Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 095-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 1959

NGHỊ ĐỊNH

CHO PHÉP NGÂN HÀNG QUỐC GIA PHÁT HÀNH TIỀN MỚI, THAY ĐỔI TIỀN ĐANG LƯU HÀNH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Trên cơ sở những thắng lợi to lớn về các mặt đã đạt được trong thời kỳ khôi phục kinh tế và trong năm đầu thực hiện kế hoạch 3 năm;
Xét thấy nền kinh tế quốc dân ở miền Bắc Việt Nam hiện nay đã căn bản ổn định và đương phát triển;
Xét thấy cần thiết phải thay đổi đơn vị tiền tệ để nâng cao giá trị đồng tiền, làm yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế đẩy mạnh sản xuất, mở rộng giao lưu hàng hóa, cải thiện đời sống nhân dân, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, đề cao hơn nữa tính chất ưu việt của chế độ ta;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ và sắc lệnh số 015/SL ngày 27 tháng 02 năm 1959 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Ngân hàng quốc gia Việt Nam được phép phát hành tiền mới thay đổi tiền đang lưu hành.

Những loại tiền mới gồm có:

- Các loại giấy bạc 10 đồng, 5 đồng, 2 đồng, 1 đồng, 5 hào, 2 hào, 1 hào.

- Các loại tiền 5 xu, 2 xu, 1 xu bằng kim khí hay bằng giấy.

Tổng giám đốc Ngân hàng quốc gia Việt Nam sẽ ra nghị định phát hành từng loại tiền mới (giấy bạc và tiền kim khí). Nghị định ấy sẽ ghi rõ những đặc điểm của từng loại tiền như kích thước, hình vẽ, màu sắc, v.v…

Điều 2. – Đơn vị tiền tệ thay đổi theo tỷ lệ một đồng tiền mới ăn một nghìn đồng tiền cũ, nhưng giá trị hàng hóa không thay đổi, nghĩa là một đồng tiền mới vẫn mua được số hàng giá trị bằng một nghìn đồng tiền cũ.

Điều 3. – Các giấy bạc Ngân hàng đang lưu hành gồm các loại 5.000 đ, 1.000 đ, 500 đ và 200 đ được Ngân hàng quốc gia Việt Nam thu đổi theo tỷ lệ nhất luật là một đồng tiền mới ăn một nghìn đồng tiền cũ, không phân biệt các tầng lớp nhân dân có nhiều tiền hay có ít tiền, không phân biệt là tiền mặt hay tiền gửi ở Ngân hàng.

Các loại giấy bạc Ngân hàng cũ 100 đ, 50 đ, 20 đ và 10 đ được để lại lưu hành song song với tiền mới làm tiền hào và xu, và thành giấy bạc 1 hào, 5 xu, 2 xu và 1 xu.

Điều 4. – Việc thu đổi phải nhằm phương châm: nhanh, gọn, tốt, để thuận tiện cho việc làm ăn của nhân dân và cho việc ổn định thị trường.

Điều 5. – Để khỏi ảnh hưởng đến lưu thông tiền tệ trên thị trường và sinh hoạt của nhân dân, nhưng đồng thời phải ngăn chặn được những hành động đầu cơ, tung tiền tích trữ hàng hóa, các loại giấy bạc Ngân hàng cũ 5.000 đ, 1.000 đ, 500 đ và 200 đ được song song lưu hành với tiền Ngân hàng mới trong một thời gian rất ngắn. Sau khi đình chỉ lưu hành, sẽ tiếp tục thu đổi hết trong thời gian do chính quyền và Ban thu đổi địa phương quy định tùy theo tình hình cụ thể của địa phương, nhưng không được quá 3 ngày ở thành thị, 7 ngày ở nông thôn và 20 ngày ở miền xa xôi.

Kể từ ngày đình chỉ lưu hành, các loại giấy bạc Ngân hàng cũ 5.000 đ, 1.000 đ, 500 đ và 200 đ không có giá trị tiêu dùng trên thị trường nữa, và chỉ có thể đem đổi lấy tiền Ngân hàng mới tại các Bàn đổi tiền.

Điều 6. – Ngân hàng quốc gia Việt Nam được ủy nhiệm tổ chức việc thu đổi giấy bạc Ngân hàng cũ đang lưu hành.

Để lãnh đạo công tác thu đổi được chặt chẽ và giúp Ngân hàng quốc gia Việt Nam trong việc thu đổi giấy bạc cũ, sẽ thành lập các Ban thu đổi ở Trung ương, các thành phố, các tỉnh, các thị trấn, các huyện và các xã có điều kiện.

Thủ tướng Chính phủ và các Chủ tịch Ủy ban hành chính các cấp chính quyền địa phương sẽ định thành phần các Ban thu đổi và chỉ định những người vào các Ban đó.

Ban thu đổi Trung ương có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo công tác thu đổi trong toàn miền Bắc Việt Nam và làm việc dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ.

Các Ban thu đổi địa phương có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo công tác thu đổi trong địa phương mình phụ trách, và làm việc dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban Hành chính cấp mình và của Ban thu đổi cấp trên.

Ủy ban Hành chính các cấp có trách nhiệm huy động và bố trí lực lượng giúp Ban thu đổi tiến hành việc thu đổi nhanh, gọn và tốt.

Điều 7. – Việc thu đổi giấy bạc Ngân hàng cũ cho nhân dân tiến hành ở thành thị theo hộ khẩu và ở nông thôn theo nông hộ, trừ những trường hợp đặc biệt nói ở điều 10 của nghị định này.

Ở thành thị, mỗi hộ khẩu cho người mang sổ hộ khẩu và tất cả tiền mặt của mình có đến Bàn đổi tiền ở khu phố mình ở để đổi lấy tiền Ngân hàng mới.

Ở nông thôn, các Bàn đổi tiền ở xã tiến hành việc thu đổi theo các nông hộ.

Mỗi hộ cũng như cá nhân, ai có bao nhiêu tiền mặt bằng giấy bạc 5.000 đ, 1.000 đ, 500 đ, 200 đ đều phải kê khai và đem đổi hết.

Điều 8. – Mỗi hộ chỉ được đổi tiền của mình và không được nhận tiền của hộ khác để đổi thay. Ai làm trái điều này coi là phạm pháp và sẽ bị xử lý tùy theo trường hợp nặng nhẹ đối với người nhờ đổi cũng như người đổi thay.

Nhân dân có nhiệm vụ theo dõi và báo cáo chính quyền địa phương biết những sự thông đồng đổi tiền thay cho nhau.

Điều 9. ­– Để thu đổi được nhanh và gọn, mỗi hộ được đổi ngay bằng tiền mặt đến mức 2 triệu đồng tiền Ngân hàng cũ, số tiền còn lại thì trả bằng séc Ngân hàng.

Việc sử dụng séc sẽ quy định trong một chỉ thị riêng.

Điều này không áp dụng đối với các trường hợp nói ở điều 10, 12 và 13 dưới đây.

Điều 10. – Các cá nhân và gia đình cán bộ, nhân viên trong các đơn vị bộ đội, các hộ tập thể của cơ quan, đoàn thể, xí nghiệp, nông trường quốc doanh, công trường xây dựng của Nhà nước, các cán bộ, nhân viên ở cơ quan, đoàn thể, xí nghiệp, v.v… tham gia lao động tại các công trường xây dựng của Nhà nước, các dân công công trường ở xa gia đình, quê quán, phải tập hợp tiền mặt của mình cho Công đoàn hoặc Ban quản trị đem đi đổi tại Chi nhánh hay Chi điếm Ngân hàng quốc gia Việt Nam. Công đoàn hay Ban quản trị phải lập danh sách ghi số tiền của mỗi cá nhân, mỗi gia đình nếu ở chung, gửi cho Ngân hàng một bản.

Đối với những người nói ở trên, có bao nhiêu tiền được đổi hết, trừ trường hợp gia đình ở riêng và ở xa thì ở đâu đổi ở đấy, và đổi theo hộ khẩu hay nông hộ theo điều 7 và điều 9.

Điều 11. – Các bạn Hoa kiều buôn bán làm ăn ở Việt Nam, ở khu phố, địa phương nào thì đổi tiền Ngân hàng cũ tài Bàn đổi tiền thiết lập ở khu phố, địa phương đó, theo như những điều quy định cho công dân Việt Nam.

Điều 12. – Các cơ quan Ngoại giao nước ngoài, cơ quan Đại diện nước Pháp, Phân ban và Tổ kiểm soát quốc tế có tổ chức và nhân viên giúp việc ở đâu thì do Bàn đổi tiền lưu động đến tận nơi thu đổi.

Các cơ quan ấy kê khai tổng số tiền mặt bằng giấy bạc Ngân hàng cũ và phân rõ:

- tiền mặt của quỹ cơ quan,

- tiền mặt của các nhân viên trong cơ quan.

Điều 13. – Các ngoại kiều không phải nhân viên giúp việc của các cơ quan, tổ chức ngoại giao cư trú ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sẽ đổi tiền tại cơ quan Ngân hàng quốc gia Việt Nam ở nơi mình cư trú. Khi đem tiền đến đổi, phải mang theo giấy phép được cư trú ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Điều này không áp dụng đối với các Phái đoàn các nước đến thăm nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Điều 14. – Những cán bộ, nhân viên đi công tác xa, không thể đổi tiền cùng với hộ khẩu gia đình hoặc hộ khẩu tập thể trước thời hạn đình chỉ lưu hành, thì được phép đến cơ quan Ngân hàng địa phương mình đến công tác để đổi tiền cũ lấy tiền mới chi dùng. Khi đổi tiền, phải xuất trình giấy tờ công tác của mình cho Ngân hàng kiểm soát.

Những cán bộ, nhân viên công tác trên các tàu biển, hoặc đi công tác ra nước ngoài trong thời gian thu đổi, được phép đổi tiền tại tổ chức Ngân hàng gần nhất ngay sau khi trở về. Khi đổi tiền, phải xuất trình giấy tờ công tác của mình cho Ngân hàng kiểm soát.

Nhân dân ở tỉnh này đến tỉnh khác trước khi bắt đầu thu đổi, có công việc cần thiết phải ở lại, không thể đổi tiền cùng hộ khẩu gia đình của mình được, thì được phép đổi tiền cũ lấy tiền mới chi dùng, nhưng phải có giấy của chính quyền khu phố hay xã chứng nhận ngày mình đến địa phương và lý do phải ở lại địa phương đó trong thời gian thu đổi.

Điều 15. – Những người đi công tác hay làm ăn xa vắng có tiền cất riêng ở nhà mà không có điều kiện lấy đổi kịp, thì phải báo cáo số tiền đó cho cơ quan chính quyền hay Ngân hàng nơi mình công tác hay làm ăn gần nhất biết rõ để cấp giấy chứng nhận. Khi trở về, phải đến ngay cơ quan Ngân hàng trình giấy chứng nhận để đổi.

Điều 16. – Những người có tiền tiết kiệm gửi ở Ngân hàng được tự do rút ra tùy theo nhu cầu chi dùng của mình. Tiền tiết kiệm rút ra không tính vào mức đổi tiền mặt nói ở điều 9.

Điều 17. ­ Trong thời gian chưa đình chỉ lưu hành các loại giấy bạc 5.000 đ, 1.000 đ, 500 đ và 200 đ, các cơ quan thu thuế, các cửa hàng bán lẻ của Mậu dịch quốc doanh, Hợp tác xã mua bán, các tổ chức du hí văn hóa (chiếu bóng, rạp hát, thể dục thể thao, hòa nhạc v.v…) của Nhà nước, các cửa hàng bán sách báo quốc doanh, các tổ chức bưu điện, vận tải đường sắt, đường ô tô, đường thủy, đường hàng không và các tổ chức khác của Nhà nước có thu nhập bằng tiền mặt, được thu nhận tiền Ngân hàng cũ, nhưng nhất thiết không được đưa ra chi dùng, phải đem toàn bộ số thu bằng tiền cũ nộp vào Ngân hàng.

Điều 18. – Kể từ ngày bắt đầu phát hành tiền Ngân hàng mới và thay đổi đơn vị tiền tệ, các sổ sách kế toán phải ghi theo đơn vị tiền mới. Các giá hàng, giá vé, giá cước phí, thuế suất v.v… đều phải ghi bằng tiền mới. Các khế ước trong nhân dân và giữa nhân dân với Nhà nước, các hợp đồng giữa các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước với nhau, giữa nhân dân với cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, hoặc giữa nhân dân với nhau, lập theo đơn vị tiền cũ đều phải chuyển sang đơn vị tiền mới.

Việc chuyển sổ sách kế toán của các cơ quan, xí nghiệp, tổ chức kinh tế sang đơn vị tiền mới, sẽ tiến hành theo cách thức quy định trong thông tư riêng của Thủ tướng phủ.

Điều 19. – Hết thời hạn thu đổi, các loại giấy bạc Ngân hàng cũ đã thu đổi phải tập trung tại các Chi nhánh Ngân hàng để kiểm kê, thống kê rồi tiêu hủy. Việc tiêu hủy sẽ do Ngân hàng quốc gia Việt Nam phụ trách và phải làm dưới sự kiểm soát của một Hội đồng do Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành, tỉnh khu tự trị quyết định thành lập, và phải lập biên bản gửi cho Ngân hàng quốc gia Việt Nam Trung ương.

Điều 20. – Mục đích, ý nghĩa và lợi ích của việc phát hành tiền mới, thay đổi đơn vị tiền tệ và thu đổi tiền cũ cần phải được toàn thể nhân dân hiểu rõ để tích cực tham gia thực hiện, đồng thời phải vận động nhân dân gửi tiền nhàn rỗi vào quỹ tiết kiệm hoặc quỹ tiền gửi ở Ngân hàng, để tăng cường vốn cho Nhà nước xây dựng và phát triển kinh tế quốc dân, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Điều 21. – Mọi hoạt động phá hoại, phản tuyên truyền gieo rắc hoài nghi trong nhân dân đều là những hành động phạm pháp, phải truy tố trước pháp luật.

Tuyệt đối cấm “đổi các”, buôn bán tiền, làm thiệt hại đến giá trị của tiền mới và tiền cũ, và gây hỗn loạn trên thị trường.

Điều 22. – Toàn thể nhân dân cần biểu thị lòng yêu nước nồng nàn và tin tưởng sâu sắc của mình đối với sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ bằng cách chấp hành triệt để mọi chủ trương, chính sách, thể lệ của Nhà nước và tích cực tham gia vào việc thu đổi tiền Ngân hàng cũ, bảo đảm trật tự, và tỉnh táo đề phòng bọn phá hoại, đấu tranh chống mọi hành động đầu cơ tích trữ, gây khó khăn cho việc ổn định thị trường, vật giá, tiền tệ, cho việc phát triển sản xuất và cho việc cải thiện đời sống nhân dân.

Đối với công tác thu đổi, nhân dân, cán bộ ai có công tố giác những kẻ hành động phạm pháp, thì chính quyền địa phương xét và cấp giấy hay bằng khen.

Điều 23. – Trong lúc thu đổi, phải tăng cường quản lý thị trường và ổn định vật giá, ngăn chặn những hoạt động đầu cơ tích trữ, và chuẩn bị đầy đủ hàng hóa để cung ứng kịp thời cho nhân dân, đồng thời đảm bảo trật tự cho công tác phát hành tiền mới, thu đổi tiền cũ.

Điều 24. – Ngân hàng quốc gia Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Nội thương, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Công tố, Tòa án tối cao, Bộ Văn hóa và các Ủy ban hành chính các cấp chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 095-TTg năm 1959 về việc cho phép Ngân hàng quốc gia phát hành tiền mới, thay đổi tiền đang lưu hành do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 095-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 27/02/1959
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản