Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 65/QĐ-UBND

Phú Yên, ngày 16 tháng 01 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ AN TOÀN ĐẬP, HỒ CHỨA NƯỚC THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Thủy lợi năm 2017;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;

Căn cứ Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 07/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước;

Căn cứ Quyết định số 3181/QĐ-BNN-TCTL ngày 10/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 07/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Công văn số 1406/TCTL-ATĐ ngày 02/10/2018 của Tổng cục Thủy lợi về xây dựng Đề án Nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại Tờ trình số 388/TTr-SNN ngày 19/12/2018).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hữu Thế

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ AN TOÀN ĐẬP, HỒ CHỨA NƯỚC THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN

A. THÔNG TIN CHUNG

1. Tên đề án: Nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi tỉnh Phú Yên.

2. Cơ quan chủ trì xây dựng: Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Yên.

3. Cơ quan phối hợp: Công ty TNHH MTV Thủy Nông Đồng Cam; các huyện, thị xã, thành phố có đập, hồ chứa thủy lợi và các đơn vị liên quan.

4. Cơ quan quản lý: Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên.

5. Cơ quan phê duyệt: Bộ Nông nghiệp và PTNT.

6. Thời gian xây dựng Đề án: 2018.

7. Thời gian thực hiện Đề án: Đến năm 2025.

B. NỘI DUNG ĐỀ ÁN

PHẦN MỞ ĐẦU

1. Khái quát chung

Phú Yên là tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ; trải dài từ 12°42’36” đến 13°41’28” vĩ bắc và từ 108°40’40” đến 109°27’47” kinh đông. Phía bắc giáp tỉnh Bình Định, phía nam giáp tỉnh Khánh Hòa, phía tây giáp tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai, phía Đông giáp biển Đông. Phú Yên có diện tích tự nhiên 5.045km2, với chiều dài bờ biển 189km.

Diện tích đất tự nhiên 5060km2, bằng 1,53% diện tích tự nhiên cả nước, bao gồm: thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu và 7 huyện: Đông Hòa, Đồng Xuân, Phú Hòa, Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa và Tuy An, trong đó có 3 huyện miền núi là: Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hoà.

Cộng đồng dân cư gồm nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Kinh chiếm 95% và có mặt hầu hết các nơi trong tỉnh, người Ê Đê chiếm 2,04%; Chăm Hroi chiếm 2,02%; dân tộc Ba Ba chiếm 0,4%, còn lại là các dân tộc khác như Tày, Hoa, Nùng, Thái, Mường, Gia Rai, Sán dìu, Hrê, Mnông, Mông ...

Tổng lượng mưa năm ở những vùng thung lũng chỉ từ 1.600-1.800mm, nhưng vùng đón gió Đông Bắc 1.900-2.600mm. Lượng mưa trong 8 tháng mùa khô (tháng 1-8) chỉ chiếm 30%, còn lại 4 tháng mùa mưa (tháng 9-12) chiếm 70% tổng lượng mưa năm.

Sông ngòi Phú Yên phân bố tương đối đều trong toàn tỉnh, chỉ có sông Ba thuộc loại sông lớn, còn các sông khác thuộc loại vừa và nhỏ. Các sông đều bắt nguồn từ phía Đông dãy Trường Sơn. Hướng chính của các sông là Tây Bắc-Đông Nam hoặc gần Tây-Đông, nhưng khi đến đồng bằng ven biển có xu hướng hơi lệch về Bắc.

Phú Yên có khoảng 50 con sông có chiều dài trên 10km, trong đó phần lớn là các sông ngắn từ 10-50km. Mật độ sông ngòi tương đối dày 0,3-1,3km/km2, trung bình là 0,5km/km2. Các sông chính chảy qua địa bàn tỉnh Phú Yên gồm:

Sông Ba: Là một trong 9 hệ thống sông lớn ở nước ta và là sông lớn nhất ở duyên hải Miền Trung. Thượng nguồn sông Ba bắt nguồn từ sườn núi phía Đông Nam dãy núi Ngọc Rô (1579m) ở xã Đăk Rông huyện KBang tỉnh Gia Lai, chảy theo hướng gần Bắc-Nam đến Cheo Reo tiếp nhận sông Ayun từ phía bờ phải chảy vào, từ đó chuyển hướng Tây Bắc-Đông Nam chảy vào địa phận tỉnh Phú Yên tại Buôn Học xã Krông Pa huyện Sơn Hòa, từ Củng Sơn sông chảy theo hướng gần Tây-Đông đổ ra biển tại cửa Đà Diễn ở phía Nam thành phố Tuy Hòa.

Diện tích lưu vực hệ thống sông Ba khoảng 13.900km2, trong đó 11.420km2 nằm trong địa phận các tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk, chỉ có khoảng 2.480km2 nằm trong địa phận tỉnh Phú Yên (bao gồm cả khoảng 145km2 lưu vực sông Cà Lúi và 75km2 lưu vực sông Krông Hnăng). Dòng chính sông Ba dài 388km, độ dốc bình quân lưu vực 10,9%, mật độ lưới sông 0,94km/km2.

Sông Kỳ Lộ: Là sông lớn thứ 2 ở tỉnh Phú Yên, sông La Hiêng là phần thượng nguồn sông Kỳ Lộ, bắt nguồn từ núi To Net (1.030m) ở xã Đăk Song huyện Krông Chro tỉnh Gia Lai, chảy theo hướng gần Bắc Nam vào địa phận tỉnh Phú Yên ở xã Phú Mỡ huyện Đồng Xuân rồi chuyển hướng Tây Bắc-Đông Nam chảy qua thị trấn La Hai đến Phú Mỹ chia ra làm 2 nhánh đổ ra vịnh Xuân Đài (cửa Bình Bá). Sông Kỳ Lộ dài 105km, độ dài lưu vực 62,6km, độ rộng trung bình lưu vực 30,7km, độ dốc trung bình lưu vực 18,6% và mật độ lưới sông 0,60km/km2.

Với diện tích lưu vực 1920km2, trong đó có khoảng 439km2 ở tỉnh lân cận, 1.481km2 ở tỉnh Phú Yên, bao gồm địa phận huyện Đồng Xuân và một phần huyện Tuy An, một phần huyện Sơn Hòa (các xã Sơn Hội, Sơn Định, Sơn Long).

Sông Bàn Thạch: Còn được gọi là sông Bánh Lái ở thượng lưu; suối Đen là thượng nguồn sông Bánh Lái, bắt nguồn từ sườn phía Bắc dãy núi cao trên 1000 m (Hòn Giữ-Đèo Cả), chảy qua vùng núi hòn Kỳ Đà (1.193m) ở phía phải, hòn Ông (1.110m) ở phía trái theo hướng Tây Nam-Đông Bắc và gần Nam-Bắc; từ Hòa Mỹ đến Đông Mỹ chảy theo hướng gần Tây-Đông rồi từ Đông Mỹ lại chuyển hướng Tây Bắc-Đông Nam, đổ ra biển tại cửa Đà Nông trong mùa lũ, nhưng trong mùa cạn thì chuyển dòng theo hướng Đông Nam-Tây Bắc rồi đổ ra cửa Phú Hiệp. Sông Bàn Thạch có một số sông nhánh chính như các sông: Suối Thoại (F = 166km2), suối Mỹ (95km2)… sông Bàn Thạch dài 68km, độ dài lưu vực 30km, độ rộng lưu vực 19,7km, độ dốc trung bình lưu vực 15,4%, mật độ lưới sông 0,50km/km2; diện tích lưu vực 592km2.

Đường phân nước giữa sông Đà Rằng và sông Bàn Thạch không rõ ràng vì địa hình thấp và tương đối bằng phẳng và có kênh mương nối liền kênh Nam của hệ thống thủy lợi Đồng Cam với sông Bánh Lái.

Sông Cầu mà thượng nguồn được gọi là sông Bình Minh, là sông lớn nhất ở thị xã Sông Cầu, bắt nguồn từ sườn phía Đông Nam dãy núi ở phía Tây Bắc thị xã Sông Cầu (Hòn Gio 786m), chảy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam qua thị xã Sông Cầu, rồi đổ ra Vũng Chào tại Dân Phước.

Dòng chính sông Cầu dài 26km, độ dài lưu vực 24km, độ rộng trung bình lưu vực 6,7km, diện tích lưu vực (F)161km2, độ dốc trung bình lưu vực 18,1%, mật độ lưới sông 0,30km/km2. Sông Cầu có một số sông nhánh như sông Hà Giang dài 12km, F = 35km2.

Nhìn chung các sông đều có độ dốc lớn, chịu sự chi phối của mưa trên lưu vực, sự ảnh hưởng của thủy triều chỉ một phần rất nhỏ ở cửa sông. Vì có độ dốc lớn, lưu vực ở hạ lưu hẹp nên bị lũ gây ở thượng nguồn rất nguy hiểm, đồng thời mùa kiệt gây nên sự khô cạn ở hạ lưu, giảm mực nước ngầm và tạo điều kiện cho sự xâm nhập mặn của biển.

Phú Yên thuộc khu vực Nam Trung bộ chủ yếu sản xuất nông nghiệp, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 155.870ha, chiếm khoảng 31% diện tích đất toàn tỉnh, trong đó đất trồng lúa và hoa màu 129.822ha. Trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện có 319 công trình thủy lợi các loại, trong đó: Hồ chứa: 46 công trình hồ chứa thủy lợi các loại, với tổng dung tích trữ khoảng 66,479 triệu m3, phục vụ tưới cho khoảng 2.239ha/7.353ha theo thiết kế, đạt 30,46%; và tạo nguồn tưới cho cây công nghiệp dài ngày; Trạm Bơm các loại: 156 công trình trạm bơm các loại (gồm: 76 trạm bơm điện và 80 trạm bơm dầu), phục vụ tưới cho khoảng 5.272ha/9.783ha theo thiết kế, đạt 53,89%; Đập dâng: Có 115 công trình đập dâng, phục vụ tưới cho khoảng 19.473ha/30.799ha đạt 63,23% và 02 công trình sử dụng nước lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ.

Ngoài các công trình hồ chứa nước lớn có dung tích từ 5-10 triệu m3 (04 hồ), các đập dâng, hệ thống thủy nông lớn (Đập Đồng Cam; hệ thống thủy nông Tam Giang (Đập Tam Giang; Đập Hà Yến, Đập Đồng Kho) và các trạm bơm có từ 10 tổ máy trở lên (02 trạm) thì hầu hết các công trình thủy lợi nhỏ.

Tổ chức quản lý Nhà nước về thủy lợi nói chung và đập, hồ chứa thủy lợi nói riêng còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là cấp huyện, xã. Nhiều huyện không có cán bộ thủy lợi, hầu hết các xã không có cán bộ được đào tạo kiến thức chuyên môn quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi nên hiệu quả quản lý hạn chế.

Trong những năm gần đây, mặc dù tình hình thực hiện các văn bản pháp lý về an toàn đập, hồ chứa thủy lợi đã có nhiều cải thiện, tuy nhiên vẫn còn tình trạng chưa quan tâm đúng mức, nhiều quy định pháp luật về an toàn đập, hồ chứa thủy lợi chưa được thực hiện như: lập, điều chỉnh bổ sung quy trình vận hành, kiểm định an toàn, phương án bảo vệ công trình, phương án ứng phó thiên tai, phương ứng phó với tình huống khẩn cấp, lắp đặt thiết bị quan trắc, thiết bị quan trắc thủy văn chuyên dùng; xây dựng cơ sở dữ liệu, cắm mốc hành lang bảo vệ công trình, hành lang bảo vệ mặt nước ....

Các hồ chứa nhỏ hiện chưa có số liệu đánh giá cụ thể, tuy nhiên, hầu hết các hồ chứa nhỏ được xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước theo các tiêu chuẩn thiết kế cũ, không có cống điều tiết, không có vật thoát nước hạ lưu, tràn xả lũ là tràn đất tự nhiện.... trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, mưa lũ lớn bất thường, cực đoan và những thay đổi về tiêu chuẩn thiết kế nên nhiều hồ chứa không đảm bảo khả năng chống lũ.

2. Căn cứ pháp lý xây dựng Đề án

- Luật Thủy lợi năm 2017;

- Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013;

- Luật Tài nguyên nước năm 2012;

- Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/05/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;

- Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;

- Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 07/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước và các Chỉ thị, Nghị quyết và các cơ chế chính sách khác có liên quan;

- Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 26/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủy lợi;

- Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/06/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

- Quyết định số 1609/QĐ-BNN-TCTL ngày 9/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủy lợi;

- Văn bản số 6115/BNN-TCTL ngày 10/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tổ chức triển khai Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 07/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ;

- Quyết định số 1008/QĐ-UBND ngày 16/06/2015 của UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

3. Đối tượng, phạm vi của Đề án

3.1. Đối tượng của Đề án

Bao gồm các đối tượng quản lý, các hồ chứa thủy lợi hiện có trên phạm vi toàn tỉnh.

3.2. Phạm vi thực hiện

- Phạm vi không gian: Chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa nước được triển khai thực hiện trên phạm vi toàn các huyện, thị xã, thành phố có hồ chứa thủy lợi và đập dâng có chiều cao từ 5m trở lên.

- Thời gian thực hiện Đề án: Giai đoạn 2018 đến năm 2025.

PHẦN I

SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Công trình thủy lợi, trong đó có các đập, hồ chứa nước là cơ sở hạ tầng hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đảm bảo an toàn hồ chứa nhằm nâng cao năng lực tưới thiết kế, kéo dài tuổi thọ công trình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần phát triển nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao trình độ dân trí khu vực nông thôn. Phát huy hiệu quả phòng, chống lũ, úng, ngập giảm nhẹ thiên tai cho vùng hạ du.

1. Hiện trạng an toàn đập, hồ chứa thủy lợi

Trên địa bàn tỉnh có 48 hồ chứa thủy lợi, gồm: 03 hồ có dung tích lớn hơn 10 triệu m3; 03 hồ có dung tích từ 3-10 triệu m3; 08 hồ có dung tích từ 1-3 triệu m3; 07 hồ có dung tích từ 0,5-1 triệu m3; 13 hồ có dung tích từ 0,2-0,5 triệu m3; 14 hồ có dung tích nhỏ hơn 0,2 triệu m3.

Các công trình hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh, phần lớn được xây dựng sau năm 1980, bằng nhiều nguồn vốn, do nhiều thành phần đầu tư và tham gia thi công. Cho nên mức độ hoàn chỉnh và chất lượng thi công của các hồ chứa nước khác nhau. Qua nhiều năm vận hành, khai thác thường bị lũ lụt làm cho một số hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, nhiều hồ chứa bị bồi lấp không còn sử dụng (như hồ chứa nước Cò Hay, huyện Sơn Hòa, hồ Hóc Bướm-huyện Tuy An; hồ Ea Lâm 2-huyện sông Hinh) hoặc lòng hồ bị thu hẹp dung tích trữ hạn chế, không đảm bảo như thiết kế ban đầu nhất là các hồ chứa nước do các Nông trường Cà phê xây dựng tạo nguồn để bơm tưới, thường là tràn trên nền đất, đá tự nhiên, không có cống lấy nước (như hồ Sơn Tây Thượng; Sơn Tây Hạ; Trường Lạc; Lạc Phong-huyện Tây Hòa; hồ Tân Lương-huyện Sơn Hòa,…).

Qua kết quả kiểm tra, các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh mức đảm bảo an toàn không cao, biểu hiện ở các mặt sau:

- Về năng lực chống lũ:

Phần lớn các hồ chứa có dung tích trữ trên dưới 1 triệu m3 trên địa bàn tỉnh Phú Yên, thường là tràn trên nền đất, đá tự nhiên nên cuối tràn ngày càng xói lở, vào mùa mưa lũ các bè cỏ và thực vật khác thường trôi về tràn xả lũ, gây nguy cơ hạn chế khả năng tháo lũ của tràn.

Tình hình thời tiết có nhiều biến đổi phức tạp, tần suất mưa, lũ trên lưu vực lớn, bất thường trong khi thiết kế tính toán lũ trước đây thiên nhỏ, rừng đầu nguồn bị tàn phá nên lũ tập trung về hồ nhanh hơn, nhiều hơn. Số hồ chứa còn thiếu năng lực xả lũ là 18/48 hồ chứa.

- Về thấm: Các công trình hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh được xây dựng từ lâu, qua nhiều năm vận hành, khai thác thường bị ảnh hưởng lũ lụt, đập đất của một số hồ bị hư hỏng xuống cấp; tràn xả lũ bị rò rỉ, thấm qua vai, tường tràn xả lũ. Số hồ chứa cần phải xử lý thấm là 15/48 hồ chứa.

- Về chống sóng: Hầu hết các hồ chứa nhỏ có dung tích trữ trên dưới 1 triệu m3 mái thượng hạ lưu đập đất chưa được gia cố, thường bị sạt trượt, ảnh hưởng an toàn công trình. Một số hồ được gia cố mái thượng lưu bằng đá lát khan, do gia cố lâu nên lớp đá bị sụp, sạt. Không có tường chắn sóng mái thượng lưu để bảo đảm an toàn đập.

- Về cống lấy nước: Tình trạng hư hỏng cống lấy nước rất phổ biến do công trình sử dụng lâu ngày nên bê tông hoặc kết cấu xây đã bị mục. Số hồ chứa cần phải sửa chữa cống lấy nước là 10/48 hồ chứa.

- Tràn xả lũ: Các hồ chứa nhỏ tràn xả lũ là tràn tự nhiên, không được gia cố. Nhiều hồ tuy đã gia cố nhưng đã bị hư hỏng. Số hồ chứa cần phải sửa chữa, nâng cấp tràn là 20/48 hồ chứa.

Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đã đầu tư nâng cấp sửa chữa một số công trình hồ chứa mang tính cấp bách, xung yếu gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Các công trình sau khi được đầu tư sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn, tích nước đạt dung tích thiết kế, chủ động công tác điều tiết nước trong mùa mưa lũ, đảm bảo an toàn công trình đầu mối và các hộ dân sống ở hạ lưu đập, bảo vệ môi trường sinh thái.

Tuy nhiên, số lượng hồ được đầu tư sửa chữa trên địa bàn tỉnh Phú Yên còn rất hạn chế, chỉ chiếm chưa đến 15% các hồ cần được sửa chữa nâng cấp.

2. Tình hình thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập

- Đăng ký an toàn đập: 44/48 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đã lập tờ khai quản lý an toàn đập (số còn 04 hồ chứa nhỏ của nông trường bàn giao, không có hồ sơ lưu trữ).

- Kiểm định an toàn đập: 03/46 công trình.

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 72/2007/NĐ-CP thì trên địa bàn tỉnh Phú Yên chỉ có 02 hồ thủy lợi phải thực hiện kiểm định an toàn đập theo định kỳ. Các hồ còn lại (46 hồ) chỉ thực hiện tính toán lại dòng chảy lũ đến hồ chứa, kiểm tra khả năng xả lũ của hồ chứa theo tiêu chuẩn thiết kế đập hiện hành.

* Đối với các hồ chứa có dung tích trữ bằng hoặc lớn hơn 10 triệu m3.

+ Hồ Phú Xuân-huyện Đồng Xuân, dung tích trữ: 11,22 triệu m3.

+ Hồ Đồng Tròn-huyện Tuy An, dung tích trữ: 19,55 triệu m3.

Hai hồ này do Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam quản lý, đã thực hiện kiểm định an toàn đập và được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kết quả kiểm định năm 2014.

+ Hồ Suối Vực-huyện Sơn Hòa, dung tích hồ trữ 10,51 triệu m3, mới đưa vào vận hành năm 2016.

* Đối với các hồ chứa có dung tích trữ dưới 10 triệu m3.

Các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Phú Yên phần lớn là các hồ chứa nhỏ, dung tích trữ dưới 3 triệu m3, xả lũ bằng hình thức tràn tự do và do các địa phương quản lý vận hành, khai thác. Trong những năm qua tình hình hoạt động các hồ chứa tương đối ổn định, đảm bảo an toàn, chưa xảy ra sự cố gì lớn.

Các chủ hồ đã đăng ký kế hoạch thực hiện kiểm định an toàn đập, nhưng đến nay chưa triển khai thực hiện được vì chưa có kinh phí để thực hiện (chỉ có Hồ chứa nước Hóc Răm do Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam quản lý đã thực hiện tính toán lại dòng chảy lũ đến hồ chứa, kiểm tra khả năng xả lũ của hồ chứa theo tiêu chuẩn thiết kế đập hiện hành và đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2014).

- Về việc thực hiện Quy trình vận hành hồ chứa

Do đặc điểm địa hình chia cắt, hẹp phần lớn là những công trình hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh thuộc loại nhỏ, xả lũ bằng hình thức tràn tự do và do các địa phương quản lý vận hành, khai thác, không có quy trình vận hành điều tiết hồ. Một số công trình có qui mô vừa và lớn, xả lũ bằng hình thức xả sâu như: Hồ chứa nước Phú Xuân-Đồng Xuân; hồ chứa nước Đồng Tròn-huyện Tuy An; hồ Suối Vực-huyện Sơn Hòa do Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam quản lý và một số hồ mới đầu tư đã có Quy trình vận hành điều tiết hồ được phê duyệt, sau khi vận hành phục vụ hết vụ Hè Thu các cửa tràn xả lũ được mở hết để dòng chảy qua tràn như dòng chảy tự nhiên; đến tháng 11 hàng năm, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình khí tượng-thủy văn chọn thời điểm thích hợp đóng các cửa tràn đảm bảo tích nước cho sản xuất.

- Về công tác quan trắc đập:

 Các công trình hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh, phần lớn được xây dựng sau năm 1980, bằng nhiều nguồn vốn, do nhiều thành phần đầu tư và tham gia thi công, cho nên mức độ hoàn chỉnh và chất lượng thi công của các hồ chứa nước khác nhau. Các hồ sơ lưu trữ không đầy đủ, không bố trí thiết bị quan trắc thấm, chuyển vị ..., chỉ có hồ chứa nước Phú Xuân-huyện Đồng Xuân, hồ chứa nước Đồng Tròn-huyện Tuy An là công trình hồ chứa thủy lợi lớn của tỉnh có bố trí thiết bị đo mưa và thiết bị quan trắc thấm trên đập đất nhưng đến nay một số đã bị hư hỏng, không có số liệu đầy đủ về quan trắc thấm. Một số hồ chứa mới xây dựng như: Hồ Buôn La Bách, hồ Kỳ Châu, hồ Xuân Bình ... cũng chỉ có bố trí thiết bị đo thấm và hệ thống thông tin liên lạc (điện thoại), chưa lắp đặt thiết bị giám sát, đo đạc các số liệu khí tượng, thủy văn, chuyển vị.... Do đó rất khó khăn cho việc đánh giá, kiểm tra, kiểm định an toàn công trình.

- Xây dựng phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập:

 Các hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh thuộc loại vừa và nhỏ, dung tích trữ phần lớn là < 1 triệu m3, phạm vi ảnh hưởng không lớn, chủ yếu là ảnh hưởng đến đất sản xuất nên các địa phương, chủ hồ chưa lập phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du cũng như lập bản đồ ngập lụt. Riêng hồ chứa nước Phú Xuân, hồ chứa nước Đồng Tròn và hồ Suối Vực sau khi vận hành phục vụ hết vụ Hè Thu các cửa tràn xả lũ được mở hết để dòng chảy qua tràn như dòng chảy tự nhiên, không tích nước trong mùa mưa lũ.

- Xây dựng phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập và phương án bảo vệ đập: Tất cả các công trình hồ chứa nước đều được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, công tác PCLB được kiểm tra thường xuyên, đều thành lập Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và có phương án bảo vệ, vận hành công trình, điều tiết nước kịp thời. Các hồ chứa nước lớn được thông tin bằng điện thoại trực tiếp đến đầu mối, đảm bảo thông tin để điều tiết lũ hợp lý, an toàn cho hồ chứa.

- Về năng lực chống lũ của các công trình hồ chứa:

Đánh giá thực trạng khả năng phòng chòng chống lũ của các đập hồ chứa theo quy định tại Quy Chuẩn QCVN04-05:2012/BNNPTNT.

Phần lớn được xây dựng từ lâu, trước khi Quy chuẩn QCVN04-05:2012/BNNPTNT có hiệu lực nên các công trình chưa được tính toán thêm tần suất lũ kiểm tra theo quy chuẩn này.

3. Cơ cấu tổ chức, quản lý, hồ đập và thể chế, chính sách về an toàn đập

Ngoài những công trình hồ thủy lợi có qui mô vừa và lớn, xả lũ bằng hình thức xả sâu như: Hồ chứa nước Phú Xuân-Đồng Xuân; hồ chứa nước Đồng Tròn-huyện Tuy An; hồ Suối Vực-huyện Sơn Hòa; hồ Hóc Răm, hồ Xuân Bình, hồ Kỳ Châu được tỉnh giao cho Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam quản lý thì hầu hết các công trình hồ chứa nhỏ ở các huyện, thị xã, thành phố sau khi đầu tư được giao cho UBND huyện quản lý (UBND xã, Hợp tác xã Nông nghiệp của xã và một số đơn vị hành chính sự nghiệp của huyện trực tiếp quản lý, vận hành phục vụ sản xuất).

Tất cả các công trình hồ chứa nước thủy lợi đều được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, công tác PCLB được kiểm tra thường xuyên, đều thành lập Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và có phương án bảo vệ, vận hành công trình, điều tiết nước kịp thời. Các hồ chứa nước lớn được thông tin bằng điện thoại trực tiếp đến đầu mối, đảm bảo thông tin để điều tiết lũ hợp lý, an toàn cho hồ chứa.

Hằng năm, tỉnh có văn bản chỉ đạo các địa phương đơn vị tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các hồ chứa chứa do đơn vị quản lý, đề xuất phương án sửa chữa các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa lũ; rà soát nhân lực và các vật tư, thiết bị phục vụ công tác vận hành bảo dưỡng và bảo vệ hồ theo quy định. Đánh giá việc vận hành điều tiết hồ theo qui trình đã được phê duyệt, lập phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du đập. Chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý hồ thành lập, củng cố Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão cho mỗi công trình hoặc cụm công trình hồ chứa nước có phân công nhiệm vụ cụ thể; mỗi công trình lập một đội xung kích và các lực lượng khác có thể huy động nhanh nhất sẵn sàng ứng cứu, khắc phục sự cố nếu xảy ra. Chuẩn bị vật tư, vật liệu dự phòng. Đối với các hồ chứa nước có cửa xả sâu, rà soát quy trình vận hành có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp; kiểm tra cửa van, hệ thống vận hành và bố trí nhân lực vận hành sẵn sàng điều tiết mực nước, điều tiết lũ một cách hợp lý đảm bảo an toàn cho công trình cũng như hành lang xả lũ và hạ du.

Nguồn nhân lực tham gia quản lý khai thác công trình hồ chứa nước hiện có trên địa bàn tỉnh khoảng 94 cán bộ. Cán bộ quản lý hồ chứa có trình độ đại hoc, cao đẳng, trung cấp chủ yếu của doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp (khoảng 30 người); cán bộ tham gia quản lý hồ ở các huyện, thị xã, thành phố hầu hết chưa qua đào tạo chuyên môn, trình độ văn hóa thấp (khoảng 65 người).

Nguồn tài chính cho công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng: Kinh phí phục vụ cho công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng công trình chủ yếu từ nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí của Chính phủ và nguồn thu phí dịch vụ nội đồng của địa phương. Nhưng phần lớn công trình hồ chứa trên địa bàn tỉnh thuộc loại nhỏ, do các địa phương quản lý vận hành, khai thác, năng lực phục vụ tưới nhỏ, kinh phí cấp bù thủy lợi phí chỉ đủ chi phí cho công tác quản lý, vận hành và sửa chữa thường xuyên, không có kinh phí để thực hiện công tác kiểm định, lắp đặt và vận hành các thiết bị quan trắc, hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng theo quy định cũng như sửa chữa nâng cấp.

Tuy công tác quản lý khai thác và bảo vệ các hồ chứa được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, các cấp chính quyền địa phương quan tâm. Đã ban hành nhiều cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi để quản lý hồ chứa, hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn, hiệu quả các hồ chứa nước. Trong công tác quản lý an toàn đập vẫn còn nhiều hạn chế như:

- Năng lực của các chủ hồ còn yếu, thiếu nguồn lực, chưa đáp ứng yêu cầu nhất là cấp huyện, xã. Phần lớn các hồ chứa nước nhỏ trên địa bàn tỉnh giao cho các địa phương quản lý, vận hành, năng lực, trình độ chuyên môn còn hạn chế, hầu hết chưa qua đào tạo.

- Các chủ hồ chưa thực hiện nghiêm túc công tác quản lý về kỹ thuật, kiểm tra, quan trắc, kiểm định đập của hồ chứa theo quy định, nhất là các hồ chứa nhỏ do xã quản lý do chưa có kinh phí để thực hiện.

- Công trình phục vụ khai thác hồ chứa: Các hồ chứa có đường quản lý tốt rất ít, xe cơ giới khó có thể tiếp cận để kiểm tra và ứng cứu khi hồ có sự cố xảy ra, nhất là các hồ chứa nhỏ và trong điều kiện đang xảy ra lũ lụt chia cắt.

- Hồ sơ tài liệu có một số hồ chứa nhỏ không được lưu trữ hoặc lưu trữ không đầy đủ, khó khăn cho công tác sửa chữa cũng như quản lý, đảm bảo an toàn hồ chứa.

- Nhiều hồ chứa chưa có quy trình vận hành hoặc có nhưng không còn phù hợp chưa được bổ sung sửa đổi kịp thời gây khó khăn khi xả lũ.

- Công tác dự báo, cảnh báo phục vụ quản lý, vận hành hồ còn hạn chế, không có sự hỗ trợ về thiết bị, công nghệ, mô hình trong tính toán dự báo lũ, lượng nước đến, nhu cầu dùng nước…, gây khó khăn trong công tác chỉ đạo phòng chống lũ, vận hành bảo đảm an toàn công trình và sản xuất. Các hồ chưa có hệ thống thông tin cảnh báo sớm, chưa lắp đặt thiết bị quan trắc nên thiếu thông tin để cập nhật thủy văn kịp thời.

- Hầu hết các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện công tác chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy lợi (trừ các hồ chứa lớn, do Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam quản lý).

- Việc chấp hành của một bộ phận cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ đập còn hạn chế, nhiều vụ vi phạm về hành lang bảo vệ đập (như xây dựng công trình, nhà cửa trong phạm vi bảo vệ đập, vận hành trái phép công trình,.v.v).

- Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng chưa được coi trọng.

4. Nguyên nhân những tồn tại hạn chế

4.1. Nguyên nhân khách quan

- Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tác động bất lợi đến an toàn đập, nhất là những đập, hồ chứa thiếu khả năng xả lũ dẫn đến nguy cơ mất an toàn đập tăng cao.

- Quá trình phát triển kinh tế-xã hội làm suy giảm chất lượng rừng ảnh hưởng đến dòng chảy, khai thác cát và lún ở vùng hạ du; phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, công nghiệp, giao thông cản trở thoát lũ...

- Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa ở khu vực hạ du đập, hồ chứa ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ của các hồ chứa lớn.

- Đặc thù các hồ chứa thủy lợi nhỏ nằm ở khu vực miền núi xa trung tâm hành chính, giao thông đi lại khó khăn nên việc quản lý, bảo vệ chưa được quan tâm nhiều.

- Đại đa số các hồ chứa nhỏ được xây dựng từ lâu, công nghệ xây dựng lạc hậu, chất lượng xây dựng chưa cao, nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng không có nên bị xuống cấp nhanh chóng.

4.2. Nguyên nhân chủ quan

- Chất lượng quản lý, khai thác vận hành kém; hoạt động chậm đổi mới theo cơ chế thị trường, duy trì quá lâu cơ chế bao cấp, thiếu cơ chế để phát huy tiềm năng, lợi thế để khai thác tổng hợp hồ chứa nước. Phương thức hoạt động như vậy dẫn tới cơ chế tài chính thiếu bền vững, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước; đồng thời, hạn chế thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, hạn chế cơ chế cạnh tranh cho đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình.

- Việc thành lập và hoạt động của tổ chức thủy nông cơ sở còn mang nặng tính áp đặt, thiếu sự tham gia chủ động, tích cực của người dân, một bộ phận cán bộ, người dân coi công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi là nhiệm vụ của nhà nước dẫn tới tư tưởng trông chờ ỷ lại vào nhà nước, sử dụng nước lãng phí.

- Chính quyền cấp xã và các tổ chức đoàn thể cơ sở chưa quan tâm đến quản lý công trình thủy lợi, mà coi đó là trách nhiệm của nhà nước, của các doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi trên địa bàn. Nhiều công trình thuỷ lợi phân cấp cho xã quản lý nhưng không có chủ quản lý thực sự.

- Khoa học công nghệ chưa bám sát hoặc dự báo đúng nhu cầu thực tế, chậm áp dụng công nghệ tiên tiến trong dự báo, cảnh báo sớm và hỗ trợ ra quyết định trong vận hành hồ chứa nước.

- Tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước vẫn còn nặng nề, đặt nặng vấn đề đầu tư xây dựng công trình, xem nhẹ quản lý, chưa huy động được sức mạnh toàn xã hội tham gia vào xây dựng, quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

5. Sự cần thiết phải xây dựng Đề án

Hồ chứa nước là công trình thủy lợi tổng hợp nguồn nước nhằm cung cấp nước cho các ngành kinh tế quốc dân, cắt giảm lũ, phát điện và cải thiện môi trường. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng các công trình hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Phú Yên như trên thì mức độ đảm bảo an toàn không cao, hiện đang tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hồ chứa. Để khắc phục những hạn chế và đảm bảo tính bền vững lâu dài, an toàn cho các hồ chứa, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, ổn định cuộc sống của cộng đồng dân cư vùng hạ du các công trình hồ chứa; Cải tiến về thể chế, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, công nhân vận hành hồ chứa; đầu tư, trang bị hệ thống quan trắc các yếu tố khí tượng thủy văn trong khu vực, hệ thống giám sát, quản lý tự động; hệ thống cảnh báo xả lũ hạ du các hổ chứa lớn để kịp thời ra quyết định trong những trường hợp ứng phó khẩn cấp; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thì cần phải có một giải pháp tổng thể và lâu dài.

Thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 07/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước và Văn bản số 6115/BNN-TCTL ngày 10/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về tổ chức triển khai Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 07/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, việc xây dựng Đề án nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi nhằm đánh giá, phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao công tác quản lý bảo đảm bảo an toàn và khai thác hiệu quả các đập, hồ chứa thủy lợi là rất cần thiết.

PHẦN II

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

I. QUAN ĐIỂM

1. Hoàn thiện và thực thi có hiệu quả hệ thống thể chế về quản lý an toàn đập.

2. Đảm bảo an toàn của các đập, hồ chứa thủy lợi và vùng hạ du theo các quy định hiện hành trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Hoàn thiện và thực thi có hiệu quả hệ thống thể chế về quản lý an toàn đập.

- Hoàn thiện bộ máy tổ chức, củng cố, nâng cao năng lực của lực lượng quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi các cấp.

- Đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào trong công tác quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi và hệ thống thủy lợi.

2. Mục tiêu cụ thể

- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi.

- Tiếp tục củng cố tổ chức thủy lợi cơ sở, nâng cao năng lực bộ phận chuyên môn trực tiếp quản lý tại các hồ chứa; xây dựng, hoàn thiện các quy định về quản lý hồ đập nhỏ có sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức thủy lợi cơ sở.

- Từng bước hiện đại hóa công tác quản lý, vận hành, khai thác các đập, hồ chứa thủy lợi, tiến dần đến vận hành theo thời gian thực. Bố trí kinh phí lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, hệ thống thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du, hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng đối với đập, hồ chứa thủy lợi; lắp đặt thiết bị điều hành trung tâm để quản lý đập, hồ chứa thủy lợi; hệ thống cơ sở dữ liệu về đập, hồ chứa thủy lợi.

- Tăng cường phối hợp liên ngành để dự báo, cảnh báo lũ, vận hành hồ chứa và phòng chống lũ cho vùng hạ lưu đập.

- Rà soát, lập danh mục các đập, hồ chứa thủy lợi hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn, đề xuất xử lý cấp bách các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao. Tổng hợp, điều chỉnh, đề xuất nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 để xử lý đập, hồ chứa thủy lợi xung yếu, cấp bách; bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025. Rà soát, tổng hợp, bổ sung kinh phí bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi; kinh phí bảo trì đập, hồ chứa thủy lợi.

- Bảo đảm 100% cán bộ làm công tác quản lý hồ chứa được đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực và trình độ về công tác quản lý hồ chứa nước, đồng thời tuyên truyền sâu rộng cho quần chúng nhân dân vùng hưởng lợi nắm được tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.

III. NHIỆM VỤ ĐỀ ÁN

1. Hoàn thiện và thực thi có hiệu quả hệ thống thể chế về quản lý an toàn đập

- Xây dựng, hoàn thiện các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi.

- Tổ chức hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập.

2. Hoàn thiện bộ máy tổ chức, củng cố, nâng cao năng lực của lực lượng quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi các cấp

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động của tổ chức thủy lợi cơ sở. Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công nhân viên làm công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi.

- Quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, phương tiện quản lý tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý khai thác hoàn thành nhiệm vụ.

- Xây dựng, hoàn thiện các quy định về quản lý hồ đập nhỏ có sự tham gia của cộng đồng.

- Đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ quản lý đập, hồ chứa nước đảm bảo yêu cầu; đặc biệt là đối với đội ngũ quản lý các hồ chứa nhỏ do các huyện, xã quản lý.

3. Từng bước hiện đại hóa công tác quản lý, vận hành, khai thác các đập, hồ chứa thủy lợi, tiến dần đến vận hành theo thời gian thực

- Nâng cao năng lực dự báo mưa lũ, vận hành hồ chứa hợp lý, điều tiết xả lũ liên hồ chứa, tiến tới vận hành theo thời gian thực.

- Rà soát việc thực hiện quy trình, điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành đập, hồ chứa nước theo quy định.

- Lắp đặt Hệ thống thông tin cảnh báo sớm; Hệ thống quan trắc công trình; Hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng; Hệ thống giám sát vận hành đối với các hồ chứa lớn.

- Từng bước ứng dụng bộ công cụ tính toán thủy văn phục vụ quản lý vận hành.

- Tiến hành cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đập hồ chứa nước phục vụ công tác chỉ đạo vận hành. Lập hồ sơ lưu trữ điện tử toàn bộ các hồ đập trên phạm vi toàn tỉnh.

4. Đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi và vùng hạ du

- Thực hiện đăng ký an toàn đập, kiểm định an toàn đập theo các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước hiện hành.

- Lập quy trình bảo trì các đập, hồ chứa thủy lợi; lập danh mục các đập, hồ chứa thủy lợi hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn.

- Bố trí kinh phí nâng cấp, sửa chữa hồ đập, đảm an toàn đập; kinh phí duy tu, bảo dưỡng, bảo trì công trình đập, hồ chứa thủy lợi.

- Xây dựng phương án bảo vệ công trình, phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp của các đập, hồ chứa thủy lợi.

5. Bảo đảm 100% cán bộ làm công tác quản lý hồ chứa được đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực và trình độ về công tác quản lý hồ chứa nước, đồng thời tuyên truyền sâu rộng cho quần chúng nhân dân vùng hưởng lợi nắm được tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.

IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHÍNH

1. Hoàn thiện thể chế trong quản lý an toàn đập

Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban - Thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi; chỉ đạo, hướng dẫn địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi thông qua tuyên truyền phổ biến pháp luật và các chế tài xử lý các vi phạm.

2. Nâng cao năng lực vận hành bảo đảm an toàn đập, hồ chứa và vùng hạ du

- Xây dựng hệ thống trang thiết bị hỗ trợ nâng cao năng lực vận hành ứng phó với mưa, lũ bảo đảm an toàn đập bao gồm:

+ Hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trên lưu vực đập, hồ chứa thủy lợi.

+ Lắp đặt các thiết bị quan trắc công trình.

+ Hệ thống giám sát vận hành đập, hồ chứa nước (thiết bị kết nối truyền dẫn số liệu khí tượng thủy văn, tình hình ngập lụt hạ du; camera giám sát vận hành công trình đầu mối và phần mềm hỗ trợ vận hành đập, hồ chứa theo diễn biến thực tế).

+ Lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ (cho các đập, hồ chứa lớn).

+ Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành đập, hồ chứa thủy lợi.

- Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, bảo đảm các điều kiện vật chất kỹ thuật cần thiết phục vụ cho công tác quản lý khai thác.

- Thực hiện cắm mốc phạm vi chỉ giới bảo vệ đập, hồ chứa thủy lợi.

3. Đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi và vùng hạ du

- Tăng cường phối hợp liên ngành để dự báo, cảnh báo lũ, vận hành hồ chứa và phòng chống lũ cho vùng hạ lưu đập.

- Rà soát, đánh giá hiện trạng của toàn bộ các hồ chứa, đánh giá lại khả năng xả lũ có xét đến biến đổi khí hậu và phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành, từng bước nâng mức đảm bảo theo tiêu chuẩn cho hồ chứa lớn.

- Thực hiện đăng ký an toàn đập, kiểm định an toàn đập theo các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

- Tổ chức kiểm tra, đánh giá, lập danh mục và sắp xếp thứ tự ưu tiên, lộ trình đầu tư sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa thủy lợi hư hỏng, xuống cấp. Điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn, sử dụng dự phòng ngân sách để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa thủy lợi hư hỏng, xuống cấp không đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ hàng năm.

- Quyết định việc tích nước và bảo đảm an toàn đối với đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý.

- Xây dựng Phương án bảo vệ công trình, Phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho các đập, hồ chứa thủy lợi.

- Rà soát, lập bổ sung quy trình bảo trì cho các đập, hồ chứa thủy lợi. Rà soát, đánh giá nguồn kinh phí bảo trì các công trình đập, hồ chứa thủy lợi trên cơ sở các quy định hiện hành, từ đó đề xuất nguồn kinh phí thực hiện bảo trì công trình đập, hồ chứa thủy lợi và tổ chứa thực hiện.

- Rà soát, xác định nhu cầu lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du đập cho đập, hồ chứa nước có cửa van điều tiết lũ đang khai thác.

- Xây dựng bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du các hồ chứa lớn, các phương án di dời dân và tài sản khi có nguy cơ về an toàn hồ, đập.

- Xây dựng mẫu mô hình quản lý hồ chứa có sự tham gia quản lý của người dân nhằm quản lý khai thác công trình và phòng chống rủi ro thiên tai, sự cố hồ chứa đạt hiệu quả.

4. Hoàn thiện tổ chức bộ máy, đào tạo, nâng cao năng lực, truyền thông

- Củng cố, phát triển lực lượng quản lý chuyên trách có đủ năng lực chuyên môn để quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi. Tập trung tăng cường năng lực chuyên môn trong kiểm tra, quan trắc, dự báo, cảnh báo và vận hành bảo đảm an toàn đập.

- Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi.

- Tuyên truyền sâu rộng cho các đối tượng quản lý, quần chúng nhân dân vùng hưởng lợi nắm được tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.

5. Thanh tra, kiểm tra

- Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi; kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi.

- Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các hoạt động đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn.

- Tổ chức tốt việc theo dõi, kiểm tra đập, hồ chứa thủy lợi trước, trong và sau mùa mưa, lũ, nhằm phát hiện sớm những ẩn họa có nguy cơ gây sự cố công trình để xử lý sớm; thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” trong xử lý sự cố công trình.

- Tăng cường công tác kiểm tra các đập, hồ chứa thủy lợi bị xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ, xây dựng phương án sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn công trình phục vụ sản xuất và tính mạng, tài sản của dân cư vùng hạ du, báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Dự kiến tổng nhu cầu kinh phí: 412,20 tỷ đồng. Trong đó:

- Nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và vốn ODA: 404,6 tỷ đồng để thực hiện:

+ Sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa nước: 356 tỷ đồng;

+ Tăng cường năng lực quản lý đập, hồ chứa nước: 5 tỷ đồng;

+ Lắp đặt thiết bị, cắm mốc,....: 49,2 tỷ đồng;

- Nguồn ngân sách địa phương: 7,6 tỷ đồng.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. THỜI GIAN VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

- Đề án sẽ triển khai thực hiện đến hết năm 2025.

- Định kỳ hàng năm tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện báo cáo Bộ Nông
nghiệp và PTNT.

- Năm 2022 tổ chức đánh giá, sơ kết để rút kinh nghiệm.

- Năm 2025 tổng kết đánh giá Đề án và các chính sách liên quan.

II. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ LIÊN QUAN

1. Sở Nông nghiệp và PTNT

Chủ trì, phối hợp với các địa phương, Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, xây dựng kế hoạch hoạt động cho các nội dung trong Đề án, trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai hàng năm. Theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai thực hiện, báo cáo kết quả với UBND tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh: Phương án huy động nguồn lực của địa phương, Quỹ Phòng chống thiên tai để thực hiện nội dung Đề án. Chú trọng phương án bố trí kinh phí tăng cường năng lực quản lý bằng nguồn ngân sách địa phương.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và địa phương liên quan kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước triển khai thực hiện các quy định liên quan đến tài nguyên nước.

4. UBND các huyện, thị xã thành phố

- Tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Đề án thuộc địa bàn quản lý đảm bảo chất lượng và đúng thời gian quy định.

- Củng cố, sắp xếp lực lượng quản lý đập, hồ chứa thủy lợi có năng lực và chuyên môn đáp ứng yêu cầu theo quy định hiện hành.

- Chỉ đạo các tổ chức cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy lợi xây dựng các phương án ứng phó thiên tai và ứng phó tình huống khẩn cấp và phê duyệt phương án theo quy định.

- Chỉ đạo các tổ chức cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy lợi do huyện, thị xã, thành phố quản lý thực hiện kê khai đăng ký an toàn đập; Lập quy trình vận hành đập, hồ chứa; Lắp đặt và thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng; Xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu; Cắm mốc hành lang bảo vệ mặt nước, phạm vi chỉ giới bảo vệ đập, hồ chứa thủy lợi; Lập, lưu trữ hồ sơ công trình sau khi Đề án được phê duyệt và được bố trí kinh phí thực hiện.

5. Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam

- Tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Đề án thuộc Công ty quản lý đảm bảo chất lượng và đúng thời gian quy định.

- Triển khai thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý, đảm ảo an toàn đâp, hồ chứa thủy lợi. Xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu; Cắm mốc hành lang bảo vệ mặt nước, cắm mốc phạm vi chỉ giới bảo vệ đập, hồ chứa thủy lợi do Công ty quản lý.

- Phối hợp chặt chẽ với các địa phương vùng hạ lưu trong công tác quản lý khai thác công trình và phòng chống rủi ro thiên tai.

6. Liên minh các Hợp tác xã tỉnh

Phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn việc củng cố, chuyển đổi và thành lập mới các HTX hoạt động trong lĩnh vực sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.

7. Hội Nông dân các cấp

Tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tham gia xây dựng và củng cố các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi tại địa phương.

8. Các sở, ban ngành tỉnh

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa nước theo các quy định hiện hành.

C. DỰ KIẾN HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN

- Các đập, hồ chứa thủy lợi được sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. Nâng cao hiệu quả tưới của các công trình thủy lợi.

- Các thiết bị cảnh báo được lắp đặt, tăng hiệu quả công tác cảnh báo, đảm bảo phòng tránh các nguy cơ sự cố công trình có thể xảy ra.

- Cán bộ, người lao động tham gia quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi được tập huấn nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

D. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

I. KẾT LUẬN

Hồ chứa nước là công trình thủy lợi tổng hợp nguồn nước nhằm cung cấp nước cho các ngành kinh tế quốc dân, cắt giảm lũ, phát điện và cải thiện môi trường. Các công trình hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh, phần lớn được xây dựng sau năm 1980, bằng nhiều nguồn vốn, do nhiều thành phần đầu tư và tham gia thi công, năng lực khảo sát thiết kế thi công, quản lý còn nhiều bất cập nên công trình đã xây dựng không tránh khỏi các nhược điểm: chưa đồng bộ, chất lượng thấp, thiếu mỹ quan, chưa thật an toàn. Trải qua thời gian dài khai thác, hầu hết các công trình đều có hư hỏng, xuống cấp hiện đang tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hồ chứa. Nếu xảy ra sự cố, đặc biệt là vỡ đập sẽ gây thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân vùng hạ du. Việc nâng cao công tác quản lý các hồ chứa nước là rất quan trọng và cấp bách.

II. KIẾN NGHỊ

Hồ chứa nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Với điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi, nhiều hồ chứa nước được Nhà nước và nhân dân xây dựng góp phần rất lớn vào thành công trong phát triển kinh tế nông nghiệp của đất nước. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế-xã hội, hồ chứa nước cũng luôn tiềm ẩn những nguy cơ gây ra sự cố, ảnh hưởng an toàn công trình, tài sản, tính mạng của dân cư vùng hạ du các hồ chứa. Nhiệm vụ bảo đảm an toàn các hồ chứa nước còn rất nặng nề trong khi thời tiết khí hậu ở nước ta, đặc biệt vùng duyên hải miền Trung là hết sức khắc nghiệt, mưa lũ xảy ra với cường độ lớn và bất thường. Để bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT trình, Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí nguồn kinh phí ổn định hàng năm để thực hiện Đề án.

Củng cố lực lượng quản lý hồ chứa có đủ năng lực, chuyên môn; thực hiện nghiêm túc công tác theo dõi, kiểm tra hồ đập trước, trong và sau mùa mưa lũ nhằm sớm phát hiện những nguy cơ gây mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để xảy ra sự cố. Tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn; xây dựng phương án tích nước hợp lý hoặc hạn chế tích nước đối với các hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, đồng thời chủ động phương án bảo đảm an toàn công trình và dân cư vùng hạ du.../.

------------------------------------------------------------------------------------

Các Phụ lục:

Phụ lục 1. Tổng hợp dự kiến nhu cầu kinh phí thực hiện dự án.

Phụ lục 2: Bảng thống kê thông số kỹ thuật hồ chứa thủy lợi.

Phụ lục 3. Thực trạng thực hiện một số quy định về an toàn đập.

Phụ lục 4. Danh mục các hồ chưa thủy lợi cần được đầu tư sửa chữa, nâng cấp.

Phụ lục 5. Nhu cầu Kiểm định - Xây dựng phương án PCLB-Bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu;

Phụ lục 6. Nhu cầu cắm mốc chỉ giới, hành lang bảo vệ nguồn nước.

Phụ lục 7. Nhu cầu lắp đặt thiết bị quan trắc.

Phụ lục 8. Đề xuất khôi phục hồ sơ lưu trữ và quy trình vận hành.

 

Phụ lục: 1

BẢNG TỔNG HỢP DỰ KIẾN NHU CẦU KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

(kèm theo Đề án Nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa tỉnh Phú Yên)

TT

Nội dung

Kinh phí
(tỷ đồng)

Thời gian thực hiện

Nguồn vốn thực hiện

Ghi chú

 

 

 

 

NSTW

NSĐP

ODA

 

1

Sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa thủy lợi

356

2019-2025

236

 

120

Phụ lục 4

2

Tăng cường năng lực quản lý

5

2019-2022

5

 

 

 

3

Lắp đặt thiết bị, kiểm định, cắm mốc, …

49.2

 

32.95

5.6

10.65

 

 -

Kiểm định và xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho hạ du đập, hồ chứa

10

2019-2020

10

 

 

Phụ lục 5

 -

Bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập,

10

2019-2020

10

 

 

 -

Cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa, cho đập, hồ chứa.

10.5

2019-2020

 

5.6

4.9

Phụ lục 6

 -

Lắp đặt thiết bị quan trắc công trình, quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, hệ thống thông tin cảnh báo sớm đập, hồ chứa, cho đập, hồ chứa:

10.4

2020-2025

4.65

 

5.75

Phụ lục 7

 -

Hệ thống thiết bị điều hành trung tâm để quản lý đập, hồ chứa thủy lợi:

 -

Khôi phục kc dữ liệu, thông tin: Khảo sat địa hình, thu thập tài liệu, tài liệu khí tượng thủy văn, xác định vị trí tọa độ không gian, xác định lại các thông số

8.3

2019-2022

8.3

 

 

Phụ lục 8

4

Kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện, sơ kết, tổng kết, ….

2

2019-2025

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng

412.20

 

273.95

7.60

130.65