Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 59/2004/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 20 tháng 04 năm 2004 

 

QUYẾT ĐỊNH

 CỦA UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG VÀ VỆ SINH THÚ Y TRONG CHĂN NUÔI, GIẾT MỔ, CHẾ BIẾN, VẬN CHUYỂN, BUÔN BÁN GIA CẦM VÀ CÁC SẢN PHẨM GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI”.

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 15.02.1993 và Nghị định số 93/CP ngày 27.11.1993 của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Thú y;
Căn cứ Quyết định số 389/NN-TY/QĐ ngày 15.4.1994 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT) ban hành Quy định về thủ tục kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật và kiểm tra vệ sinh thú y;
Căn cứ Quyết định số 99/NN-TY/QĐ ngày 20.02.1995 của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT) ban hành Quy định về vệ sinh thú y đối với lò mổ, điểm giết mổ động vật;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 59-TTr/SNN-KT 12.4.2004, ý kiến của Sở Thương mại (Công văn số 815/STM-QLTM ngày 02.4.2004) và Sở Tư pháp (Công văn số 356/TP-VBPQ ngày 14.3.2004).

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định điều kiện hoạt động và vệ sinh thú y trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến, vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội” .

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và PTNT; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Y tế; Thương mại; Khoa học và Công nghệ; Giao thông công chính, Giám đốc Công an Thành phố, Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội, Chi cục trưởng các Chi cục: Thú y Hà Nội; Quản lý thị trường Hà Nội, Thủ trưởng các ngành, các đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH



 
Lê Quý Đôn

 

QUY ĐỊNH

ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG VÀ VỆ SINH THÚ Y TRONG CHĂN NUÔI, GIẾT MỔ, CHẾ BIẾN, VẬN CHUYỂN, BUÔN BÁN GIA CẦM VÀ CÁC SẢN PHẨM GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 59 /2004/QĐ-UB ngày 20.4.2004 của UBND Thành phố).

Chương 1:

 QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Đối tượng và phạm vi điều chỉnh.

 Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động về chăn nuôi, giết mổ, chế biến, vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội, phải thực hiện nghiêm Quy định này và chịu sự quản lý, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 2: Mục đích điều chỉnh.

 Thành phố khuyến khích chăn nuôi, giết mổ, chế biến gia cầm tập trung. Các hoạt động chăn nuôi, giết mổ, chế biến, vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm phải bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng dân cư trên địa bàn Hà Nội.

Chương 2:

 QUY ĐỊNH CỤ THỂ.

Điều 3: Điều kiện chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh.

 Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân chăn nuôi gia cầm phải thực hiện các quy định sau:

 1/. Đăng ký với cơ quan thú y có thẩm quyền về địa điểm, quy mô chăn nuôi gia cầm, để được hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, trừ dịch bệnh hại gia cầm theo quy định hiện hành của Nhà nước và được cấp Giấy chứng nhận cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh.

 2/. Địa điểm chăn nuôi gia cầm phải bảo đảm các điều kiện theo quy định về vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường.

 3/. Thực hiện quy trình tiêm chủng Vaccin phòng bệnh, định kỳ tiến hành khử trùng, tiêu độc, vệ sinh chuồng trại và môi trường xung quanh theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

 4/. Nhập con giống gia cầm để phát triển chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi giống an toàn dịch bệnh, theo chứng nhận của cơ quan thú y có thẩm quyền.

 5/. Khi có gia cầm bị bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, không được giết mổ, vận chuyển, lưu thông trên thị trường; phải báo ngay cho cơ quan thú y sở tại hoặc chính quyền địa phương biết để có biện pháp xử lý kịp thời.

 6/. Thức ăn chăn nuôi phải bảo đảm vệ sinh thú y và có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định, chống ô nhiễm môi trường.

Điều 4: Điều kiện giết mổ, chế biến, vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm.

 1/. Công dân trực tiếp làm nhiệm vụ giết mổ, chế biến, vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm phải có sức khỏe tốt (không mắc bệnh truyền nhiễm) và được khám sức khỏe định kỳ theo quy định của ngành y tế.

 2/. Chủ giết mổ, chế biến, vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định hiện hành, cụ thể:

- Có địa điểm giết mổ, chế biến và buôn bán (địa điểm sản xuất kinh doanh) hợp pháp và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

- Được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định hiện hành của nhà nước.

- Chịu trách nhiệm về việc thực hiện các quy định về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

 3/. Về hoạt động giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm:

- Gia cầm và các sản phẩm gia cầm khi vận chuyển phải được che phủ kín, hợp vệ sinh và có chứng nhận kiểm dịch động vật hoặc vệ sinh thú y của cơ quan thú y có thẩm quyền.

- Gia cầm và các sản phẩm gia cầm vận chuyển, buôn bán trên thị trường, phải được cung cấp từ các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến hợp vệ sinh, an toàn dịch bệnh và có dụng cụ chứa đựng đảm bảo vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm, có xác nhận của cơ quan thú y có thẩm quyền.

- Nghiêm cấm việc giết mổ, chế biến gia cầm ốm, chết và vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm từ vùng dịch sang vùng không có dịch.

- Trước và sau khi vận chuyển, giết mổ, chế biến, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm phải làm vệ sinh thú y, khử trùng, tiêu độc cơ sở sản xuất kinh doanh và phương tiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

4/. Chợ có các hoạt động giết mổ, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm phải chịu sự quản lý của Ban quản lý chợ hoặc Chính quyền địa phương. Không buôn bán gia cầm sống và giết mổ gia cầm tại các chợ loại 1. Hướng tới, sẽ xóa bỏ việc buôn bán gia cầm sống và giết mổ gia cầm tại các chợ nội thành.

5/. Phải đủ nước sạch phục vụ cho việc giết mổ, chế biến, buôn bán gia cầm và có biện pháp xử lý chất thải theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

6/. Nơi nhốt gia cầm sống phải có dụng cụ chứa chất thải, hợp vệ sinh và phun hóa chất tiêu độc 1 lần/ngày.

7/. Cơ sở giết mổ, chế biến và các trang thiết bị, phương tiện vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm phải được vệ sinh thú y theo quy định.

8/. Gia cầm và các sản phẩm gia cầm phải được kiểm dịch và vệ sinh thú y trước khi vận chuyển đến cơ sở giết mổ, chế biến, buôn bán.

9/. Gia cầm và các sản phẩm gia cầm sau khi giết mổ, chế biến phải hợp vệ sinh, được cơ quan thú y có thẩm quyền xác nhận và cấp giấy chứng nhận hoặc tem kiểm tra vệ sinh thú y, thì được vận chuyển, lưu thông trên thị trường.

10/. Các sản phẩm gia cầm khi lưu thông trên thị trường, phải được bày bán trên mặt bàn sạch, không thấm nước, không han rỉ, cách mặt đất 80 cm và có dụng cụ che đậy kín hợp vệ sinh an toàn thực phẩm.

11/. Gia cầm và các sản phẩm gia cầm vận chuyển, lưu thông từ các tỉnh ngoài vào Thành phố và từ các huyện ngoại thành vào nội thành phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y có thẩm quyền.

12/. Tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có gia cầm và các sản phẩm gia cầm được kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y phải chi trả lệ phí và phí tổn theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 5: Khen thưởng và xử lý vi phạm.

1/. Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thực hiện tốt Quy định này sẽ được khen thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2/. Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân vi phạm các quy định trong hoạt động chăn nuôi, giết mổ, chế biến, vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm, tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý theo pháp luật, cụ thể theo các hình thức sau:

- Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chứng chỉ hành nghề.

- Đình chỉ các hoạt động về chăn nuôi, giết mổ, chế biến.

- Đình chỉ các hoạt động về buôn bán, lưu thông.

- Tịch thu, tiêu huỷ tang vật, phương tiện vi phạm.

- Công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng được biết và chủ động phòng, tránh.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

Điều 6: Sở Nông nghiệp và PTNT.

1/. Chủ trì, phối hợp với Sở Thương mại, Sở Y tế, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Công an Thành phố, Hải quan Hà Nội cùng các ngành liên quan và UBND các quận, huyện: chỉ đạo Chi cục Thú y Hà Nội chủ động phối hợp với Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội, Phòng cảnh sát trật tự Hà Nội cùng các cơ quan chức năng chuyên môn thuộc quận, huyện tổ chức kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch động vật tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến, vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền.

2/. Quy hoạch mạng lưới các trạm kiểm dịch động vật và hệ thống cơ sở giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm gia cầm.

3/. Tổng hợp tình hình, kết quả và những khó khăn vướng mắc khi tổ chức thực hiện, báo cáo UBND Thành phố để xem xét, kịp thời giải quyết.

Điều 7: UBND các quận, huyện.

1/. Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các ngành liên quan: chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thực hiện tốt Quy định này tại địa phương.

2/. Tổ chức quản lý có hiệu quả các hoạt động chăn nuôi, giết mổ, chế biến, vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm trên địa bàn theo quy định hiện hành của Nhà nước./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 59/2004/QĐ-UB về điều kiện hoạt động và vệ sinh thú y trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến, vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 59/2004/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/04/2004
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Lê Quý Đôn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/05/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản