Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 90/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 10 tháng 3 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH TIÊU CHÍ LỰA CHỌN SÁCH GIÁO KHOA TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH TỪ NĂM HỌC 2021-2022

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục năm 2019;

Căn cứ Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông;

Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 309/TTr-SGDĐT ngày 05/3/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh từ năm học 2021-2022.

Điều 2. Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa làm căn cứ để cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất; Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- VP UBND tỉnh: LĐVP;
- Lưu: VT, KGVX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Quốc Tuấn

 

QUY ĐỊNH

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN SÁCH GIÁO KHOA TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH TỪ NĂM HỌC 2021-2022
(Kèm theo Quyết định số 90/QĐ-UBND ngày 10/3/2021 của UBND tỉnh).

Việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh từ năm học 2021-2022 cần đảm bảo các tiêu chí sau:

1. Phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội của địa phương

1.1. Nội dung sách giáo khoa (SGK) đảm bảo tính kế thừa và phát triển, ngôn ngữ và cách thức thể hiện gần gũi với học sinh, phù hợp với văn hóa, lịch sử truyền thống, địa lý của tỉnh Bắc Ninh.

1.2. Nội dung và cấu trúc SGK đảm bảo tính mở, tạo điều kiện để nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên bổ sung hoặc điều chỉnh nội dung và các hoạt động giáo dục thích hợp, phù hợp với thực tế của địa phương.

1.3. Nội dung và các hoạt động trong SGK đảm bảo tính linh hoạt, có thể điều chỉnh để phù hợp với khả năng nhận thức và năng lực học tập của các đối tượng học sinh tại địa phương.

1.4. Nội dung SGK triển khai phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác tại địa phương.

2. Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông

2.1. Phù hợp với việc học của học sinh

2.1.1. SGK được trình bày cân đối, hấp dẫn, gây hứng thú cho học sinh. Kênh chữ và kênh hình có chọn lọc, đảm bảo tính khoa học và giáo dục; có tính thẩm mỹ cao.

2.1.2. Nội dung các bài học/chủ đề trong SGK có những hoạt động học tập thiết thực, giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực chung và năng lực đặc thù của môn học/hoạt động giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; phù hợp với khả năng nhận thức và tâm lí học sinh.

2.1.3. Thiết kế trong SGK thể hiện sinh động, kích thích học sinh tích cực tư duy độc lập, sáng tạo.

2.1.4. Đảm bảo tính mềm dẻo, có thể điều chỉnh phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh; tạo cơ hội bình đẳng cho tất  cả các học sinh có thể phát triển và sáng tạo.

2.2. Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của giáo viên

2.2.1. Cách thiết kế bài học/chủ đề trong SGK giúp giáo viên linh hoạt lựa chọn phương án, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tích cực và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương.

2.2.2. SGK có các nội dung, chủ đề kiến thức phong phú, giúp giáo viên có thể thực hiện dạy học tích hợp, gắn kết nội dung bài học với thực tiễn.

2.2.3. Nội dung SGK đảm bảo mục tiêu dạy học; áp dụng nhiều hình thức và phương pháp đánh giá, thuận lợi cho giáo viên trong việc lựa chọn công cụ đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của học sinh.

2.2.4. Cấu trúc SGK thuận tiện cho giáo viên, tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, phù hợp với kế hoạch giáo dục của nhà trường theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

3. Các yếu tố đi kèm với SGK đảm bảo chất lượng dạy và học

3.1. Công tác tập huấn, hỗ trợ đội ngũ giáo viên trong sử dụng SGK kịp thời, hiệu quả và đảm bảo chất lượng.

3.2. Đi kèm SGK nguồn tài nguyên, học liệu điện tử bổ sung cho SGK tương thích, chính xác, đa dạng, phong phú và hữu ích; tài liệu tham khảo hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà trường chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục.

3.3. SGK và các thiết bị phụ trợ kèm theo SGK phù hợp, có thể triển khai tốt với điều kiện cơ sở vật chất và các điều kiện dạy học khác tại các nhà trường phổ thông.

3.4. Chất lượng SGK đảm bảo; công tác phát hành SGK thuận lợi, đầy đủ và kịp thời./.