Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/2018/QĐ-UBND | Hà Nam, ngày 09 tháng 11 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHẠM VI BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;
Căn cứ Thông tư số 05/2018/TTBNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2018 và thay thế Quyết định số 06/2017/QĐ-UBND ngày 21 tháng 02 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Giám đốc các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hà Nam, Giám đốc các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
PHẠM VI BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 41/2018/QĐ-UBND ngày 09/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.
Quy định này quy định về phạm vi bảo vệ đối với những công trình thủy lợi đã xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng và công trình thủy lợi trong giai đoạn lập quy hoạch, thiết kế trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng.
Các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ.
1. Kênh chìm: là kênh có mặt cắt ngang kênh theo thiết kế đào hoàn toàn trong nền đất tự nhiên.
2. Kênh nổi: là kênh có mặt cắt ngang kênh theo thiết kế đắp nổi trên nền đất tự nhiên hoặc nửa đào, nửa đắp.
3. Bờ vùng: là công trình phân vùng, ngăn nước để bảo vệ cho một khu vực nhất định. Bờ vùng có thể là bờ kênh kết hợp hoặc bờ vùng độc lập.
4. Vùng phụ cận: là vùng không gian theo phương ngang và phương thẳng đứng bao quanh công trình thủy lợi, phục vụ cho công tác quản lý khai thác công trình. Vùng phụ cận còn được gọi là hành lang bảo vệ công trình.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
1. Phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi bao gồm công trình và vùng phụ cận.
2. Trong phạm vi bảo vệ công trình các hoạt động phải bảo đảm không gây cản trở cho việc vận hành và an toàn công trình; phải có đường quản lý, mặt bằng để bảo trì và xử lý khi công trình xảy ra sự cố.
3. Phạm vi vùng phụ cận được quy định như sau:
a) Kênh mương đất:
- Kênh nổi có lưu lượng nhỏ hơn 2 m3/s, phạm vi vùng phụ cận tính từ chân mái ngoài của kênh trở ra là 1,5 m; lưu lượng từ 2 m3/s đến 10 m3/s, phạm vi vùng phụ cận tính từ chân mái ngoài của kênh trở ra là 3 m; lưu lượng lớn hơn 10 m3/s phạm vi vùng phụ cận tính từ chân mái ngoài của kênh trở ra là 5 m.
- Kênh chìm có lưu lượng nhỏ hơn 10 m3/s, phạm vi vùng phụ cận tính từ điểm giao mái trong của kênh với mặt đất tự nhiên trở ra là 3 m; lưu lượng từ 10 m3/s trở lên, phạm vi vùng phụ cận tính từ điểm giao mái trong của kênh với mặt đất tự nhiên trở ra là 5 m.
b) Kênh đã kiên cố hóa
- Đối với kênh kiên cố hóa có đắp đất bờ kênh thì bờ kênh kết hợp làm đường đi lại để quản lý, phạm vi vùng phụ cận quy định như sau:
Kênh có lưu lượng nhỏ hơn 2 m3/s, phạm vi vùng phụ cận tính từ chân mái ngoài của kênh trở ra là 0,5 m; lưu lượng từ 2 m3/s đến 10 m3/s, phạm vi vùng phụ cận tính từ chân mái ngoài của kênh trở ra là 1,5 m; lưu lượng lớn hơn 10 m3/s phạm vi vùng phụ cận tính từ chân mái ngoài của kênh trở ra là 2,5 m.
- Đối với kênh kiên cố hóa không đắp đất bờ kênh, phạm vi vùng phụ cận tính như quy định đối với kênh chìm tại điểm a, Khoản 3 Điều này cộng thêm 1 m chiều rộng mặt đường đi lại để quản lý tính từ điểm xây đúc ngoài cùng của kênh trở ra.
Đối với kênh, lưu lượng để xác định phạm vi vùng phụ cận là lưu lượng lớn nhất theo thiết kế mà công trình phải chuyển tải.
c) Công trình trên kênh: cống, đập, xi phông, cầu máng...
Phạm vi vùng phụ cận tính từ điểm xây đúc ngoài cùng của công trình hoặc điểm gia cố bảo vệ ngoài cùng của công trình trở ra là 3 m về mọi phía.
d) Bờ vùng:
- Bờ vùng độc lập: phạm vi vùng phụ cận tính từ chân bờ trở ra mỗi phía 2 m.
- Bờ vùng do bờ kênh kết hợp: phạm vi vùng phụ cận xác định như đối với kênh.
đ) Khi kênh đi dưới đường dây tải điện hoặc đi song song với đường dây tải điện, các hành lang bảo vệ an toàn tuân theo tiêu chuẩn của đường dây tải điện hiện hành.
e) Những đoạn kênh, tuyến kênh có bờ kênh kết hợp làm đường giao thông, phạm vi vùng phụ cận thực hiện theo quy định về hành lang bảo vệ công trình giao thông nhưng không được nhỏ hơn phạm vi vùng phụ cận của công trình thủy lợi. Việc cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ do đơn vị quản lý giao thông thực hiện, có sự tham gia, phối hợp của đơn vị trực tiếp quản lý khai thác công trình thủy lợi.
4. Việc bảo vệ trạm bơm tuân theo quy định sau:
a) Khu vực trạm bơm đã có hàng rào bảo vệ: phạm vi bảo vệ công trình tính từ hàng rào bảo vệ trở vào.
b) Khu vực trạm bơm chưa có hàng rào bảo vệ: Phạm vi bảo vệ công trình được tính là toàn bộ diện tích đất được Nhà nước giao khi xây dựng công trình đưa vào sử dụng, đơn vị trực tiếp quản lý khai thác trạm bơm phải xây dựng hàng rào bảo vệ theo ranh giới được giao đất.
5. Trường hợp trong một cụm công trình thủy lợi có công trình đất kết hợp với công trình xây đúc thì phạm vi bảo vệ công trình xác định theo thứ tự lần lượt như sau: công trình xây đúc kiên cố, công trình đất.
6. Phạm vi bảo vệ của những công trình không có trong quy định này phải tuân theo Luật Thủy lợi và quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 5. Xử lý công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi
Việc xử lý các công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thực hiện theo Điều 48 Luật Thủy lợi và quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thực hiện theo Điều 8 Luật thủy lợi.
Điều 7. Cấp giấy phép đối với các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi phải có Giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo Điều 44 Luật thủy lợi, Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi.
Điều 8. Cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thực hiện theo Điều 43 Luật thủy lợi, Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và quy định sau:
- Về khoảng cách giữa các mốc chỉ giới: thực hiện theo Điều 20 Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT , đối với công trình thủy lợi mà khoảng cách giữa các mốc chỉ giới không quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 20 Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT thì khoảng cách giữa hai mốc liền nhau là 20 m.
- Quy định về cột mốc: theo quy định tại Khoản 1, Điều 20 Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT .
Điều 9. Xử phạt vi phạm hành chính trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi
Các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm của các Sở, ngành; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; Tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến công trình thủy lợi thực hiện quy định này; tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy định.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định hiện hành.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường: Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo thẩm quyền; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan có liên quan thực hiện việc quản lý và sử dụng đất theo quy định.
3. Sở Giao thông vận tải: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc quy hoạch mạng lưới giao thông đường thủy, giao thông đường bộ, xác định lộ giới, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi có kết hợp giao thông, thực hiện cắm biển báo, chỉ giới đảm bảo an toàn giao thông theo quy định hiện hành.
4. Sở Tài chính: Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định hiện hành.
5. Sở Xây dựng: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định.
6. Các Sở, Ngành khác
Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi thực hiện quy định này.
7. Ủy ban nhân dân cấp huyện:
a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc thực hiện quy định này.
b) Tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy định này trên địa bàn; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác công trình thủy lợi, các đơn vị có liên quan trên địa bàn thực hiện quy định này.
c) Thực hiện bảo vệ công trình thủy lợi tại địa phương theo quy định của pháp luật. Xử lý các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo thẩm quyền.
d) Tổ chức thực hiện việc thu hồi đất, giao đất theo thẩm quyền.
8. Ủy ban nhân dân cấp xã:
a) Tuyên truyền, phổ biến quy định này tại địa phương.
b) Thực hiện bảo vệ công trình thủy lợi tại địa phương theo quy định của pháp luật. Phối hợp với Công ty Khai thác công trình thủy lợi, tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi, chỉ đạo Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cắm mốc và bảo vệ mốc chỉ giới bảo vệ công trình khi được bàn giao.
c) Kịp thời xử lý những hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép phạm vi bảo vệ công trình trên địa bàn theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền xử lý thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý.
9. Công ty Khai thác công trình thủy lợi, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi:
a) Lập, trình thẩm định, phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới công trình thủy lợi; quản lý, bảo vệ mốc chỉ giới theo quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Lập và bàn giao hồ sơ quản lý phạm vi bảo vệ công trình cho Ủy ban nhân dân cấp xã để phối hợp quản lý.
c) Chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, quản lý hành lang, mốc giới bảo vệ công trình. Trường hợp phạm vi bảo vệ công trình bị lấn chiếm, sử dụng trái phép thì phải kịp thời báo cáo và yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có vi phạm để xử lý.
d) Thực hiện chế độ tổng hợp, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
đ) Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm; phối hợp các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức tuyên truyền việc thực hiện quy định này trên địa bàn.
Điều 11. Xử lý chuyển tiếp.
Những công trình thủy lợi đã tổ chức cắm mốc chỉ giới theo Quyết định số 06/2017/QĐ-UBND ngày 21 tháng 2 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hà Nam thì tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 06/2017/QĐ-UBND , không cắm mốc lại.
Điều 12. Điều khoản thi hành.
1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan hướng dẫn tổ chức triển khai việc thực hiện quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các địa phương, đơn vị phản ánh kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xem xét, giải quyết./.
- 1Quyết định 06/2017/QĐ-UBND Quy định phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- 2Quyết định 43/2018/QĐ-UBND quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh An Giang
- 3Quyết định 44/2018/QĐ-UBND quy định về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh An Giang
- 4Quyết định 29/2018/QĐ-UBND quy định về bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 5Quyết định 01/2019/QĐ-UBND quy định về phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 1Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 2Luật Thủy lợi 2017
- 3Nghị định 104/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều
- 4Nghị định 67/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy lợi
- 5Thông tư 05/2018/TT-BNNPTNT hướng dẫn Luật Thủy lợi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6Quyết định 43/2018/QĐ-UBND quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh An Giang
- 7Quyết định 44/2018/QĐ-UBND quy định về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh An Giang
- 8Quyết định 29/2018/QĐ-UBND quy định về bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 9Quyết định 01/2019/QĐ-UBND quy định về phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Quyết định 41/2018/QĐ-UBND quy định về phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- Số hiệu: 41/2018/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 09/11/2018
- Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam
- Người ký: Nguyễn Xuân Đông
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/12/2018
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra