Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
*******

SỐ: 51/2003/QĐ-BGDĐT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc
*******

Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH KHUNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC NGÀNH GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG GHÉP MÔN

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Công văn số 4315/BQP ngày 23/10/2003 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc nghiệm thu chương trình khung giáo dục quốc phòng ghép môn;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Đại học và Sau đại học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Quốc phòng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này chương trình khung giáo dục đại học ngành giáo dục quốc phòng (dùng cho các chương trình đào tạo ghép môn với giáo dục quốc phòng).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và được áp dụng trong các trường đại học sư phạm từ năm học 2003 – 2004.

Điều 3. Các Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Đại học và Sau đại học,Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng, Giám đốc các đại học và Hiệu trưởng các trường đại học chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Nhung

 

CHƯƠNG TRÌNH

KHUNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
(Dùng cho các chương trình đào tạo giáo viên ghép môn với giáo dục quốc phòng)

TRÌNH ĐỘ ĐÀO TẠO:ĐẠI HỌC

NGÀNH ĐÀO TẠO: GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG
(Ban hành tại Quyết định số 51/2003/QĐ-BGDĐT ngày 06 tháng 11 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

I. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

 Đào tạo giáo viên Giáo dục quốc phòng ghép môn có trình độ đại học, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe và năng lực đáp ứng yêu cầu giảng dạy giáo dục quốc phòng cho học sinh các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp.

 Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân sư phạm của ngành học thứ nhất kết hợp với kiến thức giáo dục quốc phòng thuộc ngành học thứ hai, có khả năng giảng dạy tốt cả hai môn học.

 Ngành học thứ nhất được xác định là: Thể dục thể thao, Giáo dục công dân hoặc Lịch sử.

II. KHUNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

 (Kiểu ghép ngành trong đó giáo dục quốc phòng thuộc ngành học thứ hai).

 2.1. Khối lượng kiến thức tối thiểu và thời gian đào tạo theo thiết kế

 - Khối lượng kiến thức tối thiểu: 220 đơn vị học trình.

 - Thời gian đào tạo: 4 năm, chia thành 8 học kỳ.

 2.2. Cấu trúc kiến thức của chương trình

 2.2.1. Kiến thức giáo dục đại cương: phụ thuộc ngành học thứ nhất.

 2.2.2. Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp.

 - Kiến thức ngành thứ nhất: theo chương trình khung ngành thứ nhất.

 - Kiến thức ngành giáo dục quốc phòng: 47 đơn vị học trình.

 - Khối lượng thực tập nghề nghiệp giáo dục quốc phòng: 3 đơn vị học trình.

III. KHỐI LƯỢNG KIẾN THỨC BẮT BUỘC VỀ GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG

 3.1. Danh mục các học phần bắt buộc

 3.1.1. Kiến thức giáo dục đại cương: phụ thuộc ngành học thứ nhất.

 3.1.2. Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp: về giáo dục quốc phòng.

 - Kiến thức cơ sở của ngành: 21 đơn vị học trình

Số thứ tự

Tên học phần

Đơn vị học trình

1

2

3

4

5

6

7

8

Điều lệnh

Tâm lý học và Giáo dục học quân sự

Hiểu biết về quân, binh chủng và quân đội nước ngoài

Vũ khí hủy diệt lớn

Công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Pháp luật, pháp chế về quốc phòng

Công tác bảo đảm hậu cần và quân y

Thể thao quốc phòng và trò chơi quân sự

3

3

2

2

2

2

4

3

 

 - Kiến thức ngành 26 đơn vị học trình

Số thứ tự

Tên học phần

Đơn vị học trình

9

10

11

12

13

14

15

16

Đường lối quân sự và Lịch sử nghệ thuật quân sự

Công tác quốc phòng địa phương

Địa hình quân sự

Một số loại binh khí kỹ thuật chiến đấu bộ binh

Kỹ thuật bắn súng bộ binh

Chiến thuật cá nhân và tổ bộ binh

Chiến thuật tiểu đội, trung đội bộ binh

Tổ chức và phương pháp giảng dạy giáo dục quốc phòng

4

2

2

4

3

3

2

6

 3.2. Mô tả nội dung các học phần bắt buộc

 1. Điều lệnh:

 Học phần có 3 đơn vị học trình nhằm trang bị kiến thức cơ bản điều lệnh đội ngũ và điều lệnh quản lý bộ đội. Nội dung điều lệnh đội ngũ gồm: từng người tay không, từng người có súng; đội hình cơ bản của aBB, bBB, cách khám súng; đội ngũ tổ quân kỳ; tổ chức duyệt đội ngũ, giới thiệu đội hình cBB, dBB.

 Nội dung điều lệnh quản lý bộ đội chỉ giành thời lượng hợp lý giới thiệu cho người học hiểu biết chung về điều lệnh quản lý bộ đội; chức trách và mối quan hệ quân nhân, lễ tiết tác phong quân nhân, các chế độ sinh hoạt, học tập, công tác và sẵn sàng chiến đấu.

 2. Tâm lý học quân sự và Giáo dục học quân sự:

 Học phần có 3 đơn vị học trình nhằm trang bị kiến thức cơ bản về Tâm lý học quân sự và Giáo dục học quân sự.

 Trên cơ sở kiến thức về tâm lý học, giáo dục học đại cương, nội dung của học phần đi sâu nghiên cứu đặc điểm, cấu trức tâm lý của hoạt động quân sự; khái niệm, bản chất của tâm lý tập thể quân nhân, mối quan hệ qua lại và giao tiếp giữa các quân nhân, đặc điểm của các hiện tượng tâm lý – xã hội trong tập thể quân nhân; Những tư tưởng cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về huấn luyện – giáo dục quân nhân; quá trình sư phạm quân sự; văn hóa sư phạm của người cán bộ quân đội; bản chất, nguyên tắc, phương pháp và hình thức tổ chức của quá trình giáo dục quân nhân. Vận dụng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên.

 3. Hiểu biết về quân, binh chủng và quân đội nước ngoài:

 Học phần có 2 đơn vị học trình nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản về tổ chức biên chế trang bị cấp phân đội bộ binh và quân, binh chủng. Đồng thời giới thiệu cho người học những hiểu biết chung về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, tổ chức biên chế các quân chủng, binh chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

 Học phần này cần giành thời lượng hợp lý để giới thiệu về tổ chức quân đội một số nước có liên quan.

 4. Vũ khí hủy diệt lớn:

 Học phần có 2 đơn vị học trình nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học, vũ khí gây cháy. Biết sử dụng các loại khí tài và vật liệu tại chỗ để phòng chống, tiêu tẩy có hiệu quả. Huấn luyện công tác tổ chức bảo đảm phòng chống vũ khí hủy diệt lớn của người chỉ huy và hoạt động ở địa hình bị nhiễm.

 5. Công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam:

 Học phần có 2 đơn vị học trình nhằm giới thiệu cho người học những cơ sở lý luận và phương pháp tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Nội dung gồm: lý luận nguyên tắc chung về xây dựng Đảng và công tác Đảng; cơ sở để xác định vai trò lãnh đạo của Đảng với quân đội; lý luận thực tiễn các mặt hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, công tác tư tưởng, công tác tổ chức của Đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

 6. Pháp luật, pháp chế về quốc phòng:

 Học phần có 2 đơn vị học trình, thuộc hệ thống kiến thức cơ bản về Nhà nước và pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm giới thiệu cho người học một số luật, pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự. Nội dung học phần tập trung giới thiệu Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Sĩ quan, Pháp lệnh Dân quân tự vệ, Pháp lệnh Dự bị động viên và động viên công nghiệp. Trong học phần này có nội dung giới thiệu về Nhà trường quân đội và công tác tuyển sinh quân sự.

 7. Công tác bảo đảm hậu cần và quân y

 Học phần có 4 đơn vị học trình nhằm giới thiệu một số kiến thức về công tác hậu cần bảo đảm cho nhiệm vụ xây dựng sẵn sàng chiến đấu của quân đội và kiến thức về công tác bảo đảm quân y trong chiến đấu. Nội dung công tác bảo đảm hậu cần giới thiệu những vấn đề chung về công tác hậu cần quân đội: đặc điểm, nguyên tắc và nhiệm vụ bảo đảm hậu cần trong thời bình và trong chiến đấu. Nội dung công tác bảo đảm quân y gồm: công tác bảo đảm quân y trong thời bình và thời chiến; cấp cứu đầu tiên vết thương chiến tranh; huấn luyện thành thạo kỹ thuật cơ bản cấp cứu và chuyển thương.

 8. Thể thao quốc phòng và trò chơi quân sự:

 Học phần có 3 đơn vị học trình nhằm huấn luyện cho người học một số nội dung thi đấu thể thao quốc phòng và trò chơi quân sự. Nội dung gồm: kỹ năng vượt vật cản tay không và có súng, huấn luyện 8 thế đứng cơ bản của võ thuật các thế, miếng tấn công, phòng ngự; các kỹ thuật gạt, đâm lê cơ bản; tổng hợp kỹ thuật gạt đánh báng súng; nội dung và công tác tổ chức hội thao quốc phòng ở cơ sở. Các trò chơi quân sự và tổ chức các trò chơi rèn luyện tính cách, tinh thần, sức khỏe, chuyên môn.

 9. Đường lối quân sự và Lịch sử nghệ thuật quân sự:

 Học phần có 4 đơn vị học trình nhằm trang bị một số nội dung cơ bản về đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước về quốc phòng. Nội dung gồm: những vấn đề cơ bản học thuyết Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh, quân đội và bảo vệ Tổ quốc; Đường lối, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, về chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, về kết hợp kinh tế quốc phòng, phòng chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, chống phá cách mạng Việt Nam. Học phần giành thời lượng nhất định giới thiệu một số nội dung cơ bản về lịch sử nghệ thuật quân sự Việt Nam qua các thời kỳ.

 10. Công tác quốc phòng địa phương:

 Học phần có 2 đơn vị học trình nhằm cung cấp cho người học những nội dung chủ yếu về công tác quân sự địa phương và công tác quốc phòng trên địa bàn, lãnh thổ. Nội dung gồm: xây dựng và hoạt động tác chiến của xã (phường), huyện (quận), thuộc khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ; lực lượng dự bị động viên; phòng chống thiên tai và phương án bảo vệ trường.

 11. Địa hình quân sự:

 Học phần có 2 đơn vị học trình nhằm trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về địa hình, bản đồ quân sự. Nội dung gồm: cấu tạo bản đồ, địa hình quân sự; ký hiệu quân sự, cách xác định tọa độ, sử dụng bản đồ ngoài thực địa, hướng dẫn cách sử dụng các phương tiện chỉ huy như địa bàn, ống nhòm, thước chỉ huy…để phục vụ cho nhiệm vụ học tập chiền thuật và chỉ huy chiến đấu.

 12. Một số loại binh khí kỹ thuật chiến đấu bộ binh:

 Học phần có 4 đơn vị học trình nhằm giới thiệu một số loại vũ khí, kỹ thuật chiến đấu bộ binh và máy bắn tập. Nội dung gồm: tính năng, tác dụng, cấu tạo, sử dụng, bảo quản… các loại vũ khí bộ binh, vũ khí tự tạo; chất nổ, lựu đạn, mìn, công sự ngụy trang, vật cản; máy bắn tập điện tử, laser. Tập ném lựu đạn bài 1, bài 2.

 13. Kỹ thuật bắn súng bộ binh:

 Học phần có 3 đơn vị học trình nhằm huấn luyện những kỹ thuật cơ bản trong sử dụng một số loại súng bộ binh. Nội dung gồm: binh khí, lý thuyết bắn, luyện tập bắn các loại súng bộ binh, súng ngắn K54. Thực hành bắn đạn thật bài 1 súng AK (CKC), súng ngắn K54.

 14. Chiến thuật cá nhân và tổ bộ binh:

 Học phần có 3 đơn vị học trình nhằm huấn luyện cho người học những động tác cơ bản trong chiến đấu của cá nhân, tổ bộ binh. Nội dung gồm: các tư thế vận động trên chiến trường, cách quan sát phát hiện mục tiêu, lợi dụng địa hình, địa vật, hành động của cá nhân, tổ bộ binh đánh địch trong công sự, ngoài công sự, trong chiến đấu phòng ngự và chiến đấu tiến công.

 15. Chiến thuật tiểu đội, trung đội bộ binh:

 Học phần có 2 đơn vị học trình nhằm giới thiệu cho người học lý luận chiến thuật, nguyên tắc tổ chức chiến đấu, rèn luyện kỹ năng thực hành chỉ huy và hành động của tiểu đội, trung đội bộ binh trong chiến đấu tiến công, phòng ngự và một số nhiệm vụ chiến đấu khác.

 16. Lý luận và phương pháp giảng dạy giáo dục quốc phòng:

 Trên cơ sở lý luận chung về dạy học, học phần có 6 đơn vi học trình nhằm trang bị kiến thức cơ bản về giảng dạy giáo dục quốc phòng cho sinh viên đào tạo giáo viên. Nội dung gồm: lý luật chung về phương pháp giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng. Tổ chức và phương pháp giảng dạy các bài lý luận và kỹ năng quân sự trong chương trình giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên. Phương pháp soạn bài giảng.

 Soạn bài giảng và thực hành giảng dạy một số bài trong chương trình giáo dục quốc phòng cho học sinh trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp.

IV. HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG CHƯƠNG TRÌNH KHUNG ĐỂ THIẾT KẾ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CỤ THỂ

 Bộ thống nhất ban hành chương trình khung đào tạo ngành giáo dục quốc phòng, các trường chủ động xây dựng và ban hành chương trình đào tạo ghép ngành: Thể dục thể thao, Giáo dục công dân hoặc Lịch sử với ngành thứ hai giáo dục quốc phòng. Kiến thức giáo dục đại cương phụ thuộc ngành học thứ nhất. Khi xây dựng chương trình cụ thể các trường cần chú ý một số điểm sau đây:

 4.1. Xác định giáo dục quốc phòng là ngành học thứ hai nhằm mục đích tạo những điều kiện thuận lợi nhất trong việc tích lũy kiến thức, nâng cao trình độ của giáo viên, hướng phát triển lâu dài theo ngành học thứ nhất; đồng thời làm tốt việc giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng trong các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp.

 4.2. Chương trình khung giáo dục quốc phòng đào tạo giáo viên có trình độ đại học được xây dựng dựa trên chương trình khung giáo dục đại học, ngành đào tạo Chỉ huy – Tham mưu lục quân, ban hành theo Quyết định số 39/2003/QĐ-BGDĐT ngày 08/8/2003 và chương trình đào tạo ngắn hạn giáo viên giáo dục quốc phòng, ban hành theo Quyết định số 46/2000/QĐ-BGDĐT ngày 18/10/2000của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 Về cơ bản chương trình khung giáo dục quốc phòng sử dụng các phần trong chương trình khung giáo dục đại học, ngành đào tạo Chỉ huy – Tham mưu lục quân nhằm mục đích cập nhật kiến thức mới về quốc phòng, quân sự. Tuy nhiên giáo viên giáo dục quốc phòng đòi hỏi kiến thức tổng hợp và hiểu biết rộng hơn hướng đào tạo chuyên sâu binh nghiệp. Vì vậy chương trình được xây dựng trên cơ sở tăng cường lý luận nhận thức về đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước về quốc phòng; lý luận về dạy học và phương pháp tổ chức giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng. Khi xây dựng chương trình cụ thể, các trường cần dựa vào tài liệu của Trường Sĩ quan Lục quân 1 hoặc Trường Sĩ quan Lục quân 2; chương trình đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng ngắn hạn và chương trình giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2000; Đồng thời chủ động triển khai viết giáo trình phục vụ giảng dạy và học tập của sinh viên.

 4.3. Việc phân chia các học phần kiến thức cơ sở và kiến thức ngành chỉ có tính chất tương đối, các trường có thể lựa chọn các học phần này để đưa vào các khối kiến thức cơ sở ngành hoặc ngành của chương trình đào tạo cụ thể ghép môn do nhà trường ban hành.

 Căn cứ vào chương trình khung, số đơn vị học trình ở từng học phần, các trường thiết kế chương trình đào tạo cụ thể, bố trí số tiết lý thuyết, thực hành căn cứ vào nội dung học phần đã được xác định và Điều 1 mục 4 Quy chế về tổ chức đào tạo, kiểm tra, thi và công nhận tốt nghiệp đại học và cao đẳng hệ chính quy, ban hành kèm theo Quyết định số 04/1999/QĐ-BGDĐT ngày 11/02/1999 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau thời gian khoảng một đơn vị học trình các trường cần bố trí có từ 1 – 2 tiết để sinh viên ôn bài. Thi học phần, môn học theo quy chế nêu trên.

 4.4. Cùng với việc ban hành chương trình cụ thể, các trường xây dựng kế hoạch đào tạo toàn khóa, trong đó các học phần kỹ năng quân sự phải được tổ chức liên kết học tập rèn luyện toàn diện ở trường quân sự, với những trường không có trung tâm giáo dục quốc phòng.

 Khối lượng thực tập nghề nghiệp có 3 đơn vị học trình bao gồm 2 nội dung chủ yếu:

 - Nghiên cứu thực tế giáo dục quốc phòng ở các nhà trường và địa phương.

 - Thực tập giảng dạy giáo dục quốc phòng.

 Các trường cần bố trí thời gian thích hợp cho sinh viên thục luyện bài giảng, giảng có học sinh và làm quen với môi trường quân sự để sau khi tốt nghiệp có thể giảng dạy được ngay./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 51/2003/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình khung Giáo dục Đại học ngành Giáo dục Quốc phòng ghép môn do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 51/2003/QĐ-BGDĐT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/11/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Trần Văn Nhung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 186
  • Ngày hiệu lực: 03/12/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản