Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/2003/QĐ-BGDĐT | Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 32/2003/QĐ-BGD&ĐT NGÀY 11 THÁNG 7 NĂM 2003 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG, LỚP NĂNG KHIẾU THỂ DỤC THỂ THAO TRONG GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Luật giáo dục ngày 2-12-1998;
Căn cứ Pháp lệnh thể dục, thể thao ngày 25-9-2000;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 5-11-2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 30-3-1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 43/2000/NĐ-CP ngày 30-8-2000 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục;
Được sự thống nhất của Uỷ ban Thể dục thể thao tại công văn số 845/UB-TDTT-PC, ngày 9-6-2003 về việc ban hành Quy chế trường năng khiếu TDTT;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của trường, lớp năng khiếu thể dục thể thao trong giáo dục phổ thông.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.
Điều 3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc các Sở Thể dục thể thao, Hiệu trưởng các trường năng khiếu thể dục thể thao chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Nguyễn Minh Hiển (Đã ký) |
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG, LỚP NĂNG KHIẾUTHỂ DỤC THỂ THAO TRONG GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 32/2003/QĐ-BGD&ĐTngày 11 tháng 7 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
1. Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của trường, lớp năng khiếu thể dục thể thao trong giáo dục phổ thông (sau đây gọi là trường, lớp năng khiếu thể dục thể thao).
2. Trường, lớp năng khiếu thể dục thể thao là loại hình trường, lớp chuyên biệt dành cho những học sinh phổ thông có năng khiếu thể dục thể thao.
1. Lớp năng khiếu thể dục thể thao được thành lập ở các cấp, bậc học phổ thông, dành cho những học sinh có năng khiếu thể dục thể thao, nhằm phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng những học sinh có khả năng phát triển thành tích thể dục thể thao, trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện theo quy định ở Điều lệ trường phổ thông các cấp, bậc học tương ứng.
2. Trường năng khiếu thể dục thể thao được thành lập ở các cấp, bậc học phổ thông, dành cho những học sinh có năng khiếu về thể dục thể thao, nhằm đào tạo bồi dưỡng và phát triển năng khiếu cho học sinh, trên cơ sở đảm bảo trình độ học vấn phổ thông cho học sinh. Trường năng khiếu thể dục thể thao có thể thuộc cấp huyện, tỉnh hoặc cấp bộ, ngành; trường có tư cách pháp nhân và có con dấu riêng.
1. Lớp năng khiếu thể dục thể thao được tổ chức trong trường phổ thông công lập và ngoài công lập ở các cấp, bậc học. Học sinh lớp năng khiếu thể dục thể thao phải đảm bảo những yêu cầu chung đã được quy định trong Điều lệ trường tiểu học, ban hành kèm theo Quyết định số 22/2000/QĐ-BGD&ĐT, ngày 11-7-2000, Điều lệ trường trung học ban hành kèm theo Quyết định số 23/QĐ-BGD&ĐT ngày 11-7-2000, Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ngoài công lập ban hành theo Quyết định số 39/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 28 tháng 8 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra học sinh có năng khiếu thể dục thể thao được tổ chức thành các lớp năng khiếu thể dục thể thao theo trình độ và khả năng chuyên môn từng môn thể dục thể thao, có thể không cùng trình độ học vấn hoặc cùng độ tuổi.
2. Trường năng khiếu thể dục thể thao là loại trường chuyên biệt, được tổ chức theo những nguyên tắc chung đã quy định trong điều lệ nhà trường các cấp, bậc học tương ứng, và được tổ chức theo đặc thù các môn năng khiếu thể dục thể thao. Mỗi học sinh đều được biên chế ở 2 loại lớp:
- Lớp học kiến thức phổ thông gồm những học sinh có cùng trình độ học vấn, có thể không cùng độ tuổi.
- Lớp chuyên sâu thể dục thể thao gồm những học sinh có cùng nguyện vọng, khả năng, trình độ chuyên môn về một môn thể dục thể thao, có thể không cùng trình độ học vấn hoặc cùng độ tuổi.
3. Hàng năm trường, lớp năng khiếu thể dục thể thao được tuyển bổ sung những học sinh mới, có năng khiếu về thể dục thể thao và chuyển những học sinh không còn đạt yêu cầu, không có khả năng phát triển thành tích thể dục thể thao sang học tại các trường phổ thông bình thường khác.
Trường, lớp năng khiếu thể dục thể thao được thành lập theo các hình thức sau:
1. Lớp năng khiếu thể dục thể thao được thành lập ở các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Mỗi trường phổ thông được thành lập 01 hoặc một số lớp năng khiếu thể dục thể thao từng môn, nếu đảm bảo đủ các điều kiện như quy định tại Điều 7 của Quy chế này. Mỗi học sinh chỉ được học ở 01 lớp năng khiếu thể dục thể thao. Lớp năng khiếu thể dục thể thao gồm những học sinh cùng môn chuyên môn thể dục thể thao và có trình độ khả năng chuyên môn tương đối đồng đều. Mỗi lớp năng khiếu thể dục thể thao trong trường phổ thông không được quá 30 học sinh.
2. Trường năng khiếu thể dục thể thao được thành lập ở địa phương, hoặc ở bộ, ngành thuộc Trung ương. Trường năng khiếu thể dục thể thao được thành lập các lớp chuyên sâu theo các môn thể dục thể thao nếu đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị tập luyện và đội ngũ huấn luyện viên theo quy định tại Điều 7 của Quy chế này. Học sinh trong cùng lớp chuyên sâu thể dục thể thao phải cùng môn thể dục thể thao và phải có trình độ chuyên môn tương đối đồng đều. Số lượng học sinh trong mỗi lớp phụ thuộc vào trình độ chuyên môn của học sinh, tối đa không quá 25 học sinh.
1. Đối với giáo viên, huấn luyện viên trực tiếp giảng dạy, huấn luyện viên chuyên môn thể dục thể thao có giờ dạy ở các lớp năng khiếu thể dục thể thao thì số giờ dạy đó được hưởng các chế độ chính sách theo quy định hiện hành và được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 35/2001/NĐ-CP ngày 9-7-2001 của Chính phủ.
2. Giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường, huấn luyện viên các trường năng khiếu thể dục thể thao được hưởng các quy định chính sách theo quy định hiện hành và được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 35/2001/NĐ-CP ngày 9-7-2001 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
3. Các trường, lớp năng khiếu thể dục thể thao được ưu tiên bố trí cán bộ, giáo viên, đủ phẩm chất và năng lực, trang thiết bị cơ sở vật chất, dụng cụ tập luyện, kinh phí, đảm bảo các hoạt động của nhà trường, được tiếp nhận sự giúp đỡ hỗ trợ của các tổ chức kinh tế xã hội trong và ngoài nước.
4. Ngoài những ưu tiên quy định trong Quy chế này, huấn luyện viên các trường, lớp năng khiếu thể dục thể thao còn được hưởng các chế độ ưu đãi đối với huấn luyện viên thể dục thể thao theo quy định hiện hành.
5. Tuỳ điều kiện và hoàn cảnh địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) có thể ban hành chính sách ưu đãi thêm ngoài chính sách chung của Nhà nước nhằm khuyến khích động viên cán bộ, giáo viên, huấn luyện viên và học sinh trường, lớp năng khiếu thể dục thể thao.
TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ TRƯỜNG, LỚP NĂNG KHIẾU THỂ DỤC THỂ THAO
1. Lớp năng khiếu thể dục thể thao trong các trường phổ thông do Hiệu trưởng nhà trường đề nghị; Phòng Giáo dục và Đào tạo và cơ quan quản lý thể dục thể thao cấp huyện y trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập (đối với trường tiểu học, trường trung học cơ sở); Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Thể dục Thể thao hiệp y trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập (đối với trường trung học phổ thông).
2. Trường năng khiếu thể dục thể thao thuộc địa phương do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và Giám đốc Sở Thể dục Thể thao đề nghị; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thành lập sau khi đã thoả thuận với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Uỷ ban Thể dục Thể thao.
3. Trường năng khiếu thể dục thể thao thuộc các Bộ, ngành do các đơn vị chức năng đề nghị thủ trưởng cấp bộ, ngành quyết định thành lập sau khi đã thoả thuận với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Uỷ ban Thể dục Thể thao.
4. Cấp có thẩm quyền ra quyết định thành lập cũng là cấp có thẩm quyền quyết định đình chỉ hoạt động, giải thể nhà trường theo thủ tục quy định tại Nghị định số 43/2000/NĐ-CP ngày 30-8-2000 của Chính phủ.
Thành lập các lớp, trường năng khiếu thể dục thể thao phải có những điều kiện sau:
1. Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ điều kiện và tiêu chuẩn đảm bảo để dạy kiến thức phổ thông theo quy định của Điều lệ trường phổ thông các cấp bậc học. Có đội ngũ huấn luyện viên đủ trình độ để huấn luyện các môn thể dục thể thao theo quy định: Huấn luyện lớp năng khiếu thể dục thể thao phải có trình độ cao đẳng thể dục thể thao trở lên, huấn luyện ở trường năng khiếu thể dục thể thao phải có trình độ đại học thể dục thể thao trở lên, nếu là vận động viên có đẳng cấp từ cấp 1 đến kiện tướng thì phải có trình độ từ cao đẳng thể dục thể thao trở lên.
2. Có đủ cơ sở vật chất đảm bảo việc học kiến thức phổ thông và tập luyện các môn năng khiếu thể dục thể thao cho học sinh (diện tích đất, phòng học, sân tập, nhà tập, phòng y tế và các thiết bị, dụng cụ cần thiết...)
3. Có nguồn tuyển sinh ổn định và đảm bảo chất lượng, phù hợp với mục tiêu quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục và phát triển thể dục thể thao của ngành, của địa phương. Trường năng khiếu thể dục thể thao có chỗ ở nội trú cho học sinh ở xa.
1. Lớp năng khiếu thể dục thể thao trong trường phổ thông chịu sự quản lý chỉ đạo trực tiếp toàn diện của các cấp quản lý giáo dục đối với các hoạt động giáo dục theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cơ quan quản lý thể dục thể thao phối hợp với cơ quan quản lý giáo dục cùng cấp, quản lý chỉ đạo nội dung chương trình, kế hoạch các hoạt động tập luyện và thi đấu thể dục thể thao, đội ngũ huấn luyện viên, cơ sở vật chất, thiết bị dụng cụ thể dục thể thao và kinh phí.
2. Trường năng khiếu thể dục thể thao chịu sự quản lý chỉ đạo trực tiếp của các cấp quản lý thể dục thể thao và chịu sự quản lý của Nhà nước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo của các cấp quản lý giáo dục.
NHỮNG HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC CỦA TRƯỜNG, LỚP NĂNG KHIẾU THỂ DỤC THỂ THAO
1. Đối tượng:
Tất cả các học sinh của các trường phổ thông có sức khoẻ tốt, có đạo đức tốt, học lực từ trung bình trở lên, có năng khiếu thể dục thể thao, có nguyện vọng nâng cao thành tích thể dục thể thao, được sự đồng ý của gia đình, đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này của quy chế này đều được tham gia thi tuyển vào các trường, lớp năng khiếu thể dục thể thao theo các môn chuyên sâu phù hợp.
2. Điều kiện tuyển sinh:
a) Độ tuổi:
- Lớp năng khiếu thể dục thể thao tuyển học sinh bắt đầu tập các môn thể dục thể thao có độ tuổi phù hợp từng môn. Các môn thể dục, cờ vua, bơi lội, bóng bàn có thể tuyển học sinh từ 6-8 tuổi. Các môn điền kinh, bóng chuyền, bóng đá có thể tuyển học sinh từ lứa tuổi lớn hơn. Để đảm bảo thời gian tập luyện đạt thành tích cao, tuổi bắt đầu tập tối đa không quá 15 tuổi.
- Học sinh học tập, tập luyện tại các trường năng khiếu thể dục thể thao, tuổi tối đa không quá 20 tuổi.
b) Trình độ, năng lực chuyên môn:
- Tuyển vào lớp năng khiếu thể dục thể thao: Có tố chất vận động tốt, có năng khiếu thể dục thể thao, đạt điểm chuẩn theo các chỉ số quy định của từng môn thể dục thể thao cụ thể.
- Tuyển vào trường năng khiếu thể dục thể thao: Có tố chất vận động rất tốt, có năng khiếu thể dục thể thao, có khả năng nâng cao thành tích thể thao, đã tập môn thể dục thể thao đó tại các lớp năng khiếu thể dục thể thao trong các trường phổ thông, được nhà trường giới thiệu chuyển lên hoặc có triển vọng đạt thành tích cao trong thể dục thể thao.
3. Kế hoạch tuyển sinh:
a) Đối với lớp năng khiếu thể dục thể thao trong trường tiểu học, trường trung học cơ sở:
Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan quản lý thể dục thể thao cấp huyện chịu trách nhiệm lập kế hoạch, phương án tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.
b) Đối với lớp năng khiếu thể dục thể thao trong trường trung học phổ thông:
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với sở thể dục thể thao chịu trách nhiệm lập kế hoạch, phương án tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
c) Đối với trường năng khiếu thể dục thể thao thuộc địa phương:
Sở thể dục thể thao phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm lập kế hoạch, phương án tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
d) Đối với trường năng khiếu thể dục thể thao thuộc bộ, ngành:
Cơ quan thể dục thể thao các ngành lập kế hoạch, phương án tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, trình Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phê duyệt.
4. Hình thức và nội dung tuyển sinh:
Hình thức: Thi kiểm tra tố chất vận động, năng khiếu thể dục thể thao
Đạo đức và học lực căn cứ theo hồ sơ, học bạ đã có.
Nội dung: Kiểm tra hồ sơ học bạ để xác định hạnh kiểm và học lực.
Kiểm tra hình thái, chức năng, tố chất vận động theo các chỉ số quy định của từng môn thể dục thể thao.
Yêu cầu: Kiểm tra các nội dung phải được tiến hành công khai, chính xác
và công bằng đối với tất cả các học sinh.
5. Điều kiện được nhập học:
Học sinh chỉ được nhận vào học ở các lớp, trường năng khiếu thể dục thể thao khi đảm bảo các quy định ở khoản 1, khoản 2 của Điều này và sau khi đã đạt được tiêu chuẩn quy định của từng môn thể dục thể thao qua thi tuyển năng khiếu (trong phạm vi chỉ tiêu được giao). Không nhận học sinh không có năng khiếu vào học ở các trường, lớp năng khiếu thể dục thể thao.
Điều 10. Tuyển bổ sung vào trường, lớp năng khiếu thể dục thể thao
1. Lớp năng khiếu thể dục thể thao:
Chỉ tuyển bổ sung khi có học sinh phải chuyển ra khỏi lớp năng khiếu thể dục thể thao.
Mỗi năm học chỉ tuyển bổ dung 01 đợt vào đầu học kỳ 2.
2. Trường năng khiếu thể dục thể thao:
Tuyển bổ sung học sinh khi phát hiện những học sinh có năng khiếu đặc biệt thông qua tập luyện tại các lớp năng khiếu thể dục thể thao, được các trường phổ thông giới thiệu chuyển lên.
Mỗi năm học tuyển bổ sung 2 đợt vào cuối học kỳ 1 và cuối học kỳ 2.
Điều 11. Kế hoạch và chương trình học tập
1. Lớp năng khiếu thể dục thể thao:
a) Học sinh các lớp năng khiếu thể dục thể thao trong trường phổ thông thực hiện các hoạt động giáo dục quy định trong Quy chế và Điều lệ nhà trường các cấp, bậc học, để đảm bảo kiến thức và trình độ học vấn phổ thông.
b) Nhà trường có kế hoạch và xây dựng chương trình tập luyện các mông thể dục thể thao cho học sinh các lớp năng khiếu thể dục thể thao phù hợp với nguyện vọng và khả năng, nhằm phát triển năng khiếu, nâng cao thành tích thể dục thể thao, trình Sở Thể dục Thể thao thông qua.
c) Nhà trường xây dựng kế hoạch và có chương trình cho học sinh các lớp năng khiếu thể dục thể thao tham gia các hoạt động thi đấu thể dục thể thao nhằm phát triển thành tích thể dục thể thao.
d) Nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục đa dạng khác cho học sinh nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.
2. Trường năng khiếu thể dục thể thao:
a) Học sinh trường năng khiếu thể dục thể thao thực hiện các hoạt động giáo dục được quy định trong Quy chế và Điều lệ trường phổ thông các cấp, bậc học để bảo đảm kiến thức và trình độ học vấn phổ thông.
Học sinh có thể học chương trình phổ thông tại các trường phổ thông đại trà, tập luyện các môn thể dục thể thao tại trường năng khiếu thể dục thể thao.
b) Trường năng khiếu thể dục thể thao tổ chức giảng dạy các môn học cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở theo chương trình phổ thông đại trà có điều chỉnh về thời lượng và nội dung của một số hoạt động và môn học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cho loại hình trường chuyên biệt. Học sinh trung học phổ thông học theo chương trình trung học phổ thông kỹ thuật.
c) Tổ chức huấn luyện các môn thể dục thể thao theo kế hoạch và chương trình đã được Uỷ ban Thể dục Thể thao phê duyệt; tổ chức các hoạt động thi đấu thể dục thể thao và các hoạt động giáo dục đa dạng khác nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh.
Điều 12. Đánh giá, xếp loại và xét lên lớp
Việc kiểm tra cho điểm, xếp loại học lực, xếp loại hạnh kiểm, xét cho lên lớp đối với học sinh các trường, lớp năng khiếu thể dục thể thao được thực hiện trên 2 lĩnh vực:
1. Học kiến thức phổ thông:
Việc kiểm tra cho điểm, đánh giá xếp loại xét cho lên lớp đối với học sinh các trường, lớp năng khiếu thể dục thể thao về lĩnh vực học kiến thức phổ thông thực hiện như quy định đối với học sinh các cấp, bậc học phổ thông bình thường.
2. Tập các môn năng khiếu thể dục thể thao:
a) Lớp năng khiếu thể dục thể thao:
Đối với học sinh lớp năng khiếu thể dục thể thao trong trường phổ thông được đánh giá qua việc thực hiện kỹ năng, kỹ xảo động tác và đặc biệt là sự tiến triển về thành tích thể dục thể thao. Cuối mỗi học kỳ, nhà trường tổ chức kiểm tra đánh giá, xếp loại học sinh về khả năng phát triển năng khiếu thể dục thể thao; chuyển những học sinh không có triển vọng phát triển thành tích thể dục thể thao ra khỏi lớp năng khiếu thể dục thể thao; xây dựng kế hoạch tiếp tục tuyển những học sinh có năng khiếu bổ sung vào các lớp năng khiếu thể dục thể thao.
b) Trường năng khiếu thể dục thể thao:
Những học sinh phải tập luyện, đi tập huấn hoặc đi thi đấu thể dục thể thao dài ngày, không đảm bảo thời gian, nội dung và điểm các môn học, được nhà trường tổ chức dạy và kiểm tra bù, đảm bảo cho học sinh được học đủ nội dung chương trình.
Kiểm tra, đánh giá xếp loại đối với lĩnh vực năng khiếu thể dục thể thao được đánh giá qua tinh thần thái độ hăng say tập luyện, trình độ chuyên môn kỹ thuật, quan trọng nhất là sự tiến triển về thành tích thể dục thể thao hoặc có khả năng đạt thành tích cao trong thể dục thể thao.
Điều 13. Thi chuyển lớp, chuyển cấp, thi tốt nghiệp
1. Điều kiện chuyển lớp, chuyển cấp, thi tốt nghiệp, thi vào các trường đại học và chuyên nghiệp đối với học sinh các trường, lớp năng khiếu thể dục thể thao thực hiện như đối với học sinh phổ thông các cấp, bậc học bình thường.
2. Những học sinh các trường năng khiếu thể dục thể thao do phải đi thi đấu hoặc tập huấn tập trung dài ngày tại nước ngoài hoặc tại trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia, không có điều kiện tham dự các kỳ thi chuyển lớp, chuyển cấp, thi tốt nghiệp sẽ được xét đặc cách theo quy định.
3. Những học sinh các trường, lớp năng khiếu thể dục thể thao đạt huy chương vàng, bạc, đồng tại các cuộc thi thể dục thể thao quốc gia, quốc tế hoặc đạt đẳng cấp vận động viên cấp 1, kiện tướng, được hưởng các chế độ ưu đãi khi xét chuyển lớp, chuyển cấp, thi tốt nghiệp hoặc thi vào các trường đại học và chuyên nghiệp theo quy định hiện hành.
1. Học sinh các trường năng khiếu thể dục thể thao sau thời gian tập luyện (ít nhất là 1 học kỳ) không có khả năng phát triển thành tích thể dục thể thao, được chuyển ra học tại các trường phổ thông bình thường trong cùng địa bàn huyện hoặc tỉnh.
2. Những học sinh các trường năng khiếu thể dục thể thao có năng khiếu thể dục thể thao, đang có khả năng phát triển thành tích thể dục thể thao tốt, có nguyện vọng chuyển đến học ở một tỉnh, thành phố khác, phải được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thể dục Thể thao sở tại đồng ý, phải thực hiện đúng các quy định hiện hành của Uỷ ban Thể dục Thể thao về chuyển nhượng vận động viên. Nếu không thực hiện những quy định trên thì phải nộp hoàn phí đào tạo cho những năm học tại trường năng khiếu thể dục thể thao.
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁN BỘ QUẢN LÝ, GIÁO VIÊN, HUẤN LUYỆN VIÊN VÀ HỌC SINH
Điều 15. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng
Ngoài những nhiệm vụ và quyền hạn quy định cho Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường phổ thông, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường năng khiếu thể dục thể thao còn có nhiệm vụ và quyền hạn:
1. Sử dụng có hiệu quả kinh phí, tài sản, cơ sở vật chất, thiết bị; phát huy tốt năng lực và trí tuệ của giáo viên, học sinh trong giảng dạy, học tập và các hoạt động, đặc biệt đối với việc tập luyện, phát triển tài năng thể dục thể thao của học sinh.
2. Được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành của Nhà nước và của địa phương cho cán bộ quản lý trường phổ thông và các chế độ ưu tiên khác đối với loại hình trường chuyên biệt.
3. Được tuyển chọn giáo viên, huấn luyện viên về giảng dạy, huấn luyện tại trường và đề nghị thuyên chuyển đối với những giáo viên, huấn luyện viên không đáp ứng yêu cầu giảng dạy, huấn luyện ở trường năng khiếu thể dục thể thao theo phân cấp hiện hành.
Điều 16. Nhiệm vụ và quyền hạn của giáo viên, huấn luyện viên
Giáo viên các trường, lớp năng khiếu thể dục thể thao thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của giáo viên quy định tại Điều lệ trường tiểu học, trung học và Điều 63, 64 của Luật giáo dục. Huấn luyện viên các trường, lớp năng khiếu thể dục thể thao thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của huấn luyện viên quy định tại Quyết định số 408/TCCP ngày 29 tháng 5 năm 1993 của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) về tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch công chức ngành thể dục thể thao. Ngoài ra giáo viên, huấn luyện viên còn có các nhiệm vụ và quyền sau:
1. Phát hiện những học sinh có năng khiếu thể dục thể thao để đề nghị nhà trường tuyển vào các trường, lớp năng khiếu thể dục thể thao.
2. Tổ chức các lớp tập luyện, các buổi biểu diễn, thi đấu thể dục thể thao cho học sinh theo chương trình, kế hoạch của nhà trường.
3. Trực tiếp huấn luyện các môn thể dục thể thao nhằm nâng cao thành tích thể dục thể thao cho học sinh.
4. Tham mưu cho nhà trường về các điều kiện phục vụ giảng dạy, huấn luyện, xây dựng các chỉ tiêu tuyển sinh, tham gia công tác tuyển sinh các môn năng khiếu thể dục thể thao.
5. Tổ chức kiểm tra đánh giá xếp loại học sinh cuối học kỳ và cuối năm về chuyên môn thể dục thể thao theo quy định. Đề xuất với nhà trường những học sinh được tuyển vào, tiếp tục tập luyện hoặc không được tiếp tục tập luyện các môn năng khiếu thể dục thể thao.
6. Được hưởng chế độ phụ cấp và các chế độ, chính sách ưu tiên, ưu đãi khác của Nhà nước hiện hành và của địa phương đối với giáo viên, huấn luyện viên.
7. Hàng năm, những giáo viên, huấn luyện viên không đủ điều kiện để giảng dạy, huấn luyện tại trường, lớp năng khiếu thể dục thể thao được Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Thể dục Thể thao tạo điều kiện để được chuyển sang giảng dạy huấn luyện ở các trường phổ thông khác hoặc các đơn vị công tác khác.
Điều 17. Nhiệm vụ và quyền hạn của học sinh
1. Thực hiện tốt các yêu cầu về giáo dục toàn diện của học sinh phổ thông, các nhiệm vụ của người học sinh theo quy định trong Điều lệ nhà trường các cấp, bậc học và Quy chế này.
2. Tích cực, chủ động trong học tập, rèn luyện, phấn đấu phát triển năng khiếu nâng cao thành tích thể dục thể thao.
3. Tự nguyện tích cực tham gia các hoạt động chung của nhà trường, tham gia thi đấu các môn thể dục thể thao theo khả năng và sở trường cá nhân.
4. Được tạo các điều kiện về: ở nội trú, sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dụng cụ phục vụ học tập và tập luyện môn năng khiếu thể dục thể thao. Được bố trí thời gian học tập và tập luyện hợp lý giúp học sinh phát huy khả năng để đạt thành tích thể dục thể thao cao.
5. Được tham gia các cuộc thi đấu thể dục thể thao do ngành Giáo dục - Đào tạo hoặc ngành Thể dục Thể thao tổ chức theo quy định của Điều lệ cuộc thi.
6. Được ưu tiên điểm khi thi chuyển cấp hoặc thi vào các trường đại học và chuyên nghiệp và không chuyên thể dục thể thao theo quy định hiện hành.
7. Học sinh đạt đẳng cấp các môn thể dục thể thao được hưởng chế độ khuyến khích vật chất, dinh dưỡng theo quy định của ngành Thể dục Thể thao, ngành Giáo dục - Đào tạo và của địa phương.
8. Được cấp tiền ăn, trang phục và dụng cụ tập luyện thể dục thể thao.
Điều 18. Khen thưởng và thi hành kỷ luật đối với học sinh
1. Học sinh đạt kết quả tốt trong học tập và đạt thành tích thể dục thể thao cao sẽ được khen thưởng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Thể dục Thể thao và của địa phương.
2. Những học sinh phạm khuyết điểm trong việc thực hiện nhiệm vụ của người học sẽ bị thi hành kỷ luật. Tuỳ theo mức độ vi phạm mà áp dụng các hình thức kỷ luật khác nhau theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Uỷ ban Thể dục Thể thao.
QUAN HỆ GIỮA NHÀ TRƯỜNG, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI
Điều 19. Quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội
Nhà trường quan hệ chặt chẽ với gia đình học sinh, với các cơ quan đoàn thể, các tổ chức xã hộ, các cơ sở kinh tế và cá nhân có quan tâm đến giáo dục và thể dục thể thao để tăng cường sự hiểu biết về mục tiêu, nhiệm vụ, điều kiện giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh, có sự ủng hộ và phối hợp cần thiết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục học sinh của nhà trường.
Nhà trường - gia đình và xã hội phối hợp tổ chức tuyên truyền vận động mọi người có điều kiện tham gia tài trợ cho các hoạt động giáo dục học sinh, động viên phong trào học tập và khuyến khích học sinh phát triển tài năng thể dục thể thao, giúp nhà trường xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho các hoạt động dạy và học của trường, các hoạt động thi đấu thể dục thể thao của học sinh.
Điều 20. Ban đại diện cha mẹ học sinh
Ban đại diện cha mẹ học sinh trong trường năng khiếu thể dục thể thể thao có trách nhiệm quan tâm đến việc học tập và rèn luyện của con em mình và kết hợp chặt chẽ cùng nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục cho học sinh.
Nhà trường vận động cha mẹ học sinh tạo điều kiện tốt nhất cho con em mình về nuôi dưỡng, học tập, rèn luyện và theo dõi đôn đốc, hướng dẫn con em mình sắp xếp thời gian học tập, tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý.
Ban đại diện cha mẹ học sinh được tham gia góp ý kiến vào kế hoạch năm học, kế hoạch giảng dạy, tập luyện thể dục thể thao của trường, của lớp và có quyền yêu cầu nhà trường trả lời những vấn đề liên quan đến việc giáo dục rèn luyện của học sinh mà cha mẹ cần biết rõ.
- 1Thông tư 15/2013/TT-BLĐTBXH quy định về tổ chức hoạt động thể dục, thể thao cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở dạy nghề do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 2Công văn 6311/VPCP-KGVX năm 2015 triển khai nội dung tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ, bài võ cổ truyền trong các trường phổ thông do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 07/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông năng khiếu thể dục, thể thao do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 4Quyết định 426/QĐ-BGDĐT năm 2022 công bố các Danh mục văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo hết hiệu lực, ngưng hiệu lực năm 2021
- 5Quyết định 466/QĐ-BGDĐT năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ 2019-2023
- 1Quyết định 2056/QĐ-BGDĐT năm 2017 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2Thông tư 07/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông năng khiếu thể dục, thể thao do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 3Quyết định 426/QĐ-BGDĐT năm 2022 công bố các Danh mục văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo hết hiệu lực, ngưng hiệu lực năm 2021
- 4Quyết định 466/QĐ-BGDĐT năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ 2019-2023
- 1Nghị định 29-CP năm 1994 về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và đào tạo
- 2Luật Giáo dục 1998
- 3Quyết định 23/2000/QĐ-BGDĐT về Điều lệ Trường trung học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 4Quyết định 22/2000/QĐ-BGDĐT về Điều lệ Trường tiểu học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 5Nghị định 43/2000/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giáo dục
- 6Pháp lệnh thể dục, thể thao năm 2000
- 7Nghị định 35/2001/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
- 8Quyết định 39/2001/QĐ-BGD&ĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của các trường ngoài công lập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 9Thông tư 15/2013/TT-BLĐTBXH quy định về tổ chức hoạt động thể dục, thể thao cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở dạy nghề do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 10Công văn 6311/VPCP-KGVX năm 2015 triển khai nội dung tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ, bài võ cổ truyền trong các trường phổ thông do Văn phòng Chính phủ ban hành
Quyết định 32/2003/QĐ-BGDĐT Quy chế tổ chức và hoạt động của trường, lớp năng khiếu Thể dục Thể thao trong giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giao dục và Đào ban hành
- Số hiệu: 32/2003/QĐ-BGDĐT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 11/07/2003
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Người ký: Nguyễn Minh Hiển
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 107
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra