Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3744/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 04 tháng 8 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI KINH DOANH XĂNG DẦU  TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020, CÓ TÍNH ĐẾN 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Thương mại, ngày 14/6/2005;

Căn cứ Thông tư 17/2010/TT-BCT ngày 05 tháng 5 năm 2010 của Bộ Công Thương quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại;

Căn cứ Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh xăng dầu;

Căn cứ Thông tư số 38/2014/TT-BCT ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Văn bản số ...../SCT-QLTM ngày ...../..../2015 về việc đề nghị phê duyệt “Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, có tính đến năm 2025”, (kèm theo hồ sơ Quy hoạch và ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định, Biên bản họp Hội đồng thẩm định ngày .....tháng ... năm 2016),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, có tính đến năm 2025” với các nội dung sau đây:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

- Mạng lưới kinh doanh xăng dầu phải đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đảm bảo cung cấp đầy đủ và an toàn xăng dầu cho các phương tiện giao thông đồng thời đáp ứng nhu cầu của sản xuất công nghiệp, tiêu dùng của nhân dân và đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

- Quy hoạch phải vừa có tính hiện thực, vừa có tính dự báo, vừa kế thừa quy hoạch đã có; tận dụng tối đa những cơ sở kinh doanh hiện có đáp ứng được các điều kiện kinh doanh và các yêu cầu về cấp loại cửa hàng được quy định; các địa điểm được xem xét, lựa chọn, bố trí các cửa hàng xăng dầu có quy mô khác nhau phù hợp với từng tuyến đường, từng địa bàn cụ thể.

- Phát triển mạng lưới phải mang tính khoa học, đồng bộ với hệ thống các kho chứa xăng dầu, các phương tiện vận chuyển và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu; đảm bảo an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ; đảm bảo an toàn kỷ thuật, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa; đảm bảo khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh; không vi phạm các quy định của nhà nước có liên quan khác; những cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh cần kiên quyết xử lý những tồn tại bất hợp lý không phù hợp với yêu cầu của kinh doanh xăng dầu, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung:

Xây dựng mạng lưới kinh doanh xăng dầu phát triển đồng bộ, hiện đại có đủ loại hình và số lượng cần thiết với sự tham gia của các thành phần kinh tế trong môi trường cạnh tranh bình đẳng có sự quản lý điều hành của Nhà nước, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân, góp phần phát triển xuất khẩu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng trưởng kinh tế.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Xây dựng đủ về số lượng cửa hàng xăng dầu với quy mô được xác định trong quy hoạch với sự bố trí hợp lý, khoa học trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Lấy nhiệm vụ cung cấp xăng dầu cho các nhu cầu sử dụng thiết yếu, đồng thời bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn giao thông.

- Khắc phục những tồn tại đối với những cửa hàng xăng dầu chưa đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường. Kết hợp việc bán lẻ xăng dầu với các dịch vụ thương mại khác và hình thành những điểm giao thông tĩnh (trạm nghỉ) ở những địa điểm phù hợp dọc tuyến đường chính.

- Phát huy được nội lực, đặc biệt là huy động được các nguồn vốn của các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh.

- Tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp chủ động về kế hoạch đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp các cửa hàng xăng dầu hiện có.

- Từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xây dựng cửa hàng đã lâu mà chưa có đầy đủ các thủ tục theo quy định hiện hành (do lịch sử để lại) phù hợp với quy hoạch mạng lưới xăng dầu được quy hoạch lần này.

- Từng bước hoàn thành việc di dời, xóa bỏ những điểm kinh doanh xăng dầu ngoài quy hoạch; cải tạo, nâng cấp các điểm kinh doanh chưa đáp ứng tiêu chuẩn; xây mới các điểm kinh doanh theo quy hoạch.

- Phấn đấu đến năm 2025 mỗi xã có ít nhất 01 cửa hàng xăng dầu. Phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của các đối tượng tiêu dùng phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, chống gian lận thương mại, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo thị trường xăng dầu phát triển ổn định góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

3. Định hướng phát triển

- Định hướng phát triển mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu:

Tuân thủ quy hoạch của Bộ Công Thương tại các tuyến Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Bắc Nam phía Đông. Kế thừa mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu hiện có; khuyến khích việc nâng cấp, cải tạo các cửa hàng hiện có thành các cửa hàng ngày càng hiện đại; di dời, xóa bỏ các cửa hàng không đảm bảo tiêu chí và có nguy cơ về cháy nổ cao. Bổ sung các cửa hàng mới tuân thủ đầy đủ các tiêu chí theo quy định; ưu tiên bổ sung cửa hàng xăng dầu tại các tuyến đường tỉnh mới mở, đường liên xã, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Định hướng phát triển hệ thống kho chứa xăng dầu:

Tuân thủ Quy hoạch hệ thống kho xăng dầu toàn quốc, kho đầu mối tại Nghi Hương (thị xã Cửa Lò), Hưng Hòa (thành phố Vinh) và tại Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc); các kho trung chuyển hoặc kho phân phối tại trung tâm tiêu thụ vùng, đáp ứng nhu cầu từng vùng khu vực địa lý, đảm bảo lượng dự trữ cần thiết và giao nhận thuận tiện.

- Định hướng phát triển các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh: khuyến khích các doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư lớn phát triển, nâng cấp mạng lưới kinh doanh xăng dầu.

- Định hướng phát triển công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh: tăng cường công tác quản lý nhà nước, đưa mạng lưới kinh doanh xăng dầu đi vào nề nếp, đảm bảo bình đẳng trong kinh doanh.

II. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI KINH DOANH XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.

2.1. Tiêu chí kỹ thuật đối với cửa hàng bán lẻ và kho chứa xăng dầu

2.1.1. Căn cứ để xây dựng các tiêu chí quy định đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kho chứa xăng dầu

- Thông tư số 11/2013/TT-BCT ngày 18/6/2013 của Bộ Công Thương Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu: QCVN 01: 2013/BCT- Yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu;

- Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-GP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

- Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 3/4/2008 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN01:2008/BXD;

- Thông tư số 02/TT-BXD ngày 5/2/2010 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (QCVN 07:2010/BXD);

- Quy chuẩn Quốc gia QCVN 06:2010/ BXD: Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về phòng cháy chữa cháy cho nhà và công trình;

- TCVN 2622-1995: Phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình- Yêu cầu thiết kế;

- TCVN 5684-2003: An toàn chữa cháy các công trình dầu khí;

- TCVN-5334-2006: Thiết bị điện kho chứa dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ - Yêu cầu an toàn trong thiết kế, lắp đặt và sử dụng.

- TCVN 5307-2009: Kho chứa dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ - Yêu cầu thiết kế;

- TCVN 3890:2009: Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình - Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng’’

2.1.2. Quy định tiêu chí quy hoạch mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An

a) Đối với hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc đường Quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, đường Hồ Chí Minh: Tiêu chí thực hiện theo Quyết định số 1665/QĐ-BCT ngày 05/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch cửa hàng xăng dầu dọc tuyến Quốc lộ 1 đến năm 2020, có xét đến năm 2025; Quyết định số 6183/QĐ-BCT ngày 08/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 11617/QĐ-BCT ngày 22/12/2014 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Quy hoạch cửa hàng xăng dầu dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

b) Đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các khu vực trên bộ khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An:

- Tiêu chí về quy mô, diện tích:

+ Về quy mô xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các các khu vực trên bộ khác trên địa bàn tỉnh nghệ An gồm 03 loại cửa hàng xăng dầu loại I, II, III.

+ Về diện tích đất xây dựng cửa hàng xăng dầu, hiện nay chỉ được quy định tại Quy chuẩn Quốc gia QCXDVN 07/2010/BXD do Bộ Xây Dựng ban hành theo Quyết định số 02/QĐ-BXD ngày 05 tháng 02 năm 2010. Theo Quy chuẩn này diện tích đất xây dựng cửa hàng phụ thuộc vào cấp cửa hàng và vị trí xây dựng tại nội thành hay ngoại thành:

Cấp trạm xăng dầu

Diện tích đất (m2)

ở nội thành

Diện tích đất (m2)

ở ngoại thành

1

1000

3000

2

500

2000

3

300

1000

Vì vậy, nhằm đảm bảo các yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy và an toàn vệ sinh môi trường (theo các quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng nói chung và quy chuẩn quốc gia QCVN 01:2013-BCT và các tiêu chuẩn khác liên quan), cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các khu vực trên bộ khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An được phân thành 03 loại như sau:

. Cửa hàng bán lẻ xăng dầu loại I.

Diện tích sử dụng đất tối thiểu đạt 3.000 m2; chiều rộng mặt tiền khu đất tối thiểu 50m; có ít nhất 6 cột bơm loại 1 - 2 vòi. Kèm theo nhà nghỉ, bãi đỗ xe qua đêm, vệ sinh công cộng và các dịch vụ thương mại khác (đối với những cửa hàng dọc các tuyến Quốc lộ).

Nếu cửa hàng nằm trong các đô thị, có thể giảm các dịch vụ như: nhà nghỉ, bãi đỗ xe qua đêm, nhưng diện tích sử dụng đất tối thiểu phải đạt 1.000 m2, chiều rộng mặt tiền khu đất tối thiểu 40m.

. Cửa hàng bán lẻ xăng dầu loại II.

Diện tích sử dụng đất tối thiểu 2.000 m2; chiều rộng mặt tiền khu đất tối thiểu 40m; có ít nhất 4 cột bơm loại 1 - 2 vòi. Kèm theo các dịch vụ thương mại khác, có vệ sinh công cộng.

Nếu cửa hàng nằm trong các đô thị, có thể giảm các dịch vụ khác, diện tích sử dụng đất tối thiểu 500 m2, chiều rộng mặt tiền khu đất tối thiểu 30m.

. Cửa hàng bán lẻ xăng dầu loại III.

Diện tích sử dụng đất tối thiểu 500 m2; chiều rộng mặt tiền khu đất tối thiểu 25 m; có ít nhất 2 cột bơm loại 1 - 2 vòi, có vệ sinh công cộng.

Nếu cửa hàng nằm trong các đô thị, có thể giảm diện tích sử dụng đất tối thiểu 300 m2, chiều rộng mặt tiền khoảng 15 m trở lên.

- Tiêu chí về khoảng cách: áp dụng với các cửa hàng nằm dọc các đường Quốc lộ:

+ Cửa hàng trong khu vực nội thành, nội thị: đối với tuyến đường có dải phân cách giữa, khoảng cách giữa hai cửa hàng xăng dầu liền kề cùng phía dọc theo mỗi bên tuyến quốc lộ không nhỏ hơn 1 km; đối với tuyến đường không có dải phân cách giữa, khoảng cách giữa hai cửa hàng xăng dầu liền kề dọc theo mỗi bên của đoạn tuyến quốc lộ không nhỏ hơn 2 km;

+ Cửa hàng ngoài khu vực nội thành, nội thị: đối với đường có dải phân cách giữa, có đủ quỹ đất để xây dựng làn chuyển tốc (phương tiện qua nút giao chỉ rẽ phải), khoảng cách giữa hai cửa hàng xăng dầu liền kề cùng phía dọc theo mỗi bên của đoạn quốc lộ không nhỏ hơn 6 km; đối với tuyến đường không có dải phân cách giữa, khoảng cách giữa hai cửa hàng xăng dầu liền kề dọc theo mỗi bên của đoạn tuyến quốc lộ không nhỏ hơn 12 km.

- Tiêu chí về địa điểm:

+ Đất xây dựng cửa hàng xăng dầu phải là đất sản xuất kinh doanh; trường hợp những cửa hàng thuộc diện trong quy hoạch đã xây dựng, chủ đầu tư phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất ở, đất vườn (đất trồng cây) sang đất kinh doanh;

+ Cách mốc lộ giới ra phía ngoài ít nhất 7m;

+ Không được làm ảnh hưởng tới an toàn giao thông: Cách ngòai phạm vi bảo vệ dọc cầu và đường dẫn lên cầu tối thiểu 50m; cách điểm có tầm nhìn bị cản trở ít nhất 50m;

+ Đảm bảo các yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy và an toàn vệ sinh môi trường (theo các tiêu chuẩn và yêu cầu thiết kế của Việt Nam) và các tiêu chuẩn khác liên quan;

- Tiêu chí đối với các khu vực đặc thù trong tỉnh:

+ Địa bàn khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa: Do quỹ đất xây dựng cửa hàng xăng dầu hạn hẹp (vì đường ôm sát các sườn đồi, sườn núi), hơn nữa, khu vực nông thôn, miền núi kinh tế kém phát triển, có mức tiêu thụ xăng dầu ít, khả năng thu hồi vốn chậm. Căn cứ vào tình hình thực tế của vùng, của địa phương nhằm khuyến khích thương nhân đầu tư cửa hàng xăng dầu tại vùng này để tạo đà phát triển thương mại - dịch vụ của địa phương, quy mô, diện tích cửa hàng tại địa bàn trên không nhỏ hơn cửa hàng xăng dầu loại III nằm trong các đô thị (diện tích tối thiểu 300m2, chiều dài mặt tiền 15 m).

+ Địa bàn ven sông, ven lạch biển: Do quỹ đất của vùng này quá ít, trong khi dịch vụ cho hậu cần nghề cá tại vùng này rất lớn (phục vụ cho trên 4.000 tàu, thuyền đánh bắt hải sản và bảo vệ biển đảo), do đó, hầu hết các cửa hàng bán lẻ dầu Điezen ở đây chủ yếu nằm dọc cảng cá, bến cá và kinh doanh theo lịch tiết đi biển. Với đặc thù vậy, Quy mô cửa hàng bán dầu ở vùng này diện tích đất tối thiểu 120 m2, mặt tiền bám đường ít nhất 6 m, chỉ 01 cột bơm loại 1 - 2 vòi.

c) Đối với hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên mặt nước (tàu, cửa hàng nổi): Vị trí đặt, neo đậu cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên mặt nước phải tuân thủ đúng các luồng tuyến đã được ghi trên giấy phép hoạt động, đảm bảo yêu cầu an toàn giao thông, an toàn phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường... và tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu trên mặt nước QCVN 10:2015/BCT.

2.1.3. Tiêu chí đối với kho chứa xăng dầu

Đối với các kho đầu mối và tuyến sau theo TCVN 5307:2009: Kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ - Yêu cầu thiết kế.

- Tiêu chuẩn bảo vệ môi trường:

+ Thiết kế hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn:

TCVN 188:1996 Tiêu chuẩn nước thải đô thị.

TCVN 5945:2005 Nước thải công nghiệp - Tiêu chuẩn thải.

- Tiêu chuẩn xây dựng:

+ TCVN 03:2009/BXD.

+ QCVN 07:2010/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.

- Tiêu chuẩn Hệ thống phòng cháy, chữa cháy:

+ Tiêu chuẩn TCVN 5307-2009.

+ TCVN 5684:2003 An toàn cháy các công trình dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ-Yêu cầu chung.

- Tiêu chuẩn hệ thống động lực, chiếu sáng: 02 hệ thống thiết kế đảm bảo yêu cầu kỹ thuật:

+ TCVN 20:2791 Lắp đặt thiết bị điện trong công trình.

+ TCVN 5334:2002 Quy phạm kỹ thuật an toàn thiết kế lắp đặt điện trong kho xăng dầu.

- Tiêu chuẩn Hệ thống chống sét tiếp đất: thiết kế cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn:

+ TCVN 46:2007 Chống xét cho các công trình xây dựng, hướng dẫn thiết kế kiểm tra và bảo trì hệ thống.

+ TCVN 86:2004 Chống sét và chống tĩnh điện kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ.

- TCVN 4090-85 Đường ống chính dẫn xăng dầu và sản phẩm dầu.

2.2. Quy hoạch hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu

a) Giai đoạn đến năm 2020

- Công nhận trong quy hoạch 422 cửa hàng xăng dầu hiện có (giữ nguyên).

(Danh mục các cửa hàng xăng dầu hiện có được tồn tại trong quy hoạch tại Phụ lục số 1).

- Di dời 28cửa hàng xăng dầu không đủ điều kiện về quy mô, diện tích và địa điểm.

(Danh mục các cửa hàng xăng dầu phải di dời tại Phụ lục số 2).

- Xoá bỏ 21 cửa hàng xăng dầu không đủ điều kiện về quy mô, diện tích và địa điểm.

(Danh mục các cửa hàng xăng dầu phải xoá bỏ tại Phụ lục số 3).

- Cải tạo, nâng cấp 177 cửa hàng xăng dầu để đạt chuẩn (tối thiểu loại III), bảo đảm khang trang, an toàn phòng cháy, chữa cháy và môi trường. Trường hợp thương nhân không thực hiện cải tạo, nâng cấp cửa hàng xăng dầu theo đúng quy định sẽ chuyển sang diện phải xóa bỏ.

(Danh mục các cửa hàng xăng dầu phải cải tạo, nâng cấp tại Phụ lục số 4).

- Xây dựng mới 206 cửa hàng xăng dầu. Trong đó ưu tiên thương nhân có cửa hàng xăng dầu thuộc diện giải tỏa, di dời được đầu tư tại các điểm quy hoạch mới.

b) Giai đoạn 2021- 2025

- Tiếp tục cải tạo, nâng cấp về kiến trúc xây dựng và thiết bị công nghệ các cửa hàng không nằm trong diện giải tỏa, di dời để bảo đảm khang trang, hiện đại.

- Xây dựng mới 63 cửa hàng xăng dầu. Trong đó tiếp tục ưu tiên thương nhân có cửa hàng xăng dầu thuộc diện giải tỏa, di dời được đầu tư tại các điểm quy hoạch mới.

2.3. Quy hoạch phát triển hệ thống kho chứa xăng dầu

(Chi tiết tại Phụ lục 9)

Đến nay, Nghệ An đã có 05 kho chứa xăng, dầu, mỡ nhờn. Quy hoạch đến năm 2025, thực hiện xây dựng mới 04 kho, gồm: 01 kho đầu mối và 03 kho dự trữ, phân phối; Nâng cấp, cải tạo 04 kho, gồm: 02 kho đầu mối, 02 kho phân phối, cụ thể:

a) Kho đầu mối

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu và an ninh năng lượng trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng và Quốc gia nói chung, quy hoạch hệ thống kho đầu mối trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2025 như sau: Theo Quyết định số 1139/QĐ-TTg ngày 31/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025; Quyết định số 2412/QĐ-BCT ngày 17/5/2011 phê duyệt quy hoạch hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối xăng dầu giai đoạn 2010 - 2020, định hướng đến năm 2025: cải tạo, nâng cấp kho Bến Thủy nâng sức chứa lên 50.000m3 để cho thuê kho dự trữ sản phẩm dầu quốc gia; Cải tạo tuyến ống vận chuyển xăng dầu Nghi Hương - Bến Thủy với chiều dài 20km; Nâng cấp kho Nghi Hương - thị xã Cửa Lò lên sức chứa 72.000m3, xây dựng mới 01 kho xăng dầu DKC tại Nghi Thiết - huyện Nghi Lộc với sức chứa 86.000m³ để vừa làm kho đầu mối, vừa làm dịch vụ cho thuê kho.

b) Kho trung chuyển hoặc kho phân phối (kho tuyến sau)

Để đảm bảo cơ số dự trữ xăng dầu phục vụ kịp thời nhu cầu sản xuất và đời sống tại các huyện miền núi và ven biển của tỉnh, quy hoạch đến năm 2025, như sau:

- Xây dựng mới 03 kho phân phối tại: Thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông; xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp và 01 kho phân phối tại huyện Quỳnh Lưu, mỗi kho có dung tích 5.000m3;

- Nâng cấp, cải tạo 02 kho phân phối tại xã Nghi Tân, thị xã Cửa Lò và xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, mỗi kho có dung tích 5.000 m³.

III. TỔNG HỢP NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ VÀ ĐẤT XÂY DỰNG

1. Nhu cầu vốn đầu tư

Để đầu tư hoàn thành mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh như đã quy hoạch, nhu cầu vốn đầu tư dự tính là 1.789 tỷ đồng, trong đó:

+ Đầu tư xây dựng hệ thống cửa hàng xăng dầu: 644 tỷ đồng

+ Đầu tư xây dựng hệ thống kho xăng dầu: 1.145 tỷ đồng

Nguồn vốn chủ yếu huy động từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bằng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay ngân hàng.

 

DỰ KIẾN NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ

Đơn vị tính: Tỷ đồng

TT

Diễn giải

Số lượng

Mức đầu tư (tỷ đ)

2016-2020

2021-2025

Vốn đầu tư

I

Xây dựng mới

 

 

 

 

1.201

 

- Cửa hàng bán lẻ

269

2

428

108

536

 

- Kho xăng dầu

04

 

670

35

705

II

Nâng cấp, cải tạo

 

 

 

 

183

 

- Cửa hàng bán lẻ

177

1

137

80

206

 

- Kho xăng dầu

04

 

35

405

440

 

Tổng cộng

 

 

 

 

 

2. Nhu cầu sử dụng đất

Để đầu tư hoàn thành mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh như đã quy hoạch, nhu cầu đất sử dụng là 415.915 m2, trong đó:

- Đất sử dụng xây dựng kho xăng dầu: 109.000 m2

- Đất sử dụng xây dựng cửa hàng xăng dầu: 306.915 m2

 

TỔNG HỢP NHU CẦU SỬ DỤNG ĐẤT

TT

Công trình

Số lượng

Tổng diện tích

(m2)

I. Xây dựng mới.

 

262.593

1

Kho xăng dầu

04

109.000

2

Cửa hàng xăng dầu

273

153.593

II. Nâng cấp, cải tạo

 

 

 

Cửa hàng xăng dầu

177

153.322

Cộng

 

 

415.915

3. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong hoạt động kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2015-2020, có tính đến năm 2025

Các dự án ưu tiên đầu tư là các dự án có khả năng đem lại tăng trưởng cho ngành, lĩnh vực hoặc góp phần làm lành mạnh hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

Tên Dự án

Địa điểm

Vốn đầu tư

Giai đoạn đầu tư

Công suất

Tổng kho xăng dầu DKC

Xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc

600 tỷ đồng

2015-2020

9.000 m3

Kho trung chuyển

Huyện Quỳnh Lưu

30 tỷ đồng

2015-2020

5.000 m3

Kho trung chuyển

Huyện Quỳ Hợp

20 tỷ đổng

2020-2025

2.000 m3

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp nâng cấp, cải tạo, di dời và xóa bỏ các cửa hàng xăng dầu

a) Trong giai đoạn quy hoạch, cần nâng cấp, cải tạo 177 cửa hàng do có quy mô nhỏ, diện tích không đáp ứng yêu cầu hoặc do mở rộng, nâng cấp các tuyến đường (chi tiết tại Phụ lục 4).

Giải pháp thực hiện nâng cấp, cải tạo: UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch, lộ trình nâng cấp, cải tạo và yêu cầu các thương nhân thực hiện; ưu tiên cho các thương nhân thuê đất mở rộng cửa hàng và ưu tiên thực hiện các vấn đề liên quan đến các thủ tục nâng cấp, cải tạo cửa hàng.

b) Theo quy hoạch, cần di dời 28 cửa hàng không đảm bảo về diện tích, quy mô, điều kiện về an toàn cháy nổ và vệ sinh môi trường (chi tiết tại Phụ lục 2).

- Lộ trình di dời như sau:

+ Từ năm 2018-2020: di dời 22 cửa hàng không đảm bảo các điều kiện theo quy định.

+ Giai đoạn 2021-2025: di dời 06 cửa hàng hoạt động không đảm bảo quy định.

- Giải pháp thực hiện di dời:

+ Lập Phương án di dời: UBND các huyện, thành phố, thị xã lập phương án di dời các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn theo quy hoạch, trình UBND tỉnh phê duyệt làm căn cứ thực hiện. Thông báo Phương án và các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

+ Chính sách hỗ trợ: Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ công tác di dời cho các doanh nghiệp có cửa hàng xăng dầu thuộc diện di dời. Trong đó: Ưu tiên cho các doanh nghiệp được đề xuất lựa chọn địa điểm quy hoạch mới để di dời và ưu tiên cho các cửa hàng chuyển từ đất ở sang đất kinh doanh xăng dầu được chuyển mục đích trở lại đất ở, nếu có nhu cầu.

+ Thu hồi thủ tục kinh doanh: Sở Công Thương thông báo đến các doanh nghiệp thuộc diện di dời và thực hiện thu hồi Giấy Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu của các cửa hàng đến thời hạn di dời. Yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối dừng cung cấp xăng dầu cho các cửa hàng không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu; Sở Khoa học Công nghệ dừng kiểm định các cột bơm; Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy dừng kiểm tra điều kiện phòng cháy chữa cháy đối với các cửa hàng này.

c) Theo quy hoạch, cần xóa bỏ 21 cửa hàng tự ý xây dựng ngoài quy hoạch, gần khu dân cư và không đảm bảo các điều kiện về an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường (chi tiết tại Phụ lục 3).

- Lộ trình xóa bỏ các cửa hàng như sau:

+ Trước năm 2017: xóa bỏ 19 cửa hàng tự ý xây dựng ngoài quy hoạch;

+ Từ năm 2018-2020: xóa bỏ 02 cửa hàng gần khu dân cư, cửa hàng chung nhà ở không thể mở rộng diện tích kinh doanh và không đảm bảo các điều kiện về an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường.

- Giải pháp thực hiện xóa bỏ:

+ Lập Phương án xóa bỏ: UBND các huyện, thành phố, thị xã lập phương án xóa bỏ các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn theo quy hoạch, trình UBND tỉnh phê duyệt làm căn cứ thực hiện. Thông báo Phương án và các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Chủ trì phối hợp với các ngành, đoàn thể vận động doanh nghiệp tự tháo dỡ hoặc cưỡng chế tháo dỡ (nếu cần thiết).

+ Chính sách hỗ trợ: Ưu tiên cho các doanh nghiệp được đề xuất lựa chọn địa điểm có trong quy hoạch xây mới cửa hàng xăng dầu để dầu tư xây dựng.

2. Giải pháp về nguồn vốn, thu hút đầu tư

Vốn đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu do các chủ đầu tư tự huy động và bố trí sử dụng. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân đầu tư và huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế để đầu tư mở rộng quy mô kinh doanh và hiện đại hóa trang thiết bị đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và thực hiện văn minh thương mại.

Chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu được thực hiện theo chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, thương mại của tỉnh Nghệ An.

3. Giải pháp phát triển ứng dụng khoa học công nghệ

Để hiện đại hóa và phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu theo hướng văn minh, thích hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội đòi hỏi phải thực thi các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó, chú trọng đến việc đổi mới trang thiết bị kinh doanh, trang bị các thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại trong xây dựng cửa hàng, kho xăng dầu và ứng dụng công nghệ quản lý tiên tiến trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

- Khuyến khích, động viên các thương nhân chủ động đầu tư, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại đảm bảo việc đo lường chính xác, bảo đảm uy tín của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng.

- Phát hiện, thay thế kịp thời các phương tiện không đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn và các điều kiện trong kinh doanh.

- Tổ chức triển khai một số điểm kinh doanh xăng dầu được đầu tư với quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại, áp dụng phương thức bán hàng tự động, bán tự động và có một số dịch vụ kèm theo trong giai đoạn 2015-2020. Rút kinh nghiệm triển khai diện rộng trong giai đoạn 2020-2025.

4. Giải pháp về sử dụng đất xây dựng phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu

Căn cứ Quy hoạch mạng lưới xăng dầu, các ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất xây dựng các cơ sở kinh doanh xăng dầu phù hợp với tiêu chuẩn quy mô từng loại cửa hàng, trạm kinh doanh, kho chứa xăng dầu đảm bảo hiệu quả, hợp lý. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng đất, về bảo vệ môi trường nhằm phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu theo hướng nhanh và bền vững.

5. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực

- Nâng cao việc đào tạo ngành nghề trong kinh doanh xăng dầu, tập trung đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công nhân có kỹ thuật hiện có, đào tạo bổ sung cho những khâu còn thiếu, còn yếu. Thực hiện chương trình đào tạo và đào tạo lại để nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật. Mở rộng các hình thức đào tạo: Ngắn hạn, dài hạn, đào tạo ở trong tỉnh, ngoài tỉnh; đào tạo theo trường lớp và tự đào tạo. Quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý đáp ứng được yêu cầu trong điều kiện và tình hình mới theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đào tạo công nhân và nhân viên kỹ thuật có khả năng vận hành các trang thiết bị hiện đại, điều khiển tự động, hệ thống quản lý môi trường, phòng cháy nổ, độc hại.

- Xây dựng, hoàn thiện và phát triển mới các trường dạy nghề trong hệ thống các trường đào tạo cán bộ, kỹ sư và công nhân kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển của mạng lưới kinh doanh xăng dầu

6. Giải pháp phát triển thương nhân tham gia mạng lưới

Đảm bảo quyền tự do kinh doanh và khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thư­ơng nhân thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Trư­ớc mắt ­­ưu tiên phát triển thư­ơng nhân kinh doanh xăng dầu ở khu vực miền núi, vùng kinh tế khó khăn nhằm khuyến khích thư­ơng nhân đầu tư­ xây dựng các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại khu vực này theo quy hoạch nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đề ra trong Chương trình phát triển phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng sâu, vùng xa đã được ban hành.

7. Giải pháp đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với mạng lưới kinh doanh xăng dầu

Để triển khai xây dựng cửa hàng xăng dầu theo quy hoạch tiến hành theo các bước sau:

- Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thông báo rộng rãi quyết định phê duyệt quy hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh để các doanh nghiệp và nhân dân tham khảo trước khi lập dự án đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu.

- Khi chủ đầu tư đã xác định được địa điểm xây dựng cụ thể (liên quan đến vấn đề thuê đất, quyền sử dụng đất...) cần trình các cấp quản lý khảo sát và xem xét giải quyết chủ trương đầu tư.

- Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động thương mại trên địa bàn, tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành; tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến công bố, công khai quy hoạch trong nhân dân, tạo sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tổ chức, cá nhân, nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư có mặt bằng để thực hiện dự án.

- Tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

8. Giải pháp bảo vệ môi trường và an toàn phòng cháy chữa cháy trong quá trình phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức về môi trường đến các ngành, các cấp và nhân dân, đặc biệt là cán bộ công nhân viên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để bảo vệ môi trường

Kiểm soát chặt chẽ quá trình xuất nhập và vận chuyển xăng dầu, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường; áp đặt các biện pháp mạnh trong việc bảo đảm an toàn môi trường đối với tất cả các khâu trong kinh doanh xăng dầu. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng các giải pháp mới về giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và bảo đảm an ninh trật tự tại tất cả các cơ sở kinh doanh xăng dầu; Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và công an các huyện, thị xã, thành phố cần tham gia vào công tác quản lý ở tất cả các giai đoạn: Khảo sát hiện trường để thoả thuận sơ bộ về địa điểm xây dựng; thẩm tra về an toàn phòng cháy chữa cháy của hồ sơ thiết kế để có văn bản thoả thuận; trong quá trình nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng, kiểm tra thực địa để cho phép đưa công trình vào sử dụng; định kỳ kiểm tra để chấn chỉnh những sai phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy; tổ chức tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cho các chủ cơ sở và doanh nghiệp, cán bộ quản lý và nhân viên các đơn vị kinh doanh xăng dầu; Kiên quyết xử lý mọi vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy, kể cả đình chỉ kinh doanh đối với các cơ sở có vi phạm theo quy định hiện hành v.v....

Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao nhận thức và kỹ năng trong công tác bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự và văn minh thương mại trong giao tiếp và kinh doanh xăng dầu.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Công bố qui hoạch

Sau khi qui hoạch được phê duyệt, Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức công bố qui hoạch công khai, rộng rãi để các thương nhân được biết và thực hiện.

2. Tổ chức thực hiện

a) Sở Công Thương chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu và quản lý quy hoạch kinh doanh xăng dầu. Tham mưu, đề xuất điều chỉnh những vấn đề bất hợp lý trong quy hoạch và kinh doanh xăng dầu. Chủ trì xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ các cửa hàng xăng dầu xóa bỏ.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; hướng dẫn các nhà đầu tư về chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư (nếu có); đề xuất chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư thực hiện đầu tư ở các vùng khó khăn.

c) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu; hướng dẫn, kiểm tra các điều kiện về môi trường, đất đai theo quy định.

d) Sở Xây dựng chủ trì thẩm định các nội dung về vị trí địa điểm, phạm vi ranh giới, diện tích sử dụng đất, sự phù hợp với quy hoạch xây dựng, sự phù hợp với quy chuẩn quy hoạch xây dựng, quy chuẩn kỷ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỷ thuật đô thị; Thẩm định quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc quy hoạch mặt bằng tổng thể của dự án đối với các dự án đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp giấy phép xây dựng cho các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, kho chứa nằm trong địa điểm quy hoạch đáp ứng đầy đủ các điều kiện về xây dựng.

đ) Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh: Trực tiếp kiểm tra, khảo sát địa điểm dự định xây dựng mới, nâng cấp và mở rộng cửa hàng xăng dầu, kho xăng dầu; thẩm duyệt thiết kế và cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho các cửa hàng xăng dầu, kho xăng dầu nằm trong địa điểm quy hoạch đáp ứng đầy đủ các điều kiện về PCCC; kiểm tra, nghiệm thu về PCCC đối với cửa hàng xăng dầu, kho xăng dầu trước khi đưa vào hoạt động; kiểm tra công tác PCCC trong quá trình hoạt động theo quy định tại Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

e) Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra các điều kiện về an ninh trật tư trong kinh doanh xăng dầu; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc giải toả, xoá bỏ các cơ sở kinh doanh xăng dầu xây dựng sai quy hoạch, xây dựng không có giấy phép; xử lý dứt điểm các cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm các quy định về kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

g) Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện công tác kiểm định đối với tất cả các cột đo xăng dầu trong quy hoạch. Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát đo lường, chất lượng xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối, các tổng đại lý và đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.

h) Sở Giao thông vận tải h­­ướng dẫn th­ương nhân thực hiện việc đấu nối cửa hàng xăng dầu trên các tuyến Quốc lộ (trừ Quốc lộ I và đường Hồ Chí Minh), thực hiện đúng quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đ­ường bộ.

k) Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam theo chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp với Sở Công Thương trong việc quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, cấp Giấy phép đầu tư đối với các dự án kinh doanh xăng dầu trong Khu kinh tế.

l) Các Sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu theo quy hoạch được duyệt. Có trách nhiệm phối hợp với Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp huyện tăng cường công tác kiểm tra các điều kiện kinh doanh xăng dầu, triển khai thực hiện quy hoạch này nhằm đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ

m) UBND các huyện, thành phố, thị xã trực tiếp quản lý quy hoạch trên địa bàn. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu; hướng dẫn, kiểm tra, xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các sở, ngành khác trong việc giải toả, xoá bỏ các cơ sở kinh doanh xăng dầu xây dựng sai quy hoạch.

n) Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được tham gia vào kinh doanh xăng dầu và có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc quy hoạch cũng như các quy định về kinh doanh xăng dầu.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Những nội dung đã được phê duyệt tại Quyết định số 78/2007/QĐ-UBND ngày 05 tháng 7 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An nếu trái với quy hoạch được phê duyệt tại quyết định này thì thực hiện theo quyết định này.

Điều 3: Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở: Công Thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học Công nghệ, Công an tỉnh, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh, Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Công Thương (B/c);;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Báo Nghệ An, Đài PT và TH tỉnh;
- TT Công báo - Tin học;
- Các Phó Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CNTM.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Đường