Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 61/2009/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 17 tháng 04 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIẾT MỔ, VẬN CHUYỂN, CHẾ BIẾN, BUÔN BÁN GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 51/2009/QĐ-UBND NGÀY 22/01/2009 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan;
Căn cứ Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 26/7/2003; Pháp lệnh Thú y ngày 29/4/2004;
Căn cứ Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07/9/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm; Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/5/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y; Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hàng hóa dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện;
Căn cứ Quyết định số 43/2006/QĐ-TTg ngày 20/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động Quốc gia bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2010;
Theo đề nghị của Liên Sở Tư pháp - Công Thương tại Tờ trình số: 456/TTr-LN ngày 25 tháng 3 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội” ban hành kèm theo Quyết định số 51/2009/QĐ-UBND ngày 22/01/2009 của UBND thành phố Hà Nội:
1. Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
1. Quy định này quy định về việc quản lý đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội.
2. Tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này khi vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm chưa qua chế biến trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng phải tuân theo quy định tại Điều 4 Quy định này”.
2. Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 3. Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm phải có các điều kiện quy định tại Điều 33 Pháp lệnh Thú y và Điều 46 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y, cụ thể là:
a. Địa điểm cơ sở giết mổ, sơ chế động vật được xây dựng phù hợp với quy hoạch của Ủy ban nhân dân các cấp, bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường;
b. Bảo đảm Tiêu chuẩn Việt Nam và Tiêu chuẩn ngành về vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ, sơ chế, bảo quản động vật, sản phẩm động vật do Bộ Khoa học, Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành;
c. Người trực tiếp giết mổ phải có đủ tiêu chuẩn sức khoẻ, không mắc bệnh truyền nhiễm, da liễu, có giấy khám sức khoẻ định kỳ của cơ quan y tế tại địa phương;
d. Địa điểm, nhà xưởng, trang thiết bị, nước sử dụng trong giết mổ phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 46 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;
2. Cơ sở giết mổ phải tuân theo Quy trình kiểm soát giết mổ động vật ban hành kèm theo Quyết định số 87/2005/QĐ-BNN ngày 26/12/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi thực hiện việc giết mổ gia súc, gia cầm”;
3. Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 4. Hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm
1. Gia súc, gia cầm được vận chuyển trên địa bàn thành phố Hà Nội (từ các tỉnh về Hà Nội, từ Hà Nội đi các tỉnh) phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch do Chi cục Thú y địa phương nơi cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm đăng ký cấp; các vật dụng dùng để chứa đựng phải có kích thước phù hợp với quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, bảo đảm vệ sinh thú y, bảo đảm mỹ quan, không để gây ô nhiễm môi trường nơi gia súc, gia cầm được vận chuyển qua.
2. Các sản phẩm từ gia súc, gia cầm chưa qua chế biến khi vận chuyển phải có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem kiểm tra vệ sinh thú y (trừ trường hợp chuyển sang dây chuyền sản xuất, chế biến liên hoàn của cơ sở giết mổ); phải được bao gói và đựng trong các vật dụng có kích thước phù hợp với quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, bảo đảm mỹ quan, vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường nơi vận chuyển qua.
3. Phương tiện sử dụng vận chuyển gia súc, gia cầm phải tuân thủ các điều kiện vệ sinh thú y theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y.
Phương tiện sử dụng vận chuyển các sản phẩm từ gia súc, gia cầm phải bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm và khoản 3 Điều 45 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y.”
Nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, nghiêm cấm việc vận chuyển gia súc sống và gia súc sau khi giết mổ vắt ngang, vắt dọc trên xe máy, xe đạp và các phương tiện thô sơ khác gây mất an toàn giao thông, không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với phương tiện sử dụng vận chuyển thực phẩm, động vật, sản phẩm động vật theo quy định của pháp luật.
4. Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 5. Hoạt động chế biến gia súc, gia cầm; buôn bán gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm
1. Tổ chức, cá nhân trong quá trình chế biến gia súc, gia cầm phải thực hiện theo quy định tại Điều 13, 14 và 16 Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm, cụ thể là:
a. Nơi chế biến phải được đặt trong khu vực có đủ điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; phải được thiết kế, xây dựng, lắp đặt, vận hành bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm;
c. Việc sử dụng nguyên liệu để chế biến phải bảo đảm vệ sinh an toàn theo quy định của pháp luật;
d. Cơ sở chế biến phải thực hiện mọi biện pháp để thực phẩm không bị nhiễm bẩn, nhiễm mầm bệnh có thể lây truyền sang người, động vật, thực vật;
đ. Cơ sở chế biến phải bảo đảm quy trình chế biến phù hợp với quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.
e. Sử dụng thiết bị, dụng cụ có bề mặt tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm được chế tạo bằng vật liệu bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm;
g. Sử dụng đồ chứa đựng, bao gói, dụng cụ, thiết bị bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn, không gây ô nhiễm thực phẩm;
h. Sử dụng nước để chế biến thực phẩm đạt tiêu chuẩn quy định;
i. Dùng chất tẩy rửa, chất diệt khuẩn, chất tiêu độc an toàn không ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, tính mạng của con người và không gây ô nhiễm môi trường.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm từ gia súc, gia cầm tại các chợ, siêu thị phải ở khu riêng biệt với các loại hàng hóa khác và bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y, cụ thể là:
a. Phương tiện bày bán, dụng cụ chứa đựng sản phẩm gia súc, gia cầm phải được làm bằng vật liệu không gỉ, không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, dễ vệ sinh, khử trùng;
b. Có biện pháp bảo quản để sản phẩm gia súc, gia cầm không bị nhiễm bẩn, biến chất;
c. Nơi mua bán, vật dụng dùng trong việc mua bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm phải được vệ sinh sạch sẽ sau khi bán;
d. Nước thải trong quá trình kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm tại các chợ phải được xử lý đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y trước khi thải ra môi trường.
3. Những sản phẩm gia súc, gia cầm tươi sống phải có dấu kiểm soát giết mổ hoặc giấy tờ khác chứng nhận về việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; khi giao cho khách hàng phải đựng trong bao bì sạch, bảo đảm mỹ quan, vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường.
4. Cửa hàng, quầy hàng bán gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm phải niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Người trực tiếp bán hàng phải có đủ sức khoẻ, có phương tiện bảo hộ và trang phục theo quy định của pháp luật hiện hành.
5. Nghiêm cấm việc sử dụng các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vi chất dinh dưỡng không nằm trong Danh mục cho phép của Bộ Y tế để bảo quản, chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.”
5. Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 9. Xử lý vi phạm
1. Cá nhân, tổ chức vi phạm Quy định này, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Thanh tra các Sở, Ngành: Y tế, Thú y, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải; các lực lượng Công an, Quản lý thị trường Hà Nội; Chủ tịch UBND thành phố Hà Đông, Sơn Tây và các quận, huyện; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở, Ban, Ngành thuộc Thành phố Hà Nội; Chủ tịch UBND các quận, huyện và tương đương; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 87/2005/QĐ-BNN về Quy trình kiểm soát giết mổ động vật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Quyết định 43/2006/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 59/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện
- 4Quyết định 59/2004/QĐ-UB về điều kiện hoạt động và vệ sinh thú y trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến, vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- 5Pháp lệnh Thú y năm 2004
- 6Nghị định 163/2004/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm
- 7Nghị định 33/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Thú y
- 8Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003
- 9Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan do Quốc hội ban hành
Quyết định 61/2009/QĐ-UBND sửa đổi Quy định quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội kèm theo Quyết định 51/2009/QĐ-UBND do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- Số hiệu: 61/2009/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 17/04/2009
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Nguyễn Huy Tưởng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra