Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 740/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 27 tháng 8 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DÂN SINH, HỖ TRỢ SẢN XUẤT VÀ CƠ CHẾ KHẮC PHỤC CÁC CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI BỊ THIỆT HẠI DO THIÊN TAI GÂY RA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;

Căn cứ Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;

Căn cứ Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; đê điều;

Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra;

Căn cứ Quyết định số 118/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro do thiên tai trên biển;

Căn cứ Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn,biên giới, hải đảo, di cư tự do,khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến/2020;

Căn cứ Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg ngày 19/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại các Công văn số 1300/STC-NS ngày 08/6/2018 và số 1913/STC-NS ngày 15/8/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số chính sách hỗ trợ dân sinh, hỗ trợ sản xuất và cơ chế khắc phục các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội bị thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế các Quyết định số 191/QĐ-UBND ngày 24/11/2010 của UBND tỉnh Ban hành một số chính sách hỗ trợ dân sinh, hỗ trợ sản xuất và cơ chế khắc phục khẩn cấp các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội bị thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và Quyết định số 101/QĐ-UBND ngày 12/4/2013 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung Điều 8 của Quy định một số chính sách hỗ trợ dân sinh, hỗ trợ sản xuất và cơ chế khắc phục khẩn cấp các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội bị thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi ban hành kèm theo Quyết định số 191/QĐ-UBND ngày 24/11/2010 của UBND tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành tỉnh; Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Trần Ngọc Căng

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DÂN SINH, HỖ TRỢ SẢN XUẤT VÀ CƠ CHẾ KHẮC PHỤC CÁC CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI BỊ THIỆT HẠI DO THIÊN TAI GÂY RA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
(Kèm theo Quyết định số 740/QĐ-UBND ngày 27/8/2018 của UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nguyên tắc hỗ trợ

1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định một số chính sách hỗ trợ dân sinh, hỗ trợ sản xuất và cơ chế khắc phục các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội bị thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

2. Đối tượng áp dụng

a) Hỗ trợ dân sinh đối với những hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn do thiên tai gây ra.

b) Hỗ trợ sản xuất đối với hộ nông dân, ngư dân, diêm dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất bị thiệt hại do thiên tai trực tiếp gây ra đối với cây trồng, vật nuôi, tàu thuyền, làm muối, nuôi trồng thủy sản.

c) Cơ chế khắc phục các công trình hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, phúc lợi công cộng, trụ sở làm việc bị thiệt hại do thiên tai gây ra.

3. Nguyên tắc hỗ trợ

a) Nhà nước hỗ trợ và chia sẻ rủi ro cùng người sản xuất một phần thiệt hại tài sản do thiên tai gây ra nhằm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống.

b) Công khai và thực hiện đầy đủ quy định về quy chế dân chủ cơ sở xã, phường, thị trấn trước khi quyết định hỗ trợ.

c) Công bằng, minh bạch, đúng đối tượng, định mức.

d) Không hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do thiên tai khi đã vi phạm một trong những điều quy định tại Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Thiên tai: Là một hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây ra thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, giông sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ và dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa gió, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác như: Sương mù, gió mạnh trên biển.

2. Khắc phục khẩn cấp: Là những hoạt động cần phải thực hiện ngay sau khi sự cố thiên tai xảy ra (sửa chữa hoặc phục hồi) để đảm bảo các hoạt động về kinh tế, xã hội trở lại bình thường; sớm ổn định sản xuất, đời sống; đảm bảo điều kiện học tập, chăm sóc sức khỏe, nơi làm việc trong vùng xảy ra thiên tai.

3. Hỗ trợ thiệt hại sản xuất bao gồm: Tàu thuyền, cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp, sa bồi thủy phá, tàu thuyền tham gia cứu nạn.

Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Ngân sách trung ương cấp bổ sung cho ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Ngân sách địa phương (bao gồm ngân sách các cấp tỉnh, huyện và xã) bố trí từ nguồn dự phòng hàng năm theo Luật Ngân sách nhà nước để chủ động chi cho việc thực hiện Quy định này.

3. Nguồn từ Quỹ phòng, chống thiên tai.

4. Đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ và Thông tư số 72/2008/TT-BTC ngày 31/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ.

5. Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Chương II

HỖ TRỢ THIỆT HẠI DÂN SINH

Điều 4. Hỗ trợ thiệt hại dân sinh

1. Hỗ trợ chi phí mai táng

a) Mức hỗ trợ:

- Hộ gia đình có người chết, mất tích: 5,4 triệu đồng/người;

- Trường hợp người gặp rủi ro ngoài vùng cư trú bị chết, gia đình không biết để mai táng, được Ủy ban nhân dân cấp xã, bệnh viện, cơ quan, đơn vị tổ chức mai táng thì các cơ quan, đơn vị đứng ra mai táng được hỗ trợ chi phí mai táng theo chi phí thực tế, nhưng tối đa không quá 8,1 triệu đồng/người;

b) Thủ tục hỗ trợ chi phí mai táng thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ.

2. Hỗ trợ người bị thương nặng

a) Mức hỗ trợ: Người bị thương nặng: 2,7 triệu đồng/người.

b) Điều kiện hỗ trợ:

- Người bị thương nặng phải được cơ sở y tế nhà nước xác nhận điều trị hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện xác nhận;

- Người gặp rủi ro ngoài vùng cư trú bị thương nặng mà không có người thân thích chăm sóc thì cơ quan, tổ chức trực tiếp cấp cứu, chữa trị có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện nơi cấp cứu, chữa trị cho đối tượng quyết định hỗ trợ.

c) Thủ tục hỗ trợ: theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ.

3. Hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở

a) Mức hỗ trợ:

- Có nhà chính bị thiệt hại hoàn toàn (trên 70%): Hỗ trợ 18 triệu đồng/nhà đối với hộ ở đồng bằng và 20 triệu đồng/nhà đối với hộ ở miền núi và hải đảo;

- Có nhà chính bị thiệt hại rất nặng (từ 50% - 70%): Hỗ trợ 15 triệu đồng/nhà đối với hộ ở đồng bằng và 17 triệu đồng/nhà đối với hộ ở miền núi và hải đảo;

- Có nhà chính bị thiệt hại nặng (từ 30% - 50%): Hỗ trợ 10 triệu đồng/nhà đối với hộ ở đồng bằng và 12 triệu đồng/nhà đối với hộ ở miền núi và hải đảo;

- Nhà chính bị hư hỏng bị thiệt hại dưới từ 30%: Không hỗ trợ.

- Hộ gia đình phải di dời khẩn cấp:

+ Bằng các nguồn vốn lồng ghép, Nhà nước hỗ trợ xây dựng khu tái định cư với các hạ tầng thiết yếu: San nền, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt. Đối với việc xây dựng trường học, nhà mẫu giáo, nhà văn hóa thôn, tùy theo số lượng các cháu mẫu giáo, học sinh, số hộ dân sống tại khu tái định cư sẽ quyết định cụ thể;

+ Mỗi hộ gia đình di dời, tái định cư sẽ được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất 01 lô đất theo khả năng quỹ đất của dự án tái định cư, với hạn mức được giao đất hỗ trợ bằng diện tích đất nhà ở bị sạt lở nhưng không vượt quá hạn mức giao đất ở tại địa phương;

+ Mức hỗ trợ di dời: 18 triệu đồng/hộ đối với hộ ở đồng bằng và 20 triệu đồng/hộ đối với hộ ở miền núi và hải đảo.

b) Điều kiện hỗ trợ:

- Nhà chính bị đổ, sập, trôi, cháy và hư hỏng phải được Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện xác nhận;

- Hộ gia đình phải di dời khẩn cấp là những hộ phải di dời do nguy cơ (kể cả trường hợp bị thiệt hại) sạt lở đất, lũ quét, triều cường đến nơi ở tập trung hoặc xen ghép.

c) Thủ tục xem xét hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 15 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ.

4. Hỗ trợ lương thực

a) Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian không quá 3 tháng cho mỗi đợt trợ giúp đối với tất cả thành viên hộ gia đình thiếu đói trong và sau thiên tai.

b) Thủ tục hỗ trợ:

- Trưởng thôn, tổ dân phố lập danh sách hộ gia đình và số người trong hộ gia đình thiếu đói cần hỗ trợ theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định;

- Trưởng thôn, tổ dân phố chủ trì họp với đại diện của tổ chức có liên quan trong thôn để bình xét hộ gia đình, số người trong hộ gia đình thiếu đói gửi Chủ tịch UBND cấp xã;

- Trong thời gian 02 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Trưởng thôn, tổ dân phố, Hội đồng xét duyệt thống nhất danh sách hộ gia đình và số người thiếu đói, trình Chủ tịch UBND cấp xã quyết định;

- Chủ tịch UBND cấp xã quyết định cứu trợ ngay những trường hợp cần thiết. Trường hợp thiếu nguồn lực thì có văn bản đề nghị hỗ trợ, gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định hỗ trợ;

- Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định hỗ trợ. Trường hợp thiếu nguồn lực thì có văn bản đề nghị hỗ trợ, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính;

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định;

- Khi nhận được hỗ trợ, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện ngay việc trợ giúp cho đối tượng bảo đảm đúng quy định;

- Kết thúc mỗi đợt hỗ trợ, UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả hỗ trợ.

5. Hỗ trợ khẩn cấp trẻ em khi cha, mẹ bị chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác

a) Mức hỗ trợ: Trẻ em có cha và mẹ chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn người thân thích chăm sóc, nuôi dưỡng được hỗ trợ theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ.

b) Thủ tục hỗ trợ: Thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ (được xem như ngân sách nhà nước).

Chương III

HỖ TRỢ THIỆT HẠI SẢN XUẤT ĐỐI VỚI TÀU THUYỀN, CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI, NUÔI TRỒNG THỦY SẢN, LÀM MUỐI, SA BỒI THỦY PHÁ,

Điều 5. Hỗ trợ đối với tàu thuyền (không hỗ trợ đối với ngư lưới cụ và trang thiết bị thông tin trên tàu)

1. Đối tượng hỗ trợ: Hộ ngư dân là chủ tàu thuyền bị thiệt hại từ 30% trở lên hoặc bị mất tích do thiên tai.

2. Mức hỗ trợ

a) Tàu thuyền có công suất dưới 20CV:

- Thiệt hại từ 30% đến 50% hỗ trợ 5 triệu đồng;

- Thiệt hại từ 50% đến 70% hỗ trợ 7 triệu đồng;

- Thiệt hại hơn 70% hỗ trợ 10 triệu đồng.

b) Tàu thuyền có công suất từ 20CV đến dưới 30CV:

- Thiệt hại từ 30% đến 50% hỗ trợ 10 triệu đồng;

- Thiệt hại từ 50% đến 70% hỗ trợ 15 triệu đồng;

- Thiệt hại hơn 70% hỗ trợ 20 triệu đồng.

c) Tàu thuyền có công suất từ 30CV đến dưới 50CV:

- Thiệt hại từ 30% đến 50% hỗ trợ 15 triệu đồng;

- Thiệt hại từ 50% đến 70% hỗ trợ 20 triệu đồng;

- Thiệt hại hơn 70% hỗ trợ 30 triệu đồng.

d) Tàu thuyền có công suất từ 50CV đến dưới 90CV:

- Thiệt hại từ 30% đến 50% hỗ trợ 25 triệu đồng;

- Thiệt hại từ 50% đến 70% hỗ trợ 35 triệu đồng;

- Thiệt hại hơn 70% hỗ trợ 50 triệu đồng.

đ) Tàu thuyền có công suất từ 90CV đến dưới 150CV:

- Thiệt hại từ 30% đến 50% hỗ trợ 45 triệu đồng;

- Thiệt hại từ 50% đến 70% hỗ trợ 60 triệu đồng;

- Thiệt hại hơn 70% hỗ trợ 90 triệu đồng.

e) Tàu thuyền có công suất từ 150CV đến dưới 250CV:

- Thiệt hại từ 30% đến 50% hỗ trợ 60 triệu đồng;

- Thiệt hại từ 50% đến 70% hỗ trợ 85 triệu đồng;

- Thiệt hại hơn 70% hỗ trợ 120 triệu đồng.

g) Tàu thuyền có công suất từ 250CV đến dưới 400CV:

- Thiệt hại từ 30% đến 50% hỗ trợ 75 triệu đồng;

- Thiệt hại từ 50% đến 70% hỗ trợ 105 triệu đồng;

- Thiệt hại hơn 70% hỗ trợ 150 triệu đồng.

h) Tàu thuyền có công suất từ 400CV trở lên:

- Thiệt hại từ 30% đến 50% hỗ trợ 90 triệu đồng;

- Thiệt hại từ 50% đến 70% hỗ trợ 125 triệu đồng;

- Thiệt hại hơn 70% hỗ trợ 180 triệu đồng.

3. Điều kiện hỗ trợ

Mức hỗ trợ này chỉ thực hiện cho những tàu thuyền đã đăng ký, có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy phép khai thác thuỷ sản còn hạn theo quy định và chấp hành tốt các quy định về Phòng chống thiên tai theo quy định tại Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ, được chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng sở tại xác nhận.

Điều 6. Hỗ trợ đối với tàu thuyền và thuyền viên tham gia cứu nạn

1. Đối tượng hỗ trợ: Hộ gia đình là chủ tàu thuyền và thuyền viên tham gia cứu nạn.

2. Mức hỗ trợ: 05 triệu đồng/tàu và toàn bộ chi phí xăng dầu trong thời gian tham gia cứu nạn; mỗi thành viên làm việc trên tàu có tham gia cứu nạn được hỗ trợ 01 triệu đồng/thuyền viên. Ngoài ra, tùy theo thành tích cứu nạn mà UBND các cấp có chế độ khen thưởng, biểu dương.

3. Điều kiện hỗ trợ: Tàu thuyền tham gia cứu nạn phải được Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh hoặc cấp huyện quyết định hoặc chỉ định tham gia cứu nạn. Trường hợp khẩn cấp, tự tham gia cứu nạn, sau khi cứu nạn xong phải báo ngay cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh hoặc cấp huyện (có xác nhận của UBND xã sở tại). Thành viên tham gia cứu nạn phải có danh sách đăng ký làm việc trên mỗi chuyến đi biển với Đồn Biên phòng sở tại.

Điều 7. Hỗ trợ đối với cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản

1. Đối tượng hỗ trợ: Hộ nông dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất có cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do thiên tai.

2. Mức hỗ trợ:

a) Hỗ trợ đối với cây trồng bị thiệt hại từ 30% trở lên:

- Diện tích lúa thuần bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha;

- Diện tích mạ lúa thuần bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha;

- Diện tích lúa lai bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha;

- Diện tích mạ lúa lai bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha;

- Diện tích ngô và rau màu các loại bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha;

- Diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha;

- Diện tích tỏi bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha;

- Diện tích hành bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha;

- Diện tích cây lấy củ có chất bột, cây có chứa dầu và cây lấy sợi bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha;

- Diện tích cây hoa, cây cảnh (không trồng trong chậu) bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha;

- Cây hoa, cây cảnh trồng trong chậu đường kính chậu từ 80cm trở lên bị thiệt hại hỗ trợ 80.000 đồng/chậu; đường kính chậu từ 50-80cm bị thiệt hại hỗ trợ 40.000 đồng/chậu; đường kính chậu từ 10cm -50 cm bị thiệt hại hỗ trợ 5.000 đồng/chậu.

b) Hỗ trợ đối với sản xuất lâm nghiệp:

- Diện tích cây trồng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp, vườn giống, rừng giống bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha;

- Diện tích cây giống được ươm trong giai đoạn vườn ươm bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 40.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha.

c) Hỗ trợ đối với vật nuôi gia súc, gia cầm:

- Gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 15.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 28.000 đồng/con;

- Lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 350.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 750.000 đồng/con; lợn nái và lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con;

- Bê cái hướng sữa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con; bò sữa trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 6.500.000 đồng/con;

- Trâu, bò thịt, ngựa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 1.300.000 đồng/con; trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 4.000.000 đồng/con;

- Hươu, nai, cừu, dê hỗ trợ 2.000.000 đồng/con;

- Chim cút đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 3.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 5.000 đồng/con;

d) Hỗ trợ đối với nuôi trồng thủy, hải sản:

- Diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa bị thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 8.500.000 đồng/ha;

- Diện tích nuôi tôm quảng canh (nuôi tôm lúa, tôm sinh thái tôm rừng, tôm kết hợp) bị thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha;

- Diện tích nuôi tôm sú bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 7.000.000 đồng/ha;

- Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 25.000.000;

- Diện tích nuôi nhuyễn thể bị thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 50.000.000 đồng/ha;

- Diện tích nuôi cá tra thâm canh bị thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 25.000.000 đồng/ha;

- Lồng, bè nuôi nước ngọt bị thiệt hại từ 30 - 70% hỗ trợ 5.000.000 đồng/100m3 lồng; bị thiệt hại hơn 70% hỗ trợ 8.500.000 đồng/100m3 lồng;

- Diện tích nuôi cá rô phi đơn tính thâm canh bị thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 25.000.000 đồng/ha;

- Diện tích nuôi cá nước lạnh (tầm, hồi) thâm canh bị thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ 25.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 43.000.000 đồng/ha;

- Lồng, bè nuôi trồng ngoài biển (xa bờ, ven đảo) bị thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ 13.000.000 đồng/100m3 lồng; bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 18.000.000 đồng/100m3 lồng;

- Diện tích nuôi trồng các loại thuỷ, hải sản khác bị thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha.

đ) Trường hợp hỗ trợ bằng hiện vật giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản thì mức hỗ trợ tương đương mức hỗ trợ bằng tiền được quy đổi theo giá tại thời điểm hỗ trợ.

3. Điều kiện hỗ trợ: Các hộ sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng tất cả các điều kiện sau:

a) Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của địa phương.

b) Có đăng ký kê khai ban đầu được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và nuôi trồng thủy sản hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có). Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi; trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào kê khai. Các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện kê khai và được xác nhận ngay khi thực hiện nuôi trồng.

c) Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và các cấp ở địa phương.

d) Trong thời gian xảy ra thiên tai trên địa bàn được Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương xác nhận.

Điều 8. Hỗ trợ đối với sản xuất muối

1. Đối tượng hỗ trợ: Hộ diêm dân (hộ cá thể, hộ xã viên của Hợp tác xã Diêm nghiệp) có diện tích sản xuất muối bị thiệt hại do thiên tai gây ra từ 30% trở lên.

2. Mức hỗ trợ:

a) Hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha đối với diện tích sản xuất muối bị thiệt hại từ 30% đến 70%.

b) Hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha đối với diện tích sản xuất muối bị thiệt hại từ trên 70%.

3. Điều kiện hỗ trợ: Diện tích đất sản xuất muối phải nằm trong vùng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải đăng ký với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (thông qua UBND xã nếu là hộ cá thể; thông qua Hợp tác xã Diêm nghiệp nếu là hộ xã viên).

Điều 9. Hỗ trợ đối với đất bị sa bồi, thủy phá

1. Đối tượng hỗ trợ: Hộ gia đình đất sản xuất nông nghiệp bị sa bồi, thủy phá do thiên tai.

2. Mức hỗ trợ:

a) Diện tích đất sản xuất bị sa bồi với độ dày trung bình của đất sa bồi từ 15 cm đến 30 cm: 5 triệu đồng/ha.

b) Diện tích đất sản xuất bị sa bồi với độ dày trung bình của đất sa bồi từ 30 cm trở lên: 10 triệu đồng/ha.

3. Điều kiện hỗ trợ: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị sa bồi, thủy phá do thiên tai gây ra phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.

Chương IV

KHẮC PHỤC KHẨN CẤP CÁC CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI

Điều 10. Cơ chế khắc phục khẩn cấp các công trình xây dựng hạ tầng kinh tế, xã hội do Nhà nước đầu tư bị thiệt hại do thiên tai gây ra

1. Điều kiện hỗ trợ

a) Khắc phục tạm thời phục vụ ổn định đời sống và sản xuất:

- Phải là công trình thiệt hại do thiên tai gây ra;

- Hồ sơ hỗ trợ: Tên công trình thiệt hại, mức thiệt hại, biện pháp khắc phục phải do đơn vị quản lý công trình lập, được Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện (đối với công trình do cấp xã quản lý), UBND huyện và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (đối với công trình do cấp huyện, cấp tỉnh quản lý) lập biên bản xác nhận.

b) Khắc phục khẩn cấp:

- Phải là công trình thiệt hại do thiên tai gây ra; được Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện (đối với công trình do cấp huyện, cấp xã quản lý), cấp tỉnh (đối với công trình do cấp tỉnh quản lý) lập biên bản xác nhận.

- Đối với công trình bị thiệt hại nặng phải sửa chữa khẩn cấp để khôi phục trạng thái ban đầu, đảm bảo nhiệm vụ công trình, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở ngành liên quan, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND huyện, thành phố kiểm tra, xác định mức độ thiệt hại cần khắc phục khẩn cấp, nhu cầu kinh phí để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Công trình thiệt hại phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về công trình khắc phục khẩn cấp. Nội dung quyết định xác định người được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình; mức thiệt hại; nguồn lực huy động để khắc phục; nguyên tắc thanh toán phù hợp với pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

2. Hồ sơ cấp phát và thanh toán

a) Đối với những công trình thuộc đối tượng sửa chữa, khắc phục tạm thời để đưa công trình vào hoạt động ngay như: Thu dọn đất đá, cây cối,..., đắp vá, sửa chữa đường giao thông, kênh mương; khắc phục, sửa chữa trụ sở làm việc và các công trình phúc lợi công cộng khác:

Trên cơ sở Biên bản xác định thiệt hại hoặc quyết định về công trình khắc phục khẩn cấp được quy định tại Khoản 1 Điều 10 nêu trên và các quy định hiện hành về chế độ, tiêu chuẩn, định mức,... cơ quan, đơn vị quản lý công trình lập dự toán chi gửi cơ quan chuyên môn và cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định; phương thức quản lý, cấp phát, quyết toán theo quy định như kinh phí chi thường xuyên.

b) Đối với những công trình thuộc đối tượng sửa chữa lớn để hoàn trả lại trạng thái ban đầu của công trình: Thực hiện theo Điều 42 và Điều 43 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Giao nhiệm vụ các Sở ngành tỉnh

a) Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tổng hợp kịp thời những thiệt hại do thiên tai gây ra, tham mưu UBND tỉnh báo cáo tình hình thiệt hại và kết quả khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các Bộ ngành Trung ương để hỗ trợ kinh phí, hàng hóa khắc phục thiên tai; tham gia cùng Sở Tài chính và Sở ngành liên quan trong việc xét hỗ trợ thiệt hại của các địa phương và các Sở ngành.

b) Sở Tài chính: Chủ trì, theo dõi và đôn đốc các Sở ngành, địa phương liên quan thực hiện nghiêm túc nội dung chính sách này; chủ trì và phối hợp với các Sở ngành tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định về nguồn kinh phí và mức hỗ trợ khắc phục thiệt hại cụ thể của các Sở ngành, địa phương.

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh hướng dẫn chi tiết phương pháp xác định mức thiệt hại và điều kiện hỗ trợ đối với tàu thuyền, cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản, các công trình thủy lợi, đê điều; xác định thiệt hại đối với tàu thuyền, cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản, các công trình thủy lợi, đê điều và xác định chi phí xăng dầu trong thời gian tham gia cứu nạn đối với tàu thuyền tham gia cứu nạn.

d) Sở Xây dựng: Phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định mức độ hư hỏng và giá trị thiệt hại của nhà chính để hỗ trợ tương ứng.

đ) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp cùng với các Sở ngành chức năng trong việc xét hỗ trợ khắc phục ở các địa phương; chủ động tổng hợp và phối hợp với Sở Tài chính đề xuất hỗ trợ thiệt hại dân sinh đối với những đối tượng bị thiệt hại.

e) Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tham gia xem xét hỗ trợ đối với tàu thuyền thiệt hại, tham gia cứu nạn và nuôi trồng thủy sản.

g) Các Sở ngành liên quan khác thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ đã phân công.

2. Giao nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Chỉ đạo và hướng dẫn cho Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp với Mặt trận và các hội đoàn thể cùng cấp:

- Công bố công khai chính sách, mức hỗ trợ và danh sách các hộ được hỗ trợ theo quy định tại Thông tư số 54/2006/TT-BTC ngày 19/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế công khai hỗ trợ trực tiếp của ngân sách nhà nước đối với cá nhân, dân cư (niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn).

- Tổ chức họp dân theo từng thôn, tổ dân phố có sự tham gia của Mặt trận và các hội đoàn thể cùng cấp bình xét, xác định mức độ thiệt hại của từng hộ gia đình để có mức hỗ trợ phù hợp theo Quy định này. Đồng thời, tổng hợp theo từng thôn, tổ dân phố và nhu cầu kinh phí cần hỗ trợ, gửi Ủy ban nhân dân huyện, thành phố để tổng hợp toàn bộ tình hình thiệt hại trên địa bàn huyện, thành phố.

b) Báo cáo chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm về mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra cho Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; chủ động, kịp thời xem xét hỗ trợ (sử dụng nguồn dự phòng ngân sách huyện, thành phố và các nguồn hợp pháp khác) ổn định đời sống, sản xuất theo mức hỗ trợ thiệt hại dân sinh nêu trên. Trường hợp thiệt hại xảy ra trên diện rộng, mức độ thiệt hại về người và tài sản lớn, sau khi đã chủ động sử dụng các nguồn nói trên để hỗ trợ nhưng không đảm bảo cân đối, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Lao động Thương binh và Xã hội và Sở Tài chính để tổng hợp, đề xuất cơ quan và cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

c) Quyết định, xác định và chịu trách nhiệm tính chính xác các mức hỗ trợ, điều động tàu, xe tham gia cứu nạn tại Quy định này.

3. Kết thúc đợt thiên tai hoặc cuối năm, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai báo cáo kết quả thực hiện và quyết toán kinh phí theo chế độ tài chính hiện hành với Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh căn cứ quy định hỗ trợ tại Quy định này phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh xét hỗ trợ cho phù hợp, tránh trùng lắp và chênh lệch mức hỗ trợ đối với việc hỗ trợ từ nguồn kinh phí theo Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ với các nguồn hỗ trợ chính thức của Nhà nước (trừ các khoản hỗ trợ do các tổ chức, cá nhân ủng hộ nhân dân và các địa phương bị thiệt hại có địa chỉ cụ thể theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân).

5. Đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo Hội đồng nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với cơ quan hành chính các cấp và các đoàn thể Chính trị - Xã hội để kiểm tra, giám sát các nội dung hỗ trợ nêu trên./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 740/QĐ-UBND năm 2018 quy định về chính sách hỗ trợ dân sinh, hỗ trợ sản xuất và cơ chế khắc phục công trình hạ tầng kinh tế - xã hội bị thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

  • Số hiệu: 740/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/08/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Trần Ngọc Căng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/08/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản