Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2015/QĐ-UBND | Khánh Hòa, ngày 24 tháng 07 năm 2015 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC XỬ LÝ KỶ LUẬT CÁN BỘ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1124/TTr-SNV ngày 24 tháng 6 năm 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc xử lý kỷ luật cán bộ xã, phường, thị trấn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ VIỆC XỬ LÝ KỶ LUẬT CÁN BỘ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2015/QĐ-UBND ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ xã, phường thị trấn (xã, phường, thị trấn sau đây gọi chung là cấp xã), bao gồm cán bộ được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã công tác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có hành vi vi phạm quy định của Luật Cán bộ, công chức và các quy định pháp luật khác.
2. Đối tượng áp dụng quy định này bao gồm cơ quan quản lý cán bộ có thẩm quyền của Đảng, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện (sau đây gọi chung là Mặt trận và các đoàn thể cấp huyện); Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện); Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và cán bộ giữ các chức vụ ở cấp xã theo quy định tại Khoản 2 Điều 61 Luật Cán bộ, công chức, bao gồm:
a) Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy;
b) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân;
c) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
d) Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
đ) Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
e) Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
g) Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (áp dụng đối với xã, phường, thị trấn có hoạt động nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam)
h) Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Điều 2. Nguyên tắc xử lý kỷ luật
1. Khách quan, công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật.
2. Mỗi hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật. Nếu cán bộ cấp xã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm và chịu hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm nặng nhất.
3. Trường hợp cán bộ cấp xã tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian đang thi hành quyết định kỷ luật thì bị áp dụng hình thức kỷ luật như sau:
a) Nếu có hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật ở hình thức nhẹ hơn hoặc bằng so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đang thi hành;
b) Nếu có hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật ở hình thức nặng hơn so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm pháp luật mới.
Quyết định kỷ luật đang thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm quyết định kỷ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật mới có hiệu lực.
4. Thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với cán bộ trong các trường hợp quy định tại Điều 4 không tính vào thời hạn xử lý kỷ luật.
5. Cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của cán bộ trong quá trình xử lý kỷ luật.
Điều 3. Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật
1. Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn do Luật Cán bộ, công chức quy định mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ có hành vi vi phạm không bị xem xét xử lý kỷ luật.
Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm.
2. Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan tổ chức có thẩm quyền.
Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 02 tháng; trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 04 tháng
3. Trường hợp cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm kỷ luật thì bị xử lý kỷ luật; trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, người ra quyết định phải gửi quyết định và hồ sơ vụ việc cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật.
Điều 4. Các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật
1. Đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cho phép.
2. Đang trong thời gian điều trị bệnh có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
3. Cán bộ nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
4. Đang bị tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật.
Điêu 5. Các trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật
Cán bộ được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:
1. Phải chấp hành quyết định trái pháp luật của cấp trên nhưng đã báo cáo người ra quyết định trước khi chấp hành.
2. Do bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp xã
1. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ cấp xã cùng cấp ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ xã trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ cấp xã, nếu để cán bộ đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý. Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 15 ngày; nếu cán bộ bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì thời gian tạm giữ, tạm giam được tính là thời gian nghỉ việc có lý do; hết thời hạn tạm đình chỉ công tác nếu cán bộ cấp xã không bị xử lý kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ.
2. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, cán bộ cấp xã được hưởng 50% của mức lương chức vụ hoặc mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).
Trường hợp cán bộ cấp xã không bị xử lý kỷ luật hoặc được kết luận là oan, sai thì được truy lĩnh 50% còn lại của mức lương chức vụ hoặc mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có) trong thời gian tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam.
Trường hợp cán bộ cấp xã bị xử lý kỷ luật hoặc bị Tòa án tuyên là có tội thì không được truy lĩnh 50% còn lại của mức lương chức vụ hoặc mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có) trong thời gian tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam
1. Cán bộ cấp xã vi phạm quy định của Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Cách chức;
d) Bãi nhiệm.
2. Cán bộ cấp xã phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị Tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với cán bộ cấp xã có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ;
2. Không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng;
3. Gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;
4. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 03 đến dưới 05 ngày làm việc trong một tháng;
5. Sử dụng tài sản công trái pháp luật;
6. Xác nhận giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện;
7. Vi phạm nhưng gây hậu quả ít nghiêm trọng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới và chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình; phòng, chống tội phạm, tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến cán bộ.
Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với cán bộ cấp xã có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện;
2. Sử dụng thông tin, tài liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị để vụ lợi
3. Không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cơ quan tổ chức, đơn vị có thẩm quyền;
4. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng;
5. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 05 đến dưới 07 ngày làm việc trong một tháng;
6. Sử dụng trái phép chất ma túy bị cơ quan công an thông báo về cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đang công tác;
7. Để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại cơ quan phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn;
8. Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tội phạm, tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến cán bộ.
Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với cán bộ cấp xã có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bầu cử, bổ nhiệm chức vụ;
2. Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng;
3. Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ;
4. Bị nghiện ma túy có xác nhận cơ quan y tế có thẩm quyền;
5. Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tội phạm, tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến cán bộ.
Việc bãi nhiệm cán bộ cấp xã thực hiện theo quy định của pháp luật, Điều lệ Đảng, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội và quy định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
THẨM QUYỀN XỬ LÝ KỶ LUẬT, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XEM XÉT XỬ LÝ KỶ LUẬT
Điều 12. Thẩm quyền, trách nhiệm xử lý kỷ luật
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định xử lý kỷ luật đối với cán bộ giữ chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi trao đổi và được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý cán bộ có thẩm quyền; quyết định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đối với cán bộ giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã sau khi trao đổi và được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý cán bộ có thẩm quyền và Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.
2. Cán bộ giữ các chức vụ nêu tại Khoản 1 trên đây khi đã chuyển công tác mới phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật mà còn trong thời hiệu quy định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý cán bộ trước đây quyết định xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều này và gửi hồ sơ, quyết định kỷ luật về cơ quan đang quản lý cán bộ. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức trước đây đã giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách thì những người có trách nhiệm liên quan phải bàn giao hồ sơ để cơ quan đang quản lý cán bộ cấp xã thực hiện việc xử lý kỷ luật.
3. Quá thời hạn xử lý kỷ luật mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không có quyết định về xử lý kỷ luật thì chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật để tư vấn về việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với cán bộ cấp xã có hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Các trường hợp không thành lập Hội đồng kỷ luật
a) Cán bộ cấp xã có hành vi vi phạm pháp luật bị phạt tù mà không được hưởng án treo.
b) Cán bộ cấp xã bị xem xét xử lý kỷ luật khi đã có kết luận về hành vi vi phạm pháp luật của cấp ủy, tổ chức Đảng theo quy định phân cấp quản lý cán bộ công chức của Ban chấp hành Trung ương.
Điều 14. Thành phần Hội đồng kỷ luật
1. Hội đồng kỷ luật cán bộ cấp xã có 05 thành viên, bao gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
b) Một ủy viên Hội đồng do Ban Thường vụ Huyện, Thị, Thành ủy cử;
c) Một ủy viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động cấp huyện;
d) Một ủy viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo Đảng ủy cấp xã hoặc đại diện Ủy ban nhân dân hoặc đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã có cán bộ bị xem xét xử lý kỷ luật;
đ) Một ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là đại diện lãnh đạo Phòng Nội vụ cấp huyện.
2. Không được cử người có quan hệ gia đình như cha, mẹ, con được pháp luật thừa nhận; vợ, chồng; anh, chị, em ruột; chị, em dâu; anh, em rể hoặc người có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ bị xem xét xử lý kỷ luật tham gia thành viên Hội đồng kỷ luật.
Điều 15. Nguyên tắc làm việc và giải thể Hội đồng kỷ luật
1. Nguyên tắc làm việc
a) Hội đồng kỷ luật họp khi có từ 03 thành viên trở lên tham dự trong đó có Chủ tịch Hội đồng và Thư ký Hội đồng. Hội đồng kỷ luật kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật thông qua bỏ phiếu kín.
b) Việc họp Hội đồng kỷ luật phải được lập thành biên bản ghi ý kiến của các thành viên dự họp và kết quả bỏ phiếu kiến nghị hình thức kỷ luật áp dụng đối với cán bộ cấp xã có hành vi vi phạm pháp luật.
2. Hội đồng kỷ luật tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 16. Tổ chức họp Hội đồng kỷ luật
1. Chuẩn bị họp
a) Chậm nhất là 07 ngày làm việc trước cuộc họp của Hội đồng kỷ luật, giấy triệu tập họp phải được gửi tới cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật. Cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật vắng mặt phải có lý do chính đáng. Trường hợp cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật vắng mặt sau 02 lần gửi giấy triệu tập thì đến lần thứ 03 sau khi đã gửi giấy triệu tập, nếu cán bộ đó vẫn vắng mặt thì Hội đồng kỷ luật vẫn họp xem xét và kiến nghị hình thức kỷ luật.
b) Hội đồng kỷ luật có thể mời thêm đại diện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội nơi cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật đang sinh hoạt đến dự họp. Trong quá trình tham dự, người được mời họp có quyền tham gia phát biểu ý kiến và đề xuất hình thức kỷ luật nhưng không được bỏ phiếu về hình thức kỷ luật.
c) Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật có nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu, hồ sơ liên quan đến việc xử lý kỷ luật, ghi biên bản cuộc họp của Hội đồng kỷ luật.
d) Hồ sơ xử lý kỷ luật trình Hội đồng kỷ luật bao gồm bản tự kiểm điểm, trích ngang sơ yếu lý lịch của cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật và các tài liệu khác có liên quan.
2. Trình tự họp
a) Chủ tịch Hội đồng kỷ luật tuyên bố lý do, giới thiệu các thành viên tham dự;
b) Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật đọc trích ngang sơ yếu lý lịch của cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật và các tài liệu khác có liên quan;
c) Cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật đọc bản tự kiểm điểm. Trường hợp cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật vắng mặt thì Thư ký Hội đồng kỷ luật đọc thay; nếu cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật không làm bản tự kiểm điểm thì Hội đồng kỷ luật tiến hành các trình tự còn lại của cuộc họp quy định tại Khoản này;
d) Các thành viên Hội đồng kỷ luật và người được mời tham dự cuộc họp phát biểu ý kiến;
đ) Cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật phát biểu ý kiến; nếu cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật không phát biểu hoặc vắng mặt thì Hội đồng kỷ luật tiến hành các trình tự còn lại của cuộc họp quy định tại Khoản này;
e) Hội đồng kỷ luật bỏ phiếu kín kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật;
g) Chủ tịch Hội đồng kỷ luật công bố kết quả bỏ phiếu kín và thông qua biên bản cuộc họp;
h) Chủ tịch Hội đồng kỷ luật và Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật ký vào biên bản cuộc họp.
3. Trường hợp có nhiều cán bộ cấp xã có hành vi vi phạm pháp luật thì Hội đồng kỷ luật họp để tiến hành xem xét xử lý kỷ luật đối với từng cán bộ.
1. Trình tự ra quyết định kỷ luật
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp, Hội đồng kỷ luật phải có kiến nghị việc xử lý kỷ luật bằng văn bản (kèm biên bản họp Hội đồng kỷ luật và hồ sơ xử lý kỷ luật) gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được văn bản của Hội đồng kỷ luật hoặc kết luận của cơ quan thẩm quyền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản trao đổi, thống nhất với cơ quan, tổ chức liên quan quy định tại Điều 12 Quy định này.
c) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Hội đồng kỷ luật trong trường hợp thành lập Hội đồng kỷ luật hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền về xử lý cán bộ cấp xã vi phạm pháp luật trong trường hợp không thành lập Hội đồng kỷ luật thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định kỷ luật hoặc kết luận cán bộ không vi phạm pháp luật.
d) Trường hợp vụ việc có liên quan đến nhiều người, có tang vật, phương tiện cần giám định hoặc những tình tiết phức tạp khác hoặc chưa nhận được ý kiến bằng văn bản của cơ quan, tổ chức liên quan thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 2, Điều 3 Quy định nay. Trong thời hạn kéo dài, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải ra quyết định về việc xử lý kỷ luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
2. Quyết định kỷ luật phải ghi rõ thời điểm có hiệu lực thi hành.
3. Sau 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực, nếu cán bộ không tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực.
4. Các tài liệu liên quan đến việc xử lý kỷ luật và quyết định kỷ luật phải được lưu giữ trong hồ sơ cán bộ. Hình thức kỷ luật phải ghi vào ly lịch của cán bộ.
Điều 18. Thẩm quyền, hình thức, quy trình xử lý kỷ luật
Thẩm quyền, hình thức, quy trình xử lý kỷ luật cán bộ giữ các chức vụ bầu cử của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện theo Quy định này và quy định của Điều lệ Đảng, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội và các quy định khác của Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là Điều lệ Đảng, Mặt trận và các đoàn thể).
1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã
Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ giữ các chức vụ của Đảng, Mặt trận và các đoàn thể cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Mặt trận và các đoàn thể cấp huyện xử lý kỷ luật, bảo đảm thời hiệu theo Quy định này và Điều lệ Đảng, Mặt trận và các đoàn thể.
2. Trách nhiệm của cơ quan thẩm quyền của Đảng, Mặt trận và các đoàn thể cấp huyện
Cơ quan thẩm quyền của Đảng, Mặt trận và các đoàn thể cấp huyện tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ cấp xã thuộc quyền theo Quy định này và thông báo kết quả xử lý cho Ủy ban nhân dân cấp huyện biết, quản lý. Quá thời hạn xử lý kỷ luật mà cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Mặt trận và các đoàn thể cấp huyện không có quyết định xử lý thì người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và quy định của Điều lệ Đảng, Mặt trận và các đoàn thể.
1. Cán bộ cấp xã bị khiển trách hoặc cảnh cáo thì thời gian nâng lương bị kéo dài 06 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; nếu bị cách chức thì thời gian nâng lương bị kéo dài 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.
2. Cán bộ cấp xã bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; hết thời hạn này, nếu cán bộ không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.
3. Cán bộ cấp xã đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch, giải quyết nghỉ hưu hoặc thôi việc.
4. Cán bộ cấp xã bị kỷ luật cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý.
5. Cán bộ cấp xã làm mất mát, hư hỏng trang bị, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản nhà nước thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
6. Cán bộ cấp xã có hành vi vi phạm pháp luật trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ gây thiệt hại cho người khác thì phải hoàn trả cho cơ quan, tổ chức khoản tiền mà cơ quan, tổ chức đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật.
7. Cán bộ cấp xã vi phạm pháp luật mà có dấu hiệu của tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 21. Các quy định liên quan khi xem xét xử lý kỷ luật
1. Trường hợp cán bộ cấp xã đang nghỉ công tác chờ làm thủ tục hưu trí mà bị phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian thi hành công vụ thì Ủy ban nhân dân cấp xã dừng việc giải quyết thủ tục hưu trí cho đến thời điểm có quyết định kỷ luật hoặc có kết luận cán bộ không vi phạm pháp luật.
2. Trường hợp Hội đồng kỷ luật đã có văn bản kiến nghị về việc xử lý kỷ luật đối với các chức danh thuộc thẩm quyền xử lý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nhưng Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chưa ra quyết định kỷ luật mà phát hiện thêm các tình tiết liên quan đến vi phạm kỷ luật hoặc phát hiện cán bộ bị xem xét xử lý kỷ luật có hành vi vi phạm pháp luật khác thì Hội đồng kỷ luật tổ chức họp, xem xét kiến nghị lại hình thức kỷ luật.
3. Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đã có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Mặt trận và các đoàn thể cấp huyện xử lý kỷ luật đối với các chức danh cán bộ của Đảng, Mặt trận và các đoàn thể nhưng cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Mặt trận và các đoàn thể cấp huyện chưa ra quyết định kỷ luật mà phát hiện thêm các tình tiết liên quan đến vi phạm kỷ luật hoặc phát hiện cán bộ bị xem xét xử lý kỷ luật có hành vi vi phạm pháp luật khác nhưng chưa được xem xét thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải có văn bản đề nghị lại hình thức kỷ luật.
Điều 22. Các quy định liên quan đến việc thi hành quyết định kỷ luật
1. Cán bộ cấp xã bị xử lý kỷ luật cách chức buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm
a) Cán bộ cấp xã bị xử lý kỷ luật cách chức buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm thì không được hưởng các chế độ thôi việc theo quy định của pháp luật nhưng được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thời gian làm việc đã đóng bảo hiểm xã hội để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;
b) Sau 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực, người bị xử lý kỷ luật được quyền đăng ký dự tuyển vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước. Nếu người bị xử lý kỷ luật do tham nhũng, tham ô hoặc vi phạm đạo đức công vụ thì không được đăng ký dự tuyển vào các cơ quan hoặc vị trí công tác có liên quan đến nhiệm vụ, công vụ đã đảm nhiệm trong thời gian có hành vi vi phạm pháp luật.
2. Quyết định kỷ luật đối với cán bộ cấp xã đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền hoặc Tòa án kết luận là bị oan, sai thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày có văn bản kết luận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền hoặc từ ngày quyết định của Tòa án có hiệu lực, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ làm việc có trách nhiệm công bố công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ đang công tác.
3. Cán bộ cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức hoặc bãi nhiệm sau đó được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền hoặc Tòa án kết luận là oan, sai mà vị trí công tác cũ đã bố trí người khác thay thế thì cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ cấp xã có trách nhiệm giới thiệu để bầu giữ chức danh khác hoặc bố trí vào vị trí, chức danh phù hợp.
4. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tố cáo kết luận việc xử lý kỷ luật cán bộ cấp xã tiến hành không đúng quy định về áp dụng hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải ra quyết định hủy bỏ quyết định kỷ luật; đồng thời cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật phải tiến hành xem xét xử lý kỷ luật cán bộ cấp xã theo đúng quy định.
Điều 23. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại
Cán bộ cấp xã khi bị kỷ luật có quyền khiếu nại về quyết định kỷ luật đối với mình đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật.
Điều 24. Phục hồi danh dự, quyền lợi khi bị oan sai
Cán bộ cấp xã bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự mà được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận là oan, sai thì được phục hồi danh dự, quyền lợi và được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Điều 25. Quản lý hồ sơ kỷ luật
Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ cấp xã có trách nhiệm quản lý hồ sơ kỷ luật của cán bộ cấp xã. Các quyết định về kỷ luật được lưu vào hồ sơ cán bộ cấp xã. Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm theo dõi việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ xã để thực hiện chế độ, chính sách liên quan.
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh các vướng mắc thì báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) để xem xét, giải quyết./.
- 1Quyết định 1457/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định về trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 2Quyết định 98/2006/QĐ-UBND Quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có sai phạm trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính của tổ chức, công dân do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành
- 3Quyết định 73/2005/QĐ-UBND về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn do Tỉnh Bình Thuận ban hành
- 4Quyết định 4046/2006/QĐ-UBND quy định tạm thời về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn do tỉnh Hải Dương ban hành
- 5Nghị quyết 17/NQ-HĐND năm 2015 thực hiện Đề án thí điểm tăng cường người thuộc nguồn quy hoạch dự bị dài hạn của tỉnh về công tác tại các cơ quan, địa phương thuộc tỉnh Khánh Hòa
- 6Quyết định 14/2016/QĐ-UBND Quy định về xử lý kỷ luật cán bộ xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 7Quyết định 19/2021/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 16/2015/QĐ-UBND quy định về xử lý kỷ luật cán bộ xã, phường, thị trấn do tỉnh Khánh Hòa ban hành
- 8Quyết định 253/QĐ-UBND năm 2022 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa hết hiệu lực năm 2021
- 9Quyết định 529/QĐ-UBND năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa kỳ hệ thống hóa 2019-2023
- 1Quyết định 19/2021/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 16/2015/QĐ-UBND quy định về xử lý kỷ luật cán bộ xã, phường, thị trấn do tỉnh Khánh Hòa ban hành
- 2Quyết định 253/QĐ-UBND năm 2022 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa hết hiệu lực năm 2021
- 3Quyết định 529/QĐ-UBND năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa kỳ hệ thống hóa 2019-2023
- 1Nghị định 114/2003/NĐ-CP về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 4Luật cán bộ, công chức 2008
- 5Nghị định 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
- 6Quyết định 1457/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định về trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 7Quyết định 98/2006/QĐ-UBND Quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có sai phạm trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính của tổ chức, công dân do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành
- 8Quyết định 73/2005/QĐ-UBND về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn do Tỉnh Bình Thuận ban hành
- 9Quyết định 4046/2006/QĐ-UBND quy định tạm thời về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn do tỉnh Hải Dương ban hành
- 10Nghị quyết 17/NQ-HĐND năm 2015 thực hiện Đề án thí điểm tăng cường người thuộc nguồn quy hoạch dự bị dài hạn của tỉnh về công tác tại các cơ quan, địa phương thuộc tỉnh Khánh Hòa
- 11Quyết định 14/2016/QĐ-UBND Quy định về xử lý kỷ luật cán bộ xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Quyết định 16/2015/QĐ-UBND quy định về xử lý kỷ luật cán bộ xã, phường, thị trấn do tỉnh Khánh Hòa ban hành
- Số hiệu: 16/2015/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 24/07/2015
- Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
- Người ký: Nguyễn Chiến Thắng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra