Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 98/2006/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 18 tháng 12 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH XỬ LÝ KỶ LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG CÓ SAI PHẠM TRONG TIẾP NHẬN VÀ GIẢI QUYẾT HỒ SƠ HÀNH CHÍNH CỦA TỔ CHỨC, CÔNG DÂN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, Công chức năm 1998; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, Công chức năm 2000; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, Công chức năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức;
Căn cứ Quyết định số 22/2006/QĐ-TTg ngày 24/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao nhiệm vụ xử lý các vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính;
Căn cứ Thông tư số 03/2006/TT-BNV ngày 08/02/2006 của Bộ Nội vụ, hướng dẫn thi hành Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức;
Căn cứ Quyết định số 86/2005/QĐ-UBND ngày 19/12/2005 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2006 - 2010 của tỉnh Bình Thuận;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có sai phạm trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính của tổ chức, công dân.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Huỳnh Tấn Thành

 

QUY ĐỊNH

XỬ LÝ KỶ LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG CÓ SAI PHẠM TRONG TIẾP NHẬN VÀ GIẢI QUYẾT HỒ SƠ HÀNH CHÍNH CỦA TỔ CHỨC, CÔNG DÂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 98/2006/QĐ-UBND ngày 18 tháng 12 năm 2006 của UBND tỉnh Bình Thuận)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy định này vận dụng các quy định tại Bộ luật Lao động; Pháp lệnh Cán bộ, Công chức; Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức; Quyết định số 22/2006/QĐ-TTg ngày 24/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao nhiệm vụ xử lý các vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính; Thông tư số 03/2006/TT-BNV ngày 08/02/2006 của Bộ Nội vụ, về hướng dẫn thi hành Nghị định số 35/2005/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 73/2005/QĐ-UBND ngày 10/11/2005 của UBND tỉnh Bình Thuận, về việc ban hành Quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn; để tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có sai phạm trong việc tiếp nhận, thụ lý và giải quyết hồ sơ hành chính của tổ chức, công dân tại các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh.

Điều 2. Đối tượng điều chỉnh

Đối tượng điều chỉnh tại Quy định này bao gồm:

1. Cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các sở, cơ quan ngang sở, đơn vị thuộc UBND tỉnh (sau đây gọi chung là sở); các đơn vị trực thuộc sở; UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện); các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện (sau đây gọi chung là cơ quan cấp huyện).

2. Cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách làm việc tại UBND các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là UBND cấp xã).

3. Những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (theo quy định của Bộ luật Lao động) tại các sở, đơn vị trực thuộc sở, cơ quan cấp huyện và UBND cấp xã.

Điều 3. Nguyên tắc, hình thức, trình tự, thủ tục, thẩm quyền và thời hiệu xem xét, xử lý kỷ luật

Nguyên tắc, hình thức, trình tự, thủ tục, thẩm quyền và thời hiệu xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có sai phạm được điều chỉnh tại Quy định này áp dụng theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể như sau:

1. Đối với đối tượng điều chỉnh tại khoản 1 Điều 2 Quy định này: thực hiện theo Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ và Thông tư số 03/2006/TT-BNV ngày 08/02/2006 của Bộ Nội vụ.

2. Đối với đối tượng điều chỉnh tại khoản 2 Điều 2 Quy định này: thực hiện theo Quyết định số 73/2005/QĐ-UBND ngày 10/11/2005 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc ban hành Quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn.

3. Đối với đối tượng điều chỉnh tại khoản 3 Điều 2 Quy định này: áp dụng theo các quy định tại Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Hồ sơ hành chính của tổ chức, công dân

Hồ sơ hành chính của tổ chức, công dân nói tại Quy định này bao gồm:

1. Các loại hồ sơ, văn bản được yêu cầu phải giải quyết, trả lời trong thời hạn luật định.

2. Các loại hồ sơ hành chính của tổ chức, công dân được quy định giao dịch tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả (sau đây gọi gắt là Bộ phận một cửa) của sở, đơn vị trực thuộc sở, cơ quan cấp huyện và UBND cấp xã.

3. Các loại hồ sơ, văn bản có ghi thời hạn yêu cầu giải quyết, trả lời do UBND tỉnh gửi đến các sở và UBND cấp huyện.

4. Các loại hồ sơ, văn bản có ghi thời hạn yêu cầu giải quyết, trả lời do UBND cấp huyện gửi đến các cơ quan cấp huyện và UBND cấp xã.

