Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 87-CP

Hà Nội, ngày 25 tháng 04 năm 1978 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THỐNG NHẤT TIỀN TỆ TRONG CẢ NƯỚC, PHÁT HÀNH TIỀN NGÂN HÀNG MỚI, THU HỒI TIỀN NGÂN HÀNG CŨ Ở MIỀN BẮC VÀ MIỀN NAM

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Nước nhà đã thống nhất, công cuộc cải tạo và xây dựng kinh tế và văn hóa, xã hội ở các tỉnh miền Nam theo chủ nghĩa xã hội đã đạt được những thành tựu quan trọng, tạo điều kiện cho việc thống nhất tiền tệ trong cả nước;
Để xây dựng một hệ thống tiền tệ thống nhất và ổn định của cả nước làm công cụ có hiệu lực cho việc tổ chức lại sản xuất, tổ chức đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, thúc đẩy công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Nam và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đưa cả nước tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa theo đường lối của Đại hội lần thứ IV của Đảng cộng sản Việt Nam;

QUYẾT ĐỊNH:

1. Để thống nhất tiền tệ trong cả nước, cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành trên toàn lãnh thổ các loại tiền mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thu hồi các loại tiền Ngân hàng cũ ở cả hai miền.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo đặc điểm các loại tiền Ngân hàng mới để nhân dân biết.

2. Tiền Ngân hàng cũ hiện đang lưu hành ở hai miền Nam, Bắc đổi lấy tiền Ngân hàng mới quy định như sau:

- 1 đồng Ngân hàng cũ miền Bắc bằng 1 đồng Ngân hàng mới.

- 0,80 đồng Ngân hàng cũ miền Nam bằng 1 đồng Ngân hàng mới.

Tiền Ngân hàng cũ từ 1 đồng trở lên không kê khai để thu đổi trong thời hạn quy định sẽ không còn giá trị.

Các loại tiền Ngân hàng cũ từ 0,50 đồng trở xuống được tiếp tục lưu hành theo giá trị ghi trên đồng tiền để tiện lợi cho nhân dân trong việc mua bán bằng tiền lẻ, tiện lợi cho việc thu đổi tiền được nhanh, gọn.

3. Những người hiện ở miền Nam có tiền Ngân hàng cũ ở miền Bắc và những người hiện ở miền Bắc có tiền Ngân hàng cũ miền Nam phải kê khai cụ thể, nộp số tiền ấy cho bàn đổi, lấy biên nhận và sau đợt thu đổi sẽ được xét giải quyết theo quy định của Chính phủ.

4. Việc kê khai tiền cũ để đổi lấy tiền mới được tiến hành trong sáu tiếng đồng hồ: từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa.

Toàn thể nhân dân và tất cả các cơ quan Nhà nước, xí nghiệp, đơn vị bộ đội, tổ chức tập thể, tổ chức xã hội, tôn giáo….các đoàn ngoại giao, phải kê khai tất cả số tiền mặt của mình để đổi lấy tiền mới ở bàn đổi tiền.

5. Sau khi kê khai xong, việc thu đổi tiền trên toàn lãnh thổ Việt Nam được tiến hành trong phạm vi ba ngày. Những vùng xa xôi hẻo lánh được Ban thu đổi trung ương ấn định có thể đến năm ngày.

6. Việc đổi tiền Ngân hàng cũ lấy tiền Ngân hàng mới được tiến hành ở các bàn đổi tiền do Ban thu đổi trung ương quy định trong toàn quốc.

Mức tiền mặt được đổi ngay để bảo đảm sinh họat của mỗi cá nhân và mỗi hộ được quy định và công bố vào lúc bắt đầu đổi tiền. Số tiền còn lại trên mức đổi ngay được ghi là tiền thu đổi gửi tại Ngân hàng và sẽ được chuyển sang tiền gửi tiết kiệm hoặc tiền gửi Ngân hàng.

Số tiền ghi vào sổ tiết kiệm được rút ra dễ dàng theo yêu cầu của người gửi tiền.

Số tiền được ghi là tiền gửi Ngân hàng được phép rút ra cho nhu cầu sinh hoạt hoặc sản xuất, kinh doanh theo chủ trương, chính sách chung của Chính phủ và kế hoạch Nhà nước.

Các loại tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi Ngân hàng đều được hưởng lợi tức theo quy định

Các khoản tiền tiết kiệm và tiền gửi Ngân hàng sẽ trả qua hệ thống Ngân hàng Nhà nước.

7. Mức tồn quỹ bằng tiền mặt cần thiết được đổi ngay cho các xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể, đơn vị hành chính sự nghiệp, các lực lượng vũ trang và công an…không được vượt quá mức do Ngân hàng Nhà nước quy định

8. Các số dư tiền gửi tiết kiệm, số dư các tài khoản tiền gửi Ngân hàng, các tài khoản vốn của các xí nghiệp và hợp tác xã, tiền lương, tiền hưu bổng, các khoản phụ cấp, trợ cấp của Nhà nước…..giá chỉ đạo của Nhà nước (mua và bán), giá trao đổi trong nhân dân đã được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn và cho niêm yết.v….sẽ căn cứ theo tỷ lệ ấn định giữa đồng tiền Ngân hàng cũ ở mỗi miền với đồng tiền Ngân hàng mới để tính lại theo giá trị tiền mới.

9. Mỗi hộ, mỗi người có tiền được kê khai hết số tiền của mình và chỉ kê khai một lần và được đổi theo các mức quy định. Nghiêm cấm mọi hành động phân tán tiền, nhận tiền phân tán của người khác và các hành động lợi dụng, gian lận khác trong quá trình tiến hành thu đổi. Ai vi phạm (kể cả cán bộ, nhân viên Nhà nước làm công tác kê khai và thu đổi) sẽ bị xử lý theo luật pháp của Nhà nước.

10. Nghiêm cấm mọi hành động đầu cơ, nâng giá  hàng, phao tin đồn nhảm, phá hoại tiền tệ của Nhà nước.

11. Mọi khiếu nại, sau khi đã hết thời hạn kê khai và thu đổi, giao Ngân hàng Nhà nước xét và giải quyết theo quy định của Nhà nước.

12. Hội đồng Chính phủ thành lập Ban thu đổi tiền ở trung ương để giúp Hội đồng Chính phủ chỉ đạo công tác thu đổi trong cả nước, và Ban thu đổi tiền ở các tỉnh, thành, huyện, quận, xã, phường để giúp Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức việc kê khai và thu đổi tiền theo đúng chủ trương, chính sách và các quy định cụ thể của Nhà nước.

Hội đồng Chính phủ kêu gọi toàn thể nhân dân phát huy quyền làm chủ tập thể của mình, chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách, thời gian quy định và các thủ tục kê khai và thu đổi tiền, tôn trọng tổ chức và kỷ luật, góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi công tác thu đổi tiền và củng cố hệ thống tiền tệ thống nhất của cả nước, ra sức phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước 1976-1980 trước mắt là kế hoạch Nhà nước năm 1978.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 87-CP năm 1978 về việc thống nhất tiền tệ trong cả nước, phát hành tiền ngân hàng mới, thu hồi tiền ngân hàng cũ ở miền Bắc và miền Nam do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 87-CP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/04/1978
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản