Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/2016/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 21 tháng 06 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN “NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2016-2020”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH12 ngày 20 tháng 11 năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý thu Ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2. Cục trưởng Cục Thuế phối hợp với các sở, ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nội dung Đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý thu Ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 3. Giám đốc các sở, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc căn cứ tình hình thực tế và các định hướng về chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh và của từng địa phương có trách nhiệm phối hợp với ngành thuế chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý thu Ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020” thuộc phạm vi ngành và địa phương mình quản lý.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế, Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tài chính “thay báo cáo”
- TTTU; TT HĐND tỉnh;
- Cục KTVB (Bộ Tư pháp);
- Tổng cục Thuế;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 4;
- Sở Tư pháp;
- Báo Lâm Đồng, Đài PTTH Lâm Đồng;
- Trung tâm Công báo Lâm Đồng;
- LĐ VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT,TC,TH1, TH2.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đoàn Văn Việt

 

ĐỀ ÁN

“NÂNG CAO HIỆU QUẢ THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2016 - 2020”
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 38/2016/QĐ-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2011-2015”

I. Kết quả thu ngân sách giai đoạn 2011-2015

1. Thực hiện thu ngân sách trên địa bàn

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5 năm đạt 24.770 tỷ đồng, bằng 83,1% mục tiêu Đề án “Đổi mới công tác quản lý thu Ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015” Ban hành kèm theo Quyết định số 20/2011/QĐ-UBND ngày 12 tháng 5 năm 2011 của UBND tỉnh Lâm Đồng (chỉ tiêu 29.800 - 30.500 tỷ đồng); tốc độ tăng thu ngân sách bình quân giai đoạn 11,4% năm. Trong đó: Thu thuế, phí và lệ phí 13.008 tỷ đồng, đạt 67,8% mục tiêu Đề án (chỉ tiêu theo Đề án 19.200-19.700 tỷ đồng); tốc độ tăng thu ngân sách trong lĩnh vực thuế, phí bình quân trong giai đoạn 13,1%/năm; cụ thể số thu qua các năm:

- Năm 2011 thực hiện 4.006,5 tỷ đồng, đạt 105,4% dự toán năm, tăng 15,7% so với thực hiện năm 2010; trong đó thuế, phí thực hiện 2.165 tỷ đồng, đạt 100,7% dự toán, tăng 31,7% so với năm 2010;

- Năm 2012 thực hiện 4.481,8 tỷ đồng, đạt 96,4% dự toán năm, tăng 11,9% so với thực hiện năm 2011; trong đó thuế, phí thực hiện 2.379 tỷ đồng, đạt 88% dự toán, tăng 9,9% so với năm 2011;

- Năm 2013 thực hiện 4.865,9 tỷ đồng, đạt 88,5% dự toán năm, tăng 8,6% so với thực hiện năm 2012; trong đó thuế, phí thực hiện 2.571 tỷ đồng, đạt 85,7% dự toán, tăng 8% so với năm 2012;

- Năm 2014 thực hiện 5.481,4 tỷ đồng, đạt 91,4% dự toán năm, tăng 12,6% so với thực hiện năm 2013; trong đó thuế, phí thực hiện 2.847 tỷ đồng, đạt 89% dự toán, tăng 10,8% so với năm 2013;

- Năm 2015 thực hiện 5.934,7 tỷ đồng, đạt 84,8% dự toán năm, tăng 8,3% so với thực hiện năm 2014; trong đó thuế, phí thực hiện 3.044,7 tỷ đồng, đạt 80,10% dự toán, tăng 6,9 % so với năm 2014.

(Chi tiết thu ngân sách theo khoản thu giai đoạn 2011-2015 theo Phụ biểu số 1 kèm theo)

2. Kết quả thu ngân sách theo cấp quản lý:

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5 năm đạt 24.770,4 tỷ đồng, bằng 83,1% chỉ tiêu theo Đề án; trong đó:

2.1. Huyện, thành phố quản lý thu:

- Có 8/12 địa bàn thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu theo Đề án: Đam Rông 245%, Đơn Dương 173,1%, Lạc Dương 157,9%, Bảo Lâm 151,7%, Đạ Tẻh 148,8%, Đạ Huoai 132,5%, Cát Tiên 115,6%, Bảo Lộc đạt 106,9%;

- Có 4 địa bàn thu không đạt chỉ tiêu theo Đề án: Lâm Hà 68,2%, Di Linh 69,5%, Đà Lạt 76,8%, Đức Trọng 94,3% và Hải quan thu đạt 25,9% chỉ tiêu đề án.

2.2. Tỉnh quản lý thu:

- Có 5/12 địa bàn thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu là: Bảo Lộc 100%, Bảo Lâm 167,5%, Đơn Dương 248%, Lạc Dương 504,2%, Đạ Huoai 123,3%.

Có 5/12 địa bàn thu không đạt chỉ tiêu: Đạ Tẻh 46,8%, Lâm Hà 51,8%, Di Linh 59,1%, Đà Lạt 73,1%, Đức Trọng 90% so chỉ tiêu. Cát Tiên và Đam Rông không giao chỉ tiêu.

(Chi tiết thu ngân sách theo địa bàn giai đoạn 2011-2015 theo Phụ biểu số 2 kèm theo)

II. Đánh giá kết quả thu ngân sách so với chỉ tiêu theo Đề án

Đối chiếu với mục tiêu Đề án “Đổi mới công tác quản lý thu Ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015” Ban hành kèm theo Quyết định số 20/2011/QĐ-UBND ngày 12 tháng 5 năm 2011 của UBND tỉnh Lâm Đồng tốc độ thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước đã phần nào đáp ứng nhu cầu chi của ngân sách địa phương. Tuy nhiên thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015 chưa đảm bảo mục tiêu Đề án đề ra, cụ thể hụt thu so với Đề án 5.030 tỷ đồng; trong đó hụt thu về thuế, phí 2.883 tỷ đồng; hụt thu về biện pháp tài chính 859 tỷ đồng; hụt thu trong lĩnh vực thuế xuất, nhập khẩu 1.288 tỷ đồng.

1. Nguyên nhân hụt thu ngân sách

1.1. Nguyên nhân khách quan:

- Về thuế phí:

+ Chính phủ ban hành Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 không thu thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp làm giảm thu ngân sách năm 2014 là 650 tỷ đồng, trong giai đoạn là 1.300 tỷ đồng; đồng thời thực hiện Luật số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 qua đó các hoạt động dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh vật tư nông nghiệp, máy móc phục vụ nông nghiệp không thuộc diện chịu thuế làm giảm thu từ lĩnh vực này năm 2015 là 99 tỷ đồng. Tổng hụt thu nội dung này là 1.400 tỷ đồng;

+ Dự án Bauxit Nhôm - Lâm Đồng thời gian dự án vào hoạt động chậm 2 năm, đồng thời sản lượng các năm đầu thấp so với công suất thiết kế làm giảm thu từ thuế, phí của dự án này; cụ thể thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, phí bảo vệ môi trường thuộc Dự án Bauxit-Nhôm Lâm Đồng giảm 1.102 tỷ đồng;

+ Một số dự án thủy điện chậm tiến độ (chậm từ 1-4 năm) như thủy điện Yan Tann Sien, Đồng Nai 5, Đồng Nai 2, ĐamB’ri 2... ước giảm thu khoảng 200 tỷ;

+ Một số chính sách thuế mới quy định giảm thuế suất, giảm đối tượng chịu thuế cũng làm hụt thu giai đoạn này gần 100 tỷ đồng.

- Về thu biện pháp tài chính: Hụt thu chủ yếu do từ năm 2013 Chính phủ không quy định thu viện phí ghi thu vào ngân sách nhà nước; đồng thời trong giai đoạn này một số cơ sở nhà, đất thuộc nguồn tạo vốn hành chính chưa bán được;

- Về thuế xuất nhập khẩu: Theo kế hoạch thu từ lĩnh vực này giai đoạn 2011-2015 là 2.460 tỷ đồng, trong đó thu từ hoạt động xuất khẩu Alumin với thuế suất 20%; tuy nhiên đến năm 2013 thuế suất mặt hàng này còn 0% dẫn đến hụt thu từ lĩnh vực này 1.822 tỷ đồng.

2. Nguyên nhân chủ quan:

- Công tác chỉ đạo, tổ chức quản lý thu của cơ quan thuế còn bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của doanh nghiệp;

- Sự phối hợp giữa ngành Thuế và các ngành, các địa phương chưa thường xuyên, chưa đồng bộ nên hiệu quả công tác thu ngân sách chưa cao trên một số địa bàn;

- Sự phối hợp giữa các địa phương, ngành trong việc triển khai thực hiện các nội dung của Đề án chưa được thường xuyên, đồng bộ; từ khâu tuyên truyền, vận động đến việc phối hợp xử lý công việc;

- Công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân các cấp, lập chương trình, kế hoạch thực hiện các mục tiêu, nội dung của các Đề án quản lý thu ngân sách trên địa bàn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, ban hành thực hiện chưa thường xuyên, phối hợp chưa đồng bộ dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Phần thứ hai

GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2016-2020

I. SỰ CẦN THIẾT, MỤC TIÊU, YÊU CẦU CỦA ĐỀ ÁN

1. Sự cần thiết

- Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác thu ngân sách nói chung và thu thuế, phí nói riêng là tạo ra nguồn lực tài chính thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn;

- Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; công tác quản lý, giám sát của cơ quan thuế và sự phối hợp của các cơ quan chức năng đối với công tác thu ngân sách theo quy định của Luật quản lý thuế và pháp luật về thuế;

- Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về thuế của các tổ chức, cá nhân đồng thời bảo vệ quyền lợi, trách nhiệm của mọi người về các quy định của pháp luật thuế, đảm bảo sự công bằng giữa người nộp thuế trong việc thực hiện chính sách thuế.

2. Mục tiêu của đề án

2.1. Mục tiêu chung:

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, chống thất thu ngân sách nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thuế, phí vào ngân sách nhà nước;

- Thực hiện thu ngân sách nhà nước hàng năm tăng từ 10 - 12%; trong đó thuế phí tăng từ 12 - 14%, tương ứng với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt từ 8 - 9%/năm;

- Đảm bảo các nội dung theo Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý ngân sách trên địa bàn tỉnh; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và Nghị quyết số 145/2015/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

a) Chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước:

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 là 41.301 tỷ đồng; tăng so với thực hiện nhiệm kỳ 2011-2015 là 16.531 tỷ đồng; tốc độ tăng thu ngân sách bình quân cả giai đoạn 11%, trong đó tốc độ tăng thu ngân sách về thuế phí bình quân cả giai đoạn 14,17%; tỷ trọng thu thuế, phí trên tổng thu ngân sách chuyển dịch từ 54,7% (năm 2016) lên 60% (năm 2020); lộ trình thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016-2020 như sau:

Đơn vị tính: tỷ đồng

STT

Chỉ tiêu

Lộ trình thu NSNN

% so năm trước

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Tổng

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

 

Tổng thu

6.800

7.450

8.160

8.936

9.955

41.301

110

110

112

112

1

Thuế, phí

3.720

4.280

4.740

5.275

5.965

23.980

115

111

112

113

2

Đất nhà

680

860

860

860

860

4.120

126

100

100

100

2.1.

Đất

595

750

760

760

760

3.625

126

101

100

100

2.2.

Nhà

85

110

100

100

100

495

129

94

100

100

3

Tài chính

2.300

2.160

2.400

2.636

2.960

12.456

93

111

110

112

4

Hải quan

100

150

160

165

170

745

150

107

103

103

Ghi chú: Năm 2016 Tài chính thu có bao gồm thu từ XSKT là 430 tỷ; từ năm 2017 theo Luật NSNN thu XSKT thể hiện thu từ thuế, phí và là khoản thu cân đối ngân sách.

(Chi tiết thu ngân sách theo khoản thu giai đoạn 2016-2020 theo Phụ biểu số 3 kèm theo)

b) Lộ trình cân đối ngân sách:

- Năm 2017 phấn đấu:

+ Đà Lạt tăng tỷ lệ điều tiết các khoản thu theo phân cấp cho ngân sách tỉnh từ 5 - 8% (77,25% lên từ 82,25 - 85,25 %);

+ Bảo Lộc tăng tỷ lệ điều tiết các khoản thu theo phân cấp cho ngân sách tỉnh từ 3 - 5% (41,66 % lên từ 44,66 - 46,66%);

+ Các địa phương còn nhận trợ cấp cân đối phấn đấu giảm trợ cấp cân đối từ ngân sách tỉnh; cụ thể: các huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đam Rông giảm 15%; huyện Đạ Huoai, Đơn Dương, Lạc Dương giảm 10%; huyện Lâm Hà giảm 5%, các huyện Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm giảm 2%.

- Từ năm 2018 đến năm 2020: hàng năm tổng thu tăng từ 10-12%, riêng thuế, phí tăng từ 12-14%; trong đó 50% (ngoài nguồn thu từ đất) bổ sung nguồn cải cách tiền lương theo quy định, 50% còn lại bổ sung vốn đầu tư phát triển và các nhiệm vụ chi mới phát sinh.

3. Yêu cầu

- Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý và tăng thu cho ngân sách, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh;

- Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Luật Quản lý thuế, các luật thuế, văn bản dưới luật, các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và các quy định khác có liên quan, đảm bảo khách quan, bình đẳng, kỷ cương trong thực hiện pháp luật thuế;

- Phân cấp nguồn thu, phân định rõ nguồn thu và nhiệm vụ của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố, cấp xã, phường, thị trấn; xác định tỷ lệ điều tiết hưởng thụ ngân sách hợp lý một số loại thuế để các địa phương chủ động khai thác nguồn thu, đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành quản lý có hiệu quả nguồn thu trên địa bàn;

- Tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng, các đoàn thể và nhân dân giám sát, kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thu ngân sách của các cấp, các cơ quan chức năng và thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách của người nộp thuế.

II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ, CHỐNG THẤT THU NGÂN SÁCH

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn

Xác định nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước là trách nhiệm của hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 29/12/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý ngân sách trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; cụ thể:

- Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo:

+ Phát triển sản xuất - kinh doanh, kêu gọi đầu tư vào các ngành, nghề có thế mạnh của địa phương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện thu ngân sách ổn định, bền vững;

+ Triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước hàng năm theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.

- Tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố với cơ quan Thuế, Hải quan, Tài chính, Kho bạc Nhà nước trong việc thực hiện dự toán thu ngân sách; thực hiện rà soát nguồn thu ngân sách trên địa bàn; tăng cường quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế;

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh triển khai đến các tổ chức thành viên của Mặt trận vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tuyên truyền để nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và người nộp thuế đối với công tác thu ngân sách trên địa bàn; tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp đối với công tác thu ngân sách.

2. Nâng cao chất lượng tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế

- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh để thông tin kịp thời đến người nộp thuế các chính sách thuế sửa đổi bổ sung, chiến lược cải cách hệ thống thuế, công tác quản lý thuế của ngành;

- Đa dạng hóa loại hình tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; thực hiện tốt công tác hỗ trợ người nộp thuế; xây dựng hình ảnh, nâng cao uy tín của ngành Thuế trong cộng đồng xã hội;

- Chủ động phối hợp đồng bộ với các cấp, các ngành, từng địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật của người nộp thuế; khuyến khích mở rộng các hình thức dịch vụ hỗ trợ về thuế, đẩy mạnh công tác xã hội hóa tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế;

- Triển khai rộng rãi công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về thuế, đưa tài liệu tuyên truyền chính sách pháp luật thuế lên Website Cục Thuế, gửi đến người nộp thuế qua thư điện tử; hoạt động tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền viên của Đảng và các hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội; coi trọng tuyên truyền, phổ biến chính sách trên hệ thống báo chí trong tỉnh, các ấn phẩm mang tính báo chí và trang thông tin điện tử của các ngành,...tập trung phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người nộp thuế về các chính sách và thủ tục hành chính thuế, nhất là các quy định mới ban hành hoặc sửa đổi bổ sung (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, phí - lệ phí, phát hành, sử dụng hóa đơn...) làm cho chính sách pháp luật thuế mới trở thành dễ hiểu và dễ đi vào cuộc sống;

- Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ người nộp thuế đa dạng, thông qua việc cung cấp mở rộng các dịch vụ điện tử về thuế, cung cấp các dịch vụ tra cứu thông tin 24/24 giờ qua mạng internet...để người nộp thuế dễ tra cứu các chính sách, pháp luật về thuế; khuyến khích, hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian làm dịch vụ về thuế, đáp ứng yêu cầu xã hội hóa một số dịch vụ như chăm sóc khách hàng, thu hộ…;

- Nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận “một cửa”, nêu cao tinh thần phục vụ, hỗ trợ người nộp thuế, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước;

- Xây dựng đội ngũ cộng tác viên trong ngành và ngoài ngành để thông tin kịp thời chủ trương chính, sách thuế thông qua xã hội hóa thông tin và nâng cao chất lượng bài viết về thuế để người nộp thuế biết và hiểu chính sách thuế một cách dễ dàng, từ đó thực thi pháp luật thuế ngày càng được nâng cao;

- Tôn vinh, tuyên dương kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước; lên án mạnh mẽ các hành vi gian lận, trốn thuế, để nợ đọng thuế, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân trong công tác thuế.

3. Thực hiện tốt cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, công khai hóa quy trình nghiệp vụ quản lý của cơ quan thuế theo hướng tạo điều kiện cho người nộp thuế

- Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1491/QĐ-BTC ngày 30 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về Ban hành Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Tài chính giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 2827/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng về ban hành kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng;

- Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm tăng cường sự bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch; rút ngắn thời gian nộp thuế, từ năm 2016 thời gian thực hiện hoàn thành thủ tục khai thuế, nộp thuế được rút ngắn xuống dưới 117 giờ/năm và đạt mức trung bình của các nước ASEAN-4 đối với 03 nhóm chỉ tiêu mới: Kiểm tra trước hoàn thuế; thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý những khiếu nại về thuế. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo số doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử đạt trên 95%, nộp thuế điện tử tối thiểu đạt 90%; đến năm 2020, bảo đảm mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính đạt trên 80%;

- Công bố, công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính bằng các hình thức thiết thực và thích hợp; duy trì và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý. Xử lý kịp thời các thông tin và vướng mắc phản ánh, kiến nghị của người nộp thuế, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc giải quyết các nội dung liên quan đến công tác thuế, người nộp thuế qua một cửa liên thông;

- Tiếp tục áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2008 ở Văn phòng Cục Thuế và Chi cục Thuế các huyện, thành phố để kiểm soát tốt chức năng nhiệm vụ của các bộ phận, công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ nhằm ngăn ngừa hành vi tiêu cực, sách nhiễu gây phiền hà cho tổ chức, doanh nghiệp và người nộp thuế. Đồng thời rút ngắn thời gian, giải quyết nhanh gọn, kịp thời, chính xác, đúng quy định của pháp luật về thuế liên quan đến người nộp thuế;

- Triển khai thực hiện Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin ngành thuế giai đoạn 2016-2020 theo triển khai của Tổng cục Thuế, nhằm mục tiêu hướng tới thực hiện hệ thống thuế điện tử và Chính phủ điện tử, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng, minh bạch và phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất cao với hệ thống thông tin điện tử ngành Tài chính và phát huy được toàn bộ nguồn lực và tính chủ động của các đơn vị;

- Phối hợp với các ngành có liên quan ứng dụng công nghệ tin học hỗ trợ tích cực cải cách thủ tục hành chính trong việc thực hiện cơ chế một cửa ở cơ quan thuế, cơ chế một cửa liên thông trong việc cấp giấy phép, cấp mã số thuế, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất, tài sản trên đất liên quan đến doanh nghiệp và người dân;

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý thuế, gắn chặt với quá trình cải cách hành chính thuế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Thuế, thực hiện minh bạch hóa thủ tục thuế phục vụ người nộp thuế và doanh nghiệp tốt hơn, chất lượng hơn;

- Giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức thuế trong việc phục vụ người nộp thuế; thường xuyên giám sát, đánh giá chất lượng công chức trong thực thi nhiệm vụ, không để công chức có biểu hiện gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu, thiếu tinh thần trách nhiệm.

4. Thực hiện tốt công tác quản lý người nộp thuế, giám sát chặt chẽ kê khai, nộp thuế

- Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp thực hiện xử lý dữ liệu, truyền nhận dữ liệu, theo dõi vận hành hệ thống trong quá trình phối hợp trao đổi thông tin gồm: trao đổi các Danh mục dùng chung, các mã giao dịch được hệ thống quy định cho từng giao dịch theo Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 23 tháng 02 năm 2016 của Liên bộ Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính; hàng quý rà soát, đối chiếu để xác định chính xác số doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang hoạt động, ngừng, nghỉ kinh doanh, bỏ trốn, mất tích...; kiểm tra thực tế các doanh nghiệp, cá nhân được cấp giấy phép kinh doanh, cấp mã số thuế nhưng không hoạt động, hoặc có hoạt động nhưng không kê khai thuế; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã bỏ địa điểm kinh doanh; xử lý kịp thời các trường hợp sản xuất kinh doanh nhưng không đăng ký thuế;

- Công khai thuế của các hộ kinh doanh bao gồm: Niêm yết thông tin bằng giấy tại địa bàn; gửi trực tiếp đến cá nhân kinh doanh, đến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn; công khai thông tin trên trang thông tin điện tử của ngành Thuế;

- Đối với hộ kinh doanh cá thể: thực hiện kê khai cả năm và nộp thuế hàng quý trực tiếp vào Kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng theo lộ trình của ngành thuế hoặc ủy nhiệm thu; cơ quan thuế quản lý lập bộ thuế, thực hiện công khai doanh thu, mức thuế đối với hộ kinh doanh khoán ổn định thuế đúng qui trình quản lý;

- Thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất kinh doanh của người nộp thuế; phân loại đối tượng nộp thuế theo loại hình, lĩnh vực, quy mô, địa bàn hoạt động sản xuất kinh doanh và hình thức quản lý thuế để chống thất thu về đối tượng và tiền thuế.

5. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế

- Căn cứ nhiệm vụ, kế hoạch được giao hàng năm, cơ quan thuế các cấp rà soát, bố trí sắp xếp hợp lý công chức nhằm tập trung nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, kiểm tra; đi sâu vào những lĩnh vực mang tính thời sự, những vấn đề nóng, có nhiều bức xúc, có rủi ro cao về thuế và được dư luận xã hội quan tâm; công tác chỉ đạo, điều hành trong thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra phải cụ thể, linh hoạt; vừa thực hiện những cuộc thanh tra toàn diện theo đối tượng để đánh giá việc chấp hành pháp luật về thuế, vừa tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề, chuyên sâu.

- Đổi mới phương pháp thanh, kiểm tra hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế theo hướng điện tử, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra thuế theo nguyên tắc rủi ro trọng yếu, phân tích chuyên sâu hồ sơ của doanh nghiệp được thanh, kiểm tra tại cơ quan thuế trước khi tiến hành thanh, kiểm tra tại doanh nghiệp theo các tiêu chí rủi ro đối với từng lĩnh vực, loại hình kinh doanh, để lựa chọn các nội dung trọng tâm cần thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp, đảm bảo rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, công tác thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả cao.

- Sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin của người nộp thuế kịp thời, đầy đủ trong suốt quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế để rà soát, phân loại những ngành nghề có rủi ro cao nhằm kịp thời đưa ra các biện pháp đấu tranh với các hành vi gian lận; thường xuyên phân tích rủi ro trong việc lựa chọn doanh nghiệp để tiến hành thanh tra, kiểm tra; có kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm, giao chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra cho các đơn vị; tập trung triển khai kiểm tra, thanh tra các cơ sở kinh doanh có rủi ro cao về thuế, các lĩnh vực còn thất thu:

+ Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giao dịch liên kết, xây dựng Đề án chống chuyển giá, thương mại điện tử và các dự án đầu tư mới, các dự án trọng điểm về thủy điện, du lịch, khách sạn, nhà hàng, karaoke, các dự án đất đai, các doanh nghiệp ngành xây dựng; xây dựng Đề án chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và trong chuyển nhượng dự án và một số lĩnh vực quản lý thuế.

+ Các doanh nghiệp kê khai âm thuế liên tục, doanh nghiệp kê khai lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư, doanh nghiệp có khả năng về tài chính nhưng nợ thuế kéo dài, doanh nghiệp có quy mô sản xuất kinh doanh lớn nhưng nộp thuế thấp; các doanh nghiệp có số thuế hoàn lớn và liên tục nhiều kỳ trong năm.

- Tăng cường kiểm tra kê khai thuế của người nộp thuế; chú trọng kiểm tra việc chấp hành chính sách thuế của doanh nghiệp, tập trung kiểm tra doanh thu, chi phí, giá mua vào, bán ra trên hóa đơn để xác định chính xác số thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước.

- Rà soát, quản lý chặt chẽ đối tượng nộp thuế, phân loại giám sát chặt các đối tượng có dấu hiệu kinh doanh mua bán hóa đơn bất hợp pháp, trốn thuế...để kịp thời ngăn chặn các dạng tội phạm trong lĩnh vực thuế.

- Thường xuyên tổng kết đúc rút hành vi vi phạm phát hiện bất cập vướng mắc về chính sách chế độ qua thanh tra, kiểm tra thực tế để tháo gỡ hoặc đề xuất chính sách chế độ phù hợp tình hình thực tế, ngăn chặn lợi dụng kẽ hở chính sách để gian lận thuế; công khai các kết luận thanh tra, kiểm tra trên phương tiện thông tin đối với các doanh nghiệp gian lận, trốn thuế theo quy định.

- Cơ quan thuế chủ động xây dựng quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin một cách đầy đủ, hiệu quả, kịp thời giữa các bộ phận chức năng tại cơ quan thuế và giữa cơ quan thuế với các cơ quan quản lý nhà nước như: Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch - Đầu tư, Công an, Công thương, Hải quan, Ngân hàng... nhằm thu thập thông tin về người nộp thuế, ngăn chặn kịp thời các hành vi cố tình gian lận, trốn thuế.

- Tăng cường công tác kiểm tra giám sát các đoàn thanh tra, kiểm tra về thực hiện quy trình, nội dung thanh tra, kiểm tra, đảm bảo theo quy định pháp luật.

- Tăng cường nguồn lực, bố trí công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra từ 30% đến 35%/tổng số công chức của đơn vị; xây dựng tài liệu hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn, trao đổi nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng cho công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế; chú trọng đào tạo chuyên sâu về kỹ năng tham gia tố tụng, đào tạo về kinh nghiệm thanh tra chống chuyển giá và quản lý thuế đối với doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử.

6. Tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, giảm thiểu nợ đọng thuế

- Cơ quan thuế các cấp giám sát chặt chẽ kê khai thuế, đôn đốc người nộp thuế nộp đúng, nộp đủ, kịp thời thuế phát sinh, số thuế phát hiện sau thanh tra, kiểm tra vào ngân sách nhà nước hạn chế tối đa nợ đọng thuế; tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, thực hiện đầy đủ quy trình quản lý nợ thuế, quy trình cưỡng chế nợ thuế;

- Thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, thông tin của người nộp thuế; tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế, tạo điều kiện để người nộp thuế khắc phục khó khăn ổn định sản xuất kinh doanh và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế;

- Phối hợp với các tổ chức Đảng, đoàn thể để tuyên truyền chính sách pháp luật thuế, vận động người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế, trong đó nhấn mạnh đến thời hạn kê khai thuế và thời hạn nộp thuế;

- Thực hiện tốt công tác phối hợp với các ngành chức năng, các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, Ban Quản lý dự án... để trao đổi thông tin nhằm triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ đôn đốc thu nợ tiền thuế và cưỡng chế nợ thuế của các tổ chức, cá nhân còn nợ đọng tiền thuế;

- Kiên quyết xử lý thu hồi nợ đọng, thực hiện biện pháp cưỡng chế tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước; phấn đấu tiền thuế nợ nhằm đảm bảo tỷ lệ nợ đọng dưới mức của ngành đã quy định.

7. Phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chủ của cơ sở trong quản lý nguồn thu ngân sách nhà nước

- Thực hiện phân cấp rõ ràng phạm vi, đối tượng quản lý, kiểm tra giữa Cục Thuế và Chi cục Thuế các huyện, thành phố để không chồng chéo theo Thông tư số 127/2015/TT-BTC ngày 21 tháng 8 năm 2015 của Bộ Tài chính, hướng dẫn việc cấp mã số doanh nghiệp thành lập mới và phân công cơ quan thuế quản lý đối với doanh nghiệp, chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, bao gồm các trường hợp: thành lập mới; tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, sáp nhập và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp); thay đổi địa chỉ trụ sở khác địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Các ngành Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng và Cục Thuế thường xuyên phối hợp rà soát quy hoạch, nguồn gốc nhà đất và hiệu quả đầu tư của dự án, triển khai thu các khoản liên quan về đất nhà, các khoản thu quản lý qua ngân sách kịp thời và có kế hoạch thu theo từng quý, từng năm không dồn vào tháng, quý cuối năm.

8. Tăng cường công tác quản lý nội bộ ngành thuế, xây dựng đội ngũ công chức thuế có tinh thần trách nhiệm, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao và có đạo đức nghề nghiệp

8.1. Củng cố tổ chức bộ máy:

- Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của từng đơn vị; trên cơ sở đó rà soát xây dựng phương án sắp xếp tổ chức theo hướng tập trung đầu mối theo lĩnh vực, thực hiện chuyên môn hóa, tránh chồng chéo đảm bảo sự thống nhất về đầu mối để quản lý thu ngân sách có hiệu quả nhất và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quản lý và định hướng phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương;

- Bố trí nguồn nhân lực phù hợp cho những địa phương, đơn vị tập trung nhiều đối tượng nộp thuế, có số thu lớn cần tập trung quản lý; tăng cường nguồn nhân lực cho những chức năng quản lý chính, với quy mô biên chế hiện tại để tăng cường cán bộ cho công tác thanh tra, kiểm tra;

- Tăng cường thẩm quyền của cơ quan thuế các cấp theo hướng đề cao trách nhiệm của mỗi cấp trong thực hiện nhiệm vụ và của cá nhân trong thực thi công vụ, tạo sự chuyển biến thực sự về trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong toàn ngành thuế;

- Nâng cao hiệu lực quản lý và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ công chức thuế theo đúng quy định chức năng, nhiệm vụ nhằm bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thu ngân sách, đảm bảo bộ máy thường xuyên được kiện toàn và hoạt động tốt hơn, gọn nhẹ hơn, hiệu quả quản lý thuế tốt hơn và đúng theo chiến lược cải cách hệ thống thuế; thực hiện tốt việc đề bạt bổ nhiệm, luân phiên, luân chuyển cán bộ, chuyển đổi vị trí công tác trong đơn vị, trong ngành;

- Tiếp tục củng cố và hình thành các Đội thuế liên xã, phường gọn nhẹ, gắn với chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn, số cán bộ biên chế dôi ra do sắp xếp lại sẽ tập trung vào chức năng thanh tra, kiểm tra thuế;

- Tăng cường kiểm tra nội bộ, giám sát chặt chẽ công chức thuế trong quá trình thực thi công vụ; chú trọng vào những lĩnh vực dễ xảy ra lãng phí, nhũng nhiễu người nộp thuế; phát hiện và xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

8.2. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức công chức thuế:

- Đẩy mạnh triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu theo từng chức năng quản lý cho công chức thuế, với kế hoạch, quy hoạch đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ của ngành; kịp thời triển khai, tập huấn chính sách, pháp luật thuế, các quy trình và kỹ năng quản lý thuế cho công chức thuế;

- Thường xuyên tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trách nhiệm chính trị và phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của công chức thuế, thực hiện nghiêm 10 điều kỷ luật của ngành; những tiêu chuẩn cần “xây”, những điều cần “chống”; có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước, kiến thức quốc phòng, thường xuyên cập nhật chính sách thuế, nghiệp vụ quản lý thuế, ứng dụng tin học, ngoại ngữ và phong cách ứng xử của công chức thuế.

9. Phát huy sức mạnh tổng hợp của của hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước

Ngành thuế phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở xã, phường, thị trấn; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Tuyên giáo, hệ thống giáo dục... để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức về thuế cho tổ chức, cá nhân nộp thuế và nhân dân hiểu rõ nghĩa vụ và quyền lợi để thực hiện tốt pháp luật về thuế, tạo được niềm tin trong quần chúng nhân dân và cộng đồng các doanh nghiệp đồng thuận; tạo môi trường quản lý và thu thuế lành mạnh; cùng xử lý kịp thời những vướng mắc trong quá trình quản lý thu, đảm bảo tính đồng bộ trong quản lý kinh tế và ngân sách của chính quyền các cấp; đồng thời đẩy nhanh quá trình xã hội hóa công tác thuế, đặc biệt là công khai minh bạch thủ tục hành chính, qui trình quản lý thuế để nhân dân tham gia giám sát, đóng góp cho ngành thuế về công tác quản lý thu; gắn công tác vận động thu - nộp thuế với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa.

10. Phát động phong trào thi đua, khen thưởng trong toàn ngành

- Thường xuyên phát động các phong trào thi đua trong toàn ngành, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có chỉ tiêu nội dung thi đua cụ thể; sau mỗi đợt thi đua cần kịp thời tôn vinh, tuyên dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân đã đạt các chỉ tiêu phát động;

- Xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, cá nhân phát huy sáng kiến, cải tiến phương pháp công tác;

- Toàn ngành thi đua thực hành tiết kiệm, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

III. Trách nhiệm triển khai thực hiện Đề án của ngành tài chính, kho bạc, thuế, hải quan, UBND huyện, thành phố và các sở, ngành trong tỉnh

1. Đối với cơ quan tài chính, kho bạc, thuế, hải quan

- Tổ chức học tập quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm nhằm nâng cao nhận thức chính trị của đảng viên, công chức trong đơn vị và xây dựng ý thức trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thực hiện giao dự toán thu cho các đơn vị, bộ phận ngay từ đầu năm, có phân lộ trình thu hàng quý và giao nhiệm vụ thu hàng tháng đối với các đơn vị trực thuộc quản lý thực hiện;

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất các chính sách liên quan đến công tác quản lý thu - chi ngân sách trên địa bàn; trong đó:

1.1. Cục Thuế:

- Chịu trách nhiệm thực hiện dự toán thu ngân sách về thuế, phí do Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh giao; đảm bảo chỉ tiêu thu về thuế, phí hàng năm tăng từ 12-14%;

- Thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác thu ngân sách trên địa bàn; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể trong lĩnh vực quản lý thuế, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp đề ra ngay từ đầu năm;

- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên: Hàng năm tổ chức sơ kết quy chế phối hợp giữa Cục Thuế với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, sơ kết thi đua và có kế hoạch phát động thi đua để triển khai ra quân vận động nhân dân nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp ngay từ đầu năm, có kế hoạch phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh trong công tác vận động thu nộp thuế ở địa bàn dân cư;

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế: Tập trung thu thập dữ liệu, phân tích kỹ các thông tin để đánh giá mức độ rủi ro, lựa chọn doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế để lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra; tập trung thanh tra, kiểm tra vào những địa bàn, một số ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm; xử lý kịp thời, đúng luật những doanh nghiệp, hộ kinh doanh vi phạm nhằm mục đích trốn lậu thuế và đôn đốc thu các khoản tiền thuế, tiền phạt sau thanh, kiểm tra vào ngân sách đúng thời gian quy định của pháp luật;

- Tăng cường áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế: Triển khai thực hiện giao chỉ tiêu thu nợ hàng năm theo chỉ đạo của ngành thuế; thực hiện việc phân loại nợ và phân tích cụ thể nguyên nhân nợ đến từng doanh nghiệp để có biện pháp xử lý phù hợp và kịp thời theo quy định của pháp luật;

- Thực hiện các chuyên đề quản lý thuế: Tiếp tục thực hiện Đề án “Đổi mới công tác quản lý thuế đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch và ăn uống”; Đề án “Quản lý thuế Tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với hoạt động khai thác khoáng sản”; Đề án “Tăng cường biện pháp quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô và xây dựng Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng bất động sản và chuyển nhượng dự án”, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Xây dựng đề án “Chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu”;

- Tập trung triển khai các chính sách thuế mới theo quy định; đẩy mạnh tiến trình cải cách hiện đại hóa ngành thuế, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thu ngân sách;

- Phát động phong trào thi đua với mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung cụ thể, sát thực tế; có phát động thi đua cả năm và hàng quý, thi đua theo các chuyên đề, đồng thời sau mỗi đợt thi đua cần sơ tổng kết, động viên khen thưởng kịp thời.

1.2. Sở Tài chính:

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm phát triển nguồn thu, duy trì nguồn thu; các loại giá liên quan đến tính thuế, phí, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tỷ lệ điều tiết các khoản thu cho các cấp ngân sách để khuyến khích địa phương, đơn vị tăng thu cho ngân sách;

- Tham mưu Ủy ban nhân dân các cấp trong xây dựng, điều hành thu ngân sách hàng năm và cả giai đoạn; thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt giá các khoản thu về đất, thu lệ phí theo quy định của pháp luật;

- Đôn đốc các ngành liên quan để thu hoặc ghi thu, ghi chi kịp thời vào ngân sách các khoản thu khác và thu biện pháp tài chính đảm bảo đúng tiến độ và đúng luật.

1.3. Chi cục Hải quan Đà Lạt:

- Căn cứ kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và Cục Hải quan Đắk Lắk về chống buôn lậu, gian lận thương mại, phối hợp với cơ quan chức năng nắm bắt hiệu quả về hoạt động kinh doanh của các dự án, đề xuất, kiến nghị mức thuế suất, các chính sách thuế, phương pháp tính thuế xuất nhập khẩu phù hợp tình hình mới để có biện pháp kiểm tra ngăn chặn các trường hợp gian lận qua giá tính thuế, chuyển giá;

- Thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ; cải cách thủ tục hành chính; tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, hướng dẫn doanh nghiệp về làm thủ tục, nộp thuế; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của tỉnh như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Cục Thuế trong việc nắm thông tin dự án; phối hợp chặt chẽ trong công tác thu ngân sách nhà nước giữa Hải quan - Kho bạc - Cục Thuế - Ngân hàng thương mại; phối hợp chặt chẽ giữa Hải quan - Cục Thuế trong xử lý bù trừ thuế được hoàn cho các khoản nợ đọng, trao đổi thông tin về tình hình chấp hành pháp luật thuế để đánh giá tuân thủ pháp luật của người nộp thuế”.

1.4. Kho bạc Nhà nước:

Thông qua kiểm soát chi vốn đầu tư XDCB, phối hợp với cơ quan thuế thu thuế; phối hợp triển khai thực hiện Dự án kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử theo tiến độ triển khai của ngành nhằm tập trung nhanh chóng các khoản thu vào ngân sách nhà nước.

2. UBND các huyện, thành phố

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 và các nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức chính trị của cán bộ đảng viên, công chức, xây dựng ý thức trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách được giao của địa phương;

- Báo cáo cấp ủy để huy động hệ thống chính trị cùng thực hiện công tác quản lý và thu ngân sách trên địa bàn; chỉ đạo tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện thu ngân sách từng tháng, quý, năm; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện để các dự án, công trình đầu tư trên địa bàn thực hiện đúng tiến độ sớm đưa vào vận hành, khai thác; phân công, phân cấp cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, cơ quan Tài chính, Thuế, .... quản lý tận gốc các khoản thu, chú trọng các nguồn thu về thuế, phí, lệ phí, các khoản thu từ đất.

3. Đối với các sở, ban ngành có liên quan

Hàng năm phối hợp với Cục Thuế xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai có hiệu quả các quy chế phối hợp trong việc quản lý thu ngân sách trên địa bàn.

3.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực tài chính, có tâm huyết, muốn gắn bó đầu tư lâu dài để triển khai các dự án có quy mô lớn, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế, tạo ra nguồn thu bền vững và lâu dài của tỉnh; đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư; đồng thời hỗ trợ, tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, quy trình thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh ngày càng đơn giản, rõ ràng, công khai, minh bạch;

- Phối hợp với ngành thuế, hải quan duy trì thực hiện đồng bộ trong việc kết nối thông tin đăng ký mã số thuế đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính thuế giao dịch nhận từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chủ trương của Chính phủ về việc đăng ký doanh nghiệp và thường xuyên rà soát, đối chiếu để xác định chính xác doanh nghiệp được cấp giấy phép, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh, không hoạt động, số đơn vị thực tế có sản xuất kinh doanh chưa được cấp giấy phép. Thực hiện rà soát việc thành lập doanh nghiệp, thu hồi giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp thành lập mới với mục đích chuyển giá, trốn thuế, thành lập doanh nghiệp nhưng không thực hiện sản xuất kinh doanh.

- Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư; thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan rà soát việc giao đất, cho thuê đất cho các tổ chức và các thông tin về thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến tính và nộp tiền thuê đất, phí sử dụng cơ sở hạ tầng; phối hợp cơ quan thuế trong việc thu thuế các hoạt động chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng vốn đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thuế, phí và tiền thuê đất.

- Phối hợp với cơ quan tài chính, kho bạc, thuế để quản lý thuế đối với các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách.

3.2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Xây dựng dự toán thu từ lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh hàng năm và cả giai đoạn; chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi thực hiện dự toán thu từ lĩnh vực đất đai;

- Rà soát việc giao đất, cho thuê đất cho các tổ chức, cá nhân và các thông tin về thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến tính và thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Kiểm tra hoạt động cấp mỏ, khai thác tài nguyên khoáng sản, phối hợp cơ quan thuế trong việc thu thuế các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp;

- Chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai thường xuyên phối hợp quản lý, kiểm tra và tổ chức kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế có hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản; phối hợp với các cơ quan thuế trong việc thu thuế các hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản, chuyển nhượng đất đai, tài sản.

3.3. Sở Công thương:

Tiếp tục triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa ngành thuế và công thương trong công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trong lĩnh vực thuế, kết hợp kiểm tra giá và kiểm tra thuế, kiểm tra hóa đơn để ngăn chặn việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, bình ổn giá...

3.4. Sở Giao thông vận tải:

Phối hợp thực hiện Đề án “Tăng cường biện pháp quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô do UBND tỉnh ban hành; quản lý chặt chẽ phương tiện vận tải, hàng quý cung cấp danh sách các đầu xe đã cấp phù hiệu kinh doanh vận tải để cơ quan thuế đưa vào quản lý thuế và phối hợp với cơ quan thuế xây dựng mức thu thuế của từng loại phương tiện vận tải sát, đúng với doanh số và mức thuế phát sinh.

3.5. Sở Xây dựng:

Phối hợp với cơ quan thuế để quản lý thu thuế trong lĩnh vực xây dựng cơ bản của các tổ chức, cá nhân; thu từ nguồn truy thu bán nhà hóa giá nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo đúng quy định.

3.6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Cùng cơ quan thuế, công an xây dựng việc trao đổi thông tin trên hệ thống hay mạng nội bộ và cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra liên ngành. Phối hợp với các ngành kiểm tra để nắm bắt, đánh giá, phân loại loại hình, quy mô và việc sử dụng lao động của các cơ sở kinh doanh.

3.7. Sở Tư pháp:

Phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thuế.

3.8. Công an tỉnh:

- Tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp giữa Cục Thuế và Công an tỉnh Lâm Đồng trong công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi, tội phạm trong lĩnh vực thuế. Rà soát để tổ chức sơ kết và sửa đổi bổ sung quy chế phối hợp trong việc thanh tra, kiểm tra ngăn ngừa, đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật thuế, đặc biệt là các hành vi tội phạm chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước;

- Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ trong công tác thu ngân sách và chống thất thu trên mọi lĩnh vực, tiến hành rà soát, chọn lọc những đối tượng có dấu hiệu nghi vấn gian lận, trốn thuế để lập kế hoạch phối hợp kiểm tra; chọn những trường hợp nợ đọng thuế lớn, kéo dài, các trường hợp cố tình không chấp hành quyết định xử lý, xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan thuế để phối hợp cưỡng chế nợ thuế.

3.9. Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh:

Kịp thời truy tố, xét xử nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật các vụ án trốn thuế.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Quán triệt công tác thu ngân sách là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các sở, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở; các ngành, các cấp phải xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới công tác quản lý thu ngân sách trong Đề án này để tổ chức thực hiện có hiệu quả, đạt được mục tiêu thu ngân sách mà Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X đã đề ra.

2. Cục Thuế tỉnh phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp xây dựng nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thuế thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để đưa chính sách thuế vào cuộc sống.

3. Ngành Thuế phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp triển khai cho các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân, đoàn viên, hội viên tham gia tích cực thực hiện chính sách pháp luật thuế và thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách khi có kinh doanh và nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hàng năm.

4. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đề án, nếu có các quy định mới về công tác quản lý thu ngân sách nhà nước của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì Đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý thu Ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020” sẽ được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

5. Cục Thuế có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện Đề án hàng năm, gắn với tổng kết công tác thuế./.

 

PHỤ BIỂU SỐ 1

KẾT QUẢ THỰC HIỆN THU NSNN GIAI ĐOẠN 2011 ĐẾN 2015

SỐ CHỈ TIÊU ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ THU NSNN GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Kèm theo Quyết định số 38/2016/QĐ-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

NỘI DUNG

Giai đoạn 2011-2015

Trong đó: năm

Chỉ tiêu nghị quyết

Chỉ tiêu giao hàng năm

Kết quả thực hiện 2011-2015

2011

2012

2013

2014

2015

1

Tổng dự toán thu NSNN hàng năm

29.800.000-30.500.000

26.950.000

 

3.800.000

4.650.000

5.500.000

6.000.000

7.000.000

 

Trong đó: Thu thuế, phí và lệ phí

19.200.000-19.700.000

14.850.000

 

2.150.000

2.700.000

3.000.000

3.200.000

3.800.000

2

Tổng thu NSNN trên địa bàn

 

 

24.770.435

4.006.543

4.481.806

4.865.957

5.481.422

5.934.708

2.1

Tổng thu cân đối nội địa

 

 

18.370.701

3.103.312

3.289.194

3.674.737

4.085.267

4.218.190

 

- Các khoản thuế phí và lệ phí

 

14.850.000

13.008.148

2.165.329

2.379.552

2.571.020

2.847.496

3.044.751

 

* Tỷ trọng thu thuế phí trong tổng thu NSNN (%)

 

55,10

52,51

54,04

53,09

52,84

51,95

51,30

 

- Thu từ đất, nhà

 

3.365.000

4.020.025

745.902

662.230

846.959

791.036

973.898

 

- Thu khác Ngân sách

 

 

1.342.528

192.081

247.412

256.758

446.735

199.541

2.2

Thu từ HĐ xuất nhập khẩu

 

 

637.207

208.900

169.091

79.817

87.362

92.037

2.3

Thu quản lý qua ngân sách

 

 

5.762.527

694.330

1.023.521

1.111.402

1.308.792

1.624.481

3

So sánh

 

 

 

 

 

 

 

 

3.1

- Dự toán năm sau tăng trưởng so thực hiện năm trước (%)

 

 

 

124,59

122,37

118,28

109,09

116,67

 

Trong đó: Thu thuế phí và lệ phí(%)

 

 

 

113,16

125,58

111,11

106,67

118,75

3.2

- Thực hiện năm sau so thực hiện năm trước (%)

 

 

 

115,71

111,86

108,57

112,65

108,27

 

Trong đó: Thu thuế phí và lệ phí(%)

 

 

 

131,69

109,89

108,05

110,75

106,93

3.3

- Thực hiện 2011-2015 so dự toán tỉnh giao hàng năm (%)

 

 

91,91

 

 

 

 

 

 

Trong đó: Thu thuế phí và lệ phí(%)

 

 

87,60

 

 

 

 

 

3.4

- Thực hiện 2011-2015 so Đề án 20/2011/QĐ-UBND (%)

 

 

83,1 ; 81,2

 

 

 

 

 

 

Trong đó: Thu thuế phí và lệ phí (%)

 

 

67,8 ; 66

 

 

 

 

 

3.5

Tỷ lệ động viên thu NSNN trên địa bàn vào GRDP theo giá thực tế

13,8-14,3%

 

10,4%

 

 

 

 

 

 

Trong đó: Thu thuế phí và lệ phí

8,7 - 9,3%

 

5,4%

 

 

 

 

 

3.6

- Thực hiện giai đoạn 2011-2015 so 2006-2010

11.693.000

 

211,8%

 

 

 

 

 

 

Trong đó: Thu thuế phí và lệ phí

6.347.300

 

204,9%

 

 

 

 

 

3.7

- Tăng trưởng bình quân 5 năm

 

 

11,4%

 

 

 

 

 

 

Trong đó: Thu thuế phí và lệ phí

 

 

13,1%

 

 

 

 

 

 

PHỤ BIỂU SỐ 2

KẾT QUẢ THỰC HIỆN THU NSNN GIAI ĐOẠN 2011 ĐẾN 2015

NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ KÈM THEO ĐỀ ÁN SỐ 20/2011/QĐ-UBND
(Kèm theo Quyết định số 38/2016/QĐ-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Đơn vị tính: Tỷ đồng

Số TT

ĐƠN VỊ

Cả giai đoạn 2011.2015

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Tổng thu NSNN

Trong đó, thu thuế phí

Chỉ tiêu Nghị quyết

Thực hiện

TH so chỉ tiêu NQ (%)

Tăng/ giảm so chỉ tiêu Nghị quyết

Chỉ tiêu Nghị quyết

Thực hiện

TH so chỉ tiêu NQ (%)

Tăng/ giảm so chỉ tiêu Nghị quyết

Chỉ tiêu Nghị quyết

Thực hiện

TH so chỉ tiêu NQ (%)

Chỉ tiêu Nghị quyết

Thực hiện

TH so chỉ tiêu NQ (%)

Chỉ tiêu Nghị quyết

Thực hiện

TH so chỉ tiêu NQ

Chỉ tiêu Nghị quyết

Thực hiện

TH so chỉ tiêu NQ

Chỉ tiêu Nghị quyết

Thực hiện

TH so chỉ tiêu NQ

*

TNG

29.798,0

24.770,5

83,13

-5.027,5

15.891,2

13.008,1

81,86

-2.883,1

4.170,3

4.006,5

96,07

4.921,5

4.481,8

91,07

5.795,5

4.866,0

83,96

6.813,3

5.481,4

80,45

8.097,5

5.934,7

73,29

1

ĐÀ LẠT

15.135,0

11.623,4

76,80

-3.511,6

6.378,6

4.714,4

73,91

-1.664,2

2.097,3

1.687,4

80,46

2.483,3

2.001,5

80,60

2.940,7

2.322,3

78,97

3.484,9

2.556,9

73,37

4.128,8

3.055,3

74,00

2

BẢO LỘC

3.000,0

3.208,3

106,94

208,3

2.385,0

2.053,5

86,10

-331,5

418,0

624,3

149,38

470,1

545,3

116,00

566,1

566,3

100,04

691,1

698,4

101,06

854,9

774,0

90,54

3

BẢO LÂM

1.507,0

2.286,3

151,71

779,3

1.415,0

1.911,9

135,12

496,9

216,3

241,9

111,81

236,9

328,1

138,51

283,0

474,8

167,77

361,7

678,1

187,47

409,1

563,4

137,73

4

ĐỨC TRỌNG

2.804,0

2.643,2

94,27

-160,8

2.135,0

1.781,6

83,45

-353,4

389,9

382,9

98,22

472,6

482,3

102,05

546,4

472,7

86,51

638,3

656,2

102,82

756,9

649,1

85,75

5

ĐƠN DƯƠNG

289,9

501,8

173,09

211,9

221,8

272,1

122,68

50,3

50,1

89,0

177,69

51,5

89,1

172,96

56,9

103,9

182,66

62,6

112,1

179,13

68,9

107,7

156,43

6

DI LINH

2.150,0

1.493,3

69,46

-656,7

1.450,0

992,9

68,48

-457,1

290,6

302,4

104,06

386,2

350,2

90,68

428,0

340,0

79,44

470,0

237,5

50,54

575,2

263,1

45,75

7

LÂM HÀ

1.600,0

1.090,7

68,17

-509,3

1.350,5

651,0

48,20

-699,5

189,0

241,0

127,49

255,8

287,7

112,48

306,5

236,7

77,25

366,8

180,7

49,26

481,9

144,5

29,99

8

ĐẠ HUOAI

203,7

270,0

132,53

66,3

157,9

159,6

101,08

1,7

30,9

49,2

159,37

34,5

46,1

133,66

40,7

51,6

126,74

42,7

59,6

139,85

55,0

63,5

115,37

9

ĐẠ TẺH

171,3

254,9

148,76

83,5

120,9

113,7

94,04

-7,2

25,7

57,1

222,16

29,3

44,7

152,73

33,5

52,9

157,87

38,5

51,3

133,12

44,4

48,9

110,29

10

CÁT TIÊN

200,5

231,8

115,60

31,3

97,6

99,6

102,05

2,0

30,0

38,0

126,50

33,0

44,1

133,65

39,6

47,8

120,58

45,5

48,5

106,44

52,4

53,5

102,17

11

LẠC DƯƠNG

169,6

267,8

157,91

98,2

113,4

175,4

154,67

62,0

26,8

36,3

135,27

30,2

48,4

160,17

33,2

68,3

205,83

37,2

53,9

144,84

42,2

61,0

144,48

12

ĐAM RÔNG

106,9

261,8

245,02

155,0

65,5

82,4

125,80

16,9

15,7

48,1

306,11

18,2

45,2

248,93

21,0

48,9

233,44

24,0

60,9

253,36

28,0

58,7

209,68

13

HẢI QUAN

2.460,0

637,2

25,90

-1.822,8

 

 

 

 

390,0

208,9

53,56

420,0

169,1

40,26

500,0

79,8

15,96

550,0

87,4

15,88

600,0

92,0

15,34

* Ghi chú: Thuế phí, chưa bao gồm thuế phí của Hải quan thu

 

PHỤ BIỂU SỐ 3

CHỈ TIÊU THU NSNN GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Kèm theo Quyết định số 38/2016/QĐ-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)

ĐVT: Triệu đồng

STT

Chỉ tiêu

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Tổng 2016-2020

Tổng thu

% so năm trước

Tổng thu

% so năm trước

Tổng thu

% so năm trước

Tổng thu

% so năm trước

* Toàn tỉnh

Tng thu

6.800.000

7.450.000

110

8.160.000

110

8.936.000

110

9.955.000

111

41.301.000

1

Thuế phí

3.720.000

4.280.000

115

4.740.000

111

5.275.000

111

5.965.000

113

23.980.000

1.1

Tỉnh thu

2.338.000

2.718.900

116

2.976.500

109

3.281.000

110

3.712.800

113

15.027.200

1.2

Huyện, TP thu

1.382.000

1.561.100

113

1.763.500

113

1.994.000

113

2.252.200

113

8.952.800

2

Đất nhà

680.000

860.000

126

860.000

100

860.000

100

860.000

100

4.120.000

2.1

Đất

595.000

750.000

126

760.000

101

760.000

100

760.000

100

3.625.000

2.2

Nhà

85.000

110.000

129

100.000

91

100.000

100

100.000

100

495.000

3

Tài chính

2.300.000

2.160.000

94

2.400.000

111

2.636.000

110

2.960.000

112

12.456.000

4

Hải quan

100.000

150.000

150

160.000

107

165.000

103

170.000

103

745.000

I. Đà Lạt

Tng thu

1.871.380

2.197.400

117

2.378.690

108

2.594.330

109

2.872.410

111

11.914.210

1

Thuế phí

1.451.380

1.670.600

115

1.847.990

111

2.055.330

111

2.324.210

113

9.349.510

1.1

Tỉnh thu

951.380

1.105.600

116

1.209.990

109

1.334.330

110

1.509.210

113

6.110.510

1.2

TP thu

500.000

565.000

113

638.000

113

721.000

113

815.000

113

3.239.000

2

Đất nhà

359.000

459.100

128

455.600

99

455.600

100

455.600

100

2.184.900

2.1

Đất

274.000

349.100

127

355.600

102

355.600

100

355.600

100

1.689.900

2.2

Nhà

85.000

110.000

129

100.000

91

100.000

100

100.000

100

495.000

3

Tài chính

61.000

67.700

111

75.100

111

83.400

111

92.600

111

379.800

II. Bảo Lộc

Tng thu

807.600

940.800

116

1.027.820

109

1.124.770

109

1.246.860

111

5.147.850

1

Thuế phí

619.100

711.700

115

789.520

111

880.170

111

995.260

113

3.995.750

1.1

Tỉnh thu

351.100

408.700

116

447.520

109

493.170

110

558.260

113

2.258.750

1.2

TP thu

268.000

303.000

113

342.000

113

387.000

113

437.000

113

1.737.000

2

Đất nhà

142.000

177.500

125

181.000

102

181.000

100

181.000

100

862.500

3

Tài chính

46.500

51.600

111

57.300

111

63.600

111

70.600

111

289.600

III. Bảo Lâm

Tng thu

657.700

761.800

116

836.470

110

922.930

110

1.041.240

113

4.220.140

1

Thuế phí

608.900

705.600

116

776.170

110

858.030

111

971.240

113

3.919.940

1.1

Tỉnh thu

529.900

616.600

116

675.170

109

744.030

110

842.240

113

3.407.940

1.2

Huyện thu

79.000

89.000

113

101.000

113

114.000

113

129.000

113

512.000

2

Đất nhà

15.000

18.700

125

18.700

100

18.700

100

18.700

100

89.800

3

Tài chính

33.800

37.500

111

41.600

111

46.200

111

51.300

111

210.400

IV. Đức Trọng

Tổng thu

721.700

836.000

116

914.950

109

1.006.950

110

1.124.320

112

4.603.920

1

Thuế phí

575.700

663.000

115

733.650

111

816.450

111

923.620

113

3.712.420

1.1

Tỉnh thu

367.700

428.000

116

468.650

109

516.450

110

584.620

113

2.365.420

1.2

Huyện thu

208.000

235.000

113

265.000

113

300.000

113

339.000

113

1.347.000

2

Đất nhà

78.000

97.500

125

97.500

100

97.500

100

97.500

100

468.000

3

Tài chính

68.000

75.500

111

83.800

111

93.000

111

103.200

111

423.500

V. Đơn Dương

Tổng thu

110.370

126.450

115

139.250

110

153.260

110

169.070

110

698.400

1

Thuế phí

60.470

68.550

113

77.450

113

87.160

113

98.170

113

391.800

1.1

Tỉnh thu

5.470

6.350

116

6.950

109

7.660

110

8.670

113

35.100

1.2

Huyện thu

55.000

62.200

113

70.500

113

79.500

113

89.500

113

356.700

2

Đất nhà

18.000

22.500

125

22.500

100

22.500

100

22.500

100

108.000

3

Tài chính

31.900

35.400

111

39.300

111

43.600

111

48.400

111

198.600

VI. Di Linh

Tng thu

277.900

318.360

115

349.860

110

386.170

110

429.840

111

1.762.130

1

Thuế phí

175.500

200.960

115

223.260

111

249.370

112

281.640

113

1.130.730

1.1

Tỉnh thu

93.500

108.460

116

118.760

109

130.870

110

148.140

113

599.730

1.2

Huyện thu

82.000

92.500

113

104.500

113

118.500

113

133.500

113

531.000

2

Đất nhà

27.000

33.700

125

33.700

100

33.700

100

33.700

100

161.800

3

Tài chính

75.400

83.700

111

92.900

111

103.100

111

114.500

111

469.600

VII. Lâm Hà

Tng thu

154.780

174.620

113

193.920

111

215.310

111

239.250

111

977.880

1

Thuế phí

67.580

76.320

113

86.320

113

97.410

113

109.750

113

437.380

1.1

Tỉnh thu

4.580

5.320

116

5.820

109

6.410

110

7.250

113

29.380

1.2

Huyện thu

63.000

71.000

113

80.500

113

91.000

113

102.500

113

408.000

2

Đất nhà

10.800

13.500

125

13.500

100

13.500

100

13.500

100

64.800

3

Tài chính

76.400

84.800

111

94.100

111

104.400

111

116.000

111

475.700

VIII. ĐHuoai

Tng thu

66.490

75.960

114

83.810

110

92.700

111

103.170

111

422.130

1

Thuế phí

44.290

50.460

114

56.410

112

63.200

112

71.470

113

285.830

1.1

Tỉnh thu

12.290

14.260

116

15.610

109

17.200

110

19.470

113

78.830

1.2

Huyện thu

32.000

36.200

113

40.800

113

46.000

113

52.000

113

207.000

2

Đất nhà

7.000

8.700

124

8.700

100

8.700

100

8.700

100

41.800

3

Tài chính

15.200

16.800

111

18.700

111

20.800

111

23.000

111

94.500

IX. Đạ Tẻh

Tng thu

50.770

57.340

113

63.790

111

70.950

111

79.030

111

321.880

1

Thuế phí

27.470

31.040

113

35.090

113

39.650

113

44.730

113

177.980

1.1

Tỉnh thu

470

540

115

590

109

650

110

730

112

2.980

1.2

Huyện thu

27.000

30.500

113

34.500

113

39.000

113

44.000

113

175.000

2

Đất nhà

3.500

4.300

123

4.300

100

4.300

100

4.300

100

20.700

3

Tài chính

19.800

22.000

111

24.400

111

27.000

111

30.000

111

123.200

X. Cát Tiên

Tng thu

52.770

59.480

113

66.090

111

73.700

112

82.010

111

334.050

1

Thuế phí

25.570

28.880

113

32.590

113

36.900

113

41.610

113

165.550

1.1

Tỉnh thu

70

80

114

90

113

100

111

110

110

450

1.2

Huyện thu

25.500

28.800

113

32.500

113

36.800

113

41.500

113

165.100

2

Đất nhà

3.200

4.000

125

4.000

100

4.000

100

4.000

100

19.200

3

Tài chính

24.000

26.600

111

29.500

111

32.800

111

36.400

111

149.300

XI. Lạc Dương

Tng thu

68.170

78.530

115

85.890

109

94.200

110

104.400

111

431.190

1

Thuế phí

42.870

48.930

114

54.590

112

61.000

112

69.000

113

276.390

1.1

Tỉnh thu

17.870

20.730

116

22.690

109

25.000

110

28.300

113

114.590

1.2

Huyện thu

25.000

28.200

113

31.900

113

36.000

113

40.700

113

161.800

2

Đất nhà

11.000

13.700

125

13.700

100

13.700

100

13.700

100

65.800

3

Tài chính

14.300

15.900

111

17.600

111

19.500

111

21.700

111

89.000

XII. Đam Rông

Tổng thu

45.670

51.760

113

57.160

110

63.130

110

69.900

111

287.620

1

Thuế phí

21.170

23.960

113

26.960

113

30.330

113

34.300

113

136.720

1.1

Tỉnh thu

3.670

4.260

116

4.660

109

5.130

110

5.800

113

23.520

1.2

Huyện thu

17.500

19.700

113

22.300

113

25.200

113

28.500

113

113.200

2

Đất nhà

5.500

6.800

124

6.800

100

6.800

100

6.800

100

32.700

3

Tài chính

19.000

21.000

111

23.400

111

26.000

111

28.800

111

118.200

XIII. Khối tỉnh

Tổng thu

4.252.700

4.490.400

106

4.938.800

110

5.418.600

110

6.106.300

113

25.206.800

1

Thuế phí

2.338.000

2.718.900

116

2.976.500

109

3.281.000

110

3.712.800

113

15.027.200

2

Tài chính

1.814.700

1.621.500

89

1.802.300

111

1.972.600

109

2.223.500

113

9.434.600

3

Hải quan

100.000

150.000

150

160.000

107

165.000

103

170.000

103

745.000

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 38/2016/QĐ-UBND về Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý thu Ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

  • Số hiệu: 38/2016/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/06/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Đoàn Văn Việt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản