Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 62/2019/QĐ-UBND | Hà Tĩnh, ngày 31 tháng 12 năm 2019 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Ban hành Văn bản Quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 16/4/2005;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21/6/2017;
Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 26/11/2013;
Căn cứ Luật Đầu tư 26/11/2014;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13/06/2019;
Căn cứ Luật Giá ngày 20/6/2012;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017;
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29/6/2001; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22/11/2013;
Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;
Căn cứ Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;
Căn cứ Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Văn bản số 1231/SCT- QLTM5 ngày 11/10/2019 và báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp tại Văn bản số 439/BC-STP ngày 27/8/2019.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2020.
Điều 3. Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 62/2019/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy định này quy định về công tác quản lý và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, bao gồm: Phương án phát triển chợ; đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo nâng cấp chợ; kinh doanh, khai thác, quản lý chợ; kinh doanh mua bán hàng hóa tại chợ và công tác quản lý nhà nước về chợ.
2. Đối tượng áp dụng:
- Các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh liên quan đến công tác quản lý và phát triển chợ.
- Các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ; các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tại chợ và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
1. Đơn vị kinh doanh, khai thác và quản lý chợ là tên gọi chung của Doanh nghiệp, Hợp tác xã đầu tư, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ hoặc Ban quản lý, Tổ quản lý chợ.
2. Điểm kinh doanh tại chợ (sau đây gọi tắt là điểm kinh doanh): Bao gồm quầy hàng, sạp hàng, ki-ốt, cửa hàng được bố trí cố định trong phạm vi chợ theo thiết kế xây dựng chợ, có diện tích tối thiểu là 3m2/điểm.
3. Phương án phát triển chợ là một nội dung thuộc Quy hoạch tỉnh theo quy định tại Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017, là cơ sở để thực hiện đầu tư, nâng cấp, cải tạo và quản lý hệ thống chợ trên địa bàn.
1. Hệ thống chợ trên địa bàn được phân thành 3 hạng theo tiêu chuẩn quy định tại Khoản 2, Điều 3 của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Khoản 2, Điều 1 của Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ.
2. Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh quyết định phân hạng chợ trên cơ sở phương án phát triển chợ, quy mô thực tế của từng chợ và đề xuất của UBND cấp huyện. Việc phân hạng chợ là cơ sở để phân cấp quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn tỉnh.
3. Tất cả các chợ sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng, trước khi đưa vào hoạt động đều phải được UBND tỉnh quyết định phân hạng.
4. Đối với các chợ cần điều chỉnh phân hạng: Căn cứ tiêu chuẩn, các quy định về phân hạng chợ, thực trạng các chợ đang hoạt động trên địa bàn, UBND cấp huyện lập hồ sơ đề xuất gửi Sở Công Thương chủ trì phối hợp các sở ngành liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt phân lại hạng chợ đảm bảo phù hợp và đúng quy định.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN VÀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CHỢ
Điều 4. Phương án phát triển chợ
1. Chợ là một bộ phận quan trọng trong tổng thể hạ tầng kinh tế - xã hội. Phương án phát triển hệ thống chợ là một bộ phận của Quy hoạch tỉnh theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017. Phương án phát triển chợ phải phù hợp với các quy hoạch có liên quan và thực hiện theo Điều 4, Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ.
2. Phương án phát triển chợ là căn cứ để các cấp chính quyền quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn lập kế hoạch đầu tư xây dựng mới; cải tạo, nâng cấp các chợ; kêu gọi thu hút đầu tư phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn và giải tỏa chợ, tụ điểm kinh doanh không phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển.
3. Việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung phương án phát triển chợ là để phù hợp với thực tiễn tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, đáp ứng nhu cầu của sản xuất, lưu thông hàng hóa và tiêu dùng của nhân dân.
Điều 5. Nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo chợ
1. Nguồn vốn đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo chợ bao gồm: Nguồn vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân sản xuất kinh doanh; nguồn vốn vay tín dụng; nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. UBND tỉnh khuyến khích các tổ chức, đơn vị và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác các hạng chợ.
3. Việc sử dụng nguồn vốn ngân sách đầu tư xây dựng, cải tạo chợ thực hiện theo các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Luật Đầu tư công năm 2019 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Tất cả các chợ đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa lớn, cải tạo, nâng cấp phải theo đúng phương án phát triển chợ đã được phê duyệt, có ý kiến của cơ quan chuyên môn theo phân cấp quản lý về sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, phải lập dự án theo các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng; các quy định về tiêu chuẩn thiết kế chợ; đảm bảo tuân thủ quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn chuyên ngành và các văn bản pháp luật có liên quan; được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành.
2. Trình tự thủ tục đầu tư dự án, thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng.
3. Việc bố trí các công trình trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng chợ thực hiện đúng các quy trình quy phạm về xây dựng chợ, tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.
4. Dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo chợ của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được hưởng các chính sách ưu đãi theo các quy định hiện hành.
Điều 7. Một số nội dung trong quá trình xây dựng và đưa chợ vào hoạt động
1. Đối với các chợ đầu tư xây dựng mới (kể cả xây dựng mới do di dời địa điểm) hoặc cải tạo nâng cấp, sửa chữa lớn có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của thương nhân đang kinh doanh tại chợ: Trước khi đầu tư xây dựng lại chợ cũ hoặc sửa chữa nâng cấp lớn, đơn vị kinh doanh, khai thác, quản lý chợ phải:
- Công khai, minh bạch thông tin về dự án để thương nhân kinh doanh tại chợ biết.
- Tổ chức lấy ý kiến tiểu thương tại chợ và các tổ chức cá nhân có liên quan đối với Phương án đầu tư, kinh doanh và quản lý chợ trên địa bàn. Phương án kinh doanh khi lấy ý kiến phải thể hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của nhà đầu tư, của các thương nhân kinh doanh trong chợ và các cơ quan có liên quan, bao gồm các nội dung cơ bản: Phương án thiết kế, phương án bố trí sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh; diện tích quầy ốt, cách bố trí vị trí kinh doanh cho các thương nhân kinh doanh tại chợ cũ khi hoạt động trong chợ mới, dự kiến mức thu, hình thức thu các loại giá dịch vụ tại chợ và các khoản thu khác (nếu có); phương án quản lý, khai thác chợ sau đầu tư; phương án bố trí chợ tạm, hỗ trợ di chuyển (nếu có) và các nội dung khác có liên quan.
2. Đối với trường hợp xây dựng chợ mới tại các địa phương chưa có chợ hoạt động: Khi lập dự án đầu tư xây dựng chợ mới, đơn vị kinh doanh, khai thác và quản lý chợ phải khảo sát, đánh giá tiềm năng, sức mua bán và khả năng thu hút hộ kinh doanh vào chợ, tránh lãng phí đầu tư.
3. Sau khi chợ xây dựng hoàn thành và được phép sử dụng theo quy định của pháp luật, trước khi đưa chợ vào hoạt động, đơn vị kinh doanh, khai thác và quản lý chợ phải thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Quy định này .
4. Trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng chợ, đơn vị kinh doanh, khai thác và quản lý chợ thường xuyên báo cáo tiến độ xây dựng và các vấn đề có liên quan đến UBND theo phân cấp quản lý, Sở Công Thương và cơ quan chức năng có liên quan để nắm tình hình, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.
Điều 8. Các địa điểm không tổ chức họp chợ
Không sử dụng lòng, lề đường và hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy, hành lang bảo vệ lưới điện và các mặt bằng khác (không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, phương án phát triển mạng lưới chợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các khu vực, tuyến đường, địa điểm cấm cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh) để tổ chức họp chợ dưới mọi hình thức.
QUẢN LÝ, KINH DOANH VÀ KHAI THÁC CHỢ
1. Trước khi đưa chợ vào hoạt động, các tổ chức, đơn vị đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ phải xây dựng Nội quy, Phương án bố trí ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh và Phương án giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng, dịch vụ trông giữ xe tại chợ trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt theo quy định.
2. Thẩm định và phê duyệt Nội quy chợ, Phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ
a) UBND tỉnh phê duyệt đối với chợ hạng 1; UBND cấp huyện phê duyệt đối với chợ hạng 2, hạng 3.
Sở Công Thương là cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh; phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng/Quản lý đô thị và Kinh tế là cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND cấp huyện trong phê duyệt Phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ và Nội quy chợ. Phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ phải phù hợp với các hồ sơ thiết kế, xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với chợ hạng 2, UBND cấp huyện lấy ý kiến bằng văn bản của Sở Công Thương trước khi phê duyệt Phương án bố trí sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ.
b) Giao Sở Công Thương hướng dẫn công tác lập, phê duyệt Nội quy chợ và Phương án bố trí sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ.
3. Thẩm định và phê duyệt Phương án giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng, dịch vụ trông giữ xe tại chợ
a) Sở Công Thương tổng hợp, trình UBND tỉnh quy định giá sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Sở Tài chính:
- Giá cụ thể đối với dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng và dịch vụ trông giữ xe tại chợ hạng 1 được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước;
- Giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng và dịch vụ trông giữ xe tại chợ hạng 1 được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
b) UBND cấp huyện tổng hợp, trình UBND tỉnh quy định giá sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Sở Tài chính:
- Giá cụ thể đối với dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng và dịch vụ trông giữ xe tại chợ hạng 2, hạng 3 được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
- Giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng và dịch vụ trông giữ xe tại chợ hạng 2, hạng 3 được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Phòng Tài chính - Kế hoạch là cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND cấp huyện trong việc xây dựng phương án giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng và dịch vụ trông giữ xe tại chợ trình Sở Tài chính thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt.
c) Sở Tài chính là cơ quan hướng dẫn xây dựng và thẩm định phương án giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng và dịch vụ trông giữ xe tại chợ.
4. Các chợ đang hoạt động chưa có Nội quy chợ, phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh và phương án giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng và dịch vụ trông giữ xe tại chợ được phê duyệt phải lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này.
5. Trong quá trình tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý chợ, nếu xét thấy cần thiết phải thay đổi Nội quy chợ; phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh; phương án giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng và dịch vụ trông giữ xe tại chợ cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tình hình hoạt động chợ và quy định pháp luật liên quan, đơn vị kinh doanh, khai thác và quản lý chợ xây dựng lại Nội quy, phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh và phương án các loại giá dịch vụ trình cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này xem xét, phê duyệt.
Điều 10. Quản lý điểm kinh doanh tại chợ
1. Nguyên tắc về sử dụng, thuê điểm kinh doanh tại chợ:
a) Việc sử dụng, thuê điểm kinh doanh tại chợ được thực hiện theo hợp đồng giữa thương nhân kinh doanh tại chợ với đơn vị kinh doanh, khai thác và quản lý chợ. Mức giá thuê điểm kinh doanh tại chợ thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
b) Khi số lượng thương nhân đăng ký sử dụng hoặc thuê vượt quá số lượng điểm kinh doanh có thể bố trí tại chợ theo phương án được duyệt thì thực hiện đấu giá theo Điều 12 Quy định này; mức giá thuê điểm kinh doanh được xác định theo kết quả đấu giá.
2. Quy định cụ thể việc sử dụng, cho thuê điểm kinh doanh:
a) Đối với các chợ đầu tư xây dựng lại hoặc cải tạo nâng cấp, sửa chữa lớn có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của thương nhân đang kinh doanh tại chợ (kể cả xây dựng mới do di dời địa điểm):
- Sau khi phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, điểm kinh doanh tại chợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị kinh doanh, khai thác và quản lý chợ tổ chức giao hoặc cho thuê điểm kinh doanh cho các thương nhân kinh doanh ở chợ cũ; phương thức thực hiện do đơn vị kinh doanh, khai thác và quản lý chợ quyết định, bảo đảm công khai, minh bạch và phù hợp với tình hình thực tế của chợ; mỗi thương nhân được ưu tiên số điểm kinh doanh tương ứng với số điểm kinh doanh ở chợ cũ.
- Số điểm kinh doanh còn lại tại chợ thực hiện giao hoặc cho thuê thông qua hợp đồng theo thỏa thuận giữa thương nhân và đơn vị kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.
b) Đối với trường hợp xây dựng chợ mới
Sau khi phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị kinh doanh, khai thác và quản lý chợ quyết định chọn phương án giao hoặc cho thuê để thu hút thương nhân vào kinh doanh; khuyến khích có chính sách ưu tiên với người đăng ký trước, người có hộ khẩu trên địa bàn có chợ, thương nhân kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn theo chương trình hoặc dự án triển khai trên địa bàn và các địa phương khác.
3. Đơn vị kinh doanh, khai thác và quản lý chợ có trách nhiệm quản lý việc ký kết hợp đồng điểm kinh doanh, sang nhượng điểm kinh doanh tại chợ và các nội dung quy định tại Điều 9 Nghị định số 02/2003/NĐ-CP.
4. Thương nhân kinh doanh tại chợ có trách nhiệm thực hiện theo đúng các quy định về hoạt động kinh doanh tại chợ theo Điều 12 Nghị định số 02/2003/NĐ- CP và các quy định khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh hàng hóa.
Điều 11. Thời hạn sử dụng, thuê điểm kinh doanh tại chợ
1. Thời hạn sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh tại chợ được thỏa thuận trong hợp đồng giữa đơn vị kinh doanh, khai thác và quản lý chợ và thương nhân kinh doanh tại chợ và theo quy định sau:
a) Đối với chợ xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách: Thời hạn sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh tại chợ của thương nhân theo thỏa thuận nhưng không vượt quá thời gian còn lại của thời hạn được Nhà nước cho doanh nghiệp/hợp tác xã thuê đất để đầu tư kinh doanh khai thác và quản lý chợ; đồng thời, doanh nghiệp/hợp tác xã khai thác, quản lý chợ phải đảm bảo duy trì các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động kinh doanh của thương nhân.
b) Đối với chợ đã chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý: Thời hạn sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh tại chợ của thương nhân theo thỏa thuận nhưng không vượt quá thời hạn đơn vị được giao kinh doanh khai thác và quản lý chợ.
c) Đối với chợ xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước: Thời hạn sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh tại chợ của thương nhân theo tình hình cụ thể của từng chợ nhưng thời gian thuê một đợt không quá 10 năm.
2. Sau khi hết thời hạn sử dụng hoặc thuê trong hợp đồng thì dựa vào điều kiện cụ thể trên cơ sở bảo đảm sự đồng thuận và thống nhất giữa thương nhân kinh doanh tại chợ và đơn vị kinh doanh, khai thác và quản lý chợ, tiếp tục ký kết hợp đồng sử dụng điểm kinh doanh cho các thương nhân kinh doanh tại chợ; phương thức thực hiện do đơn vị kinh doanh, khai thác và quản lý chợ quyết định, bảo đảm công khai, minh bạch và phù hợp với tình hình thực tế của chợ.
3. Đối với các chợ đã ký hợp đồng trước khi Quy định này có hiệu lực thì thực hiện theo thời hạn quy định trong hợp đồng đã ký kết. Sau khi hợp đồng hết hiệu lực, thực hiện theo quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này.
Điều 12. Quy định đấu giá điểm kinh doanh
1. Trên cơ sở phương án giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ được phê duyệt, đối với các điểm kinh doanh có số lượng người đăng ký lớn hơn 02 người thì phải tổ chức đấu giá. Đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ xây dựng phương án đấu giá điểm kinh doanh để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
2. Sau khi phương án đấu giá điểm kinh doanh được phê duyệt, việc tổ chức thực hiện đấu giá điểm kinh doanh do đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ tổ chức thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định. Kết quả trúng đấu giá báo cáo về Sở Tài chính, Sở Công Thương, Cục Thuế, UBND theo phân cấp quản lý và các cơ quan, đơn vị liên quan để kiểm tra, theo dõi.
3. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan hướng dẫn đơn vị quản lý chợ xây dựng phương án đấu giá điểm kinh doanh trong phương án giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ.
Điều 13. Đơn vị kinh doanh, khai thác và quản lý chợ
1. Chợ do các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng thì do tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã đó tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.
2. Chợ do Nhà nước đầu tư xây dựng hoặc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng từ nguồn vốn đầu tư phát triển của Nhà nước:
a) Chợ đã hoàn thành việc chuyển đổi mô hình quản lý từ Ban Quản lý, Tổ Quản lý chợ thành doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh, khai thác và quản lý chợ: Doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện việc kinh doanh, khai thác và quản lý chợ theo quy định.
b) Chợ đang do Ban Quản lý, Tổ Quản lý chợ quản lý thì phải thực hiện việc chuyển đổi mô hình quản lý theo quy định tại Điều 14 của Quy định này.
3. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu tham gia đấu thầu hoặc đăng ký để được giao quản lý chợ phải được thành lập dưới hình thức doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật và thực hiện quy định tại Điều 9, Nghị định số 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ.
4. Một doanh nghiệp hoặc hợp tác xã hoặc Ban quản lý chợ có thể đồng thời kinh doanh khai thác và quản lý nhiều chợ nhưng phải đảm bảo các quy định của pháp luật.
Điều 14. Chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ
1. Quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ trên địa bàn tỉnh thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND ngày 30/5/2014, Quyết định số 31/2017/QĐ-UBND ngày 30/6/2017 của UBND tỉnh và các quy định khác có liên quan.
Sau khi thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, Ban chuyển đổi mô hình quản lý chợ phối hợp với các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm theo dõi, đánh giá, báo cáo và đề xuất các giải pháp thực hiện tốt công tác quản lý đối với từng chợ cho UBND cùng cấp và các cơ quan liên quan để chỉ đạo, giải quyết kịp thời.
2. Đối với trường hợp thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ không gắn với chuyển quyền sở hữu tài sản chợ, thời gian giao thầu không quá 05 năm; sau khi hết thời hạn giao thầu, UBND cấp có thẩm quyền tiến hành rà soát công tác quản lý chợ và căn cứ tình hình thực tế, xem xét tiếp tục ký kết hợp đồng đối với đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác trên cơ sở phương án chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ đã phê duyệt hoặc xây dựng phương án chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ mới đảm bảo hiệu quả, thiết thực (ưu tiên thực hiện chuyển đổi gắn với chuyển quyền sở hữu tài sản chợ thời gian giao thầu tối đa 49 năm).
Điều 15. Trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh, khai thác và quản lý chợ
1. Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt: Nội quy chợ; phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh; phương án các loại giá dịch vụ tại chợ; phương án đấu giá sử dụng điểm kinh doanh tại chợ trong trường hợp tổ chức đấu giá.
2. Ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh trong chợ theo phương án được duyệt; tổ chức điều hành hoạt động của chợ theo Nội quy và xử lý các vi phạm Nội quy chợ theo quy định.
3. Tổ chức thu, nộp tiền thuê, sử dụng điểm kinh doanh của thương nhân và các loại dịch vụ liên quan đến chợ theo quy định của pháp luật; tổ chức kinh doanh và phát triển các dịch vụ hỗ trợ như trông giữ phương tiện vận chuyển, bốc xếp hàng hóa, cho thuê kho bãi bảo quản cất giữ hàng hóa và các dịch vụ thương mại khác phù hợp với hoạt động kinh doanh chợ và quy định của pháp luật.
4. Hàng năm thực hiện cải tạo, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng chợ đảm bảo cơ sở vật chất tại chợ khang trang, đáp ứng các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Chú trọng bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, cân đối chứng trong phạm vi chợ.
5. Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến, hướng dẫn thực hiện các chính sách, các quy định của pháp luật, quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh tại chợ. Bố trí cán bộ nhân viên, người lao động tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý chợ, nghiệp vụ PCCC và CNCH do Sở Công Thương, Công an tỉnh và các sở, ngành, địa phương tổ chức.
6. Phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại chợ. Tổ chức thực hiện văn minh thương mại và các hoạt động văn hóa, xã hội tại chợ. Hàng hóa kinh doanh tại chợ phải niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết theo quy định.
7. Trường hợp đơn vị quản lý chợ tổ chức bán điện cho các hộ kinh doanh tại chợ thì phải làm thủ tục đăng ký cấp phép bán lẻ điện theo quy định và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn điện trong khu vực chợ.
8. Các đơn vị kinh doanh, khai thác và quản lý chợ có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh khai thác và quản lý chợ. Hàng năm, tổng hợp tình hình hoạt động kinh doanh, rà soát phương án bố trí, sắp xếp kinh doanh ngành hàng, nội quy hoạt động của chợ và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm (trước ngày 20/6 và ngày 10/12) hoặc đột xuất theo yêu cầu của UBND tỉnh, Sở Công Thương, UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan.
Điều 16. Quyền và trách nhiệm của thương nhân kinh doanh tại chợ
1. Thương nhân có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với phạm vi ngành nghề của từng loại chợ đều được quyền vào chợ kinh doanh sau khi có hợp đồng sử dụng điểm kinh doanh hoặc hợp đồng thuê điểm kinh doanh tại chợ với đơn vị kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.
2. Được thuê một hoặc nhiều điểm kinh doanh căn cứ vào hợp đồng ký kết với đơn vị quản lý, kinh doanh chợ. Thương nhân có quyền sang nhượng điểm kinh doanh hoặc cho thuê lại điểm kinh doanh đang còn trong thời hạn hợp đồng và phải thông báo cho đơn vị quản lý, kinh doanh chợ. Thủ tục sang nhượng điểm kinh doanh hoặc cho thuê lại điểm kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Thương nhân được sang nhượng điểm kinh doanh hoặc thuê lại điểm kinh doanh phải đảm bảo kinh doanh đúng ngành hàng, chấp hành đầy đủ quy định về nộp thuế, phí, lệ phí, giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ và các quy định của pháp luật có liên quan theo hướng dẫn của đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ.
3. Thực hiện đúng phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, nội quy chợ đã phê duyệt và chịu sự quản lý của đơn vị kinh doanh, khai thác và quản lý chợ. Chấp hành nghiêm các quy định về an toàn PCCC&CNCH; quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng; quy định về quản lý thuế, quy định về các điều kiện kinh doanh và các quy định pháp luật khác có liên quan.
4. Thực hiện đầy đủ quy định về hoạt động kinh doanh tại chợ theo Điều 12 Nghị định số 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ.
Điều 17. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành
1. Sở Công Thương
a) Cơ quan thường trực tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai phổ biến, hướng dẫn các nội dung liên quan đến phương án phát triển và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh.
b) Chủ trì tham mưu trình UBND tỉnh ban hành, điều chỉnh, sửa đổi kịp thời các văn bản liên quan đến công tác quản lý nhà nước về chợ; cơ chế chính sách về đầu tư xây dựng, khai thác và quản lý chợ. Phối hợp các đơn vị liên quan, UBND cấp huyện xây dựng phương án phát triển chợ hoặc rà soát điều chỉnh, bổ sung mạng lưới chợ của tỉnh đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, khu vực; đáp ứng nhu cầu của sản xuất, lưu thông hàng hóa và tiêu dùng của nhân dân; báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định.
c) Tổ chức quản lý phương án phát triển chợ theo chức năng nhiệm vụ được giao. Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND cấp huyện tổ chức điều tra khảo sát, thẩm định trình UBND tỉnh phân hạng các chợ và các nội dung khác liên quan đến chợ theo quy định.
d) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị quản lý, kinh doanh và khai thác chợ về chính sách, nghiệp vụ quản lý chợ. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ quản lý, khai thác chợ cho cán bộ, nhân viên làm công tác quản lý chợ.
e) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật hiện hành; theo dõi, tổng hợp và đánh giá kết quả; sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm về công tác quản lý và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh.
g) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng năm và đột xuất theo yêu cầu của UBND tỉnh, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng theo quy định; thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến phát triển và quản lý chợ theo quy định của pháp luật.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư xây dựng chợ theo quy định hiện hành. Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh.
b) Chủ trì phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan tổng hợp danh mục các dự án đầu tư xây dựng chợ trên cơ sở đề xuất của các địa phương; kịp thời tham mưu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
c) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện rà soát, kiểm tra các dự án xây dựng chợ đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai; đề xuất, báo cáo UBND tỉnh xử lý, xem xét thu hồi dự án theo các quy định hiện hành.
3. Sở Tài chính
a) Thẩm định phương án các loại giá dịch vụ tại chợ, trình UBND tỉnh phê duyệt. Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan hướng dẫn đơn vị quản lý chợ xây dựng phương án đấu giá điểm kinh doanh trong phương án giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ.
b) Chủ trì hướng dẫn, nâng cao nghiệp vụ cho các đơn vị quản lý, kinh doanh và khai thác chợ về công tác quản lý tài chính, thu nộp và sử dụng khoản thu từ các loại giá dịch vụ và các khoản thu khác tại chợ theo quy định.
c) Hướng dẫn, kiểm tra việc xử lý tài sản chợ có nguồn gốc từ vốn ngân sách nhà nước sang loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định hiện hành.
d) Hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho việc chuyển đổi Ban quản lý chợ theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Hướng dẫn UBND cấp huyện về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đầu tư xây dựng chợ. Trên cơ sở đề xuất của các địa phương và các sở ngành liên quan về nhu cầu sử dụng đất đối với các dự án xây dựng chợ, tổng hợp vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
b) Chủ trì thực hiện và hướng dẫn các đơn vị đang quản lý, sử dụng đất chợ mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chợ thực hiện rà soát, kê khai hiện trạng sử dụng đất, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chợ theo quy định. Hướng dẫn các tổ chức sử dụng đất thủ tục thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản có liên quan.
c) Chủ trì tổ chức thẩm định và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với Dự án xây dựng chợ hạng 1, hạng 2 trên địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn theo phân cấp.
d) Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về đất đai và môi trường trong hoạt động quản lý, kinh doanh và khai thác chợ.
5. Sở Xây dựng
a) Thực hiện công tác quản lý nhà nước về xây dựng chợ theo chức năng, nhiệm vụ; hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn thiết kế chợ TCVN 9211:2012 Chợ - Tiêu chuẩn thiết kế; tiêu chuẩn TCVN 11856:2017 Chợ kinh doanh thực phẩm và các quy định của pháp luật hiện hành.
b) Thẩm định quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công các chợ trên địa bàn tỉnh theo quy định và phân cấp, đảm bảo đúng các quy định hiện hành và phù hợp với thực tế hoạt động các chợ, phát huy hiệu quả khai thác, quản lý chợ.
c) Chủ trì thực hiện, quản lý và hướng dẫn cấp phép xây dựng đảm bảo theo Luật Xây dựng, các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định có liên quan về xây dựng chợ; nghiệm thu chất lượng công trình các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo chợ theo phân cấp.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND cấp huyện rà soát sự phù hợp kế hoạch và các dự án phát triển chợ với các quy hoạch chuyên ngành về đê điều, thủy lợi, phòng chống lũ, nông nghiệp, nông thôn mới.
b) Phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra hộ kinh doanh bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành nông nghiệp phát triển nông thôn tại chợ; quản lý an toàn thực phẩm đối với các chợ đầu mối, đấu giá nông sản bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
7. Sở Nội vụ
a) Hướng dẫn tổ chức bộ máy và biên chế của các ban quản lý chợ, chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên đang làm việc tại các ban quản lý chợ; chế độ đối với cán bộ nhân viên hưởng lương từ ngân sách đang làm việc tại ban quản lý khi chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ.
b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện trình UBND tỉnh quyết định thành lập, giải thể và quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy ban quản lý chợ hạng 1 theo quy định hiện hành và phân cấp quản lý tổ chức bộ máy của tỉnh; hướng dẫn UBND cấp huyện thành lập, giải thể và quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy ban quản lý chợ hạng 2, hạng 3.
8. Sở Y tế
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại chợ; chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo lĩnh vực quản lý. Phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất về an toàn thực phẩm tại chợ khi có yêu cầu.
b) Định kỳ lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm theo kế hoạch của ngành và đột xuất khi có yêu cầu; cảnh báo nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm cho cộng đồng.
9. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đo lường, kiểm định phương tiện đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa tại chợ theo lĩnh vực quản lý.
10. Công an tỉnh
a) Chủ trì thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy tại các chợ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, không để phát sinh tiêu cực, bức xúc và khiếu kiện phức tạp ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
b) Định kỳ, đột xuất kiểm tra công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của lực lượng tại chỗ.
c) Chỉ đạo công an huyện, thành phố, thị xã phối hợp tích cực với các phòng ban, đơn vị cấp huyện xử lý dẹp bỏ các chợ cóc, chợ tạm, tụ điểm kinh doanh tự phát lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông.
11. Cục Quản lý Thị trường tỉnh
a) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng và các vi phạm khác trong hoạt động kinh doanh hàng hóa tại chợ theo quy định.
b) Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý giá cả thị trường; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, lợi dụng tình hình thiên tai, dịch bệnh, khan hiếm hàng hóa, sự biến động của thị trường để tăng giá, ép giá không đúng quy định của pháp luật.
12. Cục Thuế tỉnh: Quản lý, kiểm tra, rà soát và tổng hợp báo cáo về việc thu nộp ngân sách của các đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ và các cơ sở kinh doanh tại các chợ trên địa bàn tỉnh (tiền thuế, tiền thuê đất và các khoản thu nộp ngân sách khác) theo quy định.
13. Liên minh Hợp tác xã tỉnh: Phối hợp Sở Công Thương, các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện tuyên truyền, phổ biến về pháp luật, chính sách phát triển, quản lý chợ và mô hình hợp tác xã kinh doanh, quản lý chợ có hiệu quả. Tư vấn, hướng dẫn thành lập các Hợp tác xã kinh doanh quản lý chợ hoạt động đúng Luật Hợp tác xã 2012 và liên kết các Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã theo chuỗi giá trị góp phần tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng.
14. Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư tỉnh
Tổ chức tuyên truyền phổ biến, cung cấp các cơ chế chính sách phát triển chợ đến các doanh nghiệp, hợp tác xã; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tìm hiểu, đầu tư các dự án chợ trên địa bàn; tiếp nhận, tổng hợp, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan xử lý những phản ánh, kiến nghị, vướng mắc và khó khăn của doanh nghiệp, hợp tác xã trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.
15. Các sở, ngành, đơn vị liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với chợ theo thẩm quyền; chủ động hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp, Hợp tác xã triển khai thực hiện công tác đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ có hiệu quả, đúng quy định; đồng thời phối hợp với Sở Công Thương thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về các nội dung liên quan đến phát triển và quản lý chợ.
16. Các sở, ngành được phân công trách nhiệm trên định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ quản lý của đơn vị mình về Sở Công Thương (trước ngày 10/12) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Điều 18. Trách nhiệm của UBND cấp huyện
1. Chịu trách nhiệm quản lý toàn diện hoạt động các hạng chợ trên địa bàn đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp với Sở Công Thương và các ngành liên quan triển khai thực hiện Quy định này và thực hiện chỉ đạo của tỉnh đối với các nội dung liên quan đến quản lý và phát triển chợ.
2. Lập kế hoạch dài hạn, ngắn hạn đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ trên địa bàn theo phương án phát triển chợ và hướng dẫn của các sở, ngành. Phối hợp với các Sở, ngành trong công tác xây dựng, rà soát và bổ sung phương án phát triển chợ trên địa bàn.
3. Tổ chức thực hiện việc chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn quản lý theo đúng quy định.
4. Tuyên truyền, giải thích, vận động thương nhân kinh doanh tại chợ và nhân dân trên địa bàn về công tác xã hội hóa đầu tư và chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ nhằm tạo sự đồng thuận, tránh việc khiếu kiện có thể xảy ra.
5. Chủ trì kiểm tra, giám sát hoạt động của đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ hạng 2, hạng 3 theo phân cấp quản lý; phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý chợ hạng 1. Tổ chức kiểm tra, thanh tra các hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý kinh doanh khai thác chợ.
6. Phê duyệt Nội quy chợ, phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ hạng 2, hạng 3 (đối với chợ hạng 2 phê duyệt sau khi có ý kiến bằng văn bản của Sở Công Thương); hướng dẫn các đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ xây dựng phương án các loại giá dịch vụ tại các chợ hạng 2, hạng 3, trình Sở Tài chính thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt.
7. Xử lý dứt điểm việc cấp giấy chứng nhận điểm kinh doanh không thời hạn, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trong phạm vi đất chợ; các trường hợp thuê đất kinh doanh tại chợ trong thời gian dài. Xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các chợ còn lại ngoài chợ hạng 1, hạng 2 trên địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn theo phân cấp.
8. Chủ trì, phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của các hộ kinh doanh tại chợ.
9. Xây dựng kế hoạch, lộ trình và tổ chức thực hiện triệt để công tác giải tỏa, di dời, xóa bỏ các chợ tự phát, chợ không nằm trong quy hoạch, tụ điểm kinh doanh tự phát lấn chiếm lòng, lề đường, vi phạm hành lang an toàn giao thông, hành lang an toàn lưới điện, an ninh trật tự, gây ô nhiễm môi trường, vi phạm an toàn thực phẩm. Gắn trách nhiệm của chính quyền cơ sở và các đơn vị liên quan trong việc để xảy ra tình trạng chợ tự phát trên địa bàn.
10. Đồng hành, hỗ trợ đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trong quá trình đầu tư, đưa chợ vào hoạt động và quá trình quản lý, khai thác chợ đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.
11. Xử lý các hành vi vi phạm, giải quyết các vướng mắc, khiếu nại theo thẩm quyền liên quan đến hoạt động của chợ trên địa bàn.
12. Định kỳ 6 tháng, hàng năm (trước ngày 20/6 và ngày 10/12) hoặc đột xuất theo yêu cầu, thực hiện báo cáo tình hình đầu tư của các dự án phát triển chợ, tình hình hoạt động kinh doanh tại chợ trên địa bàn, kết quả thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ quản lý về Sở Công Thương và các đơn vị liên quan theo quy định để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Điều 19. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Quản lý chợ hạng 3 và phối hợp với các cơ quan cấp trên quản lý các chợ hạng 1 và hạng 2 trên địa bàn.
2. Phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, giải thích, vận động thương nhân kinh doanh tại chợ về chủ trương xã hội hóa đầu tư và chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ nhằm tạo sự đồng thuận.
3. Hàng năm xây dựng kế hoạch sửa chữa, cải tạo nâng cấp chợ trong phạm vi quản lý. Giám sát và chỉ đạo việc nâng cấp các chợ hạng 3 được đầu tư bằng vốn ngân sách đúng quy định về quản lý dự án đầu tư; tạo điều kiện cho đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn hoạt động có hiệu quả.
4. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phát triển và quản lý chợ. Kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn trong việc thực hiện nội quy, phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, phương án phòng cháy chữa cháy, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và phương án các loại giá dịch vụ tại chợ đã phê duyệt.
5. Tổ chức phổ biến, tuyên truyền nhân dân không tham gia buôn bán tại các chợ tự phát, không buôn bán kinh doanh tại các khu vực không đúng quy định; ảnh hưởng mỹ quan đô thị, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn về cháy nổ, ô nhiễm môi trường. Phối hợp tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh không để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh; xây dựng và thực hiện kế hoạch giải tỏa các chợ tự phát, các tụ điểm kinh doanh không phù hợp quy hoạch và quy định trên địa bàn quản lý.
6. Xử lý các vi phạm về bảo vệ người tiêu dùng theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật; tổ chức hòa giải tranh chấp giải quyết khiếu nại phát sinh tại chợ theo thẩm quyền quy định.
7. Định kỳ hàng tháng, quý, năm báo cáo tình hình đầu tư của các dự án phát triển chợ, tình hình hoạt động kinh doanh tại chợ trên địa bàn, kết quả thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ quản lý về Sở Công Thương và các đơn vị liên quan theo quy định để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
1. Các nội dung có liên quan khác chưa quy định cụ thể trong quy định này thì thực hiện theo Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003, Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định này, nếu cơ quan nhà nước cấp trên ban hành văn bản có quy định khác nội dung của Quy định này thì thực hiện theo văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên ban hành.
3. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
- 1Quyết định 2196/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Điều lệ Hiệp hội phát triển chợ tỉnh Thanh Hóa
- 2Kế hoạch 221/KH-UBND năm 2018 về phát triển Chợ Thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi giá trị, thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2020
- 3Quyết định 03/2019/QĐ-UBND sửa đổi quy định về tổ chức, quản lý và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai kèm theo Quyết định 52/2015/QĐ-UBND
- 4Quyết định 46/2021/QĐ-UBND quy định về Quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- 5Kế hoạch 228/KH-UBND năm 2021 về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025
- 6Kế hoạch 39/KH-UBND về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2023
- 1Luật Thương mại 2005
- 2Luật phòng cháy và chữa cháy 2001
- 3Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ
- 4Nghị định 114/2009/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ
- 5Luật giá 2012
- 6Luật hợp tác xã 2012
- 7Luật đất đai 2013
- 8Luật đấu thầu 2013
- 9Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013
- 10Luật Xây dựng 2014
- 11Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi
- 12Quyết định 24/2014/QĐ-UBND về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- 13Luật Đầu tư 2014
- 14Nghị định 16/2015/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập
- 15Luật ngân sách nhà nước 2015
- 16Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 17Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
- 18Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017
- 19Luật Quy hoạch 2017
- 20Nghị định 151/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật quản lý, sử dụng tài sản công
- 21Quyết định 31/2017/QĐ-UBND sửa đổi Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh kèm theo Quyết định 24/2014/QĐ-UBND
- 22Luật Đầu tư công 2019
- 23Quyết định 2196/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Điều lệ Hiệp hội phát triển chợ tỉnh Thanh Hóa
- 24Kế hoạch 221/KH-UBND năm 2018 về phát triển Chợ Thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi giá trị, thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2020
- 25Quyết định 03/2019/QĐ-UBND sửa đổi quy định về tổ chức, quản lý và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai kèm theo Quyết định 52/2015/QĐ-UBND
- 26Quyết định 46/2021/QĐ-UBND quy định về Quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- 27Kế hoạch 228/KH-UBND năm 2021 về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025
- 28Kế hoạch 39/KH-UBND về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2023
Quyết định 62/2019/QĐ-UBND quy định về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- Số hiệu: 62/2019/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 31/12/2019
- Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
- Người ký: Dương Tất Thắng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/01/2020
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra