Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 489/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2024 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỈNH HƯNG YÊN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kì 2021 - 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển
…………………
e) Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Xây dựng xã hội ổn định, hài hoà, đoàn kết, trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh.
2. Mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đến năm 2030
a) Mục tiêu tổng quát
Đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; xã hội phát triển hài hoà với thiên nhiên; bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
b) Mục tiêu cụ thể
- Về kinh tế:
+ Tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 9,0%/năm giai đoạn 2021 - 2030.
+ GRDP bình quân đầu người đến năm 2030: 278 triệu đồng.
+ Cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2030: Nông nghiệp, thủy sản 3,6%; công nghiệp, xây dựng 64,1%; khu vực dịch vụ 25,4%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp 6,9%.
+ Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 700 nghìn tỷ đồng.
+ Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 12 - 13 tỷ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng đạt tăng 8,5 - 9,0%/năm giai đoạn 2021 - 2030.
+ Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 60 - 65% và đến năm 2050 khoảng 80%.
+ Kinh tế số chiếm 35% GRDP.
+ Tốc độ tăng năng suất lao động đạt từ 8,5 - 9,0%/năm.
+ Đóng góp bình quân của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2030 đạt 50 - 55%.
- Về xã hội:
+ Chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu của cả nước.
+ Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hằng năm dưới 1,0%.
+ Tuổi thọ bình quân đạt trên 76,5 tuổi năm 2030, trong đó thời gian sống khoẻ mạnh tối thiểu 68 năm.
+ 100% trường mầm non, trường tiểu học và trường phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia.
+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo 78 - 80%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50 - 55%.
+ Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động khoảng 11 - 13%.
+ Phấn đấu 19 bác sĩ trên 1 vạn dân; 35 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 98%.
+ Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 0,5% vào cuối năm 2025 và không còn hộ nghèo đến năm 2030.
- Về môi trường:
+ Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đạt 100%.
+ Tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn về môi trường đạt 100%; 100% dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
+ Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt trên 98%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý đạt trên 95%; 100% tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý an toàn theo quy định; các đô thị phải có hệ thống thu gom xử lý nước thải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt trên 60% (đối với đô thị loại I) và trên 30% (đối với các loại đô thị còn lại).
- Về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội:
Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh trật tự, an toàn xã hội; chủ động nắm chắc tình hình, không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; thực hiện tốt phòng, chống các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống; xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.
Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc trung ương; thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là nơi đáng sống của vùng đồng bằng sông Hồng; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; là trung tâm kết nối giữa các địa phương trong vùng và cả nước. Các hoạt động kinh tế, xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số. Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh với các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
4. Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển
a) Các nhiệm vụ trọng tâm:
- Cải cách, xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả, toàn diện trên các mặt thể chế, chính sách; thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy chính quyền hiệu lực, hiệu quả, cán bộ có năng lực, trình độ, đạo đức; chế độ công vụ; tài chính công; xây dựng chính quyền số và nâng cao chất lượng dịch vụ công, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch.
- Đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài (FDI) vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư theo định hướng chiến lược phát triển và quy hoạch của tỉnh; thu hút các dự án đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp nền tảng; công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường, phát thải các bon thấp. Tập trung xây dựng, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đồng bộ, hiện đại; ưu tiên phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; hình thành các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ.
- Phát triển các ngành dịch vụ mà Hưng Yên có thế mạnh và điều kiện phát triển, nhất là du lịch, vận tải, logistics, thương mại, khoa học - công nghệ, tài chính, ngân hàng, bất động sản, thông tin, truyền thông, giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe, thể thao, vui chơi, nghỉ dưỡng,... Đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng sinh thái, văn hóa, thể thao, vui chơi, nghỉ dưỡng cao cấp. Xây dựng tỉnh Hưng Yên trở thành một trung tâm dịch vụ logistics, trung chuyển hàng hóa của vùng.
- Cơ cấu lại, phát triển nền nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, sản xuất chuyên canh, quy mô lớn và giá trị gia tăng cao; phát triển các vùng trồng hoa, cây cảnh, đặc sản, cây trồng, vật nuôi và nông sản mà tỉnh Hưng Yên có thế mạnh.
- Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế đô thị; phát triển mạnh chuỗi các đô thị có sự kết nối giữa các đô thị trung tâm, đô thị chức năng; phát triển các khu đô thị lớn, sinh thái, thông minh, hiện đại đi đôi phát triển các khu dân cư, khu nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhất là nhà ở dành cho công nhân, người lao động.
- Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, thu hút các trường đại học, cao đẳng nghề chất lượng cao, các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu và phát triển, các tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ để xây dựng tỉnh Hưng Yên là một trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao của vùng. Nghiên cứu xây dựng khu công nghệ cao.
- Quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên; tăng cường bảo đảm an ninh năng lượng phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân; tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp giảm phát thải các bon để hướng tới mục tiêu quốc gia giảm phát thải khí nhà kính ròng bằng “0” đến năm 2050.
- Bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử và nền văn hiến Phố Hiến, con người Hưng Yên có năng lực, trình độ, văn minh, hiện đại.
- Tăng cường quốc phòng, an ninh chính trị; xây dựng và củng cố tiềm lực trong khu vực phòng thủ tỉnh, kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế; xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc nhất là các khu vực phòng thủ của tỉnh.
b) Các khâu đột phá chiến lược
- Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị, khu đô thị mới, hạ tầng văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo, hạ tầng năng lượng, viễn thông, thủy lợi, phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Tập trung đầu tư, phát triển các trục giao thông chính trên địa bàn tỉnh kết nối với các đường cao tốc, quốc lộ; kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng; kết nối các trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại của vùng.
- Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trên cơ sở kết hợp giữa đào tạo, đào tạo lại và thu hút lao động chất lượng cao từ ngoài tỉnh để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số và triển khai các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Phát huy bản sắc văn hóa con người Hưng Yên “thứ Nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.
- Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực; tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số gắn với thu hút các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, phát triển, triển khai, ứng dụng khoa học, công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH QUAN TRỌNG; PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ - XÃ HỘI
1. Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng
a) Ngành công nghiệp:
- Phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với mục tiêu đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
- Tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên bao gồm: Công nghiệp công nghệ cao gắn với công nghệ số (sản xuất các sản phẩm điện tử, viễn thông, chíp bán dẫn, sản phẩm quang học, chế tạo phần mềm, sản phẩm công nghệ số;...); công nghiệp sản xuất thiết bị điện, năng lượng; công nghiệp sản xuất cơ khí - chế tạo (sản xuất, lắp ráp ô tô, phương tiện vận tải, máy móc, phụ tùng, linh kiện,...); công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm chất lượng cao; công nghiệp sản xuất các thiết bị y tế, hóa dược, công nghệ sinh học, dược phẩm; công nghiệp dệt may; công nghiệp vật liệu, nhất là vật liệu mới...
- Hình thành các khu công nghiệp quy mô lớn, hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu phát triển bền vững. Phát triển nhanh các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ để thu hút các dự án đầu tư lớn, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển các cụm công nghệ để phục vụ các dự án quy mô nhỏ, vừa và công nghiệp hỗ trợ.
b) Ngành dịch vụ:
- Thương mại: Phát triển nhanh và bền vững các loại hình thương mại trên địa bàn tỉnh, xây dựng tỉnh Hưng Yên trở thành trung tâm giao thương và kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội. Củng cố, phát triển các kênh phân phối hàng hóa theo hướng văn minh, hiện đại; kết hợp hài hòa giữa phát triển các loại hình thương mại truyền thống gắn với phát triển thương mại điện tử. Tạo sự đột phá trên cơ sở mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình thương mại, nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội và đời sống nhân dân. Thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, hội chợ triển lãm, siêu thị, chợ; thúc đẩy và từng bước đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; chủ động hội nhập kinh tế, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
- Du lịch: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, thân thiện với môi trường, có thương hiệu, mang bản sắc văn hóa của Phố Hiến - Hưng Yên và của vùng đồng bằng sông Hồng, nhất là du lịch văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, sinh thái, nghỉ dưỡng,...đưa Hưng Yên trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao.
- Các ngành dịch vụ khác: Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ theo hướng hiện đại, bền vững, bảo đảm các dịch vụ cơ bản với chất lượng ngày càng cao phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển các ngành dịch vụ trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, sáng tạo, ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ; ưu tiên tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế sức cạnh tranh cao như (logistics, tài chính ngân hàng, đào tạo, thông tin và truyền thông, bất động sản...). Phát triển đồng bộ cả dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội và dịch vụ công.
c) Ngành nông nghiệp:
- Phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa chất lượng, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao trên cơ sở phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn gắn với hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn và tăng cường liên kết theo chuỗi.
- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng trong tỉnh. Nâng cao hiệu quả kinh tế của các sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bền vững, giàu bản sắc văn hóa.
2. Phương án phát triển các ngành, lĩnh vực khác
a) Giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực:
- Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với hội nhập quốc tế nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và vùng đồng bằng sông Hồng. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình đổi mới giáo dục các cấp. Phát huy vai trò tỉnh Hưng Yên là một trong những trung tâm đào tạo nhân lực có chất lượng cao của vùng và cả nước.
- Chủ động, tích cực tận dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng chuyển đổi số để đổi mới phương thức giáo dục, tạo đột phá trong phát triển giáo dục thông minh, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh Hưng Yên gắn với yêu cầu của hội nhập quốc tế.
- Thu hút đầu tư, phát triển các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, đạt chuẩn quốc gia, ASEAN, quốc tế; ưu tiên đào tạo các chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ. Có chính sách khuyến khích thúc đẩy đào tạo nghề gắn với chuyển đổi nghề, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển của tỉnh, vùng đồng bằng sông Hồng.
- Bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng cho trẻ khuyết tật; đáp ứng nhu cầu tiếp cận giáo dục có chất lượng cho người khuyết tật; góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và mục tiêu công bằng xã hội về giáo dục cho mọi người dân.
b) Y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân:
- Phát triển hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân theo hướng hiện đại, chất lượng, đồng bộ từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở. Phát triển cân đối, hài hòa giữa lĩnh vực khám chữa bệnh với lĩnh vực y tế dự phòng; nâng cao các chỉ số đánh giá chất lượng cuộc sống tốt cho người dân; giảm thiểu tỷ lệ bệnh tật, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ người dân.
- Nâng cao sức khỏe người dân về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống. Giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong do bệnh, dịch bệnh. Xây dựng hệ thống y tế phát triển đồng bộ, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có phẩm chất đạo đức tốt, đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
- Khuyến khích, thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển nhanh các dịch vụ y tế chất lượng cao. Hình thành hệ thống trung tâm kiểm soát dịch bệnh đồng bộ ở tất cả các cấp và kết nối với mạng lưới kiểm soát bệnh tật thế giới. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh, chăm lo bảo vệ sức khỏe Nhân dân, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các dịch bệnh trong tương lai.
c) Văn hóa, thể thao:
- Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hưng Yên toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại; Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, ưu tiên các di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia, gắn với phát triển du lịch bền vững. Đa dạng các hoạt động nghệ thuật biểu diễn; phát huy tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa các cấp, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
- Tập trung xây dựng, từng bước hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Phát triển mạnh phong trào thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao ở những môn tỉnh có thế mạnh.
d) Khoa học và công nghệ:
Đẩy nhanh ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ; phấn đấu để tỉnh Hưng Yên trở thành một trong những trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng sông Hồng; có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ; có đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến, trọng tâm là các lĩnh vực đột phá phát triển của tỉnh.
đ) Dân số, an sinh xã hội:
- Thực hiện tốt chính sách dân số và phát triển, duy trì mức sinh thay thế; giảm mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng cơ cấu dân số vàng; thích ứng với quá trình già hóa dân số; điều chỉnh phân bổ dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số. Lồng ghép các chương trình về dân số với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác để từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
(Chi tiết tại Phụ lục I kèm theo)
- Thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động gắn với nâng cao chất lượng việc làm; đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững. Triển khai hiệu quả các chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, bảo trợ xã hội, thực hiện tốt các chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế; tạo môi trường sống an toàn, thực hiện đầy đủ quyền trẻ em; thực hiện tốt các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở tất cả các cấp, các lĩnh vực. Đẩy mạnh công tác phòng, chống ma túy, mại dâm, mua bán người.
e) Thông tin, truyền thông, chuyển đổi số:
- Phát triển hệ thống thông tin, truyền thông và hạ tầng số đồng bộ, hiện đại nhằm tăng cường khả năng kết nối thông suốt, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phục vụ chuyển đổi số, kinh tế số của tỉnh; chuyển từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số và khuyến khích phát triển các nền tảng số trong lĩnh vực bưu chính. Hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung cấp tỉnh (LGSP), kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, cơ quan; nâng cao năng lực bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
- Xây dựng ngành báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, hiện đại; tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên mạng Internet.
g) Quốc phòng, an ninh:
Xây dựng, củng cố khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương.
3. Phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội
Phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên theo mô hình “mạng lưới”, đa cực tích hợp, dựa trên cấu trúc khung phát triển gồm: 02 vùng, 02 hành lang, 05 trục, 03 trung tâm, cụ thể:
a) Hai vùng kinh tế - xã hội:
- Vùng phát triển phía Nam là vùng phát triển đô thị - khoa học công nghệ - dịch vụ - du lịch và công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vùng bảo tồn, phát huy giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; giàu bản sắc văn hóa của trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng.
- Vùng phát triển phía Bắc là vùng phát triển đô thị - công nghiệp năng động của tỉnh gắn với Thủ đô Hà Nội, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, trục hành lang kinh tế - đô thị quan trọng quốc gia, quốc tế (quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng) và cảng biển cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng).
b) Hai hành lang kinh tế:
- Hành lang công nghiệp - đô thị cấp vùng gắn với quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
- Hành lang văn hóa - lịch sử - sinh thái sông Hồng, phát triển du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái gắn với tuyến đường “Di sản” ven sông Hồng.
c) Năm trục phát triển:
- Trục phát triển Bắc Nam (trục quốc lộ 39, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường nối cao tốc và vành đai 5) là trục chính phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Trục phát triển Bắc Nam phía Đông (trục kết nối Mỹ Hào, Ân Thi, Phù Cừ gắn với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại nút giao Tân Phúc), là trục liên kết phía Đông thúc đẩy phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ.
- Trục vành đai: Trục vành đai 4 gắn kết cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, kết nối đô thị Văn Giang của Hưng Yên với khu vực Thanh Trì, Thường Tín của Hà Nội.
- Trục đường nối cao tốc Bô Thời - Dân Tiến: Kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, theo hướng quốc lộ 21, kết nối đô thị Bô Thời, Khoái Châu của Hưng Yên với đô thị vệ tinh Phú Xuyên và khu vực phía Nam của thành phố Hà Nội.
- Trục quốc lộ 38, quốc lộ 38B (qua cầu Yên Lệnh, kết nối với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình): Là trục kinh tế kết nối Hưng Yên với tỉnh Hà Nam và tỉnh Hải Dương.
d) Ba đô thị trung tâm:
- Thành phố Hưng Yên là đô thị trung tâm của tỉnh và vùng phía Nam, đóng vai trò trung tâm hành chính chính trị, kinh tế xã hội, văn hóa, du lịch, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ... của tỉnh; kết nối về phía Bắc với huyện Kim Động phát triển đô thị sinh thái, du lịch dọc sông Hồng; kết nối về phía Đông với huyện Tiên Lữ phát triển dịch vụ, khoa học, đào tạo, trung tâm khởi nghiệp.
- Đô thị Văn Giang là đô thị trung tâm vùng phía Bắc, phát triển theo hướng sinh thái, thông minh, hiện đại. Khai thác hiệu quả các đường vành đai 3,5, vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối với khu vực phía Đông và phía Nam của Thủ đô Hà Nội và đóng vai trò thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực phía Bắc của tỉnh.
- Đô thị Mỹ Hào là đô thị trung tâm vùng phía Bắc, phát triển theo hướng đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại và nhà ở theo hướng thông minh, hiện đại. Phát triển gắn với hệ thống hạ tầng khung quốc gia trong hành lang công nghiệp - đô thị của tỉnh và trục phát triển Bắc - Nam phía Đông, kết nối Mỹ Hào - Ân Thi - Phù Cừ gắn với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, là trục liên kết mới phía Đông thúc đẩy phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, đầu mối logistics.
IV. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH HỆ THỐNG ĐÔ THỊ VÀ TỔ CHỨC LÃNH THỔ KHU VỰC NÔNG THÔN
1. Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
Tiếp tục thực hiện các quy định tại Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24 tháng 12 năm 2018 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; Kết luận số 48-KL/TW ngày 30 tháng 01 năm 2023 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Phạm vi ranh giới tên địa lý và triển khai sắp xếp cụ thể các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ được thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
a) Giai đoạn 2023 - 2025
Giai đoạn 2023 - 2025, thực hiện sắp xếp 42 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập mới 20 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 22 đơn vị hành chính cấp xã.
Sau sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Hưng Yên không thay đổi diện tích tự nhiên và quy mô dân số; có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm: Thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào và 08 huyện (Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Tiên Lữ, Phù Cừ, Kim Động, Ân Thi); 139 đơn vị hành chính cấp xã (13 phường, 08 thị trấn và 118 xã).
b) Giai đoạn 2026 - 2030
Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
2. Phương án quy hoạch hệ thống đô thị
Định hướng phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh Hưng Yên theo mô hình “mạng lưới”, đa cực tích hợp, với các đô thị trung tâm tỉnh và các đô thị hỗ trợ, phát triển, chia sẻ một số chức năng của vùng, kết nối hỗ trợ phát triển các đô thị trung tâm, hình thành các cấu trúc phát triển đô thị giai đoạn 2023 - 2030 cơ bản đạt tiêu chuẩn thành phố trực thuộc trung ương, đến năm 2050 là thành phố trực thuộc trung ương.
- Đến năm 2030, hệ thống đô thị tỉnh Hưng Yên gồm 18 đô thị:
+ 01 đô thị loại I: Thành phố Hưng Yên;
+ 02 đô thị loại II: Thành phố Mỹ Hào; thành phố Văn Giang (đô thị toàn huyện Văn Giang);
+ 02 đô thị loại III: Thành phố Văn Lâm (đô thị toàn huyện Văn Lâm); thành phố Yên Mỹ (đô thị toàn huyện Yên Mỹ);
+ 03 đô thị loại IV: Thị xã Khoái Châu (đô thị toàn huyện Khoái Châu); thị xã Kim Động (đô thị toàn huyện Kim Động); đô thị Ân Thi (đô thị toàn huyện Ân Thi);
+ 10 đô thị loại V: Thị trấn Trần Cao, đô thị Đình Cao, đô thị Nhật Quang, đô thị Tống Trân, đô thị Minh Tân, đô thị Quang Hưng, đô thị Tống Phan (huyện Phù Cừ); thị trấn Vương mở rộng (gồm thị trấn Vương và các xã Ngô Quyền, Dị Chế), đô thị Thụy Lôi, đô thị Hải Triều (huyện Tiên Lữ).
- Đến năm 2030, tỉnh Hưng Yên cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I.
- Đến năm 2037 (dấu mốc kỷ niệm 40 năm tái lập tỉnh), tỉnh Hưng Yên cơ bản đáp ứng tiêu chí thành phố trực thuộc trung ương.
(Chi tiết tại Phụ lục II kèm theo)
3. Phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn
Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên phù hợp với các chính sách, mục tiêu nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đặc trưng của tỉnh. Hưng Yên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao; đến năm 2030, trên 80% xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Phát triển các vùng dân cư nông thôn và các mô hình hỗ trợ sản xuất gắn với các trung tâm phát triển đô thị là các thị trấn, thị xã, thành phố hoặc các trung tâm chuyên ngành.
Hệ thống điểm dân cư nông thôn tỉnh Hưng Yên phát triển gắn với các trung tâm xã, cụm xã, được phân bố gắn với hệ thống các đô thị, các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại, logistics, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ hệ sinh thái công nghiệp, làng nghề.
Các trung tâm cụm xã khu vực nông thôn tỉnh có tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, mật độ dân số cao, có cấu trúc hướng đến hình thành các khu vực “đô thị hóa”, là tiền đề phát triển đô thị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và chuyển đổi số khu vực nông thôn.
V. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU CHỨC NĂNG
1. Phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn; ưu tiên thu hút các ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường, giá trị gia tăng cao, nâng cao hiệu quả kinh tế các khu công nghiệp, tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy. Kết hợp phát triển theo chiều rộng với phát triển theo chiều sâu các khu công nghiệp để tăng tính cạnh tranh quốc gia và quốc tế, hình thành các cụm liên kết ngành có quy mô lớn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; thành lập mới và phát triển các khu công nghiệp đã có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận; ưu tiên thành lập mới, mở rộng các khu công nghiệp có vị trí thuận lợi, khả năng thu hút các nhà đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Đến năm 2030 quy hoạch toàn tỉnh có 30 khu công nghiệp (gồm 17 khu công nghiệp đã có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, 13 khu công nghiệp tiềm năng quy hoạch mới) với tổng diện tích khoảng 9.589 ha. Sau năm 2030, quy hoạch thêm 05 khu công nghiệp tiềm năng với tổng diện tích khoảng 2.460 ha.
Việc thành lập, mở rộng các khu công nghiệp bảo đảm phù hợp với chỉ tiêu, kế hoạch sử dụng đất khu công nghiệp được phân bổ và các quy định pháp luật có liên quan.
(Chi tiết tại Phụ lục III kèm theo)
2. Phương án phát triển hệ thống cụm công nghiệp
Phát triển cụm công nghiệp với tính chất đa ngành, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh. Tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tăng tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập.
Đến năm 2030, toàn tỉnh dự kiến có tổng số 50 cụm công nghiệp với quy mô diện tích khoảng 2.899 ha (trong đó có 24 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập, 15 cụm công nghiệp đã có quy hoạch từ giai đoạn trước, quy hoạch mới 11 cụm công nghiệp).
Sau năm 2030, quy hoạch thêm khoảng 28 cụm công nghiệp tiềm năng với tổng diện tích khoảng trên 2.000 ha.
(Chi tiết tại Phụ lục IV kèm theo)
3. Phương án phát triển hệ thống các khu du lịch, nghỉ dưỡng, sân gôn
Tập trung phát triển các khu du lịch: Khu du lịch Phố Hiến; khu du lịch Đa Hòa - Dạ Trạch; khu du lịch Cây đa và Đền thờ La Tiến; khu du lịch sinh thái Ecopark Văn Giang; khu du lịch Làng Nôm.
Tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án sân gôn sông Hồng tại huyện Khoái Châu gắn với hình thành khu du lịch nghỉ dưỡng thể thao, vui chơi giải trí; hoàn thiện hệ thống sân gôn và phát triển dịch vụ, tiện ích cao cấp tại huyện Văn Giang; phát triển các sân gôn tiềm năng kết hợp với đô thị sinh thái, du lịch sinh thái tại thành phố Hưng Yên, huyện Khoái Châu, huyện Phù Cừ và một số địa phương tiềm năng trong tỉnh.
4. Phương án phát triển khu nghiên cứu, đào tạo
Đầu tư xây dựng khu nghiên cứu, sản xuất thực nghiệm ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hưng Yên với quy mô khoảng 20 ha, dự kiến tại thành phố Hưng Yên.
Tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật Khu Đại học Phố Hiến để thu hút các trường đại học, học viện trong nước, quốc tế, trung tâm nghiên cứu và phát triển, viện nghiên cứu... đầu tư xây dựng, góp phần đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
5. Phương án tổ chức các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung:
- Bố trí không gian sản xuất nông nghiệp theo hướng khai thác hiệu quả điều kiện đất đai, sinh thái địa phương trong tỉnh và hạ tầng thủy lợi để hình thành phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn tập trung, hình thành các dải xanh, vành đai xanh giữa các đô thị, trọng tâm là vùng sản xuất lúa chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao tại các huyện: Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ; vùng sản xuất rau màu tại các huyện: Yên Mỹ, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ; vùng hoa cây cảnh tại các huyện: Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu, Kim Động; vùng sản xuất dược liệu tại các huyện: Khoái Châu, Văn Lâm, Kim Động và thành phố Hưng Yên; vùng cây ăn quả tại các huyện: Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên.
- Chuyển dịch chăn nuôi tập trung trang trại từ vùng có mật độ dân số cao, đô thị đến những vùng có mật độ dân số thấp, các xã, huyện có điều kiện bố trí đất đai để phát triển chăn nuôi, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung xa đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư. Tập trung hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại các huyện: Khoái Châu, Phù Cừ, Ân Thi, Tiên Lữ, Văn Lâm, Yên Mỹ, Kim Động.
- Phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh, ứng dụng công nghệ cao tại các huyện: Khoái Châu, Phù Cừ, Ân Thi, Tiên Lữ.
6. Phương án xác định khu quân sự, khu an ninh
Xây dựng khu quân sự, khu an ninh bảo đảm thế trận quốc phòng trong khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc, các khu vực sẵn sàng phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội từng khu vực, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Việc bố trí xây dựng các công trình, diện tích sử dụng quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch đất quốc phòng, quy hoạch đất an ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
7. Phương án phát triển khu vực vùng bãi sông
Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội toàn bộ diện tích vùng bãi sông Hồng, sông Luộc nhằm phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của vùng bãi. Thu hút đầu tư, khai thác, phát huy, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, di sản văn hóa, gắn với phát triển dịch vụ, du lịch; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đa chức năng theo hướng bền vững. Hình thành hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy đồng bộ; xây dựng một số bến cảng, bến thủy nội địa; nghiên cứu phát triển đô thị, nhà ở sinh thái, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao, sân gôn tại những nơi đủ điều kiện, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai, Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 21 tháng 4 năm 2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền.
VI. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG KỸ THUẬT
1. Phương án phát triển mạng lưới giao thông
Phát triển mạng lưới giao thông phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành giao thông vận tải quốc, gia, đồng bộ, hiện đại, liên thông và kết nối thúc đẩy liên kết vùng.
a) Đường bộ:
- Các tuyến cao tốc, quốc lộ thực hiện theo Quy hoạch, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Các tuyến đường bộ tỉnh quản lý:
Cải tạo, nâng cấp 15 tuyến đường tỉnh hiện hữu và đầu tư mới 12 tuyến đường tỉnh; nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đường đô thị, đường huyện theo quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch xây dựng vùng huyện và liên huyện.
(Chi tiết tại Phụ lục V kèm theo)
b) Đường thủy
Đường thủy nội địa: Ngoài các tuyến đường thủy do trung ương quản lý, quy hoạch các tuyến đường thủy do địa phương quản lý (các tuyến sông Bắc Hưng Hải, sông Sặt, sông Cửu Yên, sông Chanh, sông Điện Biên, sông Tam Đô, cải tạo, nâng cấp đạt tối thiểu cấp V trở lên). Phát triển cảng, bến thủy nội địa phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và quy hoạch khác có liên quan; tuân thủ quy định pháp luật có liên quan.
(Chi tiết tại Phụ lục VI kèm theo)
c) Đường sắt
Định hướng quy hoạch mạng lưới đường sắt bảo đảm tuân thủ theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
(Chi tiết tại Phụ lục VII kèm theo)
d) Cảng cạn, trung tâm logistics
Phát triển hệ thống cảng cạn nhằm tối ưu hóa vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu của từng khu vực trong tỉnh; hình thành các trung tâm logistics kết hợp với cảng cạn.
(Chi tiết tại Phụ lục VIII kèm theo)
đ) Công trình hạ tầng giao thông khác
- Bến xe khách: Xây dựng bến xe khách của các huyện, thành phố, thị xã tại vị trí có hạ tầng giao thông thuận lợi, phù hợp với quy hoạch các huyện, thành phố, thị xã. Đến năm 2030, xây dựng mới các bến xe khách trên địa bàn tỉnh, đảm bảo có tối thiểu 01 bến xe đạt loại 4 trở lên/01 huyện, thị xã, thành phố. Tiếp tục khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng các bến xe khách tại các địa phương.
- Bãi đỗ xe: Xây dựng các bãi đỗ xe trong khu vực trung tâm các huyện, thành phố, thị xã và tại vị trí các khu công nghiệp, khu dân cư, khu thương mại dịch vụ, khu hành chính. Đồng thời, xây dựng các chính sách khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe công cộng tại các địa phương.
- Trạm dừng nghỉ: Đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên một số tuyến giao thông trọng điểm của tỉnh.
2. Phương án phát triển năng lượng và mạng lưới cấp điện
Phát triển nguồn điện, lưới điện phù hợp với quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án phát triển nguồn điện, lưới điện, tiêu chí, luận chứng tại Quy hoạch, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tiếp tục xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các trạm biến áp và đường dây điện 500 kV, 220 kV và 110 kV, các đường dây trung thế, hạ thế kết nối với các nguồn điện mới đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị; từng bước ngầm hóa mạng lưới điện trung và hạ thế hiện có; bảo đảm cấp điện an toàn, ổn định.
(Chi tiết tại Phụ lục IX kèm theo)
3. Phương án phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông:
- Phát triển mạng lưới hạ tầng viễn thông, nâng cao chất lượng mạng di động băng tần rộng phủ sóng 100% dân số, kết hợp đầu tư, nâng cấp các công trình hạ tầng ngầm, ngầm hóa hạ tầng ngoại vi.
- Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, mạng internet kết nối vạn vật (IoT) liên thông, đồng bộ, hiện đại nhằm phục vụ chuyển đổi số toàn diện, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số; xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu theo công nghệ điện toán đám mây, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung, tạo nền tảng cho phát triển chính quyền điện tử đồng bộ theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử quốc gia.
- Phát triển bưu chính theo hướng dịch vụ số; khai thác và ứng dụng hiệu quả nền tảng mã địa chỉ gắn với bản đồ số (Vpostcode). Phát triển ngành báo chí, truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ phát triển bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ.
(Chi tiết tại Phụ lục X kèm theo)
4. Phương án phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải:
- Phát triển thủy lợi theo hướng hiện đại, bảo đảm tưới tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước phục vụ dân sinh, các ngành phát triển kinh tế; xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo và hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi hiện có, nhằm chủ động tưới, tiêu, cấp nước sinh hoạt, phòng chống hạn hán và úng ngập góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Củng cố, phát triển kết cấu hạ tầng cấp nước sạch, gắn với xây dựng nông thôn mới và xây dựng kết cấu hạ tầng các ngành khác liên quan; tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống công trình cấp nước sạch, đầu tư xây dựng mới trạm bơm, hệ thống mạng đường ống cấp nước sinh hoạt nhằm tăng tỷ lệ hộ dân được cấp nước; hạn chế khai thác nguồn nước dưới đất, đối với các nhà máy nước đang khai thác nước dưới đất chỉ được khai thác theo đúng giấy phép khai thác đã được cấp; việc mở rộng, nâng công suất hoặc xây mới các nhà máy nước sạch chỉ được thực hiện từ nguồn nước mặt khai thác trực tiếp hoặc mua từ các nhà máy nước mặt lân cận; nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống công trình cấp nước, áp dụng các quy trình quản lý tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh.
- Tiếp tục nâng cấp, mở rộng, nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý của các hệ thống xử lý nước thải tập trung quy mô lớn tại các đô thị và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; xây dựng hệ thống thoát nước thải đô thị, nông thôn; nước thải đô thị, nông thôn phải được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn trước khi thoát ra môi trường. Nước thải công nghiệp, nước thải y tế phải được thu gom xử lý tại cơ sở đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn trước khi xả ra nguồn tiếp nhận. Việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải cần hình thành cả hai hình thức xử lý nước thải tập trung và xử lý nước thải phân tán tùy theo tính chất nước thải và điều kiện tự nhiên khu vực, có xem xét đến điều kiện quản lý. Ưu tiên, tập trung đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt ở các khu dân cư xả nước thải trực tiếp ra hệ thống Bắc Hưng Hải; khu đô thị loại IV trở lên.
(Chi tiết tại Phụ lục XI kèm theo)
5. Phương án phát triển các khu xử lý chất thải, nghĩa trang
a) Phương án phát triển khu xử lý chất thải:
- Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung quy mô lớn với công nghệ tiên tiến, hiện đại để đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.
- Thu gom, xử lý: Chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thông thường của từng huyện, thị xã, thành phố sẽ được thu gom và đưa về các khu xử lý chất thải rắn của từng huyện, thị xã, thành phố; chất thải rắn nguy hại được thu gom xử lý tại các cơ sở có chức năng xử lý chất thải rắn nguy hại; chất thải rắn y tế được thu gom và xử lý đưa về các khu xử lý được phân theo vùng, theo cụm.
(Chi tiết tại Phụ lục XII kèm theo)
b) Phương án phát triển các khu nghĩa trang
Xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng theo quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn. Bố trí nhà tang lễ tại các đô thị đảm bảo tiêu chuẩn về phân loại đô thị. Di dời đối với các nghĩa trang trong khu vực phát triển đô thị hoặc không đảm bảo yêu cầu về môi trường.
6. Phương án phát triển hạ tầng phòng cháy, chữa cháy
Quy hoạch địa điểm xây dựng các công trình hạ tầng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố, khu đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu thương mại có nguy cơ cháy, nổ cao, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; bảo đảm thuận tiện về giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc, phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia về hạ tầng phòng cháy, chữa cháy và đáp ứng các quy định hiện hành.
Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công trình phục vụ ứng phó khẩn cấp, huấn luyện, chỉ huy điều hành, kiểm định phương tiện và nghiên cứu khoa học - công nghệ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ... đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quy mô tính chất hoạt động của từng đơn vị.
VII. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG XÃ HỘI
1. Phương án phát triển kết cấu hạ tầng y tế
- Phát triển hệ thống y tế đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế dự phòng, kiểm soát bệnh tật.
- Đào tạo phát triển nguồn nhân lực đủ số lượng, chất lượng, cơ cấu đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng các bệnh viện tư nhân hiện đại và cơ sở y tế ngoài công lập.
- Nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện, cơ quan, đơn vị y tế tuyến tỉnh và các Trung tâm Y tế huyện, thành phố, thị xã phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân.
(Chi tiết tại Phụ lục XIII kèm theo)
2. Phương án phát triển hạ tầng giáo dục - đào tạo
- Đầu tư phát triển hệ thống cơ sở giáo dục các cấp theo hướng chuẩn hóa, tiên tiến, hiện đại; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo.
- Đầu tư nâng cấp các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp.
- Phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, khu nghiên cứu, đào tạo đến năm 2030 đáp ứng được nhu cầu nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo.
- Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, xây dựng cơ chế ưu đãi mang tính đặc thù, tạo điều kiện thu hút các trường đại học vào đầu tư xây dựng trong Khu Đại học Phố Hiến.
- Thành lập mới ít nhất 01 trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập trên địa bàn tỉnh; khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục chuyên biệt tư thục trên địa bàn các huyện.
(Chi tiết tại Phụ lục XIV kèm theo)
3. Phương án phát triển hạ tầng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo:
- Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hình thành, phát triển mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo; phát triển khoa học, công nghệ, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số,... Chủ động tìm kiếm công nghệ mới trong và ngoài nước, hợp tác chuyển giao công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với tất cả các ngành, lĩnh vực.
- Đầu tư nâng cấp, bổ sung trang thiết bị cho đơn vị quản lý, các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập và các tổ chức khoa học và công nghệ công lập trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung xây dựng, hình thành các khu nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, trung tâm công nghệ cao cấp khu vực; đầu tư khu nghiên cứu, sản xuất thực nghiệm ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hưng Yên.
4. Phương án phát triển hạ tầng văn hóa, thể dục, thể thao
- Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa, thể thao của người dân trong tỉnh.
- Xây dựng khu liên hợp thể dục thể thao đa năng cấp tỉnh; xây dựng đủ các công trình thể dục, thể thao cơ bản ở các huyện, thành phố; xây dựng hệ thống sân chơi, bãi tập ở các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn, các khu dân cư.
- Đầu tư, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, ưu tiên các di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia.
- Tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
(Chi tiết tại Phụ lục XV kèm theo)
5. Phương án phát triển hạ tầng an sinh xã hội
Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp quy mô các cơ sở chăm sóc người có công, cơ sở an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, bảo đảm đầy đủ điều kiện chăm sóc, trợ giúp cho đối tượng được hưởng chính sách xã hội.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở trợ giúp xã hội.
(Chi tiết tại Phụ lục XVI kèm theo)
6. Phương án phát triển hạ tầng thương mại
- Phát triển các trung tâm thương mại đa năng, phức hợp, đáp ứng nhu cầu mua sắm kết hợp vui chơi, giải trí; tập trung thu hút, đầu tư các dự án: Trung tâm Hội chợ triển lãm tỉnh Hưng Yên; trung tâm thương mại, siêu thị; chợ đầu mối, chợ nông thôn và các hạ tầng khác phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
- Phát triển hệ thống hạ tầng cung ứng, dự trữ xăng dầu, khí đốt đảm bảo đầy đủ, an toàn, liên tục cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh và khu vực.
VIII. PHƯƠNG ÁN PHÂN BỔ VÀ KHOANH VÙNG ĐẤT ĐAI
1. Nguồn lực đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển giáo dục, văn hóa, thể thao; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh. Bố trí sử dụng đất hợp lý trên cơ sở cân đối nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, phù hợp với chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Các chỉ tiêu, diện tích chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đất ở, đất phát triển hạ tầng được tính toán, xác định trên cơ sở định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và nhu cầu phát triển của địa phương để triển khai các phương án phát triển theo không gian, lãnh thổ và các công trình, dự án hạ tầng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên có trách nhiệm xây dựng kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phù hợp với phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo chức năng và theo loại đất trong quy hoạch tỉnh để làm căn cứ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất vì mục đích quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng theo quy định pháp luật về đất đai.
(Chi tiết tại Phụ lục XVII kèm theo)
IX. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG LIÊN HUYỆN, VÙNG HUYỆN
1. Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện:
a) Vùng thành phố Hưng Yên: Là trung tâm vùng phát triển phía Nam của tỉnh, một trong ba đô thị trung tâm tỉnh, là trung tâm hành chính chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật của tỉnh; là vùng phát triển đô thị theo hướng sinh thái, đô thị thông minh, phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao.
b) Vùng đô thị hóa Văn Giang: Là vùng trung tâm kinh tế (dịch vụ, thương mại, công nghiệp và phát triển nhà ở), văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo của khu vực và là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
c) Vùng đô thị hóa Mỹ Hào: Là vùng trọng điểm phát triển kinh tế theo hướng tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, có hệ thống hạ tầng dịch vụ hiện đại và đồng bộ. Là vùng trung tâm văn hóa, giáo dục, tài chính, thương mại và du lịch của tỉnh Hưng Yên, đầu mối giao thông đường bộ quan trọng, có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng của tỉnh.
d) Vùng phát triển công nghiệp hai bên đường cao tốc (cao tốc Hà Nội - Hải Phòng;...): Là vùng đô thị, công nghiệp phát triển năng động, có hệ thống đô thị lớn, có mật độ dân số cao; tập trung các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh.
đ) Vùng kết nối di sản, phát triển du lịch dọc sông Hồng: Là vùng có giá trị cảnh quan, nơi tập trung các điểm di tích lịch sử, văn hóa; định hướng phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái.
e) Vùng liên huyện phát triển công nghiệp khu vực phía Đông: Là vùng công nghiệp, dịch vụ phát triển năng động gắn với phát triển nông nghiệp hiện đại, có năng suất, chất lượng cao, là động lực phát triển phía Đông của tỉnh.
2. Phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện:
a) Vùng huyện Tiên Lữ: Là vùng phát triển tổng hợp, đa ngành đa lĩnh vực, có hệ thống hạ tầng dịch vụ hiện đại và đồng bộ gắn với thành phố Hưng Yên. Là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với nông thôn mới phía Nam tỉnh; khu vực dự trữ tiềm năng cho sự phát triển của thành phố Hưng Yên.
b) Vùng huyện Phù Cừ: Là vùng phát triển tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm chuyên sâu về công nghiệp sạch, nông nghiệp hàng hóa; dịch vụ đô thị và du lịch sinh thái. Là vùng liên kết phát triển giữa 2 tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương; đồng thời là vùng dịch vụ gắn kết với thành phố Hưng Yên, là đầu mối giao thông của vùng phía Đông Nam tỉnh Hưng Yên.
1. Phương án bảo vệ môi trường:
a) Bảo vệ môi trường:
Phân vùng bảo vệ môi trường của tỉnh Hưng Yên được phân thành 3 vùng môi trường gồm:
- Vùng bảo vệ nghiêm ngặt: Được xác định bao gồm nội thành, nội thị của các đô thị loại I, II và loại III (thành phố Hưng Yên, các đô thị: Mỹ Hào, Văn Giang và Văn Lâm); các khu vực nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt và khu vực bảo vệ 1 của di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
- Vùng hạn chế phát thải: Không gian xanh thuộc vùng đệm của các đô thị loại I, II và III; khu dân cư tập trung nông thôn; nội thành, nội thị của đô thị loại IV và loại V.
- Vùng khác: Tiểu vùng phát triển công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp tập trung; tiểu vùng phát triển nông nghiệp chất lượng cao; tiểu vùng phát triển du lịch sinh thái và dịch vụ ven Sông Hồng.
(Chi tiết tại Phụ lục XVIII kèm theo)
b) Quan trắc môi trường
Phát triển cơ sở hạ tầng, thiết bị, mạng lưới quan trắc cho từng thành phần môi trường; bố trí các điểm quan trắc môi trường không khí, môi trường mặt nước mặt, môi trường nước dưới đất, môi trường đất, trầm tích sông...
c) Về định hướng bảo vệ môi trường tại các khu xử lý chất thải, nghĩa trang
Định hướng bảo vệ môi trường tại các khu xử lý chất thải: Các khu xử lý chất thải phải được bố trí ngoài khu vực đô thị, đảm bảo khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường theo các quy chuẩn hiện hành, không gần khu vực đầu nguồn nước, đầu hướng gió; có hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh và thu gom xử lý nước rỉ rác triệt để; sử dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại.
Định hướng quy hoạch xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng tập trung đô thị theo quy hoạch đô thị, nghĩa trang tập trung xã theo định hướng quy hoạch xây dựng nông thôn; bố trí nhà tang lễ tại các đô thị đảm bảo tiêu chuẩn về phân loại đô thị; duy trì các nghĩa trang hiện trạng đến khi lấp đầy; di dời đối với các nghĩa trang trong khu vực phát triển đô thị hoặc không đảm bảo yêu cầu môi trường.
2. Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản
- Khai thác, chế biến, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản, không làm ảnh hưởng môi trường và các danh lam, thắng cảnh trên địa bàn. Giai đoạn 2021 - 2030, thực hiện đóng cửa các mỏ khoáng sản đã hết thời hạn, trữ lượng khai thác; quy hoạch thực hiện và mở rộng các mỏ khoáng sản, mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật.
- Phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác cát và khoáng sản làm vật liệu xây dựng của tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030 phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, thăm dò, khai thác cát và khoáng sản làm vật liệu xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản phải bảo đảm phù hợp với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các quy hoạch ngành quốc gia và các quy hoạch khác có liên quan.
(Chi tiết tại Phụ lục XIX kèm theo)
3. Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra
- Ưu tiên phân bổ nguồn nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước theo thứ tự: (i) Nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt; (ii) Nhu cầu sử dụng nước cho công nghiệp; (iii) Nhu cầu sử dụng nước cho du lịch, dịch vụ; (iv) Nhu cầu sử dụng nước cho nông nghiệp, thủy sản và các lĩnh vực khác.
- Cải thiện chất lượng nước, khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các đoạn sông, nguồn nước nội tỉnh hiện đang bị ô nhiễm hoặc chưa đáp ứng được mục đích sử dụng để ra; duy trì, bảo vệ chất lượng nước mặt chưa bị ô nhiễm để bảo đảm đáp ứng được mục tiêu chất lượng nước trong kỳ quy hoạch.
- Kiểm soát hiệu quả các nguồn thải hiện có và các nguồn thải mới phát sinh trong kỳ quy hoạch: Nước thải công nghiệp, sinh hoạt, y tế và các loại nước thải khác được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn.
4. Phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu
a) Xác định các khu vực có nguy cơ rủi ro thiên tai cao trên địa bàn tỉnh như khu vực dễ bị tổn thương do áp thấp nhiệt đới, bão, bão mạnh, siêu bão; khu vực rủi ro do lũ; khu vực rủi ro do sạt lở, thẩm lậu qua đê...
b) Xây dựng được các giải pháp trọng tâm và ưu tiên nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu đối với từng ngành, từng lĩnh vực và khu vực.
- Tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cho toàn dân về tác động tiêu cực, đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm của toàn dân vào các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai được hình thành theo hướng đồng bộ, liên thông; khu vực trọng điểm, xung yếu phòng chống thiên tai được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát.
- Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, chống các loại thiên tai thường xuyên xảy ra như lũ, ngập úng, hạn hán và thích ứng với biến đổi khí hậu. Di dân, tái định cư cho người dân nằm trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai.
c) Phương án phòng chống lũ của các tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều và kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai
- Mức đảm bảo phòng, chống lũ: Tuyến sông Hồng, sông Luộc đến năm 2030 đảm bảo an toàn với lũ thiết kế có chu kỳ lặp lại 300 năm (tần suất 0,33%); tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo an toàn với lũ thiết kế có chu kỳ lặp lại 500 năm (tần suất 0,2%).
- Nâng cấp tu bổ hệ thống đê hiện có: Hoàn chỉnh mặt cắt đê; xử lý ẩn họa, nâng cao chất lượng đê, xây dựng đường hành lang chân đê; nâng cấp, xây dựng các công trình trên đê, cống dưới đê, kè bảo vệ đê và công trình khác...; cứng hóa mặt đê bối; bổ sung hoàn chỉnh để khép kín tuyến đê đảm bảo yêu cầu phòng, chống lũ.
- Cải tạo các bãi sông nhằm tăng khả năng thoát lũ; xây dựng hệ thống quan trắc, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo mưa lũ; xây dựng phương án ứng phó với trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế. Nâng cao hiệu quả quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các đơn vị quản lý đê điều. Quản lý chặt chẽ việc khai thác cát, sỏi lòng sông, chứa chất vật liệu xây dựng trên bãi sông, nạo vét, chỉnh trị luồng vận tải thủy, có kế hoạch phù hợp di dời các công trình trong hành lang bảo vệ đê điều; nâng cao nhận thức cộng đồng...
- Quản lý, sử dụng bãi sông bảo đảm tuân thủ đầy đủ, đúng các quy định của pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai và các quy định pháp luật khác có liên quan.
- Xác định vị trí diện tích các khu dân tập trung hiện có được tồn tại, khu vực bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng: Thực hiện theo Quy hoạch phòng chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và rà soát bổ sung các khu vực theo đúng tiêu chí quy định tại các Quy hoạch nêu trên.
(Chi tiết tại Phụ lục XX kèm theo)
XI. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
- Trên cơ sở định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, xác định các dự án lớn, có tính chất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư và thu hút đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ, bảo đảm đúng định hướng, đúng quy định của pháp luật.
- Các dự án ưu tiên đầu tư trên địa bàn tỉnh đã được xác định trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng sẽ được triển khai thực hiện theo các Nghị quyết, Quyết định phê duyệt các Quy hoạch trên.
(Chi tiết tại Phụ lục XXI kèm theo)
XII. GIẢI PHÁP NGUỒN LỰC THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Về huy động vốn đầu tư
Căn cứ quy định pháp luật về đầu tư công và khả năng cân đối ngân sách nhà nước, bố trí nguồn vốn đầu tư ưu tiên cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội quan trọng nhằm dẫn dắt, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác, tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững các vùng động lực tăng trưởng của tỉnh. Đối với nguồn vốn khác, mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích hình đầu tư đối tác công tư (PPP) và hình thức đầu tư khác, đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật trong phát triển hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông; thu hút, nâng cao tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Xây dựng cơ chế chính sách đột phá phù hợp với quy định của pháp luật để thu hút các nhà đầu tư chiến lược có khả năng dẫn dắt, hình thành hệ sinh thái các ngành kinh tế trọng điểm. Đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, bảo vệ môi trường và các lĩnh vực phúc lợi xã hội khác.
2. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, mũi nhọn. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài, đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức.
Nghiên cứu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập theo phương án quy hoạch, tạo đột phá quy mô đào tạo. Tăng cường liên kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp sử dụng lao động, triển khai đào tạo theo hình thức đặt hàng.
3. Giải pháp về bảo vệ môi trường
Tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Rà soát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý, sắp xếp tổ chức bộ máy; nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý môi trường các cấp. Tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, nhất là đầu tư xử lý chất thải; xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh.
4. Giải pháp về phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số
Phát triển mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ. Nghiên cứu ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp vào phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ứng dụng vào trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực của tỉnh tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Xây dựng chương trình, kế hoạch chuyển đổi số, trọng tâm là hạ tầng số, cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng tới xã hội số; tập trung xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh; đẩy nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt, hồ sơ sức khỏe điện tử.
5. Giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển
Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực để thu hút các nguồn lực cho phát triển như: Cơ chế, chính sách phát triển vùng động lực, chính sách thu hút các nhà đầu tư lớn, chính sách phát triển các ngành sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính, xây dựng phát triển chính quyền điện tử; nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh. Nâng cao trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác với các địa phương đã ký kết, đồng thời mở rộng hợp tác với các địa phương khác.
6. Giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn
Nghiên cứu các mô hình và thực tiễn quản lý phát triển nông thôn và đô thị toàn cầu để nâng cao năng lực quản lý và thực thi của chính quyền; ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong quản lý phát triển đô thị và nông thôn nhằm đảm bảo sự phát triển hiện đại, văn minh và thân thiện với môi trường. Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển các đô thị trung tâm trở thành các đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị.
Quản lý giám sát chặt chẽ đảm bảo việc xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, kết nối mạng lưới hạ tầng chung của địa phương và các vùng phụ cận. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình quốc gia về phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và nâng cấp đô thị; xây dựng và phát triển các đô thị thông minh.
7. Thực hiện tốt công tác đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
Tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch, Chương trình hành động của tỉnh về công tác nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra.
8. Tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch
Triển khai xây dựng kế hoạch hành động và thường xuyên cập nhật, cụ thể hóa, lồng ghép các nội dung quy hoạch thành các chương trình, đề án, kế hoạch 5 năm, hằng năm.
Thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch; kịp thời phát hiện và xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm.
XIII. HỆ THỐNG, DANH MỤC SƠ ĐỒ, BẢN ĐỒ QUY HOẠCH
Chi tiết danh mục bản đồ Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
(Chi tiết tại Phụ lục XXII kèm theo)
1. Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt tại Quyết định này là căn cứ để triển khai lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Hưng Yên theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên:
a) Tổ chức công bố, công khai Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
b) Hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh bảo đảm thống nhất với nội dung của Quyết định này; chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch tỉnh sau khi đã rà soát, hoàn thiện; cập nhật cơ sở dữ liệu hồ sơ quy hoạch vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo quy định tại khoản 20 Điều 1 Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ.
c) Xây dựng, trình ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức thực hiện Quy hoạch gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; định kỳ tổ chức đánh giá thực hiện Quy hoạch và rà soát điều chỉnh Quy hoạch theo quy định của pháp luật.
d) Nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh và quy định của pháp luật để huy động các nguồn lực thực hiện quy hoạch.
đ) Tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.
e) Tổ chức rà soát Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp có nội dung mâu thuẫn theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
g) Đối với các dự án được phân kỳ đầu tư sau năm 2030, trường hợp có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực thực hiện thì báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận cho đầu tư sớm hơn.
3. Việc chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn, bao gồm cả các dự án chưa được xác định trong các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, phương án phát triển các khu chức năng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội và danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện ban hành kèm theo Quyết định này phải phù hợp với định hướng phát triển quy định tại Điều 1 Quyết định này và phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch khác có liên quan (nếu có); đồng thời, người chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về quyết định của mình.
Trong quá trình nghiên cứu, triển khai các dự án cụ thể, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc xác định vị trí, diện tích, quy mô, công suất, phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, tiến độ, tình hình thực tiễn phát triển của tỉnh và phải bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và các quy định pháp luật có liên quan.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về: (i) Tính chính xác của các nội dung, thông tin, dữ liệu, số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về bí mật nhà nước và pháp luật có liên quan khác; (ii) Các phụ lục được ban hành kèm theo Quyết định này, bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan; (iii) Nội dung tiếp thu, giải trình, bảo lưu đối với các ý kiến thẩm định, rà soát, tham gia của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan; (iv) Thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết tại Tờ trình số 23/TTr-UBND ngày 19 tháng 4 năm 2024 và Công văn số 1375/UBND-TH ngày 22 tháng 5 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên; (v) Đối với các dự án, công trình đang được rà soát, xử lý theo kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán và thi hành các bản án (nếu có) chỉ được triển khai sau khi đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, bản án (nếu có) hoặc được cấp có thẩm quyền chấp thuận, bảo đảm đúng các quy định pháp luật.
5. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên trong quá trình thực hiện Quy hoạch; phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên trong việc đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp, huy động và bố trí nguồn lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng của Quy hoạch, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
QUY MÔ DÂN SỐ TỈNH HƯNG YÊN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
TT | Địa phương | Ước quy mô dân số đến năm 2030 theo số liệu tính toán của tỉnh Hưng Yên (Người) |
1 | Thành phố Hưng Yên | 128.380 |
2 | Huyện Văn Lâm | 146.490 |
3 | Huyện Văn Giang | 750.000 |
4 | Huyện Yên Mỹ | 173.300 |
5 | Thị xã Mỹ Hào | 242.100 |
6 | Huyện Ân Thi | 139.460 |
7 | Huyện Khoái Châu | 189.240 |
8 | Huyện Kim Động | 120.450 |
9 | Huyện Tiên Lữ | 97.680 |
10 | Huyện Phù Cừ | 85.730 |
| Tổng | 2.072.830 |
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TỈNH HƯNG YÊN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
STT | Huyện, thị xã, thành phố | Tên đô thị | Hiện trạng phân loại (2022) | Định hướng đến năm 2030 |
I | Thành phố Hưng Yên | Đô thị Hưng Yên | III | I |
II | Thị xã Mỹ Hào | Đô thị Mỹ Hào | IV | II |
III | Huyện Văn Giang | Đô thị Văn Giang (toàn huyện Văn Giang) |
| II |
Thị trấn Văn Giang | V | |||
Khu vực xã Mễ Sở | V | |||
IV | Huyện Văn Lâm | Đô thị Văn Lâm (toàn huyện Văn Lâm) |
| III |
Khu vực trung tâm huyện gồm: Thị trấn Như Quỳnh và 05 xã Đình Dù, Trưng Trắc, Tân Quang, Lạc Hồng, Lạc Đạo | IV | |||
V | Huyện Yên Mỹ | Đô thị Yên Mỹ (toàn huyện Yên Mỹ) |
| III |
Thị trấn Yên Mỹ | V | |||
Xã Liêu Xá | V | |||
Xã Giai Phạm | V | |||
Xã Tân Lập | V | |||
Xã Nghĩa Hiệp | V | |||
VI | Huyện Khoái Châu | Đô thị Khoái Châu (toàn huyện Khoái Châu) |
| IV |
Thị trấn Khoái Châu | V | |||
Xã Dân Tiến | V | |||
Xã Hồng Tiến | V | |||
Xã Đồng Tiến | V | |||
VII | Huyện Ân Thi | Đô thị Ân Thi (toàn huyện Ân Thi) |
| IV |
Thị trấn Ân Thi | V | |||
Xã Hồng Quang | V | |||
VIII | Huyện Kim Động | Đô thị Kim Động (toàn huyện Kim Động) |
| IV |
Thị trấn Lương Bằng | V |
| ||
Xã Toàn Thắng | V |
| ||
Xã Nghĩa Dân | V |
| ||
IX | Huyện Tiên Lữ | Thị trấn Vương | V | V |
Xã Ngô Quyền |
| |||
Xã Dị Chế |
| |||
Xã Thụy Lôi | V | V | ||
Xã Hải Triều |
| V | ||
X | Huyện Phù Cừ | Thị trấn Trần Cao | V | V |
Xã Tống Phan |
| V | ||
Xã Quang Hưng |
| V | ||
Xã Đình Cao | V | V | ||
Xã Nhật Quang |
| V | ||
Xã Minh Tân |
| V | ||
Xã Tống Trân |
| V | ||
| Tổng số đô thị | 23 | 18 |
Ghi chú:
- Định hướng phân loại đô thị bảo đảm phù hợp với Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia.
- Trong quá trình xây dựng phát triển đô thị, nếu các đô thị đạt tiêu chí phân loại đô thị sớm hơn định hướng thì thực hiện thủ tục đánh giá công nhận phân loại đô thị tại thời điểm đánh giá đạt các tiêu chí phân loại đô thị theo quy định của pháp luật.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH HƯNG YÊN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
STT | Tên Khu công nghiệp | Diện tích quy hoạch dự kiến (ha) | Địa điểm |
I. Các khu công nghiệp đã có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận | |||
1.1 | Phố Nối A | 688,94 | Huyện Văn Lâm, huyện Yên Mỹ, thị xã Mỹ Hào |
1.2 | Dệt may Phố Nối | 121,81 | Huyện Yên Mỹ, thị xã Mỹ Hào |
1.3 | Thăng Long II | 525,7 | Thị xã Mỹ Hào, huyện Yên Mỹ |
1.4 | Minh Đức | 198 | Thị xã Mỹ Hào |
1.5 | Minh Quang | 150 | Thị xã Mỹ Hào |
1.6 | Yên Mỹ | 280 | Huyện Yên Mỹ |
1.7 | Yên Mỹ II | 313,5 | Huyện Yên Mỹ |
1.8 | Kim Động | 100 | Huyện Kim Động |
1.9 | Tân Dân | 200 | Huyện Khoái Châu, huyện Yên Mỹ |
1.10 | Lý Thường Kiệt | 300 | Huyện Khoái Châu, huyện Yên Mỹ, huyện Ân Thi |
1.11 | Sạch | 143,08 | Huyện Khoái Châu, huyện Ân Thi |
1.12 | Số 03 | 159,71 | Huyện Khoái Châu, huyện Yên Mỹ, huyện Ân Thi |
1.13 | Số 05 | 192,64 | Huyện Ân Thi, huyện Kim Động |
1.14 | Thổ Hoàng | 250 | Huyện Ân Thi |
1.15 | Văn Nhuệ - Hoàng Hoa Thám (Tân Á Đại Thành) | 200 | Huyện Ân Thi |
1.16 | Số 06 | 308,2 | Huyện Ân Thi |
1.17 | Số 01 | 263,85 | Huyện Yên Mỹ, huyện Ân Thi |
Tổng |
| 4.395,43 |
|
II. Các khu công nghiệp có tiềm năng, dự kiến thành lập mới hoặc mở rộng trong trường hợp được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật | |||
1. Các khu công nghiệp tiềm năng quy hoạch mới giai đoạn 2021 - 2030 | |||
1.1 | Tân Phúc - Quang Vinh - Hoàng Hoa Thám | 200 | Huyện Ân Thi |
1.2 | Phố Hiến (*) | 370 | Thành phố Hưng Yên, huyện Tiên Lữ |
1.3 | Số 04 | 390 | Huyện Ân Thi, huyện Kim Động, huyện Khoái Châu |
1.4 | Kim Động - Ân Thi | 399,7 | Huyện Kim Động, huyện Ân Thi |
1.5 | Số 07 | 198,6 | Huyện Ân Thi |
1.6 | Hưng Long - Ngọc Lâm - Xuân Dục | 391,7 | Thị xã Mỹ Hào |
1.7 | Chính Nghĩa - Phạm Ngũ Lão | 200 | Huyện Kim Động |
1.8 | Bãi Sậy | 495 | Huyện Ân Thi |
1.9 | Tiên Lữ - Kim Động - Ân Thi | 463,1 | Huyện Tiên Lữ, huyện Kim Động, huyện Ân Thi |
1.10 | Ân Thi I | 450 | Huyện Ân Thi |
1.11 | Phù Cừ | 544 | Huyện Ân Thi, huyện Phù Cừ |
1.12 | Phù Cừ - Tiên Lữ I | 386 | Huyện Phù Cừ, huyện Tiên Lữ |
1.13 | Văn Giang | 300 | Huyện Văn Giang |
Tổng |
| 4.788,1 |
|
| |||
2. Các khu công nghiệp tiềm năng mở rộng giai đoạn 2021 - 2030 | |||
2.1 | Phố Nối A | 207,5 | Huyện Văn Lâm |
2.2 | Văn Nhuệ - Hoàng Hoa Thám (Tân Á Đại Thành) | 69,0 | Huyện Ân Thi |
2.3 | Kim Động | 100 | Huyện Kim Động |
2.4 | Số 05 | 28,6 | Huyện Ân Thi, huyện Kim Động |
Tổng | 405,1 |
| |
3. Các khu công nghiệp tiềm năng quy hoạch giai đoạn sau năm 2030 | |||
3.1 | Phù Cừ - Tiên Lữ II | 360 | Huyện Phù Cừ, huyện Tiên Lữ |
3.2 | Khoái Châu | 150 | Huyện Khoái Châu |
3.3 | Kim Động - Khoái Châu | 1.400 | Huyện Kim Động, huyện Khoái Chau |
3.4 | Ân Thi II | 300 | Huyện Ân Thi |
3.5 | Mỹ Hào | 250 | Thị xã Mỹ Hào |
Tổng | 2.460 |
|
Ghi chú:
- Tên, quy mô diện tích và phạm vi ranh giới các khu công nghiệp sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư và được cấp có thẩm quyền quyết định, bảo đảm đúng chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền.
- Các khu công nghiệp tiềm năng dự kiến thành lập mới hoặc mở rộng có nhu cầu đầu tư sớm hơn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm điều kiện về chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất được phân bổ thì Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- (*) Đối với khu công nghiệp Phố Hiến chỉ được triển khai thực hiện sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên báo cáo và được cấp có thẩm quyền chấp thuận theo đúng các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC CỤM CÔNG NGHIỆP TỈNH HƯNG YÊN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
TT | Tên cụm công nghiệp | Diện tích dự kiến (ha) | Địa điểm dự kiến | Ghi chú |
I | Các cụm công nghiệp đã có quyết định thanh lập | 1.281,83 |
|
|
1 | Cụm công nghiệp Quảng Lãng - Đặng Lễ | 75,00 | Huyện Ân Thi |
|
2 | Cụm công nghiệp Đặng Lễ | 75,00 | Huyện Ân Thi, huyện Kim Động. |
|
3 | Cụm công nghiệp Đa Lộc | 63 | Huyện Ân Thi |
|
4 | Cụm công nghiệp Vân Du - Quang Vinh | 65,00 | Huyện Ân Thi | Đã mở rộng thêm 20 ha |
5 | Cụm công nghiệp Đông Khoái Châu | 30,00 | Huyện Khoái Châu |
|
6 | Cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão - Nghĩa Dân | 75,00 | Huyện Kim Động |
|
7 | Cụm công nghiệp Kim Động | 75,00 | Huyện Kim Động, Ân Thi |
|
8 | Cụm công nghiệp Chính Nghĩa | 75,00 | Huyện Kim Động, Ân Thi |
|
9 | Cụm công nghiệp Hòa Phong | 50,00 | Thị xã Mỹ Hào | Đã mở rộng thêm 32,22 ha |
10 | Cụm công nghiệp Phùng Chí Kiên | 50,00 | Thị xã Mỹ Hào |
|
11 | Cụm công nghiệp Làng Nghề Hòa Phòng | 5,50 | Thị xã Mỹ Hào |
|
12 | Cụm công nghiệp Quán Đỏ | 66,50 | Huyện Phù Cừ |
|
13 | Cụm công nghiệp Trần Cao - Quang Hưng | 50,20 | Huyện Phù Cừ |
|
14 | Cụm công nghiệp Đình Cao | 19,50 | Huyện Phù Cừ |
|
15 | Cụm công nghiệp Ngô Quyền | 65,62 | Huyện Tiên Lữ | Đã mở rộng thêm 35,62 ha |
16 | Cụm công nghiệp Dị Chế | 20,50 | Huyện Tiên Lữ |
|
17 | Cụm công nghiệp Thiện Phiến | 75,00 | Huyện Tiên Lữ | Đã mở rộng thêm 45 ha |
18 | Cụm công nghiệp Minh Hải 1 | 68,50 | Huyện Văn Lâm |
|
19 | Cụm công nghiệp Lạc Đạo | 42,50 | Huyện Văn Lâm |
|
20 | Cụm công nghiệp Minh Khai | 52,34 | Huyện Văn Lâm |
|
21 | Cụm công nghiệp Minh Châu - Việt Cường | 50,00 | Huyện Yên Mỹ |
|
22 | Cụm công nghiệp Yên Mỹ | 47,78 | Huyện Yên Mỹ |
|
23 | Cụm công nghiệp làng nghề Thụy Lân | 9,89 | Huyện Yên Mỹ |
|
24 | Cụm công nghiệp Đồng Than | 75,00 | Huyện Yên Mỹ |
|
II | Các cụm công nghiệp đã có trong quy hoạch được chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - 2030 | 867,6 |
|
|
1 | Cụm công nghiệp Bảo Khê | 50,0 | Thành phố Hưng Yên |
|
2 | Cụm công nghiệp Phù Ủng | 60,0 | Huyện Ân Thi | Đã điều chỉnh tăng thêm 12,3 ha |
3 | Cụm công nghiệp Nam Khoái Châu | 72,0 | Huyện Khoái Châu | Đã điều chỉnh tăng thêm 42 ha |
4 | Cụm công nghiệp Hải Triều | 75,0 | Huyện Tiên Lữ | Đã điều chỉnh tăng thêm 45 ha |
5 | Cụm công nghiệp Xuân Dục - Ngọc Lâm | 50,0 | Thị xã Mỹ Hào |
|
6 | Cụm công nghiệp Phan Đình Phùng 1 | 74,6 | Thị xã Mỹ Hào, huyện Văn Lâm |
|
7 | Cụm công nghiệp Phan Đình Phùng 2 | 66,5 | Thị xã Mỹ Hào, huyện Văn Lâm |
|
8 | Cụm công nghiệp Minh Khai (I, II) | 30,0 | Huyện Văn lâm |
|
9 | Cụm công nghiệp Minh Hải 2 | 74,0 | Huyện Văn Lâm |
|
10 | Cụm công nghiệp Làng nghề Yên Mỹ | 10,5 | Huyện Yên Mỹ |
|
11 | Cụm công nghiệp Chỉ Đạo | 46,0 | Huyện Văn Lâm | Đã điều chỉnh tăng thêm 24,12 ha |
12 | Cụm công nghiệp Đại Đồng | 67,0 | Huyện Văn Lâm | Đã điều chỉnh tăng thêm 30,6 ha |
13 | Cụm công nghiệp sạch Văn Giang | 70,0 | Huyện Văn Giang | Đã điều chỉnh tăng thêm 45,8 ha |
14 | Cụm công nghiệp Tân Tiến | 70,0 | Huyện Văn Giang | Đã điều chỉnh tăng thêm 44,34 ha |
15 | Cụm công nghiệp Văn Nhuệ | 52,0 | Huyện Ân Thi |
|
III | Các cụm công nghiệp bổ sung mới giai đoạn 2021 - 2030 | 749,8 |
|
|
1 | Cụm công nghiệp Ân Thi | 75,0 | Huyện Ân Thi |
|
2 | Cụm công nghiệp Kim Thi | 75,0 | Huyện Ân Thi, Kim Động |
|
3 | Cụm công nghiệp Làng Nghề | 14,0 | Huyện Tiên Lữ |
|
4 | Cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão - Đặng Lễ | 75,0 | Huyện Ân Thi, Kim Động |
|
5 | Cụm công nghiệp Giai Phạm | 75,0 | Huyện Yên Mỹ |
|
6 | Cụm công nghiệp Minh Phượng | 75,0 | Huyện Tiên Lữ |
|
7 | Cụm công nghiệp Trung Dũng - Cương Chính | 75,0 | Huyện Tiên Lữ |
|
8 | Cụm công nghiệp Khoái Châu | 75,0 | Huyện Khoái Châu |
|
9 | Cụm công nghiệp Lương Tài | 60,8 | Huyện Văn Lâm |
|
10 | Cụm công nghiệp Bắc Sơn 1 | 75,0 | Huyện Ân Thi |
|
11 | Cụm công nghiệp Bắc Sơn 2 | 75,0 | Huyện Ân Thi |
|
IV | Các cụm công nghiệp tiềm năng sau năm 2030 |
|
|
|
| Quy hoạch khoảng 28 cụm công nghiệp | 2.000 | Các huyện, thị xã, thành phố |
|
Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô và phạm vi ranh giới sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ, đồng thời không vượt chỉ tiêu phân bổ đất đai đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài dự kiến nêu trên, theo nhu cầu thực tế, có thể điều chỉnh, phát triển thêm các dự án phù hợp với định hướng của các quy hoạch liên quan theo đúng quy định pháp luật.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI ĐƯỜNG BỘ TỈNH HƯNG YÊN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
STT | Tuyến | Điểm đầu | Điểm cuối | Chiều dài dự kiến (km) | Quy mô quy hoạch (cấp/làn xe) |
I | Cao tốc |
|
|
|
|
1 | Hà Nội - Hải Phòng (CT.04) | Huyện Văn Giang (giáp ranh thành phố Hà Nội) | Huyện Ân Thi (giáp ranh tỉnh Hải Dương) | 26,55 | CT, 6 làn |
2 | Vành đai 4 (CT.38) | Huyện Văn Giang (giáp ranh thành phố Hà Nội) | Huyện Văn Lâm (giáp ranh tỉnh Bắc Ninh) | 21,6 | CT, 6 làn |
3 | Chợ Bến - Yên Mỹ (CT.14) | Huyện Khoái Châu (giáp ranh thành phố Hà Nội) | Giao Cao tốc Hà Nội -Hải Phòng (CT.04) | 12 | CT, 4 làn |
4 | Hưng Yên - Thái Bình (CT.16) | Giao Vành đai 4 (CT.38) huyện Văn Giang | Thành phố Hưng Yên (giáp ranh với tỉnh Hà Nam) | 37,1 | CT, 4 làn |
II | Quốc lộ |
|
|
|
|
1 | QL.5 | Huyện Văn Lâm (giáp ranh thành phố Hà Nội) | Thị xã Mỹ Hào (giáp ranh tỉnh Hải Dương) | 22,56 | II, 4 làn |
2 | QL.38 | Huyện Ân Thi (giáp ranh với tỉnh Hải Dương) | Cầu Yên Lệnh (giáp ranh tỉnh Hà Nam) | 18 | II, 4 làn |
3 | QL.38B | Cầu Tràng (giáp ranh tỉnh Hải Dương) | Thành phố Hưng Yên | 18,2 | II, 4 làn |
4 | Tuyến tránh QL.38B | Cầu Yên Lệnh (giáp ranh tỉnh Hà Nam) | Huyện Phù Cừ (giáp ranh tỉnh Hải Dương) | 19,8 | II, 4 làn |
5 | QL.39 | Giáp tỉnh Bắc Ninh (kết nối với QL.38) | Cầu Triều Dương, giáp tỉnh Thái Bình | 52 | II, 4 làn |
6 | Tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình | Giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng | Cầu Hưng Hà, giáp tỉnh Hà Nam | 27 | II, 4 làn |
7 | QL.38C | Cầu Mai Động, huyện Kim Động (giáp ranh thành phố Hà Nội) | Giao với QL.39B, huyện Phù Cừ | 21,8 | II, 4 làn |
8 | QL.39B | Giao QL.38, huyện Ân Thi, Hưng Yên | Cầu La Tiến, huyện Phù Cừ (giáp ranh tỉnh Thái Bình) | 25 | II, 4 làn |
III | Đường tỉnh |
|
|
|
|
1 | ĐT.376 | Giao với QL.5, huyện Văn Lâm | Giao với QL.39, huyện Tiên Lữ | 43,85 | I, 6 làn xe |
2 | ĐT.377 | Giao với Đ.379B, huyện Văn Giang | Giao ĐT.386 (QL39B-QH), huyện Phù Cừ | 71,5 | II, 4 làn xe |
3 | ĐT.377B | Giao với ĐT.377, huyện Khoái Châu | Giao với ĐT.378, huyện Khoái Châu | 2,4 | II, 4 làn xe |
4 | ĐT.378 | Huyện Văn Giang, giáp thành phố Hà Nội | Huyện Phù Cừ, giáp tỉnh Hải Dương | 79,1 | II, 4 làn xe |
5 | ĐT.379 | Huyện Văn Giang, giáp thành phố Hà Nội | Giao với QL39, huyện Khoái Châu | 23,3 | I- II, 4-6 làn xe |
6 | ĐT.379B | Giao với ĐH.20 huyện Văn Giang (giáp thành phố Hà Nội) | Huyện Văn Giang (giáp xã Văn Đức, thành phố Hà Nội) | 6,23 | II, 4 làn xe |
7 | ĐT.380 | Cầu Gáy, huyện Văn Lâm (giáp tỉnh Bắc Ninh) | Giao QL39, huyện Khoái Châu (Đi vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) | 17,33 | II, 4 làn xe |
8 | ĐT.381 | Giao QL.5, huyện Yên Mỹ | Giao ĐT.379, huyện Yên Mỹ | 10,5 | II, 4 làn xe |
9 | ĐT.382 | Giao QL38, huyện Ân Thi | Bến phà Mễ Sở, huyện Văn Giang | 38,2 | II, 4 làn xe |
10 | ĐT.382B | Huyện Văn Giang, giáp thành phố Hà Nội | Huyện Ân Thi, giáp tỉnh Hải Dương | 53,88 | I, 6 làn xe |
11 | ĐT.383 | Giao ĐT.380, huyện Yên Mỹ | Bến Đông Ninh, giáp ranh thành phố Hà Nội | 13,5 | II, 4 làn xe |
12 | ĐT.384 | Giao QL38, huyện Ân Thi | Giao ĐT.378B, huyện Khoái Châu | 17,2 | II, 4 làn xe |
13 | ĐT.385 | Giao QL.5, huyện Văn Lâm | Huyện Văn Lâm (giáp tỉnh Hải Dương) | 17,2 | II, 4 làn xe |
14 | ĐT.386 | Giao ĐT.376, huyện Ân Thi | Giao ĐT.378, huyện Phù Cừ | 28,06 | II, 4 làn xe |
15 | ĐT.387 | Huyện Văn Lâm, giáp ranh tỉnh Hải Dương | Huyện Ân Thi | 21,03 | II, 4 làn xe |
16 | ĐT.381B | VĐ 3.5 giáp ranh thành phố Hà Nội, | Giao với QL5, huyện Văn Lâm | 9,255 | I, 6 làn xe |
17 | ĐT.381C | Huyện Văn Lâm, giáp ranh tỉnh Bắc Ninh | Giao với ĐT.378 huyện Văn Giang | 18,924 | II, 4 làn xe |
18 | ĐT.382C | Giao QL.38, thị xã Mỹ Hào | Giao ĐT.382, huyện Yên Mỹ | 16 | II, 4 làn xe |
19 | ĐT.382D | Giao ĐT.378B, huyện Văn Giang | Giáp ranh tỉnh Bắc Ninh, huyện Văn Lâm | 19,3 (một bên) | II, 4 làn xe |
20 | ĐT.384B | Đường nối hai cao tốc (CT.16), huyện Khoái Châu | ĐT.378B, huyện Khoái Châu | 10,0 | I, 6 làn xe |
21 | ĐT.386B | Giao với ĐT.382, huyện Ân Thi | Giao với ĐT.376, huyện Ân Thi | 27,3 | II, 4 làn xe |
22 | ĐT.386C | Giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, huyện Ân Thi | Huyện Tiên Lữ, giáp tỉnh Thái Bình | 29,1 | II, 4 làn xe |
23 | ĐT.378B | Huyện Văn Giang, giáp ranh thành phố Hà Nội | Thành phố Hưng Yên | 60 | II, 4 làn xe |
24 | ĐT.378C | Giao với ĐT.378B, huyện Khoái Châu | Giao với QL.39, huyện Kim Động | 8,9 | II, 4 làn xe |
25 | ĐT.379C | Giao với QL.39, huyện Yên Mỹ | Giao ĐT.378B, thành phố Hưng Yên | 54 | II, 4 làn xe |
26 | ĐT.376B | Giao với ĐT.386C, huyện Ân Thi | Giao với ĐT.378B, thành phố Hưng Yên | 16 | II, 4 làn xe |
27 | ĐT.378D | Giao với QL39, huyện Kim Động | Giao với ĐT.378 huyện Kim Động | 9,5 | II, 4 làn xe |
Ghi chú:
- Các tuyến cao tốc và quốc lộ thực hiện theo quy hoạch quốc gia.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên chịu trách nhiệm về các số liệu, tính toán quy mô các tuyến đường địa phương trong Quy hoạch tỉnh và tính khả thi trong việc triển khai.
- Tên, số hiệu đường tỉnh, dự kiến phạm vi (điểm đầu, điểm cuối), vị trí, hướng tuyến và quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật.
- Các đoạn đường qua đô thị quy mô thực hiện theo quy hoạch đô thị. Số làn xe đến năm 2030 có thể được mở rộng theo quy mô quy hoạch sau năm 2030 khi có nhu cầu thực tế và được cấp có thẩm quyền cho phép.
CÁC TUYẾN ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
I. Đường thủy nội địa
STT | Tuyến | Chiều dài dự kiến (km) | Cấp kỹ thuật |
I | Trung ương quản lý |
|
|
1 | Sông Hồng | 64 | I |
2 | Sông Luộc | 28 | II |
II | Địa phương quản lý |
|
|
1 | Sông Bắc Hưng Hải |
| V |
2 | Sông Sặt |
| V |
3 | Sông Cửu Yên |
| V |
4 | Sông Chanh |
| V |
5 | Sông Điện Biên |
| V |
6 | Sông Tam Đô |
| V |
II. Danh mục cảng thủy nội địa
STT | Cảng | Tên sông | Công suất (1000T/năm) | Địa điểm |
I | Cảng hàng hóa |
|
|
|
1 | Cảng Mễ Sở | Sông Hồng | 500 | Huyện Văn Giang |
2 | Cảng Phố Hiến | Sông Hồng | 400 | Huyện Kim Động |
3 | Cảng Hưng Yên | Sông Hồng | 400 | Thành phố Hưng Yên |
4 | Cảng Triều Dương | Sông Luộc | 300 | Huyện Tiên Lữ |
5 | Cảng La Tiến | Sông Luộc | 300 | Huyện Phù Cừ |
II | Cảng hành khách |
| Cỡ tàu (ghế)/ Công suất (nghìn lượt HK/năm) |
|
| Cụm cảng hành khách Hưng Yên (Văn Giang, cảng Bình Minh, cảng Phố Hiến, cảng Hưng Yên, La Tiến) | Sông Hồng, sông Luộc | 100/200 |
|
III. Danh mục bến thủy nội địa
TT | Cụm bến | Quy mô dự kiến (ha) | Công suất (nghìn tấn/năm) | Tên bến | Loại bến |
1 | Cụm bến xã Tân Hưng, TP Hưng Yên | 2,2 | 200 | Bến Tân Hưng | Bến hàng hóa |
2 | Cụm bến xã Hoàng Hanh, TP Hưng Yên | 2,2 | 200 | Bến Hoàng Hanh | Bến hàng hóa |
3 | Cụm bến xã Hùng An, Kim Động | 2,6 | 200 | Bến Hùng An | Bến hàng hóa |
Bến Hùng An (Giáng) | Bến khách ngang sông | ||||
4 | Cụm bến xã Đức Hợp, Kim Động | 2,6 | 200 | Bến Đức Hợp | Bến hàng hóa |
5 | Cụm bến xã Mai Động, Kim Động | 11,0 | 600 | Bến Mai Động 1 | Bến hàng hóa |
Bến Mai Động 2 | Bến hàng hóa | ||||
Bến Mai Động | Bến hàng hóa | ||||
Bến Mai Động | Bến khách ngang sông | ||||
Bến Mai Động | Bến neo đậu tàu thuyền khoảng 20 ha | ||||
6 | Cụm bến xã Thọ Vinh, Kim Động | 4,8 | 400 | Bến Thọ Vinh 1 (bến Xuân Hồng) | Bến hàng hóa |
Bến Thọ Vinh | Bến hàng hóa | ||||
Bến Phú Khê | Bến khách ngang sông | ||||
7 | Cụm bến xã Nhuế Dương, Khoái Châu | 2,6 | 200 | Bến Vườn Chuối | Bến hàng hóa |
Bến Nhuế Dương | Bến khách ngang sông | ||||
8 | Cụm bến xã Chí Tân, Khoái Châu | 4,3 | 400 | Bến Chí Tân | Bến hàng hóa |
Bến Chí Tân 2 | Bến hàng hóa | ||||
9 | Cụm bến xã Đại Tập, Khoái Châu | 9,0 | 800 | Bến Đại Tập 1 | Bến hàng hóa |
Bến Đại Tập 2 | Bến hàng hóa | ||||
Bến Đại Tập 3 | Bến hàng hóa | ||||
Bến Đại Tập 4 | Bến hàng hóa | ||||
Bến Phù Sa | Bến khách ngang sông | ||||
10 | Cụm bến xã Đông Ninh, Khoái Châu | 2,6 | 200 | Bến Đông Ninh | Bến hàng hóa |
Bến Đông Ninh | Bến khách ngang sông | ||||
11 | Cụm bến xã Tân Châu, Khoái Châu | 4,7 | 400 | Bến Hồng Châu | Bến hàng hóa |
Bến Tân Châu | Bến hàng hóa | ||||
Bến Tân Châu | Bến khách ngang sông | ||||
12 | Cụm bến xã Tứ Dân, Khoái Châu | 5,3 | 200 | Bến Phương Trù | Bến hàng hóa |
Bến Năm Mẫu | Bến khách ngang sông | ||||
Bến Phương Trù | Bến khách ngang sông | ||||
13 | Cụm bến xã Bình Minh, Khoái Châu | 2,6 | 200 | Bến Bình Minh | Bến hàng hóa |
Bến Bình Minh | Bến khách ngang sông | ||||
14 | Cụm bến xã Mễ Sở, Văn Giang | 4,8 | 400 | Bến Hưng Thịnh | Bến hàng hóa |
Bến Mễ Sở | Bến hàng hóa | ||||
Bến Mễ Sở | Bến khách ngang sông | ||||
15 | Cụm bến xã Thắng Lợi, Văn Giang | 9,5 | 800 | Bến Dương 1 | Bến hàng hóa |
Bên Dương 2 | Bến hàng hóa | ||||
Bến Thắng Lợi 3 | Bến hàng hóa | ||||
Bến Thắng Lợi 4 (bến Vôi Dân Chủ) | Bến hàng hóa | ||||
Bến Xâm Hồng | Bến khách ngang sông | ||||
Bến Dương Liệt | Bến khách ngang sông | ||||
16 | Cụm bến xã Liên Nghĩa, Văn Giang | 2,2 | 200 | Bến Liên Nghĩa | Bến hàng hóa |
17 | Cụm bến xã Nguyên Hòa, Phù Cừ | 3,2 | 200 | Bến La Tiến | Bến hàng hóa |
18 | Cụm bến xã Tống Trân, Phù Cừ | 3,2 | 200 | Bên Tống Trân | Bến hàng hóa |
Bến Vống Phan | Bến khách ngang sông | ||||
Bến Nông | Bến khách ngang sông | ||||
19 | Cụm bến xã Hải Triều, Tiên Lữ | 4,4 | 400 | Bến Hải Triều 1 (Bến An Hải) | Bến hàng hóa |
Bến Hải Triều 2 (Bến An Hải II) | Bến hàng hóa | ||||
20 | Cụm bến xã Thiện Phiến, Tiên Lữ | 6,4 | 600 | Bến Thiện Phiến 1 | Bến hàng hóa |
Bến Thiện Phiến 2 | Bến hàng hóa | ||||
Bến Thiện Phiến 3 | Bến hàng hóa | ||||
21 | Cụm bến xã Minh Phượng, Tiên Lữ | 0,5 |
| Bến Mai Xá | Bến khách ngang sông |
Ghi chú:
- Việc đầu tư các cảng thủy nội địa, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Hưng Yên phải phù hợp với Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.
- Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật. Ngoài dự kiến các cảng xây dựng mới nêu trên, căn cứ nhu cầu thực tế để nghiên cứu điều chỉnh, phát triển thêm các cảng khác phù hợp với định hướng của các quy hoạch liên quan theo đúng quy định pháp luật.
DANH MỤC CÁC TUYẾN ĐƯỜNG SẮT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
STT | Tuyến | Chiều dài (km) | Khổ đường (m) |
1 | Tuyến Hà Nội - Hải Phòng | 20 | 1.000 |
2 | Tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng | 13,8 | 1.435 |
3 | Tuyến vành đai phía Đông thành phố Hà Nội | 59 | Khổ lồng 1.000 và 1.435 |
Ghi chú:
- Hướng tuyến, phạm vi sử dụng đất, thời gian thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật. Ngoài dự kiến các tuyến đường sắt nêu trên, căn cứ nhu cầu thực tế để nghiên cứu điều chỉnh, phát triển thêm các tuyến đường sắt khác phù hợp với định hướng của các quy hoạch liên quan theo đúng quy định pháp luật.
QUY HOẠCH CẢNG CẠN VÀ TRUNG TÂM LOGISTICS TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
STT | Tên cảng cạn/Trung tâm logistics | Diện tích dự kiến (ha) | Địa điểm dự kiến |
I | Theo Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2023 |
|
|
1 | Cảng cạn Yên Mỹ | 10 | Huyện Yên Mỹ, huyện Khoái Châu |
2 | Cảng cạn Văn Lâm | 15 | Huyện Văn Lâm |
3 | Cảng cạn Minh Châu | 10 | Huyện Yên Mỹ |
4 | Cảng cạn Tân Lập | 10 | Huyện Yên Mỹ |
II | Các cảng cạn tiềm năng |
|
|
1 | Cảng cạn Ân Thi | 10 | Huyện Ân Thi |
2 | Cảng cạn Lạc Hồng | 10 | Huyện Văn Lâm |
3 | Cảng cạn Kim Động | 20 | Huyện Kim Động |
4 | Cảng cạn Tiên Lữ | 20 | Huyện Tiên Lữ |
III | Các trung tâm logistics |
|
|
1 | Trung tâm logistics gắn với cảng cạn Yên Mỹ | 73 | Huyện Yên Mỹ |
2 | Trung tâm logistics gắn với cảng cạn Văn Lâm | 53 | Huyện Văn Lâm |
3 | Trung tâm logistics gắn với cảng cạn Minh Châu | 40 | Huyện Yên Mỹ |
4 | Trung tâm logistics gắn với cảng cạn Ân Thi | 12 | Huyện Ân Thi |
5 | Trung tâm logistics gắn với cảng cạn Lạc Hồng | 20 | Huyện Văn Lâm |
Ghi chú:
- Việc đầu tư các cảng cạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên (bao gồm các cảng cạn tiềm năng) phải phù hợp với Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.
- Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật. Ngoài dự kiến các cảng nêu trên, căn cứ nhu cầu thực tế để nghiên cứu điều chỉnh, phát triển thêm các cảng khác phù hợp với định hướng của các quy hoạch liên quan theo đúng quy định pháp luật.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG CẤP ĐIỆN TỈNH HƯNG YÊN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
A. NGUỒN ĐIỆN
TT | Nhà máy điện | Địa điểm | Công suất dự kiến (MW) | Ghi chú | |
1 | Tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà tư sản tự tiêu (MWp) | Các huyện, thành phố |
| 542 |
|
2 | Tiềm năng phát triển các dự án điện rác | Các huyện, thành phố |
| 31 |
|
Ghi chú:
(*) Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án.
- Việc đầu tư các dự án nguồn điện có tiềm năng phát triển phải bảo đảm phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, các quy hoạch liên quan và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền, trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tiễn của Tỉnh, tiềm năng phát triển và các quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.
B. LƯỚI ĐIỆN
I. TRẠM BIẾN ÁP 500 KV, 220 KV (THEO QUY HOẠCH ĐIỆN VIII)
TT | Trạm biến áp | Công suất dự kiến (MVA) | Ghi chú |
I | Trạm biến áp 500 kV |
|
|
1 | Phố Nối | 1.800 | Cải tạo |
2 | Hưng Yên | 900 | Xây mới |
II | Trạm biến áp 220 kV |
|
|
1 | Trạm biến áp 220 kV Yên Mỹ | 500 | Xây mới |
2 | Trạm biến áp 220 kV Phố Nối nối cấp | 500 | Xây mới |
3 | Trạm biến áp 220 kV Phố Cao | 500 | Xây mới |
4 | Trạm biến áp 220 kV Bãi Sậy | 500 | Xây mới |
5 | Trạm biến áp 220 kV Văn Giang | 250 | Xây mới |
6 | Trạm biến áp 220 kV Hưng Yên nối cấp | 250 | Xây mới |
II. ĐƯỜNG DÂY 500 KV, 220 KV (THEO QUY HOẠCH ĐIỆN VIII)
TT | Đường dây | Số mạch x km dự kiến | Ghi chú |
I | Đường dây 500 kV |
|
|
1 | NMNĐ Nam Định I - Phố Nối | 2x123 | Xây mới, đấu nối NMNĐ Nam Định I, trường hợp NMNĐ Nam Định I chậm tiến độ, xem xét xây dựng trước SPP 500kV NĐ Nam Định 1 hoặc chuyển đấu nối Thanh Hóa - NĐ Nam Định I - Thái Bình - Phố Nối để đảm bảo vận hành |
2 | Hưng Yên - rẽ LNG Nghi Sơn - Long Biên | 4x5 | Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Hưng Yên |
II | Đường dây 220 kV |
|
|
1 | Yên Mỹ - rẽ Phố Nối 500 kV - Thường Tín 500 kV | 2x2 | Xây mới, đấu nối trạm 220 kV Yên Mỹ |
2 | Phố Cao - rẽ Thái Bình - Kim Động | 4x1 | Xây mới, đấu nối trạm 220 kV Phố Cao |
3 | Bãi Sậy - Kim Động | 2x12 | Xây mới, đấu nối trạm 220 kV Bãi Sậy |
4 | Văn Giang - rẽ Long Biên 500 kV - Thường Tín 500 kV | 4x2 | Xây mới, đấu nối trạm 220 kV Văn Giang |
5 | Hưng Yên 500 kV (thành phố Hưng Yên) - rẽ Kim Động - Phố Cao | 4x5 | Xây mới, đấu nối trạm 500 kV Hưng Yên |
6 | Hưng Yên 500 kV - Đồng Văn | 2x14 | Xây mới, đấu nối trạm 500 kV Hưng Yên |
7 | Nâng khả năng tải Thường Tín - Phố Nối | 2x33 | Cải tạo, nâng khả năng tải 1 mạch Thường Tín TBA 220 kV Phố Nối, 1 mạch Thường tín TBA 500 kV Phố Nối |
8 | NĐ Hải Dương - Phố Nối 500 kV | 2x60 |
|
III. TRẠM BIẾN ÁP 110 KV
TT | Trạm biến áp | Công suất dự kiến (MVA) | Ghi chú | |
Hiện tại | Quy hoạch đến năm 2030 | |||
I | Nâng cấp cải tạo |
|
|
|
1 | Tân Quang | 2x63 | 3x63 | Lắp máy T3 |
2 | Khoái Châu | 40+63 | 2x63 | Thay máy T1 |
3 | Kim Động | 40+63 | 2x63 | Thay máy T1 |
4 | Phố Cao | 2x40 | 2x63 | Thay 02 máy T1, T2 |
5 | Minh Hải | 2x63 | 3x63 | Lắp máy T3 |
6 | Văn Giang 2 | 1x63 | 2x63 | Lắp máy T2 |
7 | Kim Động 2 | 1x63 | 2x63 | Lắp máy T2 |
8 | Dị Sừ | 1x63 | 2x63 | Lắp máy T2 |
9 | Bãi Sậy | 1x63 | 2x63 | Lắp máy T2 |
10 | Phố Nối | 1x63 | 2x63 | Lắp máy T2 |
11 | Yên Mỹ | 2x63 | 3x63 | Lắp máy T3 |
II | Quy hoạch mới |
|
|
|
1 | Ngọc Long |
| 2x63 |
|
2 | Nhân Hòa |
| 2x63 |
|
3 | Yên Mỹ 2 |
| 2x63 |
|
4 | Tiên Lữ |
| 2x63 |
|
5 | Lý Thường Kiệt |
| 2x63 |
|
6 | Lý Thường Kiệt 2 |
| 2x63 |
|
7 | Lý Thường Kiệt 3 |
| 2x63 |
|
8 | Khoái Châu 2 |
| 2x63 |
|
9 | Vĩnh Khúc |
| 2x63 |
|
10 | Ân Thi |
| 2x63 |
|
11 | TP Hưng Yên 2 |
| 2x63 |
|
12 | Minh Quang |
| 2x63 |
|
13 | Phố Hiến |
| 2x63 |
|
14 | Đại Đồng |
| 2x63 |
|
15 | Văn Giang 3 |
| 2x63 |
|
16 | Khoái Châu 3 |
| 2x63 |
|
17 | Kim Động 3 |
| 2x63 |
|
18 | Lý Thường Kiệt 4 |
| 2x63 |
|
19 | Lý Thường Kiệt 5 |
| 2x63 |
|
20 | Bãi Sậy nối cấp |
| 2x63 |
|
21 | Ân Thi 2 |
| 2x63 |
|
Ghi chú: Việc đầu tư xây dựng các trạm biến áp phải căn cứ vào Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Danh mục trạm biến áp không bao gồm các trạm biến áp nâng áp của các dự án nguồn điện. Trong quá trình thực hiện, tùy điều kiện phát triển thực tiễn và quy hoạch để lắp đặt máy biến áp phù hợp (lắp đặt 01 hoặc 02 máy biến áp); đối với máy biến áp 110 kV, tùy vào cấp điện áp trung áp khu vực đang sử dụng và phụ tải tại khu vực cấp điện để lắp đặt số cuộn dây và cấp điện áp phù hợp. Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án.
IV. ĐƯỜNG DÂY 110 KV
TT | Danh mục đường dây | Số mạch × km dự kiến | Ghi chú |
I | Đường dây 110 kV nâng cấp cải tạo | ||
1 | Đường dây đấu nối trạm 220 kV Phố Nối - nhánh rẽ Giai Phạm | 2x2,3 |
|
2 | Đường dây đấu nối trạm 220 kV Phố Nối - Kim Động 220 kV | 2x18 |
|
3 | Nhánh rẽ trạm 110 kV Thăng Long II | 2x3,2 |
|
II | Đường dây 110 kV xây dựng mới | ||
1 | Đường dây đấu nối trạm 220 kV Phố Nối nối cấp - rẽ Phố Nối - Hải Dương | 2x6,5 | Đấu nối trạm 220 kV Phố Nối nối cấp |
2 | Đường dây đấu nối trạm 220kV Phố Nối nối cấp - rẽ Minh Hải - Lạc Đạo | 2x8,5 | Đấu nối trạm 220 kV Phố Nối nối cấp |
3 | Nhánh rẽ trạm Nhân Hòa | 2x1 | Đấu nối trạm 110 kV Nhân Hòa, chuyển tiếp trên 1 mạch Phố Nối 220 kV - Hải Dương 220 kV |
4 | Nhánh rẽ trạm Minh Quang | 2x2,1 | Đấu nối trạm 110 kV Minh Quang, chuyển tiếp trên 1 mạch trạm 110 kV Nhân Hòa - Hải Dương 220 kV |
5 | Nhánh rẽ trạm Đại Đồng | 2x1 | Đấu nối trạm 110 kV Đại Đồng, chuyển tiếp trên 1 mạch đường dây Phố Nối nối cấp - Như Quỳnh |
6 | Đường dây đấu nối trạm 220 kV Yên Mỹ - rẽ Kim Động - Văn Giang | 4x2,5 | Đấu nối trạm 220 kV Yên Mỹ |
7 | Đường dây đấu nối trạm 220 kV Yên Mỹ - Văn Giang 2 | 2x2,8 | Đấu nối trạm 220 kV Yên Mỹ, chuyển đấu nối trạm Văn Giang 2 về trạm 220 kV Yên Mỹ |
8 | Nhánh rẽ trạm Khoái Châu 3 | 2x6,5 | Đấu nối trạm 110 kV Khoái Châu 3, chuyển tiếp trên 1 mạch Yên Mỹ 220 kV - Văn Giang 2 |
9 | Đường dây đấu nối trạm 220 kV Yên Mỹ - Vĩnh Khúc | 2x3,2 | Đấu nối trạm 110 kV Vĩnh khúc |
10 | Vĩnh Khúc - Văn Giang 3 | 2x2,5 | Đấu nối trạm 110 kV Văn Giang 3, chuyển tiếp trên 1 mạch Yên Mỹ 220 kV - Vĩnh Khúc |
11 | Đường dây đấu nối trạm 220 kV Văn Giang - rẽ Văn Giang 2 - Khoái Châu 3 | 2x2,5 | Đấu nối trạm 220 kV Văn Giang |
12 | Văn Giang 220 kV - rẽ Văn Giang 3 -Vĩnh Khúc | 2x8,5 | Đấu nối trạm 220 kV Văn Giang |
13 | Nhánh rẽ trạm Ngọc Long | 2x3,2 | Đấu nối trạm 110 kV Ngọc Long, chuyển tiếp trên 1 mạch đường dây Yên Mỹ 220 kV - Kim Động 220 kV |
14 | Nhánh rẽ trạm Yên Mỹ 2 | 2x0,2 | Đấu nối trạm 110 kV Yên Mỹ 2, chuyển tiếp 1 mạch đường dây Phố Nối 220 kV - Yên Mỹ |
15 | Nhánh rẽ trạm Lý Thường Kiệt 3 | 2x2,2 | Đấu nối trạm 110 kV Lý Thường Kiệt 3, chuyển tiếp trên 1 mạch đường dây Kim Động 220 kV - Yên Mỹ 220 kV |
16 | Đường dây đấu nối trạm 220 kV Bãi Sậy - rẽ Kim Động - Bãi Sậy | 4x1 | Đấu nối trạm 220 kV Bãi Sậy |
17 | Đường dây đấu nối trạm 220 kV Bãi Sậy - Ân Thi 2 | 2x5 | Đấu nối trạm 110 kV Ân Thi 2 |
18 | Đường dây đấu nối trạm 220 kV Bãi Sậy - Lý Thường Kiệt 4 | 2x2,5 | Đấu nối trạm 110 kV Lý Thường Kiệt 4 |
19 | Nhánh rẽ trạm Lý Thường Kiệt 5 | 2x1,5 | Đấu nối trạm 110 kV Lý Thường Kiệt 5, chuyển tiếp trên 1 mạch đường dây Kim Động 220 kV - Kim Động 2 |
20 | Lý Thường Kiệt 4 - Lý Thường Kiệt 5 | 2x2,5 |
|
21 | Nhánh rẽ trạm Ân Thi | 2x0,3 | Đấu nối trạm 110 kV Ân Thi, chuyển tiếp trên 1 mạch đường dây 110 kV trạm 220 kV Kim Động - Bãi Sậy |
22 | Nhánh rẽ trạm Lý Thường Kiệt | 2x2,1 | Đấu nối trạm 110 kV Lý Thường Kiệt, chuyển tiếp trên 1 mạch đường dây 110 kV trạm Kim Động 220 kV - Bãi Sậy |
23 | Nhánh rẽ trạm Lý Thường Kiệt 2 | 2x1,2 | Đấu nối trạm 110 kV Lý Thường Kiệt 2, chuyển tiếp trên 1 mạch đường dây 110 kV trạm 220 kV Kim Động - Lý Thường Kiệt |
24 | Đường dây đấu nối trạm 220 kV Kim Động - trạm 110 kV Khoái Châu 2 | 2x9 | Đấu nối trạm 110 kV Khoái Châu 2 |
25 | Nhánh rẽ trạm Kim Động 3 | 2x4,1 | Đấu nối trạm 110 kV Kim Động 3, chuyển tiếp trên 1 mạch đường dây Kim Động 220 kV - Khoái Châu 2 |
26 | Đường dây đấu nối trạm 220 kV thành phố Hưng Yên - Kim Động 3 | 2x6,3 | Đấu nối trạm 220 kV thành phố Hưng Yên, đấu chuyển tiếp trên 1 mạch đường dây 110 kV Khoái Châu 2 - Kim Động 3 |
27 | Hưng Yên - Hòa Mạc (Hà Nam) | 2x4,5 |
|
28 | Đường dây đấu nối trạm 220 kV thành phố Hung Yên - rẽ Hưng Yên - Hòa Mạc | 4x0,1 | Đấu nối trạm 220 kV thành phố Hưng Yên |
29 | Nhánh rẽ trạm Phố Hiến | 2x2,5 | Đấu nối trạm 110 kV Phố Hiến, chuyển tiếp trên 1 mạch đường dây Phố Cao 220 kV - Hưng Yên 110 kV |
30 | Đường dây đấu nối trạm 220 kV Phố Cao - rẽ Kim Động - Phố Cao | 4x1 | Đấu nối trạm 220 kV Phố Cao |
31 | Đường dây đấu nối trạm 220 kV Phố Cao - Tiên Lữ | 2x1,5 | Đấu nối trạm 110 kV Tiên Lữ |
32 | Nhánh rẽ trạm thành phố Hưng Yên 2 | 2x7,5 | Đấu nối trạm 110 kV thành phố Hưng Yên 2, chuyển tiếp trên một mạch đường dây Phố Cao 220 kV - Tiên Lữ |
33 | Đường dây đấu nối trạm 220 kV Phố Cao - Hưng Hà (Thái Bình) | 2x16,5 |
|
34 | Bãi Sậy - rẽ Bình Giang - Tân Trường (Hải Dương) | 2x2,5 |
|
Ghi chú: Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường dây 110 kV căn cứ Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tên, quy mô, chiều dài đường dây sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TỈNH HƯNG YÊN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
TT | Danh mục dự án | Địa điểm | Nội dung quy mô đầu tư |
1 | Xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số | Toàn tỉnh | Đến năm 2030, thực hiện theo Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2022 phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; các quyết định khác của trung ương và của tỉnh. |
2 | Dự án về chuyển đổi số của tỉnh | Toàn tỉnh | Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và hạ tầng phụ trợ đồng bộ với các nền tảng chuyển đổi số trên cơ sở kế thừa các hạ tầng đã có. - Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và nền tảng dữ liệu mở tỉnh Hưng Yên. - Đầu tư các phần mềm, giải pháp an toàn thông tin. |
3 | Triển khai chuyển đổi số tại các lĩnh vực ưu tiên | Toàn tỉnh | Các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải, logistics, tài nguyên, môi trường, sản xuất công nghiệp, du lịch. |
4 | Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số xây dựng cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện | Toàn tỉnh | Tại các cơ quan báo chí. |
5 | Phát triển toàn diện hệ thống phát thanh truyền hình tỉnh Hưng Yên trong kỷ nguyên số | Toàn tỉnh | Cơ quan phát thanh, truyền hình tỉnh, hệ thống truyền thanh cơ sở. |
CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI, CẤP, THOÁT NƯỚC, THU GOM VÀ XỬ LÝ NƯỚC THẢI TỈNH HƯNG YÊN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
TT | Tên công trình | Địa điểm xây dựng |
A | Các công trình trung ương đầu tư |
|
1 | Đập dâng trên sông Hồng (đập Xuân Quan - theo Quyết định số 847/QĐ-TTg ngày 14/7/2023) | Tỉnh Hưng Yên |
2 | Trạm bơm tiêu Nam Kẻ Sặt | Huyện Phù Cừ |
3 | Trạm bơm dã chiến Xuân Quan | Huyện Văn Giang |
B | Các công trình tỉnh đầu tư |
|
I | Hạ tầng thủy lợi |
|
a | Công trình xây dựng mới |
|
1 | Nâng cấp, cải tạo trạm bơm Nghi Xuyên (bổ sung thêm nhiệm vụ cấp nước) | Huyện Khoái Châu |
2 | Cống Nghi Xuyên (tiêu tự chảy, kết hợp lấy nước) qua bờ tả đê sông Hồng | Huyện Khoái Châu |
3 | Trạm bơm vùng bãi Phụng Công, Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên và xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội | Huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên; huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội |
4 | Trạm bơm Bảo Tàng | Huyện Ân Thi |
5 | Hệ thống các công trình tưới, tiêu nước vùng bãi | Huyện Văn Giang, huyện Khoái Châu, huyện Kim Động, huyện Tiên Lữ, huyện Phù Cừ, thành phố Hưng Yên |
6 | Các cống qua đê bối vùng bãi | Huyện Văn Giang, huyện Khoái Châu, huyện Kim Động, huyện Tiên Lữ, huyện Phù Cừ, thành phố Hưng Yên |
b | Công trình cải tạo, nâng cấp |
|
1 | Nâng cấp, cải tạo các trạm bơm tưới, tiêu, cấp nguồn | Địa bàn các huyện, thị xã, thành phố |
2 | Nâng cấp, cải tạo các tuyến kênh, mương tưới, tiêu, cấp nguồn | Địa bàn các huyện, thị xã, thành phố |
3 | Nâng cấp, cải tạo các cống tưới, tiêu, cấp nguồn | Địa bàn các huyện, thị xã, thành phố |
II | Các công trình cấp nước sạch |
|
a | Công trình xây dựng mới |
|
1 | Nhà máy nước Xuân Quan | Huyện Văn Giang |
2 | Nhà máy nước Mỹ Văn giai đoạn 2 | |
b | Công trình nâng công suất các nhà máy |
|
1 | Nâng công suất các nhà máy nước từ nguồn nước mặt (khai thác trực tiếp hoặc mua từ các nhà máy nước mặt lân cận) Nhà máy nước sạch: Hưng Yên, Phú Cường | Thành phố Hưng Yên |
2 | Nâng công suất các nhà máy nước từ nguồn nước mặt (khai thác trực tiếp hoặc mua các nhà máy nước mặt lân cận) Các nhà máy nước: Dạ Trạch, Phùng Hưng, Thuần Hưng, Bình Minh, Hồng Tiến, Dân Tiến, thị trấn Khoái Châu | Huyện Khoái Châu |
3 | Nâng công suất các nhà máy nước từ nguồn nước mặt (khai thác trực tiếp hoặc mua từ các nhà máy nước mặt lân cận) Các nhà máy nước: Thị trấn Yên Mỹ, Tân Việt - Lý Thường Kiệt, Yên Phú, Trung Hưng, Thăng Long | Huyện Yên Mỹ |
4 | Nâng công suất các nhà máy nước từ nguồn nước mặt (khai thác trực tiếp hoặc mua từ các nhà máy nước mặt lân cận) Các nhà máy nước: Nguyên Hòa, thị trấn Trần Cao, Quang Hưng, Minh Tân | Huyện Phù Cừ |
5 | Nâng công suất các nhà máy nước từ nguồn nước mặt (khai thác trực tiếp hoặc mua từ các nhà máy nước mặt lân cận) Các nhà máy nước: Cương Chính, An Binh, Hưng Đạo, Thụy Lôi, Hải Triều | Huyện Tiên Lữ |
6 | Nâng công suất các nhà máy nước từ nguồn nước mặt (khai thác trực tiếp hoặc mua từ các nhà máy nước mặt lân cận) Các nhà máy nước: Hồng Quang, thị trấn Ân Thi, Tân Trào, Bãi Sậy | Huyện Ân Thi |
7 | Nâng công suất các nhà máy nước từ nguồn nước mặt (khai thác trực tiếp hoặc mua từ các nhà máy nước mặt lân cận) Các nhà máy nước: Phú Thịnh, Ngọc Tuấn, Phạm Ngũ Lão, thị trấn Lương Bằng, Ngọc Thanh | Huyện Kim Động |
8 | Nâng công suất các nhà máy nước từ nguồn nước mặt (khai thác trực tiếp hoặc mua từ các nhà máy nước mặt lân cận) Các nhà máy nước: Chỉ Đạo, Trưng Trắc, An Sinh, thị trấn Như Quỳnh | Huyện Văn Lâm |
9 | Nâng công suất các nhà máy nước từ nguồn nước mặt (khai thác trực tiếp hoặc mua từ các nhà máy nước mặt lân cận) Các nhà máy nước: Ecopark, Mỹ Văn, Long Hưng, thị trấn Văn Giang, Phụng Công | Huyện Văn Giang |
10 | Nâng công suất các nhà máy nước từ nguồn nước mặt (khai thác trực tiếp hoặc mua từ các nhà máy nước mặt lân cận) Các nhà máy nước: Xuân Hưng, Phố Nối, Nhân Hòa, Bạch Sam, Dị Sử | Thị xã Mỹ Hào |
III | Hạ tầng thu gom và xử lý nước thải |
|
1 | Xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị, dân cư và khu, cụm công nghiệp tập trung thành phố Hưng Yên | Thành phố Hưng Yên |
2 | Xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị, dân cư và khu, cụm công nghiệp tập trung huyện Yên Mỹ | Huyện Yên Mỹ |
3 | Xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị, dân cư và khu, cụm công nghiệp tập trung huyện Khoái Châu | Huyện Khoái Châu |
4 | Xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị, dân cư và khu, cụm công nghiệp tập trung huyện Phù Cừ. | Huyện Phù Cừ |
5 | Xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị, dân cư và khu, cụm công nghiệp tập trung huyện Kim Động | Huyện Kim Động |
6 | Xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị, dân cư và khu, cụm công nghiệp tập trung huyện Tiên Lữ | Huyện Tiên Lữ |
7 | Xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị, dân cư và khu, cụm công nghiệp tập trung huyện Ân Thi | Huyện Ân Thi |
8 | Xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị, dân cư và khu, cụm công nghiệp tập trung huyện Văn Lâm | Huyện Văn Lâm |
9 | Xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị, dân cư và khu, cụm công nghiệp tập trung thị xã Mỹ Hào | Thị xã Mỹ Hào |
10 | Xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị, dân cư và khu, cụm công nghiệp tập trung huyện Văn Giang | Huyện Văn Giang |
Ghi chú: Quy mô, công suất các nhà máy cấp nước, nhà máy xử lý nước thải có thể điều chỉnh theo nhu cầu thực tế tại các dự án cụ thể để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung đô thị và theo đúng quy định pháp luật.
PHƯƠNG ÁN KHU XỬ LÝ CHẤT THẢI TỈNH HƯNG YÊN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
STT | Khu, cơ sở xử lý chất thải | Diện tích dự kiến (ha) | Địa điểm dự kiến | Ghi chú |
I | Quy hoạch xử lý rác thải, chất thải | |||
1 | Khu xử lý chất thải tại thành phố Hưng Yên | 32,75 | Thành phố Hưng Yên | Đang hoạt động; mở rộng |
2 | Khu xử lý Đại Đồng | 30,0 | Huyện Văn Lâm | Đang hoạt động |
3 | Nhà máy xử lý rác thải Dị Sử | 5,0 | Thị xã Mỹ Hào | Đang hoạt động; mở rộng |
4 | Nhà máy xử lý rác thải Yên Mỹ (thay thế vị trí Lý Thường Kiệt) | 6,0 | Huyện Yên Mỹ | Bổ sung mới |
5 | Khu xử lý chất thải rắn xã Đoàn Đào | 7,0 | Huyện Phù Cừ | Đang triển khai (đã được cấp quyết định đầu tư) |
6 | Nhà máy xử lý chất thải Phùng Hưng | 5,0 | Huyện Khoái Châu | Đang triển khai (đã có Thông báo chấp thuận dự án) |
7 | Khu xử lý chất thải tập trung cạnh đường Tân Phúc - Võng Phan | 13,50 | Huyện Ân Thi | Bổ sung mới |
II | Quy hoạch xử lý chất thải công nghiệp, nguy hại | |||
1 | Nhà máy xử lý nước thải và chất thải công nghiệp Tân Quang | 1,84 | Huyện Văn Lâm | Đang hoạt động |
2 | Nhà máy sản xuất đồ nhôm, inox gia dụng và gạch không nung | 1,5 | Thị xã Mỹ Hào | Đang hoạt động |
3 | Nhà máy xử lý, tái chế kim loại màu tại làng nghề Đông Mai 1 | 2,9 | Huyện Văn Lâm | Đang hoạt động |
4 | Nhà máy xử lý chất thải và sản xuất kim loại màu | 3,2 | Huyện Văn Lâm | Đang hoạt động |
5 | Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp tại khu công nghiệp Thăng Long II | 1,18 | Huyện Yên Mỹ | Đang hoạt động |
6 | Nhà máy xử lý một số loại chất thải công nghiệp đặc thù tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh |
| Trong các khu công nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố |
|
Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô, công suất các khu, nhà máy xử lý chất thải có thể điều chỉnh theo nhu cầu thực tế tại các dự án cụ thể để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung đô thị và theo đúng quy định pháp luật.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC CƠ SỞ Y TẾ TỈNH HƯNG YÊN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
TT | Tên đơn vị | Dự kiến địa điểm | Quy hoạch |
A | Khối công lập thuộc tỉnh |
|
|
I | Tuyến tỉnh |
|
|
1 | Trung tâm Kiểm soát bệnh tật | Thành phố Hưng Yên | Xây mới |
2 | Bệnh viện đa khoa tỉnh | Thành phố Hưng Yên | Xây mới |
3 | Bệnh viện đa khoa Phố Nối | Thị xã Mỹ Hào | Nâng cấp, mở rộng |
4 | Bệnh viện Phổi | Thành phố Hưng Yên | Nâng cấp, mở rộng |
5 | Bệnh viện Y dược cổ truyền | Thành phố Hưng Yên | Nâng cấp, mở rộng |
6 | Bệnh viện Mắt | Thành phố Hưng Yên | Nâng cấp, mở rộng |
7 | Bệnh viện Tâm thần kinh | Huyện Kim Động | Nâng cấp, mở rộng |
8 | Bệnh viện Sản - Nhi | Huyện Kim Động | Nâng cấp, mở rộng |
9 | Bệnh viện bệnh Nhiệt đới | Thành phố Hưng Yên | Nâng cấp, mở rộng |
II | Tuyến huyện |
|
|
1 | Trung tâm y tế huyện Văn Giang |
| Nâng cấp, mở rộng |
2 | Trung tâm y tế huyện Văn Lâm |
| Nâng cấp, mở rộng |
3 | Trung tâm y tế huyện Khoái Châu |
| Nâng cấp, mở rộng |
4 | Trung tâm y tế huyện Yên Mỹ |
| Nâng cấp, mở rộng |
5 | Trung tâm y tế thị xã Mỹ Hào |
| Nâng cấp, mở rộng |
6 | Trung tâm y tế huyện Ân Thi |
| Nâng cấp, mở rộng |
7 | Trung tâm y tế huyện Kim Động |
| Nâng cấp, mở rộng |
8 | Trung tâm y tế huyện Tiên Lữ |
| Nâng cấp, mở rộng |
9 | Trung tâm y tế huyện Phù Cừ |
| Nâng cấp, mở rộng |
10 | Trung tâm y tế thành phố Hưng Yên |
| Nâng cấp, mở rộng |
11 | Nghiên cứu đầu tư xây dựng mới các cơ sở y tế trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. |
| Xây dựng mới |
B | Các cơ sở y tế ngoài công lập |
|
|
| Các cơ sở y tế ngoài công lập (thành lập mới) |
| Số cơ sở và địa điểm trên toàn tỉnh dựa trên nhu cầu và khả năng thu hút đầu tư của từng địa phương |
Ghi chú: Tên, quy mô, địa điểm, diện tích đất sử dụng, cơ cấu tổng mức đầu tư của các dự án sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ, Đối với những cơ sở chưa có trong danh mục thì tiếp tục duy trì, phát triển như hiện trạng.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CÔNG LẬP TỈNH HƯNG YÊN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
I. Các trường trung học phổ thông, liên cấp
TT | Tên cơ sở giáo dục | Địa điểm dự kiến | Ghi chú |
1 | Trường trung học phổ thông Chuyên Hưng Yên | Thành phố Hưng Yên | Nâng cấp, cải tạo hoặc bố trí địa điểm mới |
2 | Trường trung học phổ thông Hưng Yên | Thành phố Hưng Yên | Mở rộng, nâng cấp, cải tạo |
3 | Trường trung học phổ thông Phố Hiến | Thành phố Hưng Yên | Xây dựng mới |
4 | Trường trung học phổ thông Tiên Lữ | Huyện Tiên Lữ | Nâng cấp, cải tạo |
5 | Trường trung học phổ thông Trần Hưng Đạo | Huyện Tiên Lữ | Nâng cấp, cải tạo |
6 | Trường trung học phổ thông Nam Phù Cừ | Huyện Phù Cừ | Nâng cấp, cải tạo |
7 | Trường trung học phổ thông Phù Cừ | Huyện Phù Cừ | Nâng cấp, cải tạo |
8 | Trường trung học phổ thông Khoái Châu | Huyện Khoái Châu | Nâng cấp, cải tạo |
9 | Trường trung học phổ thông Nguyễn Siêu | Huyện Khoái Châu | Nâng cấp, cải tạo |
10 | Trường trung học phổ thông Trần Quang Khải | Huyện Khoái Châu | Nâng cấp, cải tạo |
11 | Trường trung học phổ thông Ân Thi | Huyện Ân Thi | Nâng cấp, cải tạo |
12 | Trường trung học phổ thông Nguyễn Trung Ngạn | Huyện Ân Thi | Nâng cấp, cải tạo |
13 | Trường trung học phổ thông Phạm Ngũ Lão | Huyện Ân Thi | Nâng cấp, cải tạo |
14 | Trường trung học phổ thông Kim Động | Huyện Kim Động | Nâng cấp, cải tạo |
15 | Trường trung học phổ thông Đức Hợp | Huyện Kim Động | Nâng cấp, cải tạo |
16 | Trường trung học phổ thông Nghĩa Dân | Huyện Kim Động | Nâng cấp, cải tạo |
17 | Trường trung học phổ thông Mỹ Hào | Thị xã Mỹ Hào | Nâng cấp, cải tạo |
18 | Trường trung học phổ thông Nguyễn Thiện Thuật | Thị xã Mỹ Hào | Nâng cấp, cải tạo |
19 | Trường trung học phổ thông Trưng Vương | Huyện Văn lâm | Nâng cấp, cải tạo |
20 | Trường trung học phổ thông Văn Lâm | Huyện Văn Lâm | Nâng cấp, cải tạo |
21 | Trường trung học phổ thông Yên Mỹ | Huyện Yên Mỹ | Nâng cấp, cải tạo |
22 | Trường trung học phổ thông Triệu Quang Phục | Huyện Yên Mỹ | Nâng cấp, cải tạo |
23 | Trường trung học phổ thông Minh Châu | Huyện Yên Mỹ | Nâng cấp, cải tạo |
24 | Trường trung học phổ thông Văn Giang | Huyện Văn Giang | Nâng cấp, cải tạo |
25 | Trường trung học phổ thông Dương Quảng Hàm | Huyện Văn Giang | Nâng cấp, cải tạo |
26 | Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám | Huyện Tiên Lữ | Nâng cấp, cải tạo |
27 | Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Hưng Yên | Thành phố Hưng Yên | Nâng cấp, cải tạo |
28 | Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập | Trên địa bàn tỉnh | Xây dựng mới |
29 | Nghiên cứu xây dựng các trường phổ thông ngoài công lập | Địa bàn các huyện, thị xã, thành phố | Số trường và địa điểm trên toàn tỉnh dựa trên nhu cầu và khả năng thu hút đầu tư của từng địa phương |
II. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp
TT | Tên cơ sở | Địa điểm dự kiến | Ghi chú |
I | Đại học |
|
|
1 | Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên | CS1, CS2: huyện Khoái Châu |
|
2 | Trường Đại học Tài chính - Quản trị Kinh doanh | CS1, CS2: huyện Văn Lâm |
|
3 | Trường Đại học Thủy lợi - Cơ sở 2 | Khu Đại học Phố Hiến |
|
4 | Trường Đại học Công đoàn Cơ sở 2 | Huyện Yên Mỹ |
|
5 | Học viện An ninh nhân dân - Cơ sở 2 | Huyện Văn Giang |
|
6 | Trường Đại học Mở Hà Nội- Cơ sở 2 | Huyện Văn Giang |
|
7 | Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam | Huyện Văn Giang |
|
8 | Trường Đại học Chu Văn An | Thành phố Hưng Yên |
|
9 | Trường Đại học Anh quốc | Huyện Văn Giang |
|
II | Trường cao đẳng |
|
|
1 | Trường Cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi | Huyện Khoái Châu | Nâng cấp, cải tạo |
2 | Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên | Huyện Yên Mỹ | Nâng cấp, cải tạo |
3 | Trường Cao đẳng Hưng Yên (thành lập trên cơ sở sáp nhập 03 Trường: Cao đẳng Cộng đồng Hưng Yên, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Tô Hiệu Hưng Yên, Cao đẳng Y tế Hưng Yên) | Thành phố Hưng Yên | Định hướng nâng cấp thành trường đại học |
III | Trường trung cấp |
|
|
| Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải | Thành phố Hưng Yên | Nâng cấp, cải tạo |
IV | Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên: 11 trung tâm (công lập) |
|
|
1 | Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thành phố Hưng Yên | Thành phố Hưng Yên | Nâng cấp, cải tạo |
2 | Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Kim Động | Huyện Kim Động | Nâng cấp, cải tạo |
3 | Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Ân Thi | Huyện Ân Thi | Nâng cấp, cải tạo |
4 | Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Phù Cừ | Huyện Phù Cừ | Nâng cấp, cải tạo |
5 | Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Tiên Lữ | Huyện Tiên Lữ | Nâng cấp, cải tạo |
6 | Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Khoái Châu | Huyện Khoái Châu | Nâng cấp, cải tạo |
7 | Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Yên Mỹ | Huyện Yên Mỹ | Nâng cấp, cải tạo |
8 | Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thị xã Mỹ Hào | Thị xã Mỹ Hào | Nâng cấp, cải tạo |
9 | Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Văn Lâm | Huyện Văn Lâm | Nâng cấp, cải tạo |
10 | Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Văn Giang | Huyện Văn Giang | Nâng cấp, cải tạo |
11 | Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Hưng Yên | Thành phố Hưng Yên | Nâng cấp, cải tạo |
Ghi chú: Phát triển cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục phổ thông bám sát theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mật độ dân cư trên địa bàn tại các đơn vị. Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư, nguồn vốn đầu tư của các dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt kế hoạch, quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hưng Yên phải phù hợp với Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các quy hoạch, kế hoạch có liên quan và nhu cầu thực tế của địa phương.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG VĂN HÓA, THỂ THAO TỈNH HƯNG YÊN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
TT | Danh mục | Số lượng |
I | Di tích |
|
1 | Di tích đề nghị công nhận Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt | 1 |
2 | Di tích đề nghị xếp hạng quốc gia | 7 |
3 | Di tích đề nghị xếp hạng cấp tỉnh | 30 |
II | Thiết chế văn hóa thể thao cấp tỉnh nâng cấp, xây mới |
|
1 | Trung tâm văn hóa tỉnh Hưng Yên (nâng cấp) |
|
2 | Bảo tàng tỉnh (nâng cấp) |
|
3 | Thư viện tỉnh (nâng cấp) |
|
4 | Khu liên hợp thể thao tỉnh (xây mới) |
|
5 | Nhà thi đấu thể thao đa năng (xây mới) |
|
6 | Sân vận động (xây mới) |
|
7 | Khu thể thao dưới nước (xây mới) |
|
8 | Cung văn hóa thiếu nhi (xây mới) |
|
Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các dự án nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt và khả năng cân đối, huy động nguồn lực đầu tư của từng giai đoạn.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC CƠ SỞ BẢO TRỢ XÃ HỘI VÀ ĐIỀU DƯỠNG CHĂM SÓC NGƯỜI CÓ CÔNG TỈNH HƯNG YÊN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
TT | Tên cơ sở | Địa chỉ | Loại hình cơ sở | Quy hoạch | Ghi chú |
I | CƠ SỞ BẢO TRỢ XÃ HỘI |
| |||
1 | Trường Phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật Tiên Lữ | Huyện Tiên Lữ | Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật | Thực hiện sáp nhập theo Kế hoạch số 146/KH-UBND về triển khai thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023 - 2030 | Công lập |
2 | Trường Phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu | Huyện Khoái Châu | Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật | Công lập | |
3 | Trung tâm điều dưỡng tâm thần kinh Hưng Yên | Huyện Kim Động | Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người thương tật | Thực hiện sáp nhập theo Kế hoạch số 146/KH-UBND về triển khai thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023 - 2030 | Công lập |
4 | Trung tâm bảo trợ xã hội và Công tác xã hội | Huyện Ân Thi | Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp | Công lập | |
5 | Trung tâm trợ giúp xã hội Tâm Phúc | Huyện Khoái Châu | Cơ sở chăm sóc trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn |
| Ngoài công lập |
6 | Trung tâm trợ giúp xã hội ACD | Thành phố Hưng Yên | Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật |
| Ngoài công lập |
7 | Công ty TNHH trung tâm dưỡng lão Kaigo | Huyện Văn Giang | Cơ sở chăm sóc người cao tuổi |
| Ngoài công lập |
8 | Trung tâm hy vọng Tiên Cầu | Huyện Kim Động | Cơ sở chăm sóc trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn |
| Ngoài công lập |
II | CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY | ||||
| Cơ sở điều trị nghiện ma túy | Huyện Ân Thi | Cơ sở cai nghiện ma túy | Nâng cấp, mở rộng | Công lập |
III | TRUNG TÂM ĐIỀU DƯỠNG CHĂM SÓC NGƯỜI CÓ CÔNG | ||||
| Trung tâm Điều dưỡng chăm sóc người có công | Thành phố Hưng Yên | Điều dưỡng chăm sóc người có công | Nâng cấp, mở rộng | Công lập |
Ghi chú: Tên, quy mô, địa điểm, diện tích đất sử dụng, cơ cấu tổng mức đầu tư của các dự án sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ. Đối với những cơ sở chưa có trong danh mục thì tiếp tục duy trì, phát triển như hiện trạng.
CHỈ TIÊU SỬ DỤNG ĐẤT TỈNH HƯNG YÊN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
STT | Chỉ tiêu sử dụng đất | Hiện trạng năm 2020 | Quy hoạch đến năm 2030 | ||||
Chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ * | Nhu cầu tăng/giảm so với chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ* theo đề nghị của tỉnh | Tổng số | |||||
Diện tích (ha) | Cơ cấu (%) | Diện tích (ha) | Cơ cấu (%) | ||||
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) | (7)=(5)+(6) | (8) |
I | Loại đất |
|
|
|
|
|
|
1 | Đất nông nghiệp | 58.877 | 63,30 | 44.465 | -10.990 | 33.475 | 35,99 |
| Trong đó |
|
|
|
|
|
|
1.1 | Đất trồng lúa | 31.524 | 53,54 | 19.752 | -6.726 | 13.026 | 38,91 |
| Trong đó: Đất chuyên trồng lúa nước | 31,509 | 99,95 | 19.752 | -6.726 | 13.026 | 100,00 |
1.2 | Đất trồng cây lâu năm | 16.187 | 27,49 |
| 10.831 | 10.831 | 32,36 |
1.3 | Đất rừng phòng hộ |
|
|
|
|
|
|
1.4 | Đất rừng đặc dụng |
|
|
|
|
|
|
1.5 | Đất rừng sản xuất |
|
|
|
|
|
|
1.6 | Các loại đất nông nghiệp còn lại | 11.166 | 18,96 |
| 9.618 | 9.618 | 28,73 |
2 | Đất phi nông nghiệp | 34.012 | 36,56 | 48.555 | 10.990 | 59.545 | 64,01 |
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
2.1 | Đất quốc phòng** | 70 | 0,21 | 192 | 8 | 200 | 0,34 |
2.2 | Đất an ninh*** | 39 | 0,11 | 89 | 159 | 248 | 0,42 |
2.3 | Đất khu công nghiệp | 1.360 | 4,00 | 5.021 | 4.568 | 9.589 | 16,10 |
2.4 | Đất cụm công nghiệp | 325 | 0,96 |
| 2.899 | 2.899 | 4,87 |
2.5 | Đất thương mại, dịch vụ | 226 | 0,66 |
| 2.175 | 2.175 | 3,65 |
2.6 | Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp | 1.851 | 5,44 |
| 2.678 | 2.678 | 4,50 |
2.7 | Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản | 1 | 0,00 |
| 1 | 1 | 0,00 |
2.8 | Đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia, cấp tỉnh | 14.322 | 42,11 | 19.319 | 712 | 20.031 | 33,64 |
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
- | Đất giao thông | 9.154 | 63,91 | 11.800 | 2.002 | 13.802 | 68,90 |
- | Đất thủy lợi | 3.933 | 27,46 |
| 3.028 | 3.028 | 15,12 |
- | Đất xây dựng cơ sở văn hóa | 137 | 0,96 | 250 |
| 250 | 1,25 |
- | Đất xây dựng cơ sở y tế | 89 | 0,62 | 144 |
| 144 | 0,72 |
- | Đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo | 650 | 4,54 | 2.063 | -823 | 1.240 | 6,19 |
- | Đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao | 238 | 1,66 | 472 | 615 | 1.087 | 5,43 |
- | Đất công trình năng lượng | 58 | 0,40 | 180 | 25 | 205 | 1,02 |
- | Đất công trình bưu chính, viễn thông | 12 | 0,08 | 14 |
| 14 | 0,07 |
- | Các loại đất phát triển hạ tầng còn lại | 51 | 0,36 |
| 260 | 260 | 1,30 |
2.9 | Đất xây dựng kho dự trữ quốc gia |
|
| 8 |
| 8 | 0,04 |
2.10 | Đất có di tích, lịch sử - văn hóa | 26 | 0,08 | 119 | 36 | 155 | 0,78 |
2.11 | Đất bãi thải, xử lý chất thải | 101 | 0,30 | 235 | 178 | 413 | 0,69 |
2.12 | Đất cơ sở tôn giáo | 210 | 0,62 |
| 254 | 254 | 1,27 |
2.13 | Đất làm nghĩa trang, nhà tang lễ, nhà hỏa táng | 986 | 2,90 |
| 1.415 | 1.415 | 7,07 |
2.14 | Đất danh lam thắng cảnh |
|
|
|
|
|
|
2.15 | Đất ở tại nông thôn | 8.261 | 24,29 |
| 10.907 | 10.907 | 18,32 |
2.16 | Đất ở tại đô thị | 1.692 | 4,97 |
| 3.684 | 3.684 | 6,19 |
2.17 | Đất xây dựng trụ sở cơ quan | 152 | 0,45 |
| 327 | 327 | 0,55 |
2.18 | Đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp | 25 | 0,07 |
| 23 | 23 | 0,04 |
2.19 | Đất xây dựng cơ sở ngoại giao |
|
|
|
|
|
|
2.20 | Các loại đất phi nông nghiệp còn lại | 4.365 | 12,83 |
| 4.538 | 4.538 | 7,62 |
3 | Đất chưa sử dụng | 130 | 0,14 |
|
|
|
|
II | Khu chức năng |
|
|
|
|
|
|
1 | Đất khu công nghệ cao |
|
|
|
|
|
|
2 | Đất khu kinh tế |
|
|
|
|
|
|
3 | Đất đô thị | 10.323 | 11,10 | 37.153 |
| 37.153 | 39,94 |
4 | Khu sản xuất nông nghiệp | 47.697 | 51,28 |
| 23.857 | 23.857 | 25,65 |
5 | Khu lâm nghiệp |
|
|
|
|
|
|
6 | Khu du lịch | 2.644 | 2,84 |
| 2.846 | 2.846 | 3,06 |
7 | Khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học |
|
|
|
|
|
|
8 | Khu phát triển công nghiệp | 1.685 | 1,81 |
| 12.488 | 12.488 | 13,42 |
9 | Khu đô thị | 1.917 | 2,06 |
| 7.409 | 7.409 | 7,96 |
10 | Khu thương mại - dịch vụ | 226 | 0,24 |
| 2.175 | 2.175 | 2,34 |
11 | Khu dân cư nông thôn | 11.238 | 12,08 |
| 26.259 | 26.259 | 28,23 |
Ghi chú:
- Khu chức năng không tổng hợp khi tính tổng diện tích tự nhiên.
- Việc triển khai các dự án sau khi Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải bảo đảm phù hợp với chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền.
- Trong quá trình thực hiện, địa phương tuân thủ chặt chẽ quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh. Tên, quy mô diện tích và phạm vi ranh giới các công trình, dự án sẽ được cụ thể hóa trong quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác hoặc trong giai đoạn lập, thẩm định, chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư. Việc điều chỉnh các chỉ tiêu sử dụng đất thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
- *Theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 05 năm 2021 - 2025.
- ** Diện tích đất quốc phòng đến năm 2030 thực hiện theo Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong quá trình triển khai thực hiện, chỉ tiêu đất quốc phòng được điều chỉnh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc phòng.
- *** Diện tích đất an ninh đến năm 2030 thực hiện theo Quy hoạch sử dụng đất an ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong quá trình triển khai thực hiện, chỉ tiêu đất an ninh được điều chỉnh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất an ninh.
PHƯƠNG ÁN PHÂN VÙNG MÔI TRƯỜNG TỈNH HƯNG YÊN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
TT | Tên vùng/tiểu vùng |
I | Vùng bảo vệ nghiêm ngặt |
I.1 | Tiểu vùng nội thành, nội thị của các đô thị loại II, loại III (Tiểu vùng I.1) |
I.2 | Tiểu vùng bảo vệ nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt (Tiểu vùng I.2) |
I.3 | Tiểu vùng bảo vệ, bảo tồn di tích lịch sử văn hoá (Tiểu vùng I.3) |
II | Vùng hạn chế phát thải |
II.1 | Tiểu vùng phát triển không gian xanh đô thị (tiểu vùng xanh đô thị) (Tiểu vùng II.1) |
II.2 | Tiểu vùng phát triển khu dân cư tập trung nông thôn; nội thành, nội thị của các đô thị loại IV, loại V (Tiểu vùng II.2) |
II.3 | Tiểu vùng phát triển khu dân cư tập trung, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống (Tiểu vùng II.3) |
III | Vùng khác |
III.1 | Tiểu vùng phát triển công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp tập trung (Tiểu vùng III.1) |
III.2 | Tiểu vùng phát triển nông nghiệp chất lượng cao (Tiểu vùng III.2) |
III.3 | Tiểu vùng phát triển du lịch sinh thái và dịch vụ ven sông Hồng (Tiểu vùng III.3) |
PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ, THĂM DÒ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN TỈNH HƯNG YÊN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
TT | Địa điểm quy hoạch | Số lượng khu | Diện tích (ha) |
I | Khai thác các mỏ đất sét |
|
|
1 | Huyện Văn Lâm | 02 | 33,1 |
2 | Huyện Khoái Châu | 07 | 119,2 |
3 | Huyện Kim Động | 08 | 147 |
4 | Huyện Ân Thi | 02 | 25 |
5 | Thị xã Mỹ Hào | 04 | 61,4 |
6 | Huyện Yên Mỹ | 01 | 19,3 |
7 | Thành phố Hưng Yên | 03 | 81 |
8 | Huyện Tiên Lữ | 03 | 47,15 |
9 | Huyện Phù Cừ | 02 | 19,6 |
II | Cát bãi bồi |
|
|
1 | Huyện Khoái Châu | 02 | 42,15 |
2 | Huyện Kim Động | 01 | 163,2 |
3 | Thành phố Hưng Yên | 05 | 804,9 |
4 | Huyện Tiên Lữ | 01 | 8,4 |
5 | Huyện Phù Cừ | 04 | 115,5 |
III | Cát lòng sông |
|
|
1 | Huyện Văn Giang | 03 | 113 |
2 | Huyện Khoái Châu | 06 | 237 |
3 | Huyện Kim Động | 02 | 90 |
4 | Thành phố Hưng Yên | 06 | 284,5 |
Ghi chú:
- Trong quá trình thực hiện quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên rà soát, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch, quy định có liên quan; rà soát, xác định và điều chỉnh, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung số lượng, ranh giới, quy mô, công suất, lộ trình khai thác, mục tiêu sử dụng các điểm mỏ (nếu cần) bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển của địa phương và các quy định pháp luật hiện hành.
- Đối với một số khu vực mỏ, khoáng sản dự kiến khai thác sau năm 2030, trường hợp đủ điều kiện và huy động được nguồn lực đầu tư thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận cho phép triển khai sớm hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
- Tất cả các khu vực quy hoạch, khi thăm dò phát hiện khoáng sản có giá trị cao hơn vật liệu xây dựng thông thường phải báo cấp có thẩm quyền giải quyết, định hướng khai thác sử dụng đúng giá trị tài nguyên.
- Đối với cát xây dựng và san lấp trên tuyến sông, đặc biệt là sông Hồng, sông Luộc phải có đầu tư khảo sát đánh giá, xác định chi tiết diện tích thăm dò, khai thác để bảo đảm an toàn môi trường, dòng chảy và lòng bờ, bãi sông, tuân thủ theo Luật Khoáng sản và các quy định pháp luật khác có liên quan.
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ ỨNG PHÓ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TỈNH HƯNG YÊN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
1. Nâng cấp đê và xây dựng đường hành lang ven đê chính
TT | Tuyến đê sông | Vị trí km - km | Ghi chú |
I | Nâng cấp đê |
|
|
| Tả sông Hồng | Km117 + 900 - Km127 + 000 | Nâng cấp |
II | Duy tu sửa chữa đê |
|
|
1 | Tả sông Hồng | Km76 + 894 - Km117 + 900 | Duy tu, sửa chữa |
2 | Tả sông Hồng | Km127 + 000 - Km133 + 050 | Duy tu, sửa chữa |
3 | Tả sông Luộc | Km0 + 000 - Km 20 + 70 | Duy tu, sửa chữa |
III | Nâng cấp, xây dựng đường hành lang ven đê chính |
|
|
a | Tả sông Hồng |
|
|
1 | Tả sông Hồng | K76 + 894 - K77 + 219 | Nâng cấp |
2 | Tả sông Hồng | K77 + 219 - K80 + 500 | Nâng cấp |
3 | Tả sông Hồng | K80 + 500 - K103 + 800 | Xây mới |
4 | Đê trong Nghi Xuyên | K103 + 800 - K106 + 415 | Xây mới |
5 | Đê ngoài Nghi Xuyên | K103 + 800 - K106 + 415 | Xây mới |
6 | Tả sông Hồng | K106 + 415 - K117 + 359 | Xây mới |
7 | Tả sông Hồng | K117 + 359 - K118 | Nâng cấp |
8 | Tả sông Hồng | K118 - K119 | Nâng cấp |
9 | Tả sông Hồng | K119 - K120 | Nâng cấp |
10 | Tả sông Hồng | K120 - K127 + 410 | Nâng cấp |
11 | Tả sông Hồng | K127 + 410 - K130 + 900 | Xây mới |
12 | Tả sông Hồng | K130 + 900 - K131 + 703 | Nâng cấp |
13 | Tả sông Hồng | K131 + 703 - K133 + 050 | Xây mới |
14 | Tả sông Hồng | K117 + 900 - K127 + 000 | Nâng cấp |
15 | Tả sông Hồng | K76 + 894 - K117 + 900 | Duy tu, sửa chữa |
16 | Tả sông Hồng | K127 + 000 - K133 + 050 | Duy tu, sửa chữa |
b | Tả sông Luộc |
|
|
1 | Tả sông Luộc | K0 + 00 - K13 + 380 | Nâng cấp |
2 | Tả sông Luộc | K13 + 380 - K13 + 700 | Xây mới |
3 | Tả sông Luộc | K13 + 700 - K16 + 000 | Nâng cấp |
4 | Tả sông Luộc | K16 + 000 - K16 + 050 | Xây mới |
5 | Tả sông Luộc | K16 + 050 - K16 + 400 | Nâng cấp |
6 | Tả sông Luộc | K16 + 400 - K16 + 460 | Xây mới |
7 | Tả sông Luộc | K16 + 460 - K16 + 680 | Nâng cấp |
8 | Tả sông Luộc | K16 + 680 - K16 + 850 | Xây mới |
9 | Tả sông Luộc | K16 + 850 - K20 + 700 | Nâng cấp |
10 | Tả sông Luộc | K0 + 000 - K20 + 700 | Duy tu, sửa chữa |
2. Nâng cấp, cải tạo cống dưới đê
TT | Tên cống | Vị trí Km | Ghi chú |
I | Tả sông Luộc |
|
|
1 | Cống Triều Dương | Km4 + 475 | Nâng cấp |
2 | Cống Mai Xá A | Km10 + 700 | Nâng cấp |
3 | Cống Mai Xá B | Km10 + 800 | Nâng cấp |
4 | Cống Võng Phan | Km 12 + 010 | Nâng cấp |
5 | Cống trạm bơm La Tiến | Km 17 + 050 | Nâng cấp |
II | Tả sông Hồng |
|
|
1 | Cống Xuân Quan | Km77 + 200 | Nâng cấp |
2 | Cống trạm bơm tiêu Liên Nghĩa | Km83 + 842 | Nâng cấp |
3 | Cống Trung Châu | Km97 + 165 | Nâng cấp |
4 | Cống Liên Khê | Km101 + 230 | Nâng cấp |
5 | Cống trạm bơm tiêu Nghi Xuyên - đê trong | Km104 + 400 | Nâng cấp |
6 | Cống Thành Công | Km104 + 800 | Nâng cấp |
7 | Cống trạm bơm tiêu Bảo Khê | Km119 + 900 | Nâng cấp |
8 | Cống trạm bơm tiêu Tân Hưng | Km132 + 800 | Nâng cấp |
3. Danh mục kè cần nâng cấp, sửa chữa
TT | Tên kè | Vị trí Km-Km | Địa điểm | Loại kè | Ghi chú |
I | Tả sông Hồng |
|
|
|
|
1 | Kè Phi Liệt | K82 + 300 - K84 + 600 | Huyện Văn Giang | Kè lát mái | Nâng cấp |
2 | Kè Hàm Tử | K92 + 000 - K94 + 200 | Huyện Khoái Châu | Kè mỏ hàn | Nâng cấp |
3 | Kè Nghi Xuyên | K103 + 100 - K106 + 400 | Huyện Khoái Châu | Kè mỏ hàn | Nâng cấp |
4 | Kè bờ lở Thọ Vinh - Phú Thịnh - Mai Động - Đức Hợp | K107 + 250 - K109 + 230 | Huyện Kim Động | Kè lát mái | Nâng cấp |
5 | Kè Đức Hợp | K109 + 230 - K112 + 000 | Huyện Kim Động | Kè lát mái | Nâng cấp |
6 | Kè bờ lở thôn Phú Mỹ, xã Đức Hợp | K112 + 500 - K112+ 800 | Huyện Kim Động | Kè lát mái | Nâng cấp, Xây mới |
7 | Kè Phú Hùng Cường | K114 + 00 - K121 + 500 | Thành phố Hưng Yên | Kè mỏ hàn | Nâng cấp |
8 | Kè Lam Sơn | K121 + 700 - K125 + 00 | Thành phố Hưng Yên | Kè lát mái | Nâng cấp |
9 | Kè bờ lở xã Quảng Châu | K128 + 080 - K128 + 480 | Thành phố Hưng Yên | Kè lát mái | Xây mới |
10 | Kè bờ lở xã Hoàng Hanh | K129 + 150 - K129 + 770 | Thành phố Hưng Yên | Kè lát mái | Xây mới |
11 | Kè chống xói lở bờ sông Tân Hưng | K131 + 000 - K131 + 270 | Thành phố Hưng Yên | Kè lát mái | Nâng cấp |
II | Tả sông Luộc |
|
|
|
|
1 | Kè Đồng Thiện | K0 + 700 - K3 + 100 | Huyện Tiên Lữ | Kè lát mái | Nâng cấp |
2 | Kè Thuỵ Lôi | K5 + 100 - K7 + 000 | Huyện Tiên Lữ | Kè lát mái | Nâng cấp |
3 | Kè Mai Xá | K9 + 300 - K11 + 200 | Huyện Tiên Lữ | Kè lát mái | Nâng cấp |
4 | Kè An Cầu | K14 + 500 - K15 + 400 | Huyện Phù Cừ | Kè lát mái | Nâng cấp |
5 | Kè La Tiến | K16 + 600 - K18 + 700 | Huyện Phù Cừ | Kè lát mái | Nâng cấp |
6 | Kè Nguyên Hòa | K19 + 800 - K20 + 700 | Huyện Phù Cừ | Kè lát mái | Nâng cấp |
4. Quy mô nâng cấp đê bối kết hợp đường giao thông
TT | Tuyến đường | Quy mô | |||||
L (m) | B mặt bờ đê (m) | Ms, Mđ | Cao trình bờ | Báo động cấp III | Khả năng đảm bảo an toàn lũ | ||
| Tổng | 73.009 |
|
|
|
| Bảo đảm theo quy định của Quy hoạch phòng chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016, Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai |
I | Tả sông Hồng | 59.390 |
|
|
|
| |
1 | Xuân Quan, Phụng Công, TT. Văn Giang | 10.000 | 9 | 2 | 10 | 10,6 | |
2 | Thắng Lợi, Mễ Sở | 5.000 | 9 | 2 | 10 | 10,6 | |
3 | Bình Minh | 2.770 | 9 | 1,5 | 10 | 10,1 | |
4 | Khoái Châu | 11.300 | 9 | 1,5 | 10 | 10,1 | |
5 | Đức Hợp, Phú Thịnh, Mai Động, Hùng An | 12.520 | 9 | 2 | 8 | 10,1 | |
6 | Phú Hùng Cường | 9.600 | 9 | 1,5 | 8 |
| |
7 | Quảng Châu | 5.510 | 9 | 1,5 | 7 | 7,0 | |
8 | Hoàng Hanh | 2.690 | 9 | 1,5 | 6,5 | 7,0 | |
II | Tả sông Luộc | 13.619 |
|
|
|
| |
1 | Võng Phan | 1.857 | 9 | 1,5 | 5 |
| |
2 | An Cầu | 3.975 | 9 | 1,5 | 5 |
| |
3 | Trà Dương | 1.537 | 9 | 1,5 | 5 |
| |
4 | Nguyên Hòa | 6.250 | 9 | 1,5 | 5 |
|
5. Phương án củng cố đê nội đồng, cải tạo mặt đê kết hợp đường giao thông và nạo vét khơi thông dòng chảy, gia cố mái sông Trục Bắc Hưng Hải
TT | Tên sông | Khoảng cách (km) | B đáy (m) | Cao trình đáy (m) | B bờ (m) | Cao trình bờ (m) | Mái |
1 | Kim Sơn - Kênh Cầu - Cống Tranh | 35,5 | 20 - 35 | ( -4.3) ÷ (1,21) | 3 - 4 | 3,45 - 3,65 | 1,5 |
2 | Tây Kẻ Sặt | 20,222 | 25 | -1,5 | 2 - 3 | 3,5 - 3,75 | 1 - 1,5 |
3 | Nam Kẻ Sặt | 8,834 | 10 | -1,01 | 2 - 3 | 3 - 3,5 | 1 - 1,5 |
4 | Bác Hồ | 4,975 | 7÷9 | -0,3 | 5 - 7 | GT đô thị | 1,5 |
5 | Điện Biên | 15,490 | 10 | -0,4 | 5 - 7 | nt | 1,5 |
6 | Đình Dù | 4,5 | 9 | -0,6 | 5 |
| 1,5 |
7 | Cửu An (Từ Hồ - Sài Thị) | 15,90 | 6-15 | (-0.7) ÷ (-1,4) | 2,2 - 3 | 3,2 - 3,75 | 1,5 |
| Cộng | 105,421 |
|
|
|
|
|
6. Danh mục các khu dân cư tập trung hiện có trên các bãi sông thuộc hệ thống sông Hồng, sông Luộc (trên địa bàn tỉnh Hưng Yên)
TT | Tên bối, bãi | Vị trí theo tuyến đê chính | Các khu dân cư tập trung hiện có theo Quyết định số 257/QĐ-TTg | Các khu dân cư tập trung hiện có được tỉnh rà soát, bổ sung theo Quyết định số 429/QĐ-TTg** | ||||
Số khu dân cư tập trung | Diện tích khu dân cư tập trung (ha) | Dân số (người) | Số khu dân cư tập trung | Diện tích khu dân cư tập trung (ha) | Dân số (người) theo điều tra của tư vấn lập quy hoạch | |||
I | Tả sông Hồng |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Xuân Quan, Phụng Công, TT Văn Giang | K77+250 - K83 + 500 | 3* | 181,78* | 8,500* | 4 | 86,4 | 7.667 |
2 | Thắng Lợi, Mễ Sở | K84 + 200 - K88 + 000 | 1 | 6,8 | 3.400 | 3 | 25,3 | 3.400 |
3 | Bình Minh | K88 + 000 - K91 + 285 | 1 | 10,13 | 750 | 1 | 12,7 | 525 |
4 | Khoái Châu | K94 + 800 - K103 + 600 | 3 | 401,15 | 25.090 | 3 | 420,4 | 24.923 |
5 | Đức Hợp, Phú Thịnh, Mai Động, Hùng An | K107+100 - K114 + 500 | 6 | 208,11 | 8.000 | 7 | 293,3 | 12.736 |
6 | Phú Hùng Cường | K114 + 500 - K118 + 850 | 7 | 262,07 | 12.157 | 7 | 258,0 | 11.552 |
7 | Lam Sơn | K122 + 000 - K124 + 700 | 1 | 49,63 | 3.994 | 1 | 49,6 | 5.597 |
8 | Minh Khai, Hồng Châu, Quảng Châu | K124 + 700 - K129 + 050 | 1 | 249,51 | 7.850 | 2 | 301,9 | 13.418 |
9 | Hoàng Hanh | K129 + 000 - K130 + 530 | 1 | 120,45 | 2.390 | 2 | 138,9 | 5.509 |
II | Tả sông Luộc |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Nam Sơn | K3 + 000 - K5 + 000 | 2 | 11,08 | 369 | 2 | 10,5 | 576 |
2 | Thụy Lôi | K7 + 000 - K9 + 500 | 1 | 85,8 | 1.845 | 1 | 80,1 | 4.653 |
3 | Võng Phan | K11 + 630 - K13 + 000 | 1 | 20,39 | 1.750 | 1 | 39,8 | 1.243 |
4 | An Cầu | K13 + 000 - K14 + 530 | 2 | 32,6 | 1.750 | 3 | 51,7 | 2.049 |
5 | Trà Dương | K15 + 350 - K16 + 700 | 1 | 11,95 | 590 | 1 | 12,2 | 789 |
6 | Nguyên Hòa | K18 + 300 - K20 + 700 | 3 | 72,16 | 2.900 | 3 | 43,6 | 2.485 |
Ghi chú:
- (*) Các khu dân cư tập trung hiện có tại bãi Xuân Quan, Phụng Công, thị trấn Văn Giang, tỉnh Hưng Yên nêu tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ bao gồm cả khu dân cư thuộc địa bàn thành phố Hà Nội.
- (**): Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và trước Thủ tướng Chính phủ về số liệu dân số, số khu dân cư tập trung và diện tích khu dân cư tập trung hiện có tại mục 6 Phụ lục này.
7. Danh mục các bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng trên các bãi sông thuộc hệ thống sông Hồng, sông Luộc*
TT | Tên bối, bãi | Vị trí theo tuyến đê chính | Nhu cầu diện tích các bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng theo đề nghị của tỉnh Hưng Yên (ha) |
I | Tả sông Hồng |
| 4.352,8 |
1 | Xuân Quan, Phụng Công, Thị trấn Văn Giang | K77 + 250 - K83 + 500 | 719,5 |
2 | Bối Thắng Lợi - Mễ Sở | K84 + 200 - K88 + 000 | 141,6 |
3 | Bối Bình Minh | K88 + 000 - K91 + 285 | 155 |
4 | Bối Khoái Châu | K94 + 800 - K103 + 600 | 960 |
5 | Bối Đức Hợp - Phú Thịnh | K107 + 100 - K114 + 500 | 334,5 |
6 | Bối Phú Hùng Cường | K114 + 500 - K118 + 850 | 1.216,8 |
7 | Bãi Lam Sơn | K122 + 000 - K124 + 700 | 37 |
8 | Bối, bãi Minh Khai, Hồng Châu, Quảng Châu | K124 + 700 - K129 + 050 | 506,46 |
9 | Bãi Hoàng Hanh | K129 + 000 - K130 + 530 | 281,95 |
II | Tả sông Luộc |
| 386,33 |
1 | Bãi Nam Sơn | K3 + 000 - K5 + 000 | 11,08 |
2 | Bãi Thụy Lôi | K7 + 000 - K9 + 500 | 85,8 |
3 | Bối Võng Phan | K11 + 630 - K13 + 000 | 36,9 |
4 | Bối An Cầu | K13 + 000 - K14 + 530 | 62,9 |
5 | Bối Trà Dương | K15 + 350 - K16 + 700 | 18,5 |
6 | Bối Nguyễn Hòa | K18 + 300 - K20 + 700 | 171,15 |
Ghi chú:
- Tên, vị trí, quy mô, diện tích các bãi sông nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn tiếp theo.
- (*): Thực hiện theo Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền.
DANH MỤC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
I. Danh mục dự án đầu tư công ưu tiên đầu tư
STT | Danh mục công trình, dự án | Địa điểm xây dựng |
1 | Dự án đường vành đai V vùng thủ đô Hà Nội trên địa phận tỉnh Thái Bình với quốc lộ 38 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên | Các huyện: Ân Thi, Phù Cừ |
2 | Nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên | Các huyện: Văn Giang, Yên Mỹ, Khoái Châu, Văn Lâm, thị xã Mỹ Hào |
3 | Xây dựng đường bên của tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên | Các huyện: Khoái Châu; Kim Động; thành phố Hưng Yên |
4 | Đầu tư xây dựng ĐT.382B nhánh phải (Km0+00-Km14+420 giao quốc lộ 39) | Các huyện: Văn Giang, Yên Mỹ |
5 | Đường kết nối ĐT.387 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Km31+100) | Huyện Ân Thi |
6 | Xây dựng ĐT.377 (đường quy hoạch mới), đoạn từ điểm giao với ĐH.73 đến điểm giao với ĐT.376 | Huyện Kim Động |
7 | Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ kết nối di sản văn hóa, du lịch - phát triển kinh tế dọc sông Hồng | Các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động; thành phố Hưng Yên |
8 | Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Tân phúc - Võng Phan (giao ĐT.378) | Các huyện: Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ |
9 | Xây dựng đường bên đoạn km19+640 (giao quốc lộ 38B) đến Km24+240 (giao quốc lộ 39) tiếp giáp tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình | Thành phố Hưng Yên |
10 | Dự án xây dựng đường Chí Tân - Toàn Thắng (giao quốc lộ 39) | Các huyện: Khoái Châu, Kim Động |
11 | Dự án xây dựng đường Chính Nghĩa - Phú Cường | Huyện Kim Động |
12 | Xây dựng đường ĐT.382B từ Km 14+420 đến Km26+730 (nhánh trái và nhánh phải) | Các huyện: Yên Mỹ, Ân Thi |
13 | Đầu tư xây dựng ĐT.382B nhánh trái, đoạn Km2+350-Km14+420 | Các huyện: Văn Giang, Yên Mỹ |
14 | Dự án đầu tư xây dựng đường Vân Du - Phù Ủng (đoạn từ nút giao ĐT.376 đến ĐT.382 huyện Ân Thi | Huyện Ân Thi |
15 | Xây dựng đường tỉnh 376B (đoạn kết nối quốc lộ 39 với ĐT.386C) | Các huyện: Kim Động, Ân Thi |
16 | Tuyến đường ĐT.384B (đoạn từ nút giao với tuyến đường bộ nối hai đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu giẽ - Ninh Bình đến giao với ĐT.378) | Các huyện: Yên Mỹ, Khoái Châu |
17 | Xây dựng đường quy hoạch 69 m từ đường Phạm Ngũ Lão (ĐT.387) qua khu công nghiệp Minh Đức đến cầu Sặt (quốc lộ 38), thị xã Mỹ Hào (giai đoạn 1) | Thị xã Mỹ Hào |
18 | Nâng cấp, mở rộng ĐT.387 đoạn từ nút giao quốc lộ 5 đến cầu Thuần Xuyên (Km8+100 - Km 12+580) | Thị xã Mỹ Hào |
19 | Xây dựng đường trục quy hoạch Bắc Nam từ huyện Văn Lâm đến đường Phạm Ngũ Lão, thị xã Mỹ Hào (giai đoạn 1) | Thị xã Mỹ Hào |
20 | Xây dựng đường gom khu công nghiệp phía Nam đường sắt từ Như Quỳnh đến Lương Tài (phân kỳ đầu tư giai đoạn 2: Đoạn từ ĐT.380 đến Lương Tài) | Huyện Văn Lâm |
21 | Dự án Đường tránh ĐT.376 đoạn qua huyện Yên Mỹ và Ân Thi | Các huyện: Yên Mỹ, Ân Thi |
22 | Đầu tư xây dựng đường Đông - Tây I (Đoạn từ ĐT.378 đến ĐT.382B) | Huyện Văn Giang |
23 | Cải tạo, chỉnh trang một số tuyến đường phố nội thị thành phố Hưng Yên | Thành phố Hưng Yên |
24 | Cải tạo, nâng cấp ĐH.57, huyện Khoái Châu | Huyện Khoái Châu |
25 | Xây dựng cầu Cửu An 1 (bên phải) và cầu Cửu An 2 (bên trái) trên đường bên tuyến đường bộ nối hai đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tỉnh Hưng Yên | Huyện Kim Động |
26 | Xây dựng đường vành đai 3, 5 (đoạn từ ĐT.378 đến quốc lộ 5) | Huyện Văn Giang, Văn Lâm |
27 | Dự án xây dựng Khu hành chính tập trung tỉnh Hưng Yên | Thành phố Hưng Yên |
28 | Khu liên hợp thể dục thể thao tỉnh Hưng Yên | Thành phố Hưng Yên |
29 | Dự án cải tạo, nâng cấp ĐT.377 đoạn từ Km17+980 đến Km23+300 (Từ cầu Khé đến ngã ba Thuần Hưng, huyện Khoái Châu) | Huyện Khoái Châu |
30 | Xây dựng nút giao kết nối đường ĐT.386C với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Km31+100) | Huyện Ân Thi |
31 | Xây dựng ĐT.377 quy hoạch mới đoạn từ điểm giao với ĐT.377B đến điểm giao với ĐT.383 (khoảng Km11+200 đến Km13+800), huyện Khoái Châu | Huyện Khoái Châu |
32 | Cải tạo, nâng cấp ĐT.382 đoạn Km19+750-Km26+550 (từ giao với ĐT.382B đến giao với ĐT.378). | Huyện Yên Mỹ; Khoái Châu |
33 | Đầu tư xây dựng đường gom dọc quốc lộ 39 đoạn từ giao với quốc lộ 5 đến nút giao cầu vượt quốc lộ 39 (Km9+926 lý trình quốc lộ 39) | Thị xã Mỹ Hào; huyện Yên Mỹ |
34 | Đầu tư xây dựng ĐT.382C đoạn từ giao với ĐT.387 đến đường trục trung tâm Khu đô thị phía Nam quốc lộ 5 | Thị xã Mỹ Hào |
35 | Cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh tiêu thoát nước vùng công nghiệp Kim Động, Ân Thi, Yên Mỹ | Huyện Kim Động, Ân Thi, Yên Mỹ |
II. Danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư
STT | Tên dự án | Vị trí, địa điểm |
1 | Khu du lịch, đô thị sinh thái phía Nam huyện Phù Cừ | Huyện Phù Cừ |
2 | Đầu tư xây dựng các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa; thể thao; du lịch; môi trường; y tế; giáo dục và các lĩnh vực khác theo quy hoạch, định hướng của tỉnh | Địa bàn các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh |
3 | Xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao | Huyện Kim Động |
4 | Dự án phát triển nông nghiệp tập trung xa khu dân cư | Huyện Tiên Lữ |
5 | Xây dựng khu thực nghiệm nông nghiệp công nghệ cao, vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp | Huyện Phù Cừ, huyện Tiên Lữ, thành phố Hưng Yên |
6 | Xây dựng khu tập trung sản xuất nông sản sạch công nghệ cao ngoài đê | Huyện Phù Cừ |
7 | Xây dựng khu tập trung sản xuất nông sản sạch công nghệ cao | Huyện Phù Cừ |
8 | Dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao tại xã Lương Tài | Huyện Văn Lâm |
9 | Dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao tại xã Việt Hưng | Huyện Văn Lâm |
10 | Dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao tại xã Đại Đồng | Huyện Văn Lâm |
11 | Các dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi khác theo quy hoạch ngành | Địa bàn các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh |
12 | Hạ tầng kỹ thuật Chợ đầu mối nông sản và thực phẩm Kim Hưng | Huyện Kim Động |
13 | Phát triển xây dựng các chợ đầu mối; chợ truyền thống; Trung tâm thương mại; siêu thị; khu dịch vụ thương mại theo quy hoạch | Các huyện, thị xã, thành phố |
14 | Dự án nhà ở đô thị | Huyện Tiên Lữ |
15 | Khu đô thị Mik | Huyện Yên Mỹ |
16 | Khu đô thị mới sinh thái kết hợp dịch vụ Yên Châu | Huyện Khoái Châu, Huyện Yên Mỹ |
17 | Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị sinh thái Giai Phạm | Huyện Yên Mỹ |
18 | Khu đô thị Thanh Long | Huyện Yên Mỹ |
19 | Dự án đô thị phía Nam đường trục trung tâm Khu đô thị phía Nam quốc lộ 5 | Huyện Yên Mỹ |
20 | Khu đô thị mới Sen Hồ | Thị xã Mỹ Hào |
21 | Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị Mỹ Hào Garden City | Thị xã Mỹ Hào |
22 | Khu trung tâm hành chính mới thị xã Mỹ Hào và khu đô thị trung tâm | Thị xã Mỹ Hào |
23 | Đầu tư xây dựng Phân khu A - Khu đô thị phía Bắc quốc lộ 5 thuộc KĐT Phố Nối | Thị xã Mỹ Hào, huyện Văn Lâm |
24 | Dự án Khu đô thị phía Bắc quốc lộ 5 - phân Khu B | Thị xã Mỹ Hào |
25 | Khu đô thị Văn Giang, huyện Văn Giang | Huyện Văn Giang |
26 | Khu đô thị phía Đông sông Điện Biên | Thành phố Hưng Yên |
27 | Khu đô thị tại xã Liên Phương, thành phố Hưng Yên | Thành phố Hưng Yên |
28 | Khu dân cư đô thị, kết hợp dịch vụ và công viên hồ An Vũ | Thành phố Hưng Yên |
29 | Khu đô thị dịch vụ thể dục thể thao, sân gôn, nhà ở | Thành phố Hưng Yên huyện Kim Động |
30 | Khu xúc tiến đầu tư cho dự án tại khu đại học Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên | Thành phố Hưng Yên huyện Tiên Lữ |
31 | Khu đô thị Đình Dù, Như Quỳnh | Huyện Văn Lâm |
32 | Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Vlasta - Văn Lâm | Huyện Văn Lâm |
33 | Khu đô thị mới thương mại và dịch vụ Văn Giang | Huyện Văn Giang |
34 | Khu đô thị nhà vườn sinh thái Văn Giang | Huyện Văn Giang |
35 | Dự án đầu tư Khu đô thị tại xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên | Huyện Văn Giang |
36 | Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới tại xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên | Huyện Văn Giang |
37 | Khu dân cư mới và nhà ở xã hội tại huyện Ân Thi | Huyện Ân Thi |
38 | Khu đô thị mới Hoàng Hoa Thám (giáp khu công nghiệp Văn Nhuệ - Hoàng Hoa Thám) | Huyện Ân Thi |
39 | Khu đô thị số 2 Khu công nghiệp đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt | Huyện Ân Thi |
40 | Khu đô thị phía Bắc ĐT. 382 | Huyện Khoái Châu |
41 | Khu đô thị phía Đông sông Điện Biên | Huyện Khoái Châu |
42 | Quy hoạch phân khu hai bên đường ĐH. 57 | Huyện Khoái Châu |
43 | Khu đô thị Lý Thường Kiệt (khu đô thị số 1 thuộc Khu công nghiệp đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt) | Huyện Khoái Châu |
44 | Khu đô thị tại thị trấn Khoái Châu - Bình Kiều dọc tuyến đường tránh ĐT. 377 mới | Huyện Khoái Châu |
45 | Khu đô thị dọc đường Kênh Đông | Huyện Khoái Châu |
46 | Nghiên cứu Khu đô thị dịch vụ thể thao giải trí, nhà ở Kim Động - Khoái Châu | Huyện Khoái Châu |
47 | Đầu tư xây dựng khu tổ hợp du lịch, thương mại dịch vụ và biệt thự sinh thái tại Khoái Châu, Văn Giang | Huyện Khoái Châu và Văn Giang |
48 | Khu đô thị sinh thái Châu Giang | Huyện Khoái Châu và Văn Giang |
49 | Khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân gôn Khoái Châu | Huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên |
50 | Khu đô thị Tân Tiến (Ecoland City) | Huyện Khoái Châu |
51 | Dự án đầu tư xây dựng khu dân cư mới xã Hiệp Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên | Huyện Kim Động |
52 | Khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân gôn Kim Động | Huyện Kim Động |
53 | Quy hoạch khu TT đô thị - Thương mại - Dịch vụ thị trấn Lương Bằng | Huyện Kim Động |
54 | Quy hoạch khu nhà ở công nhân và thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh xã Toàn Thắng | Huyện Kim Động |
55 | Các khu đô thị; nhà ở; điểm dân cư nông thôn; khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân gần các khu công nghiệp (theo Chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, nhà ở của tỉnh, địa phương) | Các huyện, thị xã, thành phố |
56 | Hạ tầng các khu công nghiệp theo quy hoạch (Theo danh sách các khu công nghiệp quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050) | Địa bàn các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh |
57 | Đầu tư cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp (Theo danh sách các cụm công nghiệp quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050) | Các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hưng Yên |
58 | Đường trục trung tâm thị trấn Lương Bằng kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình | Huyện Kim Động |
59 | Nâng cấp, mở rộng tuyến đường huyện 71 | Huyện Kim Động |
60 | Xây dựng đường trục trung tâm huyện Văn Lâm | Huyện Văn Lâm |
61 | Xây mới và cải tạo nâng công suất trạm biến áp 500 - 220 kV |
|
62 | Xây mới đường dây 500 - 220 kV |
|
63 | Xây mới và cải tạo nâng công suất trạm biến áp 110 kV |
|
64 | Xây mới và cải tạo, nâng tiết diện đường dây 110 kV |
|
65 | Xây dựng và phục dựng Phố Hiến Xưa | Thành phố Hưng Yên |
66 | Khu công viên tâm linh Đào Dương | Huyện Ân Thi |
67 | Dự án Sân gôn sông Hồng | Huyện Khoái Châu |
68 | Khu tổ hợp thương mại - dịch vụ, thể dục - thể thao, sân gôn Kim Động | Huyện Kim Động |
Ghi chú:
- Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên cam kết không hợp thức hóa các sai phạm và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về quá trình lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương và các quyết định đầu tư dự án tại Phụ lục này.
- Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án.
- Các dự án, công trình khác ngoài Danh mục trên, căn cứ vào các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành của địa phương... và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
DANH MỤC SƠ ĐỒ, BẢN ĐỒ QUY HOẠCH TỈNH HƯNG YÊN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
TT | Tên bản đồ, sơ đồ | Tỷ lệ |
1 | Sơ đồ phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn tỉnh Hưng Yên | 1:25.000 |
2 | Sơ đồ phương án tổ chức không gian và phân vùng chức năng tỉnh Hưng Yên | 1:25.000 |
3 | Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội tỉnh Hưng Yên | 1:25.000 |
4 | Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật tỉnh Hưng Yên | 1:25.000 |
5 | Sơ đồ phương án phân bổ và khoanh vùng các chỉ tiêu sử dụng đất tỉnh Hưng Yên | 1:25.000 |
6 | Sơ đồ phương án thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên tỉnh Hưng Yên | 1:25.000 |
7 | Sơ đồ phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Hưng Yên | 1:25.000 |
8 | Sơ đồ phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện tỉnh Hưng Yên | 1:25.000 |
- 1Quyết định 322/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 328/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 396/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 556/QĐ-TTg năm 2024 Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 565/QĐ-TTg năm 2024 về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Luật khoáng sản 2010
- 2Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 3Quyết định 257/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Luật Quy hoạch 2017
- 5Nghị định 37/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quy hoạch
- 6Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018
- 7Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018
- 8Nghị quyết 37-NQ/TW năm 2018 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 9Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 10Quyết định 942/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Nghị quyết 119/NQ-CP năm 2021 về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 do Chính phủ ban hành
- 12Quyết định 326/QĐ-TTg năm 2022 về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13Quyết định 411/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 14Nghị quyết 61/2022/QH15 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030 do Quốc hội ban hành
- 15Nghị quyết 595/NQ-UBTVQH15 năm 2022 về tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 16Nghị quyết 30-NQ/TW năm 2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 17Nghị định 58/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 37/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quy hoạch
- 18Nghị quyết 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Quốc hội ban hành
- 19Kết luận 48-KL/TW năm 2023 về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 20Nghị quyết 14/NQ-CP năm 2023 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Chính phủ ban hành
- 21Nghị quyết 117/NQ-CP năm 2023 về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 do Chính phủ ban hành
- 22Quyết định 429/QĐ-TTg năm 2023 sửa đổi Quyết định 257/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 23Quyết định 847/QĐ-TTg năm 2023 về phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 24Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 25Quyết định 979/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 26Kế hoạch 146/KH-UBND năm 2023 thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023-2025
- 27Quyết định 322/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 28Quyết định 328/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 29Quyết định 396/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 30Quyết định 556/QĐ-TTg năm 2024 Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 31Quyết định 565/QĐ-TTg năm 2024 về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 489/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 489/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 10/06/2024
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Trần Hồng Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 10/06/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra