Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 6271/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ GIẢI BÓNG ĐÁ HỘI KHOẺ PHÙ ĐỔNG HỌC SINH TIỂU HỌC VÀ TRUNG HỌC CƠ SỞ TOÀN QUỐC CÚP MILO - 2011

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19/3/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Điều lệ Giải Bóng đá Hội khoẻ Phù Đổng học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở toàn quốc, Cúp Milo - 2011.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, các giám đốc sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố, các ông (bà) Trưởng ban Tổ chức Giải, Ban trọng tài, các thành viên tham dự Giải và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận :
- Như điều 3;
- BT. Phạm Vũ Luận (để b/c);
- Bộ VHTTDL (để p/h);
- Các sở giáo dục và đào tạo (để t/h);
- Lưu: VT, Vụ CTHSSV.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quang Quý

 

ĐIỀU LỆ

 GIẢI BÓNG ĐÁ HỘI KHOẺ PHÙ ĐỔNG HỌC SINH TIỂU HỌC VÀ TRUNG HỌC CƠ SỞ TOÀN QUỐC, CÚP MILO - 2011
(Ban hành theo Quyết định số: 6271 /QĐ - BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo )

Điều 1. Mục đích và yêu cầu

a. Mục đích

- Duy trì và phát triển Giải Bóng đá Hội khỏe Phù Đổng Cúp Milo là giải bóng đá truyền thống của học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở trên toàn quốc.

- Tiếp tục đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, thường xuyên tập luyện, thi đấu Bóng đá nói riêng và các môn thể thao nói chung trong học sinh phổ thông toàn quốc, nhằm nâng cao thể lực, giáo dục nhân cách, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh, đồng thời để đánh giá thi đua công tác giáo dục thể chất trong nhà trường phổ thông.

- Phát hiện những năng khiếu Bóng đá trong học sinh phổ thông nhằm bồi dưỡng, đào tạo những tài năng bóng đá cho các địa phương và quốc gia, chuẩn bị lực lượng tham gia Đại hội Thể thao Olimpiad học sinh tiểu học Đông Nam Á lần thứ V -2011.

b. Yêu cầu

- Hàng năm các sở giáo dục và đào tạo tổ chức Giải Bóng đá Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở theo hệ thống từ cơ sở trường, quận, huyện, tỉnh, thành phố.

- Tuyển chọn và cử học sinh dự thi đúng tuổi, đúng đối tượng. Các cấp quản lý giáo dục cần chỉ đạo, kiểm tra việc đăng ký cầu thủ theo đúng đơn vị, đối tượng, độ tuổi theo quy định tại Điều 2 của Điều lệ này.

- Chấp hành nghiêm chỉnh Luật, Điều lệ, hướng dẫn tổ chức giải theo các quy định của Ban Tổ chức.

- Các đơn vị có đội bóng được vào vòng chung kết Giải từ vòng bảng tại các khu vực phải có trách nhiệm tham gia đầy đủ tại vòng chung kết Giải. Nếu đơn vị nào bỏ không tham gia sẽ không được cộng điểm thưởng tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VIII – 2012.

- Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 15/2002/CT- TTg của Chính phủ về chống tiêu cực trong các hoạt động TDTT và Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.

*Tên giải:

“Giải Bóng đá Hội khoẻ Phù Đổng học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở toàn quốc, Cúp Milo – 2011”

Điều 2. Đơn vị, đối tượng và các điều kiện dự thi

a. Đơn vị dự thi: Mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo được cử 01 đội bóng đá Tiểu học và 01 đội bóng đá Trung học cơ sở tham dự giải.

b. Đối tượng dự thi

Học sinh phổ thông, trong năm học 2010 – 2011 đang học tập tại các trường tiểu học, trung học cơ sở: bao gồm các trường công lập, dân lập, tư thục, trường phổ thông dân tộc nội trú và trường phổ thông năng khiếu TDTT được thành lập theo “Quy chế tổ chức và hoạt động của trường, lớp năng khiếu TDTT trong giáo dục phổ thông” (ban hành theo quyết định số 32/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 11/7/2003), xếp loại học lực từ trung bình trở lên, hạnh kiểm khá trở lên và có đủ sức khoẻ thi đấu môn Bóng đá.

c. Các điều kiện dự thi

*Quy định về tuổi:

- Tiểu học: 11 tuổi (sinh từ ngày 01/01/2000).

- Trung học cơ sở: 15 tuổi (sinh từ ngày 01/01/1996).

*Số lượng vận động viên: Tiểu học 01 đội bóng đá 5 người (Futsal) gồm 12 học sinh nam.

- Trung học cơ sở 01 đội bóng đá 7 người gồm 14 học sinh nam.

* Trong vòng chung kết, các đội có thể thay thế tối đa 5 cầu thủ trong đội hình chính thức đã đăng ký tại vòng thi đấu khu vực nhưng phải đảm bảo đúng quy định tại Điều 2 của Điều lệ này.

d. Đặc cách

Đội bóng đá Tiểu học và Trung học cơ sở của đơn vị đăng cai tổ chức vòng chung kết Giải Bóng đá HKPĐ học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở toàn quốc, Cúp MiLo - 2011 được đặc cách vào dự vòng chung kết (không thi đấu vòng loại).

Điều 3. Phân chia khu vực và uỷ nhiệm đăng cai tổ chức Giải tại khu vực

Căn cứ vào vị trí địa lý và đặc điểm của từng vùng, Giải Bóng đá học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở toàn quốc, Cúp Milo - 2011 được phân chia thi đấu theo khu vực cụ thể như sau:

- Khu vực I: Thi đấu tại tỉnh Vĩnh Phúc, gồm 15 đơn vị: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Hòa Bình, Bắc Giang, Lạng Sơn. Chọn 3 đội xếp nhất, nhì và ba của mỗi cấp học (TH và THCS) vào dự vòng chung kết.

- Khu vực II: Thi đấu tại tỉnh Quảng Trị, gồm 15 đơn vị: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh. Chọn 4 đội xếp nhất, nhì, ba và tư của mỗi cấp học (TH và THCS) vào dự vòng chung kết.

- Khu vực III: Thi đấu tại tỉnh Bình Phước, gồm 17 đơn vị: Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Đăk Lăk, TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Phước, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đồng Nai và Đăk Nông và Khánh Hoà. Chọn 4 đội xếp nhất, nhì, ba và tư của mỗi cấp học (TH và THCS) vào dự vòng chung kết.

- Khu vực IV: Thi đấu tại tỉnh Tây Ninh, gồm 15 đơn vị: Tây Ninh, Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, Vĩnh Long, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, An Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng và Hậu Giang. Chọn 4 đội xếp nhất, nhì, ba và tư của mỗi cấp học (TH và THCS) vào dự vòng chung kết.

Lưu ý: Các đơn vị đăng cai tổ chức thi đấu vòng loại tại các khu vực có trách nhiệm thông báo lịch đón tiếp và thời gian họp bốc thăm, xếp lịch thi đấu cho các đơn vị thuộc khu vực của mình và tổ chức thi đấu vòng loại khu vực trong khoảng thời gian quy định từ 01/3 đến 30/4/2011.

Điều 4. Thời gian, địa điểm, thể thức thi đấu và cách tính điểm

a. Thi đấu vòng loại tại các khu vực: Từ ngày 01/3 đến 30/4/2011

b. Vòng chung kết: Dự kiến từ ngày 07/6 đến 16/6/2011 tại tỉnh Tiền Giang.

c. Thể thức thi đấu

* Vòng loại: Thi đấu để tuyển chọn đội tham dự vòng chung kết. Thể thức thi đấu do Ban Tổ chức tại các khu vực quy định cho phù hợp với điều kiện thực tế và số đội tham gia của khu vực mình và báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuỳ theo số đội tham gia ở mỗi khu vực, Ban tổ chức khu vực thống nhất với các đội về thể thức thi đấu.

- Ban tổ chức khu vực chịu trách nhiệm tổ chức họp các đội, bốc thăm xếp lịch thi đấu và báo cáo với Ban tổ chức giải bằng văn bản.

* Số lượng đội dự vòng chung kết ở mỗi bậc học gồm 16 đội sau:

- Khu vực I: Chọn 3 đội: Nhất, nhì, ba vào thi đấu vòng chung kết giải.

Các khu vực II, III, IV: Mỗi Khu vực được chọn 4 đội: Nhất, nhì, ba, tư vào thi đấu vòng chung kết.

- Đội bóng đá Tiểu học và đội bóng đá Trung học cơ sở của tỉnh Tiền Giang (đơn vị đăng cai tổ chức vòng chung kết).

* Vòng chung kết:

- 16 đội bốc thăm chia thành 4 bảng A, B, C, D, 4đội/bảng. Các đội thi đấu vòng tròn một lượt để tính điểm, xếp hạng, chọn 2 đội xếp thứ nhất và nhì mỗi bảng vào thi đấu Tứ kết, theo sơ đồ:

- Tứ kết:

Mã trận

Trận đấu

TK1

Nhất A gặp Nhì B

TK2

Nhất C gặp Nhì D

TK3

Nhất B gặp Nhì A

TK4

Nhất D gặp Nhì C

- Bán kết:

Mã trận

Trận đấu

BK1

Thắng TK1 gặp Thắng TK2

BK2

Thắng TK3 gặp Thắng TK4

- Chung kết:

Mã trận

Trận đấu

CK

Thắng BK1 gặp Thắng BK2

- Hai đội thua tại Bán kết xếp đồng hạng Ba.

d. Cách tính điểm xếp hạng trong thi đấu vòng tròn

* Cách tính điểm:

- Đội thắng: 3 điểm

- Đội hoà: 1 điểm

- Đội thua: 0 điểm

- Xếp hạng theo tổng số điểm của mỗi đội đã đạt được.

* Nếu có từ hai đội trở lên bằng điểm nhau, trước hết tính kết quả của các trận đấu giữa các đội đó với nhau theo thứ tự:

- Số điểm.

- Hiệu số của số bàn thắng và bàn thua.

- Tổng số bàn thắng.

 Đội nào có chỉ số cao hơn sẽ xếp trên.

* Nếu các chỉ số trên bằng nhau, thì tiếp tục xét các chỉ số của toàn bộ các trận đấu trong giải theo thứ tự:

- Hiệu số của tổng số bàn thắng và tổng số bàn thua.

- Tổng số bàn thắng.

 Đội nào có chỉ số cao hơn sẽ xếp trên.

 Nếu các chỉ số đều bằng nhau, sẽ tổ chức bốc thăm để xác định đội xếp trên.

- Các trận tứ kết, bán kết và chung kết: Nếu hết thời gian thi đấu chính thức mà hai đội có tỷ số hòa, sẽ tiếp tục thi đá luân lưu 6m (đối với học sinh TH) và 9m (đối với học sinh THCS) để xác định đội thắng (không thi đấu hiệp phụ).

e. Chọn hạt giống

- Đội bóng của địa phương đăng cai vòng chung kết và các đội xếp thứ nhất các khu vực.

- Các đội trong cùng khu vực không thi đấu cùng bảng với nhau trong vòng chung kết. Riêng khu vực IV các đội xếp hạng nhất, nhì, ba và đội của đơn vị đăng cai không gặp nhau trong vòng bảng.

g. Tính điểm vào kết quả Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc

Kết quả thi đấu tại khu vực và chung kết Giải Bóng đá HKPĐ học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở toàn quốc, Cúp Milo - 2011 được tính điểm và cộng vào thành tích HKPĐ toàn quốc lần thứ VIII- 2012.

- Tại Khu vực:

+ Mỗi một đội bóng tham gia thi đấu được thưởng 5 điểm.

+ Đơn vị đăng cai tổ chức vòng chung kết (học sinh Tiểu học hoặc học sinh Trung học cơ sở) không phải thi đấu khu vực vẫn được cộng 5 điểm thưởng cho mỗi đội như các đơn vị khác và được cộng thêm 11 điểm cho mỗi đội.

+ Các đội được cộng điểm theo thành tích: Đội nhất 11 điểm, đội nhì 9 điểm, đội thứ ba 8 điểm, đội thứ tư 7 điểm.

+ Tại khu vực thi đấu có từ 2 bảng trở lên thì các đội xếp thứ ba trong bảng được cộng 5 điểm, đội còn lại được cộng 3 điểm.

+ Khu vực nào chỉ có 01 bảng đấu vòng tròn 1 lượt (do số lượng đội đăng ký tham gia thi đấu ít) thì ngoài 5 điểm khởi đầu: Đội xếp thứ nhất được cộng 11 điểm, đội thứ nhì được 9 điểm, đội thứ ba được 8 điểm, đội thứ tư được 7 điểm, các đội tiếp theo lùi dần 1 điểm).

- Tại vòng chung kết:

+ Đội nhất vòng chung kết được 11 điểm, nhì được 9 điểm, hai đội thứ ba được 8 điểm. Các đội thua ở tứ kết cùng được 7 điểm. Các đội thứ ba vòng đấu bảng được 5 điểm, đội thứ tư vòng đấu bảng được 3 điểm. (Các điểm thành tích này được nhân hệ số 2).

Điều 5. Luật, bóng thi đấu và trọng tài

a. Giải Bóng đá HKPĐ học sinh Tiểu học thi đấu theo Luật bóng đá 5 người (Futsal) hiện hành của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ban hành năm 2007 (thi đấu trong nhà).

- Kích thước sân theo quy định của Luật.

- Mỗi trận đấu gồm 2 hiệp x 20 phút mỗi hiệp, kể cả thời gian bóng ngoài cuộc (không kể thời gian hội ý).

b. Giải Bóng đá HKPĐ học sinh Trung học cơ sở thi đấu trên sân cỏ ngoài trời theo Luật thi đấu bóng đá 7 người hiện hành của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Kích thước sân theo quy định của Luật.

Mỗi trận đấu gồm 2 hiệp x 25 phút mỗi hiệp, kể cả thời gian bóng ngoài cuộc.

c. Bóng thi đấu

- Học sinh cấp Tiểu học: Thi đấu Bóng Động lực số 4 (không nẩy dùng thi đấu trong nhà).

- Học sinh cấp THCS: Thi đấu Bóng Động lực số 5 (thi đấu trên sân cỏ).

Các trận đấu đều sử dụng bóng của Ban Tổ chức cung cấp.

d. Trang phục Thi đấu

* Giày thi đấu: Do các đội bóng tự túc.

- Sân trong nhà dùng giày ba- ta đế cao su thường.

- Sân cỏ ngoài trời dùng giày đế mềm có đinh núm chống trơn.

- Nhất thiết phải có bọc ống quyển theo quy định của Luật (cho cả 2 cấp học).

* Quần áo thi đấu:

- Khi vào sân trình diện, khởi động và thi đấu, tất cả các Vận động viên phải mặc trang phục do Ban Tổ chức và nhà tài trợ Nestle cung cấp (kể cả vòng loại khu vực và vòng chung kết, mỗi vận động viên có 02 bộ trang phục thi đấu khác màu). Mỗi thủ môn phải có ít nhất 2 áo khác màu nhau mang cùng một số và có màu dễ phân biệt với các cầu thủ khác và trọng tài.

- Trong trường hợp trùng màu áo: Đội có mã số đứng trước là đội được ưu tiên chọn màu áo.

- Cầu thủ vi phạm về quy định trang phục sẽ không được vào sân thi đấu.

e. Trọng tài: Trọng tài do Ban Tổ chức giải ở vòng loại khu vực, Ban Tổ chức giải ở vòng chung kết mời và phân công nhiệm vụ.

- Mỗi đơn vị tham gia giải ở vòng loại khu vực và vòng chung kết có thể cử 01 trọng tài (trong thành phần của đoàn mình) để phối hợp cùng trọng tài của BTC điều hành các trận đấu.

Điều 6. Một số quy định đối với các đoàn và vận động viên

a. Quy định về đăng ký

* Bản đăng ký: (do lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo ký, đóng dấu) gồm:

a) Danh sách đoàn: cán bộ lãnh đạo Đoàn, huấn luyện viên, trọng tài, săn sóc viên (họ và tên, tuổi, giới tính, chức vụ đang công tác tại địa phương, chức vụ phụ trách đội bóng).

b) Danh sách vận động viên: Ghi rõ họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, dân tộc, chiều cao, cân nặng, số áo thi đấu, địa chỉ thường trú theo hộ khẩu, học lực, hạnh kiểm, tên lớp, tên trường, xã, phường, quận, huyện (theo mẫu Phụ lục 1).

c) 02 ảnh 3 x 4 của từng thành viên tham gia giải để Ban Tổ chức làm trước thẻ cầu thủ (ảnh cá nhân phải ghi rõ họ, tên và dán theo mẫu Phụ lục 2 )

* Địa chỉ gửi đăng ký:

a) 01 bản gửi về Vụ Công tác học sinh, sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo, 49 Đại Cồ Việt, Hà Nội. Tel/Fax: 38684485; Email: tandungmp@yahoo.com

b) 01 bản gửi về đơn vị đăng cai vòng loại theo khu vực của mình trước ngày khai mạc Giải tối thiểu là 10 ngày (theo dấu bưu điện).

b. Hồ sơ dự thi (các đoàn mang theo về nơi tổ chức thi đấu vòng loại khu vực và vòng chung kết), gồm:

* Bản đăng ký dự thi của Sở Giáo dục và Đào tạo.(theo mẫu)

* Văn bản đồng thuận của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Ủy ban nhân dân của địa phương về việc thành lập trường năng khiếu TDTT nếu có học sinh trong trường phổ thông năng khiếu TDTT tham gia thi đấu. (BTC chấp nhận bản photo copy).

* Giấy khai sinh gốc hoặc bản sao giấy khai sinh hợp lệ (thời gian sao giấy khai sinh phải cùng với thời gian vào học lớp 1 hoặc lớp 6).

Ban Tổ chức Giải không chấp nhận sử dụng giấy khai sinh mới khai lại sau khi đã nhập học lớp 1 hoặc lớp 6.

*Học bạ: Đối với vòng loại ở khu vực và vòng chung kết: Sử dụng học bạ bản phô tô có ký xác nhận và đóng dấu của hiệu trưởng nhà trường (khi có trường hợp khiếu kiện theo đúng điều 7 phần b, Ban tổ chức sẽ đối chiếu với học bạ gốc và xử lý theo điều lệ của giải). Kèm theo phiếu điểm có nhận xét của học kỳ I, có ký và xác nhận của giáo viên chủ nhiệm lớp và có ký tên, đóng dấu xác nhận của Hiệu trưởng nhà trường. Không nhận học bạ phô tô công chứng. Ban Tổ chức sẽ thu phiếu điểm học kỳ I để đối chiếu với học bạ khi thi vòng chung kết.

* Giấy khám sức khỏe của từng học sinh tham gia thi đấu do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp và xác nhận và phải ghi (đủ sức khỏe tham gia thi đấu môn Bóng đá).

*Phiếu thi đấu của từng học sinh (theo mẫu dưới đây)

 

PHIẾU DỰ THI BÓNG ĐÁ HKPĐ HỌC SINH TIỂU HỌC VÀ THCS TOÀN QUỐC

CÚP MILO- 2011

CẤP HỌC: …………………………………..

 

Ảnh học sinh (3x4) có đóng dấu giáp lai của trường

Họ và tên học sinh:

      Ngày tháng năm sinh:                              - Dân tộc:

      Địa chỉ theo hộ khẩu thường trú:

      Lớp:                                     Trường:

      Quận, (huyện):                                             - Tỉnh, thành phố:

      Xếp loại học lực:                                   - Hạnh kiểm:

 

GVCN ký

(Ghi rõ họ tên)

BGH trường

(Ký, đóng dấu. Ghi rõ họ tên)

Giám đốc Sở GDĐT

(Ký, đóng dấu. Ghi rõ họ, tên)

 

 

c. Kiểm tra nhân sự

* Sở Giáo dục và Đào tạo đơn vị đăng cai tổ chức Giải tại các khu vực và vòng chung kết sẽ thành lập tiểu ban kiểm tra hồ sơ vận động viên bao gồm: Trưởng đoàn các đội bóng tham dự giải, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện của Sở Giáo dục và Đào tạo nơi đăng cai tổ chức thi đấu (gồm: Thanh tra giáo dục, chuyên viên Phòng Tiểu học và Phòng Trung học phổ thông). Ban Tổ chức tại vòng loại khu vực hoặc vòng chung kết cử Trưởng Tiểu ban kiểm tra nhân sự để xác nhận học sinh dự thi hợp lệ.

* Thẻ vận động viên: Ban Tổ chức sẽ làm thẻ vận động viên cho các vận động viên đủ tiêu chuẩn dự thi. Chỉ những vận động viên có “Thẻ vận động viên” mới được phép thi đấu.

* Ban Tổ chức các khu vực sẽ gửi hồ sơ các đội được vào chung kết về Ban Tổ chức vòng chung kết (có xác nhận của Tiểu ban kiểm tra nhân sự) ngay sau khi kết thúc thi đấu tại khu vực.

* Hồ sơ và danh sách các đội bóng được vào chung kết (kể cả đội được đặc cách dự vòng chung kết) phải nộp ngay về Ban Tổ chức giải (Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo – 49 Đại Cồ Việt, Hà Nội) ngay khi kết thúc thi đấu vòng loại khu vực.

+ Danh sách các vận động viên dự vòng chung kết phải ghi rõ họ và tên, ngày, tháng và năm sinh, dân tộc, chiều cao, cân nặng, số áo thi đấu, địa chỉ thường trú theo hộ khẩu, học lực, hạnh kiểm, tên lớp, tên trường, xã, phường, quận, huyện.

+ Các đoàn mang theo thẻ vận động viên đã được Ban tổ chức cấp ở vòng loại khu vực để đối chiếu hồ sơ và là một điều kiện cần thiết để cấp thẻ mới tại vòng chung kết.

+ Trưởng đoàn chịu trách nhiệm mọi mặt đối với đội bóng của mình và là đại diện chính thức của đội bóng làm việc với Ban Tổ chức trong quá trình diễn ra giải.

Điều 7. Khen thưởng, kỷ luật và khiếu nại

 a. Khen thưởng

* Giải tập thể: (đối với 2 cấp học TH và THCS)

- Đội nhất: Cúp, cờ, huy chương vàng và 15.000.000 đồng tiền thưởng.

- Đội nhì: Cờ, huy chương bạc và 10.000.000 đồng tiền thưởng.

- Đội ba (2 đội): Cờ, huy chương đồng và 5.000.000 đồng tiền thưởng.

- Giải phong cách thi đấu tốt nhất: Cờ và 3.000.000 đồng tiền thưởng.

Ghi chú: Giải phong cách: Chỉ có các đội được vào thi đấu Bán kết mới được xét giải phong cách. Đội đoạt giải phong cách là đội có phong cách thi đấu tốt, có thái độ đúng đắn với đội bạn, khán giả, trọng tài và Ban Tổ chức, cán bộ chỉ đạo và các nhân viên, thực hiện đúng Luật , Điều lệ giải và các quy định của Ban Tổ chức.

* Giải cá nhân: (đối với 2 cấp học TH và THCS)

a) Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất ở vòng chung kết (nếu nhiều cầu thủ có số bàn thắng nhiều nhất bằng nhau thì đều được nhận giải thưởng như nhau).

b) Thủ môn xuất sắc nhất.

c) Cầu thủ xuất sắc nhất.

* Giải thưởng ở các khu vực: Các đội được xếp hạng nhất, nhì, ba và đội đoạt giải phong cách thi đấu được tặng cờ và tiền thưởng. Tùy điều kiện vận động tài trợ tại các khu vực, có thể có một số quà tặng khác do Ban Tổ chức Giải ở từng khu vực quy định.

* Tổ chức trao giải

Ban tổ chức sẽ làm lễ trao thưởng ngay sau khi kết thúc trận chung kết.

b. Khiếu nại

* Mọi khiếu nại đều phải bằng văn bản do trưởng đoàn ký tên.

* Không được khiếu nại đối với các quyết định của trọng tài trong trận đấu về: bàn thắng hay không bàn thắng, việt vị hay không việt vị, phạt đền hay không phạt đền.

* Nếu có khiếu nại về các vấn đề khác phải có văn bản và gửi tới Ban tổ chức giải thông qua Giám sát trận đấu chậm nhất 2 giờ sau khi trận đấu kết thúc. Giám sát trận đấu phải báo cáo đầy đủ cho BTC khu vực, BTC giải ngay sau khi nhận khiếu nại.

* Các khiếu nại về nhân sự do Ban Kiểm tra nhân sự giải quyết tại chỗ. Trường hợp chưa đủ chứng cứ kết luận thì tạm thời cho tiếp tục thi đấu, đồng thời Ban Tổ chức (vòng loại hoặc vòng chung kết) sẽ phối hợp với thanh tra giáo dục để điều tra và có kết luận để xử lý theo các quy định của Điều lệ.

* Các thành viên tham dự giải đều có quyền và nghĩa vụ phát hiện các hành vi vi phạm Điều lệ, gian lận hồ sơ học bạ, tuổi, giấy khai sinh … Các tố cáo phải bằng văn bản và có các chứng cứ tối thiểu cần thiết để Ban Tổ chức xem xét và điều tra các vi phạm về Luật, Điều lệ.

* Các đội bóng có quyền khiếu nại và bảo lưu ý kiến khiếu nại của mình nhưng phải tuyệt đối tuân thủ theo sự điều hành, phán quyết của trọng tài và Ban Tổ chức. Cấm mọi hành vi kích động, tự ý kéo dài trận đấu và bỏ cuộc.

c. Kỷ luật:

* Đối với đội bóng

- Đội bóng có mặt chậm hơn 5 phút so với giờ bắt đầu trận đấu mà không có lý do sẽ bị xử thua với tỉ số 0-3.

- Đội bóng có cầu thủ không hợp lệ vào thi đấu sẽ bị xử thua 0-3.

- Đội bóng vi phạm những điều sau đây sẽ bị truất quyền thi đấu khỏi Giải:

+ Gian lận hồ sơ vận động viên đăng ký thi đấu Giải.

+ Đội bóng không chấp hành quyết định của trọng tài, tự ý dừng trận đấu làm trận đấu không thể tiếp tục được thì coi như bỏ cuộc và bị loại khỏi Giải và thông báo kỷ luật về đơn vị chủ quản.

+ Trường hợp đội bóng bị truất quyền thi đấu Giải ở vòng đấu bảng: Toàn bộ kết quả thi đấu (nếu có) của đội bóng này với đội bóng khác đều bị huỷ bỏ.

* Đối với cầu thủ

- Cầu thủ bị 2 thẻ vàng sẽ bị truất quyền thi đấu trận kế tiếp.

- Cầu thủ bị thẻ đỏ trực tiếp sẽ bị truất quyền thi đấu 2 trận kế tiếp.

- Trong một trận đấu, cầu thủ bị thẻ vàng, sau đó lại bị thẻ đỏ trực tiếp thì sẽ tính cầu thủ bị một thẻ vàng và một thẻ đỏ. Nếu trước trận đấu đó cầu thủ đã bị một thẻ vàng, thì sẽ truất quyền thi đấu ít nhất ba trận.

Trường hợp vi phạm nghiêm trọng: Đánh nhau hoặc có các hành vi khiếm nhã…sẽ bị đình chỉ thi đấu hết giải (Ban Tổ chức Giải có thông báo cụ thể, đội bóng không được phép thay thế cầu thủ khác).

* Đối với Trưởng đoàn, Huấn luyện viên và các thành viên khác của đội bóng:

- Trưởng đoàn, Huấn luyện viên và các thành viên khác của đội bóng đến bàn Ban tổ chức trận đấu, giám sát và trọng tài thứ tư để khiếu nại trong khi trận đấu đang tiến hành thi sẽ bị nhắc nhở, nếu vẫn tiếp tục sẽ bị phạt 500.000đ (năm trăm ngàn đồng).

- Cán bộ quản lý, cầu thủ bóng đá vi phạm quy định về hoạt động ở khu vực kỹ thuật hoặc có hành vi không đúng mức sẽ không được ngồi ở khu vực kỹ thuật.

- Huấn luyện viên hoặc các thành viên đội bóng có hành vi móc nối, dàn xếp tỷ số; mua chuộc huấn luyện viên, cầu thủ đội bạn; hối lộ trọng tài thì bị đình chỉ làm nhiệm vụ.

- Đối với đội bóng có vi phạm về nhân sự thi đấu thì ngoài các hình thức kỷ luật của Ban tổ chức, đội vi phạm sẽ bị phạt 2.000.000đ (hai triệu đồng) và thông báo toàn ngành.

* Đối với trọng tài:

- Trọng tài vi phạm đạo đức, bộc lộ yếu kém về chuyên môn, có những sai sót làm ảnh hưởng đến kết quả trận đấu, vi phạm về tài chính của Ban Tổ chức Giải, nhận hối lộ thì tuỳ mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật từ đình chỉ điều khiển 1 trận đấu hoặc đình chỉ đến hết Giải.

- Trọng tài là cán bộ, giáo viên của đơn vị có đội bóng tham dự Giải thì không được tham gia điều khiển các trận đấu có đội bóng của đơn vị mình thi đấu.

Ban Tổ chức giải kiên quyết loại bỏ những cầu thủ quá tuổi được phát hiện trước khi vào thi đấu. Đối với những đội có gian lận về tuổi, hồ sơ (giấy khai sinh, học bạ …) và vi phạm các quy định khác của Điều lệ mà Ban Tổ chức Giải tại các khu vực và vòng chung kết phát hiện được trong và sau khi Giải đã tiến hành sẽ bị truất quyền thi đấu, hủy bỏ kết quả thi đấu 1 trận hoặc toàn bộ. Đặc biệt đối với việc gian lận tuổi, hồ sơ, học bạ, Ban Tổ chức giải sẽ truất quyền thi đấu đối với cầu thủ vi phạm và cảnh cáo đơn vị có cầu thủ vi phạm; đồng thời có văn bản kiến nghị Hội đồng thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo không xếp loại thi đua theo tiêu chí đánh giá thi đua về công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xử lý kỷ luật thích đáng đối với các cán bộ phụ trách đội có vi phạm theo tinh thần của Chỉ thị 15/2002/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 26/7/2002 về chống tiêu cực trong các hoạt động thể dục thể thao.

Điều 8. Kinh phí tổ chức

a. Ban Tổ chức hỗ trợ cho mỗi khu vực một phần kinh phí cho công tác tổ chức ở khu vực và chung kết.

b. Các đội tham dự thi đấu vòng loại khu vực và vòng chung kết tự túc chi phí ăn, ở, phương tiện đi, về, trang thiết bị, thuốc men... cho các thành viên của đoàn mình trong thời gian diễn ra thi đấu.

- Mức ăn, ở đi lại và bồi dưỡng tập luyện và thi đấu ở khu vực và chung kết được áp dụng theo Thông tư liên tịch (TTLT số 02/2009/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 12/01/2009 về việc quy định chế độ đối các giải thi đấu thể thao) và các quy định của Bộ Tài chính.

c. Ban Tổ chức giải sẽ cung cấp bóng thi đấu cho các khu vực và vòng chung kết; hỗ trợ tiền làm nhiệm vụ cho các trọng tài do các đơn vị cử đi tham gia giải.

Điều 9. Công tác quản lý và chỉ đạo Giải

- Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì chỉ đạo toàn diện và phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nhà tài trợ - Công ty trách nhiệm hữu hạn Nestle - tổ chức Giải Bóng đá HKPĐ học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở toàn quốc, Cúp Milo - 2011.

- Vụ Công tác học sinh, sinh viên là cơ quan thường trực của Ban Tổ chức giải. Địa chỉ liên hệ: số 49 Đại Cồ Việt Hà Nội. Điện thoại và Fax : 04.38684485. Email: tandungmp@yahoo.com. Mobil: 0918368884

- Tại các khu vực, Bộ Giáo dục và Đào tạo uỷ nhiệm cho các đơn vị đăng cai chỉ đạo và tổ chức Giải.

- Các Trưởng đoàn và các cán bộ của các đoàn vận động viên tham dự giải phải chịu trách nhiệm quản lý và đảm bảo tốt về công tác an ninh, an toàn về người và của cho đoàn mình, đặc biệt là đảm bảo về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông. Thông báo đến Ban Tổ chức Giải khi gặp các sự cố đặc biệt trong khi tham gia Giải để cùng phối hợp giải quyết kịp thời.

Các giám đốc các sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố có trách nhiệm thành lập các đội tuyển tham gia thi đấu đầy đủ để tăng cường giáo dục toàn diện và nâng cao đời sống văn hoá thể thao cho học sinh; chỉ đạo, quản lý việc tổ chức tập huấn và tham gia thi đấu đảm bảo an toàn, có hiệu quả giáo dục cao, đồng thời tạo mọi điều kiện cho các cán bộ, học sinh tham gia đúng kế hoạch và Điều lệ Giải./.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 6271/QĐ-BGDĐT năm 2010 về Điều lệ Giải Bóng đá Hội khoẻ Phù Đổng học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở toàn quốc, Cúp Milo - 2011 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 6271/QĐ-BGDĐT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/12/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Trần Quang Quý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản