BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 517/TCHQ/QĐ/TCCB | Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 2004 |
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật Hải quan ngày 29/6/2001;
Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức;
Căn cứ Nghị định số 96/2002/NĐ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan;
Căn cứ chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 26/5/2004;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Áp dụng một số giải pháp để ngăn chặn và chấm dứt tệ gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong cán bộ, công chức Hải quan được ban hành kèm theo quyết định này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Cơ quan Tổng cục, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hải quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TỔNG CỤC TRƯỞNG |
ĐỂ NGĂN CHẶN VÀ CHẤM DỨT TỆ GÂY PHIỀN HÀ, SÁCH NHIỄU, TIÊU CỰC TRONG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 517/TCHQ/QĐ/TCCB ngày 17/06/2004)
Tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức trong khi làm thủ tục hải quan đã gây nhức nhối dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của ngành Hải quan. Những năm qua, đi đôi với việc cải tiến thủ tục hải quan ở cửa khẩu, ngành Hải quan đã có những biện pháp đấu tranh quyết liệt với tệ phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực nhưng hiệu quả chưa cao, thậm chí có lúc có nơi còn trở nên nghiêm trọng, phức tạp, có tính tập thể. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, do một bộ phận cán bộ, công chức Hải quan thiếu tự rèn luyện; lãnh đạo Hải quan các cấp làm chưa hết trách nhiệm; việc xử lý vi phạm chưa đủ tác dụng giáo dục và ngăn chặn.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan áp dụng một số giải pháp để thực hiện trong toàn Ngành như sau:
Tăng cường giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và quản lý cán bộ để mỗi người nhận thức đầy đủ, sâu sắc tác hại của tệ gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực; tự đấu tranh và kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chính mình, bảo vệ Ngành, quyết tâm ngăn chặn và chấm dứt tệ nạn này.
1. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố có chương trình hành động và cam kết trước Tổng cục trưởng và Bộ trưởng Bộ Tài chính tổ chức thực hiện ngăn chặn và chấm dứt tệ gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong đơn vị mình.
2. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan có bản cam kết trước Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố về việc ngăn chặn và chấm dứt tệ gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong Chi cục.
3. Phó Chi cục trưởng, Đội trưởng, Tổ trưởng thuộc Chi cục Hải quan và từng cán bộ, công chức thuộc đội phải có bản cam kết trước Chi cục trưởng Chi cục Hải quan về việc không gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, không nhận tiền “bồi dưỡng” hoặc ăn chia với chủ hàng dưới mọi hình thức.
4. Lãnh đạo Phòng và chuyên viên tại các Phòng chức năng và đơn vị tương đương thuộc cơ quan Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải có cam kết, không gây phiền hà sách nhiễu tiêu cực trong nội bộ Hải quan với nhau cũng như đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.
5. Sau khi đã cam kết thì mỗi cán bộ, công chức phải tự giác thực hiện ngay, cấp trên phải gương mẫu trước cấp dưới; Việc cam kết này cũng là cơ sở để kiểm tra và xử lý nghiêm đối với người vi phạm.
6. Trong nội dung giao ban tuần, tháng từ cấp Đội thuộc Chi cục, cấp Chi cục Hải quan, đến cấp Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải có nội dung kiểm điểm việc thực hiện chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực và kiểm điểm thực hiện cải cách thủ tục hải quan. Nội dung này được phản ánh đầy đủ trong sổ giao ban của đơn vị, làm cơ sở để lãnh đạo cấp trên kiểm tra, chỉ đạo và xử lý về trách nhiệm của Thủ trưởng và cá nhân đối với đơn vị đó.
Chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện quy trình thủ tục hải quan, lề lối làm việc ở Chi cục Hải quan, cơ quan tham mưu, giúp việc của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
1. Tại Chi cục Hải quan:
1.1. Bố trí, phân công lại lực lượng theo yêu cầu chuyên sâu, chuyên trách, mỗi khâu nghiệp vụ của quy trình thủ tục hải quan phải có một công chức chịu trách nhiệm chính trong khi làm thủ tục hải quan. Mọi yêu cầu của Hải quan đối với doanh nghiệp đều thể hiện trên “Phiếu yêu cầu nghiệp vụ”, do công chức này ký và chịu trách nhiệm, có chữ ký của chủ hàng (hoặc đại diện chủ hàng) vào phiếu đó sau khi đã xem và nắm đầy đủ các nội dung mà Hải quan yêu cầu. Phiếu này được lưu kèm hồ sơ hải quan (có mẫu phiếu quy định tại công văn số 2719/TCHQ/GSQL ngày 15/6/2004 của Tổng cục Hải quan).
1.2. Khẩn trương tổ chức giám sát bằng camera ở những nơi cần thiết. Giảm đến mức tối thiểu việc công chức Hải quan trực tiếp giám sát ở kho, bãi hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để tránh việc công chức tiếp xúc và gây phiền hà, sách nhiễu chủ hàng.
1.3. Các yêu cầu của chủ hàng đối với Hải quan cũng phải thể hiện bằng văn bản, chuyển trực tiếp cho Tổ giải quyết vướng mắc ở Chi cục. Cán bộ thường trực của Tổ có phiếu tiếp nhận để giải quyết theo nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Văn bản số 1722/TCHQ/GSQL ngày 19/4/2004 của Tổng cục Hải quan.
1.4. Cán bộ, công chức Hải quan làm nhiệm vụ chuyên trách chống buôn lậu không được tham gia hay can thiệp vào bất cứ khâu nào trong quá trình làm thủ tục hải quan, không được đưa ra bất cứ yêu cầu nào đối với chủ hàng đang làm thủ tục hải quan. Trường hợp có thông tin về dấu hiệu vi phạm pháp luật thì lãnh đạo Đội Kiểm soát thông báo chính thức bằng văn bản để Chi cục trưởng Hải quan chỉ đạo kiểm tra. Công chức kiểm soát hải quan không được tham gia vào quá trình kiểm hóa. Nếu lô hàng thuộc vụ án đang trong quá trình điều tra thì Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố có quyết định chuyển giao lô hàng đó cho Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu để lực lượng chống buôn lậu điều tra, cho đến khi kết thúc vụ án.
1.5. Xây dựng nếp sống văn hóa trong mỗi đơn vị và từng công chức Hải quan. Khi làm việc hoặc tiếp xúc với hành khách xuất nhập cảnh và với doanh nghiệp, công chức Hải quan phải mặc trang phục Hải quan đúng quy định, sạch sẽ, chỉnh tề, có thái độ văn minh, lịch sự. Nghiêm cấm công chức Hải quan có thái độ hách dịch, dọa dẫm, cửa quyền, nói năng thô tục, thiếu văn hóa với doanh nghiệp, với hành khách và nhân dân.
2. Tại Cục Hải quan tỉnh, thành phố:
2.1. Tăng cường vai trò của Tổ giải quyết vướng mắc ở Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Tổ phải thực hiện theo đúng các quy định tại Văn bản số 1722/TCHQ/GSQL ngày 19/4/2004 của Tổng cục Hải quan. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố xây dựng quy trình, trình tự thủ tục giải quyết vướng mắc và công khai để mọi người giám sát thực hiện.
2.2. Các lực lượng kiểm soát chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan và thanh tra khi làm việc và tiếp xúc với doanh nghiệp phải:
2.2.1. Có biên bản làm việc và được lập thành 2 bản (doanh nghiệp 1 bản, Hải quan 1 bản).
2.2.2. Khi có yêu cầu với doanh nghiệp thì phải ghi rõ trên “Phiếu yêu cầu nghiệp vụ”, lập thành 2 bản (doanh nghiệp 1 bản, Hải quan 1 bản) theo mẫu Tổng cục Hải quan ban hành.
2.2.3. Doanh nghiệp khi có yêu cầu với Hải quan cũng phải bằng văn bản.
2.2.4. Hoặc 2 nội dung yêu cầu ở điểm 2.2.2 và 2.2.3 đều được ghi chung vào biên bản làm việc thay cho phiếu yêu cầu nghiệp vụ.
2.3. Việc giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp phải bằng quyết định theo đúng trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại.
Bố trí công chức nghiệp vụ ở các khâu trong quy trình thủ tục hải quan theo yêu cầu chuyên sâu, chuyên trách; phân công công việc cho công chức khách quan, vì việc mà bố trí cán bộ; có kế hoạch thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghề nghiệp để mỗi cán bộ thật sự thuần thục trong công việc được giao. Kiên quyết không bố trí những người không có đủ trình độ, chuyên môn làm công tác nghiệp vụ. Một công chức nếu có 3 lần không giải quyết được công việc theo thẩm quyền, phải báo cáo cấp trên thì phải chuyển làm công việc khác có yêu cầu thấp hơn. Nếu để cán bộ yếu kém, làm sai, gây phiền hà, sách nhiễu thì công chức lãnh đạo, quản lý trực tiếp phải chịu kỷ luật nghiêm khắc về trách nhiệm, kể cả việc cách chức.
Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố và Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu chịu trách nhiệm chính trong tổ chức thực hiện giải pháp này.
Trang bị đủ phương tiện tối thiểu và cần thiết cho công chức làm việc tại các khâu nghiệp vụ của quy trình thủ tục hải quan:
1. Trong năm 2004, trang bị đủ máy tính cho công chức tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, kiểm tra tính thuế và các khâu nghiệp vụ có liên quan trực tiếp với doanh nghiệp.
2. Trang bị đủ tài liệu về chính sách pháp luật, quy chế, quy trình về thủ tục hải quan, chính sách quản lý xuất nhập khẩu, chính sách thuế và các chính sách liên quan khác.
3. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố xác định nhu cầu và lập ngay kế hoạch trang bị camera giám sát tại các cửa khẩu lớn, địa điểm làm thủ tục hải quan, địa điểm kiểm tra hải quan có phạm vi giám sát rộng và các phương tiện giản đơn cho công tác kiểm tra thực tế hàng hóa (thước, cân, kìm, búa, khoan, ống soi, thiết bị lấy mẫu, chất thử ma túy, hóa chất…)
Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình của Kế hoạch cải cách, phát triển, hiện đại hóa Hải quan giai đoạn 2004 – 2006 đã được Bộ Tài chính phê duyệt:
1. Cải cách thể chế và thủ tục Hải quan
2. Hiện đại hóa công nghệ thông tin và trang thiết bị kỹ thuật.
3. Cải cách tổ chức bộ máy.
4. Chuẩn hóa cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ hải quan.
5. Hiện đại hóa trụ sở làm việc của Hải quan.
Trước mắt, tổ chức rà soát, đối chiếu với các chuẩn mực quốc tế, tiến hành ngay việc sửa đổi bất hợp lý của quy trình thủ tục hải quan, kiến nhị sửa đổi Luật Hải quan, các luật khác có liên quan. Đồng thời xây dựng lại tiêu chuẩn nghiệp vụ của công chức Hải quan và khẩn trương tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ hải quan chuyên sâu theo chuẩn mực quốc tế, đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học và các kiến thức cần thiết khác. Xúc tiến ngay các thủ tục cần thiết để đầu tư, mua sắm trang bị phương tiện, xây dựng trụ sở cho các đơn vị, địa bàn trọng điểm theo định hướng quản lý tập trung.
Tăng cường tự thanh tra, kiểm tra của Hải quan các cấp để chủ động phát hiện, chấn chỉnh, xử lý, ngăn chặn sai phạm, tiêu cực của công chức Hải quan:
1. Công chức Hải quan hàng ngày phải tự rà soát kiểm tra công việc đã làm; Lãnh đạo Đội, Tổ thuộc Chi cục Hải quan và tương đương, hàng ngày phải trực tiếp kiểm tra công tác chuyên môn nghiệp vụ và hoạt động phát sinh hàng ngày của bản thân và của công chức thừa hành thuộc quyền, chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng và cấp trên về việc thiếu kiểm tra để xẩy ra những sai sót của công chức thuộc quyền mà các đơn vị khác phát hiện ra.
2. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố hàng ngày có trách nhiệm kiểm tra công tác chuyên môn nghiệp vụ và các hoạt động khác trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ của đơn vị mình, trường hợp không trực tiếp kiểm tra thì phải phân công một cấp phó thay thế, kịp thời phát hiện, khắc phục những yếu kém, khuyết điểm, vi phạm pháp luật xảy ra trong ngày. Khi kiểm tra, Chi cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố chọn những công chức có kinh nghiệm, có chuyên môn nghiệp vụ sâu ở đơn vị mình, hoặc báo cáo Lãnh đạo Cục chọn ở nơi khác để tổ chức kiểm tra trong đơn vị hoặc áp dụng các biện pháp khác phù hợp với tình hình, đặc điểm của đơn vị.
3. Tổ chức hệ thống bảo vệ nội bộ từ Tổng cục Hải quan đến Cục Hải quan tỉnh, thành phố và cửa khẩu quốc tế lớn để chủ động phát hiện tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ và có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Tổ chức phối kết hợp tốt với các cơ quan chức năng ngoài Ngành để chống buôn lậu, chống gian lận thương mại và gắn với chống tiêu cực, tham nhũng, làm trong sạch nội bộ:
1. Kiểm tra, đôn đốc thực hiện tốt các quy chế phối hợp đã ký kết giữa Hải quan với Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Kinh tế, ngành Thuế.
2. Tiếp tục xây dựng và ký kết quy chế phối hợp với cơ quan An ninh các cấp để chủ động nắm tình hình, kiểm tra nội bộ, phòng ngừa sai phạm lớn.
3. Cục trưởng và Đảng ủy (Chi cục) Cục Hải quan tỉnh, thành phố có biện pháp phù hợp, tổ chức ký kết với cấp ủy và chính quyền nơi cán bộ, công chức Hải quan cư trú và cấp ủy, chính quyền nơi có trụ sở chi cục Hải quan để cùng quản lý đảng viên và cán bộ, công chức Hải quan; kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất minh về kinh tế, tài sản và quan hệ của công chức Hải quan tại nơi cư trú.
Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong hệ thống Hải quan, của các Tỉnh ủy, Thành ủy nơi có lực lượng Hải quan trong cuộc đấu tranh chống gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực của công chức Hải quan và với các đối tác có liên quan Hải quan.
1. Đề nghị Đảng ủy (Chi ủy) các Cục Hải quan tỉnh, thành phố có nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết thực hiện chủ trương này.
2. Cục trưởng và Đảng ủy (Chi ủy) Cục Hải quan tỉnh, thành phố tham mưu, đề xuất để Tỉnh ủy, Thành ủy có nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo Hải quan, doanh nghiệp và các lực lượng khác đóng trên địa bàn phối hợp thực hiện các giải pháp nêu trong quyết định này.
Khen thưởng tập thể, cá nhân làm tốt, xử lý kịp thời và nghiêm minh đối với người có sai phạm:
1. Các đơn vị, cá nhân trong ngành Hải quan và ngoài ngành tham gia thực hiện tốt những giải pháp này, mạnh dạn đấu tranh, phát hiện cán bộ, công chức Hải quan có hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực thì được khen thưởng xứng đáng.
2. Đơn vị, cá nhân có sai phạm thì xử lý theo hướng sau:
2.1. Công chức Hải quan (người thừa hành) sau khi đã cam kết mà còn mắc sai phạm gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực thì phải xử lý kỷ luật nghiêm khắc theo quy định của Nhà nước và của ngành Hải quan.
2.2. Công chức Hải quan nào có tiêu cực, bị bắt quả tang thì Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố làm ngay thủ tục quyết định buộc thôi việc đối với công chức đó.
2.3. Công chức lãnh đạo quản lý ở Chi cục Hải quan cửa khẩu và tương đương, Cục Hải quan tỉnh, thành phố (cả trưởng và phó) sau khi đã cam kết mà đơn vị vẫn xảy ra tệ gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực thì tùy theo tính chất, mức độ phải xử lý kỷ luật nghiêm khắc.
2.4. Người có thành tích được khen thưởng (cả Hải quan và Doanh nghiệp). Người mắc sai phạm, tiêu cực bị xử lý nghiêm khắc. Trích một phần từ quỹ khen thưởng để khen thưởng theo quy định về thành tích chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực.
2.5. Lãnh đạo Tổng cục Hải quan và các Vụ, Cục chức năng ở cơ quan Tổng cục Hải quan cũng phải chịu trách nhiệm về quản lý Ngành trước tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực của công chức Hải quan ở các tỉnh, thành phố được phân công phụ trách, thuộc lĩnh vực phụ trách hoặc tham mưu chỉ đạo.
Kêu gọi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đầu tư, các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về hải quan và hưởng ứng, phối hợp thực hiện việc chống tệ gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực của công chức Hải quan.
1. Tại Tổng cục và Cục Hải quan tỉnh, thành phố thiết lập ngay đường dây nóng (thông báo rõ số máy điện thoại của lãnh đạo, của thanh tra, tổ chức cán bộ, của đơn vị nghiệp vụ và số máy điện thoại cố định của người trực đường dây nóng) về chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực.
2. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố và Chi cục Hải quan có biện pháp phù hợp và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân theo dõi, giám sát, phát hiện công chức Hải quan có sai phạm để xử lý và biểu dương khen thưởng người làm tốt (cả Hải quan và doanh nghiệp).
3. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan tiến hành ngay việc niêm yết thông báo và tổ chức thực hiện ở nơi làm thủ tục hải quan và địa điểm kiểm tra hải quan với nội dung sau:
(1) Cán bộ, công chức Hải quan nghiêm chỉnh thực hiện phương châm: “THUẬN LỢI, TẬN TỤY, CHÍNH XÁC”.
(2) KHÔNG ĐƯA TIỀN NGOÀI QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT CHO CÔNG CHỨC HẢI QUAN LÀ QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA DOANH NGHIỆP.
Văn phòng Tổng cục tổ chức in và cấp phát tờ thông báo này để các đơn vị thực hiện trước 15/7/2004.
1. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu và tương đương xây dựng ngay chương trình hành động của đơn vị mình để thực hiện các giải pháp nêu trên.
2. Quy định này cùng Chương trình hành động của đơn vị (Cục, Chi cục) được quán triệt sâu sắc đến từng cán bộ, công chức Hải quan để thực hiện nghiêm túc.
3. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố phổ biến quy định này đến các doanh nghiệp và các lực lượng liên quan để phối hợp thực hiện.
4. Giao Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Chánh Thanh tra Tổng cục và Thủ trưởng các Vụ, Cục chức năng ở Tổng cục Hải quan giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan triển khai, kiểm tra việc thực hiện các giải pháp nêu trong quyết định này.
5. Trong báo cáo hàng tháng của Cục Hải quan tỉnh, thành phố gửi Tổng cục Hải quan phải có mục về tình hình và kết quả thực hiện các giải pháp nêu trên để tổng hợp và có chỉ đạo chung trong toàn Ngành./.
- 1Quyết định 3749/QĐ-TCHQ năm 2014 về Kế hoạch phòng chống tệ phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng ngành hải quan năm 2015 của Tổng cục Hải quan
- 2Công văn 4480/VPCP-V.I năm 2018 về kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí, doanh nghiệp phản ánh về tiêu cực xảy ra tại Cục Hải quan thành phố Hải Phòng do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Công văn số 1722/TCHQ-GSQL ngày 19/04/2004 của Tổng cục Hải quan về việc cải cách thủ tục hành chính
- 2Công văn số 2719/TCHQ-GSQL ngày 15/06/2004 của Tổng cục Hải quan về việc kiểm hoá, giám sát
- 3Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998
- 4Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh Cán bộ, Công chức năm 2000
- 5Luật Hải quan 2001
- 6Nghị định 96/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan
- 7Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 2003
- 8Quyết định 3749/QĐ-TCHQ năm 2014 về Kế hoạch phòng chống tệ phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng ngành hải quan năm 2015 của Tổng cục Hải quan
- 9Công văn 4480/VPCP-V.I năm 2018 về kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí, doanh nghiệp phản ánh về tiêu cực xảy ra tại Cục Hải quan thành phố Hải Phòng do Văn phòng Chính phủ ban hành
Quyết định 517/TCHQ/QĐ/TCCB năm 2004 về việc áp dụng một số giải pháp để ngăn chặn và chấm dứt tệ gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong cán bộ, công chức hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- Số hiệu: 517/TCHQ/QĐ/TCCB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 17/06/2004
- Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
- Người ký: Lê Mạnh Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 02/07/2004
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết