Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 599/QĐ-UBND | Kon Tum, ngày 19 tháng 9 năm 2022 |
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2023 - 2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 16 tháng 9 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về Khuyến nông;
Theo đề nghị của Hội đồng thẩm định Chương trình khuyến nông tỉnh Kon Tum tại Tờ trình số 188/TTr-HĐTĐCTKN ngày 14 tháng 9 năm 2022 về việc đề nghị ban hành Chương trình khuyến nông tỉnh Kon Tum giai đoạn 2023 - 2025.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình khuyến nông tỉnh Kon Tum giai đoạn 2023 -2025 kèm theo Quyết định này (có Chương trình kèm theo).
Điều 2. Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Giám đốc Trung tâm Khuyến nông; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KHUYẾN NÔNG TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2023-2025
(Kèm theo Quyết định số: 599/QĐ-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)
Thực hiện Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về Khuyến nông, tỉnh Kon Tum đã tập trung triển khai Chương trình khuyến nông giai đoạn 2020 - 2022 (được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 52/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2020) và đạt được những kết quả tích cực. Công tác khuyến nông đã được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện với nhiều nội dung và hình thức hoạt động khác nhau làm thay đổi nhận thức của nông dân và các tổ chức sản xuất; nhiều hộ nông dân đã áp dụng thành công các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, giảm nghèo, thích ứng với các điều kiện sinh thái và thị trường. Sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực như: các sản phẩm chủ lực được chú trọng, một số vùng chuyên canh cây hàng hóa tập trung (cà phê, cao su...) tiếp tục ổn định và phát triển, diện tích các loại cây dược liệu được mở rộng và phát triển; chăn nuôi có bước phát triển theo hướng trang trại; thủy sản từng bước chuyển từ khai thác tự nhiên là chủ yếu sang chăn nuôi thâm canh. Thành tựu đó có sự đóng góp tích cực của công tác khuyến nông, đặc biệt là thực hiện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Hoạt động khuyến nông đã góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững.
Nhằm đánh giá, kế thừa và chọn lọc những kết quả đạt được trong công tác khuyến nông giai đoạn trước, đồng thời xây dựng chương trình khuyến nông gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các vùng sản xuất, hình thành vùng chuyên canh đặc trưng; huy động và thực hiện đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, xây dựng, hoàn thiện và phát triển hình thức liên kết trong tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, cung ứng nguồn nguyên liệu cho thị trường; thu nhập hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất nông nghiệp, giải quyết việc làm, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; việc xây dựng Chương trình Khuyến nông giai đoạn 2023-2025 là cần thiết.
B. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC KHUYẾN NÔNG GIAI ĐOẠN 2020 - 2022
- Căn cứ nội dung Chương trình khuyến nông giai đoạn 2020 - 2022, Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 17 tháng 4 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về mức chi hỗ trợ khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông và các cơ quan được giao nhiệm vụ khuyến nông ở địa phương đã xây dựng kế hoạch khuyến nông hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở triển khai thực hiện. Tất cả các nội dung, mô hình khuyến nông hàng năm của các huyện, thành phố, Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng, thực hiện đều bám sát theo nội dung chương trình khuyến nông giai đoạn 2020 - 2022, các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI trong hoạt động khuyến nông.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã ưu tiên bố trí ngân sách địa phương hàng năm, lồng ghép các nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, vốn phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia,… để thực hiện chương trình khuyến nông.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phê duyệt kế hoạch khuyến nông hàng năm theo đúng quy định tại Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về Khuyến nông.
- Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch khuyến nông của các đơn vị, địa phương.
1. Các mô hình khuyến nông
Trong giai đoạn 2020 - 2022, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố Kon Tum, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp… nhằm áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác mới gắn với định hướng, mục tiêu phát triển nông nghiệp của tỉnh nói chung và từng địa phương nói riêng (phát triển dược liệu, cây ăn quả, sản xuất an toàn, chăn nuôi an toàn dịch bệnh...), Cụ thể:
- Đối với các mô hình trồng trọt:
Mô hình sản xuất lúa: Đã thực hiện gieo trồng với tổng diện tích 139,5 ha một số loại giống lúa mới, chất lượng cao theo tiến bộ kỹ thuật trong nghiên cứu giống lúa mới được công nhận phù hợp với địa phương trên địa bàn các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Đăk Glei và thành phố Kon Tum như: Sản xuất giống lúa ST24, ST25 là giống lúa có chất lượng gạo ngon thuộc nhóm nhất nhì trên thế giới tại thời điểm được công nhận (theo tiêu chuẩn VietGAP) đạt năng suất trên 6,5 tấn/ha, sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái tỉnh Kon Tum; được người tiêu dùng ưa chuộng; thâm canh lúa năng suất cao theo quy mô cánh đồng lớn LH12 năng suất bình quân 7,0 - 7,5 tấn/ha (tương đương với giống lúa chất lượng RVT cùng chân ruộng) tỷ lệ gạo đạt trên 70%, gạo trong, cơm mềm, dẻo vừa, thơm nhẹ; mô hình sản xuất lúa nước chất lượng, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu sử dụng giống lúa Đài thơm 8, VND20 năng suất đạt trên 7,0 tấn/ha. Các mô hình triển khai thực hiện cơ bản đã đáp ứng được mục tiêu đề ra về năng suất, chất lượng; sản phẩm được người dân đánh giá cao. Từ kết quả mô hình, đã khuyến cáo được các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương (ST24, ST25, LH12, Đài thơm 8, Hương Châu 6...) vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh.
Mô hình trồng cây ăn quả chất lượng cao: Thực hiện 10 mô hình thâm canh các loại cây ăn quả ưu thế của tỉnh phù hợp với điều kiện khí hậu như: Mít, Sầu riêng, chuối, dứa, chanh dây, ...; 05 mô hình trồng xen cây ăn quả (bơ, sầu riêng, mít) trong vườn cà phê vối, trồng cây ăn quả cải tạo vườn tạp tại các huyện Đăk Hà, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Glei, Sa Thầy, Kon Rẫy, thành phố Kon Tum. Các mô hình trồng sầu riêng, bơ, mít cây đang sinh trưởng, phát triển ổn định, cây mít đang cho thu hoạch; cây chuối, chanh dây, dứa đã cho thu hoạch, đạt hiệu quả kinh tế so với mục tiêu đề ra; mô hình trồng xen vừa nâng cao thu nhập khi cây vào giai đoạn cho quả, vừa là cây che bóng chắn gió cho cà phê. Các mô hình đã góp phần nâng diện tích trồng cây ăn quả.
Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất: Trồng ngô lai chất lượng cao giống LVN164, BIOSEED 9698 tại huyện Ngọc Hồi (2 vụ) với kết quả năng suất đạt vụ 1 trên 09 tạ/sào, vụ 2 đạt 05 tạ/sào (do ảnh hưởng của mưa bão); mô hình hỗ trợ giống sắn cao sản quy mô 32 ha tại huyện Đăk Hà; mô hình trồng cây ngô lai quy mô 01 ha tại huyện Đăk Glei. Các mô hình đều đạt hiệu quả so với mục tiêu đề ra.
Mô hình trồng cây Mắc ca: Mô hình trồng cây Mắc ca ghép tại huyện Sa Thầy với quy mô 06 ha giống trình diễn: Gồm 03 giống QN1, A38, 246. Nhìn chung trên địa bàn các xã triển khai, cây sinh trưởng tương đối đồng đều, giống A38 và QN1 phát triển tốt hơn giống 246; mô hình trồng Mắc ca ghép quy mô 5 ha tại huyện Đăk Hà; dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất tại huyện Đăk Tô đã hỗ trợ trồng 31,6 ha Mắc ca. Bước đầu đánh giá cây Mắc ca ghép phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của các địa phương, sinh trưởng phát triển tốt; Mô hình trồng xen cây Mắc ca trong vườn cà phê chè tại huyện Đăk Glei quy mô trồng xen 300 cây mắc ca/03 ha cà phê chè (mật độ trồng xen 100 cây/ha) cây Mắc ca trồng xen trên diện tích cà phê sinh trưởng và phát triển tốt, đồng thời người dân cũng nắm được kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Mắc ca trồng xen. Mô hình trồng Mắc ca trong Khuyến nông là cơ sở để tuyên truyền khuyến cáo nhân rộng.
Mô hình trồng rừng: Đã triển khai thực hiện Khuyến nông trồng 248,45 ha cây lâm nghiệp với các mô hình trồng cây Bạch đàn sử dụng giống Camal, Urô với quy mô 50 ha/31 hộ, trồng cây Gáo vàng với quy mô 15 ha/13 hộ trên huyện Sa Thầy; mô hình trồng cây Thông ba lá trên đất rẫy bạc màu tại huyện Đăk Glei với quy mô 4,5 ha/9 hộ; mô hình trồng cây bời lời đỏ quy mô 20ha/55 hộ, trồng cây Dổi ghép quy mô 1,5 ha tại huyện Đăk Hà; dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất tại huyện Đăk Tô đã hỗ trợ trồng 157,45 ha Bạch Đàn. Đến nay, cây lâm nghiệp sinh trưởng phát triển tốt phù hợp với khí hậu địa phương, giúp quản lý rừng bền vững, bảo vệ môi trường, phù hợp với định hướng phát triển lâm nghiệp của tỉnh.
- Đối với các mô hình chăn nuôi:
Các mô hình chăn nuôi: Thực hiện các mô hình chăn nuôi gà J - DaBaCo, gà bố mẹ LV, gà đẻ thả vườn, nuôi gà an toàn sinh học; mô hình nuôi heo bản địa, heo sọc dưa tại các huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Glei, Ia’HDrai, Thành phố Kon Tum đã chăn nuôi 6.500 con gà, 500 con ngang; 375 con heo, 160 con thỏ. Các mô hình chăn nuôi đã đem lại hiệu quả kinh tế, thiết thực cho người dân chăn nuôi. Triển khai mô hình chuyển giao công nghệ chăn nuôi heo sinh sản theo hướng an toàn dịch bệnh tại huyện Đăk Glei, mô hình sử dụng nguồn thức ăn hữu cơ, chăn nuôi sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn sinh học, kết quả heo đã đủ điều kiện để làm giống sinh sản.
Mô hình trồng cây thức ăn chăn nuôi: Mô hình trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi tại thành phố Kon Tum với quy mô nhỏ, 0,5 ha/2 hộ, năng suất bình quân 4 - 5 tấn/sào (giá bán gộp 3 triệu/sào), tăng hơn 1 triệu đồng/sào so với ngô thu hạt (lãi gấp 1,5 lần trồng ngô lấy hạt). Trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc có thời gian thu hoạch sớm (75 - 90 ngày tùy theo giống), ngắn hơn trồng ngô lấy hạt từ 20 - 30 ngày, nên có thể trồng 3 vụ/năm. Ngô lấy hạt chỉ trồng tối đa 2 vụ/năm.
Mô hình mẫu phòng chống đói rét cho đàn trâu bò: Mô hình được thực hiện gắn với cuộc vận động làm thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Glei với quy mô 240 con trâu bò. Kết quả đàn trâu, bò mô hình sinh trưởng phát triển tốt, không có gia súc chết do đói, rét.
- Đối với các mô hình thủy sản: Đã thực hiện 06 mô hình tại các huyện Ngọc Hồi, Đăk Hà, Kon Plông, Sa Thầy nuôi cá ao, cá nước ngọt; tận dụng tiềm năng mặt nước trên sông, hồ chứa nuôi cá, ếch lồng. Kết quả cá, ếch sinh trưởng phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, tạo ra sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường, người dân tận dụng diện tích mặt nước trên sông, hồ chứa, tiết kiệm chi phí thức ăn.
- Đối với các mô hình dược liệu: Thực hiện các mô hình trồng sâm dây tại các huyện vùng Đông trường sơn với quy mô 15,9 ha. Các mô hình trồng cây dược liệu phù hợp với khí hậu địa phương như Đinh Lăng (thuần, xen), nghệ, mướp đắng quy mô 09 ha tại huyện Đăk Hà, Ia H’Drai; trồng Sa nhân dưới tán rừng quy mô 15 ha tại huyện Sa Thầy, trồng thử nghiệm Lan Kim Tuyến quy mô 900m2 huyện Đăk Glei, trồng Sơn Tra quy mô 13 ha tại huyện Tu Mơ Rông. Qua mô hình các hộ dân đã biết được kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dược liệu, đạt hiệu quả kinh tế so với mục tiêu đề ra.
- Mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm:
Dự án phát triển sản xuất liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm rau an toàn do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đăk Tô thực hiện trong 03 năm (2021 - 2023) với quy mô 05 ha/07 hộ tham gia cho kết quả doanh thu bình quân trong năm 2021 đạt khoảng 500 triệu đồng/năm; lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng/năm. Qua đó góp phần thay đổi nhận thức của người sản xuất trong sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và thay đổi nhận thức, hành động của người tiêu dùng về sử dụng hàng hóa đảm bảo nguồn gốc, chất lượng. Tuy nhiên việc tiêu thụ sản phẩm hiện nay còn khó khăn, mới chỉ tiêu thụ trên địa bàn huyện Đăk Tô và huyện Ngọc Hồi.
Mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm Chuối xuất khẩu với công ty Cổ phần KOTINOCHI tại huyện Đăk Tô: Mô hình thực hiện từ năm 2020-2023, triển khai với quy mô 10,4 ha/07 hộ tham gia tại 02 xã Đăk Rơ Nga, Văn Lem. Tuy nhiên phần lớn diện tích liên kết mô hình trồng chuối tại 02 xã Đăk Rơ Nga, Văn Lem sinh trưởng, phát triển chậm hơn so với độ tuổi; quả ngắn, nhỏ so với quả chuối tiêu hồng ở ngoài mô hình, tỷ lệ phát triển không đồng đều, không đạt theo tiêu chuẩn chuối xuất khẩu theo yêu cầu của công ty Cổ phần KOTINOCHI (đơn vị liên kết tiêu thụ sản phẩm).
Mô hình Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cà phê vối tại thị trấn Đăk Tô: Mô hình thực hiện trong 03 năm (từ tháng 10/2020 đến 10/2023) với quy mô 60 ha, đối tượng tham gia: Hợp tác xã Nông nghiệp DVTM Rạng Đông. Kết quả: Hiện nay, mô hình đạt hiệu quả kinh tế, sản phẩm cà phê có đầu ra ổn định và các hộ dân trong HTX được hưởng theo đúng hợp đồng đã ký kết với đơn vị bao tiêu sản phẩm.
Mô hình liên kết giữa HTX Quyết Thắng với người dân thực hiện trồng cây Gai xanh huyện Đăk Tô: Mô hình thực hiện trong năm 2021 với quy mô 2 ha/01 hộ. Nguồn vốn 100% của người dân liên kết với HTX thực hiện. Hiện nay, hộ dân đang tiến hành chăm sóc theo quy trình, cây sinh trưởng phát triển bình thường.
Mô hình dự án phát triển sản xuất - liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả an toàn (cây mắc ca) năm 2020: Tổng cây Mắc ca đã cấp phát trong năm 2021 trên toàn huyện Đăk Tô: 9.043 cây. Nhìn chung hiện nay cây Mắc ca trên địa bàn huyện sinh trưởng, phát triển tốt.
- Mô hình khuyến nông ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Đăk Tô:
Dự án liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cây Nha đam: Dự án liên kết sản xuất- tiêu thụ sản phẩm Nha đam với Công ty cổ phần KOTINOCHI thực hiện trên địa bàn huyện Đăk Tô với tổng diện tích 8,05 ha/08 hộ tham gia. Năm 2020, các hộ dân tham gia Dự án đã thực hiện trồng và tiến hành lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm theo hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện. Năm 2021, Trung tâm dịch vụ nông cấp cây giống, phân bón, thuốc BVTV cho hộ dân thực hiện mô hình liên kết - tiêu thụ sản phẩm Nha đam. Kết quả: Tháng 6/2021 các hộ dân tham gia mô hình thu hoạch sản phẩm đợt 1, đơn vị liên kết đã thu mua với sản lượng 8.607 kg/7,53 ha. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua nên đơn vị liên kết tiêu thụ sản phẩm không thực hiện thu mua sản phẩm nên các hộ tham gia mô hình đã bỏ vườn và không tiếp tục chăm sóc.
Mô hình trồng cây dược liệu huyện Đăk Tô: Thực hiện với tổng diện tích: 06 ha (01 ha Sâm Bố Chính, 05 ha gừng đen) với 47 thành viên của THT Dược liệu 1 và 2 xã Tân Cảnh tham gia liên kết với HTX Phượng Hoàng bao tiêu sản phẩm. Các hộ dân tham gia Dự án đã thực hiện trồng và tiến hành lắp đặt hệ thống tưới nước tiên tiến, tiết kiệm theo hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện. Nhìn chung cây dược liệu sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống 85%; hệ thống tưới đang vận hành có hiệu quả. Mô hình có tính bền vững cao vì có liên kết đầu ra sản phẩm, là cơ sở để đánh giá kết quả mô hình và khuyến cáo nhân rộng trong thời gian đến.
2. Công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật
Trong giai đoạn 2020-2022, công tác tập huấn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ được tổ chức thực hiện theo hướng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh,.. Tất cả các hộ nông dân tham gia các mô hình khuyến nông đều được đào tạo tập huấn kỹ thuật của mô hình.
Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, địa phương, Báo Kon Tum xây dựng các phóng sự, đưa tin về hiệu quả của các mô hình cây trồng, vật nuôi, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới phương thức canh tác. Tuyên truyền khuyến nông trên các phương tiện truyền thông nhằm thông tin đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách và các thông tin cần thiết về công tác khuyến nông, về giá cả thị trường... đến người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã... để người sản xuất nắm bắt, áp dụng vào sản xuất. Tuyên truyền “về thay đổi nếp nghĩ cách làm cho người đồng bào dân tộc thiểu số” nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, sản lượng sản phẩm cho người dân.
Công tác đào tạo, huấn luyện tập trung nâng cao năng lực chuyên môn cho khuyến nông viên các cấp, các xã viên trong các HTX và người dân các xã, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; Tổ chức tập huấn đáp ứng theo yêu cầu thực tế của địa phương như: Trồng cây ăn quả, cây mắc ca, dược liệu, sắn bền vững và phòng bệnh khảm lá sắn, phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, chăm sóc vật nuôi an toàn dịch bệnh hại....
Qua 3 năm triển khai thực hiện toàn tỉnh đã tổ chức được 147 lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, tham quan; thu hút 4.266 lượt người dân tham gia. Thông qua tập huấn gắn với xây dựng mô hình, các hộ dân đã được nắm được kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ngoài công tác tập huấn, tuyên truyền, khi các mô hình đạt hiệu quả, các đơn vị khuyến nông cấp tỉnh, huyện đều tổ chức hội thảo cho các hộ nông dân tham gia mô hình và hộ dân không tham gia mô hình để trao đổi, học tập kinh nghiệm, từ đó nhân rộng mô hình.
3. Hợp tác quốc tế về khuyến nông
Thực hiện Kế hoạch số 925/KH-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Kon Tum với tỉnh Salavan (Lào), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Trung tâm khuyến nông tỉnh cử cán bộ sang triển khai công tác hỗ trợ xây dựng 01 vườn ươm cây giống tại huyện Lao Ngam, tỉnh Salavan quy mô 1.000m2, hướng dẫn kỹ thuật gieo ươm cây giống cà phê và hỗ trợ xây dựng mô hình trồng cà phê năm 2020 với quy mô mô hình 05 ha.
4. Kết quả thực hiện các giải pháp chương trình khuyến nông giai đoạn 2020 - 2022
a) Giải pháp về kỹ thuật
- Về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật: Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện thành phố đã thường xuyên cập nhật xây dựng các mô hình sử dụng các giống cây, con mới; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về thâm canh cây trồng, vật nuôi; sản xuất bền vững; ứng dụng công nghệ cao; sản xuất theo quy trình an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
- Công tác lập kế hoạch cho hoạt động xây dựng mô hình hàng năm và giai đoạn 2020 - 2022 đã lựa chọn các mô hình mang tính cấp thiết, có tiềm năng thị trường, phù hợp với địa phương và có tính thuyết phục, khả thi trong thực tế.
- Công tác triển khai thực hiện đã chọn điểm chọn hộ tham gia các mô hình trình diễn là những hộ, nhóm hộ nông dân thực sự tự nguyện có nhu cầu mong muốn được áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, tuân thủ quy trình kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu các mô hình trong trình diễn khuyến nông.
- Các cán bộ kỹ thuật Khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở được trang bị kiến thức, cập nhật, được đào tạo bồi dưỡng thường xuyên đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật trong sản xuất và chỉ đạo sản xuất.
b) Giải pháp về chính sách
- Các hoạt động xây dựng mô hình, tập huấn, hội nghị, thông tin tuyên truyền áp dụng theo Nghị định 83/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 của 2018 của Chính phủ về Khuyến nông; Thông tư(1) của Bộ Tài chính; Nghị quyết(2) của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum; các Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum(3).
- Huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động khuyến nông, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, các tổ chức đoàn thể, các địa phương để triển khai các hoạt động khuyến nông.
- Khuyến khích phát triển các hình thức liên kết tự nguyện, các liên minh trong tổ chức sản xuất, dịch vụ đầu vào, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa nông hộ với doanh nghiệp, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng, trong đó doanh nghiệp là trung tâm.
- Tạo điều kiện giúp cho các hợp tác xã, các chủ trang trại và hộ nông dân gặp gỡ giao lưu giữa bốn nhà: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp để trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ và hỗ trợ về tiêu thụ sản phẩm.
- Kêu gọi các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động khuyến nông.
c) Giải pháp về tổ chức
- Đã tích cực đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động, lồng ghép với kế hoạch thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, chọn các hộ là người dân tộc thiểu số nhiệt tình, có nguyện vọng tiếp cận với những mô hình mới, giúp để nâng cao nhận thức, hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông đặc biệt đối với người dân tộc thiểu số.
- Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, cơ quan thực hiện và chính quyền địa phương cơ sở trong quá trình triển khai theo dõi và vận động nhân rộng mô hình.
- Phối hợp chặt chẽ giữa khuyến nông các cấp, các địa phương, các đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện các mô hình trình diễn.
- Thường xuyên đào tạo cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bổ sung kiến thức về tổ chức sản xuất, thị trường,... hỗ trợ kịp thời cho nhu cầu sản xuất.
5. Đánh giá chung
a) Kết quả đạt được
- Các mô hình khuyến nông năm giai đoạn 2020 - 2022 do Trung tâm Khuyến nông tỉnh, các đơn vị Khuyến nông cấp huyện thực hiện đều đạt 100% kế hoạch và theo đúng nội dung Chương trình Khuyến nông tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020 - 2022.
- Các mô hình khuyến nông đều triển khai đúng tiến độ, mùa vụ, đạt được mục tiêu đề ra, nhiều mô hình có hiệu quả cao, đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân như: mô hình sản xuất lúa, đưa giống các giống lúa chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu (như giống lúa ST24, ST25) sản xuất theo quy trình an toàn; giống lúa ST24 được đánh giá là thích ứng, sinh trưởng tốt, không có sâu bệnh hại. Mặc dù năng suất chỉ đạt 65 - 70 tạ/ha nhưng với nhiều ưu điểm vượt trội về chất lượng gạo (giá bán gạo ST24 thị trường hiện nay từ 18.000 - 25.000 đồng/kg), tính thích ứng cùng khả năng chống chịu sâu bệnh cao, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt; mô hình cây ăn quả đã lựa chọn các giống cây ăn quả phù hợp vừa thực hiện trồng thuần vừa trồng xen (cây mít, chuối, dứa, chanh dây, bơ, sầu riêng) để nâng cao hiệu quả sản xuất; các mô hình trồng cây dược liệu góp phần hình thành các vùng dược liệu của tỉnh. Đặc biệt đã thực hiện một số mô hình trồng cây ăn quả, mô hình trồng dược liệu có hệ thống tưới tiết kiệm, trồng dứa phủ bạt ni lông,... vừa ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống, công nghệ trong kỹ thuật trồng và chăm sóc kết nối tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả, thu nhập cho nông dân, tổ chức sản xuất. Các mô hình cây ăn quả trồng xen trong vườn cà phê vối là điều kiện để phát triển sản xuất cà phê, cây ăn quả bền vững, điều hòa môi trường đất, môi trường không khí, môi trường sống của người sản xuất và người tiêu dùng.
Một số mô hình thủy sản đưa các giống mới, kỹ thuật nuôi mới như mô hình nuôi cá rô phi ProGift cho năng suất vượt trội, tỷ lệ nuôi sống đạt 85%, khối lượng trung bình đạt từ 600gram-650gram/con; mô hình nuôi ếch lồng (16m2/lồng) với lợi nhuận của 01 lồng/năm ước tính đạt khoảng trên 10.000.000 đồng...
- Công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về sản xuất nông nghiệp và khuyến nông đến với nông dân, người sản xuất, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Công tác tập huấn kỹ thuật, đào tạo được đổi mới về phương thức theo hướng đa dạng, linh hoạt phù hợp với đối tượng, nội dung nhằm truyền đạt thông tin, kiến thức, chú trọng đào tạo kỹ năng và thực hành trên thực địa.
b) Hạn chế khó khăn và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình Khuyến nông trong giai đoạn 2020 - 2022 còn có một số hạn chế, khó khăn, như sau:
- Năm 2020 - 2021, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài, giá cả vật tư sản xuất nông nghiệp (phân bón, thuốc BVTV…) tăng cao; giá cả đầu ra sản phẩm nông nghiệp của người dân không ổn định. Các loại nông sản khó khăn trong việc tiêu thụ như: Dưa hấu, sắn, mía, cây ăn quả, rau và dược liệu các loại. Tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, dịch tả lợn Châu Phi, dịch khảm lá sắn,... gây khó khăn cho việc tái đàn, tăng đàn, ổn định sản xuất.
- Đa số diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn còn manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung, nên việc vận động nông dân dồn đổi, tập trung đất nông nghiệp để xây dựng mô hình cánh đồng lớn thực hiện ứng dụng công nghệ cao còn nhiều khó khăn. Mô hình sản xuất hữu cơ khó triển khai do tập quán sản xuất người dân vẫn còn thói quen sử dụng thuốc diệt cỏ và còn nặng về quảng canh.
- Dự án phát triển sản xuất - liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản chưa bền vững nên gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
- Việc xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong khuyến nông gặp khó khăn do yêu cầu kinh phí đầu tư lớn, trong khi nguồn kinh phí hoạt động khuyến nông hàng năm hạn chế, đầu ra sản phẩm còn nhiều khó khăn nên các hộ dân còn tâm chưa mạnh dạn tham gia mô hình.
- Một số hộ dân còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa nỗ lực phấn đấu phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, chưa tự nguyện chủ động kinh phí để nhân rộng các mô hình hiệu quả vào sản xuất.
- Hiện nay, hầu hết các huyện, thành phố đều không có cán bộ khuyến nông viên cơ sở; công tác khuyến nông cấp xã chủ yếu là do cán bộ xã kiêm nhiệm nên gặp khó khăn trong việc trong quá trình triển khai các hoạt động khuyến nông.
C. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG GIAI ĐOẠN 2023 - 2025
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
- Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về Khuyến nông;
- Quyết định số 1360/QĐ-BNN-KHCN ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt chương trình Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2020 - 2025;
- Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025;
- Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
- Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025;
- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 (Nghị quyết số 06-NQ/ĐH ngày 30 tháng 9 năm 2020); Nghị quyết số 56/2020/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025;
- Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25 tháng 11 năm 2021 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030;
- Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 25 tháng 11 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Quyết định số 144/QĐ-UBND, ngày 28 tháng 3 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum;
- Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19 tháng 5 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
- Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum về quy định nội dung chi, mức chi từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông áp dụng trên địa bàn tỉnh Kon Tum;
- Quyết định số 39/QĐ-UBND ngày 12 tháng 01 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh;
- Quyết định số 1178/QĐ-BNN-TT ngày 31 tháng 3 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án tái canh giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 1397/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt Đề án phát triển cây cà phê tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025;
- Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
- Quyết định số 31/2019/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật một số loài cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Quyết định số 21/2021/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2021 về việc sửa đổi, bổ sung định mức một số loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
1. Mục tiêu chung
- Nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, cải thiện thu nhập và đời sống cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
- Huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tham gia chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Xây dựng chương trình, nhiệm vụ khuyến nông trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp… gắn với chuyển giao công nghệ, liên kết, tiêu thụ sản phẩm nhằm đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật về giống mới, kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất, góp phần chuyển đổi cơ cấu trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tiêu thụ ổn định. Tiếp tục thực hiện sản xuất nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; phát triển nền sản xuất nông nghiệp hiện đại theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp sạch, an toàn gắn với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái nông nghiệp.
2. Mục tiêu cụ thể
- Xây dựng mô hình chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, giống cây trồng, vật nuôi với quy mô tập trung, trọng điểm phù hợp với từng vùng sinh thái, thiết bị công nghệ, các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị, an toàn sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, thị trường tiêu thụ. Trong đó ưu tiên mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mô hình nông nghiệp hữu cơ; mô hình trồng, thâm canh, chế biến, chuỗi liên kết tiêu thụ dược liệu; mô hình phát triển các cây ăn quả theo hướng có cấp chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp mã số vùng trồng; mô hình canh tác cà phê bền vững; mô hình phát triển cây lương thực bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất tập trung theo mô hình cánh đồng lớn, liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; mô hình phát triển kinh tế lâm nghiệp; mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng; mô hình trồng thâm canh, xen canh cây Mắc ca; mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAHP; mô hình liên kết trong chăn nuôi, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm;...
- Chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, chuyển đổi số trong sản xuất nông lâm nghiệp.
- Khai thác, tận dụng tiềm năng mặt nước từ lòng hồ thủy điện Ya Ly, Plei Krông, Sê San, Thượng Kon Tum,… và diện tích ao hồ nhỏ trên địa bàn tỉnh để nuôi thủy sản nước ngọt, tạo ra sản phẩm thủy sản an toàn, năng suất và hiệu quả mô hình tăng thêm 15-20% so với ngoài mô hình; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
- Nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và khuyến nông trên các phương tiện truyền thông. Phổ biến quy trình sản xuất, tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả. Thông tin về thị trường, giá cả nông sản, vật tư nông nghiệp, lịch nông vụ, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, dịch hại. Truyền thông về quản lý chất thải trong nông nghiệp, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp...
- Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ khuyến nông, đào tạo giảng viên về quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng chủ lực, công tác tiếp cận thị trường và liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị; chuyển đổi số trong khuyến nông, nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh…. Tập huấn cho đối tượng tham gia sản xuất chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, sản xuất gắn với lợi thế từng vùng liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường.
- Tư vấn và cung ứng dịch vụ về chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ; dịch vụ giống, vật tư phục vụ sản xuất theo quy định.
- Thực hiện nội dung Hợp tác quốc tế về khuyến nông theo quy định tại Chương II Điều 10 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về khuyến nông.
III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN
1. Phạm vi: Thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.
2. Đối tượng thực hiện
- Tổ chức, cá nhân thuộc hệ thống Khuyến nông tỉnh Kon Tum; tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao, có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông lâm nghiệp; tổ chức, cá nhân khác bao gồm: tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội nghề nghiệp và tổ chức, cá nhân khác có tham gia hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
- Người sản xuất: Nông dân, chủ trang trại, tổ viên tổ hợp tác, thành viên hợp tác xã và các cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
- Tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
IV. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG
1. Bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo
a) Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp, kỹ năng khuyến nông nâng cao năng lực
Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, cộng tác viên khuyến nông về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật khuyến nông.
Quy mô dự kiến: 15 lớp /năm.
Địa bàn triển khai: Các huyện, thành phố.
b) Tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất, tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp
- Tập huấn cho các tổ chức, cá nhân hiểu biết về chuỗi giá trị (điều kiện, lợi ích, trách nhiệm khi tham gia chuỗi).
- Tập huấn trang bị kiến thức và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi; chuyển đổi số trong khuyến nông, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
- Bồi dưỡng, nâng cao năng lực về kỹ thuật và quản lý, kiến thức thị trường, xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất, Hợp tác xã có mô hình trang trại lớn.
Quy mô dự kiến: 200 lớp/năm.
Địa bàn triển khai: Các huyện, thành phố.
2. Thông tin tuyên truyền
a) Thông tin truyền thông
- Nội dung tuyên truyền:
Tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và khuyến nông.
Phổ biến quy trình sản xuất, tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, điển hình tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp và hoạt động khuyến nông.
Thông tin thị trường, giá cả nông sản, vật tư nông nghiệp, lịch nông vụ, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, dịch hại.
Xây dựng mạng lưới thông tin truyền thông khuyến nông để tư vấn, chuyển giao công nghệ và tiếp nhận thông tin phản hồi từ thực tế sản xuất.
- Phương thức thực hiện:
In ấn tài liệu tập huấn, tuyên truyền của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thông tin tuyên truyền trên các Báo, Đài phát thanh truyền hình tỉnh, địa phương.
Duy trì, phát triển trang web, cập nhật thường xuyên tin tức, đăng tải tin, bài, ảnh, video tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
b) Tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn khuyến nông, tham quan học tập
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề để tổng kết, đánh giá kịp thời các mô hình khuyến nông và đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển, những kinh nghiệm hay trong sản xuất cũng như các hình thức liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
- Tổ chức hội nghị đánh giá công tác phối hợp thông tin truyền thông với cơ quan thông tấn báo chí.
- Tổ chức hội thảo tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm chủ lực, thương hiệu chủ lực của tỉnh và các sản phẩm theo chuỗi giá trị.
- Tham quan, trao đổi kinh nghiệm, học tập tiến bộ khoa học kỹ thuật;
- Tổ chức, hỗ trợ tham gia các hội thi, hội diễn: Nhà nông đua tài, cán bộ khuyến nông giỏi,...
3. Xây dựng và nhân rộng mô hình
a) Sản xuất cà phê bền vững, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.
- Nội dung thực hiện: Đưa các tiến bộ kỹ thuật (giống, tái canh, ghép cải tạo, trồng xen...) để xây dựng các mô hình trồng tái canh, thâm canh đạt hiệu quả. Xây dựng mô hình sản xuất cà phê bền vững gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững.
- Quy mô dự kiến: 80 ha/03 năm.
- Địa bàn triển khai: Cây cà phê vối đối với các xã, huyện vùng Tây Trường sơn và cà phê chè đối với các xã, huyện vùng Đông Trường sơn.
b) Phát triển sản xuất cây ăn quả có hiệu quả kinh tế, cây ăn quả đặc sản của tỉnh tạo sản phẩm đặc trưng của vùng theo hướng bền vững liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm
- Nội dung: Xây dựng mô hình cây ăn quả có hiệu quả kinh tế phù hợp với điều kiện của từng vùng theo hướng bền vững, liên kết tiêu thụ sản phẩm; lựa chọn mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê, vườn tạp nhằm đa dạng sản phẩm, tăng thu nhập. Kết hợp với các đơn vị chuyên môn khác tổ chức chứng nhận chất lượng cây ăn quả đặc thù cho một số vùng, từng bước hình thành các vùng cây ăn quả có đủ tiêu chuẩn nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.
- Quy mô dự kiến: 400 ha/03 năm.
- Địa bàn triển khai: Các huyện, thành phố Kon Tum.
c) Phát triển sản xuất lúa an toàn, bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu hướng tới sản xuất lúa hữu cơ; Sản xuất lúa năng suất cao đảm bảo an ninh lương thực cho vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số
- Nội dung: Tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng các mô hình sản xuất các giống lúa mới, có năng suất cao đáp ứng nhu cầu lương thực của người dân. Tại các vùng chuyên canh thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất tập trung theo mô hình cánh đồng lớn. Mô hình áp dụng các biện pháp canh tác: giảm chi phí sản xuất (giảm lượng giống, giảm thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ, phân bón...). Hướng đến xây dựng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.
- Quy mô dự kiến: 125 ha/ 03 năm.
- Địa bàn triển khai: Các huyện, thành phố Kon Tum.
d) Sản xuất sắn bền vững, an toàn dịch bệnh; sản xuất ngô an toàn, trồng cây thức ăn chăn nuôi (cỏ, ngô sinh khối....)
- Nội dung: Lựa chọn một số giống sắn mới năng suất và hàm lượng tinh bột cao đã được công nhận, có khả năng kháng bệnh khảm lá, chổi rồng… để xây dựng mô hình trình diễn với quy trình thâm canh sắn bền vững, an toàn dịch bệnh; xây dựng mô hình sản xuất ngô an toàn, ngô lai kháng sâu keo mùa thu...; trồng cây thức ăn chăn nuôi.
- Quy mô dự kiến: 220 ha/ 03 năm.
- Địa bàn triển khai: Các huyện, thành phố Kon Tum.
đ) Sản xuất nông nghiệp an toàn theo các tiêu chuẩn (Viet Gap, Global GAP, hữu cơ...), ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất nông lâm nghiệp
- Nội dung:
Hỗ trợ kỹ giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật thúc đẩy sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP hình thành vùng sản xuất rau, hoa quy mô tập trung.
Hỗ trợ thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, quả, hoa tươi (Hệ thống nhà màng, tưới tự động…); tổ chức xúc tiến tiêu thụ sản phẩm; tăng hiệu quả kinh tế từ 20% trở lên và an toàn đối với môi trường.
Xây dựng các vườn rau an toàn kết nối tiêu thụ với các siêu thị, các điểm kinh doanh rau an toàn với nguồn cung và nguồn tiêu thụ ổn định tăng thu nhập cho người trồng rau, xây dựng môi trường sản xuất an toàn.
Hỗ trợ xây dựng mô hình tưới nước tự động cho vườn cà phê vối, cây ăn quả nhằm tiết kiệm nước, giảm công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Hỗ trợ chi phí chứng nhận cơ sở sản xuất an toàn, cơ sở an toàn dịch bệnh khi tham gia xây dựng mô hình.
- Quy mô dự kiến: 110 ha/03 năm.
- Địa bàn triển khai: Các huyện, thành phố Kon Tum.
e) Phát triển sản xuất các loại dược liệu an toàn, theo hướng hữu cơ, hình thành thành vùng trồng dược liệu tập trung, liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm dược liệu
- Nội dung: Hỗ trợ giống cây dược liệu, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản để phát triển các loại cây dược liệu nhằm tạo ra sản phẩm đặc trưng theo từng vùng. Xây dựng mô hình trồng thuần hoặc trồng cây dược liệu dưới tán rừng theo hướng liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm.
- Quy mô dự kiến: 100 ha/ 03 năm.
- Địa bàn triển khai: Các huyện, thành phố Kon Tum.
g) Mở rộng diện tích trồng cây Mắc ca (trồng thuần và trồng xen) hình thành vùng trồng Mắc ca tập trung
- Nội dung: Hỗ trợ giống cây Mắc ca có năng suất, chất lượng cao, giống cây Mắc ca đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận; hỗ trợ vật tư nông nghiệp kết hợp hướng dẫn kỹ thuật để xây dựng các mô hình trồng thuần, trồng xen phù hợp với từng vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh.
- Quy mô dự kiến: 120 ha/ 03 năm
- Địa điểm triển khai: Các huyện, thành phố Kon Tum.
h) Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất nông lâm nghiệp
- Nội dung: Hỗ trợ cây giống, vật tư và kỹ thuật thực hiện chuyển đổi một phần diện tích cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao; sử dụng cơ cấu cây trồng hợp lý, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập trên cùng diện tích.
- Quy mô dự kiến: 10 ha/ 03 năm.
- Địa bàn triển khai: Các huyện, thành phố Kon Tum.
i) Phát triển kinh tế lâm nghiệp, trồng dược liệu dưới tán rừng
- Nội dung: Hỗ trợ cây giống, vật tư và kỹ thuật xây dựng mô hình trồng thuần, trồng xen cây lâm nghiệp, trồng cây dược liệu dưới tán rừng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ phát triển rừng.
- Quy mô dự kiến: 150 ha/ 3 năm.
- Địa bàn triển khai: Các huyện, thành phố Kon Tum.
k) Phát triển chăn nuôi an toàn, liên kết sản xuất chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm nâng cao giá trị và thích ứng với biến đổi khí hậu
- Nội dung:
Xây dựng mô hình và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi trâu, bò, năng suất và hiệu quả kinh tế tăng thêm 10%, thay đổi tập quán chăn nuôi thả rông sang chăn nuôi tập trung có sự quản lý chặt chẽ về môi trường và dịch bệnh.
Xây dựng các mô hình chăn nuôi bò sinh sản, lấy thịt, sữa, mô hình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, phương pháp thụ tinh truyền thống.
Xây dựng mô hình phòng chống đói rét cho trâu bò, mô hình chế biến bảo quản thức ăn thô xanh; mô hình vỗ béo bò; trồng cỏ, cây thức ăn gia súc phục vụ chăn nuôi.
Xây dựng mô hình và áp dụng quy trình chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt theo hướng an toàn dịch bệnh; mô hình nuôi dê sinh sản bằng phương pháp nhốt chuồng; mô hình nuôi dúi thương phẩm; mô hình nuôi hươu,...
Xây dựng mô hình ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải như đệm lót sinh học, Biogas, công nghệ vi sinh...
Xây dựng các mô hình chăn nuôi gia cầm lấy thịt, trứng nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm thịt, trứng có tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Xây dựng mô hình và áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi các giống vật nuôi đặc sản, bản địa nhằm đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi tại địa phương, khai thác lợi thế tự nhiên từng vùng, tạo ra sản phẩm đặc sản chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người chăn nuôi.
- Quy mô dự kiến: Hỗ trợ chăn nuôi cho 1.300 con trâu, bò; 138.000 con heo; 1.700 con dê; 100 con hươu; 300 cặp Dúi; 23.700 con gia cầm; 30-50 hộ gia đình tham gia mô hình có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi, đệm lót sinh học, Biogas, công nghệ vi sinh,....
- Địa bàn triển khai: Các huyện, thành phố Kon Tum.
l) Phát triển thủy sản nước ngọt, nuôi thủy sản theo phương pháp VietGAP; nuôi thủy sản áp dụng công nghệ cao; nuôi các đối tượng thủy đặc sản, nuôi thủy sản lồng bè, bể (bể xây, bể bạt); chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ thủy sản
- Nội dung: Thực hiện mô hình nuôi cá lồng (Cá lăng, cá tra, cá lóc, điêu hồng, rô phi, trắm cỏ,...), ếch lồng, nuôi lươn... cho các hộ sản xuất thuộc vùng lòng hồ; mô hình nuôi cá ao thâm canh đối với những vùng khác (rô phi, điêu hồng, cá lóc...) và các mô hình nuôi đặc sản như: Cá tầm, cá hồi, cá niên, ba ba,...
- Quy mô dự kiến: 32 mô hình/03 năm; Mỗi mô hình 0,5 - 01 ha đối với cá ao; 10 - 20 lồng đối với cá lồng.
- Địa bàn triển khai: Thành phố Kon Tum; các huyện: Ia H’Drai, Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Plông, Đăk Glei.
4. Tư vấn và dịch vụ khuyến nông
- Nội dung hoạt động tư vấn và dịch vụ khuyến nông:
Tư vấn về các chính sách và pháp luật liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn;
Hướng dẫn, khuyến khích cá nhân, HTX, THT, doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm;
Dịch vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ, tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp;
Khởi nghiệp, lập dự án đầu tư, huy động vốn, tuyển dụng và đào tạo lao động, xúc tiến thị trường, xây dựng thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, bảo hiểm sản xuất, kinh doanh nông nghiệp;
Dịch vụ giống, vật tư, thiết bị nông nghiệp, bảo vệ thực vật, thú y;
Tư vấn và dịch vụ khác phù hợp với quy định của pháp luật, nhu cầu của người sản xuất và năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động khuyến nông.
- Phương thức thực hiện: Tư vấn trực tiếp; Tư vấn thông qua các phương tiện truyền thông; Tư vấn thông qua đào tạo, tập huấn, diễn đàn, tọa đàm; Tư vấn và dịch vụ thông qua thỏa thuận, hợp đồng.
5. Hợp tác quốc tế về khuyến nông
- Nội dung: Xây dựng các mô hình trồng, thâm canh các loại cây trồng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để chuyển giao cho nhân dân Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
- Quy mô dự kiến: 20 ha/03 năm;
- Địa bàn triển khai: Tại các tỉnh của Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Căn cứ vào Chương trình khuyến nông trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2023 - 2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo phân cấp chủ động cân đối trong phạm vi dự toán được giao hằng năm từ năm 2023 - 2025 (nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, thành phố theo phân cấp nhà nước hiện hành) và kết hợp lồng ghép các nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình mục tiêu của trung ương hỗ trợ (nếu có); các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để tổ chức thực hiện theo Chương trình khuyến nông trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng quy định hiện hành.
VI. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Giải pháp về kỹ thuật
- Ứng dụng kết quả nghiên cứu về giống cây trồng, vật nuôi mới, kết quả các chương trình dự án khảo, thử nghiệm,... có triển vọng về năng suất, chất lượng lựa chọn các loại giống và kỹ thuật phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương để đưa vào các mô hình trình diễn.
- Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình thực hành nông nghiệp theo tiêu chuẩn (VietGAP, GlobalGAPH, Organic...); sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc.
- Thông qua việc triển khai mô hình trình diễn tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản cho người dân để nâng cao trình độ canh tác, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
2. Giải pháp về chính sách
- Tiếp tục thực hiện theo Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về công tác khuyến nông; Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum về quy định nội dung chi, mức chi từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông áp dụng trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25 tháng 11 năm 2021 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 25 tháng 11 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19 tháng 5 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;...
- Tích cực triển khai các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác khuyến nông, thông qua việc đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các tổ chức xã hội tham gia... nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác khuyến nông.
- Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí của Trung ương, các chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, ... để tăng cường và đa dạng hóa công tác khuyến nông, đưa tiến bộ kỹ thuật và khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
3. Giải pháp về tổ chức
- Kiện toàn bộ máy khuyến nông, nâng cao hiệu quả hoạt động, sắp xếp lại tổ chức theo Đề án vị trí việc làm được duyệt, tích cực hỗ trợ và đổi mới hình thức hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ chức khuyến nông tự nguyện.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở thành lập Tổ khuyến nông cộng đồng thuộc Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025 (Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT ngày 25 tháng 3 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng (Quyết định 1094/QĐ-BNN-KTHT ngày 25 tháng 3 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Tổ khuyến nông cộng đồng cấp xã theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
- Đào tạo nâng cao trình độ, năng lực, làm tốt công tác chuyển giao, hướng dẫn, tư vấn về chính sách, tổ chức lại sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm, sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.
- Tích cực đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông.
- Phối hợp chặt chẽ giữa khuyến nông các cấp, các địa phương, các đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện các mô hình trình diễn.
4. Công tác chỉ đạo điều hành, kiểm tra, giám sát
- Các cấp, các ngành tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động khuyến nông, coi khuyến nông là một trong các giải pháp trọng tâm để thực hiện các chủ trương của tỉnh trong phát triển nông nghiệp và nông thôn giai đoạn 2023 - 2025, trước hết là hỗ trợ đắc lực trong việc thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm bố trí nguồn nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất cho công tác khuyến nông từ cấp huyện tới cấp xã theo đúng quy định và đáp ứng yêu cầu phát triển.
- Thường xuyên rà soát, xây dựng, bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện các cơ chế, chính sách của tỉnh trong lĩnh vực khuyến nông; thực hiện rà soát, cập nhật, chọn lọc các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, mô hình sản xuất thiết thực, phù hợp với điều kiện địa phương để triển khai áp dụng trên diện rộng nhằm phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững, có hiệu quả về kinh tế và xã hội, tránh dàn trải, lãng phí và bảo vệ môi trường. Chủ động đề xuất điều chỉnh khi xây dựng Kế hoạch khuyến nông hàng năm phù hợp với thực tế để nâng cao hiệu quả của Chương trình, trong đó tập trung vào các nội dung mới có sức nhân rộng và tác động tích cực đến đời sống Nhân dân.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện Chương trình khuyến nông đảm bảo nguồn kinh phí khuyến nông được sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích và đúng quy định của pháp luật.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Triển khai thực hiện chương trình khuyến nông giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh và tham mưu ban hành chính sách, định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ cho công tác khuyến nông.
- Trên cơ sở chương trình khuyến nông giai đoạn 2023 - 2025, hướng dẫn các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch khuyến nông hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về công tác khuyến nông.
- Phối hợp các đơn vị liên quan quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình, kế hoạch khuyến nông địa phương; định kỳ 06 tháng (trước ngày 30 tháng 6), hằng năm (trước ngày 30 tháng 12) báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, chỉ đạo. Tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết theo quy định.
2. Các sở, ngành liên quan
- Sở Tài chính phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông và các đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu trình cấp thẩm quyền bố trí kinh phí sự nghiệp hằng năm triển khai Chương trình này theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy định hiện hành; phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
- Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị, địa phương có liên quan xác định nhiệm vụ khoa học công nghệ (đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm) nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật phục vụ Chương trình khuyến nông; hỗ trợ, tư vấn các giải pháp khoa học và công nghệ đưa vào áp dụng trong Chương trình khuyến nông.
- Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và tăng cường xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp hàng năm.
- Cơ quan thông tin tuyên truyền và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền về các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Căn cứ nội dung chương trình, chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc các phòng có liên quan), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch khuyến nông hàng năm và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình khuyến nông trên địa bàn.
- Ưu tiên bố trí ngân sách địa phương hàng năm, lồng ghép các nguồn vốn sự nghiệp khoa học, vốn phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia,… để thực hiện chương trình khuyến nông.
- Định kỳ 06 tháng, hằng năm báo cáo kết quả thực hiện chương trình khuyến nông về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định./.
(1) Thông tư số 75/2019/TT-BTC ngày 04 tháng 11 năm 2019 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông.
(2) Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum về quy định nội dung chi, mức chi từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông áp dụng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
(3) Quyết định số 31/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc ban hành định mức kinh tế kỹ thuật một số cây trồng vật nuôi trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 21/QĐ-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật một số cây trồng vật nuôi trên địa bàn tỉnh Kon Tum được ban hành kèm theo Quyết định số 31/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum; Quyết định số 52/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Chương trình khuyến nông tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020-2022; Quyết định số 32/2020/QĐ-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2020 của UBND tỉnh Kon Tum về việc phân cấp phê duyệt kế hoạch khuyến nông địa phương.
- 1Quyết định 138/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Chương trình Khuyến nông tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025
- 2Quyết định 153/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Chương trình Khuyến nông trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022-2024
- 3Quyết định 1116/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Chương trình khuyến nông địa phương 5 năm giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 4Quyết định 2969/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Chương trình Khuyến nông giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
- 5Quyết định 4047/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Chương trình Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023-2025
- 6Quyết định 06/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Chương trình khuyến nông tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023-2025
- 1Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3Nghị định 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông
- 4Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 5Thông tư 75/2019/TT-BTC quy định về quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 6Quyết định 1360/QĐ-BNN-KHCN năm 2019 về phê duyệt Chương trình khuyến nông Trung ương giai đoạn 2020-2025 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 7Quyết định 31/2019/QĐ-UBND về Định mức kinh tế - kỹ thuật một số loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 8Nghị quyết 11/2020/NQ-HĐND quy định về nội dung chi, mức chi từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông áp dụng trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 9Quyết định 32/2020/QĐ-UBND về phân cấp phê duyệt Kế hoạch khuyến nông địa phương do tỉnh Kon Tum ban hành
- 10Nghị quyết 56/2020/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Kon Tum ban hành
- 11Quyết định 255/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Quyết định 21/2021/QĐ-UBND sửa đổi định mức kinh tế - kỹ thuật một số loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Kon Tum được kèm theo Quyết định 31/2019/QĐ-UBND
- 13Quyết định 150/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 14Quyết định 138/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Chương trình Khuyến nông tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025
- 15Quyết định 1178/QĐ-BNN-TT năm 2022 phê duyệt Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 16Quyết định 153/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Chương trình Khuyến nông trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022-2024
- 17Nghị quyết 54/NQ-CP năm 2022 Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 do Chính phủ ban hành
- 18Quyết định 144/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 19Quyết định 1116/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Chương trình khuyến nông địa phương 5 năm giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 20Quyết định 2969/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Chương trình Khuyến nông giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
- 21Quyết định 1088/QĐ-BNN-KTHT năm 2022 phê duyệt Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 22Quyết định 4047/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Chương trình Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023-2025
- 23Quyết định 06/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Chương trình khuyến nông tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023-2025
Quyết định 599/QĐ-UBND năm 2022 về Chương trình khuyến nông tỉnh Kon Tum giai đoạn 2023-2025
- Số hiệu: 599/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 19/09/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
- Người ký: Nguyễn Hữu Tháp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 19/09/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra