Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2614/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 03 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHÂN ĐỊNH TRÁCH NHIỆM; QUAN HỆ PHỐI HỢP GIỮA LỰC LƯỢNG KIỂM LÂM, CHỦ RỪNG VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 1672/SNN-KL ngày 24 tháng 9 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phân định trách nhiệm; quan hệ phối hợp giữa kiểm lâm, chủ rừng và Ủy ban nhân dân cấp xã trong công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Đức Vinh

 

QUY CHẾ

PHÂN ĐỊNH TRÁCH NHIỆM; QUAN HỆ PHỐI HỢP GIỮA LỰC LƯỢNG KIỂM LÂM, CHỦ RỪNG VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2614/QĐ-UBND ngày 03 tháng 10 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố (sau đây viết là Ủy ban nhân dân cấp huyện); quan hệ phối hợp giữa Hạt Kiểm lâm cấp huyện, chủ rừng và Ủy ban nhân dân cấp xã.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện; Hạt Kiểm lâm cấp huyện; chủ rừng và Ủy ban nhân dân cấp xã trong công tác bảo vệ rừng ở địa phương.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hạt Kiểm lâm cấp huyện: Hạt Kiểm lâm huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Khánh Hòa.

2. Chủ rừng

a) Ban Quản lý rừng phòng hộ Vạn Ninh, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương;

b) Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao đất, cho thuê đất để phát triển rừng hoặc công nhận quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, nhận chuyển quyền sử dụng rừng, nhận chuyển quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng có phạm vi từ diện tích 1.000 ha rừng và đất lâm nghiệp trở lên.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã: Ủy ban nhân dân xã, Ủy ban nhân dân phường, Ủy ban nhân dân thị trấn nơi có rừng.

Chương II

TRÁCH NHIỆM BẢO VỆ RỪNG

Điều 4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, chính sách, chế độ Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp.

2. Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, khai thác lâm sản theo quy định của pháp luật; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định về giao đất, giao rừng và khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng.

3. Huy động, chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn để ngăn chặn mọi hành vi gây thiệt hại đến tài nguyên rừng; tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sinh vật hại rừng.

4. Tổ chức thực hiện công tác giao rừng, thu hồi rừng và đất lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về rừng và đất lâm nghiệp.

5. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện thống kê, theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp.

6. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi chặt chẽ đối tượng vi phạm có tính chuyên nghiệp để xử lý; đấu tranh kiên quyết, chấm dứt tình trạng chống người thi hành công vụ.

7. Tổ chức việc lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, đất lâm nghiệp, các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản; chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi tiêu thụ, hợp thức hóa nguồn gỗ, lâm sản trái pháp luật.

8. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc để xảy ra phá rừng trái phép, cháy rừng, mất rừng, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích ở địa phương.

Điều 5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Quản lý diện tích, ranh giới các khu rừng; các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

2. Tổ chức việc lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch, phương án bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức thực hiện quy hoạch ba loại rừng trên thực địa, quy hoạch chi tiết về bảo vệ và phát triển rừng gắn với các chủ rừng.

4. Tiếp và xác nhận hồ sơ xin giao rừng, thuê rừng và giao đất, thuê đất lâm nghiệp đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư theo thẩm quyền.

5. Chỉ đạo cộng đồng dân cư thôn xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn phù hợp với quy định của pháp luật; hướng dẫn thực hiện sản xuất lâm nghiệp; canh tác nương rẫy và chăn thả gia súc theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt.

6. Tổ chức hoạt động có hiệu quả của các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ; huy động các lực lượng trên địa bàn kịp thời ngăn chặn các hành vi phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương án bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ); kịp thời báo cáo lên cấp trên đối với vụ việc khi vượt quá tầm kiểm soát của xã; giám sát hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản theo quy định của pháp luật.

7. Xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật; theo dõi chặt chẽ đối tượng vi phạm có tính chuyên nghiệp để xử lý.

8. Theo dõi, cập nhật diễn biến rừng, đất lâm nghiệp; thường xuyên kiểm tra việc sử dụng rừng, đất lâm nghiệp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn xã.

9. Tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng nhà nước chưa giao, chưa cho thuê và xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để giao lại cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê diện tích rừng này để rừng thực sự có chủ cụ thể.

10. Hòa giải các tranh chấp về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.

11. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng, giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trái quy định pháp luật, cháy rừng nghiêm trọng, kéo dài mà trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để; để xảy ra tình trạng “điểm nóng” về phá rừng, khai thác rừng, cháy rừng trên địa bàn quản lý của mình mà không báo cáo kịp thời lên Ủy ban nhân dân cấp huyện để có biện pháp ngăn chặn khi diễn biến tình hình có nguy cơ vượt quá tầm kiểm soát của mình, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm cấp huyện

1. Tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn; huy động các đơn vị vũ trang, lực lượng và phương tiện khác của các đơn vị, cá nhân đóng trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn, ứng cứu những vụ cháy rừng và những vụ phá rừng nghiêm trọng trong những tình huống cần thiết và cấp bách.

2. Phối hợp với cơ quan nhà nước có liên quan, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng, thực hiện bảo vệ rừng trên địa bàn:

a) Bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, phát triển rừng; phòng trừ sâu bệnh hại rừng;

b) Kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản; tổ chức tuần tra, truy quét các tổ chức, cá nhân phá hoại rừng; khai thác, tàng trữ, mua bán, vận chuyển lâm sản; săn bắt động vật rừng trái phép trên địa bàn được giao quản lý;

c) Tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chế độ, chính sách về quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng, quản lý khai thác và sử dụng lâm sản; vận động nhân dân bảo vệ, phát triển rừng; xây dựng lực lượng quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; huấn luyện nghiệp vụ cho các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng;

d) Hướng dẫn chủ rừng, cộng đồng dân cư địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch, phương án bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, quy ước bảo vệ rừng;

đ) Phối hợp với các Hạt Kiểm lâm huyện giáp ranh để bảo vệ rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn;

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác về phát triển lâm nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân công;

g) Theo dõi chặt chẽ đối tượng vi phạm có tính chuyên nghiệp để xử lý.

3. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm cấp huyện không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao, để xảy ra tình trạng “điểm nóng” về phá rừng, khai thác rừng, cháy rừng trên địa bàn quản lý của mình mà trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời, triệt để; không báo cáo kịp thời lên Chi cục Kiểm lâm để có biện pháp ngăn chặn khi diễn biến tình hình có nguy cơ vượt quá tầm kiểm soát của mình thì phải kiểm điểm và bị truy cứu trách nhiệm kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Trách nhiệm của chủ rừng

1. Tổ chức bảo vệ rừng trên diện tích đã được Nhà nước giao, cho thuê theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

2. Xây dựng và thực hiện phương án, biện pháp bảo vệ hệ sinh thái rừng; phòng, chống chặt phá rừng; phòng, chống săn, bắt, bẫy động vật rừng trái phép; phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về đất đai, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, pháp luật về thú y và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Chủ rừng có diện tích rừng từ 1.000 ha trở lên phải tổ chức lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.

4. Lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng được trang bị đồng phục và một số công cụ hỗ trợ; có quyền hạn, trách nhiệm tổ chức phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hành vi xâm hại rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng; được Nhà nước hỗ trợ đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý bảo vệ rừng.

5. Theo dõi chặt chẽ đối tượng vi phạm có tính chuyên nghiệp để báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.

6. Chủ rừng không thực hiện đầy đủ nội dung quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều này, để mất rừng được Nhà nước giao, cho thuê mà không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để; để xảy ra tình trạng “điểm nóng” trên diện tích được giao, được thuê mà không tổ chức lực lượng ngăn chặn, không báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn khi diễn biến tình hình có nguy cơ vượt quá tầm kiểm soát của mình thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Chương III

QUAN HỆ PHỐI HỢP GIỮA LỰC LƯỢNG KIỂM LÂM, CHỦ RỪNG VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ

Điều 8. Nguyên tắc phối hợp

1. Quan hệ phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng trên địa bàn quản lý giữa kiểm lâm, chủ rừng, Ủy ban nhân dân cấp xã là quan hệ hỗ trợ giữa các lực lượng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan.

2. Đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành thống nhất; sự hỗ trợ lẫn nhau để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Các lực lượng phối hợp phải chấp hành nghiêm sự chỉ huy thống nhất của người và cơ quan chủ trì theo đúng phương án phối hợp.

3. Đảm bảo việc phối hợp giải quyết vụ việc được kịp thời, chính xác, khách quan theo đúng quy định của pháp luật; không vượt quá phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hoặc làm ảnh hưởng đến công việc của nhau.

4. Trường hợp chưa có sự thống nhất trong biện pháp, cách giải quyết vụ việc hoặc trao đổi thông tin hay những yêu cầu vượt quá quyền hạn, kiểm lâm, chủ rừng, Ủy ban nhân dân cấp xã phải bàn bạc cụ thể để thống nhất giải quyết hoặc báo cáo lên Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đề ra chủ trương giải quyết cụ thể.

5. Việc xử lý các vụ vi phạm về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản phải kiên quyết, chủ động, theo đúng thẩm quyền đã được pháp luật quy định.

6. Các hoạt động phối hợp thống nhất đặt dưới sự quản lý, chỉ đạo toàn diện của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 9. Chế độ giao ban

Định kỳ 3 tháng luân phiên giao ban giữa Hạt Kiểm lâm, chủ rừng, Ủy ban nhân dân cấp xã, nhằm đánh giá kết quả, ưu khuyết điểm trong công tác phối hợp, những khó khăn vướng mắc để từ đó có biện pháp khắc phục cho hoạt động phối hợp có hiệu quả hơn.

Điều 10. Nội dung phối hợp giữa chủ rừng và kiểm lâm

1. Chủ rừng

a) Khi diễn biến tình hình cháy rừng, phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên lâm phận được giao, được thuê có nguy cơ vượt quá tầm kiểm soát của mình, bằng các hình thức và phương tiện liên lạc có được, chủ rừng phải thông báo nhanh, kịp thời cho Hạt Kiểm lâm cấp huyện hoặc Trạm Kiểm lâm quản lý địa bàn gần nhất.

b) Hàng tuần vào chiều thứ Sáu, tổng hợp và gửi báo cáo bằng văn bản về tình hình công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng với Hạt Kiểm lâm cấp huyện.

2. Hạt Kiểm lâm cấp huyện

a) Khi nhận được thông tin về tình hình cháy rừng, phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên lâm phận của chủ rừng, cử ngay lực lượng tăng cường hỗ trợ chủ rừng ngăn chặn các hành vi vi phạm.

b) Tiếp nhận và tổng hợp tình hình công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng do chủ rừng báo cáo để báo cáo cấp trên theo định kỳ đã quy định.

3. Trong quan hệ phối hợp bảo vệ rừng trong lâm phận của chủ rừng, Hạt Kiểm lâm cấp huyện là cơ quan chủ trì việc kiểm tra và tiến hành thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm.

Điều 11. Nội dung phối hợp giữa Ủy ban nhân dân cấp xã và kiểm lâm

1. Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Khi diễn biến tình hình cháy rừng, phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn quản lý có nguy cơ vượt quá tầm kiểm soát của Ủy ban nhân dân cấp xã, bằng các hình thức và phương tiện liên lạc có được, Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo nhanh, kịp thời cho Hạt Kiểm lâm cấp huyện hoặc Trạm Kiểm lâm quản lý địa bàn gần nhất.

b) Cung cấp thông tin cho Hạt Kiểm lâm cấp huyện về tình hình phá rừng, khai thác rừng, mua bán, vận chuyển, kinh doanh lâm sản trái phép; các đối tượng vi phạm có tính chuyên nghiệp, các đối tượng cầm đầu và các đối tượng có liên quan trên địa bàn quản lý.

2. Hạt Kiểm lâm cấp huyện

a) Khi nhận được thông tin về tình hình cháy rừng, phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn xã, cử ngay lực lượng tăng cường hỗ trợ Ủy ban nhân dân cấp xã ngăn chặn các hành vi vi phạm.

b) Trên cơ sở thông tin do Ủy ban nhân dân cấp xã cung cấp về tình hình phá rừng, khai thác rừng, mua bán, vận chuyển, kinh doanh lâm sản trái phép; về các đối tượng vi phạm có tính chuyên nghiệp, các đối tượng cầm đầu và các đối tượng có liên quan khác, Hạt Kiểm lâm cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lực lượng triệt phá “tụ điểm”.

3. Trong quan hệ phối hợp bảo vệ rừng trên địa bàn xã, Hạt Kiểm lâm cấp huyện là cơ quan chủ trì việc kiểm tra và tiến hành thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm.

Điều 12. Nội dung phối hợp giữa chủ rừng và Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Chủ rừng

a) Khi diễn biến tình hình cháy rừng, phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên lâm phận được giao, được thuê có nguy cơ vượt quá tầm kiểm soát của mình, bằng các hình thức và phương tiện liên lạc có được, chủ rừng phải thông báo nhanh, kịp thời cho Ủy ban nhân dân cấp xã.

b) Hàng tuần vào chiều thứ Sáu, tổng hợp và gửi báo cáo bằng văn bản về tình hình công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cho Ủy ban nhân dân cấp xã.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Khi nhận được thông tin về tình hình cháy rừng, phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên lâm phận của chủ rừng, cử ngay lực lượng dân quân tăng cường hỗ trợ chủ rừng ngăn chặn các hành vi vi phạm.

b) Tiếp nhận và tổng hợp tình hình công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng do chủ rừng báo cáo để báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện theo định kỳ đã quy định.

3. Trong quan hệ phối hợp bảo vệ rừng trong lâm phận của chủ rừng, Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan chủ trì việc kiểm tra và tiến hành thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm.

Điều 13. Nội dung hiệp đồng lực lượng giữa kiểm lâm, chủ rừng và Ủy ban nhân dân cấp xã để ngăn chặn các vụ vi phạm

1. Khi diễn biến tình hình cháy rừng, phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên lâm phận được giao, được thuê của chủ rừng, hoặc diện tích rừng, đất lâm nghiệp thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã tiềm ẩn nguy cơ vượt quá khả năng kiểm soát của chủ rừng, của Ủy ban nhân dân cấp xã, thì Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc chủ rừng thông tin ngay cho Hạt Kiểm lâm cấp huyện để phối hợp lực lượng của cả 3 cơ quan tiến hành các biện pháp kiểm tra, ngăn chặn.

2. Trong mối quan hệ hiệp đồng lực lượng này, Hạt Kiểm lâm cấp huyện là cơ quan chủ trì việc kiểm tra và tiến hành thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan trên địa bàn tỉnh.

2. Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì việc tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy chế; tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung nội dung Quy chế cho phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật./.