Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22-CP

Hà Nội, ngày 22 tháng 3 năm 1994

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 22-CP NGÀY 22/3/1994 VỀ NHIỆM VỤ,QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định số 15-CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Bộ Giao thông vận tải là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giao thông và vận tải đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng hải và hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước.

Điều 2.- Bộ Giao thông vận tải thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định tại Nghị định số 15-CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Xây dựng trình Chính phủ quy hoạch, kế hoạch tổng thể về phát triển giao thông vận tải trong cả nước.

Chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Cục chuyên ngành xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông vận tải của địa phương và của chuyên ngành phù hợp với quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển mạng lưới giao thông vận tải cả nước để trình Chính phủ phê duyệt.

2. Chỉ đạo các Cục quản lý chuyên ngành xây dựng các dự án pháp luật (luật, pháp lệnh), chế độ chính sách về quản lý giao thông vận tải chuyên ngành để trình Chính phủ ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền.

3. Theo quy định của Chính phủ ban hành tiêu chuẩn quốc gia, cấp hạng hệ thống cảng biển, cảng sông, cảng hàng không dân dụng và đường bay dân dụng, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, các luồng hàng hải và chỉ đạo các Cục chuyên ngành thực hiện việc công bố vấn đề trên đây.

4. Trình Chính phủ phê duyệt hoặc phê duyệt những công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đồ án thiết kế kỹ thuật, phương án thi công và nghiệm thu công trình giao thông vận tải theo quy định của Chính phủ về quản lý xây dựng cơ bản. Kiểm tra các Cục chuyên ngành trong việc phê duyệt các công trình phân cấp cho Cục phê duyệt.

Quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng các công trình giao thông trong cả nước theo quy định của Chính phủ.

5. Hướng dẫn và kiểm tra việc cấp, gia hạn, thu hồi các chứng chỉ, giấy phép về xây dựng, khai thác, hoạt động của mọi cơ quan, tổ chức có ảnh hưởng đến giao thông và bảo vệ công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển và hàng không dân dụng, kể cả khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay theo luật định và các quy định của Chính phủ.

6. Quy định tiêu chuẩn kỹ thuật các phương tiện giao thông vận tải, thiết bị và phụ tùng về phương tiện giao thông vận tải được sản xuất, nhập khẩu cho phù hợp với đặc tính kỹ thuật, điều kiện kinh tế và an toàn về giao thông ở nước ta.

7. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện luật pháp, chính sách và các quy định của Bộ về quản lý Nhà nước đối với giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng hải và hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước.

Điều 3.- Cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải gồm có:

a) Các tổ chức làm chức năng tham mưu:

- Vụ Kế hoạch - đầu tư,

- Vụ Pháp chế,

- Vụ Quan hệ quốc tế,

- Vụ Khoa học - kỹ thuật,

- Vụ Tài chính - kế toán,

- Vụ tổ chức cán bộ và lao động

- Thanh tra,

- Văn phòng.

b) Các tổ chức quản lý chuyên ngành:

- Cục Đường bộ Việt Nam (thực hiện nhiệm vụ theo Nghị định số 7/CP ngày 30/1/1993 của Chính phủ),

- Cục đường sông Việt Nam (thực hiện nhiệm vụ theo Nghị định số 8/CP ngày 30-1-1993 của Chính phủ)

- Cục Hàng hải Việt Nam (thực hiện nhiệm vụ theo Nghị định số 239/HĐBT ngày 29/6/1992 của Hội đồng Bộ trưởng và Quyết định số 31/TTg ngày 2/2/1993 của Thủ tướng Chính phủ),

- Cục Hàng không dân dụng Việt Nam (thực hiện nhiệm vụ theo Nghị định số 242/HĐBT ngày 30/6/1992 của Hội đồng Bộ trưởng và Quyết định số 36/TTg ngày 6/2/1993 của Thủ tướng Chính phủ),

- Cục Đăng kiểm Việt Nam,

- Cục Giám định và quản lý chất lượng công trình giao thông.

c) Các tổ chức sự nghiệp:

- Viện Khoa học kỹ thuật giao thông vận tải,

- Viện Kinh tế giao thông vận tải,

- Trường Đại học hàng hải,

- Trường Trung học giao thông vận tải khu vực I,

- Trường Trung học giao thông vận tải khu vực II,

- Trường Trung học giao thông vận tải khu vực III,

- Sở Y tế giao thông vận tải,

- Trung tâm Thông tin khoa học kỹ thuật giao thông vận tải,

- Báo Giao thông vận tải.

Điều 4.- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải căn cứ Nghị định này và các Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập các Cục quản lý Nhà nước chuyên ngành thuộc Bộ và điều lệ hoạt động của các Cục đó để quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan giúp Bộ trưởng, các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ để đảm bảo hiệu lực quản lý Nhà nước về giao thông vận tải trong cả nước.

Điều 5.- Nghị định này thay thế Nghị định số 151/HĐBT ngày 12/5/1990 và có hiệu lực từ ngày ban hành.

Điều 6.- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)