5. Các loại hồ sơ, văn bản có ghi thời hạn đề nghị phúc đáp, do các sở, UBND cấp huyện hoặc cơ quan cấp huyện ban hành để lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm phối hợp giải quyết liên ngành (theo các quy định về trách nhiệm phối hợp của UBND tỉnh hoặc UBND cấp huyện).

6. Các loại hồ sơ, văn bản được thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương quy định thời hạn giải quyết cụ thể trong các quy chế làm việc nội bộ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Điều 5. Những hành vi sai phạm bị xem xét, xử lý kỷ luật

Những cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có một trong các hành vi sai phạm dưới đây, sẽ bị xem xét, xử lý kỷ luật theo Quy định này:

1. Hướng dẫn cho tổ chức, công dân thực hiện các trình tự, thủ tục hồ sơ hành chính không đầy đủ, rõ ràng, để tổ chức, công dân phải đi lại bổ sung hồ sơ từ 03 lần trở lên cho một vụ việc.

2. Gây khó khăn để làm chậm trễ việc tiếp nhận hoặc không tiếp nhận hồ sơ hành chính đã đầy đủ, hợp lệ của tổ chức, công dân.

3. Tự ý đặt ra thêm các hồ sơ, thủ tục phiền hà không hợp lý, ngoài quy định của Nhà nước khi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính của tổ chức, công dân.

4. Trực tiếp tiếp nhận để giải quyết hoặc tham mưu giải quyết không thông qua Bộ phận một cửa, đối với các loại hồ sơ hành chính được quy định phải giao dịch tại Bộ phận một cửa.

5. Trực tiếp quan hệ, giao dịch với chủ hồ sơ trong quá trình thẩm tra, giải quyết hoặc tham mưu giải quyết hồ sơ hành chính, nhưng không có lý do chính đáng và chưa có sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ quản.

6. Để chậm trễ trong việc giải quyết hoặc tham mưu giải quyết hồ sơ hành chính của tổ chức, công dân, nhưng không có lý do chính đáng.

7. Thiếu trách nhiệm trong công tác tham mưu, đề xuất, dẫn đến kết quả giải quyết hồ sơ hành chính của cấp có thẩm quyền đối với tổ chức, công dân không chính xác, gây hậu quả xấu.

8. Có hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh để nhận tiền, quà biếu dưới bất kỳ mức độ nào và hình thức nào khi tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ hành chính của tổ chức, công dân.

9. Không nghiêm túc chấp hành các quy định của cấp có thẩm quyền về trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết hồ sơ hành chính của tổ chức, công dân nhằm mục đích vụ lợi cá nhân.

10. Bị tổ chức, công dân có đơn phản ánh, khiếu nại, tố cáo về hành vi vòi vĩnh, sách nhiễu, tắc trách, cửa quyền, không tôn trọng dân và đã được cơ quan chức năng thẩm tra, xác minh, kết luận nội dung phản ánh, khiếu nại, tố cáo đó là đúng sự thật.

11. Bị cơ quan chức năng kiến nghị hoặc cấp có thẩm quyền yêu cầu xem xét, xử lý kỷ luật do có sai phạm trong quá trình tiếp nhận, thụ lý, tham mưu giải quyết, giải quyết hoặc trả kết quả giải quyết hồ sơ hành chính của tổ chức, công dân.

12. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý bị xử lý kỷ luật về các hành vi sai phạm được quy định tại Điều 5 của Quy định này.

Điều 6. Áp dụng các hình thức kỷ luật

1. Hình thức khiển trách được áp dụng trong các trường hợp sau:

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm một trong các hành vi quy định từ khoản 1 đến khoản 7 và các khoản 11, 12 Điều 5 của Quy định này nhưng vi phạm lần đầu và ở mức độ nhẹ.

2. Hình thức cảnh cáo (chỉ áp dụng cho đối tượng được điều chỉnh tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 của Quy định này) được áp dụng trong các trường hợp sau:

a) Cán bộ, công chức, viên chức đã bị khiển trách vì vi phạm Quy định này mà tái phạm, hoặc vi phạm lần đầu một trong các hành vi quy định từ khoản 1 đến khoản 7 và các khoản 11, 12 Điều 5 của Quy định này nhưng tính chất tương đối nghiêm trọng;

b) Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm một trong các hành vi quy định tại các khoản 8, 9 và 10 Điều 5 của Quy định này nhưng là vi phạm lần đầu và ở mức độ nhẹ;

c) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương buông lỏng chỉ đạo, kiểm tra để xảy ra nhiều sai sót trong giải quyết hồ sơ hành chính của tổ chức, công dân bị cơ quan chức năng kiến nghị hoặc bị cấp có thẩm quyền yêu cầu xử lý.

3. Hình thức hạ bậc lương (chỉ áp dụng cho công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo thuộc đối tượng được điều chỉnh tại khoản 1, khoản 2 điều 2 của Quy định này; riêng đối với đối tượng được điều chỉnh tại khoản 3 Điều 2 của Quy định này, thì áp dụng hình thức kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng, hoặc chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa là 06 tháng, hoặc cách chức) được áp dụng trong các trường hợp sau:

a) Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang trong thời gian bị kỷ luật cảnh cáo do vi phạm Quy định này mà tái phạm;

b) Vi phạm lần đầu một trong các hành vi quy định tại các khoản 8, 9 và 10 Điều 5 của Quy định này nhưng ở mức độ nghiêm trọng.

4. Hình thức hạ ngạch (chỉ áp dụng cho công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo thuộc đối tượng được điều chỉnh tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 của

Quy định này) được áp dụng trong các trường hợp sau:

Vi phạm lần đầu hoặc tái phạm một trong các hành vi quy định tại các khoản 7, 8, 9 và 10 Điều 5 của Quy định này đến mức xét thấy không còn đủ phẩm chất đạo đức, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của ngạch đang đảm nhận.

5. Hình thức cách chức (chỉ áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo thuộc đối tượng được điều chỉnh tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 của Quy định này) được áp dụng trong các trường hợp sau:

Vi phạm lần đầu hoặc tái phạm một trong các hành vi quy định tại các khoản 8, 9, 10, 11 và 12 Điều 5 của Quy định này đến mức xét thấy không còn đủ phẩm chất đạo đức, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của chức vụ đang đảm nhận.

6. Hình thức buộc thôi việc (riêng đối với đối tượng được điều chỉnh tại khoản 3 Điều 2 của Quy định này thì áp dụng hình thức sa thải) được áp dụng trong các trường hợp sau:

Vi phạm lần đầu hoặc tái phạm một trong các hành vi quy định tại các khoản 8, 9, 10, 11 và 12 Điều 5 của Quy định này đến mức xét thấy về phẩm chất đạo đức, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ không còn xứng đáng để làm việc trong cơ quan, đơn vị Nhà nước.

Điều 7. Trường hợp chuyển sang làm công việc khác

1. Công chức, viên chức, người lao động vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm ở một trong các trường hợp dưới đây có thể bị chuyển sang làm các công việc khác không liên quan đến việc tiếp nhận, giải quyết, tham mưu giải quyết hoặc trả kết quả giải quyết hồ sơ hành chính của tổ chức, công dân.

a) Công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo, hoặc người lao động bị xử lý ở hình thức kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng, trở lên;

b) Công chức, viên chức và người lao động đang bị cơ quan chức năng tiến hành điều tra, thanh tra, thẩm tra, xác minh do có đơn phản ánh, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân về hành vi vòi vĩnh, sách nhiễu, tắc trách, cửa quyền, không tôn trọng dân,... và trong quá trình điều tra, thanh tra, thẩm tra, xác minh công chức, viên chức, người lao động bị phản ánh, khiếu nại, tố cáo vẫn có thái độ hợp tác với cơ quan chức năng.

Trường hợp sau khi điều tra, thanh tra, thẩm tra, xác minh, cơ quan chức năng kết luận công chức, viên chức, người lao động không vi phạm, thì việc có điều chuyển công chức, viên chức, người lao động trở lại vị trí công tác cũ hay không, sẽ do thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ quản quyết định;

c) Công chức, viên chức và người lao động đã có kết luận của cơ quan chức năng về hành vi vòi vĩnh, sách nhiễu, tắc trách, cửa quyền, không tôn trọng dân,... theo phản ánh của tổ chức, công dân, nhưng chưa tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật;

d) Công chức, viên chức và người lao động bị cơ quan chức năng kiến nghị hoặc cấp có thẩm quyền yêu cầu chuyển sang làm việc khác.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có công chức, viên chức và người lao động có sai phạm thuộc một trong các trường hợp nói tại khoản 1 Điều này, phải khẩn trương xem xét và ban hành quyết định điều chuyển công tác đối với người có sai phạm.

Trường hợp không thể điều chuyển công tác được, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có công chức, viên chức và người lao động sai phạm phải có văn bản thông báo rõ lý do cho cơ quan kiến nghị, hoặc có văn bản giải trình với cấp có thẩm quyền đã yêu cầu.

Điều 8. Trường hợp tạm đình chỉ công tác

1. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị điều tra, thanh tra hoặc có đơn phản ánh, khiếu nại, tố cáo về hành vi vòi vĩnh, sách nhiễu, tắc trách, cửa quyền, không tôn trọng dân,... nhưng trong quá trình điều tra, thanh tra hoặc thẩm tra, xác minh có thái độ bất hợp tác, gây khó khăn cho cơ quan chức năng hoặc tiếp tục có hành vi vi phạm, thì sẽ bị tạm đình chỉ công tác.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kiến nghị tạm đình chỉ công tác của cơ quan chức năng, người có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác phải ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có sai phạm.

3. Trình tự, thủ tục, thời hạn và việc giải quyết chế độ chính sách đối với người bị tạm đình chỉ công tác được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ.

4. Hết thời hạn tạm đình chỉ công tác, nếu cơ quan chức năng chưa kết luận được sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, thì cơ quan chủ quản bố trí lại công tác cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, nhưng không được bố trí vào các nhiệm vụ có liên quan đến việc tiếp nhận, giải quyết, tham mưu giải quyết hoặc trả kết quả giải quyết hồ sơ hành chính của tổ chức, công dân.

Trường hợp cơ quan chức năng đã kết luận nội dung phản ánh, khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là không đúng sự thật, thì việc có bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trở lại vị trí công tác cũ hay không, sẽ do thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ quản quyết định.

Điều 9. Thực hiện thời hạn xem xét, xử lý kỷ luật

Việc xem xét, xử lý kỷ luật theo Quy định này phải được tiến hành khẩn trương, cụ thể như sau:

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị phát hiện, hoặc bị cơ quan chức năng có văn bản kết luận, hoặc bị cấp có thẩm quyền có văn bản yêu cầu xử lý, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ quản phải tổ chức cho người vi phạm kiểm điểm tại cơ quan, đơn vị đang công tác.

2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày tiến hành kiểm điểm xong đối với người vi phạm, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ quản phải thành lập Hội đồng kỷ luật hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật, để tiến hành xem xét và kiến nghị hình thức xử lý kỷ luật đối với người vi phạm.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định thành lập, Hội đồng kỷ luật phải tổ chức họp xét và kiến nghị hình thức xử lý kỷ luật đối với người vi phạm. Ngay sau khi kết thúc việc họp xét, Hội đồng kỷ luật phải làm đầy đủ hồ sơ, thủ tục trình người có thẩm quyền xem xét, ký ban hành quyết định xử lý.

4. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị xử lý do Hội đồng kỷ luật chuyển đến, người có thẩm quyền quyết định kỷ luật phải tiến hành xem xét, ký ban hành và giao cho cơ quan, đơn vị chức năng công bố quyết định xử lý kỷ luật đối với người vi phạm.

Điều 10. Công khai quyết định xử lý kỷ luật

Những quyết định xử lý kỷ luật, kể cả những quyết định tạm đình chỉ công tác, chuyển sang làm công việc khác đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo Quy định này, phải được thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ quản của người vi phạm gửi thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, để cán bộ, công chức và nhân dân trong tỉnh theo dõi.

Điều 11. Xử lý vi phạm

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương được giao trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật, chuyển công tác, tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có sai phạm theo Quy định này nhưng không thực hiện, hoặc thực hiện không nghiêm túc, thì sẽ bị cấp có thẩm quyền căn cứ vào mức độ sai phạm để tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 12. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị xử lý kỷ luật theo Quy định này có quyền khiếu nại, tố cáo đối với việc bị xử lý kỷ luật, theo đúng các quy định của Luật Khiếu nại, Tố cáo hiện hành.

2. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các trường hợp bị xử lý kỷ luật theo Quy định này, được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

3. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị xử lý kỷ luật mà được cấp có thẩm quyền kết luận là oan sai, thì được phục hồi danh dự, bồi thường thiệt hại và phục hồi đầy đủ các quyền lợi khác trong công tác, theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Điều khoản thi hành

Quy định này được áp dụng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Giao cho Giám đốc Sở Nội vụ theo dõi và tổ chức kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

Quá trình thực hiện, Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các cơ quan cấp sở và Chủ tịch UBND cấp huyện tổng hợp những vấn đề cần tiếp tục điều chỉnh, bổ sung và báo cáo để UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 98/2006/QĐ-UBND Quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có sai phạm trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính của tổ chức, công dân do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 98/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/12/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Huỳnh Tấn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản