Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5396/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 30 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;

Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-BTP ngày 13/3/2020 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày

08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại; Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2. Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án này; tham mưu UBND tỉnh ra thông báo về việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh.

Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh thực hiện và chỉ đạo các đơn vị ngành dọc các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở thỏa thuận với Thừa phát lại thực hiện chuyển giao việc tống đạt văn bản theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp;
- Cục Công tác phía Nam - Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy; TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- BCĐ Cải cách tư pháp tỉnh;
- TAND, Viện KSND, Cục THA dân sự tỉnh;
- Lưu: VT, K11.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tự Công Hoàng

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Kèm theo Quyết định số 5396/QĐ-UBND ngày 30/12/2020 của UBND tỉnh Bình Định)

I. CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Cơ sở pháp lý

- Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020;

- Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại;

- Luật Thi hành án dân sự năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014;

- Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự;

- Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;

- Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự;

- Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 14/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại;

- Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BTP-NHNNVN ngày 17/01/2014 của Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn về việc xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại tại các tổ chức tín dụng;

- Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/02/2014 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội;

- Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự;

- Thông tư số 223/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề Thừa phát lại; phí thẩm định điều kiện thành lập, hoạt động Văn phòng Thừa phát lại;

- Thông tư số 05/2020/TT-BTP ngày 28/8/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Thừa phát lại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

2. Cơ sở lý luận của việc xây dựng Đề án

Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp và nhiệm vụ hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Ngày 14/11/2008, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 24/2008/QH12 về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự, Nghị quyết đã khẳng định: “Để triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa một số công việc có liên quan đến thi hành án dân sự, giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm Thừa phát lại (Thừa hành viên) tại một số địa phương. Việc thí điểm được thực hiện từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 01/7/2012”.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, ngày 24/7/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 19/02/2009 phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh”. Có thể nói rằng, năm 2009 là mốc quan trọng đánh dấu chính thức việc khai sinh lại tổ chức Thừa phát lại ở Việt Nam. Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23/11/2012, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại và giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến hết năm 2015.

Ngày 18/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25/3/2013 phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”, mở rộng thí điểm chế định Thừa phát lại từ 12 đến 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Từ kết quả triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (theo Báo cáo số 538/BC-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội), tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 về thực hiện chế định Thừa phát lại. Theo đó, Nghị quyết này cho phép chế định Thừa phát lại được thực hiện chính thức trong phạm vi cả nước kể từ ngày 01/01/2016. Ngày 14/01/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 101/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị Quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại. Ngày 08/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, thay thế Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP.

Việc xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai chủ trương xã hội hóa trong hoạt động bổ trợ tư pháp; Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Qua đó, tăng cường năng lực, hiệu quả trong hoạt động thi hành án dân sự, đáp ứng kịp thời nhu cầu bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức và cá nhân, góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

II. CÁC TIÊU CHÍ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Điều kiện về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh

Bình Định là tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Trung. Toàn tỉnh có 01 thành phố (Quy Nhơn), 02 thị xã (An Nhơn và Hoài Nhơn) và 08 huyện (Tuy Phước, Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão). Tổng diện tích tự nhiên là 6.071,3 km², dân số gần 1,5 triệu người.

Bình Định có vị trí địa lý kinh tế đặc biệt quan trọng trong việc giao lưu với các quốc gia ở khu vực và quốc tế; nằm ở trung điểm của trục giao thông đường sắt và đường bộ Bắc - Nam Việt Nam, đồng thời là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan thông qua Quốc lộ 19 và Cảng biển quốc tế Quy Nhơn. Ngoài lợi thế này, Bình Định còn có nguồn tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn phong phú và nguồn nhân lực khá dồi dào; có tiềm năng về kinh tế biển với chiều dài bờ biển 134km, vùng lãnh hải 2.500km2, vùng đặc quyền kinh tế 40.000km2. Bình Định được xác định sẽ phấn đấu trở thành tỉnh có nền công nghiệp hiện đại và là một trong những trung tâm phát triển về kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.

Năm 2019, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 6,81%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,35%; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 911,6 triệu USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước tăng 17%. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt mức tăng trưởng cao, ước đạt 12.058 tỷ đồng, vượt 20,7% dự toán năm và tăng 33,9% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận còn lại) là 5.462 tỷ đồng, vượt 5,5% dự toán năm, tăng 9,3%; thu tiền sử dụng đất là 5.700 tỷ đồng, vượt 45% dự toán năm, tăng 77,4%; thu xuất nhập khẩu là 642 tỷ đồng, vượt 0,2% dự toán năm, tăng 4,6% so cùng kỳ. Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 16.838 tỷ đồng, vượt 20% dự toán năm và tăng 22,8% so cùng kỳ, trong đó chi thường xuyên ước thực hiện 6.622 tỷ đồng, vượt 2,1% dự toán năm và tăng 3,4% so cùng kỳ.

Hoạt động tài chính, tín dụng tiếp tục phát triển ổn định, góp phần đảm bảo nguồn vốn phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho Nhân dân, hạn chế tác động của tình trạng tín dụng đen. Đến ngày 31/12/2019, tổng nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 65.301 tỷ đồng, tăng 14,9% so cùng kỳ. Tổng dư nợ khoảng 78.109 tỷ đồng, tăng 14,5% so cùng kỳ, trong đó nợ xấu chiếm khoảng 0,6% so với tổng dư nợ.

Hoạt động du lịch tăng trưởng khá, tổng lượng khách du lịch đến tỉnh trong năm ước đạt trên 4,8 triệu lượt, tăng 18% so cùng kỳ (trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt trên 484.000 lượt, tăng 47,8%; khách nội địa ước đạt trên 4,3 triệu lượt, tăng 15,4%). Tổng doanh thu du lịch năm 2019 ước đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 49,9% so cùng kỳ.

Với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và các doanh nghiệp trong tỉnh, đã thực hiện hoàn thành phần lớn các mục tiêu Nghị quyết của Chính phủ và các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách đã đề ra; an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng - an ninh được củng cố, các lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển, việc làm và thu nhập của người dân được cải thiện, đời sống Nhân dân cơ bản ổn định, hiệu quả hoạt động chính quyền được nâng lên.

2. Mật độ dân cư của tỉnh

Theo tổng điều tra dân số tính đến ngày 01 tháng 4 năm 2019, toàn tỉnh có 1.486.918 người, trong đó nam chiếm 49,2%, nữ chiếm: 50,8%. Dân số ở thành thị chiếm 31,9%, nông thôn chiếm 68,1%, mật độ dân số là 246 người/km² và dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng chiếm: 58.8% dân số toàn tỉnh. Ngoài dân tộc Kinh, còn có các dân tộc khác nhưng chủ yếu là Chăm, Ba Na và Hrê, bao gồm khoảng 2,5 vạn dân.

Dân cư trên địa bàn tỉnh phân bố không đều, mật độ dân số toàn tỉnh là 251,8 người/km2; dân cư tập trung đông nhất tại khu vực thành phố Quy Nhơn (mật độ dân số trung bình 1.007,2 người/km2), tiếp đến là tại thị xã An Nhơn (mật độ trung bình 752,8 người/km2), thị xã Hoài Nhơn (mật độ trung bình 502,2 người/km2); thấp nhất là huyện Vân Canh với 31,6 người/km2. Tỷ lệ đô thị hóa tính đến năm 2020 ước đạt 43%.

3. Số lượng vụ việc thụ lý và hoạt động tống đạt của ngành tòa án, viện kiểm sát, thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến năm 2019

Số lượng vụ việc thụ lý của ngành tòa án, viện kiểm sát, thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến năm 2019 như sau:

TT

Tên Đơn vị

Tòa án

Viện kiểm sát

Thi hành án dân sự

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Tổng cộng

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Tổng cộng

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Tổng cộng

I

Cấp tỉnh

676

684

689

2.049

189

153

178

520

231

415

316

962

II

Cấp huyện

6.185

6.700

6.509

19.394

4.960

5.762

4.277

14.999

8.912

9.333

10.129

28.374

1

Quy Nhơn

1.801

2.344

1.921

6.066

1.373

1.929

371

3.673

2.650

2.935

3.153

8.738

2

An nhơn

587

514

452

1.553

542

437

415

1.394

1.200

1.049

1.082

3.331

3

Hoài Nhơn

971

865

999

2.835

493

762

833

2.088

1.123

1.232

1.244

3.599

4

Tuy Phước

544

729

664

1.937

536

684

592

1.812

765

911

1.023

2.699

5

Phù Cát

425

449

570

1.444

347

339

464

1.150

884

911

1.061

2.856

6

Phù Mỹ

576

489

516

1.581

356

391

414

1.161

918

761

806

2.485

7

Hoài Ân

411

458

461

1.330

639

490

371

1.500

574

608

775

1.957

8

Tây Sơn

488

509

559

1.556

339

404

481

1.224

443

564

626

1.633

9

An Lão

112

118

116

346

99

112

111

322

99

113

111

323

10

Vân Canh

143

118

130

391

112

108

116

336

85

73

82

240

11

Vĩnh Thạnh

127

107

121

355

124

106

109

339

171

176

166

513

Trong những năm qua, hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân hai cấp trên địa bàn tỉnh đã thụ lý giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, hôn nhân và gia đình, hành chính, lao động ngày một tăng, với số lượng lớn, khoảng 7.147 vụ/năm (năm 2017 là 6.816 vụ, năm 2018 là 7.384 vụ, năm 2019 là 7.198 vụ).

Theo quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động tố tụng cho thấy, thủ tục giải quyết một vụ án, Tòa án phải thực hiện tống đạt trung bình khoảng 10 loại giấy tờ, văn bản, như: Thông báo thụ lý vụ kiện, giấy mời lấy lời khai, thông báo hòa giải, quyết định khẩn cấp tạm thời, thông báo đo đạc, thẩm định, giấy triệu tập đương sự, quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định, bản án của Tòa...

Từ năm 2017 đến năm 2019, Văn phòng Thừa phát lại Bình Định đã thực hiện tống đạt cho 04 cơ quan tòa án là: TAND tỉnh, TAND thành phố Quy Nhơn, TAND huyện Tuy Phước, TAND thị xã An Nhơn, số lượng văn bản tống đạt trung bình khoảng 10.041 văn bản/năm (năm 2017 là 9.426 văn bản, năm 2018 là 9.791 văn bản, năm 2019 là 10.906 văn bản). hoạt động này đem lại nguồn thu ổn định, đảm bảo cho hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại

Trong lĩnh vực kiểm sát: trong 03 năm (2017-2019), ngành kiểm sát hai cấp đã thụ lý, giải quyết trung bình 5,173 vụ/năm (năm 2017 là 5.149 vụ, năm 2018 là 5.915 vụ, năm 2019 là 4.455 vụ).

Trong lĩnh vực Thi hành án dân sự: các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh thụ lý giải quyết trung bình khoảng 9.778 việc/năm (năm 2017 là 9.143 việc, năm 2018 là 9.748 việc, năm 2019 là 10.445 việc).

Trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ việc, Chấp hành viên phải tống đạt ít nhất 04 loại giấy tờ, như: Giấy mời, quyết định thi hành án (lập biên bản khi tống đạt), thông báo kê biên tài sản, định giá tài sản. Trường hợp thi hành cưỡng chế thường có 15 loại giấy tờ và cả các vụ việc xác minh điều kiện thi hành án. Tính trung bình một năm cơ quan Thi hành án trên địa bàn tỉnh cần tống đạt khoảng hơn 8.035 văn bản, giấy tờ các loại (năm 2017 là 7.133 văn bản, năm 2018 là 8.104 văn bản, năm 2019 là 8.870 văn bản).

Trên thực tế, từ năm 2017 đến năm 2019, Văn phòng Thừa phát lại Bình Định đã thực hiện tống đạt cho 04 cơ quan thi hành án là: Cục THADS tỉnh, Chi cục THADS thành phố Quy Nhơn, Chi cục THADS huyện Tuy Phước, Chi cục THADS thị xã An Nhơn, số lượng văn bản tống đạt trung bình khoảng 519 văn bản/năm (năm 2017 là 1.392 văn bản, năm 2018 là 1.557 văn bản, năm 2019 là 0 văn bản). Số lượng văn bản tống đạt trên thực tế thấp so với nhu cầu chủ yếu là do kinh phí tống đạt của ngành thi hành án tỉnh còn hạn hẹp, Tổng cục THADS không cấp kinh phí tống đạt đối với việc do ngân sách chi trả; đối với các giấy tờ có liên quan đến việc thi hành án theo đơn yêu cầu thi hành án, Chấp hành viên phải tạm ứng để thanh toán chi phí và việc thu hồi khoản chi phí đã tạm ứng rất khó khăn.

Việc tống đạt giấy tờ, văn bản có liên quan đến việc xét xử và thi hành án có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo quy định của pháp luật, nhưng hiện nay cũng gặp phải không ít khó khăn do công chức của cơ quan tòa án và cơ quan thi hành án dân sự khá mỏng lại thực hiện nhiều công việc khác. Vì vậy, nếu có Thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ, văn bản sẽ góp phần bảo đảm tuân thủ chặt chẽ yêu cầu của thủ tục tố tụng, trong công tác xét xử của Tòa án và công tác thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự và góp phần giảm tải cho các cơ quan Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự.

4. Về hoạt động thi hành án dân sự

Theo thống kê công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, cho thấy lượng án thụ lý và được đưa ra thi hành ngày càng tăng, trong khi về con người, biên chế của các cơ quan thi hành án dân sự đang được điều chỉnh theo xu hướng tinh giảm biên chế. Bên cạnh đó, quy trình xử lý thi hành án phải trải qua nhiều giai đoạn, mất nhiều thời gian mới giải quyết xong vụ việc; ý thức chấp hành pháp luật của một số đối tượng phải thi hành án chưa cao, còn chây ỳ, né tránh, hoặc lợi dụng việc khiếu nại để trì hoãn việc thi hành án.

5. Về nhu cầu lập và sử dụng vi bằng

Theo khoản 1 Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì: “Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 của Nghị định này”; đồng thời, tại khoản 3 Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định: “Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật”.

Từ kết quả thực tiễn xây dựng và phát triển chế định Thừa phát lại trong thời gian qua có thể thấy việc lập vi bằng và coi vi bằng là nguồn chứng cứ đã có tác động lớn đến đời sống dân sự, giúp người dân có thêm nguồn chứng cứ để bảo vệ quyền dân sự của mình. Cùng với đó, việc lập vi bằng cũng đã góp phần đáng kể trong việc ngăn ngừa và giảm tải các vụ việc khiếu kiện không đáng có giữa tổ chức với tổ chức, giữa tổ chức với cá nhân và ngược lại. Đó là hướng đi đúng đắn trong cải cách tư pháp theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước.

Thực tế từ hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại Bình Định, sau khi Nghị định số 08/2020/NĐ-CP có hiệu lực, số lượng vi bằng đã tăng lên đáng kể so với các năm trước (năm 2017 lập 01 vi bằng, năm 2018 lập 03 vi bằng, năm 2019 lập 03 vi bằng, 06 tháng đầu năm 2020 lập 12 vi bằng).

Từ cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và căn cứ vào các tiêu chí nêu trên, việc xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Định là cần thiết, đáp ứng các yêu cầu của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế và trong quá trình thi hành các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân; góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, giảm tải công việc cho Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh.

III. NỘI DUNG ĐỀ ÁN

1. Quan điểm xây dựng Đề án

- Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại nhằm triển khai chủ trương xã hội hóa trong hoạt động bổ trợ tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội; tăng cường năng lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, trong hoạt động thi hành án dân sự và sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước đối với hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức hoạt động Thừa phát lại nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức và cá nhân, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu, yêu cầu của Đề án

2.1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

- Đảm bảo tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tình hình thực tiễn tại từng địa phương.

- Huy động các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng và thực hiện chế định Thừa phát lại nhằm giảm áp lực công việc, giảm chi tiêu ngân sách và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp hiện nay.

- Hoạt động của Thừa phát lại phải góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung và thi hành án dân sự nói riêng; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong các quan hệ với cơ quan nhà nước và trong hoạt động tố tụng, tạo môi trường pháp lý lành mạnh, đảm bảo an toàn cho các giao dịch dân sự, kinh tế.

b) Mục tiêu cụ thể

- Việc phát triển Văn phòng Thừa phát lại phải theo lộ trình cụ thể; phân bố phù hợp với tình hình thực tiễn và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên địa bàn tỉnh; đáp ứng kịp thời nhu cầu của các tổ chức, cá nhân khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế và trong hoạt động tố tụng.

- Góp phần giảm tải công việc của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và cơ quan Thi hành án dân sự; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử và thi hành án dân sự.

- Tạo điều kiện cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án có thêm công cụ hỗ trợ tích cực để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình tổ chức thi hành án.

2.2. Yêu cầu của Đề án

- Phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế; phát huy vai trò, huy động nguồn lực và nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động Thừa phát lại.

- Việc xây dựng Đề án phải có lộ trình cụ thể, định hướng việc phát triển số lượng Văn phòng Thừa phát lại theo từng giai đoạn, từng địa bàn cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý của tổ chức, cá nhân; đồng thời, đảm bảo các Văn phòng Thừa phát lại có thể tồn tại và phát triển bền vững.

- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước có liên quan, đặc biệt giữa Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan Thi hành án dân sự và UBND cấp huyện, cấp xã trong hoạt động Thừa phát lại.

3. Lộ trình phát triển Văn phòng Thừa phát lại

Căn cứ vào các tiêu chí về điều kiện về kinh tế - xã hội của địa bàn cấp huyện; số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại; mật độ dân cư và nhu cầu của người dân ở địa bàn cấp huyện, việc thành lập các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh thực hiện theo lộ trình sau:

3.1. Giai đoạn 2020 - 2025

Phát triển từ 01 đến 04 Văn phòng Thừa phát lại ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển; đồng thời, có tính đến nhu cầu thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế, hoạt động tố tụng, thi hành án dân sự của các tổ chức, cá nhân tại từng địa bàn cấp huyện. Theo đó, Văn phòng Thừa phát lại được phát triển ở các địa bàn sau:

Thành phố Quy Nhơn: 02 Văn phòng Thừa phát lại;

Thị xã An Nhơn: 01 Văn phòng Thừa phát lại;

Thị xã Hoài Nhơn: 01 Văn phòng Thừa phát lại.

3.2. Giai đoạn từ năm 2025 trở đi

Tiếp tục duy trì, ổn định các Văn phòng Thừa phát lại hiện có; củng cố, phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên cơ sở nhu cầu thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế, hoạt động tố tụng, thi hành án dân sự của các tổ chức, cá nhân tại từng địa bàn cấp huyện và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, Văn phòng Thừa phát lại được phát triển thêm ở các địa bàn sau:

Thị xã An Nhơn: 01 Văn phòng Thừa phát lại;

Thị xã Hoài Nhơn: 01 Văn phòng Thừa phát lại.

Ngoài ra, xuất phát nhu cầu thực tiễn, sẽ phát triển thêm một số Văn phòng Thừa phát lại tại các huyện: Tuy Phước, Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão, mỗi huyện 01 Văn phòng Thừa phát lại.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công tác phối hợp thực hiện

a) Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh

- Phối hợp, hỗ trợ và chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp huyện thực hiện việc chuyển giao văn bản tống đạt cho Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

- Thông tin bằng văn bản cho Sở Tư pháp về chất lượng của vi bằng được sử dụng làm chứng cứ xét xử tại Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện.

b) Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh

- Kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại.

- Phối hợp, hỗ trợ và chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện thực hiện việc chuyển giao văn bản tống đạt cho Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

- Thông tin cho Sở Tư pháp việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tống đạt các văn bản của Tòa án, các văn bản về thi hành án và trong hoạt động thi hành án , lập vi bằng của Thừa phát lại.

c) Cục Thi hành án dân sự tỉnh

- Thực hiện trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

- Phối hợp, hỗ trợ và chỉ đạo Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện thực hiện việc chuyển giao văn bản tống đạt cho Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

d) Sở Tư pháp

- Giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

- Thông báo Đề án và số lượng phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép thành lập, chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại.

- Định kỳ hằng năm, báo cáo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

e) Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (bao gồm cả thông tin về giao dịch bảo đảm) phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại và phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, Luật Thi hành án dân sự và quy định pháp luật có liên quan.

g) Sở Giao thông vận tải cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về đăng ký phương tiện thủy nội địa, xe máy chuyên dùng có tham gia giao thông đường bộ phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, Luật Thi hành án dân sự và quy định pháp luật có liên quan.

h) Sở Thông tin và Truyền thông định hướng các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định thực hiện việc đưa tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về chế định Thừa phát lại, dành thời lượng thích hợp để tuyên truyền phổ biến trên các chuyên trang, chuyên mục pháp luật về nội dung của các văn bản pháp luật liên quan đến Thừa phát lại.

i) Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp tăng cường công tác tuyên truyền, các văn bản pháp luật của Nhà nước về Thừa phát lại trên các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật; theo dõi và đưa tin thường xuyên về hoạt động của Thừa phát lại để Nhân dân và các tổ chức nắm bắt, thực hiện.

k) Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bình Định, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm phối hợp, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trên địa bàn phối hợp, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện các công việc về xác minh điều kiện thi hành án, thi hành án dân sự theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, Luật Thi hành án dân sự và quy định pháp luật có liên quan.

l) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ cho hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại: Thực hiện công việc về tống đạt văn bản; thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật về tố tụng và quy định pháp luật có liên quan.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (bao gồm cả thông tin về giao dịch bảo đảm) phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại và phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, Luật Thi hành án dân sự và quy định pháp luật có liên quan.

2. Kinh phí thực hiện

Kinh phí để triển khai thực hiện Đề án phát triển Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh được bố trí từ ngân sách nhà nước trong dự toán chi thường xuyên hằng năm và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Đề án này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.