Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 88-CP

Hà Nội, ngày 25 tháng 04 năm 1978 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ MỨC TIỀN MẶT ĐƯỢC ĐỔI NGAY KHI THU ĐỔI TIỀN TRONG CẢ NƯỚC

Tiếp theo Quyết định số 87-CP ngày 25/4/1978 về việc thống nhất tiền tệ trong cả nước, phát hành tiền Ngân hàng mới, thu đổi tiền Ngân hàng cũ, Hội đồng Chính phủ quyết định mức tiền được thu đổi ngay khi thu đổi tiền như sau:

1. Đối với nhân dân thành thị:

a) Mỗi hộ độc thân được đổi ngay mức tối đa là 100 đồng Ngân hàng mới;

b) Mỗi hộ gia đình có hai nhân khẩu được đổi ngay mức tối đa là 200 đồng Ngân hàng mới;

c) Mỗi hộ gia đình có ba nhân khẩu trở lên được đổi thêm mỗi nhân khẩu 50 đồng Ngân hàng mới, nhưng mức đổi ngay cho hộ có nhiều nhân khẩu nhất không quá 500 đồng Ngân hàng mới;

2. Đối với nhân dân nông thôn:

a) Mỗi hộ độc thân được đổi ngay mức tối đa là 50 đồng Ngân hàng mới;

b) Mỗi hộ gia đình có hai nhân khẩu được đổi ngay mức tối đa là 100 đồng Ngân hàng mới;

c) Mỗi hộ gia đình có ba nhân khẩu trở lên được đổi thêm mỗi nhân khẩu 30 đồng Ngân hàng mới, nhưng mức đổi ngay cho hộ có nhiều nhân khẩu nhất không quá 300 đồng Ngân hàng mới;

3. Đối với những người trong hộ tập thể: như bộ đội, công an vũ trang, công nhân viên chức, sinh viên… mỗi nhân khẩu được đổi ngay mức tối đa là 100 đồng Ngân hàng mới.

Các mức trên đây là mức đảm bảo ngay sinh hoạt bình thường của nhân dân khi thu đổi tiền tập trung. Số tiền còn lại được ghi là tiền thu đổi gửi tại Ngân hàng; sau đó sẽ được xét chuyển sang tiền gửi tiết kiệm hoặc tiền gửi Ngân hàng. Người có tiền được rút ra cho sinh hoạt hoặc sản xuất theo thể thức quy định.

4. Đối với khách vãng lai:

a) Khách vãng lai giữa hai miền Nam Bắc được đổi ngay mức tối đa là 100 đồng Ngân hàng mới. Số tiền còn lại trên mức đó nộp cho bàn đổi tiền, lấy biên lai đem về Ngân hàng địa phương mình cư trú xét và giải quyết theo quy định chung.

b) Những khách vãng lai khác được đổi ngay mức tối đa là 50 đồng Ngân hàng mới. Số tiền còn lại nộp cho bàn đổi tiền nơi kê khai,  lấy biên lai đem về Ngân hàng địa phương mình cư trú xét và giải quyết theo quy định chung.

5. Đối với ngoại kiều:

a) Những ngoại kiều cư trú tại Việt Nam được hưởng quy chế như đối với người Việt Nam;

b) Những ngoại kiều không cư trú tại Việt Nam được đổi ngay tất cả số tiền mặt mà họ có theo nguồn gốc số tiền đã thực lĩnh tại Ngân hàng ngoại thương Việt Nam.

6. Đối với tồn quỹ tiền mặt tại cơ quan, đoàn thể, đơn vị bộ đội, các tổ chức kinh tế, xã hội và tôn giáo (gọi tắt là đơn vị).

a) Những đơn vị đã mở tài khoản và chịu sự quản lý tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước được đổi ngay số tiền mặt thực tế theo sổ quỹ, nhưng không được vượt quá mức tồn quỹ mà Ngân hàng Nhà nước đã quy định. Đối với một số đơn vị mà Ngân hàng Nhà nước chưa quy định mức tồn quỹ thì mức đổi ngay không quá 1000 đồng Ngân hàng mới;

b) Những đơn vị chưa mở tài khoản tại Ngân hàng được đổi ngay số tiền mặt thực tế theo sổ quỹ, mức tối đa không quá 500 đồng Ngân hàng mới.

Số tiền mặt tồn quỹ vượt mức đổi ngay được cấp biên lai để chuyển vào tài khoản đã mở hoặc sẽ mở tại Ngân hàng Nhà nước và được rút ra cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh hoặc công tác…theo chế độ quản lý tiền mặt và chế độ thanh toán không dùng tiền mặt của Nhà nước.

7. Tiền tồn quỹ của các ngoại giao đoàn hoặc những người hay cơ quan được hưởng quy chế ngoại giao được xét đổi theo mức đã thực tế lĩnh tại Ngân hàng ngoại thương Việt Nam.

8. Những người hiện ở miền Nam có tiền Ngân hàng cũ miền Bắc và những người hiện ở miền Bắc có tiền Ngân hàng cũ miền Nam phải kê khai cụ thể, nộp số tiền ấy cho bàn đổi tiền, lấy biên nhận, và sau thời gian thu đổi sẽ được xét giải quyết như sau:

a) Nếu là số tiền có đủ chứng minh nguồn thu nhập chính đáng như tiền của cán bộ đi công tác, đi phép chưa chi hoặc chi không hết, của nhân dân đi lại giữa hai miền, nhân dân đi vùng kinh tế mới mang theo tiền miền Bắc…thì được gộp chung vào số tiền của hộ ấy để xét cho đổi thêm bằng tiền mặt hoặc chuyển thêm vào tiền gửi thu đổi tại Ngân hàng theo mức đã quy định;

b) Nếu là số tiền do đầu cơ, buôn tiền, hoặc do thu nhập phi pháp khác, hoặc không có lý do chính đáng thì số tiền đó coi như mất hết giá trị.

9. Việc xét để chuyển tiền thu đổi gửi tại Ngân hàng sang tiền gửi tiết kiệm hoặc tiền gửi Ngân hàng được quy định như sau:

a) Nhân dân lao động có số tiền mặt trên mức được đổi có đủ chứng minh do lao động làm ra hoặc do nguồn thu nhập chính đáng, thì được chuyển sang tiền gửi tiết kiệm và được rút ra dễ dàng theo yêu cầu của người có tiền;

b) Số tiền mặt trên mức được đổi ngay của các hộ kinh doanh công thương nghiệp được chuyển sang tiền gửi Ngân hàng và được rút ra theo yêu cầu sản xuất, kinh doanh theo phương hướng kế hoạch Nhà nước, nếu được Ủy ban nhân dân xã, phường chứng nhận. Ủy ban nhân dân cấp huyện, quận hoặc tương đương phê chuẩn. Trường hợp nếu có người xin rút tiền cho nhu cầu sinh hoạt thì phải xét từng lần và căn cứ vào các nguồn thu nhập khác của họ để xét;

c) Tất cả số tiền mặt do đầu cơ, buôn lậu, nhận tiền phân tán và do các nguồn thu nhập khác không chính đáng mà có đều bị tịch thu.

10. Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố hướng dẫn các huyện, quận hoặc tương đương thành lập Hội đồng gồm có đại diện của các cơ quan tài chính, ngân hàng và công an để xét và kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các điểm 8 và 9 nói trên.

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 88-CP năm 1978 về mức tiền mặt được đổi ngay khi thu đổi tiền trong cả nước do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 88-CP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/04/1978
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản