu vực đảm bảo an toàn cho môi trường. Các công trình xử lý nước thải phải đặt tại các vị trí khuất, cuối hướng gió. Có quy trình xử lý nước thải để tái sử dụng như tưới cây, vệ sinh...

7. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương

Đơn vị thực hiện:Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể

- Nâng cao tỷ lệ lao động là người địa phương trong khu du lịch (từ 3% tổng lao động toàn khu du lịch trở lên).

- Hàng năm có bố trí một phần doanh thu của khu du lịch để xây dựng, nâng cấp các công trình và hỗ trợ các hoạt động phong trào của địa phương.

- Tỷ lệ hộ gia đình ở địa phương được tham gia kinh doanh trong khu du lịch đạt từ 5% trở lên.

8. Liên kết phát triển du lịch

Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể.

- Phát triển du lịch Hồ Ba Bể có thể liên kết với các điểm trong tỉnh và ngoài tỉnh để tạo ra một mạng lưới du lịch phong phú, hấp dẫn. Một số liên kết phát triển du lịch Hồ Ba Bể với các điểm khác:

- Các điểm có tiềm năng phát triển du lịch, điểm du lịch nhỏ tại các địa phương xung quanh như các điểm di tích, cộng đồng dân cư, điểm du lịch cộng đồng... cũng có thể trở thành các điểm đến, tham quan vệ tinh cho Khu du lịch.

- Liên kết với các khu vực khác trong vùng: các khu sản xuất nông nghiệp, các làng nghề... có thể tạo ra các hàng hóa du lịch gắn với các sản phẩm OCOP, hàng lưu niệm, phát triển một số sản phẩm du lịch khác.

- Liên kết với các điểm du lịch trong tỉnh: Khu du lịch có thể được kết nối với các khu, điểm du lịch khác trong tỉnh như khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) huyện Chợ Đồn; khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (huyện Na Rì), khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn). Qua việc hình thành kết nối tour tuyến và hệ thống giao thông thuận tiện, du khách có thể dễ dàng di chuyển giữa nhiều điểm du lịch để trải nghiệm đa dạng về văn hóa, thiên nhiên và lịch sử của tỉnh.

- Liên kết với các điểm du lịch nổi tiếng khác trong khoảng cách phù hợp tại các tỉnh như: Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn... tuy nhiên các tuyến đường và hệ thống giao thông cần được cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách di chuyển giữa các điểm, điều này sẽ tạo ra một hành trình du lịch liên tỉnh hấp dẫn và mang lại lợi ích kinh tế cho các địa phương.

- Liên kết với các điểm du lịch quốc gia và quốc tế: Khu du lịch có thể được kết nối với các điểm du lịch quốc gia và quốc tế, thu hút du khách từ khắp nơi trong cả nước và thế giới. Việc kết nối các tuyến đường hàng không, đường bộ và đường thủy có thể giúp du khách dễ dàng tiếp cận Hồ Ba Bể từ các điểm du lịch quốc gia lân cận như Hà Nội, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) và thị xã Sapa (tỉnh Lào Cai) tạo ra mạng lưới du lịch phát triển nâng tầm du lịch của Việt Nam.

- Liên kết với các hoạt động kinh tế - xã hội khác để ghi dấu ấn, thu hút khách đến với Khu du lịch Ba Bể ...

Qua việc liên kết phát triển Khu du lịch Ba Bể với các điểm trong và ngoài tỉnh không chỉ giúp cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, giúp mở rộng phạm vi du lịch mà còn đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho khu vực.

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về cơ chế, chính sách

- Điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển Khu du lịch Ba Bể nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

- Cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt trong các lĩnh vực: đầu tư, giải phóng mặt bằng, phát triển hạ tầng, phát triển các dịch vụ du lịch... để thu hút các nhà đầu tư và các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước. Khuyến khích thành lập mới, nâng cao năng lực kinh doanh các doanh nghiệp du lịch tại địa phương.

- Làm rõ cơ chế phối hợp liên ngành trong khu vực để đảm bảo sự thông suốt và nhanh chóng trong công tác quản lý và phát triển khu du lịch.

- Công bố các chính sách khuyến khích, ưu đãi cho đầu tư, tăng cường hợp tác công - tư để huy động các nguồn lực trong xã hội cho phát triển khu du lịch, đặc biệt là trong việc bảo vệ, tôn tạo di tích, thắng cảnh, bảo tồn và phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch.

- Xây dựng và thực hiện các chính sách đãi ngộ nhằm thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Nghiên cứu ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến khu du lịch.

- Về tài chính, dần chuyển đổi cơ chế thu phí tham quan sang cơ chế thu phí dịch vụ; điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất; có chính sách phù hợp về thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các dự án du lịch có hệ số sử dụng đất cho xây dựng thấp và hạn chế về chiều cao, chính sách đất đai hợp lý đối với diện tích xây dựng ký túc xá, nhà ở cho người lao động du lịch tại khu du lịch; tạo điều kiện thuận lợi hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch.

- Khuyến khích, khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích vận động vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vận động dự án đầu tư vào khu du lịch.

2. Giải pháp về công tác quản lý Khu du lịch

- Kiện toàn bộ máy quản lý Khu du lịch Ba Bể theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý liên ngành, liên vùng của hoạt động du lịch, phát huy vai trò của Ban quản lý Khu du lịch Ba Bể .

- Đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch và quản lý theo quy hoạch đặc biệt là Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Ba Bể, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể, đảm bảo giữ gìn cảnh quan thiên nhiên; quản lý tốt việc cấp phép xây dựng khách sạn, nhà nghỉ đảm bảo đúng quy hoạch, hài hoà với môi trường, không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên; tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp xây dựng trái phép, không đúng quy hoạch.

- Tăng cường sự phối hợp liên ngành, địa phương, trong đó đặc biệt là sự phối hợp giữa Ban quản lý Khu du lịch với các địa phương có liên quan; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, kiểm soát chất lượng dịch vụ hệ thống khách sạn, nhà hàng, các doanh nghiệp lữ hành, đội ngũ hướng dẫn viên và các cơ sở dịch vụ du lịch; khẩn trương triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý thuế, phí để chống thất thu trong hoạt động của Khu du lịch.

- Thực hiện việc sắp xếp lại công tác quản lý tại các điểm tham quan du lịch; duy trì đường dây nóng tiếp nhận thông tin khiếu nại và xử lý vi phạm trong các hoạt động kinh doanh du lịch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo chấp hành tốt các quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ du lịch; phòng, chống và loại bỏ các tiêu cực, đảm bảo cho du lịch Ba Bể phát triển bền vững, tiến tới trở thành Khu du lịch quốc gia.

3. Quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật Khu du lịch

3.1. Quy hoạch

Có quy hoạch xác định cụ thể ranh giới Khu du lịch; đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo đồ án Quy hoạch di tích danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể và vùng phụ cận huyện Ba Bể, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào đầu tư xây dựng các hạng mục du lịch, hạ tầng du lịch đáp ứng đầy đủ tiêu chí đưa Khu du lịch Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia.

3.2. Đầu tư

a) Ưu tiên bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ đầu tư cho Khu du lịch trong các lĩnh vực sau:

- Đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng khung của khu du lịch đảm bảo đáp ứng nhu cầu khách du lịch tiếp cận các khu, điểm du lịch an toàn thuận tiện.

- Đầu tư tu bổ, tôn tạo các công trình văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và các khu vực du lịch khác để tạo sức hút du lịch văn hóa cho khu du lịch.

- Đầu tư nâng cấp phát triển hệ thống hạ tầng xã hội về văn hóa, thể thao, y tế có đủ điều kiện, tiện nghi phục vụ khách du lịch.

- Đầu tư hoàn thiện hệ thống cung cấp điện, nước sạch, hạ tầng viễn thông đảm bảo nhu cầu khách du lịch theo từng giai đoạn.

- Đầu tư cho việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, môi trường trong và ngoài khu du lịch để đảm bảo sự bền vững, phát triển lâu dài của khu du lịch.

- Đầu tư cho hệ thống chỉ dẫn, hướng dẫn tiếp cận khu du lịch.

- Đầu tư cho hệ thống quảng bá và tiếp thị để thu hút khách du lịch, tăng cường thương hiệu của Khu du lịch trên các phương tiện truyền thông.

b) Thu hút mọi nguồn lực toàn xã hội từ khu vực tư nhân đầu tư khu du lịch theo các lĩnh vực sau:

- Phát triển hệ thống cơ sở lưu trú đáp ứng nhu cầu theo mục tiêu định hướng phát triển du lịch.

- Phát triển hệ thống cơ sở dịch vụ lưu trú, hệ thống nhà hàng, các cơ sở vui chơi giải trí và các dịch vụ bổ trợ khác… để đáp ứng nhu cầu khách du lịch.

- Phát triển, chuẩn hóa hệ thống phương tiện vận chuyển phục vụ du lịch, đảm bảo chất lượng, có sự quản lý theo hệ thống.

- Bên cạnh việc thu hút đầu tư từ các nguồn lực trên, cần phải đảm bảo các hoạt động phát triển Khu du lịch đáp ứng được các tiêu chí về bảo vệ tài nguyên, cảnh quan và môi trường cũng như phát triển du lịch bền vững

c) Tăng cường huy động nguồn vốn, tranh thủ sự hỗ trợ

- Tận dụng các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững…

- Lồng ghép các dự án phát triển kinh tế xã hội kết hợp với mục tiêu phát triển du lịch tại Khu du lịch để tăng khả năng thu hút vốn đầu tư và tạo nguồn lực cho sự phát triển bền vững của khu du lịch.

- Tận dụng các nguồn hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức quốc tế như các chương trình tài trợ, vốn vay với lãi suất ưu đãi, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực... để nâng cao năng lực quản lý, chất lượng sản phẩm và dịch vụ, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và nâng cao trình độ nghề nghiệp cho người dân địa phương.

4. Phát triển thị trường và xây dựng sản phẩm du lịch

a) Phát triển thị trường du lịch

- Tập trung khai thác tốt thị trường du lịch nội địa, bao gồm thị trường nội tỉnh, thị trường Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng và mở rộng các tỉnh vùng Duyên hải miền Trung, Nam Bộ là những khu vực điều kiện tự nhiên có nhiều khác biệt với mục đích tham quan thắng cảnh; trải nghiệm văn hóa cộng đồng (homestay); du lịch văn hóa tâm linh; du lịch sinh thái; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch cuối tuần; du lịch công vụ kết hợp tham quan... Trong những năm tiếp theo, chú trọng khai thác thị trường với mục đích chính là du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp chăm sóc sức khỏe và làm đẹp (tắm thuốc, spa…); du lịch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao; du lịch dưới tán rừng; du lịch vui chơi giải trí, mạo hiểm hiện đại.

- Đối với thị trường quốc tế, tiếp tục chuẩn bị tốt các điều kiện để khai thác các thị trường truyền thống gần của Việt Nam là Đông Bắc Á, Đông Nam Á…những năm tiếp theo (khi đã phát triển đồng bộ khu du lịch trọng điểm) tập trung khai thác các thị trường tiềm năng như Châu Âu, Bắc Mỹ, Úc…

- Nâng cao năng lực về con người, về cơ sở vật chất, về cơ chế chính sách… để phối hợp với các công ty du lịch lữ hành lớn trong nước, quốc tế tổ chức các chương trình du lịch đưa khách đến khu du lịch. Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh, huyện cần chủ động mở rộng liên kết du lịch trên thị trường lớn với các đơn vị tổ chức du lịch trong và ngoài nước để tăng hiệu quả kinh doanh.

b) Phát triển và đa dạng hóa sản phẩm du lịch

- Nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch truyền thống bằng việc phát triển các tour du lịch có tính tương tác, khuyến khích du khách trải nghiệm, tham gia các hoạt động địa phương, tham quan các di sản văn hóa, lịch sử; cải tiến các hoạt động, trang thiết bị và dịch vụ; tăng cường giám sát, quản lý chất lượng và an toàn cho du khách.

- Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, phát triển các dịch vụ và sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, yoga, tập luyện, massage, đặc biệt là tại các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao gắn với sản phẩm OCOP. Ngoài ra, các sản phẩm du lịch mới như du lịch vui chơi giải trí và thể thao mạo hiểm cao cấp, du lịch dưới tán rừng cũng được đầu tư phát triển.

- Ưu tiên đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh trên cơ sở các tiêu chí về du lịch sinh thái, du lịch bền vững, bảo vệ môi trường ở các khu điểm du lịch và ở các cơ sở dịch vụ du lịch. Đồng thời, cần khuyến khích các hoạt động du lịch giáo dục, du lịch tình nguyện, du lịch trải nghiệm cộng đồng để khách du lịch có thể tìm hiểu, tham gia vào cuộc sống và văn hóa của người dân địa phương.

5. Hợp tác, liên kết trong phát triển du lịch

- Hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh hình thành hệ thống doanh nghiệp du lịch, nâng cao cơ hội thu hút khách, cung cấp các dịch vụ để phát triển du lịch.

- Tăng cường hợp tác trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý và phát triển du lịch với các khu du lịch quốc gia khác, đặc biệt là các khu du lịch có tài nguyên tương đồng; định kỳ hàng năm tổ chức các chương trình để tạo cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức và thực tiễn trong quản lý và phát triển du lịch.

- Tăng cường hợp tác và liên kết phát triển để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm du lịch với các khu du lịch khác trong vùng, đối với các điểm du lịch tiềm năng như Na Hang (tỉnh Tuyên Quang), Thác Bản Giốc (tỉnh Cao Bằng) cần phối hợp để tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn đa dạng, phong phú để thu hút khách du lịch.

- Hợp tác với các cơ quan liên quan đào tạo nhân lực, xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu Khu du lịch; tạo điều kiện cho các cơ quan đào tạo nhân lực về ngành du lịch, cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng cao trình độ chuyên môn cho các nhân viên làm việc tại khu du lịch, có chiến lược quảng bá và xây dựng thương hiệu Khu du lịch để thu hút khách du lịch và nâng cao thương hiệu của khu du lịch.

- Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật, thi đấu thể thao và xúc tiến quảng bá du lịch tầm quốc gia và quốc tế. Các hoạt động này giúp tăng cường tiếp xúc, quảng bá, giới thiệu và thu hút đầu tư cho khu du lịch.

- Phối hợp phát triển sản phẩm du lịch với các điểm tiềm năng khác trên địa bàn huyện (các điểm du lịch cộng đồng, các di tích); trên địa bàn tỉnh như ATK Chợ Đồn, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ để kéo dài chương trình du lịch và lưu trú dài ngày của du khách.

6. Giải pháp đào tạo bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề và không ngừng nâng cao về chất lượng.

- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn (đặc biệt là quản lý quy hoạch, quản lý và thẩm định các dự án du lịch, quản lý và bảo vệ môi trường, xúc tiến quảng bá du lịch, thuyết minh, hướng dẫn...) đối với các cán bộ quản lý nhà nước về du lịch (thuộc Ban Quản lý Khu du lịch, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện); khuyến khích và hỗ trợ cán bộ nâng cao trình độ (đại học và trên đại học về chuyên ngành du lịch); thu hút cán bộ chất lượng cao ở nơi khác về Khu du lịch làm việc… để đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề.

- Đối với các cơ sở kinh doanh du lịch cần ưu tiên và lựa chọn những cán bộ có nhiều sáng kiến, có năng lực trong lĩnh vực quản lý kinh doanh du lịch… đi đào tạo ở các địa phương có ngành du lịch phát triển (kể cả ở nước ngoài) để tiếp thu những kinh nghiệm trong tổ chức, quản lý các hoạt động du lịch, đáp ứng cho mục tiêu phát triển trước mắt và lâu dài của Khu du lịch.

- Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh) cho cán bộ, công chức, viên chức và nhất là người làm du lịch, các hướng dẫn viên tại điểm tham quan.

- Chú trọng đào tạo, sử dụng và có chế độ đãi ngộ, trọng dụng nhân tài, trọng dụng nguồn lao động có trình độ, các nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, du lịch… để thu hút đội ngũ này cho mục tiêu phát triển du lịch lâu dài.

- Tăng cường, mở rộng công tác tập huấn, đào tạo chuyên ngành cho người dân làm du lịch cộng đồng để nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm du lịch cộng đồng. Xây dựng những chương trình tuyên truyền giáo dục đến mọi tầng lớp trong xã hội (đặc biệt là đến cộng đồng dân cư) về vai trò và ý nghĩa của ngành du lịch, việc bảo tồn các giá trị tài nguyên, văn hóa đối với kinh tế - xã hội, môi trường, đến đời sống của cộng đồng dân cư.

- Tăng cường hợp tác với các trung tâm đào tạo lớn tại Hà Nội và các tổ chức đào tạo quốc tế. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; khuyến khích đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực địa phương.

7. Giải pháp xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu

Tăng cường công tác tuyên truyền xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch của Khu du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa nghệ thuật, thể thao, du lịch trong nước và quốc tế.

a) Trong nước

- Đẩy mạnh công tác truyền thông về khu du lịch cũng như các sản phẩm, dịch vụ mới.

- Tận dụng các kênh mạng xã hội, những blogger, người nổi tiếng, những hội nhóm du lịch để nhanh chóng tiếp cận thông tin đến nhóm du khách trẻ.

- Xây dựng các chương trình kích cầu, tặng quà lưu niệm, khuyến khích du khách chia sẻ hình ảnh check-in và các trải nghiệm tốt về khu du lịch.

- Phối hợp các bên liên quan (cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch, khách sạn, doanh nghiệp dịch vụ, địa phương…) triển khai các chiến dịch truyền thông về sản phẩm phù hợp với đối tượng khách, phân khúc thị trường.

- Duy trì các phương thức quảng bá truyền thống như qua truyền hình, tờ rơi, hội chợ.

- Nắm bắt và vận dụng linh hoạt xu hướng Marketing phù hợp để tăng cường khả năng tiếp cận và cung cấp thông tin cho đối tượng khách hàng mục tiêu.

- Đẩy mạnh hơn nữa các phương thức xúc tiến quảng bá phi truyền thống thông qua các mạng xã hội như facebook, tiktok, zalo, instagram, youtube…

- Tăng cường kết hợp giữa du lịch với các loại hình nghệ thuật khác như các sự kiện âm nhạc, mỹ thuật, các tác phẩm điện ảnh, truyền hình, sân khấu…

- Kết hợp các dự án phim, nghệ thuật quảng bá hình ảnh đất nước và văn hoá con người Việt Nam với các điểm đến an toàn, gần gũi với thiên nhiên.

- Xúc tiến quảng bá du lịch thông qua sản phẩm đặc sản địa phương như các sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc trưng mang bản sắc riêng được giới thiệu tại các hội chợ thương mại cũng sẽ là cơ hội để xúc tiến du lịch.

b) Quốc tế

- Tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý và xúc tiến du lịch quốc gia để mở rộng xúc tiến quảng bá khu du lịch ở nước ngoài.

- Phối hợp với các Sở, ngành trong tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn...) để quảng bá hình ảnh khu du lịch thông qua các hội chợ, hội nghị, hội thảo hoặc các sự kiện quốc tế.

- Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong xúc tiến quảng bá Khu du lịch để tạo ấn tượng và thương hiệu.

8. Giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển du lịch

- Hoàn hiện số hoá hệ thống cơ sở dữ liệu và thống kê khu du lịch phục vụ công tác quản lý như: Đẩy nhanh thực hiện số hoá các tài nguyên khu du lịch; tăng cường hiệu quả quản lý và xử lý, chia sẻ các thông tin, dữ liệu về du lịch thông qua số hoá các thống kê du lịch.

- Ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về du lịch, nghiên cứu thị trường, quản lý doanh thu, tiếp thị quảng bá sản phẩm, dịch vụ, điều hành, kinh doanh du lịch (tham gia hội nghị, hội thảo trực tuyến, bán sản phẩm du lịch qua mạng, tiếp cận thị trường…).

- Tăng cường ứng dụng công nghệ trong xúc tiến quảng bá các sản phẩm của Khu du lịch trên cơ sở dữ liệu được số hoá, xây dựng các trạm thông tin du lịch thông minh tại điểm đến du lịch để cung cấp thông tin cho du khách.

- Xây dựng các ứng dụng giám sát, cảnh báo an toàn, hỗ trợ khách du lịch trong những trường hợp cần sự trợ giúp, trường hợp khẩn cấp; ứng dụng thực tế ảo và thực tế tăng cường (AR/VR); nghiên cứu, ứng dụng du lịch thực tại ảo, thực tại tăng cường, ảnh 360 độ... phục vụ khách du lịch.

- Ứng dụng mô hình du lịch ảo nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến một cách chân thực đến du khách.

- Khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; đầu tư, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao kết hợp tham quan, du lịch và dịch vụ.

- Ứng dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước; sử dụng năng lượng sạch, tái tạo; sử dụng công nghệ tiên tiến xử lý rác thải… trong hoạt động du lịch; tăng cường sử dụng tái chế các chất thải nhằm góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch.

- Ứng dụng công nghệ xanh, công nghệ sạch trong các cơ sở lưu trú du lịch, khu du lịch góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững (sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió; công nghệ đốt rác phát điện; tái chế rác thải bằng công nghệ sinh học…).

- Sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường trong xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đảm bảo hạn chế việc thay đổi môi trường cảnh quan trong xây dựng… Khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong các công trình du lịch, trong các sản phẩm du lịch.

9. Giải pháp bảo vệ tài nguyên và môi trường

- Ban quản lý Vườn quốc gia Ba Bể và Ủy ban nhân dân huyện cần chú trọng các việc: Bảo vệ rừng và đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường sinh thái; bảo vệ di tích thắng cảnh và các di tích lịch sử, văn hóa; bảo vệ không gian kiến trúc, cảnh quan nhất là Khu du lịch.

- Triệt để tuân thủ các quy hoạch, quy định quản lý xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt.

- Các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch phải thực hiện nghiêm túc Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Di sản văn hóa, Luật Đa dạng sinh học; bảo vệ nghiêm ngặt môi trường du lịch ở những khu vực nhạy cảm, những khu vực có hoạt động du lịch như các điểm tham quan, các di tích lịch sử văn hóa... Để thực hiện có hiệu quả các điều khoản của Luật và căn cứ vào các đặc thù của từng địa điểm, cần xây dựng các quy định và chế tài cụ thể về khen thưởng, xử lý vi phạm.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại các cơ sở lưu trú du lịch, tại các khu điểm du lịch... Xây dựng bổ sung nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn tại các khu, điểm du lịch.

- Tổ chức, tuyên truyền, giáo dục đến cộng đồng, đến các doanh nghiệp và khách du lịch về bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch (cả môi trường tự nhiên và văn hóa xã hội), qua đó nhằm nâng cao ý thức của người dân, của doanh nghiệp và khách du lịch trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường. Việc tuyên truyền có thể được thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (đài, báo, truyền hình, pano...) giúp người dân hiểu biết về lợi ích của việc bảo vệ môi trường đối với đời sống của chính họ. Những hành động cụ thể này sẽ nâng cao ý thức của người dân về môi trường và góp phần để bảo vệ môi trường bền vững.

- Đẩy mạnh việc tuyên truyền các biện pháp phòng chống rác thải nhựa, khuyến khích những cách xử lý rác mới và nhiều sáng tạo đem lại hiệu quả thiết thực.

- Sớm triển khai đầu tư xây dựng và lắp đặt hoàn thiện các hệ thống xử lý nước thải, rác thải trong khu du lịch, có biện pháp ngăn chặn sự ảnh hưởng môi trường từ bên ngoài khu vực (chủ yếu theo các tuyến sông chảy vào Hồ Ba Bể). Thường xuyên vệ sinh môi trường và thu gom rác thải.

- Khuyến khích thực hiện xã hội hóa đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích, thắng cảnh; bảo tồn và phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch.

- Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch tại Khu du lịch cần thực hiện nghiêm túc Bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch ban hành theo Quyết định số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quyết định số 4216/QĐ-BVHTTDL ngày 25/12/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

10. Giải pháp giáo dục nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, khuyến khích hỗ trợ cộng đồng tham gia hoạt động du lịch

- Giáo dục, tuyên truyền để cộng đồng nhận thức rõ vị trí, vai trò của ngành du lịch nói chung và Khu du lịch nói riêng.

- Giáo dục cho mọi người thấy được du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc; có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng.

- Tăng cường tuyên truyền vai trò quan trọng của Khu du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội huyện nói riêng và du lịch của tỉnh nói chung.

- Có biện pháp thay đổi tư duy cho những người làm công tác quản lý ngành, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư làm du lịch hiểu rõ phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, bảo đảm nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động và có thể chế, chính sách đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

- Tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ hình ảnh, môi trường của Khu du lịch góp phần phát triển bền vững, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của Khu du lịch.

- Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, tăng khả năng tiếp cận của cộng đồng đối với các các nguồn tín dụng với ưu đãi về lãi suất cho mục đích phát triển các dịch vụ du lịch cộng đồng; hỗ trợ đào tạo năng lực tổ chức và kinh doanh du lịch; hỗ trợ về hạ tầng du lịch ở các điểm du lịch cộng đồng.

- Khuyến khích và hỗ trợ ban đầu tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch (trực tiếp và gián tiếp) nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực (vốn đầu tư, lao động và kinh nghiệm...) trong cộng đồng dân cư để đa dạng hóa các dịch vụ du lịch như dịch vụ homestay, dịch vụ chuyên chở khách, hướng dẫn du lịch, sản xuất và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cung cấp lương thực, thực phẩm…

- Chú trọng phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao…, coi đó là phương thức tiếp cận quan trọng để phát triển Khu du lịch, một mặt sẽ tạo ra được những sản phẩm du lịch hấp dẫn như “homestay” trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa, mặt khác sẽ tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia, điều hành du lịch, qua đó nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và góp phần bảo vệ các nguồn tài nguyên và môi trường du lịch, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

- Khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng tham gia bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa dân gian, các lễ hội và nghề truyền thống, các sản phẩm đặc sản địa phương nhằm tạo điểm tham quan cho khách du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm lưu niệm bán cho khách du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

11. Giải pháp đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội

- Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ phận bảo vệ, lực lượng an ninh địa phương, kiểm lâm trong không gian phát triển du lịch nhằm đảm bảo an ninh, tạo điều kiện tốt nhất trong khả năng có thể cho du lịch phát triển.

- Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của cả người Việt Nam và du khách nước ngoài, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong khu vực; phòng, chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế, ô nhiễm môi trường; làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý từ sớm các hành vi gây mất an ninh trật tự trong khu du lịch, không để hình thành các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội trong khu du lịch, tạo môi trường lành mạnh, an toàn góp phần phát triển du lịch bền vững. Triển khai các giải pháp về bảo đảm an ninh du lịch từ khâu lập quy hoạch phát triển du lịch bền vững đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, xử lý những vấn đề phức tạp phát sinh trong quá trình phát triển du lịch tại địa phương.

- Tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị cho đội ngũ an ninh, bảo vệ khu vực.

- Nghiên cứu triển khai hệ thống camera, trung tâm điều hành du lịch… để chủ động trong việc giám sát, hỗ trợ khách du lịch, doanh nghiệp và phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành, nắm bắt thông tin dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước.

VI. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ

1. Nhóm dự án về Quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật du lịch

- Quy hoạch

+ Lập quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Ba Bể, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

+ Lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng trong khu du lịch phù hợp mục tiêu phát triển mới và đảm bảo chất lượng, tính khả thi.

- Đầu tư xây dựng

+ Hoàn thiện hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn tiếp cận và trong khu du lịch.

+ Hoàn thiện hệ thống giao thông tiếp cận.

+ Hoàn thiện hệ thống giao thông nội bộ (đường bộ quanh hồ và đường thủy trên hồ và các sông).

+ Xây dựng, sửa chữa các bến thuyền.

+ Xây dựng hệ thống cấp nước sạch.

+ Xây dựng hệ thống thoát nước thải và xử lý nước thải.

+ Bố trí hệ thống nhà vệ sinh công cộng.

+ Bố trí hệ thống thùng rác tại các điểm tập trung và dọc các tuyến đường chính.

+ Các công trình chiếu sáng.

+ Hệ thống thông tin liên lạc.

2. Nhóm dự án về bảo vệ tài nguyên du lịch

- Tôn tạo, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử văn hóa, phục hồi các tài liệu, hiện vật, các địa điểm cảnh quan và các tiện ích khác tại các điểm tham quan, du lịch.

- Tôn tạo cảnh quan các điểm tham quan thắng cảnh: Cấu trúc và trang trí lại các khu vực tham quan để tạo ra không gian xanh, trồng cây, trồng hoa và cải tạo các khu vực không còn được sử dụng, cải tạo các hạ tầng, tiện ích cho khách du lịch như đường xá, nhà vệ sinh, bàn ghế, khu vực dịch vụ ăn uống và giải trí để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

- Tôn tạo cảnh quan các bản du lịch cộng đồng: Đầu tư hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, môi trường sống để tạo ra một không gian đẹp, sạch, an toàn cho du khách. Không gian tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, triển lãm sản phẩm, nghệ thuật, trò chơi dân gian để giới thiệu văn hóa, lịch sử của các bản du lịch cộng đồng đến du khách. Khai thác các tuyến đường mòn, đường dẫn đến các điểm tham quan để khách hàng có thể dễ dàng tham quan, khám phá; tăng cường bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa, hệ sinh thái, đất đai, nước sông suối tại các bản du lịch cộng đồng.

- Tôn tạo cảnh quan các chợ phiên truyền thống: Xây dựng các công trình mang bản sắc kiến trúc truyền thống, mở rộng diện tích hoạt động, trồng cây xanh...

- Hỗ trợ nghệ nhân văn hóa truyền thống nhằm lưu truyền, bảo tồn các kỹ năng, tri thức và nghệ thuật truyền thống, góp phần giữ gìn, phát triển các sản phẩm mang tính văn hóa truyền thống từ đó giúp du lịch cộng đồng phát triển bền vững.

- Hỗ trợ phát triển nghề thủ công truyền thống: Hỗ trợ phát triển các nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm... thông qua việc cung cấp hỗ trợ tài chính, huấn luyện kỹ năng, tạo điều kiện để các nghệ nhân, người làm thủ công có thể duy trì và phát triển nghề của mình giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Hỗ trợ những hoạt động sản xuất truyền thống để giữ gìn và phát triển các sản phẩm thủ công mang tính văn hóa, từ đó giúp du lịch cộng đồng phát triển bền vững.

- Thành lập và hỗ trợ dụng cụ, trang thiết bị cho các đội văn nghệ truyền thống giúp các nghệ nhân, các thành viên đội văn nghệ có đầy đủ dụng cụ và trang thiết bị cần thiết để thực hiện các hoạt động văn hóa, giúp phát triển và giữ gìn các nét văn hóa truyền thống trong ngành du lịch. Việc thành lập các đội văn nghệ truyền thống và hỗ trợ trang thiết bị cũng có thể tạo ra các hoạt động giải trí thú vị cho khách du lịch, đồng thời giúp giữ gìn và phát triển di sản văn hóa của địa phương.

3. Nhóm dự án về phát triển dịch vụ và sản phẩm du lịch

- Phát triển hệ thống các cơ sở dịch vụ lưu trú đa dạng, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch từ khách sạn, nhà nghỉ, homestay đến các resort sang trọng sẽ giúp thu hút nhiều đối tượng khách hàng.

- Phát triển hệ thống các cơ sở dịch vụ nhà hàng đa dạng, phong phú về món ăn ẩm thực địa phương và giá cả sẽ tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho khách du lịch và thu hút được đông đảo du khách.

- Phát triển hệ thống các cơ sở dịch vụ vui chơi, giải trí đa dạng và phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng sẽ tăng cường hấp dẫn cho khu du lịch.

- Phát triển hệ thống dịch vụ vận chuyển chất lượng sẽ giúp khách du lịch dễ dàng di chuyển thuận tiện, nhanh chóng và an toàn, thu hút nhiều khách du lịch hơn.

- Nghiên cứu, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tạo ra các tour du lịch đa dạng về chủ đề, hình thức, địa điểm; cung cấp các trải nghiệm độc đáo về văn hóa, ẩm thực, lịch sử, thiên nhiên, thể thao, giải trí, nghệ thuật, phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu và sở thích của khách hàng.

4. Nhóm dự án về tuyên truyền quảng bá du lịch

- Xây dựng trang web của khu du lịch để cung cấp thông tin chi tiết về các hoạt động, dịch vụ, chương trình và cảnh quan, cập nhật thông tin về các sự kiện liên quan đến du lịch và các địa danh trong khu vực lân cận.

- Thiết kế và in ấn các tài liệu quảng bá (có thể ở các hình thức tờ rơi, tập gấp, sách hướng dẫn, poster... các tài liệu này có các thông tin hữu ích và hấp dẫn như ảnh đẹp, điểm du lịch, lịch trình du lịch và các đặc sản ẩm thực địa phương).

- Sử dụng các hình thức quảng cáo khác nhau để tăng cường quảng bá về khu du lịch (đăng các thông tin trên các trang mạng internet như Facebook, Instagram, YouTube, Google Maps...chương trình giới thiệu trên các phương tiện thông tin truyền thông; đặt quảng cáo trên các trang web liên quan đến du lịch và ẩm thực).

- Tổ chức và tham gia các chương trình xúc tiến du lịch (như triển lãm du lịch, hội chợ du lịch, tour du lịch tham quan...) là các sự kiện quan trọng để giới thiệu Khu du lịch và cơ hội tương tác với khách hàng tiềm năng.

5. Nhóm dự án về tăng cường quản lý nhà nước và phát triển nguồn nhân lực

- Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý (là một hoạt động quan trọng để nâng cao năng lực quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ của các cơ quan quản lý ngành du lịch, các lớp đào tạo này có thể bao gồm các chủ đề như quản lý khách sạn, quản lý địa điểm du lịch, tiếp thị và quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch, quản lý chất lượng dịch vụ...).

- Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động du lịch (là một hoạt động quan trọng để cải thiện năng lực, kỹ năng và chất lượng dịch vụ của nhân viên trong ngành du lịch, các lớp đào tạo này có thể bao gồm các chủ đề như hướng dẫn viên du lịch, nhân viên lễ tân, nhân viên bán hàng, nhân viên phục vụ...).

- Tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương khác, từ đó áp dụng các giải pháp, mô hình quản lý hiệu quả vào thực tiễn, các hoạt động tham quan, học tập có thể bao gồm tham quan các khu du lịch tiêu biểu, các cơ sở lưu trú, các trung tâm hướng dẫn du lịch...

D. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. KINH PHÍ, PHÂN CHIA GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN VÀ NGUỒN VỐN

1. Tổng kinh phí dự kiến: 1.233,200 tỷ đồng (Một nghìn hai trăm ba mươi ba tỷ, hai trăm triệu đồng).

Kinh phí trên là dự kiến cho một số công việc thiết yếu phục vụ hoàn thành mục tiêu của Đề án trong giai đoạn trước mắt. Chi phí cho các công việc khác chủ yếu từ nguồn xã hội hóa do các tổ chức, cá nhân thực hiện trên cơ sở các quy hoạch, chương trình, dự án được duyệt trong tương lai.

2. Nguồn kinh phí

- Ngân sách tỉnh (dự kiến): 622,800 tỷ đồng;

- Ngân sách huyện (dự kiến): 52,950 tỷ đồng;

- Xã hội hóa (dự kiến): 557,450 tỷ đồng.

- Chi phí cho các công việc khác chủ yếu từ nguồn xã hội hóa do các tổ chức, cá nhân thực hiện trên cơ sở các quy hoạch được duyệt trong tương lai.

3. Lộ trình, tiến độ thực hiện

- Giai đoạn 2023-2025: 183,450 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2026-2030: 1049,750 tỷ đồng.

II. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể

- Là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành của tỉnh và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo theo nội dung của Đề án đã được phê duyệt; tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện Đề án báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/12 hàng năm.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở ban ngành có liên quan trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn Khu du lịch và phụ cận; rà soát, lập thẩm định, phê duyệt các quy hoạch chi tiết xây dựng, quản lý theo thẩm quyền góp phần phát triển kết cấu hạ tầng khu du lịch, điểm du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ du lịch.

- Tập trung nguồn lực để đầu tư, nâng cấp cải tạo kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh, kết hợp nâng cao chất lượng phục vụ du lịch.

- Quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý theo phân công, phân cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong hoạt động du lịch, thường xuyên tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

- Hàng năm thực hiện tập huấn, nâng cao năng lực quản lý cho cộng đồng địa phương, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị cho hoạt động dịch vụ du lịch. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp thực hiện hỗ trợ có hiệu quả các hoạt động thông tin, quảng bá xúc tiến các điểm đến du lịch.

- Chủ trì, chỉ đạo sát sao việc thực hiện các phương án bảo tồn tài nguyên tự nhiên, văn hóa trên địa bàn và chú trọng tại các điểm tham quan du lịch. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện và giám sát các hoạt động du lịch trong quy hoạch.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Căn cứ vào nội dung, nhiệm vụ của Đề án phối hợp với UBND huyện Ba Bể, Ban quản lý Khu du lịch Ba Bể triển khai thực hiện Đề án đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

- Thực hiện lồng ghép kế hoạch, chương trình, quy hoạch phát triển du lịch toàn tỉnh với phát triển du lịch tại Khu du lịch Ba Bể , đảm bảo tính hài hòa và bền vững của phát triển du lịch trong khu vực.

- Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, UBND huyện Ba Bể và các địa phương liên quan để triển khai hiệu quả các hoạt động, chính sách, đề án liên quan đến phát triển du lịch tại Khu du lịch Ba Bể .

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong hoạt động du lịch, thường xuyên tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

- Phối hợp, hỗ trợ thực hiện có hiệu quả các hoạt động thông tin, quảng bá xúc tiến các điểm đến du lịch tại địa phương.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện và giám sát các hoạt động du lịch trong quy hoạch.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tham mưu, xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án; thẩm định các dự án đầu tư liên quan đến phát triển Khu du lịch Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia, đảm bảo các dự án đầu tư được triển khai đúng quy định, đạt hiệu quả cao.

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư liên quan đến phát triển Khu du lịch Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia, kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị liên quan và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực cho phát triển Khu du lịch Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

- Lồng ghép mục tiêu chiến lược, chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn với việc phát triển du lịch tại Khu du lịch Ba Bể . Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn, chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

- Hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện quy định về du lịch nông nghiệp, nông thôn, giải quyết các vướng mắc trong các hoạt động liên quan đến nông nghiệp và rừng.

- Phối hợp với UBND huyện Ba Bể và các sở, ban, ngành liên quan, và tổ chức, cá nhân để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP gắn với cộng đồng dân cư; phát triển du lịch nông nghiệp tại các địa bàn Khu du lịch Ba Bể và phụ cận; hướng dẫn các dự án du lịch liên quan đến rừng và thuê môi trường rừng.

5. Sở Tài chính

Phối hợp với UBND huyện Ba Bể và các ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí từ ngân sách tỉnh cho các nhiệm vụ thuộc Đề án.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đất đai theo quy định của pháp luật.

- Nghiên cứu bổ sung nội dung về nhu cầu sử dụng đất đối với các dự án thuộc các lĩnh vực gắn với phát triển du lịch trên địa bàn Khu du lịch Ba Bể đảm bảo tuân thủ Quy hoạch Di tích danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể và vùng phụ cận, các quy hoạch khác liên quan và quy định của pháp luật về đất đai.

7. Sở Xây dựng

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh lập và triển khai quy hoạch xây dựng tại khu du lịch; hướng dẫn thủ tục, cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện Ba Bể và đơn vị có liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm về kiến trúc cảnh quan, trật tự xây dựng tại khu du lịch theo thẩm quyền.

8. Sở Giao thông Vận tải

- Lồng ghép các mục tiêu phát triển khu du lịch trong các dự án, đề án liên quan của Sở Giao thông vận tải thực hiện.

- Phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động vận chuyển khách du lịch; công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu du lịch; tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm, đăng ký cho phương tiện chở khách du lịch theo đúng quy định.

9. Sở Công Thương

- Hỗ trợ huyện Ba Bể trong việc tìm kiếm thị trường, quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa.

- Hỗ trợ địa phương, các doanh nghiệp trong việc cung cấp năng lượng (điện, xăng dầu...) phục vụ các hoạt động du lịch.

10. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Căn cứ trên nhu cầu thực tiễn về lao động và việc làm, tham mưu cho UBND tỉnh về các chính sách, giải pháp, chương trình, dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống HIV/AIDS, bình đẳng giới trong lĩnh vực du lịch phù hợp với mục tiêu phát triển Khu du lịch Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống HIV/AIDS, bình đẳng giới cho người dân khu vực Ba Bể góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo sự phát triển bền vững của Khu du lịch Ba Bể.

11. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp, hướng dẫn, ưu tiên triển khai các hoạt động chuyển đổi số phục vụ quản lý nhà nước, hỗ trợ khách du lịch, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin… theo hướng du lịch thông minh tại Khu du lịch Ba Bể .

- Phối hợp tổ chức tuyên truyền, quảng bá các tiềm năng, sản phẩm du lịch của Khu du lịch Ba Bể trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Định hướng, đảm bảo hoạt động hệ thống hạ tầng bưu chính, viễn thông nhằm cung cấp tốt nhất các dịch vụ thông tin, liên lạc trên địa bàn.

12. Sở Khoa học và Công nghệ

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển du lịch của khu du lịch quốc gia Ba Bể vào các lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; bảo vệ môi trường du lịch

- Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và người dân ứng dụng khoa học công nghệ; tiếp cận các nguồn lực khoa học, công nghệ; đào tạo, bồi dưỡng; tham gia các chương trình, dự án về khoa học, công nghệ.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, kỹ năng và các quy định về khoa học, công nghệ đến cộng đồng, doanh nghiệp và du khách.

13. Ban Quản lý Vườn quốc gia Ba Bể

- Căn cứ vào nội dung và nhiệm vụ của Đề án, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế tại địa bàn quản lý; vận dụng các cơ chế, chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp để phát triển các hình thức, sản phẩm du lịch dưới tán rừng.

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Ba Bể và các sở ban ngành có liên quan trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển du lịch tại khu du lịch và phụ cận.

- Phối hợp quản lý trật tự xây dựng tại các khu vực hoạt động du lịch trên đất rừng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong hoạt động du lịch, thường xuyên tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm để thực hiện có hiệu quả.

- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp thực hiện hỗ trợ có hiệu quả các hoạt động thông tin, quảng bá xúc tiến các điểm đến du lịch tại địa phương.

- Sát sao hơn nữa trong việc thực hiện các phương án bảo tồn tài nguyên tự nhiên, văn hóa tại các điểm tham quan du lịch. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của tỉnh thực hiện và giám sát các hoạt động du lịch trong quy hoạch.

14. Công an tỉnh Bắc Kạn

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan thực hiện công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự trong lĩnh vực du lịch; đấu tranh phòng chống các loại tội phạm lợi dụng hoạt động du lịch để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trong lĩnh vực du lịch tại khu du lịch Hồ Ba Bể.

- Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và triển khai hiệu quả các phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh du lịch tại khu du lịch Hồ Ba Bể.

15. Hiệp hội Du lịch tỉnh

Phối hợp với Sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực cộng đồng (các kỹ năng phục vụ khách du lịch); tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm cho các quản lý và phát triển du lịch; kết hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sự kiện, lễ hội nhằm xúc tiến phát triển du lịch.

16. Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ cụ thể trong Đề án, xây dựng phương án, kế hoạch để triển khai thực hiện, đồng thời nghiên cứu đề xuất các giải pháp lồng ghép thực hiện phát triển du lịch tại khu du lịch với các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển của ngành, đơn vị; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Ba Bể tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động có liên quan đến thực hiện Đề án.

 

CÁC PHỤ LỤC KÈM THEO ĐỀ ÁN

I. Các dự án thực hiện Đề án (dự kiến)

Đơn vị: Triệu đồng

TT

Tên mục

Đơn vị

Quy mô

Đơn giá
(tạm tính)

Thành tiền

 

 

 

 

 

 

I

Nhóm dự án về Quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật du lịch

 

 

 

553.000

I.1

Quy hoạch

 

 

 

10.500

 

Quy hoạch chung Khu du lịch Ba Bể (trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

 

 

 

5.000

 

Quy hoạch chi tiết một số điểm du lịch cộng đồng khu vực phụ cận.

điểm

3

1.500

4.500

 

Hướng dẫn thiết kế mẫu kiến trúc để người dân lựa chọn ứng dụng.

 

 

1.000

1.000

I.2

Đầu tư xây dựng:

 

 

 

542.500

 

Hoàn thiện hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn tiếp cận và trong khu du lịch.

Biển

50

50

2.500

 

Hoàn thiện hệ thống giao thông nội bộ (đường bộ quanh hồ và đường thủy trên hồ và các sông).

km

30

7.500

225.000

 

Xây dựng, sửa chữa các bến thuyền.

Bến

10

10.000

100.000

 

Xử lý bồi lắng lòng hồ và khai thông các đoạn sông Năng và sông Chợ Lèng.

 

 

130.000

130.000

 

Xây dựng hệ thống cấp nước sạch.

Hệ thống

 

30.000

30.000

 

Xây dựng hệ thống thoát nước thải và xử lý nước thải.

Hệ thống

 

50.000

50.000

 

Bố trí hệ thống nhà vệ sinh công cộng.

Công trình

15

300

4.500

 

Bố trí hệ thống thùng rác tại các điểm tập trung và dọc các tuyến đường chính.

Thùng

100

5

500

II

Nhóm dự án về bảo vệ tài nguyên du lịch

 

 

 

221.500

 

Tôn tạo, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử văn hóa (đảo Bà Góa, Đền An Mạ, các di tích khác).

 

 

50.000

50.000

 

Tôn tạo cảnh quan các điểm tham quan (Ao Tiên, Động Puông, Thác Đầu Đẳng, Thác Tát Mạ,...).

Điểm

5

10.000

50.000

 

Tôn tạo cảnh quan các bản du lịch cộng đồng (Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, Bản Cám...).

Bản

10

10.000

100.000

 

Xây dựng không gian tổ chức Lễ hội Lồng tồng Ba Bể.

Điểm

1

15.000

15.000

 

Hỗ trợ nghệ nhân văn hóa truyền thống.

Người

20

100

2.000

 

Hỗ trợ phát triển nghề thủ công truyền thống.

Nghề

5

500

2.500

 

Thành lập và hỗ trợ dụng cụ, trang thiết bị cho các đội văn nghệ truyền thống.

Đội

10

200

2.000

III

Nhóm dự án về phát triển dịch vụ và sản phẩm du lịch

 

 

 

402.700

 

Đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú 4 sao trở lên.

Phòng

100

687

68.700

 

Đầu tư xây dựng nhà hàng 500 chỗ.

m2 sàn

2000

12

24.000

 

Đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí.

ha

10

30.000

300.000

 

Hỗ trợ Phát triển hệ thống các cơ sở dịch vụ lưu trú.

Homstay

60

50

3.000

 

Hỗ trợ Phát triển hệ thống các cơ sở dịch vụ khác.

Nhà hàng

100

50

5.000

 

Hỗ trợ Phát triển hệ thống dịch vụ vận chuyển.

Thuyền, xe điện

100

20

2.000

IV

Nhóm dự án về tuyên truyền quảng bá du lịch

năm

12

4.000

48.000

 

- Xây dựng các trang web cho Khu du lịch.

 

 

 

 

 

- Thiết kế, in ấn, phát hành các tờ rơi, tập gấp;

 

 

 

 

 

- Quảng cáo; đăng các thông tin lên các trang mạng internet; thực hiện các chương trình giới thiệu trên báo, đài phát thanh, truyền hình...

 

 

 

 

 

- Tham gia các chương trình xúc tiến du lịch.

 

 

 

 

 

- Tổ chức các sự kiện du lịch

 

 

 

 

V

Nhóm dự án về tăng cường quản lý nhà nước và phát triển nguồn nhân lực

 

 

 

8.000

 

- Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý;

Lớp

8

250

2.000

 

- Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động du lịch;

Lớp

16

250

4.000

 

- Tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương khác.

Đợt

8

250

2.000

 

Tổng

 

 

 

1.233.200

II. Phân chia giai đoạn đầu tư (dự kiến)

Đơn vị: Triệu đồng

TT

Tên mục

Thành tiền

Giai đoạn

 

 

 

2023-2025

2026-2030

I

Nhóm dự án về Quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật du lịch

553.000

131.700

421.300

I.1

Quy hoạch

10.500

7.350

3.150

 

Quy hoạch chung Khu du lịch Ba Bể (trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt)

5.000

5.000

-

 

Quy hoạch chi tiết một số điểm du lịch cộng đồng khu vực phụ cận

4.500

1.350

3.150

 

Hướng dẫn thiết kế mẫu kiến trúc để người dân lựa chọn ứng dụng

1.000

1.000

-

I.2

Đầu tư xây dựng:

542.500

124.350

418.150

 

Hoàn thiện hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn tiếp cận và trong khu du lịch;

2.500

1.250

1.250

 

Hoàn thiện hệ thống giao thông nội bộ (đường bộ quanh hồ và đường thủy trên hồ và các sông);

225.000

67.500

157.500

 

Xây dựng, sửa chữa các bến thuyền;

100.000

30.000

70.000

 

Xử lý bồi lắng lòng hồ và khai thông các đoạn sông Năng và sông Chợ Lèng

130.000

-

130.000

 

Xây dựng hệ thống cấp nước sạch;

30.000

9.000

21.000

 

Xây dựng hệ thống thoát nước thải và xử lý nước thải;

50.000

15.000

35.000

 

Bố trí hệ thống nhà vệ sinh công cộng.

4.500

1.350

3.150

 

Bố trí hệ thống thùng rác tại các điểm tập trung và dọc các tuyến đường chính.

500

250

250

II

Nhóm dự án về bảo vệ tài nguyên du lịch

221.500

31.950

189.550

 

Tôn tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử văn hóa (đảo Bà Góa, Đền An Mạ, các di tích khác)

50.000

15.000

35.000

 

Tôn tạo cảnh quan các điểm tham quan (Ao Tiên, Động Puông, Thác Đầu Đẳng, Thác Tát Mạ,...)

50.000

15.000

35.000

 

Tôn tạo cảnh quan các bản du lịch cộng đồng (Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, Bản Cám...)

100.000

-

100.000

 

Xây dựng không gian tổ chức Lễ hội Lồng tồng Ba Bể

15.000

-

15.000

 

Hỗ trợ nghệ nhân văn hóa truyền thống;

2.000

600

1.400

 

Hỗ trợ phát triển nghề thủ công truyền thống;

2.500

750

1.750

 

Thành lập và hỗ trợ dụng cụ, trang thiết bị cho các đội văn nghệ truyền thống;

2.000

600

1.400

III

Nhóm dự án về phát triển dịch vụ và sản phẩm du lịch

402.700

3.000

399.700

 

Đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú 4 sao trở lên

68.700

-

68.700

 

Đầu tư xây dựng nhà hàng 500 chỗ

24.000

-

24.000

 

Đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí

300.000

-

300.000

 

Hỗ trợ Phát triển hệ thống các cơ sở dịch vụ lưu trú;

3.000

900

2.100

 

Hỗ trợ Phát triển hệ thống các cơ sở dịch vụ khác;

5.000

1.500

3.500

 

Hỗ trợ Phát triển hệ thống dịch vụ vận chuyển;

2.000

600

1.400

IV

Nhóm dự án về tuyên truyền quảng bá du lịch

48.000

14.400

33.600

 

- Xây dựng các trang web cho Khu du lịch;

 

 

 

 

- Thiết kế, in ấn, phát hành các tờ rơi, tập gấp

 

 

 

 

- Quảng cáo; đăng các thông tin lên các trang mạng internet; thực hiện các chương trình giới thiệu trên báo, đài phát thanh, truyền hình...

 

 

 

 

- Tham gia các chương trình xúc tiến du lịch.

 

 

 

 

- Tổ chức các sự kiện du lịch

 

 

 

V

Nhóm dự án về tăng cường quản lý nhà nước và phát triển nguồn nhân lực

8.000

2.400

5.600

 

- Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý;

2.000

600

1.400

 

- Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động du lịch;

4.000

1.200

2.800

 

- Tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương khác.

2.000

600

1.400

 

Tổng

1.233.200

183.450

1.049.750

III. Nguồn vốn đầu tư (dự kiến)

Đơn vị: Triệu đồng

TT

Tên mục

Thành tiền

Nguồn kinh phí

 

 

 

Tỉnh

Địa phương

Huy động khác

I

Nhóm dự án về Quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật du lịch

553.000

477.750

4.500

70.750

I.1

Quy hoạch

10.500

6.000

4.500

-

 

Quy hoạch chung Khu du lịch Ba Bể (trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt)

5.000

5.000

-

-

 

Quy hoạch chi tiết một số điểm du lịch cộng đồng khu vực phụ cận

4.500

-

4.500

-

 

Hướng dẫn thiết kế mẫu kiến trúc để người dân lựa chọn ứng dụng

1.000

1.000

-

-

I.2

Đầu tư xây dựng:

542.500

471.750

-

70.750

 

Hoàn thiện hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn tiếp cận và trong khu du lịch;

2.500

1.750

-

750

 

Hoàn thiện hệ thống giao thông nội bộ (đường bộ quanh hồ và đường thủy trên hồ và các sông);

225.000

225.000

-

-

 

Xây dựng, sửa chữa các bến thuyền;

100.000

30.000

-

70.000

 

Xử lý bồi lắng lòng hồ và khai thông các đoạn sông Năng và sông Chợ Lèng

130.000

130.000

-

-

 

Xây dựng hệ thống cấp nước sạch;

30.000

30.000

-

-

 

Xây dựng hệ thống thoát nước thải và xử lý nước thải;

50.000

50.000

-

-

 

Bố trí hệ thống nhà vệ sinh công cộng.

4.500

4.500

-

-

 

Bố trí hệ thống thùng rác tại các điểm tập trung và dọc các tuyến đường chính.

500

500

-

-

II

Nhóm dự án về bảo vệ tài nguyên du lịch

221.500

115.050

36.450

70.000

 

Tôn tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử văn hóa (đảo Bà Góa, Đền An Mạ, các di tích khác)

50.000

15.000

-

35.000

 

Tôn tạo cảnh quan các điểm tham quan (Ao Tiên, Động Puông, Thác Đầu Đẳng, Thác Tát Mạ,...)

50.000

15.000

-

35.000

 

Tôn tạo cảnh quan các bản du lịch cộng đồng (Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, Bản Cám...)

100.000

70.000

30.000

-

 

Xây dựng không gian tổ chức Lễ hội Lồng tồng Ba Bể

15.000

10.500

4.500

-

 

Hỗ trợ nghệ nhân văn hóa truyền thống;

2.000

1.400

600

-

 

Hỗ trợ phát triển nghề thủ công truyền thống

2.500

1.750

750

-

 

Thành lập và hỗ trợ dụng cụ, trang thiết bị cho các đội văn nghệ truyền thống

2.000

1.400

600

-

III

Nhóm dự án về phát triển dịch vụ và sản phẩm du lịch

402.700

10.000

-

392.700

 

Đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú 4 sao trở lên

68.700

-

-

68.700

 

Đầu tư xây dựng nhà hàng 500 chỗ

24.000

-

-

24.000

 

Đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí

300.000

-

-

300.000

 

Hỗ trợ Phát triển hệ thống các cơ sở dịch vụ lưu trú

3.000

3.000

-

-

 

Hỗ trợ Phát triển hệ thống các cơ sở dịch vụ khác

5.000

5.000

-

-

 

Hỗ trợ Phát triển hệ thống dịch vụ vận chuyển

2.000

2.000

-

-

IV

Nhóm dự án về tuyên truyền quảng bá du lịch

48.000

14.400

9.600

24.000

 

- Xây dựng các trang web cho Khu du lịch

 

 

 

 

 

- Thiết kế, in ấn, phát hành các tờ rơi, tập gấp

 

 

 

 

 

- Quảng cáo; đăng các thông tin lên các trang mạng internet; thực hiện các chương trình giới thiệu trên báo, đài phát thanh, truyền hình...

 

 

 

 

 

- Tham gia các chương trình xúc tiến du lịch.

 

 

 

 

 

- Tổ chức các sự kiện du lịch

 

 

 

 

V

Nhóm dự án về tăng cường quản lý nhà nước và phát triển nguồn nhân lực

8.000

5.600

2.400

-

 

- Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý;

2.000

1.400

600

-

 

- Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động du lịch;

4.000

2.800

1.200

-

 

- Tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương khác.

2.000

1.400

600

-

 

Tổng

1.233.200

622.800

52.950

557.450

 

MỤC LỤC

A. PHẦN MỞ ĐẦU

I. SỰ CẦN THIẾT LẬP ĐỀ ÁN

1. Tiềm năng và lợi thế

2. Vị trí và vai trò

3. Định hướng phát triển của địa phương

4. Thực trạng

5. Sự cần thiết lập Đề án

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ VÀ CHỦ TRƯƠNG ĐỊNH HƯỚNG

1. Văn bản quy phạm pháp luật

2. Nghị quyết

3. Các định hướng, chiến lược

4. Các chương trình, dự án phát triển du lịch

III. MỤC TIÊU

IV. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

1. Tài nguyên du lịch khu vực nghiên cứu

2. Đối tượng du lịch khu vực nghiên cứu

V. QUY MÔ, PHẠM VI NGHIÊN CỨU VÀ THỜI GIAN

B. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, XÃ HỘI, TÀI NGUYÊN VÀ THỰC TRẠNG

I. KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, XÃ HỘI

1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên

2. Điều kiện kinh tế, xã hội

3. Hiện trạng khu vực nghiên cứu

4. Các quy hoạch, dự án đang triển khai

II. THỰC TRẠNG

1. Tài nguyên du lịch

2. Phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch

3. Lượng khách du lịch

4. Tổ chức quản lý hoạt động

5. Các cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch

6. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật

7. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch

8. Quảng bá du lịch

9. Sự tham gia của cộng đồng địa phương

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Tổng hợp thực trạng và so sánh với các tiêu chí

2. Đánh giá chung

3. Các vấn đề tồn tại phải giải quyết

C. QUAN ĐIỂM ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP

I. QUAN ĐIỂM

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu chung

2. Mục tiêu cụ thể

III. DỰ BÁO SƠ BỘ MỘT SỐ CHỈ TIÊU VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH

IV. NHIỆM VỤ

1. Xác định quy mô và ranh giới khu du lịch

2. Bảo vệ tài nguyên du lịch

3. Phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch:

4. Phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch

5. Quản lý điểm đến

6. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật

7. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương

8. Liên kết phát triển du lịch

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về cơ chế, chính sách

2. Giải pháp về công tác quản lý Khu du lịch

3. Quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật Khu du lịch

4. Phát triển thị trường và xây dựng sản phẩm du lịch

5. Hợp tác, liên kết trong phát triển du lịch

6. Giải pháp đào tạo bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực

7. Giải pháp xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu

8. Giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển du lịch

9. Giải pháp bảo vệ tài nguyên và môi trường

10. Giải pháp giáo dục nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, khuyến khích hỗ trợ cộng đồng tham gia hoạt động du lịch

11. Giải pháp đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội

VI. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ

1. Nhóm dự án về Quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật du lịch

2. Nhóm dự án về bảo vệ tài nguyên du lịch

3. Nhóm dự án về phát triển dịch vụ và sản phẩm du lịch

4. Nhóm dự án về tuyên truyền quảng bá du lịch

5. Nhóm dự án về tăng cường quản lý nhà nước và phát triển nguồn nhân lực

D. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. KINH PHÍ, PHÂN CHIA GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN VÀ NGUỒN VỐN

1. Tổng kinh phí dự kiến: 1.233,200 tỷ đồng (Một nghìn hai trăm ba mươi ba tỷ, hai trăm triệu đồng).

2. Nguồn kinh phí

3. Lộ trình, tiến độ thực hiện

II. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

5. Sở Tài chính

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

7. Sở Xây dựng

8. Sở Giao thông Vận tải

9. Sở Công Thương

10. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

11. Sở Thông tin và Truyền thông

12. Sở Khoa học và Công nghệ

13. Ban Quản lý Vườn quốc gia Ba Bể

14. Công an tỉnh Bắc Kạn

15. Hiệp hội Du lịch tỉnh

16. Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan

CÁC PHỤ LỤC KÈM THEO ĐỀ ÁN

I. Các dự án thực hiện Đề án (dự kiến)

II. Phân chia giai đoạn đầu tư (dự kiến)

III. Nguồn vốn đầu tư (dự kiến)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 981/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Đề án phát triển khu du lịch Ba Bể thành khu du lịch Quốc gia giai đoạn 2022-2030, định hướng đến năm 2050 do tỉnh Bắc Kạn ban hành

  • Số hiệu: 981/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/06/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Phạm Duy Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/06/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản