Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 620/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 11 tháng 5 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỞ RỘNG TẦM SOÁT, CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ MỘT SỐ BỆNH, TẬT TRƯỚC SINH VÀ SƠ SINH ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1999/QĐ-TTg ngày 07/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2147/QĐ-UBND ngày 23/11/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch hành động giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh Bắc Kạn thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030;

Theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 1172/TTr-SYT ngày 29/4/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Điều 2. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dan tỉnh; Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Duy Hưng

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỞ RỘNG TẦM SOÁT, CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ MỘT SỐ BỆNH, TẬT TRƯỚC SINH VÀ SƠ SINH ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Kèm theo Quyết định số 620/QĐ-UBND ngày 11/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

I. SỰ CẦN THIẾT

Nâng cao chất lượng dân số là nhiệm vụ của toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia nỗ lực của các cấp, các ngành. Hội thảo Quốc gia định hướng nâng cao chất lượng dân số Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010 đã nhận định “Tỷ lệ sơ sinh và trẻ em bị dị tật, khuyết tật ở nước ta hiện nay còn đang ở mức cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số, vì vậy đặc biệt quan tâm chỉ đạo và đầu tư nguồn lực để triển khai chương trình sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh; từng bước kiểm soát, phát hiện điều trị nhằm giảm thiểu tỷ lệ trẻ sinh ra bị dị tật, dị dạng, mắc các bệnh di truyền, bệnh bẩm sinh”.

Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh để phát hiện can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hoá, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh giúp cho trẻ em sơ sinh phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần năng cao chất lượng dân số. Do đó, việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là cần thiết. Kế hoạch sẽ đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số, thu hẹp khoảng cách tiếp cận dịch vụ y tế, định hướng phát triển công tác y tế - dân số trong tình hình mới, góp phần đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.         

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG

1. Căn cứ pháp lý

- Luật Bảo vệ sức khỏe Nhân dân số 21/LCT/HĐNN8 ngày 30/6/1989;

- Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13 ngày 19/6/2014;

- Luật Thanh niên số 57/2020/QH14 ngày 16/6/2020;

- Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 ngày 05/4/2016;

- Pháp lệnh Dân số số 06/2003/PL-UBTVQH11 ngày 09/1/2003; Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số;

- Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ Sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;

- Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ Sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;

- Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030;

- Quyết định số 1999/QĐ-TTg ngày 07/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030;

- Thông tư số 34/2017/TT-BYT ngày 18/8/2017 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh;

- Thông tư số 30/2019/TT-BYT ngày 03/12/2019 của Bộ Y tế về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 34/2017/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh;

 - Quyết định số 1807/QĐ-BYT ngày 21/4/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh;

- Chương trình hành động số 13-CTr/TU ngày 22/01/2018 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới;

- Quyết định số 723/QĐ-UBND ngày 09/5/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 13-CTr/TU ngày 22/01/2018 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về việc thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác Dân số trong tình hình mới;

- Quyết định số 2147/QĐ-UBND ngày 23/11/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh Bắc Kạn thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

2. Cơ sở thực tiễn

2.1. Tình hình địa phương

Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm vùng Đông Bắc Bộ. Dân số toàn tỉnh thời điểm 01/4/2019 là 313.905 người, mật độ dân số trung bình 65 người/km2, tỷ suất sinh thô là 13,7‰ (theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019). Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 là 0,66%. Tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) của tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015 - 2019 trung bình là 2,31 con, cao hơn mức sinh thay thế. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của cả tỉnh là 18,5%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 10,46%; thu nhập bình quân đầu người là 40,67 triệu đồng/người.

Chất lượng dân số của tỉnh Bắc Kạn so với cả nước còn thấp. Tỷ lệ người từ 05 tuổi trở lên bị khuyết tật còn khá cao. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ lệ người từ 05 tuổi trở lên bị khuyết tật là 3,4% dân số, (tỷ lệ này ở thành thị là 2,9%, ở nông thôn là 3,5%). Bắc Kạn là một trong những tỉnh có tỷ lệ người mắc bệnh và mang gen bệnh Thalassemia (bệnh thiếu máu do tan máu bẩm sinh) cao trên cả nước.

2.2. Thực trạng triển khai các hoạt động tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; can thiệp giảm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống

2.2.1. Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn

Mô hình được triển khai tại 08 xã, phường của 08 huyện, thành phố (mỗi huyện, thành phố 01 đơn vị xã, phường) từ năm 2020. Thông qua việc tổ chức nói chuyện chuyên đề cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng thực hành về lĩnh vực sức khỏe sinh sản/dân số/kế hoạch hóa gia đình; lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân; làm mẹ an toàn, kỹ năng sống tại tại 11 điểm trường phổ thông cơ sở và phổ thông trung học với hơn 2.926 vị thành niên/thanh niên tham gia, tư vấn tại cộng đồng trên 2.000 thanh niên được tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn.

2.2.2. Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh

Bắt đầu thực hiện thí điểm tại 20 xã, của 04 huyện: Bạch Thông, Chợ Mới, Na Rì, Chợ Đồn từ năm 2013. Các hoạt động đã triển khai: Tư vấn, truyền thông nhóm tại Trạm Y tế, Khoa sản các Trung tâm Y tế; tổ chức hội nghị chuyên đề, tập huấn về kỹ năng truyền thông, đào tạo kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh cho cán bộ y tế các tuyến, đào tạo trình độ siêu âm cơ bản, siêu âm nâng cao về sản phụ khoa cho một số đơn vị cung cấp dịch vụ.

Từ năm 2013 đến năm 2020, thực hiện sàng lọc trước sinh cho 4.308 bà mẹ và lấy mẫu máu gót chân sàng lọc sơ sinh cho 1.638 trẻ sơ sinh, trong đó phát hiện 95 ca nghi ngờ mắc bệnh thiếu men G6PD. Riêng năm 2020, sàng lọc chẩn đoán trước sinh được 1.156 bà mẹ có thai đạt 27,2%; sàng lọc sơ sinh được 439 trẻ đẻ ra sống đạt 10,9%; xét nghiệm phát hiện 38 trường hợp nghi ngờ thiếu men G6PD.

2.2.3. Can thiệp giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống

Trong giai đoạn 2011 - 2015, thực hiện 06 mô hình điểm tại 06 xã: An Thắng, Xuân La, Nghiên Loan (huyện Pác Nặm); Bành Trạch, Phúc Lộc, Hà Hiệu (huyện Ba Bể) và trường Phổ thông dân tộc nội trú của 02 huyện (Ba Bể, Pác Nặm).

Giai đoạn 2015 - 2020, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015 - 2020” do Ban Dân tộc tỉnh triển khai thực hiện với 11 mô hình điểm tại các xã: Bộc Bố, Bằng Thành, Công Bằng, Cổ Linh, Cao Tân, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Giáo Hiệu (huyện Pác Nặm); Cốc Đán, Thượng Quan (huyện Ngân Sơn); Văn Vũ, Lương Thượng (huyện Na Rì); Bình Trung (huyện Chợ Đồn).

Theo báo cáo thống kê của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố từ năm 2016 đến năm 2020: Toàn tỉnh có 689 vụ tảo hôn/11.659 tổng số cặp kết hôn (chiếm khoảng 5,9%), 11 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thường xảy ra tại các thôn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc Mông, Sán Chay...; độ tuổi tảo hôn phổ biến từ 16 đến 19 tuổi đối với nam và từ 14 đến 17 tuổi đối với nữ.

2.3. Tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện

- Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chỉ duy trì triển khai hoạt động sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh tại 20 xã của 04 huyện theo mô hình thí điểm từ giai đoạn trước. Do không có Chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh giai đoạn 2016 - 2020 được Trung ương phê duyệt nên tỉnh chưa có căn cứ để mở rộng địa bàn và chưa triển khai được phương thức xã hội hóa, số lượng người được hưởng lợi chương trình còn hạn chế; chưa có khung giá dịch vụ áp dụng thực hiện cho sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, do đó công tác triển khai xã hội hóa dịch vụ sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh cho các đối tượng không có trong diện hỗ trợ chưa được triển khai.

- Mạng lưới dịch vụ tầm soát trước sinh và tầm soát sơ sinh trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu của người dân; các đối tượng thuộc diện miễn phí tiếp nhận dịch vụ miễn phí còn thụ động.

- Nguồn lực thực hiện các hoạt động tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh còn gặp rất nhiều khó khăn...

- Sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể ở địa phương trong việc tuyên truyền, quản lý, kiểm tra, phát hiện, ngăn ngừa đối với các trường hợp tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết nên một số tập tục lạc hậu như tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở vùng cao, vùng dân tộc ít người vẫn còn tồn tại.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh nhằm nâng cao chất lượng dân số góp phần thực hiện thành công chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.

2. Chỉ tiêu cụ thể

- Tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 50% năm 2025; 90% năm 2030 và giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 50% số cặp hôn nhân cận huyết thống.

- Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh) ít nhất 04 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 40% năm 2025; 70% năm 2030.

- Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh) ít nhất 05 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 60% năm 2025; 90% năm 2030.

- Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có điểm, cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh theo hướng dẫn chuyên môn đạt 70% năm 2025; 90% năm 2030.

- Tỷ lệ cơ sở y tế tuyến huyện trở lên đủ năng lực cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh theo hướng dẫn chuyên môn đạt 70% năm 2025; 90% năm 2030.

- 100% khoa sản, nhi thuộc Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đủ năng lực cung cấp các dịch vụ: Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh theo hướng dẫn chuyên môn.

IV. THỜI GIAN, PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG

1. Thời gian

- Giai đoạn 01 từ năm 2021 đến 2025: Xây dựng kế hoạch và ban hành các văn bản tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn toàn tỉnh; đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động thay đổi nhận thức và chuyển đổi hành vi của người dân từ thụ động sang chủ động tham gia các dịch vụ của Chương trình; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế, dân số trực tiếp tham gia tư vấn vận động và cung cấp các dịch vụ của Chương trình; tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 01, qua đó đưa ra giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế.

- Giai đoạn 02 từ năm 2026 đến 2030: Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động của giai đoạn 01, tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động nhằm đạt chỉ tiêu đặt ra đến năm 2030 để các dịch vụ của Chương trình trở thành nhu cầu thiết yếu trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân.

2. Phạm vi: Triển khai thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

3. Đối tượng

- Đối tượng thụ hưởng: Vị thành niên; nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ; phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh.

- Đối tượng tác động: Người dân trong toàn xã hội, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, cán bộ cơ sở y tế nhà nước, tư nhân, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình.

V. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Hoàn thiện, thực hiện cơ chế chính sách, quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật

- Phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị; thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện; có biện pháp điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tiễn trong từng giai đoạn.

- Xây dựng và thực hiện chính sách cho các đối tượng thuộc diện được sử dụng miễn phí gói dịch vụ cơ bản của Chương trình.

- Hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên dân số khi tư vấn, vận động đối tượng sử dụng các gói dịch vụ cơ bản.

- Áp dụng các quy trình tiêu chuẩn đối với tổ chức, cá nhân khi tham gia tư vấn và cung cấp các dịch vụ của Chương trình.

- Xã hội hóa cung ứng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh.

- Xây dựng và ban hành danh mục các bệnh, tật thuộc gói dịch vụ cơ bản của dịch vụ khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh. Danh mục mở rộng các bệnh tật ngoài gói dịch vụ cơ bản phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ, chuyên môn, kỹ thuật.

2. Tuyên truyền vận động và huy động xã hội

- Đẩy mạnh vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, Ban Chỉ đạo công tác Dân số các cấp đối với công tác dân số theo cơ chế cùng thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của địa phương. Định kỳ cung cấp thông tin về các nội dung tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh; can thiệp giảm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

- Phối hợp với các cơ quan báo chí tăng cường đưa thông tin về cung cấp và sử dụng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh.

- Tăng cường công tác phối hợp liên ngành nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông của Chương trình.

- Tổ chức các buổi hội nghị, nói chuyện chuyên đề cho cấp ủy đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và một số đối tượng trong cộng đồng nhằm nâng cao sự hiểu biết và vận động cộng đồng hưởng ứng thực hiện.

- Tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh; can thiệp giảm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống tại các trường trung học phổ thông, trường chuyên nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề cho Nhân dân, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ sắp kết hôn.

- Lồng ghép tuyên truyền, cung cấp thông tin về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh; can thiệp giảm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trong các hoạt động văn hóa, xã hội tại cơ sở.

- Định kỳ tổ chức các hoạt động truyền thông nhân dịp Ngày Thalassemia Thế giới (08/5) và các sự kiện về dân số: Ngày Dân số Thế giới 11/7, Ngày Dân số Việt Nam 26/12 và Tháng hành động Quốc gia về Dân số (tháng 12)…

- Xây dựng các cụm pa-nô, in tờ rơi, áp phích phục vụ công tác tuyên truyền tại thôn, bản, tổ dân phố, nơi tập trung đông dân cư và tại các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh.

- Duy trì, củng cố, xây dựng mới các Câu lạc bộ tiền hôn nhân; Câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên… để cung cấp, phổ biến các thông tin, kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, tiền hôn nhân, hôn nhân gia đình, sự cần thiết và lợi ích của các hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh… Duy trì và phát triển các hình thức giáo dục, truyền thông thân thiện như hoạt động ngoại khóa, thi tìm hiểu về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh; can thiệp giảm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; nâng cao chất lượng dân số các dân tộc ít người lồng ghép vào các hoạt động thường xuyên, hoạt động văn nghệ, thể thao, giải trí hoặc tổ chức các chương trình tọa đàm, giao lưu...

3. Xây dựng và duy trì hoạt động mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh

- Mở rộng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ có chất lượng về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh.

- Tổ chức tập huấn kỹ năng truyền thông, tư vấn về khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh cho đội ngũ cán bộ y tế tham gia cung cấp dịch vụ tại các tuyến.

- Cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật dịch vụ khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh trình độ cơ bản và nâng cao, đáp ứng yêu cầu dịch vụ tại các tuyến.

- Rà soát, đầu tư, bổ sung trang thiết bị cho cơ sở y tế các tuyến trong tỉnh để đảm bảo đủ điều kiện cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe tổng quát trước khi kết hôn và sàng lọc, chẩn đoán được một số bệnh, tật bẩm sinh cho phụ nữ mang thai và một số bệnh, tật bẩm sinh cho trẻ sơ sinh; bổ sung thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác quản lý đối tượng; bổ sung các trang thiết bị truyền thông, tư vấn...

- Mở rộng các loại hình cung cấp dịch vụ theo hai hình thức: Miễn phí và xã hội hóa; đảm bảo mọi người dân được tiếp cận, sử dụng dịch vụ cơ bản tại địa phương và được tư vấn, quản lý cả trước, trong, sau khi sử dụng dịch vụ.

4. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật mới

- Thu thập thông tin, khảo sát, đánh giá thực trạng trên địa bàn toàn tỉnh đối với các bệnh, tật phát hiện được trong chương trình khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh.

- Ứng dụng kỹ thuật mới trong các kỹ thuật dịch vụ khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh theo hướng dẫn của Trung ương.

5. Huy động nguồn lực

- Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh, sơ sinh, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình; huy động toàn bộ mạng lưới y tế, dân số tham gia theo chức năng, nhiệm vụ được giao; ưu tiên bảo đảm hoạt động ở tuyến cơ sở.

- Huy động, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế ngoài công lập, đơn vị, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia cung cấp dịch vụ khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh theo hình thức xã hội hóa.

- Huy động các cơ quan, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tham gia thực hiện các hoạt động của kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Huy động toàn bộ mạng lưới y tế, dân số từ tỉnh đến cơ sở tham gia thực hiện các hoạt động của kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

6. Kiểm tra, giám sát

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch; tổ chức các hoạt động giám sát chất lượng các dịch vụ của các cơ sở y tế trong và ngoài công lập, các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp các dịch vụ của Chương trình theo định kỳ, đột xuất để kịp thời hỗ trợ.

7. Khảo sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết Kế hoạch

Sở Y tế chủ trì khảo sát, đánh giá giữa kỳ và sơ kết 05 năm thực hiện Kế hoạch vào năm 2025; khảo sát, đánh giá tổng kết cuối kỳ vào năm 2030.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí Trung ương cấp (nếu có).

2. Ngân sách địa phương: Hằng năm, trên cơ sở các nhiệm vụ cụ thể, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện, lập dự toán gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố bố trí kinh phí và chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn bố trí kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh; can thiệp giảm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống tại địa phương.

4. Nguồn huy động hợp pháp khác.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai Kế hoạch này theo từng năm, bảo đảm hiệu quả. Hằng năm, căn cứ các văn bản quy định, xây dựng kế hoạch và dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính xem xét, thẩm định.

- Chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch để góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của kế hoạch đề ra.

 - Hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch và định kỳ báo cáo Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện theo quy định; tổ chức sơ kết vào cuối năm 2025 và tổng kết việc thực hiện kế hoạch vào cuối năm 2030.

- Hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật về khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh. Chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế (bao gồm cả y tế tư nhân) tổng hợp báo cáo kết quả sàng lọc trước sinh và sơ sinh theo quy định.

- Rà soát để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách liên quan đến công tác khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; can thiệp giảm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cho phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn phát triển.

- Hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch và định kỳ báo cáo Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện theo quy định; tổ chức sơ kết vào cuối năm 2025 và tổng kết việc thực hiện Kế hoạch vào cuối năm 2030.

2. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Y tế tham mưu bố trí kinh phí từ ngân sách và huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh phù hợp với khả năng ngân sách, đúng quy định hiện hành; kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai các hoạt động của Kế hoạch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Trường Cao đẳng Bắc Kạn bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục về giới, giới tính, dân số, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới và tổ chức giảng dạy nội dung này cho học sinh, sinh viên theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phù hợp với điều kiện của tỉnh và tâm lý lứa tuổi của học sinh các cấp học.

- Chỉ đạo các nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hội thi, nói chuyện chuyên đề ... lồng ghép các nội dung về khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh; can thiệp giảm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

4. Ban Dân tộc tỉnh

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan triển khai lồng ghép các hoạt động của Kế hoạch vào thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai các hoạt động của Kế hoạch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao; bổ sung tiêu chí về tảo hôn, kết hôn cận huyết thống vào quy ước xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị, thôn, tổ dân phố văn hóa.

6. Sở Tư pháp

Phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định về hôn nhân và gia đình liên quan đến điều kiện đăng ký kết hôn, hậu quả của hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn.

7. Sở Khoa học và công nghệ

Phối hợp với Sở Y tế thực hiện áp dụng quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ trong tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh. Nghiên cứu khoa học về kiến thức - thái độ - thực hành (CAP) của nam, nữ thanh niên về khám sức khỏe trước khi kết hôn.

8. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn, Báo Bắc Kạn

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế cung cấp thông tin, hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về các nội dung liên quan đến dân số và phát triển. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong xuất bản các ấn phẩm, sản phẩm hoặc đăng tải thông tin có nội dung sai lệch về chính sách dân số.

Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn, Báo Bắc Kạn tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về các nội dung liên quan đến dân số và phát triển, vận động xã hội tham gia giải quyết tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; cung cấp và sử dụng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, tham gia tổ chức triển khai, thực hiện Kế hoạch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ hội, hội viên, đoàn viên và cộng đồng; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và giám sát việc thực hiện về khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; can thiệp giảm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch này theo điều kiện, đặc điểm tình hình cụ thể của từng địa phương; bố trí kinh phí thực hiện trong dự toán ngân sách hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

- Tích cực huy động nguồn lực và lợi thế của địa phương, lồng ghép có hiệu quả với các Chương trình mục tiêu khác trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả việc thực hiện theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch “Thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện; báo cáo kết quả thực hiện về Sở Y tế (cơ quan thường trực Ban Chăm sóc sức khỏe Nhân dân) trước ngày 15/12 hằng năm để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế theo quy định. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị phản ánh bằng văn bản về Sở Y tế để phối hợp xem xét, giải quyết theo quy định./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 620/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

  • Số hiệu: 620/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/05/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Phạm Duy Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/05/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản