Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 89/2003/QĐ-UBBT

Phan Thiết; Ngày 25 tháng 12 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ THU THUẾ ĐỐI VỚI CÁC LOẠI THUYỀN, NGHỀ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC HẢI SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN NĂM 2004.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và ủy ban Nhân dân ( sửa đổi) đã được Quốc hội khóa IX kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 21/6/1994 ;

- Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thuế giá trị gia tăng số 07/2003/QH11, ngày 26/6/2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp số 09/2003/QH11, ngày 26/6/2003 của Quốc hội; Căn cứ Pháp lệnh thuế Tài nguyên (sửa đổi) năm 1998; Nghị định số 51/1999 NĐ-CP, ngày 08/7/1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi); Thông tư số 42/2003/TT-BTC ngày 07/05/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung, sửa đổi Thông tư số 96/2002/TT-BTC ngày 24/10/2002 của Bộ Tài chính, hướng dẫn thực hiện về việc điều chỉnh mức thuế Môn bài; Thông tư số 03/2002/TT-BTC, ngày 14/01/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý thu thuế đối với các cơ sở hoạt động khai thác thuỷ sản.

- Xét đề nghị tại tờ trình Liên Sở số 1077 TT/ LS ngày 13/11/2003 của Cục thuế Tỉnh và Sở Thủy sản; đề nghị của Sở Tài chính-Vật gía (công văn số 5436/TC-QLNS ngày 25/11/2003).

- Theo ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại văn bản số 465/STP-VBPBGDPL ngày 22/12/2003;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về “chế độ quản lý thu thuế đối với các loại thuyền, nghề hoạt động khai thác hải sản (gọi tắt là thuế Nghề cá) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận “.

Điều 2 : Quyết định này có hiệu lực thi hành từ năm Ngân sách năm 2004, Quyết định này thay thế Quyết định số 04/2003/QĐ- UBBT ngày 13/02/2003 của UBND Tỉnh Bình Thuận.

Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND Tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế Tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính-Vật giá, Giám đốc Sở Thuỷ sản, Thủ trưởng các Sở, Ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các Huyện, Thành phố và các Chủ thuyền khai thác hải sản nộp thuế Nghề cá căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3 
- Bộ Tài chính (báo cáo) 
- Cục Kiểm tra văn bản BTP (báo cáo)
- T/ T Tỉnh ủy, T/T HĐND Tỉnh (báo cáo)
- Chủ tịch, PCT UBND Tỉnh 
- Thanh tra Tỉnh
- Sở Tư pháp
- BCH Biên phòng Tỉnh
- CV PPLT, NLN, NC, TH
 - Lưu : VPUB

TM. UBND TỈNH BÌNH THUẬN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY ĐỊNH

CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ THU THUẾ ĐỐI VỚI CÁC LOẠI THUYỀN , NGHỀ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC HẢI SẢN TỈNH BÌNH THUẬN NĂM 2004.
(Ban hành kèm theo Quyết định số /2003/QĐ-UBBT, ngày / /2003 của UBND tỉnh Bình Thuận) .

Điều 1: Đối tượng, phạm vi, điều chỉnh:

Quy định này áp dụng đối với tàu, thuyền hoạt động khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, đúng chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

Điều 2: Chế độ thu nộp thuế nghề cá:

1- Mức sản lượng ấn định tính thuế :

Quy định mức sản lượng hải sản khai thác trong vụ chính (từ tháng 4 đến tháng 10) để tính thuế trong ngành khai thác hải sản (dưới đây gọi tắt là thuế Nghề cá) theo từng nhóm thuyền, nghề hoạt động khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận như sau :

Số TT

Nhóm thuyền( CV )

Sản lượng khoán tính thuế( tấn / thuyền / năm )

1

02 – 09

02

2

10 – 13

03

3

14 – 19

04

4

20 – 24

09

5

25 – 29

12

6

30 – 39

18

7

40 – 49

23

8

50 – 59

33

9

60 – 69

38

10

70 – 89

42

11

90 cv trở lên

46

2- Giá tính thuế:

Quy định giá tính thuế bình quân cho tất cả các loại hải sản trong năm tính thuế theo từng nhóm thuyền nghề là 2.500 đồng/kg (Hai ngàn năm trăm đồng một kg).

Điều 3: Các loại thuế và thuế suất áp dụng để tính thuế Nghề cá cho tất cả các loại thuyền nghề như sau :

1- Thuế Môn bài thu theo mức thu nhập bình quân tháng của từng nhóm thuyền nghề ( đã giảm 50% theo Thông tư 42/2003/TT-BTC, ngày 7/5/2003 của Bộ Tài chính ) là :

+ Nhóm thuyền từ 02 đến 19 cv : 50.000 đồng/thuyền/năm

+ Nhóm thuyền từ 20 đến 49 cv : 150.000 đồng/thuyền/năm

+ Nhóm thuyền từ 50 cv trở lên : 250.000 đồng/thuyền/năm

2- Thuế Tài nguyên: Thuế suất 02% tính trên doanh thu ấn định tính thuế cả năm theo từng nhóm thuyền, nghề ( Doanh thu ấn định tính thuế = sản lượng ấn định tính thuế x 2.500 đồng/kg) .

3- Thuế Thu nhập doanh nghiệp :

+ Tỷ lệ thu nhập chịu thuế bằng 10% tính trên doanh thu ấn định tính thuế cả năm theo từng nhóm thuyền, nghề .

+ Thuế suất : 28% tính trên thu nhập chịu thuế .

+ Thuế Thu nhập doanh nghiệp phải nộp = Doanh thu ấn định x 10% x 28% .

Điều 4 : Mức thuế ấn định cả năm :

Mức thuế Nghề cá ấn định trong vụ chính của năm Ngân sách tổng cộng bao gồm: thuế Môn bài, thuế Tài nguyên và thuế Thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho các loại thuyền, nghề hoạt động khai thác hải sản của tỉnh Bình Thuận được quy định theo biểu thuế sau :

SốTT

Nhóm thuyền( CV )

Thuế Môn bài (Đồng/ thuyền/ năm )

Thuế Tài nguyên (Đồng/ thuyền / năm )

Thuế Thu nhập doanh nghiệp (Đồng/ thuyền /năm)

Tổng cộng cả năm (Đồng/ thuyền/năm)

1

Từ 02 - 09 cv

50.000

 

 

50.000

2

Từ 10 - 13 cv

50.000

 

 

50.000

3

Từ 14 - 19 cv

50.000

200.000

 

250.000

4

Từ 20 - 24 cv

150.000

450.000

630.000

1.230.000

5

Từ 25 - 29 cv

150.000

600.000

840.000

1.590.000

6

Từ 30 - 39 cv

150.000

900.000

1.260.000

2.310.000

7

Từ 40 - 49 cv

150.000

1.150.000

1.610.000

2.910.000

8

Từ 50 - 59 cv

250.000

1.650.000

2.310.000

4.210.000

9

Từ 60 - 69 cv

250.000

1.900.000

2.600.000

4.810.000

10

Từ 70 - 89 cv

250.000

2.100.000

2.940.000

5.290.000

11

90 cv trở lên

250.000

2.300.000

3.220.000

5.770.000

Giao Cục thuế Tỉnh phối hợp Sở Thủy sản, Sở Tài chính và Chủ tịch UBND huyện, thành phố căn cứ vào tổng số thuế Nghề cá phải nộp của từng nhóm thuyền để quy định phân bổ mức thuế phải nộp ( kể cả thuế Môn bài ) theo từng tháng (từ tháng 3 đến tháng 10) của vụ chính trong năm cho phù hợp .

Điều 5: Chế độ miễn, giảm và khuyến khích phát triển Nghề cá .

Để khuyến khích phát triển thuyền, nghề đánh bắt hải sản và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cả năm trước thời hạn đối với Ngư dân Bình Thuận, UBND tỉnh Bình Thuận quy định như sau :

1- Đối với tàu, thuyền đầu tư đóng mới hoặc mua sắm thuyền mới chưa qua sử dụng có công suất 45 CV trở lên, từ năm 2004 không hoạt động khai thác hải sản xa bờ thì được miễn thuế Thu nhập doanh nghiệp trong 02 năm đầu và giảm 50% thuế Thu nhập doanh nghiệp trong 02 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế, riêng huyện Phú Quý thời gian giảm 50% thuế được kéo dài thêm 02 năm ( theo Điều 17 của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp ).

2- Khuyến khích đối với Tàu, Thuyền hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ :

2.1- Đối với tàu, thuyền đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng và đầu tư mua sắm từ năm 2004 có công suất từ 90 mã lực trở lên, có trọng tải tối thiểu đúng quy định, có đăng ký hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ và được Sở Thủy sản chấp thuận thì được miễn, giảm thuế như sau :

- Được miễn thuế Tài nguyên trong 05 năm đầu và giảm 50% thuế Tài nguyên trong 05 năm tiếp theo kể từ khi được cấp phép khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ .

- Trường hợp các tàu, thuyền khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ, được UBND Tỉnh cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) thì được miễn thuế Thu nhập doanh nghiệp trong 02 năm đầu và giảm 50% thuế Thu nhập doanh nghiệp trong 02 năm tiếp theo và được hưởng mức thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp là 25% theo giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư. Riêng huyện Phú Quý được miễn thuế Thu nhập doanh nghiệp trong 04 năm đầu và giảm 50% thuế Thu nhập doanh nghiệp trong 07 năm tiếp theo và được hưởng mức thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp là 15% .

2.2- Một đơn vị tàu, thuyền vừa đầu tư đóng mới hoặc mua sắm thuyền mới chưa qua sử dụng vừa thực tế có hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ, được UBND Tỉnh cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước thì chỉ được hưởng chế độ khuyến khích theo quy định tại điểm 2.1 Điều 5 quy định này.

3- Đối với tàu, thuyền khai thác hải sản nghề chà của Ngư dân Bình Thuận, có đặt cội chà theo đúng qui hoạch của Ngành Thủy sản, được Sở Thủy sản xác nhận thì năm 2004 tiếp tục lập bộ để tính thuế Tài nguyên, thuế Thu nhập doanh nghiệp bằng 70% mức doanh thu ấn định cả năm so với các tàu, thuyền có cùng nhóm mã lực nhưng hoạt động khai thác hải sản theo các ngành, nghề khác.

4- Miễn thu thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Tài nguyên đối với nhóm thuyền có công suất từ 02 cv đến 13 cv và miễn thuế Thu nhập doanh nghiệp nhóm thuyền từ 14cv đến 19cv của Ngư dân Bình Thuận có hoạt động khai thác hải sản kể từ năm 2004 trở đi .

5- Đối với các tàu, thuyền khai thác hải sản của ngư dân tỉnh Bình Thuận nếu hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế Nghề cá trong năm (kể cả nợ năm trước chuyển sang - nếu có) trước thời hạn, thì Uỷ ban Nhân dân Huyện, Thành phố xem xét trình Hội đồng Nhân dân các Huyện, Thành phố quyết định trích từ nguồn thu thuế Nghề cá để chi hỗ trợ tái đầu tư năng lực đánh bắt cho từng đơn vị thuyền, nhưng không được vượt quá tỷ lệ như sau:

+ Hoàn thành trong tháng 4 : 20%

+ Hoàn thành trong tháng 5 : 15%

+ Hoàn thành trong tháng 6 : 10%

+ Hoàn thành trong tháng 7 : 05%

Mức chi hỗ trợ được tính trên số thuế Tài nguyên và thuế Thu nhập doanh nghiệp lập bộ trong năm, không tính trên thuế Môn bài và số thuế nợ đọng các năm trước chuyển sang .

Trường hợp Chủ tàu, thuyền còn nợ thuế các năm trước vì hoàn cảnh kinh tế gia đình thực sự khó khăn không đủ điều kiện nộp nợ thuế một lần, nhưng có nguyện vọng nộp hoàn thành thuế Nghề cá lập bộ trong năm thì UBND Tỉnh cho phép ngành thuế xem xét tuỳ theo từng trường hợp cụ thể cho khoanh - dãn nợ để nộp dần; số thuế nộp hoàn thành trước thời hạn vẫn được xét chi hỗ trợ tái đầu tư theo điểm 5, Điều 5 của quy định này .

Các tàu, thuyền đã hoàn thành thuế cả năm được chi hỗ trợ tái đầu tư, nếu trong năm chủ tàu, thuyền đầu tư máy mới có công suất lớn hơn máy cũ thì được miễn tính thuế Nghề cá bổ sung cho phần công suất máy tăng thêm của năm đó mà chỉ tính lập bộ trong năm kế tiếp .

6- Các tàu, thuyền bị thiệt hại do thiên tai, tai nạn bất ngờ làm hư hỏng nặng phải ngừng hoạt động khai thác thì được miễn nộp thuế Nghề cá lập bộ trong khoảng thời gian ngừng hoạt động khai thác theo mức thuế phân bổ hàng tháng; đồng thời được xem xét miễn, giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp từ tháng bắt đầu hoạt động khai thác lại theo Quyết định số 08/2000/QĐ-TTg, ngày 17/01/2000 của Thủ tướng Chính phủ.

- Trường hợp tàu, thuyền đã nộp hoàn thành thuế cả năm nhưng sau đó bị thiệt hại do thiên tai, tai nạn bất ngờ trong thời gian tính thuế thì vẫn được xem xét miễn, giảm thuế theo quy định trên và xử lý tiền thuế như sau :

+ Nếu chuyển số thuế được giảm của năm này thành số tiền thuế nộp trước cho năm sau, thì được hưởng nguyên mức chi hỗ trợ tái đầu tư .

+ Nếu chủ tàu, thuyền có yêu cầu thoái trả lại số tiền thuế được giảm ngay trong năm, thì chỉ được thoái trả lại số tiền thuế giảm theo tỷ lệ mà chủ thuyền thực tế đã nộp vào ngân sách .

7- Đối với trường hợp tàu, thuyền ngưng hoạt động do Chủ thuyền làm ăn thua lỗ, phá sản giải bản phải ngưng hoạt động bỏ bờ chờ bán, sang nhượng thuyền, thì Chủ thuyền phải khai báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý. Cơ quan thuế tiến hành kiểm tra đúng thực tế thì cho ngưng lập bộ tính thuế.

Giao trách nhiệm Cục trưởng Cục thuế Tỉnh căn cứ các Luật thuế và Quy định này để xem xét thực hiện việc khuyến khích và miễn, giảm thuế Nghề cá cho Ngư dân Bình Thuận.

Điều 6: Trường hợp Chủ tàu- thuyền nợ thuế Nghề cá do làm ăn thua lỗ, phá sản hoặc hoàn cảnh kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn; giao Cục trưởng Cục thuế Tỉnh xem xét phân loại để thu nợ thuế hoặc thực hiện việc miễn, giảm nợ thuế Nghề cá theo đúng quy định của Luật thuế .

Điều 7: Quy định đối với tàu, thuyền di chuyển ngư trường.

1- Đối với các trường hợp tàu, thuyền của tỉnh Bình Thuận di chuyển đến ngư trường khác ngoài Tỉnh, Chủ thuyền phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế theo mức thuế quy định tại cơ quan Thuế nơi đăng ký thuế Nghề cá trước khi di chuyển đến ngư trường khác. Đồng thời khi đến ngư trường mới phải đăng ký, kê khai nộp thuế Tài nguyên tại địa phương nơi di chuyển đến. Thuế Nghề cá tỉnh Bình Thuận chỉ tính thu theo vụ chính trong năm tại ngư trường Bình Thuận, nên đối với tất cả tàu, thuyền của Ngư dân Bình Thuận di chuyển ngư trường ra ngoài Tỉnh không được phép khấu trừ hoặc thoái thu thuế Tài nguyên đã nộp tại các địa phương khác .

2- Đối với các trường hợp tàu, thuyền ở các Tỉnh khác đến ngư trường Bình Thuận để hoạt động khai thác hải sản, phải thực hiện đăng ký và kê khai nộp đầy đủ thuế Tài nguyên tại cơ quan thuế huyện, thành phố nơi đăng ký đến theo giá trị sản lượng hải sản thực tế khai thác, nhưng thấp nhất phải bằng mức thuế Tài nguyên được quy định tại quy định này .

Điều 8 : Chế độ trích, chi phí, khen thưởng cho lực lượng thu thuế .

Toàn bộ số tiền thu được về thuế Nghề cá bao gồm : thuế Môn bài, thuế Tài nguyên và thuế Thu nhập doanh nghiệp phải phản ánh kịp thời 100% vào ngân sách Nhà nước theo đúng quy định của Pháp luật .

Uỷ ban Nhân dân các Huyện, Thành phố xem xét trình Hội đồng Nhân dân các Huyện, Thành phố quyết định mức trích tối đa không quá 10% tính trên số thuế Nghề cá thực nộp vào ngân sách Nhà nước Huyện, Thành phố để bổ sung chi phí hành thu, trả lương cho Nhân viên hợp đồng thu thuế và khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện công tác quản lý thu thuế Nghề cá trên toàn Tỉnh để Phòng Tài chính Huyện, Thành phố ghi cân đối ngân sách hàng năm và căn cứ vào kết qủa thu nộp ngân sách, hàng tháng làm thủ tục cấp phát hỗ trợ kinh phí theo đúng quy định nói trên; đồng thời, theo dõi hướng dẫn, kiểm tra giám sát chặt chẽ việc hạch toán chi tiêu và quyết toán theo đúng chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước .

Điều 9 : Xử lý vi phạm .

Mọi trường hợp vi phạm thuế Nghề cá đều bị xử lý theo đúng quy định của Pháp luật về thuế Môn bài, thuế Thu nhập doanh nghiệp và thuế Tài nguyên (sửa đổi), cụ thể:

1- Các chủ Tàu, Thuyền nộp chậm tiền thuế hay tiền phạt ghi trong thông báo thuế, lệnh thu thuế hoặc quyết định xử phạt, thì ngoài việc nộp đủ số thuế Nghề cá hoặc tiền phạt theo Luật định, mỗi ngày nộp chậm còn phải nộp phạt bằng 0,1% (không phẩy một phần trăm) trên số tiền nộp chậm .

2- Nếu chủ Tàu, Thuyền không nộp thuế, nộp phạt theo thông báo hoặc quyết định xử lý về thuế thì bị xử lý như sau :

a- Trích tiền gởi của đối tượng nộp thuế tại Ngân hàng, Kho bạc, Tổ chức tín dụng để nộp thuế, nộp phạt .

b- Giữ hàng hóa, tang vật để đảm bảo thu đủ số tiền thuế, số tiền phạt .

c- Kê biên tài sản theo quy định của Pháp luật để bảo đảm thu đủ số tiền thuế, số tiền phạt còn thiếu .

Điều 10 : Tổ chức thực hiện .

- Giao trách nhiệm cho Cục trưởng Cục Thuế Tỉnh chỉ đạo lập và duyệt bộ thuế Nghề cá; đồng thời phối hợp cùng với các Sở, Ngành triển khai thực hiện quy định này .

- Giám đốc Sở Thủy sản chỉ đạo Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tỉnh kết hợp với công tác chuyên môn của Ngành để kiểm tra đôn đốc việc nộp thuế Nghề cá của các chủ thuyền .

- Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh chỉ đạo lực lượng Biên phòng vùng biển trên địa bàn Tỉnh phối hợp với cơ quan thuế trong việc kiểm tra đôn đốc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế Nghề cá của các chủ thuyền .

- Chủ tịch UBND Huyện, Thành phố vùng biển chỉ đạo chặt chẽ các Chi cục thuế, các Ban, Ngành liên quan và Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trực thuộc trong việc tổ chức, quản lý, hành thu thuế Nghề cá trên địa bàn .

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các Ngành, các Huyện, Thành phố phản ánh trực tiếp về Cục thuế Tỉnh để theo dõi, tổng hợp tham mưu trình UBND Tỉnh xem xét, giải quyết ./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 89/2003/QĐ-UBBT về chế độ quản lý thu thuế đối với các loại thuyền, nghề hoạt động khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2004

  • Số hiệu: 89/2003/QĐ-UBBT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/12/2003
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Huỳnh Tấn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 19/01/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản