Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/CT-CTUBND | Hưng Yên, ngày 08 tháng 12 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH XĂNG, DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực; công tác quy hoạch hệ thống kho, cửa hàng bán lẻ xăng, dầu được thực hiện phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ. Hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng, dầu được doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp khang trang, hiện đại, góp phần phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động kinh doanh xăng, dầu còn nhiều hạn chế, vẫn còn xảy ra hiện tượng gian lận về chất lượng, đo lường, nguồn hàng cung cấp, thời gian bán hàng, an toàn phòng, chống cháy, nổ trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu.
Để khắc phục những hạn chế, ngăn chặn và chấm dứt tình trạng nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Cục Thuế tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành trình Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo chống thất thu đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu (gọi tắt là Ban Chỉ đạo); cử 01 lãnh đạo Cục tham gia Ban Chỉ đạo chống thất thu; xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể trong lĩnh vực quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu thông qua giải pháp quản lý đồng hồ (công tơ) tổng trên các phương tiện đo xăng, dầu của các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn trình Ban Chỉ đạo phê duyệt.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành lập Tổ triển khai thực hiện việc dán tem công tơ tổng tại các cột đo xăng, dầu của các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh trình Ban Chỉ đạo quyết định.
- Cử công chức tham gia Tổ kiểm tra liên ngành để Sở Công Thương trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập cùng với các ngành liên quan thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu.
- Rà soát và thống kê tất cả các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh làm cơ sở thực hiện việc dán tem công tơ tổng tại các cột đo xăng, dầu một cách hiệu quả và khoa học.
- Thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chính sách, biện pháp quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn phù hợp với từng thời kỳ.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phổ biến, tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu rõ, đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh xăng, dầu; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thông tin kịp thời, chính xác, khách quan về các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng, dầu, nhất là các vi phạm về đo lường, chất lượng, an toàn phòng, chống cháy nổ.
- Hàng tháng, quý vào ngày đầu của tháng, quý cử công chức thuế đến cơ sở kinh doanh xăng, dầu để ghi chỉ số đang thể hiện trên công tơ tổng; thực hiện kiểm tra đối chiếu số liệu của cơ sở kinh doanh xăng, dầu phản ánh trên hồ sơ khai thuế với lượng xuất ra phản ánh trên chỉ số công tơ tổng của cột đo xăng, dầu để xử lý theo quy định của pháp luật về thuế.
- Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo kết quả thực hiện kế hoạch chống thất thu đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu.
2. Sở Công Thương
- Cử 01 lãnh đạo Sở tham gia Ban Chỉ đạo.
- Chủ trì phối hợp với sở, ngành liên quan thành lập Tổ kiểm tra liên ngành trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định để kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn các huyện, thành phố.
- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường cử cán bộ tham gia Tổ triển khai thực hiện việc dán tem công tơ tổng tại các cột đo xăng, dầu của tất cả các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh.
- Cung cấp thông tin (Tên, địa chỉ, mã số thuế) của các đơn vị mới ra kinh doanh trong lĩnh vực xăng, dầu để Tổ triển khai kịp thời dán tem bổ sung.
- Thực hiện xử lý nghiêm theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, quản lý thị trường đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn.
3. Sở Khoa học và Công nghệ
- Cử 01 lãnh đạo Sở tham gia Ban Chỉ đạo.
- Đề xuất mẫu tem, cơ quan phát hành, cơ quan quản lý tem, vị trí dán tem, thời điểm kiểm tra đối với tem đang dán trên công tơ tổng tại các cột đo xăng, dầu của tất cả các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh.
- Cử cán bộ tham gia Tổ triển khai thực hiện việc dán tem công tơ tổng tại các cột đo xăng, dầu của tất cả các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh; Cử cán bộ tham gia vào Tổ kiểm tra liên ngành để Sở Công Thương trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập cùng với các ngành liên quan thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng và các vi phạm khác theo thẩm quyền; thực hiện việc kiểm soát về đo lường, cấp giấy chứng nhận kiểm định cột đo nhiên liệu (cột bơm) cho những cột bơm thuộc các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh.
- Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về đo lường, chất lượng cho cán bộ quản lý, người lao động tại các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng, dầu.
- Là đầu mối tiếp nhận, giải quyết các thông tin, phản ánh của doanh nghiệp liên quan tới tem niêm phong, kẹp chì của các bộ phận thuộc cột đo xăng dầu.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan phổ biến, tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu rõ, đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh xăng, dầu; chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thông tin kịp thời, chính xác, khách quan về các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng, dầu, nhất là các vi phạm về đo lường, chất lượng, an toàn phòng, chống cháy, nổ.
- Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan liên quan trong việc thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng, dầu theo quy định của pháp luật.
5. Công an tỉnh
- Chỉ đạo lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy rà soát, kiểm tra điều kiện an toàn phòng, chống cháy nổ của tất cả các cơ sở kinh doanh xăng, dầu; kịp thời xử lý theo thẩm quyền đối với các cơ sở kinh doanh xăng, dầu không đủ điều kiện về an toàn phòng chống cháy nổ. Thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất; tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về an toàn phòng, chống cháy, nổ cho công nhân viên tại các cơ sở kinh doanh xăng, dầu.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu; chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông thông qua công tác tuần tra, phối hợp kiểm tra hóa đơn, chứng từ đối với các phương tiện vận chuyển xăng, dầu lưu thông vào địa bàn tỉnh.
6. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động trong sản xuất, kinh doanh xăng, dầu; tổ chức công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh cho cán bộ quản lý và nhân viên trực tiếp làm việc tại cơ sở kinh doanh xăng, dầu theo quy định của pháp luật.
- Hướng dẫn, kiểm tra an toàn lao động, vệ sinh lao động tại các cơ sở kinh doanh xăng, dầu; rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại các cơ sở kinh doanh xăng, dầu.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tổ chức đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về môi trường và cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp đến hoạt động, kinh doanh xăng, dầu theo quy định của pháp luật; đồng thời, tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở kinh doanh xăng, dầu.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chỉ đạo các lực lượng chức năng tham gia phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn; tránh tình trạng chồng chéo, có nhiều đoàn kiểm tra doanh nghiệp cùng một nội dung.
9. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh
- Thực hiện nghiêm Luật Kế toán, pháp luật về thuế và các quy định của nhà nước về kinh doanh xăng, dầu.
- Cung cấp đầy đủ, kịp thời các hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng, dầu cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi được kiểm tra.
- Thực hiện theo quy định của Nhà nước về giá bán xăng, dầu; thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lượng xăng, dầu tồn kho tại thời điểm nhà nước điều chỉnh giá bán xăng, dầu trên thị trường và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo.
- Có trách nhiệm bảo quản tem niêm phong đang dán trên công tơ tổng. Trong trường hợp doanh nghiệp phát hiện tem niêm phong bị rách, hỏng hoặc các cột bơm xăng, dầu cần sửa chữa liên quan đến việc bóc dỡ tem niêm phong thì các doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Sở Khoa học và Công nghệ và tạm dừng bán hàng đối với cột đo nhiên liệu trước khi khắc phục xong sự cố theo quy định của pháp luật.
10. Trách nhiệm thi hành
Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các doanh nghiệp liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo và phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Cục Thuế tỉnh để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 78/2007/QĐ-UBND phê duyệt Đề án: Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2010, có tính đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
- 2Quyết định 195/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng, dầu tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 do tỉnh Hưng Yên ban hành
- 3Quyết định 1656/QĐ-UBND năm 2016 Đề án “Tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”
- 4Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2017 thực hiện dán tem niêm phong đối với đồng hồ tổng trên phương tiện đo xăng, dầu của cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên toàn địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 1Luật Kế toán 2003
- 2Quyết định 78/2007/QĐ-UBND phê duyệt Đề án: Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2010, có tính đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
- 3Quyết định 195/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng, dầu tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 do tỉnh Hưng Yên ban hành
- 4Quyết định 1656/QĐ-UBND năm 2016 Đề án “Tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”
- 5Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2017 thực hiện dán tem niêm phong đối với đồng hồ tổng trên phương tiện đo xăng, dầu của cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên toàn địa bàn tỉnh Đồng Nai
Chỉ thị 19/CT-CTUBND năm 2016 về tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn do tỉnh Hưng Yên ban hành
- Số hiệu: 19/CT-CTUBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 08/12/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
- Người ký: Nguyễn Văn Phóng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra