Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/CT-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, ĐẢM BẢO AN TOÀN ĐẬP, HỒ CHỨA NƯỚC

Hiện nay, trên cả nước có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang hoạt động, đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, phần lớn các hồ thủy lợi vừa và nhỏ đã được xây dựng từ nhiều năm trước, trong điều kiện thiếu kinh phí, số liệu tính toán, kinh nghiệm thiết kế, kỹ thuật thi công hạn chế, đặc biệt đa số hồ chứa nhỏ được thi công bằng thủ công, nhiều đập, hồ chứa nước không phù hợp với điều kiện mưa, lũ cực đoan hiện nay. Mặt khác, lực lượng quản lý, vận hành đập, hồ chứa thủy lợi còn mỏng, không bảo đảm năng lực chuyên môn, nhất là hồ nhỏ thiếu kinh phí tu sửa, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên nên nhiều hồ đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn và đe dọa tính mạng người dân và tài sản vùng hạ du.

Công tác quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa nước của các Bộ, ngành, địa phương dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn lúng túng, bị động. Công tác quản lý, giám sát chất lượng công trình xây dựng trong thiết kế, thi công một số đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhỏ, nhất là đối với công trình do chính quyền cơ sở, các hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư còn hạn chế, chưa chặt chẽ; một số chủ đầu tư và nhà thầu không tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật nên đã để xảy ra sự cố trong quá trình thi công công trình. Việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước chưa đầy đủ, nghiêm túc; chưa thực hiện kê khai đăng ký an toàn đập, chưa điều chỉnh bổ sung quy trình vận hành hồ chứa nước; thiếu hệ thống thiết bị quan trắc công trình đập, hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trên lưu vực hồ chứa nước; chưa có hệ thống giám sát vận hành hồ chứa, hệ thống thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du; thiếu hệ thống lưu trữ hồ sơ, hệ thống cơ sở dữ liệu; chưa có quy trình vận hành cửa van, quy trình bảo trì công trình; chưa cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước; chưa xây dựng phương án bảo vệ, phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho đập, hồ chứa nước; chưa thực hiện kiểm tra, kiểm định và kiểm tra tính toán lại dòng chảy lũ, khả năng xả lũ của đập, hồ chứa nước...

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường và sự xuống cấp theo thời gian tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến mất an toàn đập, hồ chứa nước; trước thực tế một số hồ đập trong nước và quốc tế đã xảy ra sự cố thời gian qua, để đảm bảo an toàn, nhất là đối với các đập, hồ chứa nước quy mô lớn, tăng cường công tác quản lý nhà nước, khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý an toàn đập hồ chứa nước. Thủ tướng Chính nhủ yêu cầu các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đập, hồ chứa nước triển khai thực hiện ngay các công việc chủ yếu sau đây:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao thành lập ngay các đoàn công tác phối hợp với các địa phương kiểm tra các đập, hồ chứa nước có quy mô lớn, các đập có nguy cơ mất an toàn, chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách để bảo đảm an toàn, đồng thời chủ động xây dựng phương án ứng phó trong mọi tình huống, bảo đảm an toàn cho đập và vùng hạ du.

2. Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; phân cấp quản lý gắn với trách nhiệm cụ thể của từng Bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư trong việc quản lý đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước; rà soát, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; rà soát, quy định chặt chẽ về năng lực của chủ đầu tư, tổ chức tư vấn và nhà thầu thi công đập, hồ chứa nước để nâng cao chất lượng công trình; tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật, hiệu quả quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương đối với công tác quản lý đầu tư, xây dựng đập, hồ chứa nước.

3. Tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, rà soát các dự án đập, hồ chứa nước chưa triển khai xây dựng, kiên quyết dừng thực hiện các dự án hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến môi trường, xã hội, không đảm bảo phát triển bền vững.

4. Củng cố lực lượng quản lý chuyên trách, đủ năng lực chuyên môn để quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, đặc biệt là đối với các đập, hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ, các đập, hồ chứa thủy điện do tư nhân đầu tư, quản lý; thường xuyên thực hiện công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý, vận hành hồ chứa.

5. Rà soát, chấn chỉnh việc kê khai đăng ký an toàn đập; lập, phê duyệt và thực hiện quy trình vận hành hồ chứa nước; lắp đặt thiết bị quan trắc công trình, hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trên lưu vực hồ chứa nước; lắp đặt hệ thống giám sát vận hành hồ chứa, hệ thống thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du; lưu trữ hồ sơ, hệ thống cơ sở dữ liệu; xây dựng quy trình vận hành cửa van, quy trình bảo trì công trình; thực hiện cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước; xây dựng phương án bảo vệ, phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho đập, hồ chứa nước; thực hiện kiểm tra, kiểm định và kiểm tra tính toán lại dòng chảy lũ, khả năng xả lũ của đập, hồ chứa nước...

6. Một số nhiệm vụ cụ thể:

a) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Phân công cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền các cấp trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa nước.

- Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, an toàn đập, hồ chứa nước; kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các hoạt động đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa nước trên địa bàn, nhất là đối với các đập; hồ chứa nước do chính quyền cấp huyện, xã và doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư;

- Củng cố lực lượng quản lý đập, hồ chứa nước có đủ năng lực, chuyên môn; tổ chức tốt việc theo dõi, kiểm tra đập, hồ chứa nước trước, trong và sau mùa mưa, lũ nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để xảy ra sự cố;

- Chỉ đạo huy động mọi nguồn lực của địa phương, quỹ phòng chống thiên tai để đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước trong phạm vi quản lý; chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn, sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để đầu tư sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo an toàn trước mùa mưa, lũ hàng năm. Chủ động bố trí kinh phí để thực hiện các quy định khác của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn;

- Chỉ đạo các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn. Trên cơ sở đó, lập danh mục các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp và xây dựng phương án chủ động bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo quy định;

- Quyết định việc tích nước và bảo đảm an toàn đối với đập, hồ chứa nước trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý; phối hợp chỉ đạo quản lý các đập, hồ chứa nước trên địa bàn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương trực tiếp quản lý;

- Tổ chức diễn tập, hướng dẫn nhân dân chủ động ứng phó với các tình huống khẩn cấp.

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;

- Thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi đối với các đập, hồ chứa thủy lợi quan trọng đặc biệt và đập, hồ chứa nước mà việc khai thác, bảo vệ liên quan đến hai tỉnh trở lên;

- Rà soát, thực hiện việc kiểm định và lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, hệ thống thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du, hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trên lưu vực hồ chứa đối với đập, hồ chứa thủy lợi quan trọng đặc biệt và đập, hồ chứa thủy lợi mà việc khai thác, bảo vệ liên quan đến hai tỉnh trở lên; lắp đặt thiết bị điều hành trung tâm để quản lý đập, hồ chứa thủy lợi; hệ thống cơ sở dữ liệu về đập, hồ chứa thủy lợi;

- Củng cố, hoàn thiện bộ máy tổ chức đối với đập, hồ chứa thủy lợi quan trọng đặc biệt và đập, hồ chứa thủy lợi mà việc khai thác, bảo vệ liên quan đến hai tỉnh trở lên do Bộ quản lý;

- Xây dựng kế hoạch kinh phí bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi; kinh phí tu sửa, bảo dưỡng, bảo trì đập, hồ chứa thủy lợi quan trọng đặc biệt và đập, hồ chứa thủy lợi mà việc khai thác, bảo vệ liên quan đến hai tỉnh trở lên vào kế hoạch dự toán ngân sách năm 2019 và các năm tiếp theo. Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương rà soát, lập danh mục các đập, hồ chứa thủy lợi hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ khẩn trương xây dựng Đề án Nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong năm 2018;

- Chỉ đạo kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn, quyết định việc tích nước bảo đảm an toàn đối với các đập, hồ chứa thủy lợi do Bộ quản lý.

c) Bộ Công Thương:

- Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Nhà máy thủy điện chấp hành nghiêm lệnh vận hành xả lũ của cấp có thẩm quyền và thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa được cấp thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du; phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các địa phương chỉ đạo vận hành điều tiết, xả nước các hồ thủy điện phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh;

- Tiếp tục rà soát công tác quy hoạch các hồ chứa thủy điện, kiên quyết, dừng thực hiện các dự án hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến môi trường, xã hội, không bảo đảm phát triển bền vững; phối hợp với địa phương kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư đập, hồ chứa thủy điện thực hiện các quy định pháp luật về quản lý chất lượng xây dựng và quản lý an toàn đập;

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn; quyết định việc tích nước bảo đảm an toàn đối với các hồ chứa do Bộ quản lý (trừ các công trình thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà); kiên quyết không để các hồ chứa không bảo đảm an toàn tiếp tục tích nước;

- Chỉ đạo các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện xây dựng phương án ứng phó với thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp theo quy định; đầu tư trang bị hệ thống giám sát tự động, hệ thống cảnh báo xả lũ hạ du cho các đập, hồ chứa thủy điện để hỗ trợ quản lý, vận hành và chỉ đạo ứng phó trong trường hợp khẩn cấp;

d) Bộ Tài chính cân đối nguồn kinh phí để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, duy tu, bảo dưỡng đập, hồ chứa thủy lợi quan trọng đặc biệt và đập, hồ chứa thủy lợi mà việc khai thác, bảo vệ liên quan đến hai tỉnh trở lên; kinh phí hỗ trợ khắc phục khẩn cấp sự cố, mất an toàn của đập, hồ chứa thủy lợi; kinh phí thực hiện các quy định khác của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi.

đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương có liên quan rà soát, điều chỉnh, đề xuất nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 để xử lý đập, hồ chứa thủy lợi xung yếu, cấp bách; bố trí vốn kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025 để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi.

e) Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương rà soát, bổ sung các quy định nhằm tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đập, hồ chứa nước.

g) Bộ Tài nguyên và Môi trường:

- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du, khai thác hiệu quả nguồn nước; tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa;

- Nâng cao chất lượng dự báo mưa, lũ cho các lưu vực sông.

h) Các Bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các địa phương thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam;
- Đài THVN; Đài TNVN; TTXVN; Báo ND;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ: TH, CN, KTTH, NC, QHĐP;
- Lưu: VT, NN (3). Tuynh

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 22/CT-TTg năm 2018 về tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 22/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 07/08/2018
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/08/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản