Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 300/QĐ-UBND | Hưng Yên, ngày 01 tháng 02 năm 2013 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TỈNH HƯNG YÊN ĐẾN NĂM 2025
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về Quản lý chất thải rắn;
Căn cứ Thông tư số 13/2007/TT-BXD ngày 31/12/2007 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn một số điều của Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về Quản lý chất thải rắn;
Căn cứ Quyết định số 798/QĐ-TTg ngày 25/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đầu tư xử lý Chất thải rắn giai đoạn 2011-2020;
Căn cứ Quyết định số 18/2011/QĐ-UBND ngày 20/7/2011 của UBND tỉnh Hưng Yên ban hành quy định phân công nhiệm vụ và phân cấp quản lý trong các lĩnh vực quy hoạch xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh;
Căn cứ Quyết định số 1559/QĐ-UBND ngày 15/9/2011 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hưng Yên đến năm 2025;
Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 07/TTr-SXD ngày 17/01/2011, về việc phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hưng Yên đến năm 2025,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hưng Yên đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Tên dự án: Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hưng Yên đến năm 2025.
2. Chủ đầu tư lập quy hoạch: Sở Xây dựng Hưng Yên.
3. Quan điểm và mục tiêu quy hoạch:
3.1. Quan điểm quy hoạch:
- Quản lý chất thải rắn (viết tắt là CTR) là một trong những yêu cầu cấp bách cần ưu tiên của công tác bảo vệ môi trường tỉnh, góp phần kiểm soát ô nhiễm, hướng tới phát triển bền vững.
- Công tác quản lý CTR phải lấy phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh và phân loại chất thải tại nguồn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng chất thải phải xử lý. Giảm dần hình thức xử lý chôn lấp nhằm tiết kiệm quỹ đất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Quản lý CTR là trách nhiệm chung của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và đơn vị trực tiếp thu gom, vận chuyển, xử lý CTR, trong đó Nhà nước có vai trò chủ đạo đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực và tăng cường đầu tư cho công tác quản lý CTR. Tăng cường công tác xã hội hóa quản lý CTR trong tất cả các khâu từ quản lý tới xử lý.
- Quản lý CTR không khép kín theo địa giới hành chính, đảm bảo sự tối ưu về kinh tế - kỹ thuật, an toàn về xã hội và môi trường, tuân thủ nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền, người hưởng dịch vụ phải trả chi phí” và phải gắn với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên đến năm 2020, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hưng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
3.2. Mục tiêu quy hoạch:
Mục tiêu tổng quát:
- Nâng cao hiệu quả quản lý CTR nhằm cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển đô thị bền vững.
- Xây dựng hệ thống quản lý CTR hiện đại, theo đó CTR được phân loại tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến và phù hợp, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và hạn chế gây ô nhiễm môi trường. CTR nguy hại được quản lý và xử lý triệt để theo các phương thức phù hợp.
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý tổng hợp CTR, hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Thiết lập các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, tài chính và nguồn nhân lực cho quản lý tổng hợp CTR.
Mục tiêu cụ thể:
- Xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống và phương thức phân loại CTR tại nguồn, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng khu vực.
- Nâng cao năng lực, tăng cường trang thiết bị thu gom, vận chuyển CTR cho các đô thị, khu công nghiệp và điểm dân cư nông thôn.
- Xây dựng, hoàn chỉnh mạng lưới các khu xử lý CTR trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đáp ứng yêu cầu xử lý CTR cho các đô thị, KCN và các điểm dân cư nông thôn theo hướng tăng cường tái chế các loại CTR, hạn chế chôn lấp, đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường;
- Xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống cơ chế chính sách, bộ máy quản lý về CTR nhằm đẩy mạnh hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng thu gom, vận chuyển và xử lý CTR của tỉnh.
- Các chỉ tiêu cụ thể được thể hiện tại bảng dưới đây:
TT | Nội dung | Mục tiêu | |
Giai đoạn từ nay đến năm 2017 | Giai đoạn 2018 - 2025 | ||
1 | Thu gom và xử lý CTR sinh hoạt đô thị | Tối thiểu 90% | 95% - 100% |
2 | Tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc SX phân hữu cơ, chôn lấp hợp VS | 85% tổng lượng CTR sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom | 90% tổng lượng CTR sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom |
3 | Thu gom và xử lý CTR công nghiệp không nguy hại | 90% | 100% |
4 | Thu gom và xử lý CTR công nghiệp nguy hại | 85% | 100% |
5 | Thu gom và xử lý CTR y tế không nguy hại và nguy hại | 100% | 100% |
6 | Thu gom và xử lý CTR xây dựng | 80% | 90% |
7 | Thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế CTR xây dựng | 50% tổng lượng CTR xây dựng được thu gom | 60% tổng lượng CTR xây dựng được thu gom |
8 | Thu gom và xử lý CTR nông thôn | 80% | 90% |
9 | Thu gom và xử lý CTR làng nghề | 80% | 100% |
10 | Tỷ lệ chôn lấp | 60% | 10% |
4. Phạm vi và đối tượng quy hoạch:
- Phạm vi quy hoạch: Nghiên cứu lập quy hoạch quản lý CTR trên địa bàn, lãnh thổ toàn tỉnh Hưng Yên với diện tích 926,03 km2; Quy mô dân số hiện tại 1.137.294 người; Dự kiến dân số đến năm 2025 khoảng 1.285 ngàn người.
- Đối tượng quy hoạch:
+ Chất thải rắn sinh hoạt.
+ Chất thải rắn nông nghiệp, làng nghề.
+ Chất thải rắn công nghiệp, công nghiệp nguy hại.
+ Chất thải rắn xây dựng.
+ Chất thải rắn y tế.
5. Nội dung Quy hoạch quản lý CTR tỉnh Hưng Yên đến năm 2025:
5.1. Hiện trạng quản lý chất thải rắn:
5.1.1. CTR sinh hoạt:
- Tổng khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh toàn tỉnh khoảng 512,33 tấn/ngày.
- Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn mới được triển khai mô hình thí điểm, chưa đạt kết quả cao.
- Tỷ lệ thu gom CTR tại các khu vực đô thị đạt từ 40 - 80%, riêng nội thành thành phố Hưng Yên đạt khoảng 100%, tỷ lệ thu gom tại các khu vực nông thôn còn thấp, chỉ đạt từ 20 - 60%, riêng khu vực ngoại thành thành phố Hưng Yên có tỷ lệ thu gom đạt 86%.
+ Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 2 đơn vị tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý CTR là Công ty CP Môi trường đô thị và Công nghiệp 11 (URENCO 11- thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt và công nghiệp) và Công ty TNHH MTV Môi trường và công trình đô thị Hưng Yên (thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hưng Yên).
+ Tại các xã cơ bản đều đã hình thành các tổ đội vệ sinh môi trường tự quản, kinh phí hoạt động như trả lương cho người thu gom, bảo dưỡng trang thiết bị … được chi trả từ nguồn thu phí của các hộ gia đình (có trên 800 tổ đội, đạt gần 100% số thôn có tổ đội vệ sinh môi trường).
+ Hiện nay trong số 9 huyện đã có 8 huyện mua xe ô tô chở rác cỡ nhỏ, riêng huyện Văn Lâm do gần khu xử lý CTR Đại Đồng nên kinh phí mua ô tô chuyển sang mua xe chở rác đẩy tay.
- Xử lý CTR: Công nghệ chủ yếu là chôn lấp, toàn tỉnh hiện có 2 bãi chôn lấp (BCL) có quy mô lớn, hợp vệ sinh tại thành phố Hưng Yên và tại khu xử lý CTR Đại Đồng. Ngoài ra còn tồn tại một hệ thống các bãi chôn lấp quy mô nhỏ ở các thôn, xã, hầu hết không hợp vệ sinh.
5.1.2. CTR nông nghiệp, làng nghề:
- Tổng khối lượng CTR nông nghiệp phát sinh khoảng 4.218 tấn/ngày; làng nghề khoảng 320 tấn/ngày; trong đó gồm bao bì từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khoảng 1,1 tấn/ngày.
- Phân loại: Được người dân phân loại, tái chế, tái sử dụng đối với từng loại CTR khác nhau, trên cơ sở tận dụng làm nhiên liệu đốt phục vụ sinh hoạt, làm thức ăn cho gia súc, phân bón…
- Tỷ lệ thu gom, tận dụng CTR nông nghiệp khoảng 30-50%; việc thu gom các loại CTR độc hại như vỏ bao bì hóa chất thuốc bảo vệ thực vât còn hạn chế; CTR ở hầu hết các làng nghề chưa được thu gom triệt để, sau khi đã tận dụng, tái sử dụng, một phần CTR làng nghề được thu gom cùng với CTR sinh hoạt nông thôn, một số không được thu gom đã được người dân tự xử lý hoặc xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm môi trường và cảnh quan xung quanh.
- Xử lý: hiện chưa có những giải pháp xử lý CTR nông nghiệp, làng nghề phù hợp, triệt để; một phần khối lượng chất thải phát sinh từ trồng trọt không được thu gom mà được xử lý ngay tại đồng ruộng bằng phương pháp đốt rồi dùng tro bón ruộng; đối với chất thải chăn nuôi thường được tận dụng làm phân bón, nhiên liệu đốt thông qua công nghệ khí sinh học (Biogas).
5.1.3. CTR công nghiệp:
- Tổng khối lượng CTR công nghiệp phát sinh khoảng 616 tấn/ngày, trong đó CTRCN nguy hại khoảng 77 tấn/ngày và CTRCN không nguy hại khoảng 539 tấn/ngày.
- Phân loại CTR công nghiệp: Chưa được thực hiện triệt để, chỉ phân loại đối với CTR có giá trị kinh tế, còn các chất thải không có giá trị kinh tế thì được đổ lẫn lộn với chất thải sinh hoạt.
- Thu gom, vận chuyển: Tỷ lệ thu gom CTR công nghiệp đạt khoảng 66%; các cơ sở công nghiệp, doanh nghiệp kí hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển đưa đến nơi xử lý tập trung theo quy định, hiện có 9 đơn vị tham gia thu gom, vận chuyển xử lý chất thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Xử lý CTR công nghiệp: Trong toàn tỉnh chỉ có khu xử lý CTR tại Đại Đồng, Văn Lâm do Công ty CP Môi trường đô thị và Công nghiệp 11 (URENCO 11) quản lý thực hiện xử lý CTR công nghiệp với tổng công suất là 103 tấn/ngày, lượng CTR còn lại sẽ do các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý đảm nhận.
+ Công nghệ xử lý: Tái chế, đốt, đóng rắn và lưu trữ chất thải.
+ Công nghệ xử lý chất thải nguy hại còn chưa đồng bộ và hiệu quả cũng như chưa đảm bảo an toàn với môi trường.
5.1.4. CTR xây dựng, bùn thải:
- Tổng khối lượng CTR xây dựng phát sinh trong toàn tỉnh khoảng 73 tấn/ngày; bùn thải phát sinh ước tính khoảng 45,2 tấn/ngày.
- Phân loại CTR xây dựng tại nguồn cũng đã được thực hiện một cách tự phát thông qua hoạt động tái chế chất thải mà chủ công trình tiến hành thực hiện với mục đích lợi ích kinh tế mà chưa phải vì mục đích bảo vệ môi trường.
- Thu gom, vận chuyển:
+ CTR xây dựng phát sinh với khối lượng lớn và không được tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý theo đúng quy định.
+ Công tác nạo vét bùn thải từ cống rãnh trên địa bàn tỉnh thường chỉ tập trung cho thành phố Hưng Yên, bởi các thị trấn hầu như hệ thống thoát nước chưa được xây dựng nhiều, hoặc xây dựng chưa hoàn chỉnh.
- Xử lý:
+ CTR xây dựng: Phần lớn người dân tự xử lý bằng cách đổ xuống ao hồ, các khu đất trống, san lấp các khu vực trũng; một phần nhỏ khối lượng CTR xây dựng đổ bỏ được thu gom về các bãi chôn lấp xử lý bằng phương pháp chôn lấp.
+ Bùn thải: Tại thành phố Hưng Yên việc xử lý bùn thải thường được ủ trung bình 3 tháng tại các điểm tập kết, sau đó vận chuyển đến các điểm xa khu dân cư để đổ bỏ.
5.1.5. CTR y tế:
- Tổng khối lượng CTR y tế phát sinh khoảng 2,972 tấn/ngày; trong đó CTR y tế nguy hại là 0,446 tấn/ngày, chiếm 15% tổng lương CTR y tế phát sinh và CTR y tế không nguy hại là 2,526 tấn/ngày; lượng CTR y tế phát sinh tại thành phố Hưng Yên khá lớn, chiếm khoảng 40% tổng lượng CTR y tế phát sinh trong toàn tỉnh.
- Phân loại, thu gom, vận chuyển CTR y tế: Tại các bệnh viện lớn thuộc tuyến tỉnh, công tác phân loại và thu gom được thực hiện khá tốt và triệt để, đạt gần 100%; các cơ sở y tế đều được trang bị các thùng đựng chất thải có màu sắc và kí hiệu riêng biệt để phân loại.
- Xử lý CTR y tế: Toàn tỉnh hiện có 14/17 bệnh viện có trang bị lò đốt chất thải rắn; các bệnh viện trực tiếp xử lý rác thải theo cụm bệnh viện tại lò đốt tại bệnh viện hoặc thuê đơn vị có chức năng xử lý CTR nguy hại; tại các cơ sở y tế cấp xã, do CTR y tế không nhiều nên thường tự đốt tại khuôn viên của trạm hoặc thu gom cùng chất thải rắn sinh hoạt vận chuyển ra bãi rác sinh hoạt và xử lý đốt thủ công.
5.2. Dự báo lượng Chất thải rắn phát sinh đến năm 2025:
Tổng khối lượng CTR phát sinh trong phạm vi toàn tỉnh khoảng 10.310 tấn/ngày, trong đó:
+ CTR sinh hoạt khoảng: 1.500,6 tấn/ngày.
+ CTR nông nghiệp khoảng: 6.240 tấn/ngày.
+ CTR công nghiệp khoảng: 2.085 tấn/ngày (bao gồm cả CTR làng nghề do sau năm 2020 tất cả các làng nghề sẽ được phát triển thành cụm công nghiệp).
+ CTR xây dựng, bùn thải khoảng: 476 tấn/ngày.
+ CTR y tế khoảng: 7,809 tấn/ngày.
5.3. Quy hoạch hệ thống phân loại, thu gom, vận chuyển CTR:
5.3.1. CTR sinh hoạt:
- Phân loại tại nguồn: CTR sinh hoạt cần được phân loại tại nguồn thành ba loại: chất thải hữu cơ; chất thải có thể tái chế; không còn khả năng tái chế.
- Quy trình thu gom, vận chuyển:
+ Ở đô thị: Phân loại rác tại nguồn đối với tất cả các hộ gia đình, tổ chức theo lộ trình phù hợp. Thu gom thủ công hàng ngày đến điểm thu gom; khu vực dân cư xe đẩy tay không vào được cần bố trí thùng rác công cộng phía bên ngoài đường chính. Vận chuyển cơ giới đến khu phân loại và xử lý tập trung.
+ Ở khu dân cư nông thôn: Tổ VSMT thu gom bằng xe đẩy tay từ các hộ gia đình hoặc sử dụng thêm các xe chuyên dụng thu gom từ các thùng chứa rác đặt tại một số tuyến chính đông dân cư và tại các khu vực chợ hoặc điểm công cộng, cơ sở kinh doanh. Khối lượng CTR được thu gom một phần chuyển đến các bãi rác quy mô thôn, xã đã được xây dựng, một phần chuyển đến các điểm tập kết để vận chuyển đến khu xử lý tập trung.
5.3.2. CTR nông nghiệp, làng nghề:
- Phân loại tại nguồn: Dựa vào nguồn gốc phát sinh cũng như phương pháp xử lý, tái chế, tái sử dụng CTR, đề xuất phân loại CTR nông nghiệp thành 03 loại: Phụ phẩm nông nghiệp; CTR chăn nuôi; CTR nguy hại.
- Quy trình thu gom, vận chuyển:
+ Xây dựng các bể chứa hoặc hố chứa đựng bao bì chai lọ thuốc bảo vệ thực vật tại các khu trồng trọt để người dân dễ dàng phân loại.
+ Đối với các khu trồng trọt hoa màu, sinh khối thải loại cây trồng vào các vụ mùa phát sinh rất lớn, sau khi người dân tự thu gom tái chế, lượng CTR còn lại sẽ được các hộ gia đình trung chuyển đến khu tập kết tại các cánh đồng để việc thu gom xử lý được thuận lợi.
+ Đối với CTR chăn nuôi, nguồn phát thải chủ yếu là phân gia súc gia cầm và các loại thức ăn chăn nuôi, thành phần chủ yếu là hữu cơ và người dân thường tận dụng hết lượng này để tái chế và tái sử dụng.
5.3.3. CTR công nghiệp:
- Phân loại CTR: Các cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm phân loại CTR công nghiệp ngay tại nguồn thành ba loại: CTR có thể tái chế, tái sử dụng; CTR nguy hại và chất trơ cần chôn lấp. CTR sau khi phân loại được vận chuyển đến khu phân loại tập trung của khu xử lý CTR nhằm thu hồi tối đa lượng CTR có thể tái chế, tái sử dụng.
- Lộ trình phân loại CTR:
Phương thức | Lộ trình thực hiện | |
Giai đoạn đến năm 2017 | Giai đoạn đến năm 2025 | |
Phân loại tại các nhà máy (phân loại sơ cấp). | - Tại các nhà máy đã và đang hoạt động tại các KCN trong tỉnh Hưng Yên. - Các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp. | Áp dụng cho toàn bộ các doanh nghiệp hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. |
Phân loại tại các điểm tập kết, các khu phân loại tập trung (phân loại thứ cấp). | + Các điểm tập kết của KCN/CCN đã và đang hoạt động. + Các trạm trung chuyển rác của tỉnh Hưng Yên. | Áp dụng cho các trạm trung chuyển mới trong tỉnh nhằm tăng cường khả năng trao đổi chất thải. |
- Thu gom, vận chuyển: Đối với các Khu công nghiêp, Cụm công nghiệp (KCN/CCN), việc thu gom, vận chuyển tuân theo quy chế quản lý CTR của KCN/CCN, việc thu gom, phân loại và vận chuyển CTR công nghiệp sẽ do các đơn vị chuyên trách đảm nhiệm. Đối với các cơ sở sản xuất ngoài KCN/CCN, tự tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển bằng cách ký kết hợp đồng với đơn vị được cấp phép thu gom, vận chuyển CTR.
- Quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển: Gồm 2 loại trạm trung chuyển CTR công nghiệp:
+ Trạm chung chuyển sơ cấp (nằm tại mỗi khu, cụm công nghiệp): Có vai trò tập kết các loại CTR công nghiệp trước khi đưa đến các trạm trung chuyển tập trung hoặc các khu xử lý.
+ Trạm trung chuyển tập trung (nằm ở các khu xử lý CTR cấp vùng huyện): Có vai trò kết hợp với các hoạt động tái chế CTR công nghiệp, xử lý đổ thải CTR công nghiệp thông thường và trung chuyển CTR nguy hại trước khi đưa đến khu xử lý vùng tỉnh.
Từ trạm trung chuyển sơ cấp, CTR công nghiệp có thể đưa thẳng đến khu xử lý cấp vùng tỉnh hoặc đưa đến trạm trung chuyển tập trung nằm tại các khu xử lý CTR cấp vùng huyện. Bán kính phục vụ các trạm trung chuyển cấp vùng khoảng 25 - 30km. Tại đây sẽ diễn ra hoạt động tái chế, thu hồi và kể cả đổ thải CTR công nghiệp thông thường.
5.3.4. CTR xây dựng, bùn thải:
- Phân loại tại nguồn: Đối với các công trình lớn phải gắn trách nhiệm của chủ đầu tư hoặc nhà thầu trong việc phân loại CRT tại nguồn. Đối với mô hình hộ gia đình, nên khuyến khích người dân phân ra 2 loại thành phần chính là các loại có thể tái chế và các loại thành phần trơ đất, cát, đá, gạch.
- Thu gom, vận chuyển: Việc thu gom, vận chuyển CTR xây dựng cần thiết phải xác định các điểm tập kết tại các đô thị và các điểm dân cư nông thôn để người dân đổ bỏ CTR. Tại các địa điểm tập kết này, các đơn vị chuyên trách chịu trách nhiệm vận chuyển đến đúng nơi quy định để xử lý.
5.3.5. CTR y tế:
- Phân loại tại nguồn: Tất cả cơ sở y tế đều thực hiện phân loại CTR tại nguồn, tuân thủ quy chế quản lý chất thải y tế; đặc biệt đối với khối cơ sở y tế tư nhân cần có văn bản hướng dẫn việc phân loại và thu gom theo đúng quy trình của Bộ Y tế.
- Thu gom, vận chuyển: sau khi phân loại được thu gom và chuyển tới khu vực lưu chứa chất thải của bệnh viện, hoặc khu xử lý. Quy trình cụ thể như sau:
+ CTR thu hồi, tái chế: Do đơn vị chuyên trách thu gom rồi vận chuyển tới cơ sở tái chế chất thải.
+ CTR sinh hoạt tại cơ sở y tế sau khi phân loại tại nguồn được thu gom và chuyển tới khu chôn lấp, xử lý cùng với CTR sinh hoạt đô thị.
+ CTR y tế nguy hại: Chuyển tới lò đốt chất thải y tế nguy hại bằng phương tiện chuyên dụng.
5.4. Quy hoạch hệ thống xử lý CTR đến năm 2025:
5.4.1. Quy hoạch các khu xử lý CTR đến năm 2025:
Để đáp ứng nhu cầu xử lý CTR cho toàn tỉnh từ nay đến năm 2025, định hướng chia làm 2 giai đoạn quy hoạch:
- Giai đoạn từ nay tới 2017: Sử dụng mạng lưới các bãi thu gom, tập kết CTR quy hoạch cho các huyện để chôn lấp tạm thời CTR phát sinh tại các huyện trong giai đoạn đầu, kết hợp xử lý tại 02 bãi chôn lấp, khu xử lý tập trung hiện đang hoạt động.
- Giai đoạn dài hạn đến năm 2025: Quy hoạch các khu xử lý tập trung liên huyện trong toàn tỉnh.
Giai đoạn từ nay tới năm 2017:
Trong thời gian từ nay tới năm 2017, để tăng cường tỷ lệ thu gom và xử lý CTR, đề xuất quy hoạch xử lý CTR cho các huyện như sau:
- Đối với các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Mỹ Hào: Có khoảng cách tới khu xử lý Đại Đồng tương đối gần, vì vậy để đảm bảo CTR được thu gom, xử lý trong vòng 48 giờ sau khi phát sinh, đề xuất chuyển chức năng các bãi chôn lấp quy mô thôn, xã đã được xây dựng thành các điểm trung chuyển CTR cho huyện. CTR sau khi thu gom sẽ chuyển đến các điểm trung chuyển sau đó đưa về Khu xử lý Đại Đồng.
- Đối với các huyện Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ hiện chưa có khu xử lý tập trung, do đó kiến nghị lựa chọn một số bãi chôn lấp cấp xã hiện đang hoạt động để xử lý CTR tạm thời từ nay đến khi xây dựng xong các khu xử lý tập trung nhằm hạn chế tình trạng vứt rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Sau khi xây dựng xong các khu xử lý tập trung, các điểm này sẽ chuyển thành các bãi thu gom, tập kết và trung chuyển CTR cho các huyện. (Danh mục các bãi chôn lấp tạm thời tại Phụ lục số 02).
- Đối với thành phố Hưng Yên: CTR sau khi thu gom sẽ được chuyển đến xử lý tại bãi chôn lấp phường An Tảo.
Giai đoạn dài hạn tới năm 2025:
- Đối với CTR sinh hoạt đô thị, nông thôn, CTR không nguy hại phát sinh từ các làng nghề, CTR công nghiệp không nguy hại và CTR xây dựng: Xây dựng 4 khu xử lý với bán kính phục vụ của khu xử lý CTR trong khoảng từ 20 - 30km.
- Đối với CTR nguy hại phát sinh từ làng nghề, hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp: Đề xuất quy hoạch 2 khu xử lý CTR công nghiệp và chất thải nguy hại cho toàn tỉnh.
- CTR y tế: Áp dụng công nghệ không đốt, như lò hấp khử khuẩn, máy hủy kim tiêm … xử lý ngay tại bệnh viện. Đối với các bệnh viện chưa được đầu tư xử lý theo công nghệ không đốt sẽ kéo dài thời gian sử dụng lò đốt đến năm 2020.
Hệ thống các khu xử lý CTR cụ thể tại Phụ lục 01 và bản đồ quy hoạch mạng lưới các khu xử lý CTR.
5.4.2. Định hướng công nghệ xử lý CTR:
- Ưu tiên lựa chọn các công nghệ tái chế, thu hồi chất thải tạo ra nguyên liệu và năng lượng, các công nghệ hạn chế chôn lấp, tiết kiệm quỹ đất xây dựng.
- Hạn chế và xử lý triệt để các yếu tố gây ô nhiễm môi trường.
- Lựa chọn các công nghệ đã được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, được cấp giấy phép hoạt động.
- Đảm bảo hiệu quả kinh tế và khả thi về kỹ thuật.
6. Kế hoạch và nguồn lực thực hiện quy hoạch:
6.1. Lộ trình thực hiện: Chia làm 02 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2013 đến năm 2017; giai đoạn 2 từ năm 2018 đến năm 2025, nội dung cụ thể lộ trình thực hiện thể hiện tại Phụ lục 03.
6.2. Nguồn lực thực hiện:
- Tổng nhu cầu vốn đầu tư là: 1.422,77 tỷ đồng
Trong đó:
Giai đoạn 2013-2017 là: 495,7 tỷ đồng.
Giai đoạn 2018-2025 là: 927,07 tỷ đồng.
+ Vốn đầu tư của ngân sách tỉnh Hưng Yên: 187 tỷ đồng.
+ Vốn đầu tư của các đơn vị tư nhân (xã hội hóa): 1.022,4 tỷ đồng.
+ Vốn vay ODA của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và các tổ chức hay ngân hàng nước ngoài khác: 196,256 tỷ đồng.
+ Vốn viện trợ không hoàn lại: 17, 114 tỷ đồng.
- Cơ cấu nguồn vốn và mục tiêu sử dụng nguồn vốn thể hiện cụ thể tại Phụ lục 04.
6.3. Danh mục dự án kêu gọi đầu tư:
Ưu tiên đầu tư xây dựng mở rộng thêm diện tích các khu xử lý đã có: khu xử lý xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm; khu xử lý xã An Tảo, TP Hưng Yên; kêu gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án xây dựng khu xử lý xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ; Dự án xây dựng khu xử lý xã Vũ Xá, huyện Kim Động.
6.4. Cơ chế thực hiện quy hoạch:
- Nhà nước quản lý bằng chủ trương và chính sách; khuyến khích và huy động mọi nguồn vốn của cộng đồng, xã hội vào quản lý CTR; Ưu đãi đầu tư để đẩy mạnh tư nhân hóa trong quản lý CTR ở các khâu thu gom, vận chuyển và xử lý.
- Cộng đồng là chủ thể thực hiện công tác quản lý CTR.
- Doanh nghiệp (tổ chức) tham gia quản lý CTR thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao đối với cộng đồng, chịu sự giám sát của cộng đồng và kiểm tra của nhà nước.
1. Sở Xây dựng:
- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện quy hoạch quản lý CTR tỉnh Hưng Yên.
- Thẩm định quy hoạch xây dựng các khu xử lý CTR, kiểm tra, giám sát việc xây dựng theo quy hoạch.
- Phối hợp với UBND các huyện, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập danh mục dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên để bố trí vốn (ngân sách, vốn ODA và các nguồn vốn khác theo chủ trương xã hội hóa).
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành xây dựng Quy chế quản lý CTR cho toàn
tỉnh (địa bàn huyện, thành phố, khu công nghiệp, cơ sở y tế) trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở cho quản lý nhà nước.
- Chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT hướng dẫn UBND các huyện về các tiêu chuẩn, điều kiện kỹ thuật lựa chọn địa điểm và xây dựng các trạm trung chuyển CTR cho các điểm dân cư nông thôn.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất thực hiện các chính sách ưu đãi trong việc thu hút đầu tư đối với các dự án đầu tư xử lý CTR thông thường, chất thải nguy hại theo quy định hiện hành; xây dựng chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư cho các tổ chức tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý CTR trên địa bàn toàn tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan trình UBND tỉnh ban hành Quy chế đấu thầu hoặc đặt hàng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTR trên địa bàn toàn tỉnh.
- Tham mưu bố trí vốn ngân sách cho các kế hoạch quản lý CTR đã được UBND tỉnh phê duyệt.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại, chủ quản lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về chỉ tiêu thu gom và xử lý CTR và chất thải nguy hại.
- Tham mưu với UBND tỉnh việc triển khai thực hiện Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/4/2011 của Bộ TNMT ban hành về quản lý chất thải nguy hại; Tổ chức cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải; tham mưu UBND tỉnh cấp Giấy phép quản lý chất thải nguy hại theo quy định…
- Chủ trì chương trình phân loại CTR tại nguồn.
- Hàng năm lập báo cáo tổng hợp tình hình quản lý CTR bao gồm CTR sinh hoạt, CTR công nghiệp, CTR y tế và CTR nguy hại trên toàn tỉnh, báo cáo HĐND và UBND tỉnh.
- Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường tại các trạm trung chuyển, khu xử lý CTR toàn tỉnh.
- Phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn UBND các huyện về các tiêu chuẩn, điều kiện kỹ thuật lựa chọn địa điểm và xây dựng các trạm trung chuyển CTR cho các điểm dân cư nông thôn.
4. Sở Tài chính:
- Chủ trì thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt khung giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTR trên địa bàn tỉnh;
- Tham mưu với UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí sự nghiệp môi trường đến cấp xã để hỗ trợ xã thu gom, vận chuyển CTR;
- Đề xuất bố trí kinh phí, đề xuất triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về: đất đai, thuế, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào công trình, lao động và vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước đối với các dự án đầu tư xây dựng các khu xử lý CTR, chất thải nguy hại theo quy hoạch.
5. Sở Công Thương:
- Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về CTR công nghiệp, thường xuyên giám sát quản lý thành phần CTR công nghiệp, khối lượng CTR phát sinh trong các cụm công nghiệp, làng nghề, xí nghiệp riêng lẻ, việc chấp hành các quy định về quản lý CTR trên địa bàn tỉnh;
- Hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTR nguy hại có xuất xứ từ sản xuất công nghiệp.
6. Sở Y tế:
Hướng dẫn và tổ chức kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 31/11/2007 của Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế quản lý CTR y tế. Theo dõi, thống kê lượng chất thải nguy hại từ ngành y tế, giám sát, đánh giá và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh các chỉ tiêu về thu gom, xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh.
7. Sở Khoa học và Công nghệ:
- Thẩm định các công nghệ, thiết bị xử lý, tái chế CTR trên địa bàn tỉnh;
- Thẩm định các công nghệ xử lý CTR nguy hại trên địa bàn tỉnh.
8. Ban Quản lý các khu công nghiệp:
- Chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thống nhất về quản lý CTR trong phạm vi do mình quản lý.
- Phối hợp với Thanh tra môi trường, Cảnh sát môi trường để thanh tra và xử lý các trường hợp vi phạm quy định bảo vệ môi trường trong lĩnh vực CTR tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
9. UBND các huyện, thành phố:
- Chịu trách nhiệm tổ chức, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về vệ sinh môi trường trên địa bàn, trong đó có CTR; chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường các cơ sở thu mua phế liệu và các doanh nghiệp trên địa bàn theo phân cấp.
- Thành lập thêm các công ty môi trường đô thị ở một số đô thị mới như Văn Giang, Mỹ Hào, Bô Thời - Dân Tiến.
- Lập kế hoạch đóng cửa các bãi rác tạm gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
- Xây dựng giá dịch vụ thu gom, xử lý CTR trên địa bàn của mình, đề nghị Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý theo thẩm quyền những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các hoạt động thu gom, xử lý CTR thông thường và các bãi chôn lấp không đúng quy định trên địa bàn.
10. Công an tỉnh (Cảnh sát môi trường):
- Kiểm tra, xử lý hành chính công tác vi phạm pháp luật về môi trường; tiến hành hoạt động điều tra đối với các hành vi vi phạm pháp luật môi trường; kiểm định tiêu chuẩn môi trường.
- Chủ động triển khai lực lượng trinh sát đi đến các điểm nóng về môi trường.
- Phối hợp với ngành tài nguyên và môi trường để bằng các biện pháp xử phạt hành chính thông thường kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ công an để tập trung đi sâu vào xử lý các vi phạm về quản lý CTR, nhập khẩu CTR trái phép.
- Có quyền ra lệnh đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp nếu thấy có vi phạm môi trường. Nếu doanh nghiệp vẫn không chịu khắc phục sẽ khởi tố vụ án, đề nghị đưa ra truy tố trước pháp luật.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Y tế, Khoa học Công nghệ, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Công an tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trư¬ởng các cơ quan có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY HOẠCH KHU XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN TỈNH HƯNG YÊN ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Quyết đinh số 300/QĐ-UBND ngày 01/02/2013 của UBND tỉnh )
TT | Tên khu xử lý | Diện tích quy hoạch (ha) | Tổng nhu cầu diện tích đến năm 2025 (ha) | Quy mô, công suất | Công nghệ xử lý | Phạm vi phục vụ | ||
Nhà máy đốt chất thải (tấn/ngày) | Nhà máy chế biến phân hữu cơ (tấn/ngày) | Nhà máy tái chế (tấn/ngày) | ||||||
1 | KXL TP Hưng Yên | 20 | 4,07 |
|
|
| - Chôn lấp hợp vệ sinh. | - Chôn lấp CTRSH, nông nghiệp, làng nghề, xây dựng cho TP Hưng Yên. |
2 | KXL Vũ Xá, huyện Kim Động | 20 | 13,93 | 1.000 | 350 | 450 | - Đốt chất thải nguy hại và không nguy hại. - Sản xuất phân hữu cơ (sau năm 2017). - Tái chế vật liệu. - Chôn lấp hợp vệ sinh. | - Đốt và chôn lấp các chất trơ trong CTRSH, nông nghiệp, làng nghề, xây dựng cho các huyện Phù Cừ, Kim Động, Khu vực phía Nam huyện Ân Thi, Tiên Lữ. - Tái chế và sản xuất phân hữu cơ từ CTRSH, nông nghiệp, làng nghề, xây dựng cho các huyện Phù Cừ, Kim Động, Khu vực phía Nam huyện Ân Thi, Tiên Lữ và TP Hưng Yên- Xử lý và tái chế CTR công nghiệp nguy hại và không nguy hại cho các huyện Kim Động, phía Nam Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ và TP Hưng Yên. |
3 | KXL Lý Thường Kiệt, Yên Mỹ | 15 | 11,54 | 1.000 | 250 | 750 | - Đốt chất thải nguy hại và không nguy hại. - Sản xuất phân hữu cơ (sau năm 2017). - Tái chế vật liệu. - Chôn lấp hợp vệ sinh. | - Xử lý và tái chế CTR công nghiệp nguy hại, không nguy hại, CTRSH, nông nghiệp, làng nghề, xây dựng cho các huyện Yên Mỹ, Khoái Châu, khu vực phía Bắc huyện Ân Thi. |
4 | KXL Đại Đồng, Văn Lâm | 30 | 25,6 | 1.100 | 400 | 600 | - Đốt chất thải nguy hại và không nguy hại. - Sản xuất phân hữu cơ (sau năm 2017). - Tái chế vật liệu. - - Chôn lấp hợp vệ sinh. | - Xử lý và tái chế CTR công nghiệp nguy hại, không nguy hại, CTRSH, nông nghiệp, làng nghề, xây dựng cho các huyện Văn Giang, Văn Lâm, Mỹ Hào.
|
QUY HOẠCH CÁC BÃI THU GOM, TẬP KẾT CTR
(cho phép chôn lấp CTR cho các huyện giai đoạn 2013 - 2017)
(Kèm theo Quyết định số 300/QĐ-UBND ngày 01/02/2013 của UBND tỉnh)
TT | Các khu xử lý | Diện tích quy hoạch/ Diện tích mở rộng (m2) | Tổng nhu cầu diện tích đến năm 2017 (m2) | Công nghệ xử lý | Phạm vi phục vụ | |
Huyện Khoái Châu | ||||||
1 | Bãi chôn lấp xã Dạ Trạch | 2500 | 1700 | Chôn lấp | Xử lý CTR sinh hoạt nông thôn cho 2 xã Dạ Trạch và Tứ Dân | |
2 | Bãi chôn lấp xã Đông Ninh | 2500 | 2400 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH cho xã Tân Châu, Đông Ninh và Đại Tập | |
3 | Bãi chôn lấp xã Đông Kết | 300/2000 |
| Chôn lấp | Xử lý CTRSH cho xã Đông Kết, Bình Kiều và Liên Khê | |
4 | Bãi chôn lấp xã Thành Công | 300/1300 | 1300 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH cho xã Chí Tân, Thành Công, Nhuế Dương và Thuần Hưng | |
5 | Bãi chôn lấp xã Việt Hòa | 300/1500 | 1500 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH cho xã Đại Hưng, Phùng Hưng và Việt Hòa | |
6 | Bãi chôn lấp xã Dân Tiến | 300/1200 | 1200 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH cho xã Dân Tiến, Đồng Tiến và Hồng Tiến | |
7 | Bãi chôn lấp xã Ông Đình | 300/1050 | 1050 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH cho xã Ông Đình và Tân Dân | |
8 | Bãi chôn lấp xã An Vĩ | 300/1600 | 1600 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH cho xã An Vĩ và thị trấn Khoái Châu | |
9 | Bãi chôn lấp xã Bình Minh | 300/1200 | 1200 | Chôn lấp | Xử lý CTR sinh hoạt cho các xã Bình Minh và Đông Tảo | |
10 | Bãi chôn lấp xã Chí Tân | 300/1300 | 1300 | Chôn lấp | Xử lý CTR sinh hoạt cho các xã Thuần Hưng và Chí Tân | |
Huyện Yên Mỹ | ||||||
1 | Bãi chôn lấp xã Trung Hưng | 2205 | 1800 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Trung Hưng, và Lý Thường Kiệt | |
2 | Bãi chôn lấp xã Trung Hòa | 1401 | 850 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Trung Hòa | |
3 | Bãi chôn lấp xã Tân Lập | 975/1150 | 1150 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Tân Lập, Liêu Xá | |
4 | Bãi chôn lấp xã Việt Cường | 975/1200 | 1200 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Việt Cường và Thanh Long | |
5 | Bãi chôn lấp xã Minh Châu | 1000 |
| Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Minh Châu và Yên Hòa | |
6 | Bãi chôn lấp xã Giai Phạm | 1364 | 1250 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Giai Phạm và Đồng Than | |
7 | Bãi chôn lấp xã Ngọc Long | 1080/1100 | 1100 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Ngọc Long, Nghĩa Hiệp | |
8 | Bãi chôn lấp xã Yên Phú | 750/1300 | 1300 | Chôn lấp | Xử lý CTR xã Yên Phú và Hoàn Long | |
9 | Bãi chôn lấp Yên Mỹ | 1080 | 900 | Chôn lấp | Xử lý CTR cho thị trấn Yên Mỹ | |
10 | Bãi chôn lấp xã Tân Việt | 960 | 780 | Chôn lấp | Xử lý CTR cho xã Tân Việt | |
Huyện Phù Cừ | ||||||
1 | Bãi chôn lấp xã Minh Tiến | 300/1200 | 1200 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Tống Trân và Minh Tiến | |
2 | Bãi chôn lấp xã Tam Đa | 300/1500 | 1500 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Tam Đa, Nguyên Hòa và Tiên Tiến | |
3 | Bãi chôn lấp xã Đình Cao | 300/1100 | 1100 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Đình Cao và Nhật Quang | |
4 | Bãi chôn lấp xã Tống Phan | 300/500 | 500 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Tống Phan | |
5 | Bãi chôn lấp xã Đoàn Đào | 39200 | 4000 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Đoàn Đào, Quang Hưng, Minh Hoàng, Phan Sào Nam và thị trấn Trần Cao | |
6 | Bãi chôn lấp xã Phan Sào Nam | 300/550 | 550 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Minh Tân | |
Huyện Ân Thi | ||||||
1 | Bãi chôn lấp xã Bắc Sơn | 2000 | 1800 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Phù Ủng, Bắc Sơn và Đào Dương | |
2 | Bãi chôn lấp xã Tân Phúc | 1500/1600 | 1600 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Bãi Sậy, Tân Phúc và Quang Vinh | |
3 | Bãi chôn lấp xã Quảng Lãng | 1500/1550 | 1550 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Xuân Trúc, Vân Du, Quảng Lãng | |
4 | Bãi chôn lấp xã Cẩm Ninh | 1500 | 1400 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Đặng Lễ, Cẩm Ninh và Nguyễn Trãi | |
5 | Bãi chôn lấp xã Hồng Vân | 1500/1600 | 1600 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Hồng Quang, Hồng Vân, Hồ Tùng Mậu | |
6 | Bãi chôn lấp xã Văn Nhuệ | 1500 | 1500 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Hoàng Hoa Thám, Văn Nhuệ và Đa Lộc | |
7 | Bãi chôn lấp thị trấn Ân Thi | 6500 | 1200 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH thị trấn Ân Thi | |
8 | Bãi chôn lấp xã Tiền Phong | 1500 | 1100 | Chôn lấp | Xử lý CTR cho 2 xã Tiền Phong và Hạ Lễ | |
Huyện Kim Động | ||||||
1 | Bãi chôn lấp xã Nghĩa Dân | 300/1200 | 1200 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Toàn Thắng và Nghĩa Dân | |
2 | Bãi chôn lấp xã Vĩnh Xá | 300/1000 | 1000 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Vĩnh Xá và Đồng Thanh | |
3 | Bãi chôn lấp xã Thọ Vinh | 1000/1100 | 1100 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Thọ Vinh và Phú Thịnh | |
4 | Bãi chôn lấp xã | 300/1500 | 1500 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Mai Động, Đức Hợp và Hùng An | |
5 | Bãi chôn lấp xã Phú Cường | 1000/1300 | 1300 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Hùng Cường và Phú Cường | |
6 | Bãi chôn lấp xã Ngọc Thanh | 1000/1500 | 1500 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Ngọc Thanh, Song Mai và TT Lương Bằng | |
7 | Bãi chôn lấp xã Hiệp Cường | 300/500 | 500 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Hiệp Cường | |
8 | Bãi chôn lấp xã Vũ Xá | 300/1300 | 1300 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Nhân La, Vũ Xá | |
9 | Bãi chôn lấp xã Chính Nghĩa | 1000/1200 | 1200 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Chính Nghĩa và Phạm Ngũ Lão | |
Huyện Tiên Lữ | ||||||
1 | Bãi chôn lấp Quán Đỏ | 6500/39200 | 6500 | Chôn lấp | Xử lý CTR cho xã Ngô Quyền, Hưng Đạo, Nhật Tân, Dị Chế, Lệ Xá, Đức Thắng | |
2 | Bãi chôn lấp xã Tân Hưng | 2500/5500 | 5500 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Hoàng Hanh, Quảng Châu, Hồng Nam, Tân Hưng, Phương Chiểu | |
3 | BCL Hải Triều | 723/3000 | 3000 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Hải Triều, Thiện Phiến, An Viên | |
4 | Bãi chôn lấp xã Trung Dũng | 513/4100 | 4100 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Trung Dũng, Cương Chính, Minh Phượng, Thụy Lôi | |
5 | Bãi chôn lấp xã Thủ Sỹ | 460/2800 | 2800 | Chôn lấp | Xử lý CTRSH xã Thủ Sỹ, Liên Phương, Trung Nghĩa |
LỘ TRÌNH THỰC HIỆN QUY HOẠCH QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TỈNH HƯNG YÊN ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Quyết định số 300/QĐ-UBND ngày 01/02/2013 của UBND tỉnh)
TT | Các dự án triển khai | Mục tiêu |
| Giai đoạn 2013 - 2017 |
|
1 | Đào tạo nâng cao năng lực quản lý, nâng cao nhận thức cộng đồng: - Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng thông qua các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dân về quản lý chất thải ở các trường học, các cộng đồng dân cư và các cơ sở kinh doanh; Tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân xung quanh việc xử lý CTR không khép kín trong địa giới hành chính. - Hoàn thiện cấu trúc quản lý, nâng cao trình độ và trang bị đủ phương tiện, thiết bị cho lực lượng quản lý nhằm làm tốt vai trò giám sát hoạt động các cơ sở tái chế CTR. | Nâng cao năng lực quản lý, nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm tạo tiền đề thực hiện thành công Quy hoạch quản lý CTR tỉnh Hưng Yên.
|
2 | Hoàn thiện hệ thống khung chính sách - Xây dựng và ban hành Quy chế Quản lý CTR tại các đô thị và KCN trong tỉnh Hưng Yên. - Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc thu gom và xử lý CTR sinh hoạt, công nghiệp và y tế trên địa bàn tỉnh. - Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách cho phân loại CTR tại nguồn. - Hoàn thiện và ban hành quy định về phí thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp y tế trên địa bàn tỉnh. | Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về CTR và liên quan đến CTR; xây dựng xong các cơ chế chính sách về công tác quản lý CTR |
3 | Xây dựng các khu xử lý CTR: - Mở rộng thêm diện tích Khu xử lý xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm lên 30 ha. - Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, quy mô 15 ha (giai đoạn 1). - Dự án xây dựng khu xử lý xã Vũ Xá, huyện Kim Động, quy mô 20 ha (giai đoạn 1). - Mở rộng thêm diện tích Khu xử lý xã An Tảo, thành phố Hưng Yên. | Chuẩn bị đầu tư và triển khai xây dựng các khu xử lý CTR |
4 | Chương trình phân loại CTR tại nguồn - Triển khai thực hiện thí điểm chương trình phân loại rác thải tại nguồn tại các đô thị lớn như thành phố Hưng Yên, thị trấn Văn Giang, Mỹ Hào, Bô Thời ... - Tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm và thực hiện triển khai phân loại rác thải tại nguồn trên quy mô toàn đô thị. - Tuyên truyền giáo dục, thông tin, hướng dẫn phân loại CTR tại các hộ gia đình. | Phân loại CTR tại nguồn nhằm hạn chế lượng CTR cần chôn lấp, tận dụng những thành phần có thể tái chế để sản xuất ra các sản phẩm tái sinh |
5 | Nâng cao năng lực thu gom, vận chuyển CTR - Đầu tư mua sắm đủ các thiết bị phục vụ thu gom, vận chuyển CTR. - Thực hiện cơ giới hóa các khâu quét dọn, thu gom CTR. - Mở rộng dịch vụ thu gom, vận chuyển CTR, phủ kín địa bàn đô thị với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. - Xây dựng các trạm trung chuyển CTR. - Chuẩn bị cơ sở vật chất: Thùng chứa, xe vận chuyển để phục vụ dự án phân loại CTR tại nguồn (tránh trường hợp CTR sau khi phân loại tại nguồn lại bị thu gom, vận chuyển chung với nhau). | Nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển và xử lý CTR |
6 | Đầu tư xây dựng hệ thống quản lý CTR y tế - Đầu tư xây dựng lò đốt CTR y tế tại các huyện. - 100% cơ sở y tế đầu tư hệ thống phân loại và khu lưu chứa đảm bảo vệ sinh môi trường. | Thu gom và xử lý 100% CTR y tế phát sinh |
7 | Xã hội hóa công tác quản lý CTR - Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn đã thực hiện. - Xây dựng mô hình tổ chức quản lý chất thải rắn với nhiều thành phần kinh tế tham gia (Cơ chế, chính sách, quy chế đấu thầu - đặt hàng, quản lý, khung biểu giá...). - Xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách. - Xây dựng hệ thống quản lý hiện hành. - Xây dựng các định mức, khung giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn để tư nhân có thể tiếp cận triển khai quản lý chất thải rắn. | Từng bước thực hiện xã hội hóa công tác quản lý, thông qua cơ chế đặt hàng hay đấu thầu dịch vụ trên cơ sở bảo đảm an toàn và an ninh về Môi trường |
| Giai đoạn 2018 - 2025 |
|
1 | Tiếp tục đầu tư mua sắm đủ các thiết bị phục vụ thu gom, vận chuyển CTR để mở rộng địa bàn và nâng cao chất lượng dịch vụ thu gom, chuyển CTR và triển khai rộng rãi phân loại CTR tại nguồn. | Nâng cấp và hoàn thiện hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý CTR. |
2 | Phân loại CTR tại nguồn - Triển khai rộng rãi việc phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn (hộ gia đình) cho các đô thị trên phạm vi toàn tỉnh | 100% CTR sinh hoạt đô thị được phân loại tại nguồn |
3
| Tiếp tục xây dựng các khu xử lý CTR - Dự án xây dựng khu xử lý xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, quy mô 15 ha (giai đoạn 2). - Dự án xây dựng khu xử lý xã Vũ Xá, huyện Kim Động, quy mô 20 ha (giai đoạn 2). - Dự án xây dựng khu xử lý Đại Đồng, Văn Lâm (giai đoạn 2). | Đáp ứng nhu cầu xử lý CTR sinh hoạt và công nghiệp cho địa phương. |
4 | Đầu tư hệ thống xử lý CTR bằng công nghệ không đốt cho các bệnh viện, trung tâm y tế trong toàn tỉnh | Đảm bảo 100% lượng CTR y tế nguy hại phát sinh được xử lý hợp vệ sinh |
CƠ CẤU NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ THỰC HIỆN QUY HOẠCH THỂ QUẢN LÝ CTR TỈNH HƯNG YÊN ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Quyết đinh số 300/QĐ-UBND ngày 01/02/2013 của UBND tỉnh )
Nguồn vốn | Mục tiêu sử dụng nguồn vốn | Dự kiến kinh phí (tỷ đồng) | ||
2013 -2017 | 2018 -2025 | Tổng cộng | ||
Vốn đầu tư của ngân sách tỉnh. | - Đào tạo nâng cao năng lực quản lý nâng cao nhận thức cộng đồng. - Hoàn thiện khung chính sách - Xã hội hóa công tác quản lý CTR - Xây dựng hệ thống xử lý CTR y tế - Vốn đối ứng XD các Khu xử lý CTR | 70,9 | 116,1 | 187 |
Xã hội hóa - Vốn đầu tư của các đơn vị tư nhân. | Dự án đầu tư xây dựng các khu xử lý | 333,6 | 688,8 | 1.022,4 |
Vốn vay ODA của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và các tổ chức hay ngân hàng nước ngoài khác. | Tăng cường năng lực thu gom vận chuyển CTR | 81,3 | 114,7 | 196,256 |
Vốn viện trợ không hoàn lại của các nước hay các tổ chức quốc tế khác. | Các hỗ trợ kỹ thuật (hướng dẫn và triển khai thí điểm phân loại CTR tại nguồn) … | 9,9 | 7,214 | 17,114 |
Tổng cộng |
| 495,7 | 927,07 | 1.422,77 |
- 1Quyết định 2474/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt đồ án Quy hoạch tổng thể quản lý - xử lý chất thải rắn tỉnh Bình Dương đến năm 2030
- 2Quyết định 494/QĐ-UBND.ĐTXD năm 2013 phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn đến năm 2020
- 3Quyết định 485/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020
- 4Quyết định 56/2012/QĐ-UBND sửa đổi quy định phân cấp quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh kèm theo Quyết định 11/2010/QĐ-UBND
- 5Quyết định 4252/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020
- 6Quyết định 1593/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt bổ sung Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2020 do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 7Quyết định 2133/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt bổ sung dự toán Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 1Luật Bảo vệ môi trường 2005
- 2Nghị định 59/2007/NĐ-CP về việc quản lý chất thải rắn
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Luật xây dựng 2003
- 5Quyết định 43/2007/QĐ-BYT về quy chế quản lý chất thải y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 6Thông tư 13/2007/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 59/2007/NĐ-CP về quản lý chất thải rắn do Bộ Xây dựng ban hành
- 7Thông tư 12/2011/TT-BTNMT Quy định về quản lý chất thải nguy hại do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 8Quyết định 798/QĐ-TTg năm 2011 về phê duyệt Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 18/2011/QĐ-UBND về Quy định phân công nhiệm vụ và phân cấp quản lý trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên ban hành
- 10Quyết định 2474/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt đồ án Quy hoạch tổng thể quản lý - xử lý chất thải rắn tỉnh Bình Dương đến năm 2030
- 11Quyết định 494/QĐ-UBND.ĐTXD năm 2013 phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn đến năm 2020
- 12Quyết định 485/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020
- 13Quyết định 56/2012/QĐ-UBND sửa đổi quy định phân cấp quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh kèm theo Quyết định 11/2010/QĐ-UBND
- 14Quyết định 4252/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020
- 15Quyết định 1593/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt bổ sung Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2020 do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 16Quyết định 2133/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt bổ sung dự toán Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Quyết định 300/QĐ-UBND năm 2013 về phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hưng Yên đến năm 2025
- Số hiệu: 300/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 01/02/2013
- Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
- Người ký: Đặng Minh Ngọc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/02/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra