Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 04 tháng 4 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÁC TIÊU CHÍ XÃ NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 69/QĐ-BNN-VPĐP ngày 9 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 48/TTr-SNN-VPĐP ngày 10 tháng 3 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, bao gồm: Tiêu chí số 2 (Giao thông), chỉ tiêu 3.1 của tiêu chí số 3 (Thủy lợi), chỉ tiêu 6.1, 6.2 của tiêu chí số 6 (Cơ sở vật chất văn hóa), tiêu chí số 7 (Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn), chỉ tiêu 8.1, 8.2, 8.3, 8.4 của tiêu chí số 8 (Thông tin và truyền thông), chỉ tiêu 17.4 của tiêu chí số 17 (Môi trường và an toàn thực phẩm).

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp các Sở, Ban, Ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu tổ chức triển khai thực hiện nội dung Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, PCVP (T. Tài);
- Lưu: VT, (Khanh-LT146).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Dương Thành Trung

 

QUY ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN CÁC TIÊU CHÍ XÃ NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU
(Kèm theo Quyết định số: 44/QĐ-UBND ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

I. TIÊU CHÍ SỐ 2 - GIAO THÔNG

Tiêu chí số 2 có 04 chỉ tiêu, do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.

1. Giải thích các nội dung trong trong các chỉ tiêu 2.1, 2.2, 2.3 và 2.4 của tiêu chí Giao thông:

- Đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện là đường nối trung tâm hành chính xã đến trung tâm các ấp, đường liên ấp hoặc từ ấp đến xã liền kề, đường nối các xã, đường nối trung tâm hành chính xã đến đường huyện; gọi là “đường trục xã, liên xãˮ (không thuộc đường huyện).

- Đường trục ấp và đường liên ấp là đường nối trung tâm ấp đến các cụm dân cư trong ấp; gọi là “đường liên ấpˮ.

- Đường ngõ, xóm là đường nối giữa các hộ gia đình trong xóm hoặc các cụm dân cư; gọi là “đường ngõ, xómˮ.

- Đường trục chính nội đồng là đường chính nối từ khu dân cư đến khu sản xuất tập trung của ấp, xã (không bao gồm các khu đất sản xuất của hộ gia đình).

- Cứng hóa là mặt đường được trải bằng một trong những loại vật liệu sau: bê tông nhựa, láng nhựa, trải bê tông, lát bằng gạch, đá xẻ hoặc trải cấp phối có lu lèn bằng đá dăm, đá thải, gạch vỡ, gạch xỉ, ...

- Không lầy lội vào mùa mưa là vào mùa mưa hoặc triều cường xe 02 bánh đi lại thuận tiện.

2. Quy định mức đạt tối thiểu:

Xã đạt chuẩn tiêu chí về giao thông khi đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:

- Chỉ tiêu 2.1: Đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt tỷ lệ 100%.

- Chỉ tiêu 2.2: Đường trục ấp và đường liên ấp ít nhất được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt tỷ lệ 50%.

- Chỉ tiêu 2.3: Đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; không lầy lội đạt tỷ lệ 100% và cứng hóa đạt 30%.

- Chỉ tiêu 2.4: Đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm đạt tỷ lệ 50% (nếu quy hoạch xã không có đường loại này xem như đạt chỉ tiêu 2.4).

3. Hướng dẫn thực hiện: Đạt quy chuẩn kỹ thuật đường giao thông nông thôn theo Quyết định số 4927/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải; Quyết định số 2009/QĐ-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu và các quy định hiện hành.

II. TIÊU CHÍ SỐ 3 - THỦY LỢI

Tiêu chí số 3 có 02 chỉ tiêu, Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chỉ tiêu 3.1. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt từ 80% trở lên.

1. Giải thích nội dung chỉ tiêu 3.1:

- Đất sản xuất nông nghiệp là đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp (đất trồng trọt - bao gồm đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm; đất nuôi trồng thủy sản; đất làm muối).

- Diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu chủ động được hiểu là diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới hoặc tiêu nước kịp thời, đảm bảo cây trồng sinh trưởng và phát triển bình thường; đối với đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối đảm bảo cấp và thoát nước chủ động.

2. Quy định mức đạt tối thiểu:

- Đối với các xã có diện tích đất nông nghiệp chủ yếu là cây trồng hàng năm (lúa, màu,...) và cây lâu năm thì tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt tối thiểu 90% (xã được đánh giá là đạt chỉ tiêu 3.1 khi Ttưới ≥ 90% và Ttiêu ≥ 90%).

- Đối với các xã có diện tích đất nông nghiệp chủ yếu là đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối, các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng bãi ngang, ven biển, các xã nghèo thuộc Chương trình 135 thì tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp đảm bảo cấp và thoát nước chủ động đạt tối thiểu 80% (xã được đánh giá là đạt chỉ tiêu 3.1 khi Tk đạt ≥ 80% và Ttiêu ≥ 90%).

3. Hướng dẫn thực hiện đánh giá:

- Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động xác định theo công thức sau:

Ttưới =

Trong đó:

+ Ttưới: Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động (%).

+ S1: Diện tích gieo trồng cả năm thực tế được tưới (ha).

+ S: Diện tích gieo trồng cả năm cần tưới theo kế hoạch (ha).

+ S1, S: Được xác định theo số liệu của năm đánh giá tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới.

- Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp được tiêu chủ động xác định theo công thức sau:

Ttiêu =

Trong đó:

+ Ttiêu: Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp được tiêu chủ động (%).

+ F1: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp thực tế được tiêu (ha).

+ F: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp của xã (ha).

+ F1, F: Được xác định theo số liệu của năm đánh giá tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới.

- Đối với các xã có diện tích đất nông nghiệp chủ yếu là đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối, các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng bãi ngang, ven biển, các xã nghèo thuộc Chương trình 135 được cấp, thoát nước chủ động xác định theo công thức sau:

Tk =

Trong đó:

+ Tk: Tỷ lệ diện tích đất nuôi trồng thủy sản hoặc đất làm muối được cấp, thoát nước chủ động.

+ K1: Diện tích đất nuôi trồng thủy sản hoặc đất làm muối thực tế được cấp, tiêu thoát nước đảm bảo (ha).

+ K: Diện tích đất nuôi trồng thủy sản hoặc đất làm muối cần cấp, thoát nước theo kế hoạch (ha).

+ K1, K: Được xác định theo số liệu của năm đánh giá tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới.

III. TIÊU CHÍ SỐ 6 - CƠ SỞ VẬT CHẤT VĂN HÓA

Tiêu chí số 6 có 03 chỉ tiêu, Ủy ban nhân dân tỉnh quy định các chỉ tiêu số 6.1 và 6.2; Quy định mức đạt tối thiểu:

* Chỉ tiêu 6.1: Xã có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã.

- Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã: Diện tích đất quy hoạch đối với hội trường văn hóa đa năng tối thiểu 500 m2, khu thể thao từ 2.000 m2 trở lên (chưa tính sân vận động), quy mô xây dựng hội trường đa năng tối thiểu 200 chỗ ngồi; đối với các xã đặc biệt khó khăn diện tích đất quy hoạch đối với hội trường văn hóa đa năng tối thiểu 200 m2, khu thể thao tối thiểu 500 m2 (chưa tính sân vận động), quy mô xây dựng hội trường đa năng tối thiểu 100 chỗ ngồi; công trình thể thao, vui chơi, giải trí, các công trình phụ trợ, trang thiết bị, phòng chức năng của hội trường văn hóa đa năng phục vụ tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và vui chơi, giải trí phục vụ cho Nhân dân.

- Nhà Văn hóa - Khu Thể thao ấp: Diện tích đất quy hoạch cho Nhà Văn hóa là 300 m2 trở lên, Khu Thể thao là 500 m2 trở lên, quy mô xây dựng Nhà Văn hóa là 100 chỗ ngồi trở lên; đối với các xã đặc biệt khó khăn diện tích đất quy hoạch cho Nhà Văn hóa từ 100 m2 trở lên, Khu Thể thao từ 200 m2 trở lên, quy mô xây dựng nhà văn hóa là 50 chỗ ngồi trở lên; các công trình phụ trợ, trang thiết bị của nhà văn hóa phục vụ tốt các hoạt động theo quy định.

- Sử dụng cơ sở vật chất hiện có:

+ Đối với các xã gặp khó khăn trong việc bố trí diện tích đất và huy động các nguồn lực để xây dựng mới Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, Nhà Văn hóa - Khu thể thao ấp thì tạm thời sử dụng các cơ sở vật chất hiện có như Hội trường, Trung tâm học tập cộng đồng, Nhà sinh hoạt cộng đồng, Nhà Văn hóa đã xây dựng từ trước để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng.

+ Một số xã có các thiết chế văn hóa truyền thống như Đình, ... nhưng chưa có Nhà Văn hóa, nếu được sự đồng ý của nhân dân, các đoàn thể xã có thể sử dụng thiết chế này tổ chức một số hoạt động văn hóa thể thao phù hợp.

+ Một số ấp có số dân ít, địa giới hành chính gần nhau, được sự đồng thuận của Nhân dân có thể tổ chức sinh hoạt văn hóa, thể thao tại một Nhà Văn hóa liên ấp.

+ Các xã sử dụng các cơ sở vật chất nêu trên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ Nhân dân vẫn được tính đạt tiêu chí về xây dựng cơ sở vật chất văn hóa (chỉ tiêu số 6.1) trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới; tuy nhiên, các xã cần có lộ trình, kế hoạch cụ thể để quy hoạch, đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã; Nhà Văn hóa - Khu thể thao ấp đảm bảo các tiêu chí theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành.

* Chỉ tiêu 6.2: Xã có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định (điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em của xã phải đảm bảo điều kiện và có nội dung hoạt động chống đuối nước cho trẻ em).

- Chọn Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã làm nơi sinh hoạt cộng đồng chung cho mọi người dân đến tham gia (kể cả trẻ em và người cao tuổi).

- Nếu chưa có đủ điều kiện để xây dựng tại mỗi đơn vị hành chính cấp xã một Trung tâm Văn hóa - Thể thao, có thể xây dựng tại cụm xã (3 đến 5 xã) một Trung tâm Văn hóa - Thể thao; nếu chưa có khu vui chơi, giải trí riêng biệt cho trẻ em và người cao tuổi có thể sử dụng cơ sở vật chất của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, trang bị một số trang thiết bị tối thiểu phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, tạo môi trường lành mạnh, an toàn, phát triển toàn diện cho trẻ em, đặc biệt phải có các hoạt động chống đuối nước cho trẻ em.

IV. TIÊU CHÍ SỐ 7 - CƠ SỞ HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI NÔNG THÔN

Tiêu chí số 7 có 01 chỉ tiêu, do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.

1. Quy định mức đạt tối thiểu:

- Có chợ nông thôn trong quy hoạch đạt chuẩn theo quy định.

- Hoặc có cơ sở bán lẻ hiện đại (qua cửa hàng) bao gồm: siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi đạt chuẩn theo quy định.

2. Hướng dẫn thực hiện:

* Chợ nông thôn đạt chuẩn theo quy định khi đáp ứng các tiêu chí sau:

(1) Về diện tích, mặt bằng xây dựng chợ:

- Có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động chợ và tổ chức các dịch vụ tối thiểu tại chợ (trông giữ xe, vệ sinh công cộng).

- Điểm kinh doanh tại chợ bao gồm quầy hàng, sạp hàng, ki-ốt hoặc cửa hàng được bố trí cố định trong phạm vi chợ phù hợp với thiết kế xây dựng chợ, có diện tích quy chuẩn tối thiểu 03 m2/điểm.

(2) Kết cấu nhà chợ chính:

Nhà chợ chính phải đảm bảo kiên cố hoặc bán kiên cố theo quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ.

(3) Về yêu cầu đối với các bộ phận phụ trợ và kỹ thuật công trình: Tối thiểu phải đảm bảo các hạng mục, yêu cầu như sau:

- Có bản hiệu thể hiện tên chợ, địa chỉ và số điện thoại liên hệ với đại diện tổ chức quản lý chợ.

- Có khu vệ sinh bố trí nam, nữ riêng.

- Có bãi để xe phù hợp với lưu lượng người vào chợ, bố trí bảo đảm trật tự, an toàn cho khách.

- Có đội thu gom và phương án thu gom xử lý rác thải, nước thải.

- Có phương án và hệ thống cấp điện theo quy định bảo đảm cho hoạt động của chợ.

- Có nước sạch, nước hợp vệ sinh bảo đảm cho hoạt động của chợ.

- Có hệ thống cống, rãnh thoát nước và được vệ sinh thường xuyên.

- Khu bán thực phẩm tươi sống, khu dịch vụ ăn uống được bố trí riêng.

- Có thiết bị và phương án bảo đảm phòng cháy, chữa cháy cho chợ theo quy định.

(4) Về điều kiện quản lý chợ:

- Có tổ chức quản lý; việc tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 của Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Điều 7 của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ.

- Có nội quy chợ được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt và được niêm yết công khai để điều hành hoạt động, xử lý vi phạm tại chợ.

- Có cân đối chứng để người tiêu dùng tự kiểm tra.

- Các hàng hóa dịch vụ kinh doanh tại chợ không thuộc danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; đối với các hàng hóa kinh doanh có điều kiện phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện theo quy định hiện hành.

- Có bảng công bố giá các mặt hàng mua bán tại chợ.

* Đối với cơ sở bán lẻ hiện đại (qua cửa hàng) ở nông thôn

(1) Siêu thị đạt chuẩn theo quy định khi đáp ứng các tiêu chí sau:

- Siêu thị trong quy hoạch.

- Có diện tích kinh doanh từ 250 m2 đến 500 m2 (tùy theo đặc điểm khu vực dân cư).

- Danh mục hàng hóa kinh doanh từ 500 đến 4.000 tên hàng.

- Công trình kiến trúc được xây dựng vững chắc, có thiết kế và trang bị kỹ thuật đảm bảo các yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn môi trường, an toàn, thuận tiện cho khách hàng; có bố trí nơi giữ xe và khu vệ sinh cho khách hàng phù hợp với quy mô kinh doanh của siêu thị.

- Có kho và các thiết bị kỹ thuật bảo quản, đóng gói, bán hàng, thanh toán và quản lý kinh doanh hiện đại.

- Có đủ trang thiết bị cần thiết (tủ đông, tủ mát, kệ, giá, giỏ, móc treo siêu thị, ...) để bảo quản hàng hóa và đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng.

- Tổ chức, bố trí hàng hóa theo ngành hàng, nhóm hàng một cách văn minh, khoa học để phục vụ khách hàng lựa chọn, mua sắm, thanh toán thuận tiện, nhanh chóng; có nơi bảo quản hành lý cá nhân.

- Các hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại siêu thị không thuộc danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; đối với các hàng hóa kinh doanh có điều kiện phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện theo quy định hiện hành.

(2) Cửa hàng tiện lợi đạt chuẩn theo quy định khi đáp ứng các tiêu chí sau:

- Đặt ở vị trí linh hoạt, thuận tiện cho việc tiếp cận và mua sắm của khách hàng.

- Có thời gian mở cửa thuận tiện cho việc mua sắm hàng ngày của người dân.

- Có diện tích tối thiểu từ 50 m2 trở lên.

- Có chủng loại hàng hóa đa dạng bao gồm các sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân (hàng hóa kinh doanh từ 300 mặt hàng trở lên).

- Công trình kiến trúc xây dựng vững chắc, đảm bảo các yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn, thuận tiện cho khách hàng.

- Có đủ trang thiết bị cần thiết (tủ đông, tủ mát, kệ, giá, ...) để bảo quản hàng hóa và đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng.

- Tổ chức, bố trí hàng hóa một cách văn minh, khoa học để thuận tiện cho khách hàng lựa chọn, mua sắm và thanh toán.

- Các hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại cửa hàng không thuộc danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; đối với các hàng hóa kinh doanh có điều kiện phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện theo quy định hiện hành.

V. TIÊU CHÍ SỐ 8 - THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Tiêu chí số 8 có 04 chỉ tiêu, do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.

* Chỉ tiêu 8.1: Xã có điểm phục vụ bưu chính.

1. Giải thích nội dung chỉ tiêu: Điểm phục vụ bưu chính gồm bưu cục, điểm Bưu điện - Văn hóa xã, kiốt, đại lý thuộc mạng bưu chính công cộng để chấp nhận, phát thư, gói, kiện hàng hóa.

2. Quy định mức đạt tối thiểu: Xã có điểm phục vụ bưu chính là xã có ít nhất 01 (một) điểm phục vụ để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của các tổ chức, cá nhân tại địa phương.

3. Hướng dẫn thực hiện đánh giá: Tiêu chuẩn điểm phục vụ bưu chính và điều kiện đạt:

- Tiêu chuẩn về cơ sở vật chất:

+ Có mặt bằng, trang thiết bị phù hợp với yêu cầu cung ứng và sử dụng dịch vụ (tùy theo mô hình của từng loại điểm phục vụ bưu chính và điều kiện thực tế của địa phương);

+ Có treo biển tên điểm phục vụ.

+ Có treo số hiệu điểm phục vụ (đối với bưu cục và điểm bưu điện - văn hóa xã).

+ Niêm yết giờ mở cửa phục vụ và các thông tin về dịch vụ bưu chính cung ứng tại điểm phục vụ.

+ Tiêu chuẩn về dịch vụ cung ứng tại điểm phục vụ bưu chính

+ Đối với dịch vụ thư: Tối thiểu phải cung ứng dịch vụ thư cơ bản, có địa chỉ nhận, có khối lượng đơn chiếc đến 02 kg.

+ Đối với dịch vụ gói, kiện hàng hóa: Tối thiểu phải cung ứng dịch vụ gói, kiện hàng hóa có khối lượng đơn chiếc đến 05 kg.

- Tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ cung ứng tại điểm phục vụ bưu chính:

+ Đối với dịch vụ thư cơ bản: Phải đáp ứng các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí; Mã số QCVN 01:2015/BTTTT, ban hành kèm theo Thông tư số 17/2015/TT-BTTTT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

+ Đối với dịch vụ gói, kiện hàng hóa: Phải đáp ứng các quy định tại quy định về tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công bố với khách hàng.

* Chỉ tiêu 8.2: Xã có dịch vụ viễn thông, internet.

1. Giải thích nội dung chỉ tiêu:

- Dịch vụ viễn thông là dịch vụ gửi, truyền, nhận và xử lý thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm dịch vụ cơ bản và dịch vụ giá trị gia tăng.

- Điểm phục vụ dịch vụ viễn thông công cộng là điểm do doanh nghiệp viễn thông trực tiếp quản lý, khai thác để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dịch vụ (Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng bao gồm cả các đại lý dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp viễn thông).

2. Quy định mức đạt tối thiểu:

- Tất cả các ấp trên địa bàn xã có khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng ít nhất một trong hai loại dịch vụ điện thoại (dịch vụ điện thoại cố định mặt đất, dịch vụ thông tin di động mặt đất) và ít nhất một trong hai loại dịch vụ truy nhập internet (dịch vụ truy nhập internet băng rộng cố định mặt đất, dịch vụ truy nhập internet trên mạng viễn thông di động mặt đất) theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.

- Trường hợp chưa đáp ứng điều kiện nêu trên thì trên địa bàn xã phải có ít nhất 01 điểm phục vụ dịch vụ viễn thông công cộng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ điện thoại và dịch vụ truy nhập internet.

3. Hướng dẫn thực hiện và đánh giá tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ viễn thông, internet:

- Chất lượng dịch vụ điện thoại cố định mặt đất nội hạt đáp ứng tiêu chuẩn theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ điện thoại trên mạng viễn thông cố định mặt đất, Mã số QCVN 35:2011/BTTTT.

- Chất lượng dịch vụ điện thoại di động đáp ứng tiêu chuẩn theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ điện thoại trên mạng viễn thông di động mặt đất, Mã số QCVN 36:2015/BTTTT.

- Chất lượng dịch vụ truy nhập internet đáp ứng tiêu chuẩn theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập internet gồm:

+ Internet cố định đáp ứng tiêu chuẩn tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập internet băng rộng cố định mặt đất QCVN 34:2014/BTTTT.

+ Internet di động đáp ứng tiêu chuẩn tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập internet trên mạng viễn thông di động mặt đất IMT- 2000 QCVN 81:2014/BTTTT.

* Chỉ tiêu 8.3: Xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn.

1. Giải thích nội dung chỉ tiêu:

- Đài Truyền thanh xã là Đài Truyền thanh do Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp quản lý nhân sự, máy móc thiết bị và kinh phí hoạt động; Đài Truyền thanh xã có hai phương thức truyền dẫn tín hiệu âm thanh: đài truyền thanh hữu tuyến và Đài Truyền thanh vô tuyến.

- Đài Truyền thanh hữu tuyến hay còn gọi là Đài Truyền thanh có dây là đài sử dụng phương thức truyền dẫn tín hiệu âm thanh bằng đường dây dẫn.

- Đài Truyền thanh vô tuyến hay còn gọi là Đài Truyền thanh không dây là đài sử dụng phương thức truyền dẫn tín hiệu âm thanh thông qua việc sử dụng tần số.

2. Quy định mức đạt tối thiểu:

- Có Đài Truyền thanh được thiết lập đáp ứng các quy định tại mục 1.

- Ít nhất có 2/3 số ấp trong xã có hệ thống loa hoạt động.

3. Hướng dẫn thực hiện và đánh giá tiêu chuẩn về cơ sở vật chất:

- Đối với thiết bị truyền thanh không dây: Thông số kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn Việt Nam QCVN 30:2011/BTTTT và QCVN 70:2013/BTTTT.

- Đối với phát xạ vô tuyến điện và tương thích điện từ: Đáp ứng các yêu cầu tại quy chuẩn Việt Nam QCVN 18:2014/BTTTT.

- Đối với việc sử dụng tần số vô tuyến điện: Tuân thủ quy định tại Quyết định số 71/2013/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia và Thông tư 05/2015/TT-BTTTT ngày 23 tháng 5 năm 2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; cho thuê, cho mượn, thiết bị vô tuyến điện; sử dụng tần số vô tuyến điện.

- Đối với các Đài Truyền thanh không dây sử dụng công nghệ phát sóng vô tuyến, phải được cấp phép sử dụng tần số theo quy định, tuân thủ Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16 tháng 02 năm 2009 phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020; Thông tư số 04/2013/TT-BTTTT ngày 23/01/2013 Quy hoạch sử dụng kênh tần số phát thanh FM đến năm 2020.

- Tuân thủ các quy định tại Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT và Thông tư số 05/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc chứng nhận, công bố hợp quy trước khi làm thủ tục cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.

* Chỉ tiêu 8.4: xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành:

1. Giải thích nội dung chỉ tiêu: ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành là việc sử dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý điều hành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động; hỗ trợ đẩy mạnh cải cách hành chính và bảo đảm công khai, minh bạch.

2. Quy định mức đạt tối thiểu:

- Về kỹ năng sử dụng máy vi tính của cán bộ xã: Xã có ít nhất 2/3 số cán bộ, công chức quy định tại Điều 4 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sử dụng máy tính trong công tác quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ.

- Hệ số máy tính/số cán bộ, công chức của xã đạt tối thiểu là 0,5.

- Máy tính của các cơ quan: Đảng ủy xã, Hội đồng nhân dân xã và Ủy ban nhân dân xã có sử dụng dịch vụ truy nhập internet và thực hiện nhận, gửi văn bản chỉ đạo, điều hành qua mạng internet.

- Trang thông tin điện tử riêng của xã hoặc trang thông tin điện tử thành phần trên Trang, Cổng thông tin điện tử của huyện, thị xã, thành phố và cung cấp tối thiểu các thông tin sau:

+ Tổ chức bộ máy hành chính, thông tin liên hệ của cán bộ, công chức.

+ Thông tin địa giới hành chính, điều kiện tự nhiên, lịch sử, truyền thống, văn hóa, di tích, danh thắng (nếu có).

+ Tin tức về hoạt động của cơ quan nhà nước.

+ Thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật, chính sách.

+ Thông tin về định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

+ Cung cấp các quy trình, mẫu biểu thủ tục hành chính cấp xã trên trang thông tin điện tử riêng của xã hoặc trên Trang/Công thông tin điện tử của huyện, thị xã, thành phố.

- Xã có ít nhất 02 (hai) hoạt động chuyên môn nghiệp vụ có ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý.

3. Hướng dẫn thực hiện và đánh giá tiêu chuẩn về cơ sở vật chất:

- Tất cả các cơ quan: Đảng ủy xã, Hội đồng nhân dân xã, Ủy ban nhân dân xã và các tổ chức chính trị - xã hội xã có máy vi tính phục vụ công tác.

- Xã có Trang thông tin điện tử riêng hoặc có Trang thông tin điện tử thành phần trên Trang, Cổng thông tin điện tử của huyện, thị xã, thành phố để cung cấp thông tin về xã và dịch vụ công trực tuyến.

* Khuyến khích các xã đã hoàn thành tiêu chí số 8 xã nông thôn mới thì tiếp tục thực hiện các nội dung sau:

- Có trang bị mạng máy tính nội bộ (LAN) phục vụ công tác quản lý, điều hành.

- Cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3 trở lên.

VI. TIÊU CHÍ SỐ 17 - MÔI TRƯỜNG VÀ AN TOÀN THỰC PHẨM

Tiêu chí số 17 có 08 chỉ tiêu, Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chỉ tiêu số 17.4. Mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch.

1. Quy định mức đạt tối thiểu:

- Nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phù hợp với quy hoạch (nếu có), đạt.

- Có vị trí, khoảng cách đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường, cảnh quan, khu dân cư, đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường, đạt.

- Không gây ô nhiễm môi trường nước, không khí và môi trường xung quanh, đạt.

- Nghĩa trang, cơ sở hỏa táng đã lập hồ sơ, thủ tục về bảo vệ môi trường và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận theo quy định, đạt.

- Không có trường hợp vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Hướng dẫn thực hiện đánh giá:

- Khu mai táng, hỏa táng phải đảm bảo các yêu cầu:

+ Phù hợp với quy hoạch.

+ Có vị trí, khoảng cách đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư, đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định tại QCVN 01:2008/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.

+ Không gây ô nhiễm môi trường nước, không khí và môi trường xung quanh; có các hạng mục công trình kỹ thuật đảm bảo theo quy định tại QCVN 07- 10:2016/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật công trình nghĩa trang; nước thải từ nghĩa trang phải được thu gom, xử lý đạt theo quy định tại QCVN 28:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế trước khi thải ra nguồn tiếp nhận; chất thải rắn phát sinh phải được thu gom, xử lý đúng quy định, đối với chất thải liên quan đến người chết mắc bệnh truyền nhiễm hoặc thi hài bị rữa thối phải được xử lý theo quy định về xử lý chất thải y tế lây nhiễm; riêng đối với trường hợp hỏa táng thì phải đảm bảo môi trường đối với khí thải theo QCVN 02:2012/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế (cột A); tro, xỉ, bùn thải và các chất thải rắn khác phát sinh từ quá trình vận hành lò hỏa táng phải được phân loại theo quy định tại QCVN 07:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại và QCVN 50:2013/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng nguy hại đối với bùn thải từ quá trình xử lý nước.

- Đối với các dự án xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải thực hiện các thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường.

- Việc quản, ướp, di chuyển, chôn cất thi thể, hài cốt phải đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường và các nội dung khác theo quy định tại Thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Bộ Y tế về hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng.

- Việc mai táng người chết do dịch bệnh nguy hiểm thực hiện theo quy định Thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Bộ Y tế về hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng.

- Việc tổ chức việc tang phải phù hợp với phong tục tập quán và hoàn cảnh gia đình của người qua đời; không thuê mướn cùng lúc nhiều ban nhạc (như ban nhạc kèn đồng, ban nhạc lễ, ban nhạc ngũ âm, ...) để phục vụ đám tang; khi đưa tang phải tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông và trật tự công cộng; cấm rải tiền Việt Nam đồng, tiền nước ngoài, cấm rải vàng mã trên đường; tổ chức việc tang không kéo dài quá 48 giờ, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm thời gian nhưng không quá 72 giờ; giữ gìn sự yên tĩnh, hạn chế gây tiếng ồn vào ban đêm, nếu có tổ chức ca hát, đọc kinh bằng các thiết bị âm thanh thì phải đảm bảo âm thanh không vượt quá độ ồn cho phép theo QCVN 26:2010/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn; nhà nước khuyến khích đối với việc hỏa táng, chôn cất người qua đời trong tại các nghĩa trang theo quy hoạch, xóa bỏ hủ tục gây ô nhiễm môi trường (những xã có nghĩa trang thì vận động người nhà chôn cất người qua đời tại nghĩa trang; hạn chế việc chôn cất riêng tại gia đình); đồng thời, thực hiện các nội dung khác theo quy định tại Quyết định số 02/2014/QĐ-UBND ngày 17 tháng 02 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và Quyết định số 33/2016/QĐ-UBND ngày 04 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về phân cấp xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

- Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ mai táng phải chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, về vệ sinh phòng dịch và các yêu cầu khác theo quy định tại Thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 44/QĐ-UBND năm 2017 quy định và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

  • Số hiệu: 44/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/04/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu
  • Người ký: Dương Thành Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản