Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/2011/QĐ-UBND

Vĩnh Yên, ngày 30 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ RỪNG, BẢO VỆ RỪNG VÀ QUẢN LÝ LÂM SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002; Pháp lệnh Sửa đổi một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2007; Pháp lệnh Sửa đổi một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2006 về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm;

Căn cứ Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc tại Tờ trình số 170A/TT-SN&PTNT ngày 27 tháng 12 năm 2011, Báo cáo kết quả thẩm định số 142/BC-STP ngày 27/12 /2011 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 49/2006/QĐ-UBND ngày 26/7/2006 của UBND tỉnh Vĩnh phúc "Quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy Trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Sở Công thương, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Trưởng Chi cục Hải Quan, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã; các cá nhân, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phùng Quang Hùng

 

QUY ĐỊNH

TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ RỪNG, BẢO VỆ RỪNG VÀ QUẢN LÝ LÂM SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 55/2011/QĐ-UBND, ngày 30 tháng 12 năm 2011 của UBND tỉnh Vĩnh phúc)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Bản quy định này quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Điều 2. Nguyên tắc áp dụng pháp luật xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Việc xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phải được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2007; Pháp lệnh Sửa đổi một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008 (sau đây gọi chung là Pháp lệnh XLVPHC); Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản của Chính Phủ; các văn bản hướng dẫn thi hành và bản Quy định này.

Điều 3. Trách nhiệm, cơ chế phối hợp xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản

1. Chủ tịch UBND các cấp và Kiểm lâm có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; hình thức, mức xử phạt áp dụng theo Điều 2 bản Quy định này.

2. Các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan Kiểm lâm để xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản theo thẩm quyền được phân cấp; đảm bảo đúng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính, ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm cho các biện pháp ngăn chặn, quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thi hành nghiêm chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Điều 4. Trách nhiệm xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản

1. Các cơ quan chức năng trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình khi phát hiện hành vi vi phạm về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản phải lập biên bản về vi phạm hành chính, chuyển giao hồ sơ, tang vật, phương tiện vi phạm cho cơ quan Kiểm lâm xử lý theo quy định của pháp luật (Trong trường hợp cơ quan chức năng đã ban hành quyết định tạm giữ và lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện thì không chuyển giao tang vật, phương tiện).

Trường hợp một người cùng một lúc thực hiện nhiều hành vi VPHC thuộc lĩnh vực xử lý của các ngành khác nhau thì chuyển toàn bộ hồ sơ vụ vi phạm đến Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền nơi xảy ra vi phạm để xử lý.

2. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản mà không giải quyết, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết hoặc cố tình giải quyết trái pháp luật phải bị xử lý nghiêm minh, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương II

TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP TRONG VIỆC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ RỪNG, BẢO VỆ RỪNG VÀ QUẢN LÝ LÂM SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

Điều 5. Trách nhiệm của Chi cục Kiểm lâm

1. Giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hoặc phối hợp với các cấp chính quyền, cơ quan Công an, Quân đội, Quản lý thị trường, Thuế, Hải quan và các cơ quan có liên quan khác lập kế hoạch kiểm tra, truy quét xoá bỏ các tụ điểm khai thác rừng trái phép, gây cháy rừng, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, kinh doanh, chế biến lâm sản trái phép; săn bắt, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã; đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm khác về lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

2. Khi phát hiện các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì tiến hành lập biên bản về vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 55 của Pháp lệnh XLVPHC, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại các Điều 43, 44 , 45, 46, 47, 48, 49 của Pháp lệnh XLVPHC và xử phạt VPHC theo thẩm quyền quy định tại Điều 35 của Pháp lệnh XLVPHC, đồng thời áp dụng đầy đủ các quy định khác của pháp luật theo Điều 2 bản Quy định này.

3. Chi cục Kiểm lâm tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, Hạt Kiểm lâm tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp huyện; Kiểm lâm địa bàn tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp xã trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản đối với những vụ vi phạm vượt thẩm quyền xử phạt của Kiểm lâm.

4. Tiếp nhận hồ sơ, tang vật, phương tiện vi phạm do các cơ quan khác chuyển đến, xem xét giải quyết theo quy định, thông báo kết quả giải quyết cho đơn vị đã chuyển giao vụ việc đó biết.

5. Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để xác định giá trị tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ (Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc và cơ quan có liên quan đến vụ việc; Hạt Kiểm lâm phối hợp với cơ quan Tài chính cấp huyện và cơ quan có liên quan đến vụ việc) để làm căn cứ xử phạt.

Phối hợp với cơ quan Tài chính cùng cấp và cơ quan có liên quan để xác định giá trị tang vật, phương tiện VPHC bị tịch thu sung quỹ nhà nước.

Chuyển giao hồ sơ, tang vật, phương tiện VPHC bị tịch thu cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bán đấu giá để bán theo quy định hiện hành.

6. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm quyết định cưỡng chế và tổ chức việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC của mình và của cấp dưới.

7. Chi cục kiểm lâm chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm thực hiện trách nhiệm và quan hệ phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện, cơ quan chức năng của huyện để xử lý VPHC trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Điều 6. Trách nhiệm của Công an tỉnh

1. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ( trực tiếp là Chi cục Kiểm lâm), các cấp chính quyền, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các cơ quan khác lập kế hoạch kiểm tra, truy quét xoá bỏ các tụ điểm khai thác rừng trái phép, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, kinh doanh lâm sản trái phép; săn bắt, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã; đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm khác về lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; chủ trì công tác phòng chống tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản

2. Chỉ đạo công an các huyện, thị xã phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện, thị xã, Ban chỉ huy quân sự huyện, UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan khác kiểm tra, ngăn chặn, đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

3. Khi phát hiện các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì lập biên bản về vi phạm hành chính, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trong thời hạn 5 (năm) ngày kể từ ngày lập biên bản về vi phạm hành chính phải chuyển giao hồ sơ vụ vi phạm cho Chi cục Kiểm lâm (các vụ vi phạm do Công an tỉnh phát hiện) hoặc Hạt Kiểm lâm (các vụ vi phạm do Công an huyện, thị xã phát hiện) để xử lý theo thẩm quyền. Ở những huyện, thị xã, thành phố không có Hạt Kiểm lâm thì chuyển cho Văn phòng UBND cấp huyện và tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp huyện xử phạt. Phối hợp với cơ quan Kiểm lâm thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC.

Điều 7. Trách nhiệm của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh

1. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ( trực tiếp thực hiện là Chi cục Kiểm lâm) truy quét xoá bỏ các tụ điểm khai thác rừng trái phép, gây cháy rừng, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, kinh doanh lâm sản trái phép; săn bắt, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã; đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm khác về lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

2. Chỉ đạo các đơn vị đóng quân trong rừng, gần rừng phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương ngăn chặn các đối tượng khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép lâm sản, săn bắt trái phép động vật hoang dã.

3. Khi phát hiện thấy các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng thì kịp thời ngăn chặn và thông báo cho cơ quan Kiểm lâm hoặc chính quyền các cấp xử lý; phối hợp với cơ quan Kiểm lâm: Kiểm tra, xử lý đối với những đơn vị, chiến sỹ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC.

Điều 8. Trách nhiệm của Sở Công thương

1. Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan Kiểm lâm cùng cấp trong kiểm tra việc mua bán, kinh doanh, chế biến lâm sản và động vật rừng.

 2. Lực lượng quản lý thị trường các cấp khi phát hiện các hành vi vi phạm về mua bán, vận chuyển, kinh doanh, chế biến lâm sản và động vật rừng thì lập biên bản về vi phạm hành chính, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm. Trong thời hạn 5 (năm) ngày kể từ ngày lập biên bản về vi phạm hành chính, chuyển giao hồ sơ, tang vật, phương tiện vi phạm cho cơ quan Kiểm lâm xử lý theo thẩm quyền. Ở những huyện, thị xã, thành phố không có Hạt Kiểm lâm thì chuyển cho Văn phòng UBND huyện đó và tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện xử phạt.

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường

Khi phát hiện các hành vi huỷ hoại trái phép tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng; lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng rừng trái phép; giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng, góp vốn giá trị rừng sản xuất là rừng trồng trái phép thì lập biên bản, kịp thời thông báo và chuyển giao hồ sơ tài liệu cho cơ quan Kiểm lâm, các cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý; phối hợp với cơ quan Kiểm lâm xử lý những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm.

Điều 10. Trách nhiệm của cơ quan Thuế

1. Cơ quan Thuế các cấp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan Kiểm lâm để thu thuế tài nguyên rừng, thuế sử dụng đất trồng rừng, thuế chuyển nhượng quyền sử dụng rừng sản xuất, thuế chuyển quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo thẩm quyền.

2. Trong quá trình quản lý, thu thuế mà phát hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì lập biên bản về vi phạm hành chính, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm. Trong thời hạn 5 (năm) ngày kể từ ngày lập biên bản về vi phạm hành chính chuyển giao hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan Kiểm lâm xử phạt theo thẩm quyền; truy thu thuế đối với lâm sản không bị tịch thu sau khi đã xử phạt theo quy định.

Điều 11. Trách nhiệm của cơ quan Tài chính các cấp

1. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Kiểm lâm cùng cấp để xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, bị tịch thu sung quỹ Nhà nước theo quy định hiện hành.

2. Chi trả các khoản chi phí theo quy định do cơ quan có thẩm quyền xử lý VPHC đề nghị.

3. Phối hợp với cơ quan Kiểm lâm thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC.

Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan Hải quan

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Kiểm lâm trong việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn các vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý lâm sản; khi phát hiện hành vi vi phạm thì lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển giao hồ sơ, tang vật cho cơ quan Kiểm lâm xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện

1.Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.

2. Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định cưỡng chế và tổ chức việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC về lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản theo thẩm quyền.

3. Chỉ đạo, giám sát sự phối hợp của các cơ quan: Kiểm lâm, Công an, Quân đội, Quản lý thị trường, Thuế, Tài nguyên-Môi trường trong việc kiểm tra, truy quét, ngăn chặn các hành vi vi phạm về phá rừng, khai thác rừng, sử dụng đất trồng rừng, huỷ hoại môi trường rừng, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, chế biến, kinh doanh lâm sản và các hành vi vi phạm khác về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn.

4. Chỉ đạo Phòng Kế hoạch - Tài chính huyện phối hợp chặt chẽ với Hạt kiểm lâm để xử lý tang vật, phương tiện VPHC và chi trả các khoản chi phi hợp lý theo quy định hiện hành.

5. Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền quy định tại Điều 29 của Pháp lệnh XLVPHC đối với các hành vi vi phạm Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 02/11/2009 của Chính phủ về xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản do Hạt Kiểm lâm trình hoặc do Văn phòng UBND huyện trình.

Điều 14. Trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp xã

1. Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện về công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn quản lý của xã.

2. Chủ tịch UBND cấp xã quyết định cưỡng chế và tổ chức việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC của mình về lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

3. Chủ động hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi: Phá rừng, khai thác gỗ và các lâm sản ngoài gỗ trái phép; lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trồng rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng trái phép; chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng, giá trị rừng sản xuất là rừng trồng trái pháp luật; săn bắn, bẫy bắt động vật rừng, nuôi nhốt động vật rừng, vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sản xuất, kinh doanh lâm sản trái phép; chăn thả gia súc vào rừng mới trồng, rừng non, khu vực có quy định cấm của rừng đặc dung, rừng khoanh nuôi tái sinh; vi phạm về phòng cháy chữa cháy rừng và các vi phạm khác trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

4. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành hành chính theo thẩm quyền quy định tại Pháp lệnh XLVPHC. Trường hợp vượt thẩm quyền thì chuyển cho cơ quan Kiểm lâm hoặc UBND cấp trên xem xét, xử lý theo quy định.

Điều 15. Xử lý tang vật, phương tiện tạm giữ; tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ Nhà nước

1. Người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện thì có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện đó. Nếu để xảy ra mất, hư hỏng thì phải bồi thường.

2. Sau khi có quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì cơ quan Kiểm lâm có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyển để xử lý theo quy định hiện hành.

Điều 16. Kinh phí phối hợp

Kinh phí chi cho các công chức, chiến sỹ trực tiếp tham gia kiểm tra, truy quét xoá bỏ các tụ điểm vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, kinh doanh, chế biến lâm sản trái phép; vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã; đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm khác về lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thực hiện theo Thông tư số 59/2008/TT- BTC ngày 04 tháng 7 năm 2008 của Bộ Tài Chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; Thông tư số 51/2010/TT-BTC ngày 14 tháng 4 năm 2010 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 04 tháng 7 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (trường hợp có văn bản quy phạm pháp luật mới sửa đổi hoặc thay thế Thông tư số 59/2008/TT- BTC, Thông tư 51/2010/TT-BTC thì áp dụng văn bản đó) và các văn bản khác có liên quan.

Cơ quan Kiểm lâm có trách nhiệm tập hợp các chứng từ, đề nghị cơ quan Tài chính cùng cấp chi trả các khoản chi phí theo quy định hiện hành.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17. Tổ chức thực hiện

Các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản và những quy định tại văn bản này.

Trong quá trình thực hiện Quy định này nếu có vướng mắc phát sinh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh (phản ánh qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để đề xuất, báo cáo với UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 55/2011/QĐ-UBND về Quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa cơ quan Nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

  • Số hiệu: 55/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/12/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Phùng Quang Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản