Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 592/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TỔ CHỨC KIỂM TRA KẾT QUẢ TẬP SỰ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NĂM 2019

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 20 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổ chức kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý năm 2019.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để t/h);
- Cổng thông tin điện tử BTP;
- Lưu: VT, CTGPL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Khánh Ngọc

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC KIỂM TRA KẾT QUẢ TẬP SỰ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NĂM 2019
(Ban hành kèm theo Quyết định số 592/QĐ-BTP ngày 15 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tổ chức kỳ kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý (gọi tắt là kiểm tra) theo đúng quy định của Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý (sau đây gọi là Thông tư số 08/2017/TT-BTP) và các văn bản có liên quan.

2. Yêu cầu

2.1. Nội dung kiểm tra phải đáp ứng yêu cầu kiểm tra, phân loại, đánh giá năng lực của thí sinh, trên cơ sở đó lựa chọn được những người có đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, bảo đảm về đạo đức nghề nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn của trợ giúp viên pháp lý.

2.2. Phân công rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong việc tổ chức kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý.

2.3. Bảo đảm kỳ kiểm tra nghiêm túc, khách quan, khoa học, tiết kiệm và thực hiện đúng quy định của pháp luật.

II. NỘI DUNG

1. Thời gian, địa điểm kiểm tra

a) Thời gian tổ chức: Kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý được dự kiến tổ chức 02 đợt:

- Đợt 1: dự kiến tổ chức tháng 5 năm 2019;

- Đợt 2: dự kiến tổ chức cuối tháng 12 năm 2019 - đầu tháng 1 năm 2020.

b) Địa điểm tổ chức: Học viện Tư pháp.

2. Đối tượng tham dự kiểm tra

Người tham dự kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý là người đã hoàn thành thời gian và các nghĩa vụ của người tập sự trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, Thông tư số 08/2017/TT-BTP và được Sở Tư pháp đề nghị tham dự kiểm tra, cụ thể:

- Đợt 1: Người tập sự hoàn thành thời gian và các nghĩa vụ tập sự tính đến hết ngày 15/3/2019.

- Đợt 2: Người tập sự hoàn thành thời gian và các nghĩa vụ tập sự tính đến cuối tháng 12/2019.

Danh sách cụ thể của người đủ điều kiện tham dự kiểm tra sẽ được Hội đồng kiểm tra thông báo đến các Sở Tư pháp nơi có người đăng ký tham dự kiểm tra.

3. Hồ sơ đăng ký tham dự kiểm tra, thời hạn nhận hồ sơ

3.1. Hồ sơ đăng ký tham dự kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý gồm:

a) Công văn đề nghị của Sở Tư pháp.

b) Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư hoặc Giấy tờ chứng minh được miễn đào tạo nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư (Bản sao chứng thực);

c) Quyết định phân công hướng dẫn tập sự trợ giúp pháp lý (Bản chính);

d) Báo cáo kết quả tập sự trợ giúp pháp lý có nhận xét của người hướng dẫn tập sự (Bản chính).

3.2. Ngoài các giấy tờ quy định tại điểm 3.1 mục 3, những trường hợp sau đây cần phải thêm các giấy tờ sau:

a) Đối với trường hợp được giảm thời gian tập sự: Giấy tờ chứng minh được giảm thời gian tập sự (Bản sao có chứng thực);

b) Đối với trường hợp người tập sự thay đổi nơi tập sự: Văn bản của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước nơi tập sự ban đầu; Văn bản đề nghị tiếp tục tập sự; Quyết định phân công hướng dẫn tập sự tại nơi tập sự mới; Báo cáo kết quả tập sự tại nơi tập sự ban đầu và nơi tập sự mới (Bản chính).

c) Đối với trường hợp tạm dừng tập sự: Giấy tờ chứng minh tạm dừng và tiếp tục tập sự (Bản chính).

3.3. Thời hạn Bộ Tư pháp nhận hồ sơ đăng ký tham dự kiểm tra

a) Đợt 1: Trước ngày 29/3/2019;

b) Đợt 2: Cuối tháng 12/2019.

4. Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đăng ký tham dự kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý

4.1. Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận, thẩm tra các hồ sơ đăng ký tham dự kiểm tra và lập danh sách những người đủ điều kiện đăng ký tham dự kiểm tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác của danh sách, các thông tin và hồ sơ người đăng ký tham dự kiểm tra; thực hiện các công việc liên quan đến việc kiểm tra kết quả tập sự theo yêu cầu của Hội đồng kiểm tra và quy định của Thông tư số 08/2017/TT-BTP.

4.2. Cục Trợ giúp pháp lý tổng hợp danh sách những người đủ điều kiện tham dự kiểm tra trình Hội đồng kiểm tra xem xét;

4.3. Hội đồng kiểm tra phê duyệt danh sách người đủ điều kiện tham dự kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý;

4.4. Hội đồng kiểm tra thông báo Danh sách người đủ điều kiện tham dự kiểm tra, Danh sách người không đủ điều kiện tham dự kiểm tra và Danh sách người phải làm lại hồ sơ đăng ký tham dự kiểm tra (nếu có) cho Sở Tư pháp đồng thời thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp;

5. Nội dung kiểm tra, các bài kiểm tra, hình thức và thời gian kiểm tra

Nội dung, hình thức kiểm tra được thực hiện theo quy định tại Điều 29 của Thông tư số 08/2017/TT-BTP.

5.1. Bài kiểm tra viết: kiểm tra kiến thức pháp luật trợ giúp pháp lý; kỹ năng tham gia tố tụng trong lĩnh vực dân sự và hình sự.

- Thời gian kiểm tra: 120 phút.

- Cơ cấu bài kiểm tra viết gồm hai phần:

a) Phần kiến thức chung về pháp luật trợ giúp pháp lý: Thí sinh trả lời câu hỏi tự luận hoặc tình huống giả định: chiếm 30% điểm của bài kiểm tra viết;

b) Phần kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý: Thông qua tình huống giả định, thí sinh phân tích và trả lời các câu hỏi xung quanh tình huống đó theo hình thức tự luận: chiếm 70% điểm của bài kiểm tra viết.

5.2. Kiểm tra thực hành

a) Thí sinh lựa chọn 01 vụ việc tham gia tố tụng để đưa ra phương án giải quyết vụ việc đó.

Phương án giải quyết giải quyết vụ việc gồm các nội dung chính sau: Nội dung vụ việc; Những vấn đề cần phải giải quyết và các quy định của pháp luật áp dụng để giải quyết vụ việc; Luận cứ, đề xuất cụ thể về cách giải quyết vụ việc.

(Hội đồng kiểm tra sẽ hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng phương án giải quyết vụ việc của bài thi thực hành).

b) Thời hạn gửi phương án giải quyết vụ việc

Thí sinh gửi phương án giải quyết vụ việc về Hội đồng kiểm tra (thông qua Cục Trợ giúp pháp lý) chậm nhất 10 ngày trước ngày tổ chức kiểm tra.

c) Tại buổi kiểm tra thực hành, thí sinh trình bày phương án đã được chuẩn bị và trả lời các câu hỏi do thành viên Hội đồng kiểm tra nêu ra.

6. Chấm kiểm tra, tính điểm các môn kiểm tra để xác định người đạt kết quả kiểm tra tập sự, cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý

Việc chấm kiểm tra, tính điểm các môn kiểm tra để xác định người đạt kết quả kiểm tra tập sự, cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý được thực hiện theo quy định tại Điều 31 của Thông tư số 08/2017/TT-BTP.

7. Khiếu nại, tố cáo về việc kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý

Việc khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thành lập Hội đồng kiểm tra

Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý có trách nhiệm tham mưu, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý (sau đây gọi là Hội đồng kiểm tra) sau khi Kế hoạch này được phê duyệt.

2. Thành lập Ban Giám sát

Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập Ban Giám sát kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý theo quy định.

Ban Giám sát chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tư pháp về hoạt động giám sát của mình và báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp về kết quả giám sát sau mỗi kỳ kiểm tra.

3. Thành lập các Ban của Hội đồng kiểm tra

Chủ tịch Hội đồng kiểm tra thành lập các Ban giúp việc cho Hội đồng kiểm tra: Ban thư ký, Ban đề thi, Ban coi thi, Ban phách, Ban chấm thi viết và Ban phúc tra (sau đây gọi là các Ban của Hội đồng kiểm tra). Mỗi Ban gồm có Trưởng Ban và các thành viên khác do Chủ tịch Hội đồng kiểm tra quyết định thành lập. Số lượng, danh sách cụ thể, nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban của Hội đồng kiểm tra sẽ được ban hành cùng với Quyết định thành lập các Ban.

4. Lịch kiểm tra

Hội đồng kiểm tra sẽ thông báo lịch kiểm tra cụ thể cho các địa phương có người tham dự kiểm tra.

5. Kinh phí tổ chức kiểm tra

a) Người tham dự kiểm tra kết quả tập sự không phải nộp lệ phí nhưng phải trả các chi phí liên quan tới việc tham gia kiểm tra của mình (nếu có).

b) Cục Trợ giúp pháp lý có trách nhiệm lập dự toán ngân sách từ nguồn ngân sách nhà nước cho việc tổ chức các kỳ kiểm tra năm 2019 và quyết toán theo quy định của pháp luật./.

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 592/QĐ-BTP về Kế hoạch tổ chức kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý năm 2019 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 592/QĐ-BTP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/03/2019
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Nguyễn Khánh Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/03/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản