Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 84/2016/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 15 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THỦY SẢN ĐẦM PHÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản và Nghị định số 14/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển;

Căn cứ Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hướng dẫn thi hành Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;

Căn cứ Thông tư số 62/2008/TT-BNN ngày 20 tháng 5 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Quản lý hoạt động khai thác thủy sản đầm phá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 12 năm 2016, thay thế cho Quyết định số 4260/2005/QĐ-UBND ngày 19 tháng 12 năm 2005 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Quyết định số 62/2016/QĐ-UBND ngày 20 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý khai thác thủy sản đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế; Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phương

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THỦY SẢN ĐẦM PHÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 84/2016/QĐ-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định về quản lý hoạt động khai thác thủy sản đầm phá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản và các cơ quan có liên quan đến quản lý khai thác thủy sản đầm phá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý:

1. Quản lý khai thác thủy sản đầm phá trên nguyên tắc thực hiện nghề khai thác thủy sản có trách nhiệm, nhằm bảo đảm phát triển bền vững.

2. Quản lý khai thác thủy sản gắn liền với bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản, nâng cao thu nhập người dân, cộng đồng ngư dân đầm phá.

3. Phát huy dân chủ cơ sở, giảm chi phí quản lý nghề cá ven bờ, đầm phá; Nhà nước khuyến khích việc quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng. Các cá nhân, hộ gia đình tham gia khai thác thủy sản đầm phá tập hợp trong các tổ chức ngư dân cấp cơ sở thôn, tổ; hoặc liên thôn, tổ, xã, thị trấn… Nhà nước giao một số hoạt động thực hiện nhiệm vụ quản lý khai thác thủy sản đầm phá, mang tính nội bộ cộng đồng cho tổ chức ngư dân cấp cơ sở.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh nghiêm cấm việc tự do phát triển khai thác thủy sản đầm phá và các hành vi gây tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp đến nguồn lợi thủy sản hoặc môi trường sống của chúng.

5. Bố trí các ngư cụ khai thác thủy sản đầm phá phải tránh các Khu Bảo vệ thủy sản, vùng lõi Khu Bảo tồn đất ngập nước, các luồng tuyến giao thông đường thủy nội địa đã quy định, bao gồm cả hành lang bảo vệ luồng, các khu neo đậu, quay trở tàu thuyền. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông cập nhật và thể hiện trong các Bản đồ để thông báo rộng rãi cho nhân dân biết thực hiện.

Điều 3. Giải thích từ ngữ:

1. Khai thác thủy sản đầm phá được hiểu là khai thác động vật thủy sinh và thực vật thủy sinh tại thủy vực đầm phá.

2. Ngư cụ cố định là ngư cụ có kết cấu gắn liền với nền đáy trong suốt mùa khai thác thủy sản. Ngư cụ cố định ở đầm phá Thừa Thiên Huế gồm: nò sáo, đáy, rớ giàn, lưới dạy và chuôm.

3. Ngư cụ di động là ngư cụ không kết cấu gắn liền nền đáy, di động trong một chu kỳ khai thác và trong các lần khai thác khác nhau.

4. Khu Bảo vệ thủy sản là khu vực cấm khai thác thủy sản quanh năm.

5. Vùng lõi của Khu Bảo tồn đất ngập nước khi được chính thức thành lập cũng là khu vực cấm khai thác thủy sản quanh năm.

Chương II

QUẢN LÝ NĂNG LỰC KHAI THÁC

Điều 4. Chi cục Thủy sản cấp Giấy phép khai thác thủy sản cho các tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản trên đầm phá.

Khai thác thủy sản bằng tàu thuyền trọng tải dưới 0,5 tấn và khai thác thủy sản không sử dụng ghe thuyền không cần phải xin phép.

Cụ thể: Nghề cá thể thao, giải trí và một số nghề khai thác thủy sản nhỏ được tự do sử dụng trên đầm phá tỉnh như: câu tay các loại, nơm, dậm, xúc vợt, chài quăng, câu giăng và rê bén có chiều dài dưới 50 m, các loại lờ, lợp, đẽo hầu, cào ngao, bắt cua, bắt ốc, nạo hến bằng tay,... Hoạt động của các nghề này không được phép gây ảnh hưởng đến các loại ngư cụ do tổ chức, cá nhân đã đăng ký, được cấp phép.

Điều 5. Quyền của tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác thủy sản:

1. Khai thác thủy sản theo nội dung ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản;

2. Được cơ quan chuyên môn thông báo kịp thời về tình hình diễn biến thời tiết; được thông báo về nguồn lợi thủy sản, thông tin về hoạt động thủy sản, thị trường thủy sản và hướng dẫn về kỹ thuật khai thác thủy sản;

3. Được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp do thành quả lao động và kết quả đầu tư trong khai thác thủy sản;

4. Có các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác thủy sản:

1. Thực hiện các quy định ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản;

2. Nộp thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;

3. Đánh dấu ngư cụ đang được sử dụng tại ngư trường bằng dấu hiệu dễ nhận biết theo quy định của cơ quan quản lý thủy sản;

4. Tuân thủ việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng, cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

5. Phải cứu nạn khi gặp người, tàu thuyền bị nạn;

6. Tuân theo các quy định về quản lý vùng khai thác, bảo vệ trật tự, an ninh trên địa bàn khai thác;

7. Phát hiện, tố giác, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản;

8. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật;

9. Trách nhiệm ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật thủy sản, trách nhiệm bảo vệ ngư trường, phát triển nguồn lợi thủy sản, trách nhiệm bảo đảm tuyến luồng giao thông đường thủy, trách nhiệm phòng chống suy thoái môi trường vùng nước.

Điều 7. Nội dung chủ yếu của Giấy phép khai thác thủy sản bao gồm:

1. Nghề khai thác, ngư cụ khai thác;

2. Vùng, tuyến được phép khai thác;

3. Thời gian hoạt động khai thác;

4. Thời hạn của Giấy phép;

5. Các nội dung cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Ngư dân sử dụng các ngư cụ cố định chỉ được bố trí đánh bắt trên vùng nước của địa phương mình được cấp phép và phải dành hành lang cho các loài thủy sản di chuyển theo quy hoạch được duyệt. Ngư dân sử dụng ngư cụ di động có thể khai thác các vùng mặt nước liền kề nhưng không làm ảnh hưởng đến các ngư cụ cố định của tổ chức, cá nhân được cấp phép.

Điều 9. Giấy phép khai thác thủy sản được cấp hàng năm

Giấy phép được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn không quá 12 tháng.

Điều 10. Thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản

Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản bị thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản trong trường hợp sau đây:

1. Không còn đủ điều kiện được cấp Giấy phép khai thác thủy sản theo quy định của pháp luật;

2. Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động thủy sản ba lần trong thời hạn của Giấy phép khai thác thủy sản;

3. Tẩy xoá, sửa chữa nội dung Giấy phép khai thác thủy sản;

4. Có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản.

Điều 11. Ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp cho các Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý tàu thuyền khai thác thủy sản đầm phá có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15 mét mà không lắp máy hoặc tàu thuyền có lắp máy mà tổng công suất dưới 20 sức ngựa (CV). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ quản lý ghe thuyền thủy sản cho cơ quan chuyên môn cấp huyện.

Các loại tàu thuyền khai thác thủy sản có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 mét trở lên mà không lắp máy hoặc có lắp máy mà tổng công suất từ 20 CV trở lên, theo quy định của Trung ương phải kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá, chỉ được đăng ký khi sử dụng các nghề khai thác hợp pháp, kết hợp sử dụng mục đích công: phòng chống bão lụt, tuần tra cộng đồng của Chi hội Nghề cá cấp cơ sở. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản đăng ký, đăng kiểm theo quy định pháp luật thống nhất từ Trung ương. Các loại tàu thuyền được sử dụng làm phương tiện giao thông vận tải trong đầm phá không thuộc quy định này, được thực hiện theo các quy định pháp luật của giao thông đường thủy nội địa.

Điều 12. Tổ chức ngư dân cấp cơ sở được cấp phép tự xây dựng quỹ tự quản ngư trường trong nội bộ cộng đồng, để chi phí cho việc tổ chức thu quỹ và chi phí cho công tác quản lý ngư trường, tổ chức bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, có trách nhiệm đóng phí khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (khi có quy định cụ thể).

Chương III

BẢO VỆ NGƯ TRƯỜNG VÀ NGUỒN LỢI

Điều 13. Nghiêm cấm các hành vi làm huỷ hoại nguồn lợi thủy sản, gây ô nhiễm môi trường thủy sinh đầm phá sau:

1. Khai thác, hủy hoại trái phép các bãi thực vật ngầm, rừng ngập mặn, các rạn đá và hệ sinh cảnh khác; phá hủy, cản trở trái phép đường di chuyển tự nhiên của các loài thủy sản;

2. Khai thác các loài thủy sản thuộc các danh mục cấm kể cả cấm có thời hạn, trừ trường hợp vì mục đích nghiên cứu khoa học được Chính phủ cho phép; khai thác thủy sản nhỏ hơn kích cỡ quy định, trừ trường hợp được phép khai thác để nuôi trồng;

3. Lấn, chiếm, xâm hại các khu bảo tồn, khu bảo vệ thủy sản đã được quy hoạch và công bố; vi phạm các quy định trong qui chế quản lý khu bảo tồn, khu bảo vệ thủy sản;

4. Vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản;

5. Khai thác thủy sản ở khu vực cấm, khu vực đang trong thời gian cấm;

6. Sử dụng các ngư cụ, các loại nghề bị cấm để khai thác thủy sản: hóa chất độc hại, chất nổ, xung điện: kích điện, rà điện, kết hợp điện; te quyệu, giã cào, lưới quét, lưới kìm (vây), lưới xiếc; nạo (cào) hến, cào lươn, cào hàu, cào rong bằng thuyền máy;

7. Sử dụng các ngư cụ làm cản trở hoặc gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác đang khai thác; thả neo, đậu tàu tại các nơi có ngư cụ của tổ chức, cá nhân khác đang khai thác hoặc nơi có tàu cá khác ra dấu hiệu đang khai thác, trừ trường hợp bất khả kháng;

8. Vứt bỏ ngư cụ xuống vùng nước tự nhiên đầm phá, trừ trường hợp bất khả kháng;

9. Vi phạm các quy định về quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản. Nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch làm cản trở dòng chảy, cản trở khai thác thủy sản, ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các ngành, nghề khác;

10. Thả thủy sản bị nhiễm bệnh vào các vùng nước đầm phá;

11. Xả thải nước, chất thải từ cơ sở sản xuất giống thủy sản, cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở bảo quản, chế biến thủy sản mà chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn quy định vào đầm phá;

12. Xây dựng mới, phá bỏ, thay đổi các công trình liên quan đến thủy vực đầm phá khi chưa được cấp phép của cấp có thẩm quyền làm thiệt hại lớn đến nguồn lợi thủy sản;

13. Chế biến, vận chuyển hoặc đưa ra thị trường các loài thủy sản thuộc danh mục cấm khai thác; thủy sản có dư lượng các chất độc hại vượt quá giới hạn cho phép; thủy sản có độc tố tự nhiên gây nguy hiểm đến tính mạng con người, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

14. Cấm sử dụng tùy tiện các nghề khai thác mới trên đầm phá, việc du nhập nghề khai thác mới phải được phép của Chi cục Thủy sản;

15. Cấm sử dụng thủy vực đầm phá để chắn sáo nuôi chuyên canh tôm các loại. Việc sử dụng chắn sáo, lồng nuôi thủy sản ăn thực vật và phù du và các hình thức nuôi khác phải theo đúng quy hoạch, được cho phép.

Điều 14. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định khu vực cấm khai thác và khu vực cấm khai thác có thời hạn, khi được đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất các khu vực cấm khai thác trên đầm phá.

Nhà nước khuyến khích Chi hội Nghề cá tự quy định và bảo vệ các khu vực nhỏ làm nơi sinh sản, sinh trưởng, dự trữ nguồn lợi trong vùng mặt nước được cấp phép khai thác thủy sản.

Điều 15. Các công trình đê đập thủy lợi cần được nghiên cứu xây dựng “bậc cá”, “thang cá” phù hợp, để các giống loài thủy sinh có thể vượt qua, tránh gây tuyệt chủng các đối tượng di cư sinh sản.

Điều 16. Phạm vi vùng phụ cận của các đê thủy lợi ven đầm phá là 20 mét, phạm vi không được xâm phạm là 5 mét sát chân đập, phạm vi còn lại được sử dụng cho các mục đích không gây mất an toàn đập.

Điều 17. Các hàng đáy, nò sáo phải để lối di cư thủy sản trên 1/3 bề rộng của cửa lạch. Nếu phần quy định này chưa đủ bảo đảm giao thông thủy thì phải mở rộng đến mức tối thiểu theo quy định của giao thông đường thủy nội địa.

Điều 18. Kích thước mắt lưới tối thiểu được phép ở phần đụt của nghề đáy, phần hom (nò) của nghề nò sáo và phần đụt nghề lừ xếp là: 2a =18 mm.

Nghề đáy khai thác tôm cá giống cho nuôi trồng thủy sản, có kích thước mắt lưới nhỏ hơn 2a =18 mm phải được cho phép.

Khoảng cách tối thiểu giữa hai trộ nghề nò sáo là 150 m (khoảng cách hai trộ nghề được tính là khoảng cách nò hàng trên đến cánh hàng dưới).

Khoảng cách tối thiểu giữa 2 cánh sáo liền kề là 10 m.

Khoảng cách cánh sáo cách bờ tối thiểu là 50 m.

Riêng tại đầm Cầu Hai, cánh sáo phải cách bờ tự nhiên và cách đê bao nuôi tôm tối thiểu là 200 m. Áp dụng cho các xã thuộc huyện Phú Lộc.

Số lượng cheo lừ xếp của mỗi tổ chức ngư dân cơ sở được phân bổ tại Giấy phép khai thác thủy sản, tuân thủ hạn ngạch số lượng lừ xếp trên các địa bàn cấp huyện, do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

Điều 19. Nhà nước khuyến khích tổ chức ngư dân tự quy định mắt lưới tối thiểu lớn hơn mắt lưới tối thiểu do Nhà nước quy định, để có thể nâng cao hiệu quả khai thác phù hợp với khả năng quản lý của tổ chức trong thủy vực được ủy quyền.

Điều 20. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch thực hiện việc phòng chống dịch bệnh cho các đối tượng thủy sản tự nhiên trên đầm phá. Khi phát hiện các đối tượng thủy sản có dịch bệnh, tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản và Chính quyền địa phương kịp thời xử lý, báo cáo xin chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên và của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chương IV

PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN

Điều 21. Nhà nước khuyến khích việc thả giống thủy sản bổ sung, tái tạo, làm phong phú nguồn lợi thủy sản đầm phá. Đối với vùng nước mà nguồn lợi liên quan đến nhiều huyện, thị xã, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã để tái tạo nguồn lợi. Đối với các vùng nước có nguồn lợi thủy sản độc lập, Chính quyền cấp huyện, cấp xã chủ động kế hoạch và tổ chức thực hiện thả giống bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Điều 22. Việc xã hội hóa bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản được đặc biệt khuyến khích. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã vùng đầm phá có kế hoạch tái tạo nguồn lợi hàng năm, để huy động sự tham gia của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, Chi hội Nghề cá, các cơ sở sản xuất giống. Việc thả giống bổ sung được giám sát bởi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và Chính quyền địa phương.

Điều 23. Việc di nhập giống mới vào thủy vực đầm phá do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm thực hiện, theo quy định của pháp luật.

Điều 24. Việc sử dụng chà rạo, rạn nhân tạo trong đầm phá từng bước thực hiện phù hợp với khả năng kinh tế của Chính quyền các cấp.

Nhà nước khuyến khích tổ chức ngư dân địa phương tự xây dựng các chà rạo, rạn nhân tạo trong vùng nước được ủy quyền để tăng nơi trú ẩn và sinh sản của thủy sản.

Chương V

QUAN HỆ HỢP TÁC TRONG NƯỚC, QUỐC TẾ

Điều 25. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế nghiên cứu, điều tra, thăm dò nguồn lợi thủy sản; nghiên cứu quản lý, bảo vệ và phát triển ngư trường, nguồn lợi thủy sản đầm phá. Đặc biệt các nghiên cứu ứng dụng, đáp ứng kịp thời các nhu cầu cụ thể của các tổ chức ngư dân địa phương, Chi hội Nghề cá cấp cơ sở.

Điều 26. Nhà nước khuyến khích việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trao đổi chuyên gia, thông tin, kinh nghiệm về quản lý nghề cá ven bờ, đầm phá.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 27. Quản lý khai thác thủy sản đầm phá là nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, của Ủy ban nhân dân các cấp và các cộng đồng sử dụng nguồn lợi thủy sản đầm phá. Tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác thủy sản có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, chủ động sản xuất và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Điều 28. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Quy chế hoạt động khai thác thủy sản đầm phá, tuỳ mức vi phạm sẽ xử phạt theo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lãnh vực thủy sản, bảo vệ môi trường, giao thông đường thủy... Nếu vi phạm nhiều lần, mức độ nặng sẽ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

Điều 29. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp góp công sức vào việc quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đầm phá, ngăn chặn các hành vi gây thiệt hại đến môi trường sống và nguồn lợi thủy sản đầm phá, tùy theo mức độ thành tích, được Nhà nước khen thưởng theo quy định.

Điều 30. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo về những hành vi của cá nhân, tổ chức, cơ quan vi phạm Quy chế này theo Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo hiện hành.

Trong quá trình thực hiện có vướng mắc, phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, bổ sung, điều chỉnh Quy chế.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức triển khai phổ biến, thực hiện Quy chế này trên địa bàn toàn tỉnh; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền phổ biến rộng rãi Quy chế này./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 84/2016/QĐ-UBND Quy chế Quản lý hoạt động khai thác thủy sản đầm phá trên địa bàn do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 84/2016/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/12/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Văn Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản