Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2474/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 10 tháng 9 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỒ ÁN QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUẢN LÝ - XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN TỈNH BÌNH DƯƠNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29/11/2005; Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009;

Căn cứ Nghị định 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2007 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý đô thị;

Căn cứ Thông tư 13/2007/TT-BXD ngày 31/12/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Thông tư 10/2010/TT-BXD ngày 11/8/2010 của Bộ Xây dựng quy định hồ sơ của từng loại Quy hoạch đô thị;

Căn cứ Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 798/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 986/QĐ-BXD ngày 17 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011 - 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 1540/TTr-SXD ngày 05/9/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đồ án Quy hoạch tổng thể quản lý - xử lý chất thải rắn tỉnh Bình Dương đến năm 2030 theo các nội dung chính, như sau:

I. Phạm vi ranh giới

Quy hoạch tổng thể quản lý - xử lý chất thải rắn tỉnh Bình Dương đến năm 2030 với quy mô phạm vi trên toàn tỉnh.

II. Đối tượng quy hoạch

Đối tượng quy hoạch gồm: Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ: Khu dân cư, thương mại, công sở, trường học; đường phố…; chất thải công nghiệp không nguy hại và nguy hại; chất thải rắn y tế không nguy hại và nguy hại

III. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật (mục tiêu của quy hoạch)

1. Mục tiêu tổng quát

Mục tiêu của quy hoạch là quản lý - xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp không nguy hại và nguy hại, chất thải rắn y tế không nguy hại và nguy hại theo hướng thu gom triệt để, tăng mức tái chế tái sử dụng, giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp theo chiến lược quản lý chất thải rắn của Chính phủ và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Bình Dương đến năm 2030.

Huy động và tập trung các nguồn lực tham gia đầu tư vào lĩnh vực quản lý, xử lý chất thải rắn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý chất thải rắn, cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư và góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

a) Mục tiêu xã hội

- Nâng cao nhận thức của nhân dân về vệ sinh môi trường, hướng tới mục tiêu nhân dân tự nguyện, tích cực tham gia bảo vệ môi trường cùng Nhà nước;

- Xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, xử lý trong lĩnh vực chất thải rắn đô thị;

- Xã hội (người trả tiền dịch vụ) chấp nhận, hài lòng với chất lượng dịch vụ và các sản phẩm có liên quan đến quản lý chất thải rắn đô thị được cung cấp từ các đơn vị công ích, các đơn vị cung ứng dịch vụ khác…

b) Mục tiêu kinh tế

- Huy động mọi nguồn vốn trong và ngoài nước để thực hiện các dự án theo quy hoạch tổng thể hệ thống quản lý chất thải rắn đô thị.

- Xây dựng cơ chế tài chính cho việc thực hiện các công việc của Quy hoạch tổng thể hệ thống quản lý chất thải rắn; Đặc biệt là xây dựng và triển khai phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị.

- Cân bằng giữa nguồn thu và nguồn chi cho công tác quản lý chất thải rắn đô thị, hướng tới mục tiêu biến chất thải rắn thành nguồn tài nguyên mang lại giá trị cho xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đối với công tác quản lý

* Giai đoạn 2011 - 2015

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 04/2010/QĐ-UBND ngày 25/01/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan của nhà nước về quản lý chất thải rắn trên phạm vi toàn tỉnh.

- Sau khi quy hoạch được duyệt, đến cuối năm 2013, mỗi huyện, thị xã, thành phố phải lập và phê duyệt đề án kiện toàn mạng lưới cơ cấu tổ chức, bộ máy, hệ thống thu gom, vận chuyển và trung chuyển chất thải rắn trên phạm vi địa bàn do mình quản lý.

- Triển khai xây dựng 02 trạm trung chuyển chất thải rắn cho huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng.

- Lập và phê duyệt chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn, thí điểm cho thành phố Thủ Dầu Một và 02 thị xã Thuận An, Dĩ An và các nhà máy công nghiệp, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung.... đến cuối năm 2015 phấn đấu 60% khối lượng chất thải rắn của các khu vực trên được phân loại tại nguồn.

- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và cơ chế, chính sách, phục vụ quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

* Giai đoạn 2016 đến 2020

- Triển khai xây dựng 02 trạm trung chuyển chất thải rắn cho 02 huyện mới bắc Tân Uyên và bắc Bến Cát.

- Triển khai thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn đến toàn thể thành phố, các huyện, thị xã trong tỉnh. Đến cuối năm 2020 phấn đấu 80% khối lượng chất thải rắn của toàn đô thị Bình Dương được phân tại nguồn.

- Cuối năm 2020 tổng kết 09 năm thực hiện đồ án quy hoạch chất thải rắn để xem xét bổ sung, điều chỉnh đồ án quy hoạch (nếu có).

b) Đối với công tác xử lý chất thải rắn

* Giai đoạn 2011 đến cuối năm 2015

- 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, trong đó 65% được tái chế, tái sử dụng;

- 50% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm dân cư nông thôn và 70% tổng lượng chất thải rắn làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ phát sinh, được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, trong đó 50% được tái chế, tái sử dụng;

- 60% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom xử lý, trong đó 40% được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế;

- Giảm 50% khối lượng túi nilon sử dụng tại các siêu thị và trung tâm thương mại so với năm 2010;

- 90% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 70% được thu hồi để tái sử dụng và tái chế;

- 90% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các khu công nghiệp được xử lý đảm bảo môi trường;

- 100% lượng chất thải rắn y tế không nguy hại và chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường

* Giai đoạn 2016 đến cuối năm 2020

- 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 85% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ;

- 75% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 85% tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 75% được tái chế, tái sử dụng;

- 80% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom xử lý, trong đó 50% được thu hồi tái sử dụng hoặc tái chế;

- 95% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, trong đó 80% được tái chế, tái sử dụng;

- 95% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường;

- 100% tổng lượng chất thải rắn y tế không nguy hại và nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường;

- Giảm 70% khối lượng túi nilon sử dụng tại các siêu thị và trung tâm thương mại so với năm 2010.

* Giai đoạn 2021 đến cuối năm 2025

- 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 90% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ.

- 90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom xử lý, trong đó 60% được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế.

- Giảm 85% khối lượng túi nilon tại các siêu thị và các trung tâm thương mại so với năm 2010.

- 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 90% được thu hồi tái chế, tái sử dụng.

- 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.

- 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm dân cư nông thôn và 100% tổng lượng chất thải rắn làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, trong đó 75% được thu hồi, tái chế sử dụng.

IV. Hiện trạng chất thải rắn (nguồn cung cấp, vị trí, quy mô, công suất các công trình đầu mối kỹ thuật)

1. Hiện trạng nguồn phát sinh, khối lượng và thành phần chất thải rắn

a) Chất thải rắn sinh hoạt

- Nguồn phát sinh: Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ: Hộ gia đình, khu thương mại, khu vực hành chính, khu công trường, khu công cộng, các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp và các hoạt động khác.

- Khối lượng: Khoảng 1.300 tấn/ng.đ, trong đó:

+ Thu gom, vận chuyển, xử lý: 1.100 tấn/ng.đ.

+ Tái chế, tái sử dụng: 200 tấn/ng.đ.

- Thành phần

+ Tại bãi chôn lấp: Chất hữu cơ phân hủy được: 96,7%; Giấy và carton: 0,1%; Nilon và nhựa: không phát hiện; Kim loại: 0,1%;…; Các thành phần khác: 2,8%.

+ Tại nguồn phát sinh: Chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học: 67,25%; Giấy và carton: 6,07%; Nilon và nhựa: 6,8%; Kim loại và lon: 0,46%;…; Các thành phần khác: 16,34%.

b) Chất thải rắn công nghiệp

- Nguồn phát sinh: Các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, và các hoạt động khác.

- Khối lượng tính đến tháng 6 năm 2011 khoảng 7.700tấn/ng.đ, gồm:

+ Chất thải rắn công nghiệp không nguy hại: 7.410tấn/ng.đ.

+ Chất thải rắn công nghiệp nguy hại: 290tấn/ng.đ.

- Thành phần: Thành phần chất thải rắn công nghiệp không nguy hại và chất thải rắn công nghiệp nguy hại tùy thuộc vào loại hình hoạt động, công nghệ sản xuất, nguyên liệu đầu vào, quy mô sản xuất.

c) Chất thải rắn y tế nguy hại

- Nguồn phát sinh: 10 bệnh viện, 06 trung tâm y tế và 91 trạm y tế.

- Khối lượng: 0,61tấn/ng.đ.

- Thành phần: Chất thải lây nhiễm: Kim tiêm, dao mổ, bệnh phẩm …; Chất thải hóa học nguy hại: Dược phẩm hết hạn, các chất hóa học khác…

2. Hiện trạng phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý các loại chất thải rắn, các loại phương tiện và năng lực quản lý

a) Chất thải rắn sinh hoạt

- Phân loại và lưu trữ:

+ Chưa áp dụng chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn.

+ Lưu trữ chưa đúng quy định.

- Hiện trạng thu gom

+ Lực lượng thu gom gồm Các xí nghiệp Công trình công cộng và các đội rác dân lập.

+ Hiện trạng thu gom:

Thị xã Thuận An và Dĩ An: Chất thải rắn được thu gom về các trạm trung chuyển sau đó được vận chuyển lên Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương.

Thành phố Thủ Dầu Một và các huyện còn lại: Chất thải rắn được thu gom, vận chuyển thẳng lên Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương, hoặc các bãi rác tự phát.

- Phương tiện và hình thức thu gom

+ Phương tiện thu gom: Xe ba gác đẩy, xe tải nhỏ, xe lam, xe cải tiến, xe ép chuyên dùng.

+ Hình thức thu gom: Các xe ép chuyên dụng thu gom dọc các trục đường chính, các điểm tập trung rác, các điểm phát sinh lượng chất thải lớn như chợ, khu công cộng; Các xe ba gác, các xe nhỏ khác thu gom trong các con hẻm.

- Hiện trạng xử lý:

Toàn bộ rác thải được thu gom về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương và phương pháp xử lý chính là chôn lấp.

b) Chất thải rắn công nghiệp

- Phân loại và lưu trữ:

+ Đối với chất thải rắn công nghiệp không nguy hại: Các doanh nghiệp chưa thực hiện việc phân loại tại nguồn.

+ Đối với chất thải rắn công nghiệp nguy hại: Được phân loại, lưu giữ và chuyển giao đúng quy định.

- Hiện trạng thu gom:

+ Đối với chất thải rắn công nghiệp không nguy hại: Hiện trạng thu gom chưa được hoàn thiện, các đơn vị thu gom chưa đăng ký kinh danh phế liệu và các cơ sở này phân bố theo kiểu tự phát.

+ Đối với chất thải rắn công nghiệp nguy hại: Được thu gom do 12 đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh và 18 đơn vị đóng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

- Phương tiện và hình thức thu gom

+ Phương tiện thu gom: Thu gom bằng xe chuyên dùng.

+ Hình thức thu gom: Chủ nguồn thải ký hợp đồng với đơn vị thu gom, thu gom định kỳ.

- Hiện trạng xử lý: Chất thải công nghiệp không nguy hại và nguy hại có một phần được tái chế, tái sử dụng, phần khác được xử lý.

c) Chất thải rắn y tế nguy hại

- Phân loại và lưu giữ:

+ Phân loại: 100% các bệnh viện phân loại đúng các chất thải y tế.

+ Lưu giữ: chưa đúng quy định.

- Hiện trạng thu gom: 13/17 bệnh viện được thu gom theo quy định.

- Hiện trạng xử lý: Khoảng 95% khối lượng chất thải rắn y tế được xử lý theo đúng quy định.

3. Vị trí, quy mô các trạm trung chuyển và các cơ sở xử lý chất thải rắn

a) Trạm trung chuyển

- Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 02 trạm trung chuyển: 01 trạm trung chuyển ở phường Tân Bình, thị xã Dĩ An; 01 trạm trung chuyển ở phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, diện tích mỗi trạm trung chuyển là khoảng 1ha.

b) Khu xử lý chất thải rắn

- Chất thải rắn sinh hoạt: Đã xây dựng 01 khu liên hợp xử lý chất thải rắn diện tích 75 ha, công suất thiết kế 400 tấn/ngày đêm, thực tế đã tiếp nhận khoảng 600 - 650 tấn/ngày đêm.

- Chất thải nguy hại: Công nghệ xử lý chất thải nguy hại hiện nay chủ yếu là tái chế, đốt tiêu hủy và hóa rắn.

4. Mô hình quản lý chung, vai trò của chính quyền tỉnh và các tổ chức có liên quan: Thực hiện theo quyết định số 04/2010/QĐ-UBND ngày 25/01/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bình Dương

V. Định hướng Quy hoạch quản lý chất thải rắn (quy mô, công suất các công trình đầu mối kỹ thuật, giải pháp tổ chức mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, chương trình, dự án đầu tư, nguồn vốn và kế hoạch thực hiện)

1. Thuyết minh tính toán, dự báo về nguồn và số lượng a) Chất thải rắn đô thị

- Mức phát thải trung bình: 1kg/người/ngày đêm.

- Quy mô dân số ước tính: Dân số tỉnh Bình Dương đến năm 2015 khoảng 2 triệu người và đến năm 2020 khoảng 2,5 triệu người, năm 2025 là 3 triệu người và năm 2030 là 3,5 triệu người.

Bảng 1. Tổng hợp chất thải rắn sinh hoạt phát sinh theo các giai đoạn

Nội dung

Chất thải rắn sinh hoạt (tấn/ng.đ)

HST = 1 kg/người.ng.đ (HST = 0,8 đối với năm 2010)

Xã/Huyện

2010

2015

2020

2025

2030

Tỉnh Bình Dương

1.333

2.043

2.500

3.060

3.745

Thành phố Thủ Dầu Một

203

309

378

462

566

Huyện Dầu Tiếng

93

143

175

215

263

Huyện Bến Cát

170

263

322

394

482

Huyện Phú Giáo

73

110

135

165

202

Tân Uyên

185

282

345

422

517

Thị xã Dĩ An

270

410

502

614

751

Thị xã Thuận An

338

526

643

787

963

 

Bảng 2. Tổng hợp khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom và xử lý

Năm

Đơn vị

2015

2020

2025

2030

Khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh

Tấn/ng.đ

2.043

2.500

3.060

3.745

Khối lượng CTR sinh hoạt thu gom

Tấn/ng.đ

1.594

2.250

2.999

3.689

Khối lượng CTR sinh hoạt tái chế

Tấn/ng.đ

990

1.866

2.616

3.270

Khối lượng CTR sinh hoạt chôn lấp

Tấn/ng.đ

254

172

177

210

Khối lượng CTR sinh hoạt tiêu hủy

Tấn/ng.đ

349

213

205

210

b) Chất thải rắn y tế nguy hại

Bảng 3. Khối lượng chất thải rắn y tế nguy hại ước tính đến năm 2030

Năm

2009

2015

2020

2025

2030

Khối lượng (tấn/ng.đ)

0,61

1

1,38

1,9

2,63

Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải y tế nguy hại là 100%.

c) Chất thải rắn công nghiệp

Bảng 4. Dự báo khối lượng chất thải rắn công nghiệp nguy hại và không nguy hại phát sinh năm 2030 (tấn/ng.đ)

Năm

2011

2015

2020

2025

2030

Khối lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại

Khối lượng phát sinh

7.410

12.736

22.748

40.629

72.567

Khối lượng CTR thu gom

-

11.462

21.610

40.629

72.567

Tỉ lệ thu gom (% tổng lượng CTCN phát sinh)

-

90%

95%

100%

100%

Khối lượng tái chế, tái sử dụng

-

8.024

17.288

36.566

65.311

Tỉ lệ tái chế, tái sử dụng (% tổng lượng CTCN thu gom được

-

70%

80%

90%

90%

Khối lượng chất thải xử lý bằng phương pháp đốt

-

1.719

2.162

2.031

5.080

Tỉ lệ đốt (% tổng lượng CTCN thu gom được)

-

15%

10%

5%

7%

Khối lượng chất thải chôn lấp hợp vệ sinh

-

1.719

2.162

2.032

2.177

Tỉ lệ chôn lấp

-

15%

10%

5%

3%

Khối lượng chất thải công nghiệp nguy hại

Khối lượng phát sinh

290

498

890

1.590

2.840

Tỉ lệ thu gom (% tổng lượng CTNH phát sinh)

-

90%

95%

100%

100%

Mục tiêu thu gom

-

448

846

1.590

2.840

Tỉ lệ tái chế, tái sử dụng

-

60%

65%

70%

75%

Khối lượng tái chế, tái sử dụng

-

269

550

1.113

2.130

Tỉ lệ đốt

 

30%

25%

20%

15%

Khối lượng đốt

-

135

211

318

426

Tỉ lệ chôn lấp

 

10%

10%

10%

10%

Khối lượng chôn lấp an toàn

-

45

85

159

284

2. Đánh giá khả năng tái chế, tái sử dụng chất thải rắn

a) Chất thải rắn sinh hoạt

Bảng 5. Khối lượng chất thải rắn có thể tái chế, tái sử dụng được theo từng năm

STT

Thành phần

Khối lượng (tấn/ng.đ)

2015

2020

2025

2030

1

Giấy

60

113

159

198

2

Nhựa và nilon

67

127

178

222

3

Kim loại và lon

7

14

19

24

4

Thành phần hữu cơ dễ phân hủy

666

1.255

1.759

2.199

 

Tổng

990

1.866

2.616

3.270

b) Chất thải rắn công nghiệp

Bảng 6. Thành phần và khối lượng chất thải rắn công nghiệp có thể tái chế (tấn/ng.đ)

Năm

2015

2020

2025

2030

1

Giấy vụn và carton

3.159

5.641

10.076

17.997

2

Bao bì nylon, nhựa

2.203

3.935

7.029

12.554

3

Vụn kim loại, hợp kim, ba vớ thải

2.878

5.141

9.182

16.400

4

Gỗ vụn, mùn cưa, dăm bào thải

2.000

3.571

6.379

11.393

 

Tổng cộng

10.220

18.288

32.666

58.344

c) Chất thải y tế nguy hại

Không xem xét khả năng tái chế, tái sử dụng.

3. Phân loại và lưu trữ chất thải rắn tại nguồn

a) Nội dung thực hiện

Các bước thực hiện:

- Phân loại tại nguồn: Được phân thành 2 loại cơ bản, gồm:

+ Chất thải thực phẩm: Là thực phẩm dư thừa (không có bao bì), phân và xác động vật;

+ Chất thải còn lại, bao gồm: Giấy, nilon, nhựa, thủy tinh, sành sứ, vải, cao su,…

- Hình thức lưu trữ: Hai nhóm chất thải phân loại như trên được lưu trữ trong 2 loại túi PE và thùng nhựa khác nhau:

+ Túi PE và thùng nhựa màu xanh lá cây: Chứa chất thải thực phẩm;

+ Túi PE và thùng nhựa màu xám: Chứa chất thải còn lại.

- Thu gom và vận chuyển chất thải rắn sau phân loại

+ Chất thải hữu cơ: Thu gom hàng ngày đến các điểm hẹn và vận chuyển đến nhà máy chế biến phân hữu cơ hoặc bãi chôn lấp hợp vệ sinh.

+ Chất thải vô cơ: Thu gom 3lần/tuần đến các điểm hẹn và vận chuyển đến trạm phân loại tập trung hoặc các nhà máy tái chế.

- Xử lý sau khi phân loại.

b) Các đối tượng phát sinh chất thải rắn cần phải thực hiện phân loại tại nguồn

Các đối tượng áp dụng chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, gồm: Nhà ở, hộ gia đình; trường học; cơ quan, công sở; Nhà hàng, khách sạn, quán ăn; bệnh viện, cơ sở y tế; các cơ sở sản xuất công nghiêp; các cơ sở dịch vụ; các công trình công cộng, khu vui chơi, giải trí, công viên; đường phố; các trung tâm thương mại, siêu thị.

c) Tổ chức thực hiện

- Thành lập Ban chỉ đạo.

- Thành lập các tổ tự quản tại địa phương.

- Tập huấn và triển khai nội dung chương trình.

d) Lộ trình thực hiện

- Giai đoạn 2012 - 2015: Thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn thí điểm cho thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Dĩ An, Thuận An và các nhà máy lớn, các khu, cụm công nghiệp.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn cho toàn Tỉnh.

4. Phương thức thu gom

a) Chất thải rắn sinh hoạt

- Phương tiện thu gom

+ Thu gom rác hộ dân cự ly ≤ 1,5km: Sử dụng loại xe 3, 4 bánh tự chế.

+ Thu gom rác hộ dân cự ly > 1,5km: Sử dụng loại xe tải 0,55 - 01 tấn và xe ép từ 1,8 đến 15 tấn.

- Mô hình thu gom: Gồm 02 mô hình cho 02 giai đoạn: Giai đoạn đến năm 2015 và giai đoạn sau năm 2015.

b) Chất thải công nghiệp không nguy hại và nguy hại

- 2012 - 2013: Xây dựng và ban hành Quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật của các thiết bị thu gom và vận chuyển;

- 2014 - 2015: Chuyển đổi các thiết bị thu gom và vận chuyển theo quy định ban hành.

c) Chất thải rắn y tế nguy hại

- Các bệnh viện tỉnh, huyện, trung tâm y tế, trạm y tế: Thu gom, lưu trữ, chuyển giao và xử lý đúng quy định.

- Các phòng khám tư nhân: Ký hợp đồng với cơ quan có chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý theo đúng quy định.

5. Trạm trung chuyển

Bảng 7. Quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển

STT

Địa bàn

Địa điểm vị trí

Quy mô

Phạm vi phục vụ

Ghi chú

1

Thành phố Thủ Dầu Một

Không quy hoạch

Thu gom vận chuyển thẳng lên khu xử lý

2

Thuận An

Đã có đầu tư hoàn thiện

01 Ha

Thị xã Thuận An và vùng phụ cận

Đã có, không Quy hoạch thêm

3

Dĩ An

Đã có đầu tư hoàn thiện

01 Ha

Thị xã Dĩ An và vùng phụ cận

Đã có, không Quy hoạch thêm

4

Nam Huyện Bến Cát

Không Quy hoạch

Thu gom vận chuyển thẳng lên khu xử lý Chánh Phú Hòa

5

Bắc Huyện Bến Cát

Phía Bắc Bàu Bàng

1,5Ha

Bến Cát và vùng phụ cận

Xây dựng mới

6

Nam Tân Uyên

Không Quy hoạch

Trước mắt vận chuyển thẳng lên khu xử lý Chánh Phú Hòa sau 2015 vận chuyển thẳng lên khu xử lý Bình Mỹ

7

Bắc Tân Uyên

Phía Bắc Tân Thành

1,5Ha

Bắc Tân Uyên và vùng phụ cận

Xây dựng mới

8

Dầu Tiếng

Xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng

1,5Ha

Huyện Dầu Tiếng và vùng phụ cận

Xây dựng mới

9

Phú Giáo

Xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo

1,5Ha

Huyện Phú Giáo và phụ cận

Xây dựng mới

6. Vận chuyển

a) Các mô hình tổ chức vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt

- Mô hình thu gom: Gồm 02 mô hình tương ứng với 02 giai đoạn 2012 - 2013 và giai đoạn từ năm 2013 trở đi.

- Số lượng và chủng loại xe vận chuyển cần đầu tư: Đầu tư các xe chuyên dụng có tải trọng từ 2 đến 15 tấn.

b) Mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế

- Các bệnh viện Tỉnh, huyện, Trung tâm y tế, Trạm y tế: Theo đề án Quy hoạch tổng thể quản lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Phòng khám tư nhân: Ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

- Quy định về các trang thiết bị thu gom, vận chuyển: Theo quy định tại Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14 tháng 4 năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Xã hội hóa trong thu gom, vận chuyển. c) Chất thải công nghiệp

* Thiết bị thu gom và vận chuyển phải đạt các yêu cầu sau:

- Đạt tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn và được phép lưu thông;

- Thu gom và vận chuyển an toàn từ nguồn thải đến nhà máy tái chế/xử lý;

- Phù hợp với tải trọng đường của địa phương;

- Có khả năng lắp đặt và tiếp nhận các thiết bị kiểm tra và giám sát lộ trình;

- Có khả năng phòng chống sự cố và tai nạn;

* Tuyến vận chuyển chất thải nguy hại:

Được thực hiện theo Điều 72, Mục 2 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, xác định theo các nguyên tắc sau:

- Thời gian:

+ Đảm bảo vận chuyển hoàn toàn chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại phát sinh đến nơi xử lý trong ngày.

+ Đảm bảo không ảnh hưởng đến giao thông và hợp lý thời gian tiếp nhận của các trạm trung chuyển, nhà máy xử lý và bãi chôn lấp an toàn.

- Tuyến:

+ Không vận chuyển vào các tuyến đường cấm do giao thông quy định;

+ Các trục chính là các tuyến vành đai như: Quốc lộ 13, Đường vành đai, ĐT 741, ĐT 743, ĐT 747....;

+ Các trục phụ là các tuyến dẫn vào trục chính đảm bảo không gây ảnh hưởng đến giao thông và tối ưu hóa về kinh tế;

+ Có chiều dài vận chuyển là ngắn nhất;

+ Tránh vận chuyển qua khu trung tâm thành phố, các khu dân cư đông đúc và các khu vực giao thông có mật độ cao;

7. Xử lý chất thải rắn

Công nghệ hướng tới trong tương lai để xử lý chất thải là công nghệ thu hồi sản phẩm - vật liệu, tái tạo tài nguyên, tiêu hủy nhằm giảm diện tích đất chôn lấp và chôn lấp hợp vệ sinh phần còn lại.

a) Chất thải rắn sinh hoạt

- Sản xuất phân compost.

- Phương pháp đốt (tiêu hủy chất thải không có khả năng tái chế, tái sử dụng và những chất không có khả năng phân hủy sinh học).

- Chôn lấp hợp vệ sinh.

b) Chất thải rắn công nghiệp nguy hại:

- Tái chế.

- Hóa rắn.

- Đốt.

- Chôn lấp.

c) Chất thải rắn công nghiệp không nguy hại

- Tái chế

- Chôn lấp hợp vệ sinh

- Đốt

d) Địa điểm khu xử lý

Bảng 8. Quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn

STT

Tên khu xử lý

Vị trí, địa điểm

Quy mô trạm

Quy mô Trạm + vùng cách ly

Phạm vi và thời gian phục vụ

1

Khu xử lý Chất thải rắn hiện hữu Chánh Phú Hòa - Bến Cát

Xã Chánh phú hòa - Bến cát

75ha (Hiện trạng) mở rộng thêm 25ha

 

Cả tỉnh đến 2020

2

Khu liên hợp xử lý Chất thải rắn Tân Long - Phú Giáo

Xã Tân Long - huyện Phú Giáo

150ha

150+250 = 400ha

Cả tỉnh từ 2016 đến 2030

3

Khu xử lý dự phòng

Xã Bình Mỹ - Huyện Tân Uyên

150ha

150+225 = 375ha

Cả tỉnh sau năm 2030

e) Chất thải rắn y tế

- Lò đốt cố định

- Lò đốt di dộng

- Công nghệ vi sóng/vi sóng-hơi nước

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Xây dựng

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức công bố, công khai quy hoạch tổng thể quản lý - xử lý chất thải rắn, đồng thời, tổ chức, đôn đốc, hướng dẫn, thanh kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong việc tổ chức thực hiện đồ án quy hoạch này.

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh lập kế hoạch, tiến độ thực hiện quy hoạch giai đoạn I từ năm 2012 đến năm 2015.

- Chủ trì phối họp với Sở Tài Nguyên và Môi Trường, các sở, ban, ngành chức năng, đôn đốc, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố lập và phê duyệt đề án, kiện toàn mạng lưới, cơ cấu tổ chức hệ thống thu gom vận chuyển và trung chuyển chất thải rắn trên địa bàn để trình Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 31/12/2013.

- Chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đến cuối năm 2020 sơ kết, hàng năm có báo cáo tổng kết quá trình triển khai thực hiện đồ án quy hoạch và kiến nghị, đề xuất điều chỉnh, bổ sung (nếu có).

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, các sở ngành chức năng, Ủy ban nhân dân thị xã, thành phố lập chương trình phân loại Chất thải rắn tại nguồn, thí điểm cho thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An và các nhà máy lớn, các khu, cụm Công nghiệp tập trung và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trước ngày 31/12/2012 để thực hiện cho giai đoạn 2012 - 2015 và tổ chức nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

- Chủ trì phối hợp với các sở ngành chức năng, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố lập kế hoạch bổ sung bảo vệ môi trường trong quản lý chất thải rắn giai đoạn 2011 - 2015 theo tinh thần đồ án quy hoạch này trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trước ngày 31/12/2012.

3. Sở Y tế

- Chủ trì phối hợp các sở, ngành chức năng, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố lập đề án xử lý chất thải y tế tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 để trình duyệt.

- Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Chủ trì thực hiện lập và phê duyệt đề án kiện toàn mạng lưới, cơ cấu tổ chức hệ thống thu gom vận chuyển và trung chuyển chất thải rắn trên địa bàn chuyển Sở Xây dựng để tổng hợp, lập đề án trong phạm vi toàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Xây dựng trong việc lập kế hoạch, tiến độ thực hện quy hoạch giai đoạn I (2012 - 2015).

- Chủ trì tổ chức rà soát điều chỉnh các đồ án Quy hoạch đô thị, điểm dân cư nông thôn, các quy hoạch ngành cho phù hợp với Quy hoạch tổng thể chất thải rắn này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Thanh Cung

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2474/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt đồ án Quy hoạch tổng thể quản lý - xử lý chất thải rắn tỉnh Bình Dương đến năm 2030

  • Số hiệu: 2474/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/09/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Lê Thanh Cung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/09/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản