Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2012/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 11 tháng 9 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ NHỮNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TỈNH BÌNH DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 ngày 13/11/2008;

Căn cứ Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Căn cứ Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Văn bản số 1242/SNV-XDCQ ngày 28/8/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chế độ quản lý cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tỉnh Bình Dương.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Thủ Dầu Một chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Quyết định này thay thế Quyết định số 48/2007/QĐ-UBND ngày 31/5/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc ban hành Quy định về chế độ quản lý cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Thanh Cung

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ NHỮNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 39/2012/QĐ-UBND ngày 11/9/2012 của UBND tỉnh Bình Dương)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy định này quy định về chế độ quản lý cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) bao gồm cả cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã.

Điều 3. Yêu cầu và nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã

Cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã là công bộc của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, phải không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, học tập nâng cao trình độ và năng lực công tác để thực hiện tốt nhiệm vụ, công vụ được giao.

Công tác quản lý cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của cấp ủy Đảng, bảo đảm nguyên tắc tập thể, dân chủ đi đôi với phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Điều 4. Trách nhiệm của cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã

Cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã có trách nhiệm thực hiện Quy định này; các quy định cụ thể về chế độ, chính sách, tiêu chuẩn cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã; các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Chương II

NGHĨA VỤ, QUYỀN LỢI VÀ NHỮNG VIỆC KHÔNG ĐƯỢC LÀM CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ NHỮNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH CẤP XÃ

Điều 5. Nghĩa vụ và quyền lợi của cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã

1. Cán bộ, công chức cấp xã thực hiện nghĩa vụ và các quyền theo Điều 62 của Luật Cán bộ, công chức, Bộ luật Lao động và và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan

2. Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã được vận dụng thực hiện nghĩa vụ và các quyền như cán bộ, công chức cấp xã được quy định tại Điều 62 của Luật Cán bộ, công chức, Bộ luật Lao động và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan

Điều 6. Thực hiện Quy chế làm việc

Cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã có trách nhiệm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Quy chế làm việc của UBND cấp xã được xây dựng theo Quyết định số 77/2006/QĐ-TTg ngày 13/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ trong giải quyết các công việc theo nhiệm vụ được giao.

Điều 7. Những việc cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã không được làm

1. Những việc cán bộ, công chức cấp xã không được làm

a) Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.

b) Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật.

c) Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi.

d) Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.

đ) Ngoài những việc không được làm nêu trên, cán bộ, công chức còn thực hiện nghiêm những việc không được làm được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.

2. Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã có trách nhiệm thực hiện tốt quy định những việc không được làm như cán bộ, công chức cấp xã được quy định tại Văn bản này.

Chương III

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC, TIỀN LƯƠNG, PHỤ CẤP, HỖ TRỢ, BẦU CỬ, ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT VÀ CHẾ ĐỘ THÔI VIỆC, NGHỈ VIỆC

Điều 8. Chế độ làm việc

- Cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã tham gia công tác theo quy định: Tuổi từ 18 đến 60 đối với nam và từ 18 đến 55 đối với nữ. Riêng Hội người cao tuổi và Hội Cựu chiến binh thực hiện theo quy định của các Hội.

- Thời gian làm việc theo quy định của Nhà nước: Tuần làm việc 40 giờ (5 ngày). Ngoài ra, khi có yêu cầu, cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã phải chấp hành sự phân công làm thêm ngày thứ bảy hoặc ngoài giờ.

- Thời gian làm việc nêu trên bao gồm cả thời gian làm việc, trực tại trụ sở UBND cấp xã và thời gian đi cơ sở. Trong thời gian làm việc và thi hành công vụ, cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã phải đeo thẻ.

Điều 9. Chế độ tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ

Cán bộ, công chức cấp xã được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 14/2012/NĐ-CP ngày 07/3/2012 của Chính phủ về sửa đổi Điều 7 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và Mục I Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ; Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (gọi tắt là Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ) và quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng phụ cấp và các mức hỗ trợ theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ và Quyết định số 73/2011/QĐ-UBND ngày 20/12/2011 của UBND tỉnh ban hành quy định số lượng, chức danh, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã và cán bộ ấp, khu phố và kinh phí hoạt động ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh Bình Dương (gọi tắt là Quyết định số 73/2011/QĐ-UBND ngày 20/12/2011 của UBND tỉnh) và quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

Điều 10. Bầu cử các chức danh cán bộ và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã (qua bầu cử)

1. Việc bầu cử cán bộ cấp xã được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Điều lệ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

2. Việc bầu cử những người hoạt động không chuyên trách cấp xã (qua bầu cử) vận dụng như Khoản 1, Điều này.

Điều 11. Tuyển dụng công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã thực hiện nghiệp vụ chuyên môn (không qua bầu cử)

1. Đối với các chức danh Văn phòng - thống kê, Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã), Tài chính - kế toán, Tư pháp - hộ tịch, Văn hóa - xã hội:

a) Thực hiện việc tuyển dụng thông qua thi tuyển, trừ các trường hợp quy định tại Điều 21, Nghị định 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn và Điểm b, Khoản 1 Điều này.

b) Đối với các xã vùng sâu theo quy định của Trung ương thực hiện việc tuyển dụng thông qua xét tuyển.

2. Đối với chức danh Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã và Trưởng Công an xã:

Thực hiện việc xét tuyển và bổ nhiệm đối với người có đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 6, Nghị định 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn.

Việc bổ nhiệm Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã và Trưởng Công an xã thực hiện theo quy định của Luật Dân quân tự vệ và Pháp lệnh Công an xã.

3. Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo, tổ chức việc tuyển dụng công chức theo quy định của Chính phủ và UBND tỉnh.

4. Việc tuyển dụng, bố trí những người hoạt động không chuyên trách cấp xã phải đảm bảo tiêu chuẩn chung theo quy định tương tự như đối với cán bộ, công chức cấp xã, đủ sức khỏe, đạt trình độ từ trung cấp trở lên, nhất là các chức danh mang tính chất chuyên môn kỹ thuật. Không được tuyển dụng những người chưa qua đào tạo hoặc đã quá tuổi quy định.

Điều 12. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã

1. Cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phù hợp tiêu chuẩn, chức danh hiện đang đảm nhận và theo quy hoạch cán bộ, công chức.

2. Cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng được hưởng các chế độ như sau:

- Được cấp tài liệu học tập;

- Được hỗ trợ một phần tiền ăn trong thời gian đi học tập trung;

- Được hỗ trợ chi phí đi lại từ cơ quan đến nơi học tập;

- Chế độ, chính sách khác theo quy định của Trung ương và của UBND tỉnh.

Điều 13. Khen thưởng, kỷ luật và xử lý vi phạm

1. Khen thưởng

Cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã có thành tích được thực hiện chế độ khen thưởng theo Luật Thi đua Khen thưởng và quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

2. Kỷ luật và xử lý vi phạm

a) Cán bộ, công chức cấp xã vi phạm quy định của Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu xử lý kỷ luật theo Luật Cán bộ, công chức; Nghị định 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

b) Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã (qua bầu cử) vi phạm quy định của Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì vận dụng xử lý các hình thức tương ứng như cán bộ cấp xã.

c) Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã (không qua bầu cử) vi phạm quy định của Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì vận dụng xử lý các hình thức tương ứng như công chức cấp xã.

Điều 14. Chế độ thôi việc, nghỉ việc, bỏ việc

1. Cán bộ, công chức cấp xã được thôi việc, nghỉ việc, bỏ việc thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn; quy định của Điều lệ tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

2. Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã khi nghỉ việc (không phải bị buộc thôi việc) thì được giải quyết trợ cấp thôi việc theo quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-UBND ngày 20/12/2011 của UBND tỉnh và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

Riêng cán bộ, công chức là cán bộ đã nghỉ hưu trí hoặc mất sức lao động do không phải tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho nên khi nghỉ việc không được hưởng trợ cấp.

Điều 15. Các chế độ, phụ cấp khác

1. Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã được thực hiện chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm xã hội và Quyết định số 73/2011/QĐ-UBND ngày 20/12/2011 của UBND tỉnh và quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

2. Mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Mức đóng và hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế của cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã thực hiện theo quy định hiện hành.

Chương IV

QUẢN LÝ HỒ SƠ VÀ CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO

Điều 16. Quản lý hồ sơ cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã

1. UBND cấp xã chịu trách nhiệm xác lập hồ sơ cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã (theo mẫu quy định), có xác nhận đóng dấu, ký tên của Chủ tịch UBND cấp xã (nếu là cán bộ thuộc UBND cấp xã quản lý) hoặc của Bí thư Đảng ủy (nếu cán bộ thuộc Đảng ủy quản lý, kể cả Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã và các đoàn thể cùng cấp).

2. Hồ sơ của cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã do cấp xã quản lý.

3. Hàng năm, từ tháng 11 đến hết tháng 12, Đảng ủy, UBND cấp xã chịu trách nhiệm hướng dẫn cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã bổ túc hồ sơ, phiếu lý lịch của cán bộ cấp xã, đưa vào lưu trữ hoặc chuyển về cấp huyện quản lý theo quy định.

Điều 17. Chế độ thông tin báo cáo

1. Hàng quý, từ ngày 25 đến ngày 30 tháng cuối quý, UBND cấp xã có trách nhiệm báo cáo tăng giảm số lượng cán bộ, công chức cấp xã về Phòng Nội vụ cấp huyện để tổng hợp báo cáo UBND cấp huyện và cập nhật thông tin cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã vào chương trình quản lý cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

2. Trường hợp có thay đổi nhân sự các chức danh bầu cử, bổ nhiệm, phân công, UBND cấp xã có trách nhiệm báo cáo về cơ quan chủ quản, quản lý chuyên ngành cấp trên và Phòng Nội vụ cấp huyện để kịp thời xem xét giải quyết và tổng hợp báo cáo về UBND cấp huyện và Sở Nội vụ.

Điều 18. Tổ chức thực hiện

1. Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã có trách nhiệm thi hành Quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, đề nghị các tổ chức có văn bản phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 39/2012/QĐ-UBND về Quy định chế độ quản lý cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tỉnh Bình Dương

  • Số hiệu: 39/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/09/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Lê Thanh Cung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản