Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 39/2008/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 26 tháng 5 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG VÀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ PHƯƠNG TIỆN THÔ SƠ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2008;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 37/TTr-SGTVT ngày 27 tháng 3 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định điều kiện hoạt động và tổ chức quản lý phương tiện thô sơ đường thủy nội địa”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Châu

 

QUY ĐỊNH

ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG VÀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ PHƯƠNG TIỆN THÔ SƠ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 39/2008/QĐ-UBND Ngày 26 tháng 5 năm 2008 của UBND tỉnh Tây Ninh)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định điều kiện an toàn, tổ chức quản lý, cách xác định các kích thước cơ bản, xác định sức chở và sơn vạch dấu mớn nước an toàn cho phương tiện thô sơ đường thủy nội địa thuộc quyền sở hữu của các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn tỉnh.

2. Quy định này áp dụng đối với:

a) Phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 01 tấn hoặc phương tiện thô sơ có sức chở dưới 05 người;

b) Bè.

3. Quy định này không áp dụng đối với các phương tiện thủy nội địa làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tàu cá đánh bắt thủy hải sản.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Điều kiện an toàn là các điều kiện tối thiểu của phương tiện để đảm bảo an toàn khi phương tiện hoạt động trên đường thủy nội địa.

2. Các kích thước cơ bản bao gồm: chiều dài lớn nhất, chiều rộng lớn nhất, chiều cao mạn và chiều chìm của phương tiện.

3. Mạn khô là chiều cao của phần thân phương tiện từ mép trên vạch dấu mớn nước an toàn đến mép boong.

4. Sức chở của phương tiện là trọng tải toàn phần hoặc sức chở người của phương tiện ứng với vạch dấu mớn nước an toàn.

5. Dụng cụ cứu sinh là các vật dụng nổi dùng làm phao cứu người.

6. Phương tiện thô sơ là phương tiện không có động cơ chỉ di chuyển bằng sức người hoặc sức gió, sức nước.

7. là phương tiện được kết ghép lại bằng tre, nứa, gỗ hoặc các vật nổi khác để chuyển đi hoặc dùng làm phương tiện vận chuyển tạm thời trên đường thủy nội địa.

Điều 3. Điều kiện an toàn

1. Thân phương tiện phải chắc chắn, không bị thủng, không bị rò nước vào bên trong; phương tiện chở người phải có đủ chỗ cho người ngồi cân bằng trên phương tiện và có đủ dụng cụ cứu sinh cho số người được phép chở trên phương tiện.

2. Mạn khô của phương tiện chở hàng phải đảm bảo bằng 100mm; mạn khô của phương tiện chở người phải đảm bảo bằng 200mm.

3. Phương tiện phải được đo đạc xác định kích thước, sức chở và được sơn vạch dấu mớn nước an toàn.

Điều 4. Xác định kích thước cơ bản, xác định sức chở, sơn vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện

1. Xác định kích thước cơ bản của phương tiện

a) Chiều dài lớn nhất (ký hiệu Lmax), tính bằng mét, đo theo chiều dọc trên boong ở mặt phẳng dọc tâm từ mút lái đến mút mũi phương tiện;

b) Chiều rộng lớn nhất (ký hiệu Bmax), tính bằng mét, đo theo chiều ngang trên boong ở mặt cắt rộng nhất phương tiện;

c) Chiều cao mạn (ký hiệu D), tính bằng mét, đo từ đáy phương tiện đến mép boong ở vị trí giữa chiều dài Lmax;

d) Chiều chìm (ký hiệu d), tính bằng mét, đo từ đáy phương tiện đến mép trên của vạch dấu mớn nước an toàn ở vị trí giữa chiều dài Lmax.

2. Xác định sức chở của phương tiện

a) Đối với phương tiện chở hàng: sức chở là trọng tải toàn phần được xếp trực tiếp và cân bằng trên phương tiện tương ứng với mạn khô của phương tiện bằng 100mm;

b) Đối với phương tiện chở người: sức chở là số người xếp đủ chổ ngồi và cân bằng phương tiện tương ứng với mạn khô của phương tiện bằng 200mm.

3. Sơn vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện

Dấu mớn nước an toàn của phương tiện được sơn bằng một vạch sơn có màu khác với màu sơn mạn phương tiện, vạch sơn có chiều dày 25mm, chiều dài 250mm nằm ngang trên hai bên mạn tại vị trí giữa của chiều dài Lmax; cách mép boong 100mm đối với phương tiện chở hàng; cách mép boong 200mm đối với phương tiện chở người.

Điều 5. Trách nhiệm của chủ phương tiện

1. Đo các kích thước cơ bản, xác định sức chở, sơn vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện theo quy định tại Điều 4 của Quy định này. Chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu đo và việc sơn vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện.

2. Kê khai điều kiện an toàn của phương tiện theo mẫu quy định tại phụ lục của Quy định này.

3. Có trách nhiệm duy trì và đảm bảo các điều kiện an toàn của phương tiện theo quy định tại Điều 3 của Quy định này khi phương tiện hoạt động.

Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan quản lý phương tiện

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức quản lý chặt chẽ phương tiện thô sơ trên địa bàn quản lý; báo cáo thường xuyên số phương tiện đã quản lý theo quy định. Kiên quyết đình chỉ hoạt động những phương tiện không đủ điều kiện an toàn như quy định tại Điều 3 của Quy định này.

Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan chuyên môn

Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm hỗ trợ để hướng dẫn chủ phương tiện xác định các kích thước cơ bản, xác định sức chở và sơn vạch mớn nước như quy định tại Điều 4 của Quy định này.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có kế hoạch tổ chức, chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện công tác quản lý phương tiện theo Quy định này trên địa bàn quản lý.

2. Giám đốc Sở Giao thông vận tải có kế hoạch hỗ trợ công tác chuyên môn cho các đơn vị thực hiện công tác quản lý phương tiện.

Trong quá trình thực hiện, các đơn vị kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh những vướng mắc phát sinh để xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp./.

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------------------

BẢN KÊ KHAI

KIỆN AN TOÀN CỦA PHƯƠNG TIỆN THÔ SƠ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

(Dùng cho loại phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 01 tấn hoặc có sức chở dưới 05 người hoặc bè)

 

Họ và tên chủ phương tiện:

Địa chỉ chủ phương tiện:

Loại phương tiện:

Vật liệu đóng phương tiện:

Kích thước phương tiện: (Lmax X Bmax X D X d) = (.. .X ... X….X … ) m

Khả năng khai thác:

a) Trọng tải toàn phần: …………   tấn.

b) Sức chở người: ………………   người.

Tình trạng thân vỏ: …………………………………………………………

Vạch dấu mớn nước an toàn đã được sơn trên hai mạn và mạn khô còn: … . . . . . mm.

Dụng cụ cứu sinh: Số lượng: ……… ( chiếc); Loại: ………………………

Đèn tín hiệu: …………………………………………………………… . . .

Tôi cam đoan tất cả các phần ghi trong bản kê khai này là đúng sự thật, nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật./.

 

Xác nhận của UBND phường/xã
(ký tên đóng dấu)

Tại …………    ngày . . . tháng. . .  năm……..
Chủ phương tiện
(ký và ghi rõ họ tên)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 39/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định điều kiện hoạt động và tổ chức quản lý phương tiện thô sơ đường thủy nội địa do Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành

  • Số hiệu: 39/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/05/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
  • Người ký: Nguyễn Văn Châu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/06/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản