Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 78/2007/QĐ-UBND

Vinh, ngày 05 tháng 07 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN: QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI KINH DOANH XĂNG, DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2010, CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/06/2006 của Chính phủ Quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện;
Căn cứ Nghị định số 55/2007/NĐ-CP ngày 06/04/2007của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu;
Căn cứ Quyết định số 1505/2003/QĐ-BTM ngày 17/11/2003 của Bộ Thương mại ban hành Quy chế đại lý kinh doanh xăng, dầu;
Căn cứ Quyết định số 11/2007/QĐ-BTM ngày 22/05/2007 của Bộ Thương mại về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đại lý kinh doanh xăng, dầu, ban hành kèm theo Quyết định số 1505/2003/QĐ-BTM ngày 17/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Thương mại;
Xét đề nghị của Sở Thương mại tại Tờ trình số 562/STM-QLTM ngày 19/6/2007 (sau khi lấy ý kiến của các Sở, Ngành liên quan và tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến của Bộ Thương mại tại Công văn số 2911/BTM-KHĐT ngày 23/04/2007
,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Đề án: "Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2010, có tính đến năm 2020", kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Giao cho Sở Thương mại chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện Đề án; Giao Sở Thương mại trong quá trình thực hiện Đề án nếu xuất hiện những nội dung cần sửa đổi, bổ sung chủ động tổng hợp báo cáo và đề xuất hướng xử lý trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét. Định kỳ năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả và tiến độ thực hiện Đề án.

Các sở, ngành: Kế họach và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh và các Sở chuyên ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò căn cứ nội dung liên quan trong Đề án chủ động thực hiện.

Điều 3. Quyết định này thay thế Quyết định số 79/2005/QĐ-UBND ngày 09/9/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Đề án "Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2010, có tính đến năm 2020" và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Các ông: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Thương mại, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện nói tại điều 2 căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hành

 

ĐỀ ÁN

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI KINH DOANH XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2010,
CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2020

(Kèm theo Quyết định số 78/2007/QĐ-UBND ngày 05/07/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An)

Phần 1:

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI KINH DOANH XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN THỜI GIAN QUA

A. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI KINH DOANH XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, XÃ HỘI

Nghệ An là một tỉnh có vị trí địa lý nằm ở trung tâm Bắc Trung bộ, phía bắc giáp Thanh Hóa, phía nam giáp Hà Tĩnh, phía tây giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và phía đông giáp biển đông, diện tích tự nhiên 16.488 km2, nằm trên các tuyến giao thông quan trọng của cả nước: Quốc lộ đoạn chạy qua Nghệ An: Đường 1A dài 84 km, đường Hồ Chí Minh dài 132 km, có sân bay, cảng biển, hệ thống đường sắt Bắc – Nam, có cửa khẩu quốc tế .

Dân số Nghệ An đến cuối năm 2006 là 3.064.748 người (chiếm 3,76% dân số cả nước) tỷ lệ tăng dân số bình quân 5 năm (2002 - 2006) là 1,16%. Mật độ dân số 182,1 người/km2, dân cư phân bố không đều, ở thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các huyện đồng bằng có mật độ dân số cao trong khi đó ở các huyện miền núi, nhất là vùng cao có nơi mật độ dân cư thấp; Thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 5.590.000 đồng/người/năm.

II. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI CỦA TỈNH NGHỆ AN TRONG THỜI GIAN QUA

Kinh tế Nghệ An trong những năm đổi mới có bước phát triển khá, tốc độ tăng bình quân GDP (1991-2000) là 8% cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước (tốc độ bình quân chung của cả nước là 6,7%).

Năm 2001: Tốc độ tăng trưởng 9,1%,

Năm 2002: Tốc độ tăng trưởng 11,2%,

Năm 2003: Tốc độ tăng trưởng 11,52%,

Năm 2004: Tốc độ tăng trưởng 12,72%,

Năm 2005: Tốc độ tăng trưởng 11,6%,

Năm 2006: Tốc độ tăng trưởng 10,2%,

Tổng giá trị sản phẩm xã hội trong tỉnh năm 1990 là 2.926,6 tỷ đồng đến năm 2006 là 18.638 tỷ đồng (gấp 3 lần năm 1990), cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

- Hệ thống giao thông phát triển nhanh, trong 5 năm qua, tỉnh đã xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp trên 3.000 km đường các loại: Trong đó đường nhựa là 503 km, duy tu và sửa chữa 630 km đường nội tỉnh, hàng ngàn km đường bê tông nông thôn, đặc biệt đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường Hồ Chí Minh dài 132 km qua địa bàn Nghệ An.

- Công nghiệp, xây dựng phát triển nhanh, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có trên 75 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đã và đang xây dựng nhiều khu công nghiệp tập trung như Bắc Vinh, Nam Cấm, Hoàng Mai vv... nhiều khu đô thị mới cũng đã hình thành và đang phát triển nhanh vv…

- Nông nghiệp và ngư nghiệp có bước chuyển dịch lớn, đã hình thành nhiều vùng trồng nguyên liệu tập trung phục vụ cho công nghiệp chế biến như:­ sắn, mía, dứa; các vùng nuôi trồng thủy sản với diện tích lớn ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, số lượng tàu thuyền đánh bắt hải sản phát triển nhanh, trong đó, đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ được tăng cường v.v...

Sự phát triển mạnh mẽ của các ngành kinh tế tác động trực tiếp vào hoạt động của các ngành dịch vụ. Trong những năm qua, các ngành dịch vụ phát triển nhanh, trong đó mạng lưới xăng dầu đã phát triển khắp địa bàn tỉnh, góp phần cung ứng, đáp ứng nhu cầu về nhiên liệu cho các ngành sản xuất, cho phương tiện vận tải và an ninh quốc phòng vv...

B. THỰC TRẠNG KINH DOANH XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

I. MẠNG LƯỚI CỬA HÀNG XĂNG DẦU.

Đến tháng 12 năm 2006, trên địa bàn tỉnh có 377 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên bộ và 16 phương tiện bán xăng dầu trên sông, biển với tổng sức chứa là 11.804m3. Tổng số cột bơm là 897 cái, diện tích xây dựng 44.811 m2, vốn đầu tư xây dựng khoảng 95 tỷ đồng được phân bố trên từng địa bàn cụ thể như sau:

1. Thành phố Vinh: 25 cửa hàng

2. Thị xã Cửa Lò: 06 cửa hàng

3. Nghi Lộc: 36 cửa hàng

4. Diễn Châu: 49 cửa hàng

5. Yên Thành: 38 cửa hàng

6. Quỳnh Lưu: 70 cửa hàng

7. Đô Lương: 19 cửa hàng

8. Thanh Chương: 16 cửa hàng

9. Anh Sơn: 15 cửa hàng

10. Con Cuông: 04 cửa hàng

11. Kỳ Sơn: 04 cửa hàng

12. Tương Dương: 06 cửa hàng

13. Quỳ Hợp: 13 cửa hàng

14. Quỳ Châu: 03 cửa hàng

15. Quế Phong: 03 cửa hàng

16. Nghĩa Đàn: 23 cửa hàng

17. Nam Đàn: 13 cửa hàng

18. Hưng Nguyên: 08 cửa hàng  

19. Tân Kỳ: 26 cửa hàng

20. Cửa hàng trên sông biển:16 cửa hàng

Trong những năm qua, hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu phát triển nhanh, nhiều cửa hàng mới được xây dựng khang trang, cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đảm bảo, đáp ứng được các Điều kiện kinh doanh. Tuy vậy, mạng lưới cửa hàng kinh doanh xăng dầu phân bố không đều, xây dựng mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, tập trung chủ yếu theo tuyến quốc lộ, ven biển để cung cấp cho phương tiện vận tải và đánh bắt hải sản, cụ thể trên Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Nghệ An dài 84 km có tới trên 70 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, vùng ven biển Sơn Hải, Tiến Thuỷ trong vòng 1 km có tới 10 cửa hàng kinh doanh xăng dầu vv...

Trong tổng số 377 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã xây dựng thì ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phần lớn các cửa hàng cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, trình độ nghiệp vụ kinh doanh xăng dầu còn hạn chế; một số cơ sở kinh doanh xây dựng tạm bợ, bán hàng bằng bơm tay hoặc đong, rót, nhiều cửa hàng ch­ưa đảm bảo các điều kiện về môi trường, phòng cháy chữa cháy, vi phạm hành lang an toàn giao thông vv…

Cụ thể phân loại (theo tiêu chí Bộ Thương mại) như sau:

Loại I: Không có

Loại II: 02 cửa hàng

Loại III: 14 cửa hàng

Loại dưới cửa hàng loại III: 291 cửa hàng

Loại xây dựng nhỏ (tạm) :70 cửa hàng

II. HỆ THỐNG KHO CHỨA, KHO DỰ TRỮ.

Hệ thống kho chứa, kho dự trữ xăng dầu có ba đơn vị:

- Công ty Xăng dầu Nghệ Tĩnh có 3 vùng kho với sức chứa:

Một vùng kho để nhập khẩu xăng dầu tại Nghi Hương sức chứa 20.000 m3

Một vùng kho dự trữ tại Hưng Hòa sức chứa 18.800m3

Một kho mỡ, nhờn tại Quán Bánh sức chứa 1.000 m3

- Hai đơn vị khác (01 ở Nghi Lộc, 01 ở Cửa Lò) đã xây dựng hai kho dự trữ làm tổng đại lý (bán buôn), sức chứa mỗi kho là trên 300 m3/1 cơ sở. Nhìn chung, hệ thống kho chứa của các đơn vị được xây dựng đúng tiêu chuẩn, thiết bị tương đối hiện đại, đảm bảo các điều kiện về môi trường và phòng chống cháy nổ.

III. PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN

Toàn tỉnh có 103 xe vận chuyển xăng dầu, 21 tàu thuyền vận chuyển và bán lẻ xăng dầu trên sông, biển, trong đó: Công ty Cổ phần vận tải và kinh doanh xăng dầu Petrolimex có 68 chiếc, còn lại là các doanh nghiệp tư nhân.

Các phương tiện vận chuyển đang nằm trong thời hạn đăng kiểm và có Giấy phép lưu hành, đảm bảo các tiêu chuẩn về phòng cháy, môi trường và đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, có khả năng vận chuyển kịp thời xăng dầu cho dự trữ và bán lẻ trên địa bàn tỉnh.

IV. CÁC CHỦ THỂ KINH DOANH XĂNG DẦU, NGUỒN CUNG CẤP, KHỐI LƯỢNG VÀ GIÁ TRỊ BÁN RA HÀNG NĂM

Từ tháng 12 năm 2003 về trước, ngoài các cửa hàng kinh doanh xăng dầu của Công ty Xăng dầu Nghệ Tĩnh, đa số các cửa hàng kinh doanh xăng dầu khác đều thuộc các hộ kinh doanh. Từ năm 2004, khi có Quyết định số187/QĐ-TTg ngày 15/9/2003 của Thủ tướng Chính Phủ về Quy chế quản lý kinh doanh xăng dầu và Quyết định số 1505/QĐ/BTM ngày 17/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về Quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu, đa số các hộ kinh doanh đã thành lập doanh nghiệp và chấp hành tốt các quy định của nhà nước về đăng ký kinh doanh.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 04 công ty đầu mối cung cấp xăng dầu (thông qua nhập khẩu) đó là Tổng công ty Xăng Dầu Việt Nam (PetroLimex), Công ty Xuất nhập khẩu xăng dầu (Petex), Xí nghiệp Kinh doanh và Chế biến dầu mỏ (PDC), Công ty Xăng dầu Quân đội, thông qua 11 đơn vị tổng đại lý và 377 cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Trong đó:

- Doanh nghiệp nhà nước: 44 cửa hàng

- Công ty cổ phần: 35 cửa hàng

- Công ty TNHH: 38 cửa hàng

- DNTN: 227 cửa hàng

- Hộ cá thể và HTX TM: 33 cửa hàng

Hệ thống này mỗi năm bán ra một khối lượng lớn xăng dầu, cụ thể là:

Năm 2001: 112.000 m3 với tổng giá trị khoảng: 597.856.000.000 đồng

Năm 2002: 128.000 m3 với tổng giá trị khoảng: 678.272.000.000 đồng

Năm 2003: 160.000 m3 với tổng giá trị khoảng: 889.760.000.000 đồng

Năm 2004: 190.000 m3 với tổng giá trị khoảng: 1.265.970.000.000 đồng

Năm 2005: 225.000 m3 với tổng giá trị khoảng: 1.487.500.000.000 đồng

Năm 2006: 260.000 m3 với tổng giá trị khoảng: 2.252.000.000.000 đồng

Những năm qua, mạng lưới kinh doanh xăng dầu đã hoạt động có hiệu quả, cung cấp tương đối đầy đủ nhu cầu về xăng dầu cho sản xuất, vận tải và an ninh quốc phòng, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế tỉnh nhà.

C. CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH XĂNG DẦU

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhà nước quản lý về giá và các điều kiện kinh doanh. Vì vậy, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều Nghị định, Thông tư hướng dẫn công tác quản lý kinh doanh xăng dầu.

Dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, các ngành chức năng liên quan đã phối hợp triển khai thực hiện Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03/3/1999, Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ về hàng hoá cấm kinh doanh, dịch vụ thương mại cấm thực hiện, hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện; Nghị định số 55/2007/NĐ-CP ngày 06/4/2007 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Quyết định 1505/2003/QĐ-BTM ngày 17/11/2003 của Bộ Thương mại ban hành Quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu, Quyết định số 11/2007/QĐ-BTM ngày 22/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu, ban hành kèm theo Quyết định số 1505/2003/QĐ-BTM ngày 17/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Thương mại, Chỉ thị số 35/2001/CT-UB ngày 26/6/2001 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý kinh doanh xăng dầu và Công văn số 4528/CV-UB.TM ngày 15/10/2002 hướng dẫn quy trình xây dựng các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Nhìn chung, công tác quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu ở Nghệ An đã đạt được những kết quả nhất định: Bước đầu đã thiết lập được trật tự, kỷ cương trong việc xây dựng và kinh doanh xăng dầu; Tình trạng xây dựng tự phát, không phép đã chấm dứt; Mạng lưới đại lý đã được thiết lập; Hầu hết các cơ sở kinh doanh xăng dầu đã thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh; công tác kiểm tra giám sát được tăng cường, đã hạn chế được tình trạng đầu cơ, bán sai giá, sai chủng loại, gian lận đo lường, vi phạm chất lượng trong kinh doanh xăng dầu.

Tuy nhiên, do thiếu quy hoạch, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật cho thương nhân kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu còn hạn chế, dẫn đến việc xây dựng các cửa hàng còn bất hợp lý gây lãng phí vốn đầu tư của thương nhân. Công tác quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu chưa thật chặt chẽ, việc cấp phép của các cơ quan quản lý còn thiếu sự thẩm tra cụ thể. Kết quả kiểm tra các ngành chức năng xử lý chưa nghiêm túc, nên những tồn tại từ trước để lại vẫn chưa được khắc phục triệt để như một số cửa hàng vi phạm về địa điểm kinh doanh, không đảm bảo chỉ giới giao thông, không đảm bảo các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, một số doanh nghiệp tư nhân dùng đất ở để kinh doanh, chưa chuyển mục đích sử dụng đất, một số cửa hàng xây dựng quá gần khu vực dân cư, các giao lộ vv…

Phần 2:

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CỬA HÀNG XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2010, CÓ TÍNH ĐẾN 2020

A. NHỮNG CĂN CỨ CƠ BẢN ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN: QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI KINH DOANH XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN  NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2010

I. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI CỦA TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2010

1. Phương hướng phát triển kinh tế- xã hội:

- Khai thác mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh, tập trung cho đầu tư phát triển sản xuất, kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trọng tâm là công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn tạo ra nhiều sản phẩm có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao nhằm đưa nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng với tốc độ cao, bền vững.

- Phát triển nguồn nhân lực, chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, phấn đấu đến năm 2010 đưa Nghệ An thoát khỏi tỉnh nghèo.

2. Mục tiêu phát triển kinh tế:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hàng năm thời kỳ 2006 – 2010: l2 - 13,0%

- GDP bình quân đầu người năm 2010 phấn đấu đạt 850 -1.000 USD.

- Tổng đầu tư toàn xã hội dự kiến 70.000 - 75.000 tỷ đồng.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong nền kinh tế. Phấn đấu đến đến năm 2010, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 39%, nông lâm – ngư nghiệp chiếm 23,5%, thương mại dịch vụ 37,5%.

3. Quy hoạch phát triển một số ngành sản xuất

3.1 Công nghiệp - Xây dựng:

Phát triển mạnh các ngành công nghiệp có lợi thế và có khả năng khai thác như công nghiệp chế biến nông, lâm, hải sản, công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, tăng cường phát triển liên doanh đầu tư với nước ngoài và các địa phương trong cả nước nhằm thu hút vốn đầu tư vào xây dựng các nhà máy và khu công nghiệp. Từ nay đến 2010, phấn đấu xây dựng xong các khu công nghiệp tập trung tại các vùng theo hướng khai thác có hiệu quả các thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, về vùng nguyên liệu và công nghệ cao đó là các khu công nghiệp: Bắc Vinh, Nam Cấm, Cửa Lò, Hoàng Mai, Phủ Quỳ, Cửa Hội, Quỳ Hợp, Đô Lương .v.v..

3.2. Phát triển hạ tầng:

3.2.1 Giao thông:

Về đường bộ: Nâng cấp và hoàn thiện các tuyến đường Quốc lộ 1A, Quốc lộ 7, Quốc lộ 46, Quốc lộ 48. Xây dựng mới tuyến nối Quốc lộ 7 với Quốc lộ 48 dài trên 107 km (từ Tương Dương sang Quỳ Hợp) kéo dài tuyến Quốc lộ 48 từ Quế Phong lên cửa khẩu Thông Thụ dài 56 km. Nâng cấp toàn bộ hệ thống tỉnh lộ như đường 534, 545, 538 vv... xây dựng hạ tầng giao thông các vùng cây nguyên liệu mía, chè, sắn, dứa; xây dựng và nâng cấp tuyến đường Mường Lống, Mường Xén (Kỳ Sơn), Châu Kim - Nậm Giải (Quế Phong), Ta Đo - Khe Kiền (Tương Dương), tuyến đường tây Nghệ An - Thanh Hoá dài 188km.

- Xây dựng tuyến đường ven sông Lam từ Cửa Hội đến Nam Đàn.

- Nâng cấp tuyến đường Nam Cấm - Cửa Lò, mở rộng tuyến đường 46 đoạn tránh thành phố Vinh từ Quán Bánh - Nghi Kim - Eo Gió, Nam Giang dài 7km.

- Kéo dài Quốc lộ 7A từ Diễn Thành – cảng Cửa Lò dài 30 km.

- Xây dựng tuyến đường ven biển Nghệ An nối Cửa Lò với Nghi Sơn - Thanh Hóa.

- Hoàn chỉnh cơ bản giao thông nông thôn bằng nhựa hóa và bê tông hóa. Phấn đấu đến năm 2010 các xã vùng sâu, vùng xa đều có đường ôtô vào đến trung tâm xã.

Đường sắt: Cải tạo tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa phận Nghệ An, nâng cấp ga Vinh và các ga phụ, tuyến Cầu Giát - Nghĩa Đàn, khôi phục tuyến Quán Hành – Cửa lò; Xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - Vinh.

Đường Thủy: Đầu tư nâng cấp Cảng Cửa Lò để tàu 10.000 tấn vào được cầu cảng, nâng công suất cảng lên 2,5 đến 3 triệu tấn/năm vào năm 2010 kết hợp nâng cấp cảng Bến Thủy và các bến bãi khác (Hoàng Mai, Cửa Tiền) tiến hành nạo vét các luồng lạch để khôi phục tuyến vận chuyển đường thủy trên sông Lam, kênh nhà Lê vv..

Đường không: Nâng cấp sân bay Vinh để các loại máy bay vận tải hành khách hạng trung cất và hạ cánh được an toàn.

Về Điện: Xây dựng nhà máy thủy điện Bản vẽ (Tương Dương), công suất 300 MW, dự kiến hoàn thành vào năm 2008, xây dựng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tại Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp và một số địa phương khác.

Phát triển đô thị: Quy hoạch phát triển thành phố Vinh đến năm 2010 đạt các tiêu chí đô thị loại I là trung tâm kinh tế- văn hóa khu vực bắc Miền Trung. Đồng thời, xây dựng và phát triển thêm 3 thị xã mới ở vùng tây nam và tây bắc của tỉnh là thị xã Con Cuông (quy mô 1 vạn dân vào năm 2010), thị xã Thái Hoà và thị xã Hoàng Mai (quy mô 2 vạn dân vào năm 2010)

Ngoài ra, cùng với sự phát triển hệ thống giao thông, tập trung xây dựng và phát triển các khu đô thị đã có như Cửa Lò, Đô Lương, Diễn Châu vv.. Xây dựng mới thêm một số thị trấn và 58 thị tứ trên tuyến đường Hồ Chí Minh và các huyện miền núi vùng tây nam và tây bắc Nghệ An.

3.3. Quy hoạch phát triển thương mại đến năm 2010, có tính đến năm 2020.

Đề án Quy hoạch phát triển Thương mại đến 2020 đang được xây dựng và sẽ ban hành trong năm 2007, trong đó:

3.3.1. Quan điểm phát triển:

- Phát triển thương mại Nghệ An đến năm 2010, có tính đến năm 2020 theo hướng văn minh, hiện đại, đóng vai trò "bà đỡ" thúc đẩy sản xuất phát triển thông qua việc tổ chức tốt thị trường để cung ứng đầy đủ vật tư, thiết bị, phương tiện, nguyên nhiên vật liệu đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm làm ra, đồng thời phục vụ tốt nhu cầu đời sống xã hội.

- Xây dựng hạ tầng kỷ thuật thương mại đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phục vụ đời sống xã hội.

- Tổ chức tốt thị trường trong tỉnh, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, khai thác thị trường truyền thống, từng bước mở rộng thị trường mới nhất là thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản…

3.3.2. Mục tiêu phát triển:

Giai đoạn 2007 - 2010: Tốc độ tăng trưởng lưu chuyển hàng hóa bình quân hàng năm là 14-15%, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân hàng năm 18-20%, phấn đấu đến năm 2010 tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ đạt 17.306 tỷ đồng, giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng từ 27 triệu USD năm 2000 lên 350 - 400 triệu USD năm 2010.

II. DỰ BÁO NHU CẦU TIÊU THỤ XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2010

1. Mức tiêu thụ xăng dầu toàn quốc: (theo số liệu Bộ Thương mại)

Năm 2001: 8 triệu tấn/ năm

Năm 2005: dự kiến 10,5 triệu tấn

Năm 2010: dự kiến 15,6 triệu tấn

Năm 2015: dự kiến 23,5 triệu tấn

Năm 2020: dự kiến 43,5 triệu tấn

2. Dự báo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An

2.1. Thống kê các phương tiện tiêu thụ xăng dầu chủ yếu:

Theo số liệu điều tra của Công an tỉnh, Sở Giao Thông - Vận tải và Sở Thuỷ sản đến ngày 31/12/2006 trên địa bàn Nghệ An có:

2.1.1. ôtô các loại: 17.836 chiếc

Trong đó:

- ôtô tải:

+ Loại dưới 3,5 tấn: 2.648 chiếc

+ Loại từ 3,5 đến 10 tấn: 5.638 chiếc

+ Loại từ 10 tấn trở lên: 1.465 chiếc

- ôtô chở khách:

+ Loại dưới 10 chỗ ngồi: 4.153 chiếc

+ Loại từ 10 đến 30 chỗ ngồi: 1.434 chiếc

+ Loại trên 30 chỗ ngồi: 843 chiếc

- Các loại xe khác:

+ Xe lam: 45 chiếc

+ Công nông máy kéo: 845 chiếc

+ Các loại xe khác: 1.165 chiếc

2.1.2.  Mô tô xe máy:  304.928 chiếc

Trong đó: -  Dung tích dưới 50 cm3: 18.985 chiếc

- Dung tích từ 50 đến 175 cm3: 284.821 chiếc

- Dung tích trên 175 cm3: 97 chiếc

- Xe ba bánh: 15 chiếc

- Xe khác: 1.010 chiếc

2.1.3.  Tàu thuyền các loại: 3.620 chiếc.

Trong đó: - Tàu thuyền vận tải các loại: 323 chiếc công suất 42.000 CV.

- Tàu thuyền chở khách: 86 chiếc công suất 20.000 CV. - Tàu thuyền đánh bắt hải sản:3.211 chiếc C.suất:135.820 CV.

Trên cơ sở nhu cầu vận tải hàng hoá tăng cao và thu nhập dân cư tăng, nên nhu cầu mua sắm phương tiện đi lại của người dân tăng nhanh, dự báo đến năm 2010 số lượng các phương tiện vận tải trên địa bàn tỉnh sẽ tăng rất nhanh và đạt con số sau:

- ôtô các loại: 30.000 chiếc

- Mô tô xe máy: 400.000 chiếc

- Tàu thuyền các loại: 5.000 chiếc

Nghệ An nằm trên tuyến giao thông Bắc–Nam nên còn một số lượng lớn các phương tiện vận tải của các tỉnh khác qua lại trên đường bộ, đường biển, hàng năm tiêu thụ khối lượng lớn xăng dầu tại Nghệ An. Ngoài ra, do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế nên khối lượng các máy chuyên dùng trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng tăng nhanh (máy cày, máy tuốt lúa, máy bơm, xay xát, máy gặt, đào xúc, các máy động lực khác trong khai thác và xây dựng vv..). Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu từ nay cho đến 2010 sẽ tăng nhanh, tốc độ tăng bình quân năm khoảng 20- 22 %/năm.

2.2. Dự báo tổng mức tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ 2007 đến 2010:

Trên cơ sở thống kê số lượng xăng dầu tiêu thụ từ năm 2001 đến 2006 và số lượng phương tiện, máy móc, thiết bị tiêu thụ nhiên liệu trên địa bàn tỉnh, dự báo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu từ 2007 đến 2010 như sau:

Năm 2007: 300.000m3, trong đó: Xăng: 120.000 m3, dầu: 200.000 m3;

Năm 2008: 360.000 m3, trong đó: Xăng: 144.000 m3, dầu: 216.000 m3

Năm 2009: 440.000 m3, trong đó: Xăng: 170.000 m3, dầu: 270.000 m3;

Năm 2010: 560.000 m3, trong đó: Xăng: 220.000 m3, dầu: 340.000 m3;

Năm 2015: 830.000 m3, trong đó: Xăng: 330.000 m3, dầu: 500.000 m3;

Năm 2020: 1.300.000m3, trong đó: Xăng: 520.000 m3, dầu:780.000 m3;

B. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI KINH DOANH XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2010

I. QUAN ĐIỂM QUY HOẠCH

Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn từng huyện, thành phố, thị xã.

- Xây dựng quy hoạch với quan điểm tận dụng tối đa những cơ sở kinh doanh đã xây dựng từ trước khi có quy hoạch đáp ứng được các điều kiện kinh doanh, kiên quyết không đưa vào quy hoạch những cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh mà cho khắc phục để đảm bảo đủ các điều kiện vẫn không có khả năng và điều kiện để khắc phục.

- Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu phải phù hợp với các quy định về môi trường, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vừa đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của sản xuất và đời sống vừa phục vụ tốt nhu cầu quốc phòng khi cần thiết.

- Việc xây dựng các cửa hàng xăng dầu phải phù hợp quy hoạch, xây dựng 2 bên các tuyến đường giao thông (như đường Hồ Chí Minh, đường tránh Vinh, đường Quốc lộ 46 kéo dài.v.v…).

II. NGUYÊN TẮC BỐ TRÍ

1. Điều kiện về địa điểm, quy cách thiết kế và tiêu chuẩn xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu

1.1. Địa điểm xây dựng các cửa hàng xăng dầu:

* Địa điểm xây dựng các cửa hàng xăng dầu phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

- Đất xây dựng cửa hàng xăng dầu là đất chuyên dùng không phải là đất ở; Trường hợp những cửa hàng thuộc diện được quy hoạch mà đã xây dựng trước quy hoạch phê duyệt, chủ đầu tư phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất ở sang đất chuyên dùng.

- Cách mốc lộ giới ra phía ngoài ít nhất 7m ;

- Cách giao lộ, nơi tụ họp đông người, danh lam thắng cảnh ít nhất là 50m;

- Cách điểm có tầm nhìn bị cản trở ít nhất 200 m;

- Bảo đảm an toàn về phòng chống cháy nổ;

- Đảm bảo các điều kiện về môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

1.2. Quy cách thiết kế và tiêu chuẩn xây dựng các loại cửa hàng xăng dầu:

Thiết kế các cửa hàng xăng dầu phải bảo đảm đầy đủ các chức năng chủ yếu như: bơm, bồn chứa xăng, dầu, hệ thống nạp kín, bể chứa nước cứu hỏa, vòi nước áp lực rửa xe, quầy hàng dịch vụ, nhà quản lý, nhà làm việc, bãi đỗ xe, công trình vệ sinh, các thiết bị phòng chống cháy nổ vv.. Ngoài tiêu chuẩn thiết kế chung trên đây còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định của Bộ Thương mại tại Quyết định số 278/2002/QĐ-BTM ngày 19/3/2002, cụ thể là:

1.2.1. Cửa hàng loại I:

- Diện tích đất: không dưới 10.000 m2,

- Chiều rộng mặt tiền khoảng 100 m,

- Có ít nhất 6 cột bơm, kèm theo các dịch vụ thương mại khác như rửa xe, sửa chữa nhỏ và bảo quản, cửa hàng bách hóa, ăn uống, nhà nghỉ và bãi đỗ xe qua đêm.

1.2.2. Cửa hàng loại II:

- Diện tích đất không dưới 4.000 m2,

- Chiều rộng mặt tiền khoảng 80 m,

- Có ít nhất 6 cột bơm, kèm theo các dịch vụ thương mại khác như rửa xe, sửa chữa nhỏ và bảo quản, cửa hàng bách hóa.

1.2.3. Cửa hàng loại III:

- Diện tích đất không dưới 2000 m2,

- Chiều rộng mặt tiền khoảng 50 m ,

- Có ít nhất 04 cột bơm kèm theo các dịch vụ rửa xe.

Tuy nhiên, đây là tiêu chuẩn xây dựng cửa hàng xăng dầu trên đường Hồ Chí Minh, khu vực có quỹ đất lớn. ở các vùng đồng bằng và đô thị quỹ đất còn lại không nhiều. Mặt khác, để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, khả năng đầu tư xây dựng của các thương nhân (vốn xây dựng cửa hàng xăng dầu do các thương nhân tự đầu tư) và trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Thương mại tại Công văn số 2311/BTM-KHĐT ngày 23/4/2007, UBND tỉnh quy định tiêu chuẩn các loại cửa hàng xăng dầu như sau:

1.2.1. Cửa hàng loại I:

- Diện tích đất: từ 8.000 m2 trở lên,

- Chiều rộng mặt tiền khoảng 80 m,

- Có bể chứa với sức chứa 100m3 trở lên, có ít nhất 3 loại nhiên liệu, 6 cột bơm, hai cổng cho xe ra, vào và kèm theo các dịch vụ thương mại khác như rửa xe, sửa chữa nhỏ và bảo quản, cửa hàng bách hóa, ăn uống, nhà nghỉ và bãi đỗ xe qua đêm.

1.2.2. Cửa hàng loại II:

- Diện tích đất 2.000 m2 trở lên,

- Chiều rộng mặt tiền khoảng 60 m,

- Có ít nhất 6 cột bơm, 03 bể chứa với sức chứa từ 60 m3 trở lên, có 03 loại nhiên liệu và kèm theo các dịch vụ thương mại khác như rửa xe, sửa chữa nhỏ và bảo quản, cửa hàng bách hóa.

1.2.3. Cửa hàng loại III:

- Diện tích đất từ 800 m2 trở lên,

- Chiều rộng mặt tiền khoảng 30 m,

- Có đường để xe vào, ra thuận lợi, có ít nhất 03 cột bơm.

1.2.4. Cửa hàng xăng dầu loại IV:

- Diện tích đất từ 300 m trở lên,

- Chiều rộng mặt tiền ít nhất là 16 m,

- Có đường để xe ra vào thuận tiện, có ít nhất 02 cột bơm và 02 bể chứa với sức chứa từ 20 m3 trở lên.

2. Nguyên tắc bố trí

2.1. Cửa hàng xăng dầu phục vụ phương tiện vận tải đường dài:

Chủ yếu được bố trí dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, cửa khẩu quốc gia và quốc tế, vận tải đường dài phần lớn là xe có tải trọng lớn, xe chở khách Bắc–Nam chạy với tốc độ cao, có nhu cầu ngủ qua đêm. Vì vậy, cần bố trí các điểm kinh doanh xăng dầu với cung độ cách nhau từ 15 đến 20 km, với quy mô xây dựng lớn đáp ứng nhu cầu về xăng dầu và các dịch vụ khác đi kèm (như dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng xe, ăn nghỉ qua đêm…)

2.2. Cửa hàng xăng dầu phục vụ các tuyến giao thông nội tỉnh:

Dọc các tuyến giao thông khác như Quốc lộ 48, Quốc lộ 7, Quốc lộ 46 bố trí hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu với quy mô cửa hàng loại III và loại IV để vừa đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu về xăng dầu cho các phương tiện vận tải qua lại trên tuyến đường, phương tiện đi lại của nhân dân và các máy động lực, động cơ phục vụ TTCN tại địa phương nơi có tuyến đường đi qua.

2.3. Cửa hàng xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ ở thành phố, thị xã, các huyện:

- Khu vực đô thị (ë thành phố, thị xã, khu công nghiệp, du lịch) bố trí các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đầu các cửa ngõ ra vào, dọc các tuyến đường chính kèm theo các dịch vụ như rửa xe, thay dầu, bán các sản phẩm hóa dầu phục vụ chủ yếu cho nhu cầu trên địa bàn với quy mô cửa hàng loại III và loại IV để phù hợp với quĩ đất.

- ở các huyện đồng bằng và các huyện trung du trên cơ sở quy hoạch các vùng nguyên liệu lớn phục vụ công nghiệp chế biến số lượng phương tiện vận tải, các máy sản xuất và phương tiện đi lại của nhân dân đang gia tăng nhanh chóng. Vì vậy, để đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng, đồng thời phù hợp với khả năng đầu tư của thương nhân, sẽ bố trí mỗi xã một cửa hàng xăng dầu loại IV, những xã có diện tích lớn, chiều dài từ 7-10km hoặc tập trung các khu công nghiệp, TTCN nhỏ thì bố trí hai cửa hàng (suất đầu tư từ 150 đến 200 triệu đồng 1 cửa hàng) . Các thị trấn có từ 2 đến 3 cửa hàng loại IV.

- ở các huyện vùng núi cao ngoài các cửa hàng đã xây dựng ở các thị trấn sẽ bố trí tại mỗi trung tâm cụm xã miền núi và mỗi thị tứ (theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội miền núi Nghệ An) 01 đến 02 cửa hàng xăng dầu loại IV.

- Tại các cửa lạch lớn trên địa bàn tỉnh sẽ bố trí mỗi cửa lạch 2 đến 4 điểm kinh doanh xăng dầu ở 2 ven bờ và một số phương tiện nổi để phục vụ cho số lượng tàu thuyền đánh cá rất lớn trên địa bàn.

III. PHÂN KỲ XÂY DỰNG:

1. Giai đoạn 2007- 2008:

- Tập trung cải tạo nâng cấp các cửa hàng thuộc diện trong quy hoạch chưa đáp ứng tiêu chuẩn;

- ưu tiên phát triển các cửa hàng xăng dầu ở nông thôn, miền núi, các khu công nghiệp, các vùng nguyên liệu.

2. Giai đoạn 2009- 2010:

- Tập trung xây dựng mới một số cửa hàng xăng dầu dọc tuyến đường Hồ Chí Minh nhằm phục vụ tốt phương tiện tham gia giao thông. Xây dựng một số cửa hàng xăng, dầu ở các địa điểm còn lại, loại bỏ tất cả các cửa hàng không nằm trong quy hoạch, hoàn thiện mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh đúng với quy hoạch.

3. Giai đoạn 2011 đến 2020:

Đầu tư xây dựng mới số cửa hàng đã quy hoạch còn lại.

IV. QUY HOẠCH CỤ THỂ HỆ THỐNG CỬA HÀNG BÁN LẺ XĂNG DẦU DỌC THEO CÁC TUYẾN ĐƯỜNG VÀ TRÊN ĐỊA BÀN CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ, THỊ XÃ:

Dựa vào nguyên tắc bố trí và tiêu chuẩn xây dựng các loại cửa hàng xăng dầu đã nêu ở trên. Tiến hành quy hoạch địa điểm và quy mô xây dựng các cửa hàng xăng dầu dọc các tuyến đường và các huyện như sau:

1. Tuyến đường 1A:

Tuyến đường này dài gần 100 km (kể cả tuyến đường tránh Vinh) đi qua địa phận thành phố Vinh, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Dọc tuyến đường này bố trí 6 điểm xây dựng cửa hàng xăng dầu phục vụ phương tiện vận tải đường dài. Tại một điểm sẽ xây dựng 2 cửa hàng ở hai bên đường (vị trí và quy mô của các cửa hàng ở phụ lục 2).

Ngoài ra, dọc tuyến đường này còn bố trí một số cửa hàng xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ cho nhân dân địa phương, nhất là các vùng thị trấn, các xã bám dọc quốc lộ IA (vị trí và quy mô của các cửa hàng ở trong phụ lục 4).

2. Tuyến đường Hồ Chí Minh:

Tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua Nghệ An dài 132 km đi qua địa bàn các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương. Dọc tuyến đường này xây dựng 11 cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo Quyết định số 1953/2004/QĐ-BTM ngày 30/12/2004 của Bộ Thương mại (vị trí và quy mô xây dựng các cửa hàng có trong phụ lục 3, theo Quy hoạch Bộ Thương mại đã phê duyệt).

3. Huyện Kỳ Sơn:

Căn cứ vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội miền núi từ nay đến 2010, có tính đến 2020 trên địa bàn Kỳ Sơn sẽ phát triển thêm 6 thị tứ nằm trên các trục giao thông đang mở (tuyến đường Mường Xén, Mường Lống, Châu Kim, Tri Lễ, tuyến Mường Xén – Khe Kiền). Ngoài 4 cửa hàng xăng dầu đã xây dựng tại thị trấn Mường Xén và Tà Cạ, sẽ xây dựng thêm 7 cửa hàng xăng dầu loại IV tại các thị tứ và trung tâm cụm xã (quy mô và địa điểm xây dựng cụ thể trong phụ lục 4).

4. Huyện Tương Dương:

Cùng với sự phát triển của hệ thống giao thông và việc xây dựng nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, nhu cầu về xăng dầu trên địa bàn này đang tăng nhanh. Vì vậy, ngoài các cửa hàng đã có tại thị trấn Hòa Bình và Khe Bố sẽ xây dựng thêm 5 cửa hàng xăng dầu loại IV (quy mô và địa điểm xây dựng cụ thể trong phụ lục 4).

5. Huyện Con Cuông:

Theo Quy hoạch thị trấn Con Cuông sẽ trở thành thị xã vùng tây nam của tỉnh, với quy mô 1 vạn dân vào năm 2010 và 2,5 vạn dân vào năm 2020. Vì vậy, ngoài 4 cửa hàng xăng dầu đã có tại thị trấn và xã Thạch Ngàn sẽ xây dựng thêm 6 cửa hàng loại IV tại các trung tâm cụm xã và các thị tứ trong quy hoạch (quy mô và địa điểm xây dựng cụ thể trong phụ lục 4).

6. Huyện Anh Sơn:

Ngoài các cửa hàng đã và sẽ xây dựng dọc Quốc lộ 7 (quy hoạch của Sở Xây dựng) sẽ phát triển thêm 10 cửa hàng xăng dầu loại IV tại các thị tứ nằm trong quy hoạch đến 2010 của tỉnh (quy mô, địa điểm xây dựng trong phụ lục 4).

7. Huyện Đô Lương:

Trên địa bàn huyện hiện tại đã có 17 cửa hàng xăng dầu nhưng phân bố không đều. Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của huyện và quy hoạch của sở Xây dựng, dọc tuyến đường 7 sẽ di dời 1 cửa hàng và trên các tuyến giao thông nội huyện xây dựng mới thêm 17 cửa hàng xăng dầu loại IV (quy mô và địa điểm xây dựng cụ thể trong phụ lục 4).

8. Huyện Thanh Chương:

Ngoài hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn huyện, sẽ bố trí thêm 19 cửa hàng tại các thị tứ nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng tổng số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn huyện đến năm 2010 là 33 cửa hàng loại IV (quy mô và địa điểm xây dựng cụ thể trong phụ lục 4).

9. Huyện Nam Đàn:

Sẽ di dời 2 cửa hàng vi phạm các quy định của Thông tư 14/1999/TT- BTM, xây dựng thêm 19 cửa hàng xăng dầu loại IV tại các xã vùng chính Nam và vùng ven sông Lam, các xã thuộc diện miền núi của huyện (quy mô và địa điểm xây dựng cụ thể trong phụ lục 4).

10. Huyện Hưng Nguyên:

Di dời 1 cửa hàng ở khu vực thị trấn (sát với khu di tích 12/9), xây dựng thêm 11 cửa hàng loại IV nằm dọc các trục đường liên xã (quy mô và địa điểm xây dựng cụ thể trong phụ lục 4).

11. Huyện Nghi Lộc:

Hiện tại mạng lưới cửa hàng xăng dầu trên địa bàn Nghi Lộc tập trung quá nhiều dọc Quốc lộ 1A, vùng Nghi Kim, Nghi Liên. Vì vậy, từ nay đến 2010 phải di dời một số cửa hàng nằm ở khu vực trên đến các địa điểm quy hoạch để vừa đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của phương tiện vận tải đường dài, vừa phục vụ tốt nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn (quy mô và địa điểm xây dựng cụ thể trong phụ lục 4).

12. Huyện Diễn Châu:

Trên địa bàn Diễn Châu hiện tại có 46 cửa hàng xăng dầu được bố trí khắp địa bàn các xã, đặc biệt trên Quốc lộ 1A và vùng biển Diễn Ngọc mật độ các cửa hàng quá dày. Vì vậy, từ nay đến 2010 phải xóa bỏ 9 cửa hàng vi phạm các điều kiện kinh doanh, vận động tháo dỡ và di dời một số cửa hàng đến địa điểm mới, xây dựng mới một số cửa hàng ở những xã chưa có cửa hàng bán lẻ nào và những xã có lợi thế phục vụ phương tiện vận tải đường dài. (quy mô và vị trí xây dựng các cửa hàng xăng dầu trong phụ lục 4).

13. Huyện Tân Kỳ:

Ngoài việc xây dựng các cửa hàng xăng dầu dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, sẽ phát triển thêm 11 cửa hàng loại IV tại các thị tứ và các xã vùng xa trung tâm, có diện tích đất rộng, đối với khu vực thị trấn bố trí thêm 02 cửa hàng để nâng cao dịch vụ trên tuyến đường HCM đi qua. (quy mô và vị trí xây dựng các cửa hàng xăng dầu trong phụ lục 4).

14. Huyện Quế Phong:

Ngoài cửa hàng đã có tại thị trấn Kim Sơn, sẽ phát triển thêm 8 cửa hàng loại IV tại các thị tứ và trung tâm cụm xã (quy mô và vị trí xây dựng các cửa hàng xăng dầu trong phụ lục 4).

15. Huyện Quỳ Hợp:

Là địa phương có nguồn tài nguyên phong phú đã và đang trở thành khu công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, mía đường vv... nên nhu cầu tiêu thụ xăng dầu rất lớn. Vì vậy ở địa bàn này, ngoài số cửa hàng xăng dầu dọc Quốc lộ 48 (theo quy hoạch của Sở Xây dựng) sẽ phát triển thêm 12 cửa hàng loại IV tại các khu vực mỏ và các thị tứ nằm trong quy hoạch (quy mô và địa điểm xây dựng các cửa hàng trong phụ lục 4).

16. Huyện Quỳ Châu:

Ngoài 3 cửa hàng đã xây dựng nằm trên trục đường 48 sẽ phát triển thêm 3 cửa hàng loại IV ở 3 trung tâm cụm xã khác và bố trí đầu tư xây dựng mới 01 cửa hàng tại khu vục lân cận thị trấn (quy mô và địa điểm xây dựng các cửa hàng trong phụ lục 4).

17. Huyện Nghĩa Đàn:

Đây là huyện trọng điểm của vùng nguyên liệu mía, sắn, cà phê và nguyên liệu giấy, số lượng các phương tiện vận tải nhiều nên nhu cầu xăng dầu lớn. Tại địa bàn này, ngoài hệ thống cửa hàng nằm dọc quốc lộ 48 (Theo quy hoạch của Sở Xây dựng) và khu vực thị trấn, phát triển thêm 13 cửa hàng loại IV tại các thị tứ nằm trong quy hoạch đưa tổng số cửa hàng trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn lên 28 cửa hàng (quy mô và địa điểm xây dựng các cửa hàng trong phụ lục 4).

18. Huyện Quỳnh Lưu:

Trên địa bàn Quỳnh Lưu hiện tại có 65 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, số lượng cửa hàng nhiều nhưng có quy mô nhỏ, không đạt tiêu chuẩn, đặc biệt là ở vùng ven biển. Vì vậy, từ nay đến 2010 sẽ quy gom các cửa hàng theo mô hình hợp tác đối với số cửa hàng ven lạch biển, di chuyển một số cửa hàng dọc Quốc lộ 1A về các xã vùng nguyên liệu dứa, xóa bỏ một số cửa hàng nằm dọc Quốc lộ 1A vi phạm các điều kiện kinh doanh, quy họach thêm một số cửa hàng tại các khu công nghiệp Hoàng Mai, Quỳnh Giang (quy mô và địa điểm xây dựng các cửa hàng trong phụ lục 4).

19. Huyện Yên Thành:

Trên địa bàn huyện Yên Thành hiện tại có 32 cửa hàng kinh doanh xăng dầu cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu trên địa bàn của huyện đến giai đoạn hiện nay. Vì vậy, việc phát triển cửa hàng mới căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của huyện, sẽ di dời những cửa hàng không phù hợp với quy hoạch của sở Xây dựng về một số xã vùng miền núi của huyện, bố trí thêm một số cửa hàng tại các xã mới tách ra và các xã có diện tích lớn; Quy hoạch thêm một số cửa hàng trên các tuyến đường liên huyện đã được tỉnh phê duyệt nâng cấp (quy mô và vị trí bố trí các cửa hàng xăng dầu trong phụ lục 4).

20. Thành phố Vinh:

Bố trí các cửa hàng xăng dầu đầu các cửa ngõ ra vào thành phố, dọc các tuyến đường chính. Hiện tại trên địa bàn thành phố đã có 22 cửa hàng, từ nay đến 2010 sẽ xóa bỏ và di chuyển 4 cửa hàng vi phạm các điều kiện kinh doanh và hành lang giao thông, xây dựng thêm 10 cửa hàng dọc tuyến đường ven Sông Lam, các tuyến đường mới quy hoạch (quy mô và địa điểm xây dựng các cửa hàng trong phụ lục 4).

21. Thị xã Cửa lò:

Ngoài 5 cửa hàng xăng dầu đã xây dựng ở các vị trí phù hợp, trên điạ bàn thị xã Cửa Lò sẽ phát triển thêm 6 cửa hàng xăng dầu loại IV ở Nghi Hương, Nghi Hải, Thu Thủy và Nghi Thu (quy mô và địa điểm xây dựng các cửa hàng trong phụ lục 4).

22. Hệ thống cửa hàng xăng dầu trên sông, biển:

Hiện tại trên vùng sông biển của tỉnh đã có 16 tàu bán lẻ xăng dầu cung cấp xăng dầu cho nhu cầu của các phương tiện đường thủy, mặt khác, do hệ thống cửa hàng ven sông biển, nhất là ở các cửa lạch có khả năng bổ sung đầy đủ mọi nhu cầu phát sinh về xăng dầu của tàu, thuyền. Vì vậy, từ nay đến năm 2010 không cần thiết phải phát triển thêm các tàu bán lẻ xăng dầu trên sông biển (số lượng và địa điểm tàu hoạt động trong phụ lục 5).

V. QUY HOẠCH HỆ THỐNG KHO CHỨA, KHO DỰ TRỮ XĂNG DẦU:

Để đảm bảo cơ số dự trữ xăng dầu phục vụ kịp thời nhu cầu sản xuất và đời sống tại các huyện miền núi vùng tây nam và tây bắc của tỉnh, nhất là trong mùa mưa bão và phục vụ tốt nhu cầu quốc phòng khi cần thiết. Trên khu vực này, bố trí địa điểm xây dựng hai vùng kho dự trữ xăng dầu tại Nghĩa Đàn, Con Cuông, mỗi vùng kho có sức chứa 1.000 m3

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu về tổng đại lý xăng, dầu theo quy định tại Nghị định số 55/2007/NĐ-CP ngày 06/4/2007 của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu, bên cạnh hệ thống kho chứa của Công ty Xăng dầu Nghệ Tĩnh, cần thiết phải cải tạo, nâng cấp hệ thống kho chứa của các doanh nghiệp tổng đại lý ở khu vực Nghi Lộc, Cửa Lò, đáp ứng yêu cầu với sức chứa mỗi kho từ 4.000 đến 5.000m3. (vị trí xây dựng các vùng kho tại phụ lục 6).

Phần 3:

HỆ THỐNG CÁC CHÍNH SÁCH, GIẢI PHÁP  THỰC HIỆN QUY HOẠCH

I. CHÍNH SÁCH THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Chính sách về vốn:

Ngoài hệ thống cửa hàng hiện có đã xây dựng đủ tiêu chuẩn, để thực hiện mục tiêu quy hoạch từ nay đến 2010 cần thiết phải huy động nguồn vốn trên 88.000.000.000 đồng (Tám mươi tám tỷ đồng) để xây dựng mới 235 cửa hàng; cải tạo nâng cấp 216 cửa, 03 kho chứa xăng dầu, xây dựng thêm 2 kho dự trữ, sức chứa mỗi kho 1.000 m3. Nguồn vốn này chủ yếu do các doanh nghiệp và cá nhân tự huy động.

Các thương nhân đầu tư xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở khu vực II, khu vực III được hỗ trợ theo chính sách ưu đãi của Nhà nước theo quy định hiện hành.

2. Chính sách về đất đai:

2.1 Thương nhân xây dựng mới cơ sở kinh doanh xăng dầu tại các vùng miền núi được hưởng chính sách về đất đai theo Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc; Nghị định số 02/2002/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc như sau:

- Khu vực III miền núi được miễn tiền thuê đất.

- Khu vực II miền núi: được miễn tiền thuê đất trong 5 năm đầu kể từ khi ký hợp đồng thuê đất.

2.2 Vùng núi thấp kinh tế kém phát triển, khu kinh tế mới, khu tái định cư, dọc đường Hồ Chí Minh thương nhân được thuê đất lâu dài tại các vị trí trong quy hoạch để xây dựng cơ sở kinh doanh xăng dầu.

2.3 Tại các điểm quy hoạch khác (trên các đường quốc lộ, ở thành phố, thị xã) tỉnh sẽ xây dựng quỹ đất ở các vị trí quy hoạch và áp dụng phương thức đấu thầu về đất để xây dựng các cơ sở kinh doanh xăng dầu.

2.4 Thương nhân đầu tư xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu dọc Quốc lộ IA, đường Hồ Chí Minh với quy mô lớn, khép kín các dịch vụ ăn, nghỉ trọ, bảo dưỡng và sửa chữa phương tiện vận tải.v.v... được bố trí quỹ đất phù hợp với yêu cầu và quy mô đầu tư.

3. Chính sách về thuế:

Thương nhân kinh doanh xăng dầu ở các vùng miền núi được hưởng chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 và Nghị định số 02/2002/NĐ-CP ngày 03/01/2002 của Chính phủ như sau:

- Đối với thương nhân kinh doanh ở khu vực III miền núi được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu và giảm 50% trong 7 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

- Đối với thương nhân kinh doanh ở khu vực II được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

- Đối với thương nhân kinh doanh ở khu vực I miền núi được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm đầu và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

4. Chính sách phát triển thương nhân:

UBND tỉnh đảm bảo quyền tự do kinh doanh và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thương nhân thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.

Trước mắt, ưu tiên phát triển thương nhân kinh doanh xăng dầu ở khu vực miền núi, vùng kinh tế khó khăn nhằm khuyến khích thương nhân đầu tư xây dựng các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại khu vực này theo quy hoạch nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đề ra trong Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền tây Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/2005/QĐ-TTg ngày 15/6/2005.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Xây dựng quỹ đất để thực hiện Quy hoạch: Ngay sau khi Quy hoạch được phê duyệt, các ngành chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương xây dựng quỹ đất phù hợp với tiêu chuẩn từng loại cửa hàng kinh doanh xăng dầu, kho chứa, kho dự trữ trong quy hoạch. Quỹ đất đã xác định trong lúc chưa xây dựng cơ sở kinh doanh xăng dầu, cơ quan quản lý quỹ đất có thể cho tổ chức, cá nhân tạm thuê để sản xuất kinh doanh nhưng khi thu hồi để xây dựng cơ sở kinh doanh xăng dầu thì phải trả ngay và không đ­ược đền bù.

2. Đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã xây dựng không nằm trong quy hoạch, không đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 55/2007/NĐ-CP của Chính phủ thì phải tự dỡ bỏ trong thời gian 1 năm kể từ ngày quy hoạch được phê duyệt. Với những cửa hàng này, các cấp, các ngành kiên quyết không được cấp các giấy chứng nhận khác và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh để thương nhân chấp hành việc tháo dỡ. Nếu không tháo dỡ thì phải xử lý theo pháp luật hiện hành và phải cưỡng chế nếu cố tình vi phạm.

3. Đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã xây dựng, chưa đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 55/2007/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng nằm trong địa điểm quy hoạch, trước mắt thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, yêu cầu thương nhân phải cải tạo, nâng cấp cửa hàng cho đúng tiêu chuẩn quy định, đồng thời phải hoàn thành các thủ tục hành chính để đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định.

4. Đối với cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã xây dựng, đáp ứng các điều kiện kinh doanh không nằm trong quy hoạch thì hướng dẫn, vận động thương nhân chuyển đổi ngành nghề kinh doanh hoặc di dời cửa hàng đến địa điểm quy hoạch gần nhất (nếu có). Thời hạn kinh doanh ở địa điểm không có trong quy hoạch chậm nhất đến năm 2010. Sau thời hạn đó, nếu thương nhân không di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh thì phải tháo dỡ và đình chỉ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh để đảm bảo quy hoạch.

5. Việc xây dựng mới các cơ sở kinh doanh xăng dầu sau khi quy hoạch được duyệt áp dụng theo chính sách đã nêu trong quy hoạch và phải chấp hành đúng quy định của Nghị định số 55/2007/NĐ-CP của Chính phủ và của UBND tỉnh tại văn bản số 4528/CV-UB ngày 15/10/2002 về việc xây dựng cửa hàng xăng dầu.

Phần 4:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Ngay sau khi Quy hoạch được phê duyệt, phải tổ chức công khai Quy hoạch một cách rộng rãi để các ngành, các cấp nhất là các doanh nghiệp và thương nhân nắm được quy hoạch để thực hiện. UBND tỉnh giao Sở Thương mại chủ trì, phối hợp với các sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Công an Phòng cháy - chữa cháy, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong việc công khai quy hoạch, quản lý, theo dõi kiểm tra thực hiện quy hoạch.

Việc xây dựng và kinh doanh xăng dầu bị chi phối bởi rất nhiều văn bản pháp luật như Luật Đất đai, Luật Môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Phòng cháy chữa cháy, các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của các bộ, ngành về quản lý xây dựng, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, điều kiện kinh doanh vv... Do vậy, để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật và thực hiện tốt quy hoạch UBND tỉnh giao trách nhiệm cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã như sau:

1. Sở Thương mại:

+ Là cơ quan chủ trì thực hiện quy hoạch có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc quản lý các điều kiện về xây dựng và kinh doanh xăng dầu, tuyên truyền phổ biến rộng rãi quy hoạch và các chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đến các thương nhân. Trực tiếp thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu cho thương nhân theo quy định tại Nghị định số 55/2007/NĐ-CP và quy hoạch đã được duyệt.

+ Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhất là kiểm tra việc thực hiện quy hoạch và việc chấp hành điều kiện theo quy định trong kinh doanh xăng dầu.

2. Sở Xây dựng: Trực tiếp thẩm định, cấp Giấy phép xây dựng đối với cửa hàng kinh doanh xăng dầu xây dựng mới, văn bản chấp thuận về địa điểm xây dựng (đối với những cửa hàng đã xây dựng trước khi quy hoạch được phê duyệt) cho các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, kho chứa, kho dự trữ nằm trong địa điểm quy hoạch đáp ứng đầy đủ các điều kiện về xây dựng ở thành phố, thị xã, các tuyến đường giao thông chính trên địa bàn tỉnh có mốc lộ giới từ 24m trở lên.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì và phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất để xây dựng và phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu theo quy hoạch được phê duyệt. Đồng thời hướng dẫn UBND các huyện trong việc thẩm định các điều kiện về môi trường và cấp Giấy xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu cho các doanh nghiệp.

4. Sở Khoa học và Công Nghệ:

+ Thực hiện công tác kiểm định đối với tất cả cột đo xăng dầu của thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo quy định của Pháp lệnh Đo lường, các quy định của Bộ Khoa học & Công nghệ và quy định của UBND tỉnh Nghệ An.

+ Chủ trì và phối hợp với các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát đo lường, chất lượng xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối, các tổng đại lý và đại lý bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo Pháp lệnh Đo lường và Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá.

5. Sở Giao thông - Vận tải:

Hướng dẫn thương nhân xây dựng các cơ sở kinh doanh xăng dầu dọc các tuyến giao thông thực hiện đúng quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định hiện hành.

6. Công an tỉnh:

+ Chỉ đạo Công an Phòng cháy chữa cháy thẩm định các điều kiện về phòng chống cháy nổ của các cơ sở kinh doanh xăng dầu, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng chống cháy nổ trong kinh doanh xăng dầu cho doanh nghiệp theo quy định. Ngoài ra, phải thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo phòng cháy của các doanh nghiệp nhằm uốn nắn, khắc phục thiếu sót của doanh nghiệp trong công tác phòng cháy.

+ Chỉ đạo kiểm tra điều kiện về an ninh trật tự trong kinh doanh xăng dầu, cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh xăng dầu theo quy định.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng cơ chế huy động vốn đầu tư xây dựng các cửa hàng xăng dầu, kho chứa, kho dự trữ, các chính sách ưu đãi cho các thương nhân trong việc xây dựng các cửa hàng xăng dầu ở vùng sâu, vùng xa.

8. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với các sở: Thương mại, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng các cơ chế về cho thuê đất, miễn tiền thuê đất, miễn tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và các chính sách ưu tiên khác cho các thương nhân đầu tư xây dựng, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở trung tâm cụm xã miền núi, vùng sâu, vùng xa.

9. Uỷ ban nhân các huyện, thành phố, thị xã:

Trực tiếp quản lý quy hoạch trên địa bàn, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi tr­­ờng, Sở Xây dựng trong việc quy hoạch quỹ đất cho việc xây dựng mạng lư­ới kinh doanh xăng dầu theo quy hoạch được phê duyệt. Trực tiếp thẩm định và cấp giấy phép xây dựng các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nằm trên các tuyến đường liên huyện, liên xã có mốc lộ giới nhỏ hơn 24m (®ối với các huyện) và 13 m (®ối với thành phố, thị xã) trên địa bàn mình quản lý. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các Sở, Ngành khác trong việc giải toả, di dời các cơ sở kinh doanh xăng dầu xây dựng không được cấp phép, sai quy hoạch trên địa bàn.

Trước mắt xử lý dứt điểm các cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm các quy định về kinh doanh xăng dầu theo Quyết định số 2982/QĐ-UB/TM ngày 15/8/2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 78/2007/QĐ-UBND phê duyệt Đề án: Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2010, có tính đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành

  • Số hiệu: 78/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/07/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Nguyễn Văn Hành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản