Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 730/1999/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 730/1999/QĐ-BGTVT NGÀY 24 THÁNG 03 NĂM 1999 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUI CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÍ BẾN XE ÔTÔ KHÁCH

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định 22/CP ngày 22/3/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lí nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải;
Nhằm tăng cường công tác quản lí Nhà nước đối với các bến xe ôtô khách, bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ phương tiện và hành khách đi xe, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế tham gia vận tải hành khách công cộng, góp phần lập lại trật tự vận tải, thực hiện mục tiêu an toàn, thuận tiện, văn minh, hiệu quả;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Vận tải

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.- Nay ban hành kèm theo Quyết định này "Qui chế về tổ chức và quản lí bến xe ôtô khách".

Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1277/QĐ-VT ngày 4/7/1991 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 3.-. Cục trưởng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn và phối hợp với các Sở GTVT (GTCC) tổ chức, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 4.- Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Vận tải, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, các Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Đào Đình Bình

(Đã ký)

 

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập- Tự do - Hạnh phúc

 

QUI CHẾ

VỀ TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÍ BẾN XE Ô TÔ KHÁCH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 730 /1999/QĐ-BGTVT ngày 24 tháng 3 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ GTVT)

Chương 1

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1.-

Qui chế này quy định những nguyên tắc cơ bản trong việc tổ chức quản lí bến xe ôtô khách (sau đây gọi tắt là Bến xe khách ).

Điều 2.- Phạm vi và đối tượng áp dụng

- Qui chế này được áp dụng đối với tất cả các bến xe khách trong toàn quốc.

- Đơn vị quản lí bến xe khách, tập thể và cá nhân tham gia vận chuyển hành khách công cộng (gọi chung là đơn vị vận tải) có ôtô hoạt động đón trả khách, nhận trả hành lý, hàng hoá bao gửi tại bến xe khách đều phải tuân theo các quy định của Qui chế này.

Điều 3.- Bến xe khách

- Là nơi quy định để xe khách vào đón, trả khách trên nhiều luồng tuyến vận chuyển hành khách; nơi hành khách tập trung để lên phương tiện vận tải; nơi có bộ phận quản lí nhà nước về giao thông vận tải.

- Là một bộ phận thuộc cơ sở hạ tầng giao thông vận tải đường bộ, nằm trong quy hoạch tổng thể của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Bến xe khách được xây dựng ở những nơi thuận tiện cho sự đi lại của hành khách như gần các đầu mối giao thông, khu tập trung dân cư, trung tâm hành chính, kinh tế, trung tâm văn hoá hoặc gần nơi chuyển tiếp từ phương tiện vận tải khác sang phương tiện vận tải đường bộ và từ phương tiện vận tải đường bộ sang các phương tiện vận tải khác.

Điều 4.-

Bến xe khách (hoặc các bến xe khách) được tổ chức thành doanh nghiệp do ngành GTVT thống nhất quản lí về mặt tổ chức và hoạt động. Việc thành lập, hoạt động, giải thể, phá sản doanh nghiệp bến xe khách được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 5.-

Các phương tiện vận tải hành khách hoạt động theo luồng tuyến cố định đều phải đón trả khách, nhận trả hành lý, hàng hoá trong khu vực bến xe hoặc tại những nơi có điểm đỗ, điểm dừng xe đã được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW quy định (trừ khi ôtô được cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền huy động đi làm nhiệm vụ khẩn cấp). Ôtô ra hoạt động nhất thiết phải xuất phát từ bến đầu luồng tuyến và kết thúc ở bến cuối tuyến. Xe phải chạy đúng hành trình quy định. Việc đưa xe ra hoạt động trên các luồng tuyến, số chuyến lượt và giờ xe chạy được thực hiện thống nhất theo biểu đồ vận hành do Sở GTVT (GTCC) phê duyệt.

Điều 6.- Trong văn bản này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

- "Ôtô " là các loại xe chạy bằng động cơ hoạt động trên đường giao thông, có số bánh xe nhiều hơn 3 (ba) và do người điều khiển.

- " Phương tiện kinh doanh vận tải hành khách công cộng" là ôtô của các chủ doanh nghiệp đã được cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền cho phép vận tải công cộng và được cấp giấy phép vận tải hành khách công cộng.

- "Luồng tuyến vận tải hành khách" được xác định bởi bến xe đi (nơi phương tiện xuất phát) và bến xe đến (nơi phương tiện kết thúc hành trình) qua các điểm dừng, đỗ cố định trên dọc tuyến đường.

- "Điểm đỗ xe" là nơi được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW quy định để cho xe ôtô đỗ đón trả khách. Khi đỗ ôtô phải tắt máy.

- " Điểm dừng xe" là nơi được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW quy định để cho xe ôtô dừng đón trả khách. Khi dừng, xe ôtô phải nổ máy và người điều khiển phương tiện vẫn ngồi ở vị trí lái.

Điều 7.- Đầu tư, xây dựng bến xe khách

- Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp vận tải ôtô, các thành phần kinh tế cùng tham gia góp vốn xây dựng, cải tạo, nâng cấp (sau đây gọi tắt là xây dựng) bến xe khách. Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp bến xe khách.

- Bến xe khách được thiết kế và xây dựng theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Lưu lượng hành khách, số lượng xe ôtô ra vào bến là căn cứ để thiết kế quy mô xây dựng bến xe khách.

- Việc xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp bến xe khách hiện có phải tuân theo các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.

Chương 2

QUẢN LÍ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI BẾN XE KHÁCH

Điều 8.-

Quản lí nhà nước đối với bến xe khách bao gồm các nhiệm vụ:

- Quản lí về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch xây dựng, nâng cấp, cải tạo bến xe khách.

- Ban hành các quy định về tổ chức và quản lí bến xe khách.

- Duyệt thiết kế xây dựng và cấp phép khai thác bến xe khách.

- Quản lí về giá và các khoản thu khác của bến xe khách.

- Ban hành qui chế phục vụ hành khách, chế độ chính sách đối với hành khách đi xe.

- Thanh tra, kiểm tra các hoạt động của bến xe khách; thanh tra, kiểm tra tại bến xe khách việc thực hiện Thể lệ vận tải.

Điều 9.- Phân cấp quản lí bến xe khách

9.1 Bộ Giao thông vận tải:

- Ban hành các văn bản qui phạm pháp luật về tổ chức quản lí hoạt động của bến xe khách thực hiện trong phạm vi cả nước.

- Thanh tra, kiểm tra các hoạt động của bến xe khách.

9.2 Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW (gọi tắt là UBND cấp tỉnh):

- Duyệt qui hoạch, kế hoạch xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bến xe khách thuộc tỉnh. Quyết định thành lập hoặc giải thể các doanh nghiệp bến xe khách thuộc quyền quản lí.

- Căn cứ vào giá và các khoản thu khác của Nhà nước, quy định giá và các khoản thu khác cho các hoạt động tại bến xe khách.

- Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện cơ chế chính sách của Nhà nước và của Bộ GTVT đối với các bến xe khách thuộc tỉnh, thành phố.

9.3 Cục Đường bộ Việt Nam:

- Được Bộ GTVT uỷ quyền thực hiện chức năng quản lí nhà nước đối với các bến xe khách trong phạm vi cả nước.

- Xây dựng hoặc tham gia xây dựng cơ chế chính sách về tổ chức và quản lí bến xe khách để trình Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành. Cục có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức kiểm tra việc thực hiện.

- Trình Bộ Giao thông vận tải, Ban Vật giá Chính phủ công bố giá trần cho các hoạt động của bến xe khách.

9.4 Các Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính):

- Tham mưu cho UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng qui hoạch hệ thống bến xe khách trong phạm vi địa phương. Tham gia thẩm định khi thành lập và có ý kiến khi giải thể doanh nghiệp bến xe khách.

- Tham mưu cho UBND cấp tỉnh trong việc tổ chức quản lí bến xe khách.

- Kiểm tra giám sát việc thực hiện quy định của nhà nước, của Bộ Giao thông vận tải liên quan đến hoạt động bến xe khách. Chỉ đạo việc hiệp thương về phân công chuyến lượt, xếp nốt (tài chuyến), quay vòng nốt.

- Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lí nhà nước như trật tự, vệ sinh môi trường.

Chương 3

TỔ CHỨC BẾN XE KHÁCH

Điều 10.- Mô hình tổ chức bến xe khách

Căn cứ vào đặc điểm, tính chất và quy mô, Bến xe khách có thể tổ chức thành một trong các mô hình sau:

- Một bến xe khách tổ chức thành một doanh nghiệp hoạt động độc lập có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Nhiều bến xe khách tổ chức thành một doanh nghiệp hoạt động độc lập có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu theo quy định của pháp luật hiện hành.

Việc lựa chọn mô hình tổ chức do cơ quan chủ quản có thẩm quyền quyết định.

Điều 11.- Tổ chức bộ máy của bến xe khách

Bến xe khách có bộ máy điều hành, bộ máy giúp việc tuỳ theo quy mô, nội dung, tính chất công việc.

Điều 12.- Các loại bến xe khách

Theo loại luồng tuyến hoạt động có thể phân chia bến xe khách thành các loại sau:

- Bến xe khách nội tỉnh là bến xe được tổ chức để phục vụ các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng hoạt động trên các luồng tuyến nội tỉnh, nội thành phố trực thuộc Trung ương.

- Bến xe khách liên tỉnh là bến xe khách được tổ chức để phục vụ cho các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng hoạt động trên các luồng tuyến liên tỉnh.

- Bến xe khách hỗn hợp là bến xe khách vừa được tổ chức cho những phương tiện vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh vừa tổ chức cho những phương tiện vận chuyển hành khách công cộng nội tỉnh, nội thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 13.- Điều kiện về chuyên môn nghiệp vụ và cơ sở vật chất kỹ thuật của Bến xe khách

13.1 Điều kiện về chuyên môn nghiệp vụ:

- Thủ trưởng bến xe khách phải có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên và có thời gian công tác trong ngành trên 3 năm.

- Cán bộ công nhân viên bến xe phải là người am hiểu nghiệp vụ, được đào tạo hoặc có kinh nghiệm quản lí về lĩnh vực chuyên ngành vận tải ôtô.

Trong khi làm nhiệm vụ, cán bộ công nhân viên bến xe khách phải mặc quần áo đồng phục và đeo biển tên theo quy định của Bộ GTVT.

13.2 Điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật:

13.2.1 Cơ sở vật chất kỹ thuật bắt buộc

- Có diện tích phù hợp giành cho sân đỗ xe, nhà chờ và các công trình phụ trợ khác.

- Có quầy bán vé phục vụ cho khách mua vé đi các tuyến đường.

- Có sân đỗ xe (sân nền cứng, không lầy lội, phương tiện ra vào thuận tiện)

- Có nơi đón khách, trả khách.

- Có hệ thống biển báo hướng dẫn ( về luồng tuyến, chuyến lượt, giờ xe chạy, giá vé...).

- Có hệ thống chiếu sáng, khu vực vệ sinh, cứu hoả, y tế.

- Có đường cho xe ôtô ra vào bến.

- Có tường hoặc hàng rào bao quanh bến xe khách, có nhân viên bảo vệ.

13.2.2 Tuỳ thuộc vào điều kiện, qui mô, bến xe có thể có thêm cơ sở vật chất kỹ thuật sau:

- Có dịch vụ bảo dưỡng kỹ thuật ôtô.

- Có trạm xăng dầu, chỗ rửa xe.

- Có nơi ăn nghỉ cho lái phụ xe và hành khách chờ đi xe nghỉ qua đêm.

- Có nơi vui chơi giải trí, phục vụ ăn uống giải khát.

- Có gian hàng bán phụ tùng vật tư ôtô và các dịch vụ khác.

Điều 14.- Nhiệm vụ, quyền hạn của bến xe khách

14.1 Nhiệm vụ của bến xe khách:

- Nếu được Giám đốc Sở GTVT (GTCC) uỷ quyền, thủ trưởng bến xe chủ trì việc hiệp thương giữa các doanh nghiệp vận tải (chủ phương tiện vận tải thuộc các thành phần kinh tế) có phương tiện hoạt động tại bến xe khách về bố trí chuyến lượt, xếp nốt (tài chuyến) và quay vòng nốt.

- Tổ chức bán vé cho các chủ phương tiện theo hợp đồng ký kết (kể cả bán vé hành lý, hàng hoá) hoặc cho các đơn vị vận tải thuê địa điểm để bán vé.

- Tổ chức bốc xếp hành lý, hàng hoá kể cả xe đạp, xe máy, tổ chức trông giữ ôtô đỗ trong bến xe.

- Tổ chức các hoạt động dịch vụ phục vụ hành khách và lái xe, dịch vụ kỹ thuật cho các phương tiện vận tải.

- Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có nhiệm vụ quản lý nhà nước đảm bảo trật tự trị an, đảm bảo mỹ quan và vệ sinh môi trường trong bến.

- Đưa xe vào bến xếp khách theo biên bản hiệp thương của các chủ phương tiện cùng tham gia hoạt động trên tuyến và biểu đồ vận hành đã được Sở GTVT (GTCC) phê duyệt.

Bến xe khách được cơ quan quản lí nhà nước uỷ quyền thực hiện một số nhiệm vụ sau:

+ Kiểm tra việc chấp hành thể lệ vận chuyển hành khách bằng ôtô đối với các phương tiện hoạt động tại bến xe khách.

+ Kiểm tra các thủ tục, giấy tờ của phương tiện và người lái theo quy định hiện hành khi hoạt động tại bến xe khách.

+ Trực tiếp giải quyết chế độ ưu đãi cho hành khách đi xe được hưởng theo quy định của nhà nước và của Bộ GTVT.

14.2 Quyền hạn của bến xe khách:

- Bến xe khách được quyền ký kết hợp đồng với các đơn vị vận tải có đủ thủ tục kinh doanh vận tải hợp pháp và được cơ quan quản lí nhà nước chuyên ngành GTVT cho phép; Nếu được đơn vị vận tải uỷ quyền bến xe khách thay mặt đơn vị vận tải ký kết hợp đồng với các bến xe khách khác.

Hợp đồng thể hiện những cam kết cơ bản giữa bến xe và đơn vị vận tải trên các mặt: bảo đảm số chuyến lượt, giờ xe chạy, chất lượng phương tiện, giá cước vận tải hành khách, giá dịch vụ bến xe, phương thức bán vé, biện pháp thu hút khách, trật tự vệ sinh, thái độ phục vụ.v.v....

Hợp đồng được thoả thuận những điều kiện thưởng phạt về hành chính và kinh tế giữa các bên ký kết.

Hợp đồng nói ở phần trên chỉ áp dụng cho các bến xe có đủ tư cách pháp nhân, hoạt động độc lập. Hợp đồng có giá trị trong 1 năm. Trước 60 ngày hết hạn hợp đồng nếu 2 bến không có văn bản đề nghị thay đổi hợp đồng thì mặc nhiên hợp đồng có giá trị trong năm tiếp theo.

- Ký xác nhận ngày giờ xe xuất bến cho các phương tiện vận tải.

- Bến xe khách có quyền từ chối không cho phương tiện vào bến xếp khách đối với những xe không đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ, lái xe vi phạm nội qui, qui chế phục vụ hành khách.

- Bến xe khách có quyền kiến nghị và phối hợp với các cơ quan: thanh tra giao thông, chính quyền địa phương nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Lập biên bản đối với những lái xe xuất bến không đúng giờ, không đảm bảo số chuyến lượt đã đăng ký, xe chở quá tải, chở hàng lậu, hàng quốc cấm, chất dễ cháy nổ, tinh thần thái độ phục vụ thiếu văn minh lịch sự với hành khách.

- Bến xe khách có quyền yêu cầu đơn vị vận tải khác bố trí xe chạy thay cho các xe hỏng hoặc xe không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc lái xe vi phạm các quy định của bến xe khách.

Điều 15.-

- Bến xe khách tổ chức nhiều hình thức bán vé để phục vụ thuận tiện cho hành khách (như bán vé tại bến, bán vé tại các khu vực tập trung dân cư, bán vé qua điện thoại, bán vé đưa đến tận nhà và đón khách đến bến xe).

- Các đơn vị vận tải được tổ chức các địa điểm bán vé tại các khu vực sau khi được Sở GTVT (GTCC) chấp thuận. Bến xe khách có trách nhiệm hướng dẫn hành khách đã có vé do các đơn vị vận tải bán vào bến đi xe.

- Các điểm bán vé ngoài bến xe khách (của bến xe hoặc đơn vị vận tải) phải có thông tin về bến xe để điều hành chung và bố trí phương tiện vận chuyển.

Điều 16.- Qui trình hoạt động của bến xe khách

Hoạt động của bến xe khách bao gồm hai qui trình chính sau đây:

16.1 Qui trình 1: ôtô vào bến trả khách.

- Hướng dẫn cho ôtô vào vị trí quy định để trả khách.

- Hướng dẫn hành khách xuống xe và mua vé đi tiếp (nếu có yêu cầu).

- Tổ chức xếp dỡ hàng hoá, hành lý, hàng bao gửi cho hành khách.

- Nhận hoặc trả hàng bao gửi (nếu có).

- Làm thủ tục cho hành khách đăng ký tiếp chuyển (nếu là khách đi liên tuyến)

- Hướng dẫn cho ôtô vào vị trí làm vệ sinh xe và kiểm tra an toàn kỹ thuật.

- Hướng dẫn ôtô về vị trí chờ đợi.

16.2 Qui trình 2: ôtô xuất bến

- Làm thủ tục cho ôtô đăng ký vào bến xếp khách.

- Thông tin hướng dẫn hành khách vào cửa mua vé, bán vé cho hành khách (kể cả hành lý, hàng hoá) và những hành khách có vé liên tuyến cần chuyển tiếp tại bến theo yêu cầu.

- Hướng dẫn lái xe đưa ôtô vào vị trí xếp khách.

- Kiểm soát vé hành khách, hành lý khi ra cửa lên ôtô.

- Lập chứng từ vận chuyển và ký tên đóng dấu xác nhận ngày giờ ôtô xuất bến.

Điều 17.- Các khoản thu chi của bến xe khách.

17.1 Khoản thu của bến xe khách bao gồm:

- Thu về hoạt động bán vé: trích tỷ lệ % trong tổng số vé bán ra cho các chuyến xe xuất phát tại bến.

- Thu về xe ra vào bến.

- Thu về bảo vệ các loại xe ôtô đỗ qua đêm trong bến.

- Thu về xếp dỡ, nhận bảo quản, giao nhận hành lý, hàng bao gửi ( kể cả xe đạp, xe máy).

- Thu về các dịch vụ khác như xăng dầu, bảo dưỡng kỹ thuật, ăn nghỉ của lái phụ xe (nếu có).

- Các khoản thu khác.

Các khoản thu trên (trừ hai khoản thu về dịch vụ, thu khác) do Cục ĐBVN quy định mức giá trần, cơ quan có thẩm quyền của tỉnh, thành phố trực thuộc TW quyết định mức cụ thể.

17.2 Khoản chi của bến xe khách :

Các khoản chi và mức chi được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chương 4

THÀNH LẬP VÀ BÃI BỎ BẾN XE KHÁCH

Điều 18.- Thành lập và bãi bỏ bến xe ôtô khách

18.1 Thành lập bến xe khách

Bến xe khách phải được xây dựng theo đúng qui hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu không nằm trong qui hoạch thì phải được bổ sung và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hồ sơ thủ tục do đơn vị lập, Sở GTVT (GTCC) thẩm định, trình UBND tỉnh, thành phố quyết định theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lí đầu tư và xây dựng.

Hồ sơ lập bến xe khách mới bao gồm :

- Đơn xin mở bến xe khách

- Dự án về lập bến xe thể hiện các nội dung cơ bản :

+ Có số liệu điều tra nhu cầu đi lại của hành khách và số lượng phương tiện vận chuyển thông qua bến xe.

+ Số liệu về vốn và nguồn vốn đầu tư.

+ Phương án tổ chức, điều hành quản lí hoạt động của bến xe khách.

- Dự án thiết kế xây dựng bến xe khách.

- Giấy xác nhân quyền sử dụng đất đai tại nơi mở bến xe khách.

- Điều lệ tổ chức hoạt động của bến xe khách .

- Quyết định thành lập doanh nghiệp và chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Khi xây dựng xong bến xe khách mới, Sở GTVT (GTCC) thông báo cho các đơn vị vận chuyển có liên quan và nhân dân biết trước 15 ngày (qua các phương tiện thông tin đại chúng).

18.2 Bãi bỏ bến xe khách

Khi bến xe khách không phù hợp với nhu cầu đi lại của nhân dân trong vùng (vùng kinh tế hay vùng dân cư) hoặc để đảm bảo cho nhu cầu an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội thì đơn vị quản lí bến xe làm văn bản nêu rõ lý do trình cấp quản lí nhà nước có thẩm quyền quyết định bãi bỏ bến xe khách.

Khi có quyết định bãi bỏ đối với bến xe khách đó, đơn vị quản lí bến xe tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định hiện hành và thông báo cho các đơn vị vận tải có liên quan và nhân dân biết trước 15 ngày (trên các phương tiện thông tin đại chúng).

Căn cứ vào điều 13, Sở GTVT (GTCC) kiểm tra các bến xe đang hoạt động theo điều kiện tiêu chuẩn bến xe.

Chương 5

KIỂM TRA, XỬ LÍ VI PHẠM

Điều 19.-

Các Sở GTVT (GTCC) căn cứ nội dung bản Qui chế này, phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng có liên quan tiến hành thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính những bến xe khách thành lập trái với các quy định của Qui chế này.

Các Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông kiểm tra việc đỗ đón khách ngoài bến và lệnh xuất bến của các phương tiện tại các điểm đỗ và trong khu vực bến xe.

Điều 20.-

Mọi trường hợp kiểm tra đối với phương tiện, người lái, hành khách, hành lý, hàng bao gửi đều phải được thực hiện tại bến xe khách (trước giờ xe xuất bến). Trường hợp cần thiết phải giữ ôtô, người điều khiển phương tiện, bến xe khách phải thông báo cho hành khách biết và bố trí cho hành khách có chỗ chờ đợi nghỉ ngơi. Nếu phải kéo dài thời gian quá 60 phút thì thủ trưởng bến xe khách phải có trách nhiệm bố trí xe khác thay thế để phục vụ hành khách đi đúng tuyến đã bán vé.

Bên nào gây ra sự chậm trễ dẫn đến các thiệt hại, thì bên đó phải chịu mọi phí tổn phát sinh.

Điều 21.-

Mọi vi phạm qui chế này và các quy định khác có liên quan đến bến xe khách đều bị xử lí theo các quy định của pháp luật hiện hành.