Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 713/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 05 tháng 03 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17/11/2010;

Căn cứ Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính Phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản;

Căn cứ Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản;

Căn cứ Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản;

Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 723/TTr-TNMT ngày 27/12/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (có Phương án kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT, Giao thông Vận tải, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân có hoạt động khoáng sản, sử dụng đất và tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khước

 

PHƯƠNG ÁN

BẢO VỆ KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 713/QĐ-UBND ngày 05 tháng 3 năm 2019 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc)

Nhằm đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ có hiệu quả tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh; ngăn chặn, xử lý các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ môi trường, sinh thái, đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản; cụ thể hóa công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Thực hiện quy định tại Điều 16, Điều 17, Điều 18 Luật Khoáng sản, Điều 13 Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ, Điều 17, Điều 18 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 19/11/2016 của Chính phủ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT, QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ CĂN CỨ ĐỂ XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC

1. Sự cần thiết

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, tạo chuyển biến tích cực rõ nét. Hoạt động khoáng sản đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế chung của tỉnh, đáp ứng nguyên vật liệu phục vụ các dự án công trình trọng điểm, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nông thôn mới, phục vụ dân sinh, góp phần tăng ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm. Công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã được các cơ quan chức năng, UBND các cấp quan tâm thực hiện, nên tình trạng khai thác khoáng sản trái phép cơ bản từng bước được kiểm soát chặt chẽ.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đối với một số loại khoáng sản (đất san lấp, cát sỏi xây dựng lòng sông, suối...) ở một số khu vực vẫn tái diễn và tiềm ẩn nguy cơ tái phát; một số cấp ủy đảng chính quyền địa phương chưa thật sự vào cuộc quyết liệt trong công tác bảo vệ khoáng sản.

Việc ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản; thống nhất, phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, các địa phương và cả hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh để triển khai thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; kịp thời ngăn chặn dứt điểm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh;

2. Quan điểm:

- Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo nên phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đạt hiệu quả kinh tế cao;

- Thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược của Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

- Coi trọng công tác phòng ngừa thông qua tuyên truyền, giáo dục nhận thức thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược của Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Quy định rõ trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trái pháp luật;

- Chỉ cho phép tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản khi đã được cơ quan có thẩm quyền (Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh) cấp Giấy phép thăm dò, Giấy phép khai thác khoáng sản. Chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã không được thoả thuận, cho phép các tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản trái pháp luật dưới mọi hình thức. Không cho phép bất cứ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng việc triển khai Dự án đầu tư khác hoặc lợi dụng việc được phép sử dụng đất để thăm dò, khai thác khoáng sản trái pháp luật.

- Phương án được lập nhằm thực hiện nghiêm các chiến lược, chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước về tăng cường bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

3. Mục tiêu

- Bảo vệ và quản lý chặt chẽ khoáng sản chưa khai thác, khu vực đóng cửa mỏ trên địa bàn tỉnh; bảo vệ cảnh quan, môi trường, an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương tại khu vực có khoáng sản;

- Quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân hoạt động khoáng sản trái pháp luật.

- Xây dựng cơ chế phối hợp trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với địa phương liên quan ở khu vực giáp ranh để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép.

- Phát huy trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương các cấp, bảo vệ tốt tiềm năng khoáng sản cả trước mắt và lâu dài nhằm phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh và quốc gia.

4. Căn cứ pháp lý để xây dựng Phương án

- Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17/11/2010;

- Luật Đất đai năm 2013;

- Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;

- Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản;

- Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản;

- Quyết định số 3232/QĐ-UBND ngày 20/11/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;

- Chỉ thị số 03/2013/CT-UBND ngày 14/3/2013 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;

- Quyết định số 07/2013/QĐ-UBND ngày 14/3/2013 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc ban hành Quy định về trách nhiệm, quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

- Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 08/9/2015 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khai thác cát sỏi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;

- Các khu vực khoáng sản đã được quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;

- Thực trạng công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua.

- Văn bản số 6510/UBND-NN4 ngày 28/8/2018 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc xây dựng Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.

II. KHÁI QUÁT VỀ ĐẶC ĐIỂM TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN TỈNH VĨNH PHÚC

Nguồn khoáng sản trong lòng đất Vĩnh Phúc, tuy chưa­ được điều tra một cách có hệ thống và có một số ít mỏ đ­ược thăm dò chi tiết, song những tìm hiểu b­ước đầu của các nhà địa chất cho thấy, so với các tỉnh vùng đồng bằng và trung du, trữ l­ượng khoáng sản Vĩnh Phúc khá phong phú, bao gồm: nhóm khoáng sản nhiên liệu, nhóm kim loại, nhóm phi kim loại và nhóm vật liệu xây dựng. 

- Nhóm khoáng sản nhiên liệu có than đá, than nâu tạo thành những giải hẹp và thấu kính ở các xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo), Bạch L­ưu, Đồng Thịnh (huyện Sông Lô). Ngoài ra, trên đất Vĩnh Phúc có số l­ượng đáng kể than bùn, tập trung ở vùng Văn Quán (Lập Thạch) và Hoàng Đan, Hoàng Lâu (Tam Dương). Than bùn Văn Quán là than Humit chư­a phân huỷ hết. Địa tầng chứa than là cát kết và bột của trầm tích đệ tứ hệ tầng Hà Nội. 

 - Nhóm khoảng sản kim loại gồm các điểm dọc theo đứt gãy sư­ờn Tây Nam dãy Tam Đảo. Đáng chú ý có barit dư­ới dạng tảng lăn ở vùng Đạo Trù, huyện Tam Đảo. Barit ở đây th­ường đi liền với chì, kẽm. Đồng có tại các điểm khoáng ở Suối Son, Đồng Giềng thuộc xã Đạo Trù, Đồng Bùa xã Tam Quan, Hợp Châu và Bản Long xã Minh Quang (huyện Tao Đảo). Đồng ở đây th­ường đi kèm với pirit, pirotin. Vàng đ­ược xác định có khả năng tập trung dọc theo đứt gãy tây nam Tam Đảo, vì ở đây có nhiều mạch thạch anh đư­ợc xác định cùng tuổi với khoáng hoá vàng. Vàng sa khoáng cũng được phát hiện tại các vành phân tán ở Đạo Trù, Minh Quang, Thanh Lanh, Thanh Lộc. Khoáng sản thiếc đư­ợc phát hiện trong sa khoáng ở xóm Giềng xã Đạo Trù, suối Đền Cả xã Đại Đình và ở cả Thanh Lanh. Hàm lư­ợng thiếc ở đây không thật phong phú, song nó vô cùng quan trọng để chế tạo hợp kim đồng thau. Sắt là khoáng sản khá phong phú ở Vĩnh Phúc, chủ yếu tập trung thành 2 giải: Giải quặng sắt Bàn Giản (huyện Lập Thạch). Manhetit ở đây thuộc loại sắt từ để sản xuất sắt từ tính. Giải sắt Khai Quang ở Vĩnh Yên dài hàng chục km nh­ưng không liên tục từ Đạo Tú, Thanh Vân thuộc Tam Dư­ơng qua Định Trung về Khai Quang. Quặng sắt ở đây chủ yếu là hematit và manhetic, hàm lư­ợng đạt tới 40-50%. Trư­ớc đây, ng­ười xư­a đã mở lò luyện sắt ở Thanh Vân - Đạo Tú, để lại hàng vạn tấn xỉ lò và đất đá thải. Ở Hư­ơng Ngọc xã H­ương Sơn cũng có một khu quặng và luyện sắt nh­ư vậy. Ngoài ra ở Đồng Bùa huyện Tam D­ương cũng phát hiện đư­ợc quặng sắt. Chắc hẳn những khoáng sản kim loại này đã góp phần đ­ưa cư­ dân trên đất Vĩnh Phúc xư­a sớm bư­ớc vào thời đại đồng thau. 

- Nhóm khoáng sản phi kim loại có Cao lanh, phân bố ở Tam Dư­ơng, Vĩnh Yên và Lập Thạch. Cao lanh ở Vĩnh Phúc có nguồn gốc phong hoá từ đá alumosilicat như­ granit, plagio granit và các mạch đá aplit, sierit. Có trữ lư­ợng lớn hơn cả và chất l­ượng cao là mỏ Cao lanh ở Định Trung (Vĩnh Yên), kéo dài, không liên tục, tạo thành chuỗi. Cao lanh Định Trung gồm hai loại: cao lanh có nguồn gốc đá granit phong hóa và cao lanh do đá mạch kiềm Pecmatit, sierit được phong hoá triệt để từ các đá thuần fenspat. Cao lanh Định Trung có thể dùng để sản xuất gốm sứ và gạch chịu lửa. Ngoài cao lanh, ở Vĩnh Phúc còn có mica ở Lập Thạch, Vĩnh Yên, Keramzit ở Lập Thạch. 

- Nhóm vật liệu xây dựng bao gồm đất sét làm gạch ngói, đá xây dựng, cuội cát sỏi. Ở Vĩnh Phúc có các mỏ đất sét lớn như­ Đầm Vạc, Quất L­ưu, Bá Hiến. Sét đồng bằng có nguồn gốc trầm tích sông, biển, đầm hồ, có độ mịn cao, dẻo dùng làm nguyên liệu sản xuất đồ gốm. Ở chân các gò đồi trung du chạy dài từ Lập Thạch qua Vĩnh Yên đến Phúc Yên có nhiều vỉa cội quarzit là nguyên liệu rất tốt để chế tạo công cụ bằng đá của ng­ười nguyên thuỷ.

Trong những năm gần đây tốc độ xây dựng công nghiệp, đô thị, đường giao thông, hạ tầng phát triển khá mạnh nên nhu cầu khai thác khoáng sản VLXD thông thường là rất lớn đặc biệt là đất san lấp phục vụ thi công san nền. Các hoạt động khai thác khoáng sản chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của địa phương và các công trình trọng điểm của Nhà nước trên địa bàn tỉnh (Dự án đường Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đê Sông Hồng, Sông Lô kết hợp giao thông…).

Các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản địa bàn tỉnh là các Công ty cổ phần, Công ty TNHH được thành lập theo Luật doanh nghiệp và có đủ các điều kiện khai thác theo quy định của Luật khoáng sản, chủ yếu là các Doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản không lớn do đặc điểm các mỏ, điểm mỏ khoáng sản địa bàn tỉnh phân tán nhỏ lẻ không tập trung. Các hoạt động khai thác khoáng sản (chủ yếu là đất san lấp phục vụ thi công san nền các công trình xây dựng) phục vụ cho nhu cầu của địa phương tỉnh, hoạt động khoáng sản đã gắn liền với bảo vệ môi trường, an ninh, an toàn lao động, sử dụng khoáng sản tiết kiệm và có hiệu quả.

Trong những năm qua thực hiện theo quy định của pháp luật khoáng sản và pháp luật bảo vệ môi trường. Việc cấp phép khai thác khoáng sản được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật khoáng sản. Song song với việc cấp phép và trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản, công tác bảo vệ môi trường luôn được UBND tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm chỉ đạo. Công tác bảo vệ môi trường của các đơn vị được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép khai thác khoáng sản thực hiện dần đi vào nề nếp.

Nhìn chung, các tổ chức được cấp phép hoạt động khoáng sản đã chấp hành các quy định của Luật Khoáng sản và các pháp luật khác có liên quan. Các hoạt động khoáng sản đã cơ bản đáp ứng được nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến và sử dụng khoáng sản, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

III. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHOÁNG SẢN VÀ HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN, CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ KHOÁNG SẢN

1. Đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.

Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trong thời gian qua đã được thực hiện tốt và cơ bản đã đi vào nề nếp. UBND tỉnh đã đã chỉ đạo rà soát, tham mưu hoàn thiện hệ thống các văn bản quản lý về khoáng sản để phù hợp với quy định mới của Luật Khoáng sản năm 2010 và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Vĩnh Phúc. Đến nay, theo thẩm quyền UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về khoáng sản.

a) Về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật: Ngay sau khi Luật khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền đến người dân, các tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài phát thanh truyền hình tỉnh, cổng thông tin điện tử); giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức các hội nghị tập huấn hàng năm để tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên và môi tr­ường, đất đai trong đó có pháp luật khoáng sản, đến các chủ doanh nghiệp, cán bộ chủ chốt cấp xã, phư­ờng địa bàn tỉnh; ban hành nhiều văn bản tuyên truyền hướng dẫn thực hiện luật đến các xã, phường trong tỉnh, thông báo về thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp trong công tác bảo vệ và quản lý hoạt động khoáng sản ở địa phương.

b) Về quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản:

Công tác Quy hoạch thăm dò, khai thác sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh giao Sở Xây dựng (khoáng sản làm VLXDTT) và Sở Công Thương (Than Bùn và khoáng sản còn lại) chủ trì, lập hồ sơ, thủ tục lấy ý kiến các cấp ngành liên quan trên cơ sở đó trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Đến thời điểm hiện nay UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản tại các Quyết định sau:

- Quyết định 2065/QĐ-UBND ngày 15/8/2011 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Quyết định số 156/QĐ-UBND ngày 22/01/2013 Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát sỏi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các Quyết định bổ sung Quy hoạch (Quyết định số 2192/QĐ-UBND ngày 14/8/2014; Quyết định số 903/QĐ-UBND  ngày  15/4/2015; Quyết định số 2240/QĐ-UBND ngày 18/8/2015; Quyết định số 2287/QĐ-UBND ngày 25/8/2015; Quyết định 2866/QĐ-UBND ngày 16/10/2015; Quyết định số 1225/QĐ-UBND ngày 04/4/2016; Quyết định số 1965/QĐ-UBND ngày 14/6/2016; Quyết định số 2489/QĐ-UBND ngày 01/8/2016   về việc Phê duyệt bổ sung và khoanh định các điểm mỏ thăm dò cát, sỏi trên địa bàn tỉnh (không đấu giá) vào quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;

- Quyết định số 134/QĐ-UBND ngày 15/01/2014 Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản nhóm kaolin felspat, sét kaolin trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn năm 2014-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Quyết định 2788/QĐ-CT ngày 12/10/2015 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng than bùn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Quyết định số 1195/QĐ-UBND ngày 31/3/2016 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt Quy hoạch khoáng sản vật liệu thông thường (đất san lấp) phục vụ các công trình trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;

Quy hoạch khoáng sản của tỉnh về cơ bản bảo đảm phù hợp với quy hoạch khoáng sản của cả nước và quy hoạch vùng, lĩnh vực;

c) Công tác khoanh định các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản:

- Nhiệm vụ khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành sau khi xin ý kiến đóng góp của các Sở, Ban; ngành; UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh và xin ý kiến đóng góp của 09 Bộ, ngành Trung ương. Sau khi nghiêm túc tiếp thu, bổ sung hoàn thiện Báo cáo, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Ngày 09/3/2017 Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 349/TTg-CN về việc đồng ý kết quả khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc như đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại văn bản 686/BTNMT-ĐCKS ngày 22/02/2017 và ủy quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt, công bố khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản theo đúng quy định.

- Ngày 20/11/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tại Quyết định số 3232/QĐ-UBND , tổng diện tích khu vực cấm hoạt động khoáng sản là 372.927.702,96 m2 (37.292,77ha), với tổng số 1.676 danh mục cấm hoạt động khoáng sản (gồm 268 danh mục dạng vùng, 1382 danh mục dạng điểm và 26 danh mục dạng tuyến). 

d) Công tác thẩm định, cấp phép hoạt động khoáng sản:

- Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản đối với các loại khoáng sản theo thẩm quyền của UBND tỉnh được thực hiện phù hợp với quy hoạch và đúng quy định của pháp luật khoáng sản và pháp luật có liên quan. Công tác tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản theo hướng cải cách thủ tục hành chính đã từng bước bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về khoáng sản, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản.

- Các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các Doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản không lớn do đặc điểm các mỏ, điểm mỏ khoáng sản địa bàn tỉnh phân tán nhỏ lẻ không tập trung. Các hoạt động khai thác khoáng sản (chủ yếu là cát, sỏi, đất san lấp phục vụ thi công san nền các công trình xây dựng phục vụ cho nhu cầu của địa phương tỉnh), hoạt động khoáng sản đã gắn liền với bảo vệ môi trường, an ninh, an toàn lao động, sử dụng khoáng sản tiết kiệm và có hiệu quả.

e) Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát khoáng sản đã được tăng cường. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã nâng cao hơn trách nhiệm của các cấp chính quyền. UBND cấp huyện, xã đã có nhiều cố gắng thực hiện các biện pháp để tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn. Các hoạt động khoáng sản trái phép đã được phát hiện, ngăn chặn và xử lý.

- UBND tỉnh thành lập nhiều đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trên tuyến Sông Hồng; thanh tra liên ngành tình hình khai thác đất san lấp trên địa bàn huyện Tam Dương, Tam Đảo, Bình Xuyên, tp Vĩnh Yên và thành phố Phúc Yên… qua các cuộc thanh tra đã giải quyêt được hàng chục vụ vi phạm về hoạt động khoáng sản và giải quyết nhiều các đơn thư kiên nghị.

- Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường trong những năm qua đã tập trung giải quyết những vấn đề đơn thư kỉến nghị, khiếu kiện, khai thác trái phép và thanh tra việc chấp hành các quy định trong giấy phép hoạt động khoáng sản của các đơn vị.

- UBND tỉnh giao Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan và chủ động lập kế hoạch kiểm tra xử lý những vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản. Từ năm 2011 đến hết năm 2016, Công an tỉnh đã phát hiện bắt giữ 528 vụ, với 669 tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép; xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 9.528.615.000đ (Chín tỷ năm trăm hai mươi tám triệu sáu trăm mười năm nghìn đồng). Cụ thể:

+ Năm 2011, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành 32 cuộc thanh tra về lĩnh vực khoáng sản. Qua thanh tra, đã phát hiện các trường hợp vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 tổ chức khai thác khoáng sản trái phép và 35 cá nhân khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Công an tỉnh phát hiện bắt giữ 75 vụ, 91 tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép; xử phạt vi phạm hành chính số tiền 899.000.000đ (Tám trăm chín mươi chín triệu đồng).

+ Năm 2012, Tiến hành 45 cuộc thanh tra về lĩnh vực khoáng sản. Qua thanh tra đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 03 tổ chức vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản và 13 cá nhân vi phạm hành vi khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Lực lượng Công an phát hiện bắt giữ 78 vụ, 104 tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép; xử phạt vi phạm hành chính số tiền 773.750.000đ (Bảy trăm bảy mươi ba triệu bảy trăm năm mươi nghìn đồng).

+ Năm 2013, thực hiện Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 14/03/2013 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc Về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, thành lập 05 cuộc thanh tra đối với 37 đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh và một số cuộc thanh tra đột xuất về tình trạng khai thác đất đá, cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh, kiểm tra tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn các huyện Tam Dương, Tam Đảo, Bình xuyên, Vĩnh Tường, thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên, kiểm tra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Vĩnh Tường, kiểm tra việc sử dụng đất làm bến bãi tập kết cát sỏi của một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Dương. Phát hiện bắt giữ 64 vụ, 104 tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép; xử phạt vi phạm hành chính số tiền 908.850.000đ (Chín trăm linh tám triệu tám trăm năm mươi nghìn đồng).

+ Năm 2014 phát hiện bắt giữ vụ 76 vụ, 93 tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép; xử phạt vi phạm hành chính số tiền 1.072.000.000đ (Một tỷ không trăm bảy mươi hai triệu đồng).

+ Năm 2015: Phát hiện, xử lý 115 vụ, 127 tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép; xử phạt vi phạm hành chính số tiền 4.419.000.000đ (Bốn tỷ bốn trăm mười chín triệu đồng).

+ Năm 2016: thanh tra Sở TNMT tiến hành thanh tra đối với 06 đơn vị chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường đối với các đơn vị khai thác cát, sỏi trên tuyến Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Kiểm tra theo kế hoạch hàng năm đối các đơn vị khai thác khoáng sản: 06 đơn vị (03 mỏ đất san lấp, 03 mỏ khai thác đá xây dựng); kiểm tra thực địa các điểm mỏ hết hiệu lực thực hiện việc đóng cửa mỏ theo quy định trên địa bàn huyện Bình Xuyên và huyện Tam Dương 10 điểm mỏ. Phát hiện, xử lý 120 vụ, 150 tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép; xử phạt vi phạm hành chính số tiền 1.456.015.000đ (Một tỷ bốn trăm năm mươi sáu triệu không trăm mười lăm nghìn đồng).

- Công tác thanh tra đã đã góp phần thúc đẩy hoạt động khoáng sản trên địa bàn đúng quy định, ngăn ngừa các vi phạm trong hoạt động khoáng sản, làm ổn định hoạt động khoáng sản trên địa bàn, đảm bảo quyền và nghĩa vụ cho các đơn vị được phép hoạt động khoáng sản và nhân dân địa phương nơi có hoạt động khoáng sản.

- Tuy nhiên, công tác Quản lý nhà nước và công tác thanh tra, kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do còn thiếu trang thiết bị, phương tiện, nhân lực. Đặc biệt công tác thanh tra khai thác cát sỏi thuộc địa bàn sông nước và nằm trên ranh giới giữa hai tỉnh rất khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các đối tượng khai thác trái phép;

Trước năm 2012, tình hình ANTT liên quan đến việc khai thác cát trên các tuyến sông diễn ra hết sức phức tạp đặc biệt là tuyến sông Lô. Các đối tượng hoạt động khai thác cát sỏi trên sông chủ yếu có thành phần phức tạp, tập trung nhiều đối tượng cộm cán, giang hồ.

Từ năm 2012 đến nay do có sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an trong đó có cả Công an tỉnh và Bộ Công an, tình hình khai thác cát sỏi trên Sông Lô có chiều hướng ổn định. Tuy nhiên, tranh chấp khai thác cát sỏi trên các tuyến Sông luôn tiềm ẩn, bùng phát bất cứ lúc nào, khai thác trái phép luôn diễn ra khi có cơ hội, đòi hỏi các cơ quan quản lý và các cấp, ngành nói chung và lực lượng Công an nói riêng tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn nữa thì tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, các vi phạm pháp luật về khai thác cát sỏi mới được ngăn chặn và ổn định.

f) Về công tác thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản:

Thực hiện Nghị định 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ  Quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn thẩm định hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Tính đến 30/9/2018 đã thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt tổng cộng 126 hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (trong đó bao gồm các dự án khai thác khoáng sản; dự án khác (khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình) có thu hồi sử dụng khoáng sản; dự án nạo vét lường ĐTNĐ có thu hồi khoáng sản và hạ cốt đất thổ cư có khai thác vận chuyển đất san lấp ra ngoài đến các công trình khác dể sử dụng), với tổng số tiền phê duyệt là: 106.292.388.287 đồng (Một trăm linh sáu tỷ, hai trăm chín mươi hai triệu, ba trăm tám mươi tám ngàn, hai trăm tám mươi bảy  đồng) trong đó bao gồm cả số tiền nhà nước chưa thu của giai đoạn luật khoáng sản có hiệu lực (01/7/2011) đến ngày Nghị định 203/2013/NĐ-CP có hiệu lực (20/01/2014), cụ thể:

+ Đất san lấp (bao gồm cả hồ sơ khai thác đất dự án): 81 hồ sơ

+ Cát sỏi:  29 hồ sơ;

+ Đá xây dựng: 11 hồ sơ;

+ Nạo vét luồng đường thuỷ nội địa có thu hồi sản phẩm: 05 hồ sơ

g) Công tác kỹ quỹ cải tạo, phục hồi môi trường:

Trong giai đoạn 2007-2017, tỉnh đã tổ chức thẩm định, phê duyệt 32 báo cáo đánh giá tác động môi trường; 01 đề án bảo vệ môi trường chi tiết đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản; 25 phương án cải tạo phục hồi môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xác nhận 10 Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, 15 kế hoạch bảo vệ môi trường, UBND cấp huyện xác nhận 56 Bản cam kết bảo vệ môi trường (đa số trong đó có xác nhận nhiều bản cam kết đối với các dự án hạ cốt, tận thu trong quá trình thực hiện dự án ...) và 58 dự án cải tạo phục hồi môi trường;

 Công tác kỹ quỹ cải tạo, phục hồi môi trường được thực hiện theo Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg ngày 29/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản; Quyết định số 18/2013/QĐ-TTg ngày 29/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản; Thông tư số 34/2009/TT-BTNMT ngày 31/12/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định về lập, phê duyệt, kiểm tra, xác nhận Dự án cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản; Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Từ khi quyết định số 71/2008/QĐ-TTg ngày 29/5/2008 có hiệu lực các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh luôn chấp hành việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, tổng số tiền ký quỹ tính đến 31/12/2017 được nộp tại Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Vĩnh Phúc là 10.109.458.811 (Mười tỷ một trăm linh chín triệu, bốn trăm năm mươi tám ngàn, tám trăm mười một đồng).

2. Đối với hoạt động khoáng sản.

Trong giai đoạn 2007 đến nay (9/2018), UBND tỉnh đã cấp (bao gồm cả giấy phép khai thác khoáng sản ở khu vực có Dự án đầu tư xây dựng công trình): 11 điểm mỏ khai thác đá xây dựng; 86 điểm mỏ khai thác đất làm vật liệu san nền; 25 điểm mỏ khai thác cát sỏi; 07 điểm khai thác tận thu đá có hàm lượng felspat và 01 điểm tận thu than bùn.

Trong số điểm mỏ đã cấp phép thì có 08 điểm mỏ không tiến hành khai thác, có 80 điểm mỏ đã hết hạn (thực hiện đóng cửa mỏ hoặc được chủ dự án kết thúc khai thác bàn giao lại cho các chủ hộ sử dụng đất sử dụng). Các điểm mỏ này chủ yếu là đất san lấp hiện nay đã được giao quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý (đất 49 năm).

Nhìn chung, các điểm mỏ đất san lấp và đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và phân tán; Các điểm mỏ này cung cấp vật liệu xây dựng thông thường và đất san lấp cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc như các dự án phát triển khu công nghiệp, đô thị, hạ tầng giao thông... và dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Các điểm mỏ trước khi cấp phép khai thác đã được phê duyệt quy hoạch địa điểm, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh; có hồ sơ về môi trường được phê duyệt (đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường) và đã được quản lý hoạt động theo quy định của pháp luật. Về cơ bản các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản đã chấp hành các quy định của pháp luật khoáng sản và các quy định khác có liên quan.

Hiện nay, có 50 điểm mỏ có giấy phép còn hiệu lực do UBND tỉnh cấp, không có Giấy phép nào của các Bộ, ngành, Trung ương cấp. Trong đó chủ yếu là Giấy phép khai thác đất san lấp phục vụ san nền thi công các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh (có biểu mẫu danh sách kèm theo).

3. Đối với công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/2013/CT-UBND ngày 14/3/2013 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và Quyết định số 07/2013/QĐ-UBND ngày 14/3/2013 Ban hành Quy định về trách nhiệm, quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Thời gian qua, công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được các ngành, địa phương thực hiện thường xuyên kiểm tra, giải tỏa các khu vực khai thác khoáng sản trái phép.

UBND tỉnh đã rất quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường công tác kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn và kiên quyết xử lý vi phạm để hạn chế việc khai thác khoáng sản trái phép, vì vậy tình trạng khai thác trái phép đất san lấp trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; Huy động và chỉ đạo phối hợp các lực lượng trên địa bàn để giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép tại địa phương.

- Thông báo đến các Chủ đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn cấp huyện quản lý có nhu cầu về đất san lấp, yêu cầu các nhà thầu, thi công phải sử dụng nguyên vật liệu san lấp có nguồn gốc hợp pháp (được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác) để thi công công trình, trường hợp sử dụng nguồn vật liệu san lấp không có nguồn gốc hợp pháp thì không quyết toán được khối lượng công trình.

 - Chỉ đạo và yêu cầu Chủ tịch UBND cấp xã tăng cường kiểm tra, giám sát việc khai thác khoáng sản trên địa bàn quản lý, có biện pháp xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Nghiêm cấm việc lợi dụng tính cấp thiết của công trình để thực hiện việc mua bán, khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép vi phạm pháp luật.

Mặc dù vậy vẫn còn một số dự án, các đơn vị thi công không xin cấp phép khai thác, không lấy đất san nền ở các mỏ đã được cấp phép mà mua của nhân dân dẫn đến trình trạng khai thác trái phép nhỏ lẻ vẫn xảy ra.

4. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân:

a) Những tồn tại, hạn chế:

- Công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã được tăng cường xong việc tổ chức thực hiện chủ yếu theo sự chỉ đạo, các hoạt động còn mang tính hình thức, phong trào theo thời điểm, chưa đi vào chiều sâu, chưa tạo được thói quen duy trì thường xuyên, chưa thực sự đồng đều ở các huyện.

- Các cấp, các ngành chưa thực sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý khoáng sản. Nhận thức, hiểu biết và trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của một số cấp ủy chính quyền địa phương cấp xã và các tổ chức, cá nhân vẫn còn hạn chế; một số cấp ủy chính quyền địa phương cấp xã chưa chủ động phát hiện và ngăn chặn kịp thời khai thác khoáng sản trái phép hoặc việc triển khai còn chậm.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thời gian qua công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác còn bộc lộ tồn tại, hạn chế. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra trên địa bàn tỉnh  (chủ yếu là khai thác cát sỏi lòng sông và đất đồi làm vật liệu san lấp). Hoạt động khai thác trái phép không xảy ra thường xuyên, liên tục tại một vị trí mà xảy ra nhiều lần, nhưng vào các thời điểm khác nhau. Mức độ khai thác trái phép có quy mô nhỏ lẻ, nhưng đã làm thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến cảnh quan, môi trường; ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương. Một số địa phương đã để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Cụ thể như sau:

(1) Tình trạng khai thác đất san lấp trái phép: Chủ yếu xảy ra trên địa bàn các xã, phường, thị trấn sau: Đồng Thịnh, xã Tứ Yên… thuộc huyện Sông Lô; Văn Quán, Đồng Ích, Xuân Lôi, Tử Du, Liễn Sơn, Bàn Giản, Liên Hòa… thuộc huyện Lập Thạch; Hợp Hòa, xã Kim Long, Hướng Đạo, Hoàng Hoa, Đồng Tĩnh, Đạo Tú... thuộc huyện Tam Dương; Tam Quan, Đại Đình, Hồ Sơn, Bồ Lý, Đạo Trù, Yên Dương… thuộc huyện Tam Đảo; Sơn Lôi, Trung Mỹ… thuộc Huyện Bình Xuyên; Định Trung, Khai Quang, Liên Bảo… thuộc thành phố Vĩnh Yên.

(2) Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép:  Chủ yếu xảy ra trên địa bàn các xã, phường, thị trấn sau: Đức Bác, Phương Khoan, Đôn Nhân… thuộc huyện Sông Lô; Trung Hà, Hồng Châu, Đại Tự, Trung Kiên… huyện Yên Lạc;  Vĩnh Ninh, Vĩnh Thịnh… thuộc huyện Vĩnh Tường.

b) Nguyên nhân:

* Nguyên nhân khách quan:

- Chính sách, pháp luật về khoáng sản còn có những bất cập, chưa phù hợp với thực tế, thiếu hoặc chậm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể hoặc chậm được bổ sung, sửa đổi gây khó khăn trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện, như: thiếu các chế tài, cơ chế chính sách hoặc chế tài xử lý vi phạm chưa phù hợp với hành vi, đối tượng hoặc chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe;

- Nhu cầu đất san lấp, cát, sỏi làm vật liệu xây dựng quá lớn, nhu cầu khối lượng khoáng sản trên thực tế cao hơn khối lượng được cấp phép khai thác khoáng sản là nguyên nhân của việc khai thác trái phép diễn ra tại một số nơi trên địa bàn.

- Cơ quan thuế thực hiện thu thuế, phí trên cơ sở số liệu kê khai của các doanh nghiệp, không có đủ công cụ pháp lý để kiểm tra, xác định số liệu kê khai của doanh nghiệp.

- Hoạt động khai thác cát, sỏi diễn ra trên sông nước, trong khi đó hầu hết các cơ quan quản lý không có phương tiện di chuyển trên sông. Mặt khác, các tuyến sông này (sông Lô, sông Hồng) lại nằm giữa hai tỉnh nên việc quản lý, giám sát gặp rất nhiều khó khăn, trong khi việc phối hợp giữa các địa phương còn chưa chặt chẽ.

* Nguyên nhân chủ quan:

- Công tác tuyên truyền, phổ biến phát luật về khoáng sản chủ yếu tập trung vào đối tượng là cán bộ quản lý, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản, chưa tổ chức tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục đến mọi người dân.

- Công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khoáng sản trái phép đã được tăng cường, nhưng việc xử lý sau kiểm tra chưa triệt để. Các cấp, ngành chưa có cơ chế đồng bộ quản lý về quản lý tài nguyên khoáng sản gắn với quản lý đất đai, sự phối hợp của chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã nhiều khi không kịp thời. Hình thức xử lý vi phạm chưa nghiêm.

- Một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận đã bất chấp pháp luật hoặc lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để tiến hành khai thác khoáng sản trái phép;

- Lực lượng cán bộ làm công tác quản lý, cán bộ thanh tra chuyên ngành còn quá mỏng;

- Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm được giao trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; chưa quan tâm đúng mức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đối với công tác quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; chưa kịp thời phát hiện, tổ chức lực lượng kiên quyết ngăn chặn đứt điểm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; việc xử lý đối với các hành vi vi phạm còn chưa nghiêm; có nơi còn buông lỏng quản lý, không ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện, chủ yếu đùn đẩy lên các cơ quan của tỉnh, nhiều địa phương khi được thanh tra, kiểm tra thì báo cáo là không biết, không phát hiện (Thực tiễn cho thấy, địa phương nào cấp ủy chính quyền quan tâm thực hiện quyết liệt, thì ở đó không có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép).

Ngoài ra, trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác các địa phương còn một số khó khăn như: Kinh phí phục vụ cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác chưa được xác định cụ thể; ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế; công tác phối hợp, trao đổi thông tin liên quan đến công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép giữa các địa phương giáp ranh còn hạn chế.

IV. NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN

1. Đối tượng khoáng sản chưa khai thác cần bảo vệ

a) Các khu vực đã cấp phép thăm dò khoáng sản nhưng chưa khai thác: Có 19 điểm mỏ (Phụ lục 1 kèm theo).

b) Các khu vực khai thác khoáng sản đã hết hạn, trả lại và đóng cửa mỏ

Tính đến tháng 9/2018 có 80 điểm mỏ đã hết hạn (thực hiện đóng cửa mỏ hoặc được chủ dự án kết thúc khai thác bàn giao lại cho các chủ hộ sử dụng đất sử dụng). Các điểm mỏ này chủ yếu là khai thác đất san lấp, kể từ khi giấy phép hết hạn các doanh nghiệp đã dừng hoạt động khai thác. (Phụ lục 2 kèm theo)

Một số mỏ hết hạn giấy phép đã hoàn thành việc đóng cửa mỏ, có Quyết định đóng cửa mỏ được giao lại cho các chủ hộ sử dụng đất sử dụng, chính quyền địa phương quản lý, có kế hoạch sử dụng đất vào các mục đích khác theo quy hoạch. Một số mỏ hết hạn khai thác nhưng chưa hoàn thành việc đóng cửa mỏ (đang thực hiện đóng cửa mỏ) Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu và UBND tỉnh đã có văn bản 5470/UBND-NN4 ngày 25/7/2018 về việc đóng cửa mỏ của các mỏ khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực giấy phép, khó khăn trong việc thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, Sở Tài nguyên và Môi trương đang phối hợp cùng UBND các huyện và đơn vị liên qua triển khai thạc hiện.

c) Các khu vực khai thác khoáng sản còn hiệu lực: Có 50 điểm mỏ có giấy phép còn hiệu lực, trong đó có 02 điểm mỏ không khai thác (Phụ lục 3 kèm theo).

d) Các khu vực nằm trong các quy hoạch khoáng sản của địa phương và Trung ương

- Các khu vực mỏ thuộc Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thuộc thẩm quyền quản lý, cấp phép của cơ quan Trung ương.

- Các khu vực khoáng sản đã được quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

- Khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc khoanh định và ban hành tại Quyết định số 2662/QĐ-UBND ngày 05/10/2017.

e) Các khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản

Khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 3232/QĐ-UBND ngày 20/11/2017.

2. Các giải pháp thực hiện

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ quản lý các cấp, doanh nghiệp và nhân dân về hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, vai trò, trách nhiệm và quyền hạn đối với công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định tại Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 81 Luật khoáng sản; Điều 17, Điều 20 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ; các Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản tại các khu vực giáp ranh giữa tỉnh Vĩnh Phúc với các các tỉnh giáp ranh và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Đa dạng hóa, đa hình thức trong công tác tuyên truyền, sự nỗ lực của các ngành, các cấp làm chuyển biến nhận thức và sự hiểu biết cho tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, từ đó tích cực đấu tranh với các hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép.

b) Quản lý quy hoạch khoáng sản và công khai bảo vệ khoáng sản chưa khai thác

- Công khai quy hoạch khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, khu vực cấm và khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực cấp phép và khu vực chưa cấp phép hoạt động khoáng sản;

- Tham mưu kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý các khu vực có khoáng sản mới phát hiện; khu vực có khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường làm nguyên liệu phục vụ cho việc xây dựng, san lấp công trình hạ tầng kỹ thuật và các dự án thu hút đầu tư; khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, làm căn cứ để thực hiện công tác quản lý cấp phép theo quy định của pháp luật khoáng sản hiện hành;

- Khuyến khích các đơn vị được cấp mỏ đầu tư chế biến sâu; đối với đơn vị không được cấp mỏ chỉ cho phép đầu tư chế biến sâu khi chủ động được nguồn nguyên liệu hợp pháp; các đơn vị đầu tư mới cơ sở chế biến sâu khoáng sản phải bằng công nghệ, thiết bị hiện đại để đảm bảo phát triển bền vững (chất lượng sản phẩm cao, tiết kiệm tài nguyên và ít tác động xấu đến môi trường);

- Nâng cao hiệu quả việc khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản để tạo nhiều việc làm mới cho người lao động đặc biệt là lao động địa phương; góp phần tăng thu ngân sách địa phương phục vụ tái đầu tư phát triển kinh tế và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản.

c) Kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động khoáng sản trái phép

- Thành lập tổ công tác liên ngành để nắm bắt thông tin, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh, thành phần tổ công tác gồm các thành viên thuộc các cơ quan Công an, Tài nguyên Môi trường, Giao thông vận tải, UBND cấp huyện, thành phố và UBND các xã phường thị trấn, trong đó lực lượng nòng cốt là Công an tỉnh. Tổ công tác hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép; thường xuyên giám sát các khu vực khoáng sản có nguy cơ xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; công khai đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh từ cơ quan báo chí, tổ chức, cá nhân về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tái diễn  trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

d) Tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp các giữa tỉnh, các sở ngành với UBND cấp huyện và UBND cấp xã

- Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo lĩnh vực và địa bàn quản lý. Thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp trong công tác quản lý khoáng sản đối với các địa bàn giáp ranh giữa tỉnh Vĩnh Phúc với các tỉnh: Phú Thọ, thành phố Hà Nội, Tuyên Quang. Phát huy chức năng giám sát, quản lý và bảo vệ khoáng sản chưa cấp phép trên địa bàn của các tổ chức chính trị - xã hội.

e) Bố trí kinh phí hợp lý thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác

- Đối với UBND tỉnh: Bố trí kinh phí thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, cân đối từ nguồn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đảm bảo để các Sở ngành liên quan và UBND cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn;

- Đối với các Sở, ban, ngành liên quan: Định kỳ hàng năm (cùng thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước), lập dự toán chi cho nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh theo chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt;

- Đối với UBND cấp huyện, UBND cấp xã: Định kỳ hàng năm (cùng thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước), cơ quan Tài nguyên môi trường cấp huyện, UBND cấp xã lập dự toán chi cho nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, gửi cơ quan Tài chính cấp huyện thẩm định, trình UBND cấp huyện phê duyệt;

Kinh phí thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác bao gồm cả việc mua sắm thiết bị, phương tiện cần thiết tối thiểu phục vụ cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Tùy trường hợp cụ thể hoặc đột xuất cần thiết phải bố trí kinh phí bảo đảm cho hoạt động xử lý vi phạm pháp luật khoáng sản hoặc bổ sung phương tiện chuyên dùng, công cụ hỗ trợ thì các Sở ngành chức năng, UBND cấp huyện theo tình hình thực tế của địa phương để đề xuất, gửi Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.

V. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn toàn tỉnh.

- Cung cấp các thông tin, tài liệu về khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, quy hoạch khoáng sản, khu vực cấp phép hoạt động khoáng sản cho các đơn vị liên quan và các lực lượng chức năng để thực hiện công tác quản lý. Giám sát, theo dõi các hoạt động điều tra cơ bản địa chất khoáng sản, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

- Chủ trì, tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tại các địa bàn thường xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép hoặc có nguy cơ xảy ra khai thác khoáng sản trái phép. Lực lượng nòng cốt là Thanh tra chuyên ngành, Phòng Khoáng sản, Chi cục Quản lý đất đai, Chi cục Bảo vệ môi trường; lực lượng chức năng tại địa phương nơi có hoạt động khoáng sản trái phép; các sở ngành chức năng và Công an tỉnh được huy động tham gia phối hợp để xử lý vụ việc có tính chất phức tạp.

- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, giải quyết các tranh chấp, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về thăm dò, khai thác khoáng sản theo quy định.

- Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các cấp, các ngành được giao nhiệm vụ trong Phương án này; phối hợp với Sở Nội vụ làm rõ trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để xảy ra sai phạm; định kỳ hàng tháng, tổng hợp báo cáo kết quả công tác quản lý bảo vệ khoáng sản trên địa bàn về UBND tỉnh.

- Định kỳ hàng năm, tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản cho các cơ quan quản lý cấp huyện, cấp xã và tổ chức, cá nhân đang hoạt động khoáng sản và nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản cho các cơ quan, lực lượng chức năng liên quan.

2. Sở Công Thương

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch khoáng sản, kịp thời tham mưu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để thực hiện công tác quản lý, đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng khoáng sản phù hợp với tình hình thực tiễn; đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường);

- Chủ trì thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong khu vực hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp..

- Chỉ đạo các đơn vị liên quan trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm hoạt động vận chuyển, tàng trữ, mua bán khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp; đấu tranh phòng chống gian lận thương mại trong lĩnh vực khoáng sản; xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

3. Sở Xây dựng

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu bổ sung khu vực có khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường làm nguyên liệu phục vụ cho việc xây dựng, san lấp công trình hạ tầng kỹ thuật, các dự án, công trình dân sinh vào Phương án khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trong quy hoạch tỉnh;

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan lập và triển khai thực hiện phương án phát triển vật liệu xây dựng (trong quy hoạch tỉnh), đề xuất cơ chế, chính sách, các giải pháp công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh;

- Thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo chức năng nhiệm vụ của ngành đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết các tranh chấp, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực khoáng sản.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo chức năng nhiệm vụ của ngành đối với khu vực nằm trong hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi, đê điều, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; không được tự ý khai thác khoáng sản trong diện tích đất đang sử dụng (khoản 2 Điều 17 Luật khoáng sản);

- Chỉ đạo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão, Chi cục Thủy lợi, Chi cục Kiểm lâm, các Ban Quản lý trực thuộc Sở ngoài chức năng nhiệm vụ được giao phải có biện pháp phát hiện, ngăn chặn ngay các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản, tập kết khoáng sản trong phạm vi bảo vệ của các công trình thủy lợi, đê điều, các công trình kết cấu hạ tầng cấp nước, thoát nước do đơn vị đang quản lý theo quy định và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

5. Sở Giao thông - Vận tải

- Chủ trì thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo chức năng nhiệm vụ của ngành đối với khu vực nằm trong phạm vi quản lý bảo vệ của công trình kết cấu hạ tầng giao thông;

- Rà soát các tổ chức, cá nhân hoạt động bến thủy nội địa, hoạt động kinh doanh, vận chuyển, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng nhưng không được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa để đề xuất xử lý theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp Công an tỉnh có biện pháp quản lý các phương tiện khai thác cát trên sông theo quy định của pháp luật (về an toàn vận tải đường thủy nội địa; việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện khai thác, vận chuyển cát trên lòng sông; việc đăng ký số lượng, chủng loại, thiết bị và gắn biển hiệu các phương tiện khai thác cát...).

- Chủ trì chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý, phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vận chuyển, lưu hành xe ôtô chở khoáng sản quá tải trọng, quá khổ giới hạn làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến đường do Sở GTVT quản lý;

- Chủ trì kiểm tra, giám sát hoạt động và nghiệm thu đối với các dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy, tận thu khoáng sản được duyệt trên các tuyến đường thủy theo phân cấp quản lý.

6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chủ trì thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo chức năng nhiệm vụ của ngành đối với khu vực nằm trong phạm vi quản lý về di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; khi phát hiện có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trong khu vực quản lý bảo vệ, phải kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo và phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng biết để phối hợp xử lý.

7. Sở Tài chính

- Tổng hợp kinh phí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của các cấp, các ngành; hướng dẫn việc xây dựng dự toán kinh phí và thẩm định dự toán chi cho nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định.

- Chịu trách nhiệ tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác từ nguồn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ.

- Tăng cường kiểm tra công tác thanh, quyết toán công trình và kiên quyết không cho thanh quyết toán đối với việc sử dụng nguyên vật liệu, khoáng sản không có nguồn gốc, khai thác trái phép…

8. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo các cơ quan thông tin, tuyên truyền của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản và các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tổ chức, cá nhân nắm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định của Luật Khoáng sản và theo Phương án này;

- Kịp thời thông tin về việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong các khu vực đất thuộc hành lang hoặc phạm vi bảo vệ công trình thông tin liên lạc, được khoanh định vào khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản.

9. Công an tỉnh

- Chỉ đạo tổ chức thực hiện đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực khoáng sản. Ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là khai thác khoáng sản có tác động xấu đến môi trường, gây sạt lở đất đai, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh, tàng trữ và vận chuyển khoáng sản trái phép.

- Chỉ đạo thực hiện bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại khu vực thuộc đất dành riêng cho an ninh, các khu vực quy hoạch đất an ninh.

- Phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành có liên quan thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; hoạt động mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

- Phối hợp chặt chẽ với Công an các tỉnh, thành phố bạn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép (đặc biệt là khoáng sản cát sỏi lòng sông) khu vực giáp ranh giữa tỉnh Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành phố.

- Phối hợp bố trí lực lượng để giải tỏa, xử lý các điểm nóng về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh khi có chỉ đạo của UBND tỉnh.

10. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh

- Chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Ban Chỉ huy quân sự các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng liên quan thực hiện tốt công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn huyện; phát hiện, đấu tranh và phối hợp xử lý nghiêm hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép tại khu vực có liên quan thuộc phạm vi quản lý;

- Thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đối với các khu vực đất quy hoạch dành cho mục đích quốc phòng hoặc hoạt động khoáng sản có thể gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, được khoanh định vào khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản;

- Phối hợp bố trí lực lượng để giải tỏa, xử lý các điểm nóng về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh khi có chỉ đạo của UBND tỉnh.

11. Cục Thuế tỉnh

Tăng cường công tác quản lý thu thuế; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản có hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Tham mưu UBND tỉnh xử lý về thuế đối với hành vi khai thác, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép theo quy định pháp luật.

- Trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với Công an tỉnh trong xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế như: Trốn thuế, mua bán hóa đơn…

12. Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Phúc

Phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản và các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác bằng nhiều hình thức và phương pháp phù hợp. Kịp thời biểu dương trên phương tiện truyền thông đối với các tập thể, cá nhân điển hình thực hiện tốt và hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; đồng thời phản ánh trung thực, khách quan đối với những địa phương thực hiện không có hiệu quả công tác bảo vệ khoáng sản thuộc phạm vi quản lý.

13. UBND các huyện, thành phố

- Tăng cường thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản trên địa bàn quản lý, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Triển khai, quy định rõ trách nhiệm của các Phòng, ban, đơn vị có liên quan, đặc biệt UBND cấp xã trong việc thực hiện Phương án này.

- Có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý và tổ chức thực hiện đúng các quy định tại: Khoản 2, Điều 18 của Luật Khoáng sản và Khoản 2, Điều 17 của  Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 19/11/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Khoáng sản (Chủ trì phổ biến và triển khai Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; tổ chức lực lượng tiến hành giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc nhận được tin báo; kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý trong trường hợp không ngăn chặn được hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm gửi UBND tỉnh báo cáo về tình hình bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương...)

- Thành lập lực lượng thường trực, lập đường dây nóng, phân công lãnh đạo và cán bộ chuyên môn phụ trách địa bàn xã, đảm bảo việc tiếp nhận thông tin liên lạc thông suốt 24/24 giờ, để kịp thời xử lý hoặc phối hợp xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện;

- Tổ chức ký quy chế phối hợp bảo vệ khoáng sản đối với vùng giáp ranh thuộc địa giới hành chính từ 02 huyện trở lên (đối với khu vực có khoáng sản), làm cơ sở để phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khoáng sản trái phép, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý khoáng sản;

- Hàng năm chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cụ thể tại địa phương, đồng thời lập dự toán chi cho các nhiệm vụ theo kế hoạch cùng với thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hằng năm gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, quyết định; Xây dựng kế hoạch, thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của UBND cấp xã; tăng cường kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền đối với các đơn vị được cấp Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; xử lý, kiểm điểm hoặc kiến nghị xử lý, kiểm điểm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm;

- Chỉ đạo phòng ban chuyên môn rà soát, bổ sung biển báo, tổ chức giao thông phù hợp với tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các sai phạm trong quá trình khai thác vận chuyển khoáng sản trên địa bàn;

- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản xác định vị trí, khu vực quy hoạch bến bãi tập kết vật liệu, sản phẩm sau khai thác; tiến hành rà soát, báo cáo, đề xuất gửi Sở Xây dựng xem xét đưa vào quy hoạch.

- Có trách nhiệm tổng hợp các khoáng sản mới phát hiện báo cáo UBND tỉnh để bổ sung vào phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác;

- Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các Sở, ngành liên quan trong quá trình các Sở ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, quyền hạn hoặc các nhiệm vụ định kỳ, đột xuất UBND tỉnh giao.

- Thực hiện triển khai một số biện pháp ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép:

+ Khi phát hiện hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép phải chủ động huy động, tổ chức ngay lực lượng để giải tỏa, ngăn chặn; lập Biên bản hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân; xử lý theo thẩm quyền (xử lý hành vi thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép theo quy định của Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản và các quy định khác có liên quan), trường hợp hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý hành chính, phải báo cáo cơ quan cấp trên để xử lý theo quy định.

+ Đối với các trường hợp phức tạp, nằm ngoài tầm kiểm soát, đã tổ chức lực lượng và có các biện pháp xử lý nhưng vẫn không thể giải quyết phải kịp thời báo cáo cơ quan cấp trên. Các trường hợp khẩn cấp có thể thông báo qua điện thoại, nhưng sau đó phải có văn bản báo cáo cụ thể.

- UBND cấp huyện nếu để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không giải tỏa dứt điểm, để tái diễn, kéo dài; gây bức xúc trong dư luận, tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trường hợp phát hiện cán bộ, công chức bao che, tiếp tay cho hoạt động khoáng sản trái phép; thỏa thuận, cho phép tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trái pháp luật phải xử lý, kỷ luật.

- Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài hoặc nhận được thông tin phản ánh về khai thác khoáng sản trái phép đang diễn ra, nhưng không có biện pháp giải quyết hoặc cố tình chậm trễ trong việc kiểm tra xử lý.

14. UBND các xã, phường, thị trấn

- Có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý và tổ chức thực hiện đúng các quy định tại: Khoản 3, Điều 18 của Luật Khoáng sản và Khoản 3, Điều 17 của  Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 19/11/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Khoáng sản (Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản đến thôn, xóm; vận động nhân dân địa phương không khai thác, thu mua, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép, phát hiện và tố giác tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép; thực hiện Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; phát hiện và thực hiện các giải pháp ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh hoặc khi nhận được thông tin chỉ đạo từ cơ quan cấp trên; trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết, kịp thời báo cáo UBND cấp huyện để chỉ đạo công tác giải tỏa và xử lý; định kỳ 06 tháng báo cáo tình hình bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương cho UBND cấp huyện...)

- Thành lập lực lượng thường trực, lập đường dây nóng, phân công lãnh đạo và cán bộ chuyên môn phụ trách từng khu vực, đảm bảo việc tiếp nhận thông tin liên lạc thông suốt 24/24 giờ, để kịp thời xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn;

- Ký quy chế phối hợp bảo vệ khoáng sản đối với vùng giáp ranh thuộc địa giới hành chính từ 02 xã trở lên (đối với khu vực có khoáng sản), làm cơ sở để phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khoáng sản trái phép, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý khoáng sản;

- Kịp thời xử lý nghiêm các hành vi: tạo dựng bến bãi, lán, trại phục vụ cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; tập kết khoáng sản và xây dựng cơ sở tuyển quặng trái phép; sử dụng công cụ, phương tiện máy móc hoặc vật liệu nổ công nghiệp để khai thác khoáng sản trái phép;

- Trong quá trình giải tỏa khai thác khoáng sản trái phép nếu phát hiện khoáng sản mới thì phải thông báo cho UBND cấp huyện để tổng hợp, bổ sung vào phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác;

- UBND cấp xã nếu để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không giải tỏa dứt điểm, để tái diễn, kéo dài; gây bức xúc trong dư luận, tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trường hợp phát hiện cán bộ, công chức bao che, tiếp tay cho hoạt động khoáng sản trái phép; thỏa thuận, cho phép tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trái pháp luật phải xử lý, kỷ luật.

- Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND huyện khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài hoặc nhận được thông tin phản ánh về khai thác khoáng sản trái phép đang diễn ra, nhưng không có biện pháp giải quyết hoặc cố tình chậm trễ trong việc kiểm tra xử lý.

15. Cơ quan, tổ chức lập quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn phải lấy ý kiến bằng văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh/ Bộ Tài nguyên và Môi trường tùy theo thẩm quyền cấp phép hoạt động khoáng sản về các vấn đề liên quan đến khoáng sản trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch. Khi trình phê duyệt quy hoạch phải trình kèm theo ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép.

16. Các tổ chức, cá nhân được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản

- Khai thác khoáng sản phải áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa các loại khoáng sản được cấp phép khai thác; nếu phát hiện khoáng sản mới phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép; quản lý, bảo vệ khoáng sản đã khai thác nhưng chưa sử dụng hoặc khoáng sản đã thu hồi được.

- Chịu trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật về khoáng sản; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đảm bảo hạn chế, giảm thiểu đến mức thấp nhất các tác động xấu đến môi trường; tiết kiệm tài nguyên trong quá trình khai thác và sử dụng; thực hiện cam kết theo quy định tại Điều 5 Luật khoáng sản.

- Cắm mốc giới các điểm góc khu vực khai thác và ranh giới đất được thuê tại thực địa để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, tổ chức công bố công khai.

- Có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích đất đang sử dụng; phối hợp với chính quyền địa phương quản lý và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích được giao quản lý. Khi phát hiện có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ở ngoài ranh giới khu vực được phép hoạt động khoáng sản phải báo báo ngay cho UBND cấp huyện, xã để xử lý.

17. Tổ chức, cá nhân sử dụng đất

- Tổ chức, cá nhân sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích đất đang sử dụng (kể cả khoáng sản trong lòng đất). Không được tự ý khai thác khoáng sản khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác.

- Nếu tổ chức cá nhân sử dụng đất để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trong diện tích đất thuộc quyền sử dụng (tự ý khai thác, thông đồng, cấu kết với các tổ chức cá nhân khác) thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về khoáng sản, đồng thời sẽ đề xuất nhà nước thu hồi đất, thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai theo quy định tại Điều 64 Luật đất đai năm 2013.

- Đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó. Trước khi tiến hành khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

V. TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP TRONG VIỆC CUNG CẤP XỬ LÝ THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TRÁI PHÉP

1. Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp thông tin, số liệu liên quan về hoạt động khoáng sản cho UBND huyện, thành phố khi có yêu cầu; chịu trách nhiệm phối hợp với Sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh để giải quyết đối với đề xuất, kiến nghị của UBND huyện, thành phố trong công tác quản lý bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.

2. Các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị khi phát hiện có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trong khu vực được giao quản lý bảo vệ, phải kịp thời ngăn chặn, xử lý giải tỏa theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo kịp thời cho UBND xã, phường, thị trấn nơi xảy ra hành vi khai thác khoáng sản trái phép biết; tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

3. Khi phát hiện việc khai thác, chế biến, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép xảy ra trên địa bàn, UBND xã, phường, thị trấn phải chỉ đạo lực lượng chức năng đến hiện trường kiểm tra cụ thể, ngăn chặn kịp thời các hành vi trái phép; báo cáo về UBND huyện, thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường. Nếu vụ việc xảy ra vượt quá thẩm quyền giải quyết thì phải có đề xuất, kiến nghị.

4. Khi nhận được thông tin từ UBND xã, phường, thị trấn về khai thác, chế biến, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép, UBND huyện, thành phố phải chỉ đạo và cử lực lượng chức năng phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm được giao; báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh. Trường hợp các hành vi vi phạm có tính chất phức tạp, xảy ra trên quy mô rộng, vượt quá thẩm quyền giải quyết, UBND huyện, thành phố phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh, các Sở, ngành liên quan, kèm theo đề xuất, kiến nghị cụ thể.

5. Các Sở, ngành có liên quan cử cán bộ, công chức có trách nhiệm, đáp ứng về chuyên môn, nghiệp vụ, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND  huyện, thành phố, UBND xã, phường, thị trấn để xử lý, giải quyết, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, chế biến, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép; kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin và phối hợp với UBND huyện, thành phố, UBND xã, phường, thị trấn, Sở Tài nguyên và Môi trường bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép thăm dò, Giấy phép khai thác khoáng sản và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc Phương án này.

- UBND cấp huyện và các cơ quan liên quan lập chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Phương án này. Định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm gửi UBND tỉnh báo cáo về tình hình bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương qua Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp chung và báo cáo theo quy định.

- Kinh phí thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác năm 2019 tạm thời do UBND các cấp tự cân đối, được hạch toán vào khoản chi thường xuyên của UBND các cấp và được xác định lại sau khi có hướng dẫn của Bộ Tài chính về định mức chi ngân sách.

- Giao Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc các cơ quan liên quan thực hiện công tác lập báo cáo và tổng hợp tình hình bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh, hàng năm báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định. Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá, kiểm điểm, rút kinh nghiệm công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, các Sở ngành, địa phương, đơn vị và cá nhân có liên quan báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

Phụ lục 1: Các khu vực đã cấp phép thăm dò nhưng chưa khai thác

(Ban hành kèm theo Quyết định số 713/QĐ-UBND ngày 05/3/2019 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc)

STT

Tên điểm mỏ

(Vị trí: xã, huyện)

Số giấy phép, ngày, tháng, năm cấp

Tên đơn vị được cấp giấy phép

Diện tích thăm dò

Loại khoáng sản

Ghi chú

 

 

1

Đá VLXD điểm mỏ núi Đầu Hâu, xã Quang Sơn, Lập Thạch

2986/QĐ-CT ngày 20/10/2010

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phương Anh

20,000

Đá xây dựng

 

 

2

Xã Tân Lập, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc

1264/GP-UBND ngày 14/05/2015

Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Phát

8,037

Đá xây dựng

Đang lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác

 

3

Xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc

1465/GP-UBND ngày 29/05/2015

Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Kim Việt

4,800

Cát sông Hồng

 

 

4

 Các xã Quang Sơn, Hợp Lý, Bắc Bình, Thái Hòa huyện Lập Thạch các xã Yên Dương, Bồ Lý, Đại Đình huyện Tam Đảo

1871/GP-UBND ngày  09/7/2015

Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển Hạ tầng Vân Hội

28,460

Cát sỏi sông Phó Đáy

 

 

5

Xã Phú Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc

2264/GP-UBND ngày 19/08/2015

Công ty TNHH Quốc Việt

18,800

Cát sông Hồng

 

 

6

Xã Liên Hòa, xã Bàn Giản huyện Lập Thạch

2805/GP-UBND ngày 13/10/2015 

Công ty TNHH thương mại và xây dựng Hải Hưng

41,200

Cát, sỏi sông Phó Đáy

Chưa Phê duyệt trữ lượng (đã trình UBND tỉnh)

 

7

Xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch

2921/GP-UBND ngày 22/10/2015 

Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng TMT Việt Nam

10,120

Cát sỏi sông Lô

Chưa nộp báo cáo phê duyệt trữ lượng

 

8

Xã Tử Du, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc

1978/GP- UBND ngày 19/06/2016

Công Ty TNHH MTV Trường Thịnh

13,09

Đất san lấp, và nguyên liệu sản xuất xương gạch ceramic

Đang thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép

 

9

Xã Kim Long, Hoàng Hoa Tam Dương, xã Tam Quan,  huyện Tam Đảo

2752/GP UBND ngày 25/8/2016

Công ty TNHH vận tải xây dựng Vĩnh Phúc

7,140

Đất san lấp

Đang lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác

 

10

Đồi cao Tiêu, Xã Yên Dương, huyện Tam Đảo

2788/GP-UBND ngày 20/10/2017

Cty TNHH Xây dựng Trường An Vĩnh Phúc

4,047

Đất san lấp

Đang lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác

 

11

Đồi Guồng xã Tử Du, đồi Ao sau, thôn Vườn Tràng, xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch

2831/GP-UBND ngày 20/10/2017

Công ty Cổ phần  Tư vấn XD trường Thịnh

6,059

Đất san lấp

Đang lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác

 

12

Đồi Cháy, thị trấn Hợp Hoà, huyện Tam Dương

2847/GP-UBND ngày 26/10/2017

Công ty Cổ phần  Tư vấn Đầu tư XD Hoàng Thịnh Vĩnh Phúc

4,869

Đất san lấp

Đang lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác

 

13

Đồi Trại Ngỗng, xã trung Mỹ, huyện Bình Xuyên

3037/GP-UBND ngày 31.10.2017

Công ty TNHH Đầu tư 389

5,368

Đất san lấp

Đang lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác

 

14

Đồi Rừng Rui, đồi Bồ Trác, xã bàn Giản, huyện Lập Thạch

3107/GP-UBND ngày 07/11/2017

Công ty TNHH thương mại và xây dựng Hải Hưng

5,145

Đất san lấp

Đang lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác

 

15

Đồi Rừng Đình (Gò Phấng) xã Minh Quang, huyện Tam Đảo

3135/GP-UBND ngày 08/11/2017

Công ty TNHH MTV Thương mại và Khai thác khoáng sản Miền Bắc

11,980

Đất san lấp

Đang lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác

 

16

Đồi Đá Vỡ, đồi Cụ Độ, xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch

3141/GP-UBND ngày 08/11/2017

Công ty TNHH Xây dựng và  Thương mại Linh Nam

9,602

Đất san lấp

Đang lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác

 

17

thôn Chùa, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương

30/GP-UBND ngày 09/01/2018

Công ty TNHH Quảng Bích

3,558

Đất san lấp

Đang lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác

 

18

Đồi Dọc Mai, thôn Yên Bình, xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô

258/GP-UBND ngày 31/01/2018

Công ty TNHH MTV Xây dựng và Thương mại Tùng Phát

4,876

Đất san lấp

Đang lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác

 

19

Đồi Gẳm, xã Tử Du, huyện Lập Thạch

462/GP-UBND ngày 02/3/2018

Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Như Ngọc

2,774

Đất san lấp

Đang lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác

 

20

Đồi Rừng Đình, thôn Cam Lâm, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo

771/GP-UBND ngày 05/4/2018

Công ty Cổ phần Tập đoàn Mê Linh

4,288

Đất san lấp

Đang lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác

 

21

Đồi Đá, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo

1225/GP-UBND ngày 01/6/2018

Công ty TNHH Thịnh Phát Tam Đảo

7,860

Đất san lấp

Đang lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác

 

 

Phụ lục 2. Các khu vực khai thác khoáng sản đã hết hạn, trả lại và đóng cửa mỏ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 713/QĐ-UBND ngày 05/3/2019 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc)

STT

Tên dự án khai thác khoáng sản

Số giấy phép, ngày, tháng, năm cấp phép

Chủ đầu tư

Địa điểm dự án

Diện tích cấp phép (ha)

Ghi chú

 

 

1

2

3

4

5

6

7

 

I.

NHÓM KHOANG SẢN KHAI THÁC ĐÁ XÂY DỰNG

 

 

 

1

Dự án cấp phép khai thác đá xây dựng 

2820/QĐ-UBND, ngày 24/10/ 2011

Công ty Cổ phần Công trình Giao thông Sông Đà

tại thôn Gia Khau, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

24,739

Đang thực hiện đóng cửa mỏ

 

Gia hạn lần cuối tại GP số 3415/GP-UBND ngày 28/10/2016 thời hạn đến tháng 28/10/2017

 

2

Dự án cấp phép khai thác khoáng sản Đá xây dựng,

4516/QĐ-UBND, ngày 21/12/2009

Công ty TNHH Huy Hoàng

xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc

1,955

Đã trả lại

 

3

Dự án cấp phép khai thác khoáng sản  (Đá cuội sỏi)

4011/QĐ-UBND, ngµy 18/11/ 2009

Công ty CP Đầu tư Hùng Vương

 xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên

2,120

Đã trả lại

 

4

Dự án cấp phép khai thác khoáng sản (Đá cát, bột kết)

2088/QĐ-UBND, 05/9/2006

Công ty TNHH Toàn Trường

khu Đồng Mọc, thôn Gò Dài, huyện Sông Lô

2,520

Đang thực hiện đóng cửa mỏ

 

5

Dự án cấp phép khai thác khoáng sản đá xây dựng (Gia hạn mở rộng)

Số: 2075/QĐ-UBND, ngày 26/7/2010 của UBND tỉnh

Công ty CP Đầu tư Tân Phát

 xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc

3,980

Đang thực hiện đóng cửa mỏ

 

6

Dự án cấp phép khai thác (Đá xây dựng)

 Số 1103/QĐ-UBND ngày 09/5/2011

Công ty TNHH Vinh Quang

hôn Gia Khau, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

3,500

Đang thực hiện đóng cửa mỏ

 

7

Dự án cấp phép khai thác đá xây dựng 

1805/QĐ-UBND, ngày 15/6/2009 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Cty Cổ phần ĐT XD Bảo Quân

Núi Con Trâu, thôn Đầu Vai, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo

30,000

Đang thực hiện đóng cửa mỏ

 

 II

NHÓM KHOANG SẢN KHAI THÁC ĐẤT SAN NỀN (ĐẤT SAN LẤP)

 

 

8

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản đất san lấp

3616/QĐ-UBND, ngày 05/12/2007 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Xí nghiệp thương mại và XD Nghĩa Bình

Vị trí I: Đồi Thằn Lằn thuộc tổ 10 (khu vực X.951); Vị trí II: Đồi Thằn Lằn thuộc tổ 8 và  tổ 5

4,840

Đã trả lại

 

9

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản đất san lấp

3688/QĐ-UBND, ngày 12/12/2007 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH An Hòa

khu Đồi Tha, thôn Phương Lâu, xã An Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc

2,580

Đã trả lại

 

10

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản đất san lấp

 1997/QĐ-UBND, ngày 18/7/2007 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty Cổ phần Mạnh Lĩnh

Khu Đồi Tam Sơn, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

8,725

Đã trả lại

 

11

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản đất san lấp

2213/QĐ-CT, ngày 08/8/2007 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH XD Hòa Thành

Khu Đồi Tam Sơn, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

1,855

Đã trả lại

 

12

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản đất san lấp

3820/QĐ-CT, ngày 22/10/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Xí nghiệp thương mại và XD Nghĩa Bình

Đồi Đồng Giang xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

1,970

Đã trả lại

 

13

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản cải tạo đất

1222/QĐ-UBND, ngày 18/4/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Khánh Linh

Đồi Rừng Thần, thôn Vĩnh Đồng, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

4,900

Đã trả lại

 

14

Dự án cấp phép khai thác khoáng sản đất san lấp

49/GP-UBND, 10/1/2008 của UBND tỉnh

Công ty TNHH Vận Tải & XD TM Hải Hòa

Đồi Rừng Chừa, thôn Hữu Thủ, xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc

1,921

Đã trả lại

 

15

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản 

1864/QĐ-UBND, ngày 13/6/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty Quảng Lợi

Đồi Khan Tát, xã Đạo Tú, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc

7,530

Đóng cửa mỏ

 

16

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản

1547/QĐ-CT, ngày 16/5/2008của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Toàn Thắng chi nhánh Vĩnh Phúc

Khu Đồi Đồng Giang, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

6,340

Đã trả lại

 

17

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản

 2212/QĐ-CT, ngày 03/7/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Tư vấn TK&XD Vĩnh Phúc

Đồi Đồng Giang, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

1,840

Không khai thác

 

18

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản

3030/QĐ-UBND, ngày 09/9/2009 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Phước An

Đồi Đồng Giang, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

4,461

Đóng cửa mỏ

 

19

Dự án cấp phép khai thác tận thu cao lanh

2691/QĐ-UBND, ngày 18/8/2009 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Thành An

Đồi Rừng Đoài xã Bồ Lý, Tam Đảo

1,050 

Đã trả lại

 

20

Dự án cấp phép khai thác tận thu đất san lấp mặt bằng

456 QĐ UBND ngày 07/2/2013

Công ty CP XD Phú Thịnh

xã Tử Du, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc

0,850 

 

 

21

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản

 Số 2372/QĐ-CT ngày 11/7/2008

Công ty CP Vinaconex 6

Đồi Tam Cót, xã Ngọc Thanh, TX. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc

1,415

Đã trả lại hộ gia đình sử dụng, trồng cây

 

22

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản

1526/QĐ-CT, ngày 14/5/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty CPĐT Xây dựng và TM Trường Lộc

Đồi Hạc Sơn, xã Đạo Tú, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc

6,209

Đóng cửa mỏ

 

23

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản

2139/QĐ-UBND, ngày 30/6/2009 của UBND tỉnh

Công ty TNHH Đầu tư XD An Thinh Vĩnh phúc

Đồi Đồng Giang, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

8,146

Không khai thác

 

24

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản

3858/QĐ-UBND, ngày 27/10/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Thương mại DV Xây dựng Phú Vinh

Đồi Sậu Chùa, thôn Hạ Ích, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc

2,070

Đã trả lại hộ gia đình sử dụng, trồng cây

 

25

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản

1450/QĐ-UBND, ngày 08/5/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty XD Yên Lạc

Đồi Đồng Giang xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

3,920

Đóng cửa mỏ

 

26

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản

3768/QĐ-CT, ngày 20/10/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty Cổ phần Mạnh Lĩnh

Khu Đồi Tam Sơn, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

2,900

Đóng cửa mỏ (2316/QĐ-UBND ngày 08.10.2018)

 

27

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản

1831/QĐ-CT, ngày 12/6/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH XD Hội Hợp

Khu Đồi Khan tát, xã Đạo Tú, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc

3,180

Đóng cửa mỏ

 

28

Đề án cấp phép khai thác  khoáng sản

 998/QĐ-UBND, ngày 20/4/2010 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty Cổ phần Prime Khoáng sản

Đồi Guồng, thôn Guồng, xã Tử Du, huyện Lập Thạch

7,043

Đóng cửa mỏ (2283/QĐ-UBND ngày 17.8.2017)

 

29

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản đất san lấp

1350/QĐ-UBND, ngày 15/5/2009 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Tư vấn và Thương Mại Hoàng Long

Khu Gốc Duối, thôn Gốc Duối, xã Ngọc Thanh, TX. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc

2,501

Đã trả lại hộ gia đình sử dụng

 

30

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản đất san lấp

306/QĐ-CT, ngày 22/11/2009 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty CP ĐTXD và TM Nhật Hằng

Đồi Gốc Duối, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên

2,650

Đã trả lại hộ gia đình sử dụng

 

31

Dự án cấp phép khai thác  khoáng sản đất san lấp

2072/QĐ-UBND, ngày 06/7/2009 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Hoàng Vân

Khu Đồi Tam Sơn, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

0,956

Đã trả lại hộ gia đình sử dụng

 

32

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản đất san lấp

379/QĐ-UBND, ngày 12/2/2009 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh

đồi Tam Sơn, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

0,885

Đã hết hạn

 

33

Dự án cấp phép khai thác  khoáng sản đất san lấp

3030/QĐ-UBND, ngày 09/9/2009 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Phước An

Đồi Đồng Giang, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

5,856

Đóng cửa mỏ

 

34

Dự án cấp phép khai thác  khoáng sản đất san lấp

3029/QĐ-UBND, ngày 09/9/2009 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Phước An

Đồi Cao, thôn Trung Màu, xã Trung Mỹ, huyên Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

9,310

Đã hết hạn

 

35

Dự án cấp phép khai thác  khoáng sản đất san lấp

2321/QĐ-UBND, ngày 29/7/2009 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty CPXD và Phát triển Đô Thị

Đồi Lá Mái, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

0,750

Không khai thác

 

36

Dự án cấp phép khai thác  khoáng sản đất san lấp

823/QĐ-UBND, ngày 25/3/2009 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Đầu tư XD Phương Nam

Đồi Cao, thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc

4,240

Đã hết hạn

 

37

Dự án cấp phép khai thác  khoáng sản đất san lấp

2502/QĐ-UBND, ngày 07/8/2009

Công ty TNHH Hoa Cây Cảnh Vĩnh Phúc

Thôn Hợp Minh, xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc

6,235

Đóng cửa mỏ

 

38

Dự án cấp phép khai thác  khoáng sản (Sét làm nguyên liệu SX gạch Ceramic)

4647/QĐ-UBND, ngày 29/12/2009 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Thương mại DV Xây dựng Phú Vinh

đồi Cháy, thôn Vinh Phú, TT. Hợp Hòa, Tam Dương

5,512

Đã hết hạn

 

39

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản

1081/QĐ-UBND, ngày 28/4/2010 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Khánh Linh

Đồi Tam Sơn xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

1,518

Đã trả lại hộ gia đình sử dụng

 

40

Dự án cấp phép khai thác đất đồi để làm nguyên liệu san lấp

3952/QĐ-UBND, 27/12/2010 của UBND tỉnh

Công ty TNHH Vận Tải & XD TM Hải Hòa

Tại xã Tử Du và xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc

4,412

Đã hết hạn

 

41

Dự án cấp phép khai thác đất đồi để làm nguyên liệu san lấp

 3931/QĐ-UBND, ngày 24/12/2010 của UBND tỉnh

Xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương

2,520

Đã hết hạn

 

42

Dự án cấp phép khai thác đất san lấp

529/QĐ-UBND, ngày 26/2/2010 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty XD Yên Lạc

Đồi Đình Trằm, thôn Cẩm Trạch, xã Đạo Tú, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc

2,000

Đã trả lại hộ gia đình sử dụng

 

43

Dự án cấp phép khai thác đất đồi  

1107/QĐ-UBND, ngày 29/4/2010 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty XD Yên Lạc

Đồi Sau Mun và đồi Sau Rừng,  xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc

2,110

Đã trả lại hộ gia đình sử dụng

 

44

Dự án cấp phép khai thác đất đồi để làm vật liệu san lấp 

726/QĐ-UBND, ngày 23/03/2010 của UBND tỉnh

Công ty TNHH XD&TM  Phong Ninh

Khu Đồi Rừng Nến, xã Thanh Vân và xã Đạo Tú, huyện Tam Dương

7,230

Đã trả lại hộ gia đình sử dụng

 

45

Dự án cấp phép khai thác đất đồi để làm vật liệu san lấp 

725/QĐ-UBND, ngày 23/03/2010 của UBND tỉnh

Công ty TNHH XD&TM  Phong Ninh

Khu Đồi Gô, thôn Gô, xã Kim Long, huyên Tam Dương

1,416

Đã trả lại hộ gia đình sử dụng

 

46

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

1385/QĐ-UBND, ngày 27/5/2010 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Hưng Phát

Khu Đồi Cao,thôn Bá Cầu, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

1,235

Đã trả lại hộ gia đình sử dụng

 

47

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản

1370/QĐ-UBND, ngày 26/5/2010 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Toàn Thắng chi nhánh Vĩnh Phúc

Khu Đồi Tam Sơn, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

1,010

Đã trả lại hộ gia đình sử dụng, trồng cây

 

48

Dự án cấp phép khai thác đất san lấp

1039/QĐ-UBND, ngày 27/4/2010 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Phước An

Đồi Gò Dê, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

3,170

Đóng cửa mỏ

 

49

Dự án cấp phép khai thác đất san lấp

1038/QĐ-UBND, ngày 27/4/2010 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Phước An

Đồi Lá Mái, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

6,044

Đã hết hạn

 

50

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản (Đất san lấp)

149/QĐ-UBND, ngày 21/1/2011 của UBND tỉnh

Công ty TNHH Đầu tư XD An Thịnh Vĩnh phúc

tại đồi Đồi Cao và Đồi Na Cóm, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

3,400

Đã trả lại hộ gia đình sử dụng

 

51

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

 870/QĐ-CT, ngày 16/4/2012 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty XD Yên Lạc

Khu đồi Gạo Rang xã Đồng Tĩnh, khu đồi Chùa Dền xã Hoàng Hoa huyện Tam Dương

7,230

Đã trả lại hộ gia đình sử dụng

 

52

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

871/QĐ-CT, ngày 16/4/2012 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty XD Yên Lạc

Khu đồi Rừng Tròm xã Đồng Tĩnh, khu đồi Rừng Bún xã Hoàng Hoa huyện Tam Dương

8,082

Đã trả lại hộ gia đình sử dụng

 

53

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

1393/QĐ-UBND, ngày 25/6/2012 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Phước An

Đồ Sậu Chùa, thôn Hạ Ích, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch

2,540

Đã trả lại hộ gia đình sử dụng

 

54

1398/QĐ-UBND, ngày 26/6/2012 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Phước An

Trại Đồng Dâm, thôn Lương Câu, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên

1,000

Đã trả lại hộ gia đình sử dụng

 

55

2034/QĐ-UBND, ngày 22/8/2012 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Phước An

Đồi Thằn Lằn, thôn cao Quang, xã Quang Minh, thị xã Phúc Yên

1,680

Đã trả lại hộ gia đình sử dụng

 

56

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

 777/QĐ-UBND, ngày 04/4/2012 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Hoàng Đăng

Đồi Rừng Sậu, xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch

5,650

Đã trả lại hộ gia đình sử dụng, trồng cây

 

57

Dự án khai thác tận thu hạn cos đất đồi  làm VL san lấp

2155/QĐ-UBND, ngày 29/8/2012 của UBND tỉnh

Công ty TNHH Thương mại  Tỉnh Tuấn

Đồi Trường Đoàn, thôn Lương Câu và Đồi Chùa, thôn Ái Văn, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên

1,010

Đóng cửa mỏ (3030/QĐ-UBND ngày 26.9.2018)

 

58

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

Số: 2760/GP-UBND, ngày 04/10/2013

Công ty Cổ phần Mạnh Lĩnh

Khu đồi Đồng Giang, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên

1,357

Đã hết hạn

 

59

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

1415/GP-UBND, ngày 05/6/2013 (gia hạn tại GP 3141/GP-UBND ngày 30/10/2014)

Công ty CP Đầu tư Tam Sơn

Đồi Đồng Giang, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên

1,499

Đóng cửa mỏ (1472/QĐ-UBND ngày27.04.2016)

 

60

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

1846/QĐ-UBND, ngày 19/7/2013

Công ty CP Tư vấn Đầu tư XD Bắc Ái

Tại điểm mỏ, Núi Hiệu, xã Liễn Sơn và đồi Rừng Anh, xã Liễn Hòa, huyện Lập Thạch

5,940

Đã hết hạn

 

61

Dự án cấp phép khai thác tận thu đất san lấp 

983/QĐ-UBND ngày 08/4/2014

Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Bắc Mê Kông

Khu đồi Bắc Xa thị trấn Hợp Hòa và xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương

7,492

Đã hết hạn

 

62

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

1736/GP-UBND ngày 19/5/2014

Công ty TNHH Thiên Ân

Khu đồi Trám, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương

2,910

 

 

63

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

3616 GP UBND ngày 12/12/2014

Công ty TNH Thương mại và Xây dựng Hải Hưng

Xã Tử Du, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc

4,944

Đã hết hạn

 

64

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

2576/GP-UBND ngày 28/9/2015 (GP điều chỉnh bổ sung 2916/GP-UBND ngày 22/10/2015

Công ty Cổ phần Mạnh Lĩnh

Xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên

1,500

Đã hết hạn

 

65

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

1248/GP-UBND ngày 06/4/2016

Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Tam Đảo

Khu 9, thôn Hữu Lũng, Hoàng Hoa, Tam Dương

4,355

Đã hết hạn

 

66

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

1224/GP-UBND ngày 04/4/2016

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng số 468

Thôn Đồng Bông, xã Kim Long, huyện Tam Dương

1,279

Đã hết hạn

 

67

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

1991/QĐ-UBND 16/5/2016

Công ty TNHH Xây dựng An Lạc Vĩnh Phúc

Đồi Cao Tiêu, thôn Đồng Cà, Yên Dương, Tam Đảo

1,060

Đã hết hạn

 

III

NHÓM KHOÁNG SẢN KHAI THÁC CÁT, SỎI

 

 

 

68

Dự án cấp phép khai thác  khoáng sản cát đen Sông Hồng 

1696/QĐ-UBND, ngày 08/6/2009 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty Cổ Phần Đức Long

Xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường

19,800

Đã trả lại

 

69

Dự án cấp phép khai thác (Cát Sông Lô)

Giấy phép số: 2991/GP-UB, 01/11/2001

Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh nhà Vĩnh Phúc

tại xã Tứ Yên, Đức Bác, Phương Khoan,  huyện Sông Lô

46,400

Đã hết hạn

 

70

Dự án cấp phép khai thácCát Sông Lô 

2290/QĐ-UBND, ngày 13/8/2010 của UBND tỉnh

Công ty TNHH Việt Thắng

xã Bạch Lưu và xã Hải Lựu, huyện Sông Lô

25,730

Đã hết hạn

 

71

Dự án cấp phép khai thác (Cát đen Sông Hồng)

2518/QĐ-UBND, 05/10/2012  của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty CP KEVIN

xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc

20,000

Đã hết hạn

 

72

Dự án cấp phép khai thác (Cát đen Sông Hồng)

1597/QĐ-UBND, ngày 18/7/2011 của UBND tỉnh

Công ty Cổ phần khai thác và Chế biến Lâm khoáng sản Hoàng Phát

xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô

9,290

Đã hết hạn

 

73

Dự án cấp phép khai thác (Cát đen Sông Hồng)

1522/QĐ-UBND, ngày 30/6/2011 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty Cổ phần XD Phong Châu

xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường

45,000

Đã hết hạn

 

74

Dự án cấp phép khai thác (Cát đen Sông Hồng)

1682/QĐ-UBND, ngày 20/7/2012 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH An Viên

xã Trung Hà, huyện Yên Lạc

10,600

Đã hết hạn

 

75

Dự án cấp phép khai thác (Cát đen Sông Hồng)

1606/GP-UBND, ngày 25/6/2013 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Hữu Bích Vĩnh Phúc

xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường

11,960

Đã hết hạn

 

 IV

NHÓM KHOÁNG SAN KHAI THÁC TẬN THU KAOLIN FELSPAT 

 

 

76

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản

3816/QĐ-UB, ngày 20/12/2007 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty CP Long Thành (nay là Công ty Cổ phần VIVAT Việt nam)

(tận thu Fenspat) tại khu Đồng Vật, xóm Mới và khu đồi Cây Khế thôn Đồng Găng xã Quang Yên, huyện Sông Lô

7,000

Đang thực hiện đóng cửa mỏ

 

77

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản (Đá có hàm lượng  Fenspat làm nguyên liệu SX Gạch Ceramic)

4196/QĐ-UB, ngày 19/11/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty Cổ Phần Điện Công nghiệp

đồi Hình Nhân, xã Tân Lập, huyện Sông Lô

6,919

Đã hết hạn (Không khai thác)

 

78

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản (Đá có hàm lượng  Fenspat)

1000/QĐ-UBND, ngày 20/4/2010 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty Cổ phần Prime Khoáng sản

tại khu Núi Ngang, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo

4,500

Đã hết hạn

 

79

Dự án cấp phép khai thác khoáng sản  (Đá có hàm lượng  Fenspat)

410/QĐ-UBND, ngày 13/2/2009; 2235/QĐ-UBND , ngày 11/8/ 2010; 1228/QĐ-UBND , ngày 06/6/ 2012

Cty TNHH Việt Thắng (chuyển cho Công ty CP Khai thác CBKS Sông Lô)

khu đồi Chùa Mụ, thôn Cầu Gạo, xã Tân Lập, huyện Sông Lô

4,340

Đã hết hạn

 

V

NHÓM KHOÁNG SAN KHAI THÁC TẬN THU THAN BÙN

 

 

 

80

Dự án cấp phép khai thác tận thu  khoáng sản Than Bùn

912/QĐ-UBND, ngày 26/3/2007 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Hoa Hùng

xóm Cầu, thôn Đan Trì, xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương

3,970

Đóng cửa mỏ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phụ lục 3.  Các khu vực khai thác khoáng sản còn hiệu lực

(Bao gồm cả Giấy phép khai thác khoáng sản của dự án khai thác vận chuyển đất thừa ở  khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình)

(Ban hành kèm theo Quyết định số 713/QĐ-UBND ngày 05/3/2019 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc)

STT

Tên dự án khai thác khoáng sản

Số giấy phép, ngày, tháng, năm cấp phép

Chủ đầu tư

Địa điểm dự án

Diện tích sử dụng đất (ha)

Thời gian thục hiện Dự án khai thác

Thời điểm đóng cửa mỏ

Ghi chú

 

 

1

2

3

4

5

6

7

8

9

 

I.

NHÓM KHOANG SẢN KHAI THÁC ĐÁ XÂY DỰNG

 

 

1

Dự án cấp phép khai thác khoáng sản đá xây dựng

790/QĐ-UBND, ngày 12/03/2007

Công ty CP Công trình Giao thông Sông Đà

Mỏ đá Núi Bục, xã Tân Lập, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc

15,000

03/12/2007

12/03/2027

 

 

2

Dự án cấp phép khai thác khoáng sản đá xây dựng

878/QĐ-UBND, ngày 08/4/2010

Công ty TNHH Hùng Vĩ

Tại xã Quang Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc

16,540

04/08/2010

21/1/2025

 

 

3

Dự án cấp phép khai thác  khoáng sản  đá xây dựng

3051/QĐ-UBND, ngày 14/11/2012 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty CP ĐTXD Bảo Quân

Núi Mào Phượng, xã Quang Yên, huyện Lập Thạch

30,000

12/01/2012

12/01/2032

 

 

4

Dự án cấp phép khai thác khoáng sản đá xây dựng

2940/QĐ-UBND, ngày 18/10/2010 của UBND tỉnh

Công ty TNHH Khai thác VLXD An Thịnh

Tại Đồi Rồng, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

20,600

18/10/2010

18/10/2020

Không khai thác

 

II

NHÓM KHOANG SẢN KHAI THÁC ĐẤT SAN NỀN (ĐẤT SAN LẤP)

 

 

5

Dự án cấp phép khai thác tận thu đất san lấp mặt bằng

1421/GP-UBND ngày 22/6/2018  của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty Quảng Lợi

Khu Đồi Đồng Giang, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

4,300

22/06/2018

(gia hạn thời hạn đến 22/06/2020)

Gia hạn GP số 1310/QĐ-UBND , ngày 23/4/2008

 

6

Dự án cấp phép khai thác tận thu khoáng sản đất san lấp

 4122/GP-UBND ngày 20/12/2016 của UBND tỉnh

Công ty TNHH Thương mại Tỉnh Tuấn

Đồi Đồng Giang, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên

5,107

20/12/2016

(20/12/2018

Điểm mỏ này trước đây cấp cho Công ty TNHH Việt Thắng tại QĐ số 3853/QĐ-UBND, ngày 02/11/2009; chuyển nhượng cho Công ty TNHH Thương Mại Tỉnh Tuấn

 

7

Dự án cấp phép khai thác  khoáng sản đất san lấp

2231/GP-UBND ngày 17/8/2015

 Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hiền Linh

Khu Đồi Đồng Giang, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

4,289

15/6/2010

17/08/2018

Chuyển quyền khai thác khoáng sản từ  Công ty TNHH Hoàng Vân

 

8

Dự án khai thác tận thu hạ cos đất đồi  làm VL san lấp

87/GP-UBND ngày 17/01/2018 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Toàn Thịnh

Khu Đồng Thang, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

5,300

17/01/2018

17/01/2020

Điểm mỏ này trước đây đã cấp Công ty TNHH Xây dựng và XNK Sơn Tùng tại GP số 952/QĐ-UBND , ngày 02/5/ 2012

 

9

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

2522/GP-UBND ngày 15/9/2017

Công ty TNHH Thương  và Xây dựng Hải Hưng

Đồi Dọc Đanh, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương

9,730

 15/9/2017

Gia hạn đến 15/09/2019

Gia hạn Giấy phép số 1295/GP-UBND ngày 23/5/2013

 

10

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

1083/GP- UBND ngày 16/5/2018 

Công ty Cổ phần Tập đoàn Toàn Vỹ

Khu Gò Phấng - thôn Cam Lâm, xã Minh Quang - huyện Tam Đảo

5,999

16/05/2018

(gia hạn đến 16/05/2020)

Gia hạn Giấy phép số 1973/GP-UBND ngày 17/7/2014

 

11

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

2495/GP-UBND ngày 12/9/2014

Công ty TNHH Xây dựng phát triển hạ tầng Vân Hội

Đồi Bulu, xã Thanh Vân - Tam Dương 

8,100

09/12/2014

12/09/2019

 

 

12

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

3301/GP-UBND ngày 24/11/2017

Công ty TNH Thương mại Kết Hiền

Đồi Rừng Anh, xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch

0,913

24/11/2017

gia hạn đến 24/9/2018

Gia hạn Giấy phép số 2838/GP-UBND ngày 15/10/2014

 

13

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

2795/GP-UBND ngày 20/10/2017

Công ty TNHH Phúc Đại Lợi

Đồi Gò Giang, thôn Hạ Ích, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch

1,298

 20/10/2017

 (Gia hạn đến 20/10/2018)

Gia hạn GP số 2275 GP -UBND ngày 21/8/2015

 

14

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

1283/GP-UBND ngày 07/4/2016 +1582 /QĐ-UBND ngày 11/5/2016 điều chỉnh GP 1282

Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Vĩnh Phúc

Đồi Bulu, thôn Xuân Trường, thanh Vân, Tam Dương

2,230

07/04/2016

07/04/2019

 

 

15

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

1280/GP-UBND ngày 07/4/2016

Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Kim Việt

Đồi Gò Phấng, thôn Cam Lâm, Minh Quang, Tam Đảo

5,851

07/04/2016

07/04/2019

 

 

16

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

3659/GP-UBND ngày 29/12/2017 

Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Minh Chủ

Đồi Dục Xúc, đồi Đông Bông, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, vp

2,980

29/12/2017

 (Gia hạn đến 29/12/2018)

Gia hạn GP số 1689/GP-UBND ngày 19/5/2016

 

17

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

789/GP-UBND ngày 14/3/2017

Công ty TNHH MTV & XD Hùng Tài

Đồi dọc Mai, rộc Đỏa xã Đồng Thịnh, đồi Quả Báo, đồi Sầu Giang, xã Đức Bác huyện sông lô tỉnh VP

9,159

14/3/2017

14/3/2020

 

 

18

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

1802/GP- UBND ngày 23/6/2017

Công ty Cổ phần xây dựng thương mại dịch vụ Đại Minh

Đồi Bàn Phết, đồi Đính Chùa, đồi Minh Trụ thuộc xã Tử Du, xã Tiên Lữ, Lập Thạch

21,049

23/6/2017

23/6/2020

 

 

19

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

2805/GP-UBND ngày 24/10/2017

Công ty Quảng Lợi

Đồi Cao, thôn Đồng Giang

3,694

24/10/2017

24/10/2019

 

 

20

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

2520/GP-UBND ngày 15/9/2017

Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Vĩnh Phúc

Phía Đông Bắc Hồ La Cóc, thôn Đồng Giang, thôn Mỹ Khê, xã Trung Mỹ, Bình Xuyên

9,160

15/9/2017

15/9/2022

 

 

21

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

3140/GP-UBND ngày 08/11/2017

Công ty TNHH Thương Mại Kết hiền

Đồi Bò Bò và Đồi Bò Mía thôn Vinh Hoa, xã Tử Du huyện Lập Thạch

4,700

20/10/2017

Gia hạn đến 08/01/2020

 

 

22

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

1996 QĐ/UBND 16/6/2016

Công ty CP Đầu tư Tam Sơn

Đồi Đồng Giang xã Trung Mỹ huyện Bình Xuyên

4,46

16/6/2016

16/12/2019

 

 

23

KTKS nơi có  dự án đầu tư XD công trình

1673/GP-UBND ngày 08/6/2017

Công ty Cổ phần công nghiệp Á Mỹ

trong diện tích Dự án xây dựng nhà máy chế biến vật liệu gốm sứ tại KCN- Liễn Sơn-Liên Hòa huyện Lập Thạch

13,34

8/6/2017

8/6/2022

Khai thác KS nơi có  dự án đầu tư XD công trình

 

24

KTKS nơi có  dự án đầu tư XD công trình

799/GP-UBND ngày 15/3/2017

Công ty TNHH Minh Hiếu ĐH

Khu Đầm Đâm, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

2,15

15/3/2018

15/9/2018

Khai thác KS nơi có  dự án đầu tư XD công trình

 

25

Khai thác Đất san lấp khu vực có dự án đầu tư XD trang trại

485/GP-UBND ngày 05/3/2018

công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tiến Liên

Núi Hiệu 2 Liễn Sơn, Lập Thạch

3,65

5/3/2018

5/3/2019

Khai thác KS nơi có  dự án đầu tư XD công trình (Dự án đầu tư chăn nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt theo hướng công nghiệp và trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi thuỷ sản)

 

26

Khai thác Đất san lấp khu vực có dự án đầu tư XD trang trại

416/GP-UBND ngày 27/2/2018

Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Khánh Toàn

xã Tử Du, Lập Thạch, Vĩnh Phúc

2,02

27/2/2018

27/2/2019

Khai thác KS nơi có  dự án đầu tư XD công trình  (Dự án đầu tư chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp và trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi thủy sản)

 

27

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

1066/GP-UBND ngày 15/5/2018

Công ty cổ phần Đông Phong

Khu đồi Pháo, thôn Tuần Lũng, xã Hoàng Hoa; đồi Dộc Bầu, thôn Phú Cường, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương

2,43 ha Hoàng Hoa
4,2 ha Hướng Đạo

15/5/2018

15/5/2021

 

 

28

Khai thác đấtt san lấp (Hạ cốt đất thổ cư)

1404 /GP-UBND ngày 20-6-2018

Công ty CP tư vấn và ĐT Xây dựng số 468

Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc

1,63

20/06/2018

20/06/2019

 

 

29

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

1281/GP-UBND ngày 06/6/2018

Công ty TNHH MTV Nhật Thăng

Khu đồi Đá, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo

7,31

6/6/2018

6/6/2021

 

 

30

Dự án khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp

1748/GP-UBND ngày 01/8/2018

Công ty TNHH  MTV Thương mại và khai thác khoáng sản Miền Bắc

Đồi Cây Quýt, đồi Rộc Hóp, đồi Rừng Mỏ xã tử Du, huyện Lập Thạch

12,64

01/08/2018

01/08/2021

 

 

 

NHÓM KHOÁNG SẢN KHAI THÁC CÁT, SỎI

 

 

 

 

31

Dự án cấp phép khai thác cát

2240/QĐ-UBND, ngày 11/8/2010 của UBND tỉnh

Công ty CP Tư vấn Đầu tư XD Bắc Ái

(Cát Sông Lô) xã Đôn Nhân, Phương Khoan, Đức Bác, huyện Sông Lô

36,770

11/08/2010

11/08/2020

Đã dừng khai thác theo Văn bản số 4232/UBND-NN5 ngày 08/6/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc 

 

32

Dự án cấp phép khai thác cát

2568/GP-UBND ngày 19/9/2014

Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái

 xã Cao Phong, huyện Sông Lô

5,700

19/9/2014

19/9/2018

Đã dừng khai thác theo Văn bản số 4232/UBND-NN5 ngày 08/6/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc  

 

33

Dự án cấp phép khai thác cát

 2944/QĐ-UBND, ngày 18/10/2010 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty CP Đầu tư VCI

(Cát đen Sông Hồng) xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc

22,272

18/10/2010

gia hạn đến 29/10/2020

Nay là Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Cao Đại (Điều chỉnh GP tại QĐ số 3075/QĐ-UBND ngày 02/11/2017)

 

34

Dự án cấp phép khai thác cát

3222/GP-UBND ngày 06/11/2014

Công ty TNHH An Viên

Tại điểm mỏ xã Hải Lựu, huyện Sông Lô

5,700

11/06/2014

06/11/2019

Đang dừng khai thác  theo VB số 738/UBND-NN5 ngày 18/01/2018 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

 

35

Dự án cấp phép khai thác cát

3955/GP-UBND ngày 30/12/2014

Công ty TNHH MTV Sáng Sơn

Xã Vĩnh Ninh huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc

18,040

30/12/2014

30/12/2024

Đang dừng khai thác theo VB số 8296/UBND-NN5 ngày 28/12/2015 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

 

36

Dự án cấp phép khai thác cát

2741/GP-UBND ngày 07/10/2015

Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Phúc Lợi Hà Nội

Xã Yên Thạch, xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô

20,760

10/07/2015

10/07/2021

 

 

37

Dự án cấp phép khai thác cát

1312/QĐ-UBND ngày 11/4/2016 (Điều chỉnh GP 374/GP-ubnd 10/2/2015)

Công ty Cổ phần TMS Khoáng sản và Vật liệu xây dựng

Xã Trung Kiên, Hồng Châu, Đại Tự huyện Yên Lạc; xã Vĩnh Ninh huyện Vĩnh Tường

58,63  (Sau điều chỉnh còn lại 47,53)

5 năm 6 tháng từ 10/02/2015

10/08/2020

Đang dừng khai thác theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại VB số 10138/UBND-NN5 ngày 19/12/2017 và văn băn số: 4896/UBND-NN4 ngày 04/7/2018)

 

38

Dự án cấp phép khai thác cát

1050/GP-UBND ngày 27/4/2015

Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư Phúc Lợi Hà Nội

Xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô

7,100

27/4/2015

27/4/2021

 

 

39

1570/GP-UBND ngày 08/6/2015

Xã Phương Khoan, huyện Sông Lô

16,250

06/08/2015

06/08/2021

 

 

40

Dự án cấp phép khai thác cát Sông Lô

1051/GP-UBND ngày 27/4/2015

Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Vĩnh Phúc

Xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô

5,556

27/4/2015

27/4/2021

 

 

41

1569/GP-UBND ngày 08/6/2015

Xã Đức Bác, Tứ Yên, huyện Sông Lô

39,240

06/08/2015

06/08/2021

 

 

42

Dự án cấp phép khai thác cát

1346/QĐ-UBND ngày 25/5/2015

Công ty Cổ phần Khoáng sản Hoàng Phát Thủ Đô

Xã Trung Hà, huyện Yên Lạc

32,570

25/5/2015

25/5/2027

 

 

43

Dự án cấp phép khai thác cát

1907/GP-UBND ngày 14/7/2015

Công ty TNHH An Viên

Xã Trung Hà, huyện Yên Lạc (mở rộng khu vực đã cấp phép)

3,060

14/7/2015

14/7/2020

Đang dừng khai thác  theo VB số 738/UBND-NN5 ngày 18/01/2018 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

 

44

Dự án cấp phép khai thác cát Sông Lô

2449/GP-UBND ngày 10/9/2015

Công ty Cổ phần Khoáng sản Đông Dương AVA

Xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô

11,000

09/10/2015

09/10/2019

 

 

45

Dự án cấp phép khai thác cát Sông Lô

2639/GP-UBND ngày 01/10/2015

Xã Cao Phong, huyện Sông Lô

8,000

10/01/2015

10/01/2019

Doanh nghiệp đã dừng khai thác từ tháng 01/2018 

 

46

Dự án cấp phép khai thác cát

718/QĐ-UBND ngày 20/3/2015 (1828/QĐ-UBND ngày 01/6/2016)

Công ty Cổ phần Thương mại và  Đầu tư Thái An

Xã Tứ Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc

21,500

01/06/2016

01/06/2021

Đang tạm dừng khai thác theo VB số 558/UBND-NN5 ngày 24/01/2018 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

 

47

Dự án cấp phép khai thác tận Cát sông Hồng

1697/GP-UBND ngày 22/6/2015

Chi nhánh Cty TNHH Cát Vàng

Xã Vĩnh Thịnh, xã An Tường, huyện Vĩnh Tường

47,700

 22/6/2015

 22/6/2025

Đang  dừng khai thác theo VB số 8296/UBND-NN5 ngày 28/12/2015của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

 

 

NHÓM KHOÁNG SAN KHAI THÁC TẬN THU KAOLIN FELSPAT 

 

48

Dự án cấp phép khai thác khoáng sản

32/QĐ-UBND, ngày 08/1/2010 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Chế biến xuất nhập khẩu Khoáng sản Vĩnh Phúc

(Đá có hàm lượng Fenspat)  tại đồi Gò Gai, thôn Quan Nội, xã Tam Quan, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc

7,200

01/08/2010

08/01/2020

Doanh nghiệp đã tạm dừng khai thác từ tháng 8/2015 

 

49

Dự án cấp phép khai thác  khoáng sản

1471/QĐ-UBND, ngày 20/6/2011 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty Cổ phần Khoáng sản Phúc Thái

(đá Grannit có hàm lượng felspat) xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc

7,320

10 năm từ 20/6/2011 đến 20/6/2021

20/6/2021

 

 

50

Dự án cấp phép khai thác khoáng sản

40/QĐ-UBND, ngày 11/1/2010 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Công ty TNHH Khai thác và Chế Biến khoáng sản  Tam Đảo

(Đá có hàm lượng Fenspat) đồi Hình Nhân, xã Tân Lập, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc

9,53

01/11/2010

01/11/2025

Không khai thác

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 713/QĐ-UBND năm 2019 về Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

  • Số hiệu: 713/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/03/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Nguyễn Văn Khước
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/03/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản