Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5402/QĐ-UBND.ĐTXD | Nghệ An, ngày 27 tháng 12 năm 2012 |
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003; Luật Bảo vệ Môi trường ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 04 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;
Căn cứ Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 798/QĐ-TTg ngày 25/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011 - 2020; Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 15/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đến 2025;
Căn cứ Quyết định số 3503/2007/QĐ-UBND ngày 11/9/2007 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Y tế tỉnh Nghệ An giai đoạn năm 2010 và tầm nhìn đến 2020; Quyết định số 97/2010/QĐ- UBND ngày 06/12/2010 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh tỉnh Nghệ An, giai đoạn năm 2011 đến 2020. Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 2160/TTr-SYT-KH ngày tháng 12 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án tổng thể xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2012 - 2020, có tính đến 2025 (có Đề án kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
TỔNG THỂ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN Y TẾ NGUY HẠI TỈNH NGHỆ AN, GIAI ĐOẠN 2012 - 2020, CÓ TÍNH ĐẾN 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 5402/QĐ-UBND.ĐTXD ngày 27/12/2012)
1. Nguồn phát sinh chất thải rắn y tế
Chất thải rắn y tế là chất thải phát sinh từ các cơ sở y tế (Bệnh viện, Trung tâm Y tế, các phòng thí nghiệm, Trạm Y tế, các cơ sở y tế tư nhân,…).
Chất thải rắn y tế, gồm:- Chất thải sinh hoạt (chất thải thông thường).
- Chất thải rắn y tế nguy hại.
1.1. Chất thải rắn sinh hoạt (chất thải thông thường):
Chất thải rắn sinh hoạt (chất thải rắn thông thường) phát sinh từ các buồng bệnh (trừ các buồng bệnh cách ly), từ các công việc hành chính (giấy, báo, túi nilon,…), lá cây và rác từ các khu vực ngoại cảnh. Là chất thải không chứa các yếu tố lây nhiễm cho con người.
1.2. Chất thải rắn y tế nguy hại:
Chất thải rắn y tế nguy hại là chất thải phát sinh từ các cơ sở y tế, có mang các yếu tố gây bệnh, các chất độc hại, nếu không được xử lý triệt để sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường. Chất thải rắn y tế nguy hại gồm:
- Chất thải sắc nhọn (loại A): là chất thải có thể gây ra các vết cắt hoặc chọc thủng, có thể nhiễm khuẩn, bao gồm: bơm kim tiêm, đầu sắc nhọn của dây truyền, lưỡi dao mổ, đinh mổ, cưa, các ống tiêm, mảnh thuỷ tinh vỡ và các vật sắc nhọn khác sử dụng trong các loại hoạt động y tế.
- Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn (loại B): là chất thải bị thấm máu, thấm dịch sinh học của cơ thể và các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly.
- Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao (loại C): là chất thải phát sinh trong các phòng xét nghiệm như: bệnh phẩm và dụng cụ đựng, dính bệnh phẩm.
- Chất thải giải phẫu (loại D): bao gồm các mô, cơ quan, bộ phận cơ thể người; rau thai, bào thai và xác động vật thí nghiệm.
Chất thải rắn y tế nếu xử lý không đúng sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, gây ô nhiễm môi trường đất và các nguồn nước, môi trường không khí.
2. Tình hình xử lý chất thải rắn y tế chung của cả nước hiện nay
2.1. Tình hình phát sinh chất thải rắn y tế
Theo báo cáo thống kê hiện tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh từ các bệnh viện trong cả nước khoảng 350 tấn/ngày, đòi hỏi phải xử lý bằng những biện pháp phù hợp. Tỷ lệ gia tăng chất thải y tế phụ thuộc vào tăng giường bệnh, phát triển các dịch vụ kỹ thuật và sự tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân. Ước tính đến năm 2015 lượng chất thải phát sinh khoảng 600 tấn/ngày và đến 2020 khoảng 800 tấn/ngày.
2.2. Mô hình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại
Có 3 loại mô hình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại được áp dụng hiện tại và tương lai:
- Mô hình xử lý tập trung: đối với cơ sở đủ điều kiện đảm bảo xử lý triệt để không gây ô nhiễm môi trường. đây là mô hình đang phát huy hiệu quả, được nhiều địa phương trong cả nước áp dụng.
- Xử lý theo cụm: áp dụng đối với các bệnh viện (cơ sở y tế) gần nhau.
- Xử lý tại chỗ: đối với các các bệnh viện (cơ sở y tế) không có điều kiện vận chuyển chất thải rắn y tế đến khu xử lý rác tập trung hoặc theo cụm.
2.3. Công nghệ đang được áp dụng
2.3.1. Phương pháp truyền thống: chôn lấp, đang sử dụng phổ biến tại các đơn vị y tế vùng miền núi, nông thôn. Do chưa được xử lý đúng quy định nên nguy cơ ô nhiễm lớn.
2.3.2. Phương pháp hiện đại:
- Công nghệ đốt (lò đốt): Ưu điểm: với nhiệt độ cao thì chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý triệt để, loại trừ được các mầm bệnh, giảm tối đa thể tích rác sau khi xử lý (còn lại tro).
Nhược điểm: Có thể phát sinh khí thải gây ô nhiễm không khí, nếu lò đốt không có hệ thống xử lý khí thải. Công nghệ này đã được áp dụng chủ yếu tại các bệnh viện hiện nay.
- Công nghệ không đốt: Ưu điểm: khử khuẩn được vi, ký sinh vật trước khi đưa vào xử lý các bước tiếp theo. Nhược điểm: không giảm được thể tích rác, mà sau khi xử lý bằng công nghệ này thì phải chôn lấp. Nếu để lâu nguy cơ ô nhiễm (do vi khuẩn phát sinh).
Công nghệ không đốt này, hiện mới chỉ mới sử dụng ở một số bệnh viện, như: Bệnh K TW (Hà Nội), Bệnh viện Uông Bí (Quảng Ninh), Bệnh viện C (Đà Nẵng), Bệnh viện phụ sản thành phố Hồ Chí Minh sử dụng bằng công nghệ không đốt (vi sóng).
Bảng so sánh hai loại công nghệ hiện đại
Công nghệ | Ưu điểm | Nhược điểm |
Công nghệ đốt (Lò đốt) | - Tiêu diệt được toàn bộ vi sinh vật ở nhiệt độ cao; - Giảm được khối lượng chất thải đáng kể (sau đốt còn lại tro) | - Phải chi phí nhiên liệu để đốt. - Nếu lò đốt không có hệ thống xử lý khí thải thì sẽ gây ô nhiễm môi trường (phát sinh chất độc hại: Dioxin, Furan, ...) |
Công nghệ không đốt (Công nghệ tiệt khuẩn bằng nhiệt ướt; tiệt khuẩn bằng vi sóng kết hợp với hơi nước bão hòa; xử lý bằng hóa chất; bức xạ) | Xử lý các chất thải lây nhiễm thành các chất thải thông thường trước khi thải ra môi trường - Tiêu diệt được toàn bộ vi sinh vật. - Không phát thải khí độc. - Sử dụng được ở cả khu vực dân cư và đô thị. - Vận hành đơn giản, tự động (do phát triển khoa học công nghệ). | - Không giảm được khối lượng chất thải, mà sau khi đã khử khuẩn xong thì chôn lấp, nếu không xử lý tiếp thì sẽ ô nhiễm trở lại. - Chi phí tương đối cao |
3. Thực trạng xử lý chất thải rắn y tế tại các cơ sở y tế tỉnh Nghệ An
3.1. Hệ thống y tế tỉnh
a) Hệ khám chữa bệnh
Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có: 40 Bệnh viện (BV), Tổng có 6651 giường bệnh (gb), đạt 20,6 giường bệnh/vạn dân, gồm: 29 Bệnh viện công lập (12 BV tuyến tỉnh, 17 BV tuyến huyện, 4925 giường bệnh, 22 phòng khám đa khoa khu vực; 08 BV ngoài công lập, 756 gb; 03 BV ngành và Quân đội đóng trên địa bàn, 600 gb;
Chuẩn bị phát triển thêm BV Phụ sản quốc tế 100 gb, BV Răng hàm mặt Thái Thượng Hoàng 50 gb và một số bệnh viện tư nhân khác đã được phê duyệt dự án và đang trong giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng;
Ngoài ra còn có 359 cơ sở hành nghề y tư nhân khác.
Kế hoạch 2015 toàn tỉnh đạt 25 gb/vạn dân, năm 2020 đạt 30 gb/vạn dân.
b) Hệ dự phòng
Tuyến tỉnh: 10 Trung tâm Y tế (TTYT) tuyến tỉnh (có 04 TTYT có gb);
02 Chi cục: Chi cục ATVSTP, Chi cục Dân số/KHHGĐ.
Tuyến huyện: 20 TTYT tuyến huyện (TTYT Nghĩa Đàn có gb).
c) Y tế tuyến xã
Gồm 480 Trạm Y tế xã/phường/thị trấn, có 2400 giường bệnh (trung bình mỗi TYT có 5 gb).
Tổng giường bệnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An 8666 gb (bao gồm cả gb Trạm Y tế xã).
d) Các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Vinh và vùng phụ cận
Gồm TP Vinh, Nam đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TX Cửa Lò, Diễn Châu có: 5011 gb.
- 20 cơ sở y tế công lập (Bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện/TP/TX, Trung tâm tuyến tỉnh có giường bệnh): 3310 giường bệnh.
- 7 bệnh viện tư nhân: 656 giường bệnh. Chuẩn bị phát triển thêm BV Phụ sản quốc tế 100 gb, BV Răng hàm mặt Thái Thượng Hoàng 50 gb.
- 02 BV ngành và quân đội: BVQY 4 và BV giao thông 4: 400 gb;
- 148 Trạm Y tế xã/phường/thị trấn: 545 gb.
3.2. Thực trạng xử lý chất thải rắn y tế
a) Chất thải sinh hoạt thông thường: các đơn vị thu gom, hợp đồng với Công ty môi trường đô thị xử lý, hoặc đơn vị tự xử lý bằng đốt thủ công, chôn lấp.
b) Xử lý chất thải rắn y tế nguy hại: Hầu hết các đơn vị KCB thu gom, phân loại và xử lý bằng công nghệ đốt hoặc chôn lấp.
- Các Bệnh viện tuyến tỉnh (kể cả bệnh viện tư nhân) và các cơ sở y tế đóng trên địa bàn thành phố Vinh: xử lý tập trung tại lò đốt Hoval của BVHNđK tỉnh (lò đốt công suất 400 - 500 kg/24 h). Từ tháng 11/2011 đến nay do lò đốt rác Hoval BVHNđK tỉnh xuống cấp, không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, do vậy chất thải rắn y tế nguy hại của một số cơ sở y tế trên địa bàn thành phố phải đốt tại lò đốt các bệnh viện: BVđKTP Vinh, BVđK huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Tx Cửa Lò, BV Lao. đây cũng là giải pháp tạm thời trước mắt, vì các lò đốt ở các Bệnh viện này có công suất nhỏ 40 -50 kg/ngày, quá tải sẽ hỏng.
- Các cơ sở y tế tuyến huyện:
+ Bệnh viện ĐK tuyến huyện xử lý tại chỗ bằng lò đốt, không có hệ thống xử lý khí thải, gồm 09 Bệnh viện được trang bị lò đốt 1 buồng đưa vào sử dụng từ năm 2005, đến nay một số lò xuống cấp, hỏng; 08 bệnh viện được trang bị lò đốt 2 buồng của Nhật Bản (nguồn Trái phiếu CP) đưa vào sử dụng năm 2010, hiện đang sử dụng được (có phụ lục kèm theo).
+ Bệnh viện ĐKKV Tây Bắc (Thái Hoà) và Tây Nam (Con Cuông) chưa có lò đốt, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại bằng đốt thủ công, chôn lấp.
+ 20 Trung tâm Y tế huyện, các cơ sở y tế khác xử lý chất thải rắn y tế nguy hại bằng đốt thủ công hoặc chôn lấp.
- Trạm Y tế xã: xử lý bằng đốt thủ công hoặc chôn lấp.
3.3. Dự báo chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh
Theo số liệu thống kê lượng chất thải rắn y tế bình quân là 1,3 kg/giường bệnh/ngày, trong đó có 25% là chất thải rắn y tế nguy hại. Như vậy trung bình mỗi ngày trên địa bàn toàn tỉnh có trên 3000 kg chất thải rắn y tế nguy hại được thải ra từ các cơ sở y tế.
Với mục tiêu đến năm 2015, đạt 25 giường bệnh/vạn dân, đến năm 2020 đạt 30 giường bệnh/vạn dân (không kể gb Trạm Y tế xã) thì đến năm 2020 có gần 5000 kg và ước tính đến 2025 có gần 6000 kg chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh mỗi ngày. Nếu không có những biện pháp để xử lý triệt để lượng chất thải rắn y tế phát sinh thì đây sẽ là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Dự báo khối lượng chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh như sau:
TT | Khu vực/cụm | Khối lượng CTRYT nguy hại (kg/ngày) | Ghi chú | |||
Năm 2012 | Năm 2015 | Năm 2020 | Dự kiến năm 2025 | |||
| Toàn tỉnh | 3451 | 4189 | 4991 | 6127 |
|
1 | Khu vực TP Vinh và các huyện phụ cận ( Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TX Cửa Lò, Diễn Châu) | 1728 | 2147 | 2713 | 3500 |
|
2 | Cụm Thái Hoà - Nghĩa Đàn | 154 | 190 | 220 | 300 |
|
3 | Cụm Đô Lương - Thanh Chương - Tân Kỳ | 447 | 554 | 671 | 720 |
|
4 | Cụm Quỳnh Lưu - Yên Thành - Hoàng Mai | 463 | 574 | 622 | 700 |
|
5 | Tại các huyện đường 48: Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong | 344 | 388 | 485 | 530 |
|
6 | Tại các huyện đường 7: Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn | 315 | 336 | 280 | 377 |
|
(Có bảng chi tiết tại phụ lục 1 kèm theo)
Xuất phát từ thực trạng trên, khối lượng phát sinh chất thải rắn y tế nguy hại ngày càng nhiều do các đơn vị khám chữa bệnh không ngừng phát triển các dịch vụ kỹ thuật y tế mới, nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ngày càng cao.
Việc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại của các cơ sở y tế tỉnh Nghệ An như hiện nay phần lớn bằng phương pháp thủ công, chôn lấp không đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, một số bệnh viện xử lý bằng công nghệ lò đốt (lò đốt không có hệ thống xử lý khí thải) có nhiều nhược điểm: Tạo ra khói bụi, các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Các cơ sở y tế phần lớn đều nằm trong khu vực dân cư, nội thành, nội thị. Chất thải rắn y tế phát sinh từ các cơ sở y tế ngày càng nhiều, nếu không được xử lý hoặc xử lý không đúng quy trình kỹ thuật thì đây sẽ là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cán bộ y tế phục vụ bệnh nhân tại các bệnh viện, ảnh hưởng đến bệnh nhân trong quá trình nằm viện và cộng đồng dân cư.
Nhìn chung việc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở y tế của tỉnh mới chỉ giải quyết được một phần, một số cơ sở chưa được trang bị lò đốt, một số được trang bị lò đốt nhưng lại không đạt tiêu chuẩn môi trường (lò đốt không có hệ thống xử lý khí thải), một số đơn vị xử lý bằng thủ công, đốt, chôn lấp không đạt tiêu chuẩn quy định do đó ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ cộng đồng.
Xuất phát từ thực trạng trên việc xây dựng đề án tổng thể hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2012 - 2020, có tính đến 2025 là hết sức cần thiết.
1. Luật bảo vệ Môi trường số 52/2005/QH11ngày 29/11/2005;
2. Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;
3. Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;
4. Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;
5. Quyết định số 798/QĐ-TTg ngày 25/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011 - 2020;
6. Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 15/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020;
7. Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đến 2025;
8. Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ Y tế v/v ban hành quy chế quản lý chất thải y tế;
9. Quyết định số 3503/2007/QĐ-UBND ngày 11/9/2007 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Y tế tỉnh Nghệ An giai đoạn năm 2010 và tầm nhìn đến 2020;
10. Quyết định số 97/2010/QĐ-UBND ngày 06/12/2010 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh tỉnh Nghệ An, giai đoạn năm 2011 đến 2020.
- Phù hợp với Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2050, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế tỉnh Nghệ An giai đoạn đến năm 2010 tầm nhìn đến 2020 và Quy hoạch mạng lưới khám chữa bệnh năm 2011 đến năm 2020 của tỉnh Nghệ An;
- Gắn với quy hoạch khu xử lý chất thải rắn vùng liên huyện, vùng tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Bảo đảm tập trung thu gom, cô lập, giảm thiểu chất thải rắn y tế nguy hại tại nguồn và xử lý triệt để nhằm đảm bảo vệ vệ sinh môi trường, tiết kiệm đất;
- Áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn y tế tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh.
a) Mục tiêu tổng quát:
- Quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn y tế nguy hại, cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững đất nước.
- Các cơ sở xử lý chất thải rắn y tế nguy hại được đầu tư xây dựng phải gắn liền với các khu xử lý chất thải rắn liên huyện, vùng tỉnh và tại các cơ sở y tế nhằm thu gom, xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, phù hợp.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Giai đoạn đến năm 2015: 100% lượng chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở y tế được thu gom, phân loại và vận chuyển đến các cơ sở xử lý, trong đó 70% lượng chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.
- Giai đoạn đến năm 2020: 100% lượng chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở y tế được thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.
1. Hoàn thiện tổ chức, cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải y tế.
Sở Y tế quản lý nhà nước trong công tác quản lý chất thải y tế. Trung tâm Y tế dự phòng, là đơn vị tham mưu cho Sở Y tế về mặt kỹ thuật, kiểm tra giám sát việc thực hiện quản lý chất thải tại các cơ sở y tế trên địa bàn.
Tại các cơ sở y tế có bộ phận chuyên trách hoặc kiêm nhiệm chịu trách nhiệm tham mưu, giúp người đứng đầu cơ sở y tế trong công tác quản lý chất thải y tế tại đơn vị.
2. Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật về quản lý chất thải y tế.
- Xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn cơ chế phối hợp giữa Sở Y tế và Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường; cơ chế chính sách ưu đãi, xã hội hoá để thu hút đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải y tế.
- Xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn định mức kinh tế, kỹ thuật về phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý đối với từng loại chất thải y tế tại cơ sở y tế:
+ Các bệnh viện (cơ sở y tế) phân loại chất thải rắn y tế nguy hại theo quy định của Bộ Y tế (Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007), có kho lạnh để bảo quản rác và xử lý theo đúng quy định (đối với đơn vị xử lý tại chỗ), chuyển về xử lý tập trung tại Bệnh viện đK huyện (đối với các cơ sở y tế các huyện).
+ Đơn vị chịu trách nhiệm xử lý rác tập trung cho các cơ sở y tế trong khu vực được phân công có trách nhiệm thu gom từ các cơ sở về trung tâm xử lý bằng xe ô tô chuyên dụng, có kho lạnh bảo quản và xử lý theo theo quy định.
+ Giá vận chuyển và giá đốt chất thải rắn y tế nguy hại theo quy định của UBND tỉnh.
- Xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn quy định quản lý chất thải y tế cho trạm y tế tuyến xã.
- Xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn công tác kiểm tra, báo cáo trong lĩnh vực quản lý chất thải y tế.
3. Đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế nhằm khắc phục cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở y tế từ tỉnh đến Trạm Y tế xã.
a) Lập phương án quy hoạch, cải tạo, nâng cấp, trang bị mới hệ thống xử lý chất thải cho các cơ sở y tế.
b) đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế.
+ Xây dựng và trang bị hoàn chỉnh hệ thống thu gom phân loại, lưu giữ, vận chuyển chất thải trong các cơ sở y tế: như túi nilon, các hộp, thùng chứa phù hợp phục vụ công tác thu gom phân loại chất thải; xe hoặc phương tiện vận chuyển chất thải từ nơi phát sinh đến nơi lưu giữ chất thải tạm thời trong cơ sở y tế; địa điểm, khu vực dành riêng để lưu giữ tạm thời chất thải y tế trước khi đem đi xử lý.
+ Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn y tế đảm bảo hiệu quả, an toàn và thân thiện môi trường theo định hướng: đối với các cơ sở y tế tại các thành phố, khu đô thị thực hiện xử lý chất thải rắn y tế theo mô hình tập trung; đối với các cơ sở y tế không có điều kiện xử lý chất thải theo mô hình tập trung, có thể thực hiện xử lý chất thải theo mô hình cụm gồm nhiều cơ sở y tế gần nhau hoặc theo mô hình xử lý tại cơ sở y tế.
Đối với các bệnh viện, các khoa trong bệnh viện hoặc các cơ sở y tế khác có tính đặc thù lây nhiễm cao cần thực hiện khử khuẩn chất thải y tế lây nhiễm tại cơ sở trước khi vận chuyển đến khu xử lý tập trung.
Các cơ sở y tế, đặc biệt là các bệnh viện trước khi đưa chất thải ra khỏi cơ sở để xử lý tại các cơ sở xử lý tập trung trên địa bàn, cần xử lý tại chỗ đối với chất thải y tế lây nhiễm.
4. Tăng cường năng lực quan trắc, đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở y tế.
5. Nghiên cứu khoa học về xử lý chất thải y tế.
6. Thông tin, giáo dục, truyền thông và tập huấn nâng cao kiến thức về xử lý chất thải y tế.
1.1. Tiêu chí lựa chọn công nghệ: để xử lý triệt để lượng chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh, đồng thời phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội của từng địa phương. Lựa chọn công nghệ xử lý dựa vào các tiêu chí như sau:
+ Thành phần, tính chất chất thải rắn y tế nguy hại;
+ Khả năng phân loại, cô lập chất thải rắn y tế tại nguồn thải;
+ Khối lượng chất thải rắn y tế nguy hại cần xử lý;
+ Vị trí đặt cơ sở xử lý chất thải rắn y tế nguy hại;
+ Khả năng tài chính và khả năng quản lý vận hành của từng đơn vị.
1.2. định hướng lựa chọn công nghệ:
Lựa chọn công nghệ tân tiến nhất, hiện đại nhất, thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm môi trường, không lạc hậu cho đến 10 - 15 năm sau, vận hành thuận tiện, chi phí đầu tư và vận hành phù hợp với điều kiện kinh tế của tỉnh.
+ Công nghệ không đốt: Ưu tiên lựa chọn cho xử lý tập trung (áp dụng cho Trung tâm xử lý chất thải rắn y tế nguy hại khu vực thành phố Vinh và các huyện phụ cận (TP Vinh, Nam đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TX Cửa Lò, Diễn Châu ).
+ Công nghệ đốt bằng lò đốt 2 buồng, có hệ thống xử lý khí thải
- Để xử lý chất thải rắn y tế nguy hại triệt để tại chỗ cho các bệnh viện. Trước mắt đến 2015 bố trí cho mỗi bệnh viện 01 lò đốt đối với bệnh viện chưa có, thay thế lò đốt mới cho các bệnh viện đã hư hỏng, không đạt tiêu chuẩn môi trường phù hợp với lượng chất thải của từng bệnh viện.
- Cho các huyện miền núi, vùng cao do điều kiện vận chuyển về các cụm khu vực để xử lý quá xa, đường sá đi lại khó khăn.
2. Mô hình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại
2.1. Tiêu chí lựa chọn:
Để lựa chọn mô hình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại phù hợp cho từng địa phương, có 6 tiêu chí như sau:
+ Mức độ phát sinh tập trung chất thải rắn y tế nguy hại.
+ Khối lượng chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh.
+ Hiện trạng cơ sở xử lý chất thải rắn.
+ Mức độ thuận tiện trong việc thu gom, vận chuyển.
+ Định hướng quy hoạch xử lý chất thải rắn.
+ Năng lực về tài chính.
2.2. Mô hình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại: đề xuất áp dụng 3 loại mô hình: Xử lý tập trung, theo cụm và xử lý tại chỗ.
a) Mô hình xử lý tập trung: Áp dụng cho các cơ sở y tế khu vực thành phố Vinh và các huyện phụ cận (Bao gồm các bệnh viện trong và ngoài công lập, các Trung tâm y tế tuyến tỉnh, các Bệnh viện đK và Trung tâm Y tế, Trạm Y tế xã/phường của thành phố Vinh và các huyện Nam đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, Diễn Châu). Dự kiến địa điểm: Tại Hưng Yên Nam, Hưng Nguyên, Nghệ An.
Đến giai đoạn 2015 -2020, dự kiến 02 hệ thống công nghệ không đốt, công suất xử lý: 3000 - 3500 kg/ngày.
b) Mô hình xử lý theo cụm: Cho các cơ sở y tế gần nhau, đề xuất các cụm như sau:
- Cụm Yên Thành, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai: Dự kiến: Phương án 1: đặt tại xã Quỳnh Lộc, huyện Quỳnh Lưu; Phương án 2: Tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu. Hệ thống xử lý công suất 200 - 250 kg/ngày.
- Cụm Thái Hoà - Nghĩa đàn: Dự kiến đặt tại xã Nghĩa Hoà, TX Thái Hoà, xử lý cho BVĐKKV Tây Bắc, TTYTTX và TYT xã của Thái Hoà và huyện Nghĩa Đàn. Hệ thống xử lý công suất 200 - 250 kg/ngày.
- Cụm Đô Lương, Tân Kỳ, Thanh Chương: Dự kiến đặt tại Bệnh viện ĐK huyện Đô Lương (xã Đà Sơn, huyện Đô Lương). Hệ thống xử lý công suất 200 - 250 kg/ngày.
c) Mô hình xử lý tại chỗ: mỗi huyện một điểm (xử lý cho BVđK, TTYT, các TYT xã) dự kiến đặt tại BVđK huyện, gồm:
- Tuyến đường 48: Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, 03 lò đốt, công suất 100 - 150 kg/ngày.
- Tuyến đường 7: Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, 03 lò đốt, công suất 100 - 150 kg/ngày.
d) Trước mắt giai đoạn đến 2015: Mua sắm lò đốt 2 buồng có hệ thống xử lý khí thải, công suất 150 kg/ngày cho các bệnh viện chưa có lò đốt và các bệnh viện được trang bị lò đốt rồi nhưng đã xuống cấp, hư hỏng, không đạt tiêu chuẩn môi trường, cụ thể: BV Lao và bệnh phổi; BVđKKV Tây Bắc, Tây Nam; 8 BVđK huyện: Quỳ Châu, Tân Kỳ, đô Lương, Thanh Chương, Nam đàn, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành và TTYT Nghĩa đàn (có g.bệnh).
Đối với các bệnh viện tư nhân đến 2015: Mỗi bệnh viện tự trang bị một lò đốt (phù hợp với quy mô của từng bệnh viện) có hệ thống xử lý khí thải, đạt tiêu chuẩn môi trường.
3.1. Thu gom, phân loại: các cơ sở y tế thực hiện phân loại chất thải y tế theo quy định tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ Y tế, chất thải rắn sẽ được phân loại vào các túi nilon và thùng đựng rác được mã hóa màu. Chất thải thông thường sẽ được công ty môi trường đô thị vận chuyển tới bãi rác để tiêu hủy. Chất thải nguy hại sẽ được hộ lý hoặc công nhân vệ sinh môi trường sẽ thu gom, đưa vào kho lạnh của bệnh viện để lưu giữ tạm thời, tối đa trong 48 giờ để vận chuyển đến nơi tiêu hủy tập trung hay tại chỗ.
3.2. Khu vực lưu giữ: khu vực lưu giữ được xây dựng đạt tiêu chuẩn quy định cho thiết kế và vận hành chất thải y tế nguy hại. Các bệnh viện phải có kho lạnh chứa rác.
3.3. Vận chuyển rác thải y tế nguy hại:
- Đối với xử lý tập trung, theo cụm: xe ô tô chuyên dụng sẽ vận chuyển rác thải nguy hại từ cơ sở y tế về nơi xử lý định kỳ theo lịch quy định.
- Đối với xử lý tại chỗ: rác thải y tế nguy hại được xử lý tại hệ thống xử lý theo đúng quy định.
4.1. Tổng mức đầu tư (ước tính): 165.000 triệu đồng
TT | Nội dung | Đơn vị | Số lượng | Đơn giá (triệu đồng) | Thành tiền (triệu đồng) |
I | Giai đoạn 1: đến 2015 |
|
|
| 44000 |
| Mua sắm lò đốt 2 buồng có hệ thống xử lý khí thải, công suất 150 kg/ngày cho các BV, gồm: BV Lao và bệnh phổi; BVĐKKV Tây Bắc; Tây Nam; 8 BVĐK huyện: Quỳ Châu, Tân Kỳ, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành và TTYT Nghĩa Đàn | Lò đốt | 11 | 4000 | 44000 |
II | Giai đoạn 2: 2016 - 2020 |
|
|
| 43000 |
| Đầu tư xây dựng Trung tâm xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung cho khu vực TP Vinh và các huyện phụ cận bằng hệ thống công nghệ tân tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường (không đốt) | ||||
1 | Công nghệ | HT | 2 | 15000 | 30000 |
2 | Mua sắm xe ô tô chuyên dụng chở rác | cái | 2 | 1500 | 3000 |
3 | Nhà xưởng và chi phí khác (kho lạnh tại các bệnh viện, nhà để thiết bị,…) |
|
|
| 10000 |
III | Giai đoạn 3: 2021 - 2025 |
|
|
| 78000 |
1 | Đầu tư xây dựng cụm xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung tại Thái Hoà (BVĐKKV Tây Bắc, Thái Hoà, Nghĩa Đàn) | 21500 | |||
| - Công nghệ | HT | 1 | 15000 | 15000 |
| - Mua sắm xe ô tô chuyên dụng chở rác | cái | 1 | 1500 | 1500 |
| - Nhà xưởng, chi phí khác |
|
|
| 5000 |
2 | Đầu tư xây dựng cụm xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung tại Quỳnh Lưu (Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Yên Thành) | 21500
| |||
| - Công nghệ | HT | 1 | 15000 | 15000 |
| - Mua sắm xe ô tô chuyên dụng chở rác | cái | 1 | 1500 | 1500 |
| - Nhà xưởng, chi phí khác |
|
|
| 5000 |
3 | Đầu tư xây dựng cụm xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung tại Đô Lương (Đô Lương, Thanh Chương, Tân Kỳ) | 21500 | |||
| - Công nghệ | HT | 1 | 15000 | 15000 |
| - Mua sắm xe ô tô chuyên dụng chở rác | cái | 1 | 1500 | 1500 |
| - Nhà xưởng, chi phí khác |
|
|
| 5000 |
4 | Thay thế hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại bằng công nghệ tân tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường cho các bệnh viện còn lại: Con Cuông, Anh Sơn, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong | Cái | 7 | 5000 | 35000 |
Tổng cộng cho thực hiện toàn bộ đề án | 165.000 | ||||
(Một trăm sáu mươi lăm tỷ đồng) |
4.2. Nguồn vốn đầu tư:
- Trung ương: Cấp kinh phí lắp đặt trang thiết bị từ nguồn kinh phí bảo vệ môi trường: 30%.
- Tỉnh: Cấp kinh phí chuẩn bị đầu tư; san ủi, giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư và các chi phí khác: 20%.
- Từ các nguồn vốn khác: ODA, xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác: 50%.
5.1. Đối với cơ sở xử lý tập trung:
- Cơ sở hạ tầng: gồm đất xây dựng, tường rào bảo vệ, kho lạnh chứa rác, ô tô chuyên dụng chở rác,…( tuỳ theo từng dự án cụ thể).
Diện tích đất cho Trung tâm xử lý chất thải rắn y tế tập trung: 2- 3 ha (Dự kiến tại xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên) trong khu xử lý chất thải rắn công nghiệp nguy hại tập trung.
UBND tỉnh có cơ chế chính sách giải quyết đất xây dựng, ưu tiên miễn tiền thuê đất…
- Tại các đơn vị y tế cần dành đất để xây dựng kho lạnh chứa rác thải.
5.2. Xử lý theo cụm:
- Tại cụm Yên Thành, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai: đặt tại BVĐK huyện Quỳnh Lưu hoặc địa điểm khác do UBND huyện quyết định.
- Tại cụm Đô Lương, Tân Kỳ, Thanh Chương: đặt tại BVĐK huyện Đô Lương hoặc địa điểm khác do UBND huyện quyết định.
- Tại cụm Thái Hoà, Nghĩa Đàn: Đặt tại BVĐKKV Tây Bắc, thị xã Thái Hoà hoặc địa điểm khác do UBND thị xã Thái Hoà quyết định.
5.3. Đối với cơ sở xử lý tại chỗ: Chọn vị trí phù hợp trong khuôn viên đất bệnh viện hoặc do UBND huyện/TP/TX quyết định.
6. Giải pháp về Tổ chức quản lý
6.1. Đối với xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung:
- Mô hình xã hội hóa: Giao cho Công ty tư nhân đầu tư để quản lý, vận hành. Nhà nước có chính sách hỗ trợ về đất, giải phóng mặt bằng và một số chính sách ưu đãi khác.
- Mô hình nhà nước đầu tư: Thành lập Ban quản lý, điều hành để vận hành hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung. Giao cho Ngành y tế trực tiếp quản lý.
6.2. Xử lý theo cụm và tại chỗ: Do các bệnh viện quản lý.
6.3. Cơ chế thu, chi: Theo mô hình nhà nước đầu tư: Kinh phí sự nghiệp hỗ trợ; kinh phí tính/kg chất thải rắn y tế nguy hại.
- Thu: Tiền vận chuyển, xử lý chất thải rắn.
- Chi: Trả lương cho cán bộ quản lý, công nhân vận hành, nhiên liệu,…
- Đề án sẽ góp phần thực hiện chủ trương của đảng và Nhà nước ta trong công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng, nâng cao sức khỏe và tuổi thọ của nhân dân.
- Trực tiếp góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề về môi trường.
- Không gây ô nhiễm môi trường cho khu vực đông dân cư thành phố.
- Giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở y tế.
- Tạo nếp sống văn hoá, văn minh đô thị và vùng phụ cận.
- Cộng đồng dân cư có môi trường sống tốt hơn, sức khỏe tốt hơn.
- Xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho các bệnh viện là giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường.
V. Tính khả thi và bền vững của đề án
Thực hiện đề án sẽ khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các bệnh viện (cơ sở y tế), góp phần bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân.
- Đề án có tính khả thi cao.
- Nhân dân đồng thuận lớn.
- Phù hợp về thời gian, kinh phí thực hiện.
- Tổ chức duy trì bền vững.
VI. Dự báo tác động môi trường
Các thiết bị được cung cấp trong đề án thuộc thế hệ mới nhất, tân tiến nhất, hiện đại nhất, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường, thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng và không gây ô nhiễm môi trường.
1. Các tác động tiêu cực có thể xảy ra bao gồm:
- Nhiễm khuẩn (vi khuẩn, vi rút, nấm, ký sinh trùng,…), độc tính của hoá chất nếu không được xử lý tốt sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người.
- Khí thải bị ô nhiễm thải ra môi trường khi nhiệt độ lò đốt rác không đạt nhiệt độ theo quy định, quá trình đốt sẽ sinh ra các khí độc mà khí này được thải ra môi trường.
- Vật sắc nhọn: Ngoài sự nguy hại về yếu tố vật lý liên quan đến các vật sắc nhọn, các mẫu nuôi cấy tập trung các mầm bệnh và các vật rắn nhiễm khuẩn, là chất thải có tính nguy hại tiềm tàng với sức khỏe con người.
2. Các biện pháp giảm thiểu tác động tới môi trường:
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đề phòng sự cố môi trường dự án sẽ thực hiện các giải pháp:
- Giải pháp chung:
+ Các cơ sở xử lý chất thải rắn y tế nguy hại phải đảm bảo khoảng cách cách ly an toàn theo quy chuẩn;
+ Bố trí các công trình trong cơ sở xử lý đảm bảo về mặt kỹ thuật, cảnh quan và thuận lợi trong việc thực hiện khắc phục khi xảy ra sự cố;
+ Bố trí diện tích cây xanh theo đúng quy chuẩn xây dựng Việt Nam.
- Giải pháp kỹ thuật:
+ Phổ biến quy định về an toàn lao động, an toàn phòng chống cháy nổ, quy trình vận hành máy móc thiết bị, cung cấp đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động bắt buộc công nhân phải sử dụng.
+ Lắp đặt các thiết bị giảm ồn cho các máy móc có mức ồn cao;
+ Thu gom vận chuyển phải tuân thủ theo quy chế quản lý chất thải rắn y tế nguy hại;
+ Thường xuyên kiểm soát hệ sinh thái trong khu vực để đánh giá mức độ ảnh hưởng đến môi trường;
+ Các biện pháp phòng ngừa sự cố môi trường;
+ Các biện pháp hỗ trợ khác.
- Chương trình quản lý và giám sát môi trường: Quan trắc chất lượng môi trường không khí; chất lượng môi trường nước mặt, nước ngầm; quan trắc chất lượng môi trường đất.
- Triển khai các dự án về thu gom, phân loại, giảm thiểu và lưu giữ chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo các quy định theo Quy chế quản lý chất thải rắn y tế nguy hại của Bộ Y tế;
- Mua sắm hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại mới thay thế lò đốt Hoval cũ tại BVHNĐK tỉnh đã bị hỏng (đã có dự án và kinh phí thực hiện).
- Tổ chức cải tạo và nâng cấp các lò đốt chất thải rắn y tế hiện có tại các bệnh viện đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường (kinh phí nằm trong kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường tỉnh cấp hàng năm cho các đơn vị).
Mua sắm lò đốt 2 buồng có hệ thống xử lý khí thải, công suất 150 kg/ngày cho các BV, gồm: BV Lao và bệnh phổi; BVĐKKV Tây Bắc; Tây Nam; 8 BVđK huyện: Quỳ Châu, Tân Kỳ, đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành và TTYT Nghĩa Đàn
- Lựa chọn địa điểm, lập dự án và làm các thủ tục đầu tư xây dựng Trung tâm xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung cho các cơ sở y tế khu vực thành phố Vinh và các huyện phụ cận.
- Lập dự án đầu tư xây dựng Trung tâm xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung cho khu vực thành phố Vinh và các huyện phụ cận (trong vòng bán kính 100 km) tại xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên.
- Triển khai các dự án về đào tạo nhân lực quản lý và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho các cơ sở y tế và các đơn vị thực hiện việc quản lý và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại địa phương.
Triển khai dự án lắp đặt các công trình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở y tế áp dụng mô hình xử lý tại chỗ theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại, dễ vận hành và thân thiện môi trường.
- Đầu tư xây dựng cụm xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung tại Thái Hoà (BVĐKKV Tây Bắc, Thái Hoà, Nghĩa Đàn);
- Đầu tư xây dựng cụm xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung tại Quỳnh Lưu (Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Yên Thành);
- Đầu tư xây dựng cụm xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung tại Đô Lương (Đô Lương, Thanh Chương, Tân Kỳ);
- Thay thế hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại bằng công nghệ mới, tân tiến cho các bệnh viện còn lại: Con Cuông, Anh Sơn, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong.
- Triển khai các dự án về đào tạo nhân lực quản lý và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho các cơ sở y tế và các đơn vị thực hiện việc quản lý và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
II. Phân kỳ đầu tư: Tổng dự toán ước tính 101.000 triệu đồng
1. Giai đoạn 1 (2012 - 2015): 44.000 triệu đồng
- Trung ương cấp 30%: 13.200 triệu đồng;
- Tỉnh cấp 40%: 17.600 triệu đồng;
- Các nguồn vốn khác 30%: 13.200 triệu đồng.
2. Giai đoạn 2 (2016 - 2020): 43.000 triệu đồng
- Trung ương cấp 30%: 12.900 triệu đồng;
- Tỉnh cấp 20%: 8.600 triệu đồng;
- Các nguồn vốn khác 50%: 21.500 triệu đồng.
3. Giai đoạn 3 (2021 - 2025): 78.000 triệu đồng
- Trung ương cấp 30%: 23.400 triệu đồng;
- Tỉnh cấp 20%: 15.600 triệu đồng;
- Các nguồn vốn khác 50%: 39.000 triệu đồng.
III. Phân công trách nhiệm thực hiện
1. Sở Y tế: Sở Y tế chủ trì phối hợp với các Sở: Kế hoạch và đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài chính để lựa chọn phương án, địa điểm vị trí công nghệ xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung phù hợp với điều kiện địa phương.
- Tổ chức lập dự án đầu tư trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại trên địa bàn toàn tỉnh; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn toàn tỉnh.
- Tổ chức, bố trí nhân lực chuyên trách về quản lý môi trường y tế tại Sở và cán bộ kiêm nhiệm tại các đơn vị để theo dõi, quản lý về môi trường y tế và xử lý chất thải tại các đơn vị.
2. Sở Xây dựng: Chủ trì phối hợp với các Sở liên quan tham mưu cho UBND tỉnh trong việc lựa chọn địa điểm, lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng các công trình xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
3. Sở Kế hoạch và đầu tư: Phối hợp Sở Tài chính tham mưu ưu tiên vốn cho thực hiện đề án; Huy động, kêu gọi các nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện chương trình.
4. Sở Tài chính: Chủ trì phối hợp với Sở kế hoạch và đầu tư hướng dẫn việc phân bổ vốn đầu tư phục vụ cho việc thực hiện đề án.
5. Sở Tài nguyên - Môi trường: Tổ chức xem xét, làm thủ tục cấp đất xây dựng cho khu xử lý chất thải tập trung tại địa điểm lựa chọn theo đúng quy định.
- Tổ chức thẩm định và cấp phép sử dụng hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại; cấp phép vận chuyển chất thải rắn từ các cơ sở y tế về khu xử lý rác tập trung theo quy định.
- Phối hợp kiểm tra việc xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế.
6. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì phối hợp với các tổ chức và các nhà khoa học tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong xử lý chất thải rắn y tế nguy hại; Chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các ngành liên quan tổ chức thẩm định công nghệ và thiết bị xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đảm bảo tính tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện của tỉnh.
7. Sở Nội vụ: Tham mưu thành lập Trung tâm xử lý chất thải rắn y tế tập trung.
8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (tỉnh Nghệ An): Trên cơ sở danh mục dự án hàng năm do Sở Y tế xây dựng, cân đối bố trí nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để thực hiện Chương trình dự án.
9. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã liên quan phối hợp với các Sở, ngành để triển khai thực hiện.
10. Các bệnh viện (cơ sở y tế) trên địa bàn toàn tỉnh có trách nhiệm phân loại, thu gom, phân loại chất thải rắn y tế nguy hại theo quy định của Bộ Y tế (Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007) nhằm giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường./.
- 1Quyết định 1122/QĐ-UBND năm 2012 về Quy định quản lý quy hoạch hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020
- 2Quyết định 2474/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt đồ án Quy hoạch tổng thể quản lý - xử lý chất thải rắn tỉnh Bình Dương đến năm 2030
- 3Quyết định 342/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình hệ thống xử lý chất thải rắn cho các Trung tâm Y tế tỉnh do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- 4Quyết định 145/QĐHC-CTUBND năm 2007 phê duyệt Quy hoạch các khu tập trung và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
- 5Quyết định 2658/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020
- 6Quyết định 1412/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế, Trung tâm giáo dục dạy nghề hướng thiện tỉnh Bắc Ninh
- 7Kế hoạch 3250/KH-UBND năm 2016 thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020
- 8Quyết định 1024/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình cụm trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 9Quyết định 556/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt giá dịch vụ thu gom, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại Khu xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung tỉnh Quảng Ngãi
- 1Luật Bảo vệ môi trường 2005
- 2Nghị định 59/2007/NĐ-CP về việc quản lý chất thải rắn
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Luật xây dựng 2003
- 5Quyết định 43/2007/QĐ-BYT về quy chế quản lý chất thải y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 6Quyết định 2149/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 97/2010/QĐ-UBND về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới khám, chữa bệnh tỉnh Nghệ An giai đoạn năm 2011 đến 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
- 8Quyết định 798/QĐ-TTg năm 2011 về phê duyệt Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 2038/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Quyết định 170/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Quyết định 3503/QĐ-UBND.VX năm 2007 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Y tế tỉnh Nghệ An giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
- 12Quyết định 1122/QĐ-UBND năm 2012 về Quy định quản lý quy hoạch hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020
- 13Quyết định 2474/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt đồ án Quy hoạch tổng thể quản lý - xử lý chất thải rắn tỉnh Bình Dương đến năm 2030
- 14Quyết định 342/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình hệ thống xử lý chất thải rắn cho các Trung tâm Y tế tỉnh do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- 15Quyết định 145/QĐHC-CTUBND năm 2007 phê duyệt Quy hoạch các khu tập trung và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
- 16Quyết định 2658/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020
- 17Quyết định 1412/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế, Trung tâm giáo dục dạy nghề hướng thiện tỉnh Bắc Ninh
- 18Kế hoạch 3250/KH-UBND năm 2016 thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020
- 19Quyết định 1024/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình cụm trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 20Quyết định 556/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt giá dịch vụ thu gom, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại Khu xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung tỉnh Quảng Ngãi
Quyết định 5402/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án tổng thể xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2012 - 2020, có tính đến 2025
- Số hiệu: 5402/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 27/12/2012
- Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Người ký: Hồ Đức Phớc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra