Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 367/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 03 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DANH MỤC DỰ ÁN DO CHÍNH PHỦ ĐỨC TÀI TRỢ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ;

Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 968/BKHĐT-KTĐN ngày 24 tháng 02 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt danh mục Dự án “Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2” do Chính phủ Đức tài trợ với các nội dung chính sau:

1. Cơ quan chủ quản Dự án: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2. Mục tiêu của Dự án: Tăng cường tính đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng và sự toàn vẹn của các hệ sinh thái cảnh quan ở vùng miền núi phía Bắc Việt Nam, đồng thời góp vào sự thích ứng của khu vực đối với biến đổi khí hậu và hỗ trợ sinh kế của người dân địa phương.

3. Địa bàn thực hiện tại các tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, và Bắc Kạn.

4. Các hoạt động và kết quả chính của Dự án:

- Hợp phần 1: Bảo vệ tính đa dạng sinh học.

+ Điều tra cơ bản đa dạng sinh học làm cơ sở cải thiện hoạt động quản lý, giám sát bảo vệ rừng đặc dụng;

+ Phân định đóng mốc ranh giới rừng đặc dụng và giao lại các nguồn tài nguyên rừng sản xuất cho dân địa phương làm cơ sở để bảo vệ và quản lý hiệu quả;

+ Hỗ trợ thành lập Khu bảo tồn Bát Xát;

+ Tăng cường sự tham gia của người dân trong công tác bảo tồn, cải thiện đa dạng sinh học cho 5 khu bảo tồn, lập quy hoạch sử dụng đất của 250 thôn, cải thiện sinh kế cho 250 thôn.

- Hợp phần 2: Thúc đẩy đa dạng sinh học bằng quản lý rừng bền vững

+ Cải thiện quản lý 500 ha rừng thông bằng kỹ thuật khai thác chọn lọc, làm giàu 500 ha rừng thông bằng biện pháp trồng bổ sung;

+ Hỗ trợ quản lý bền vững 1.000 ha rừng thông và quản lý lâm sinh phù hợp tại 5.000 ha rừng trồng keo.

- Hợp phần 3: Quản lý rừng bền vững nhằm ngăn ngừa mất mát đa dạng sinh học;

+ Lập Quy hoạch sử dụng đất thôn bản có sự tham gia của người dân cho 80 thôn thuộc 23 xã;

+ Giao 12.000 ha rừng tự nhiên là rừng sản xuất cho cộng đồng thôn/bản quản lý;

+ Phân định mốc ranh giới rõ ràng trên thực địa làm cơ sở để quản lý và bảo vệ hiệu quả.

+ Xây dựng và thực hiện các quy ước bảo vệ và phát triển rừng, kế hoạch quản lý rừng và quỹ bảo vệ và phát triển rừng của thôn/bản;

+ Xây dựng cơ chế, thỏa thuận chia sẻ lợi ích.

5. Thời gian thực hiện: 7 năm (2014-2020).

6. Tổng kinh phí thực hiện Dự án: 26,07 triệu Euro, bao gồm:

- Đóng góp của Chính phủ Đức là 20,5 triệu Euro, trong đó:

+ 15 triệu Euro từ nguồn vốn vay ưu đãi ODA;

+ 5,5 triệu Euro từ nguồn ODA viện trợ không hoàn lại.

- Đóng góp của phía Việt Nam: 5,57 triệu Euro (tương đương 154,6 tỷ đồng), trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng góp 34,5 tỷ đồng, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang và Bắc Kạn đóng góp 120,1 tỷ đồng.

7. Nguồn và cơ chế tài chính trong nước:

- Đối với vốn ODA: cấp phát 100% từ ngân sách.

- Vốn đối ứng bằng tiền mặt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang và Bắc Kạn tự bố trí theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Điều 2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan, hoàn chỉnh văn kiện, phê duyệt và tổ chức thực hiện Dự án theo đúng các quy định hiện hành. Trong quá trình thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần lưu ý các ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu tại công văn trên, bảo đảm sử dụng viện trợ ODA hiệu quả, Dự án đạt mục tiêu đề ra.

Điều 3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm rà soát kỹ nhu cầu mua xe ô tô phục vụ các hoạt động của Dự án; hạn chế tối đa việc sử dụng vốn vay để mua xe ô tô.

Điều 4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho Chính phủ Đức về quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Ngoại giao; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Bắc Kạn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TTg CP, các PTTg;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao, Nông nghiệp và PTNT;
- UBND các tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Bắc Kạn;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: KTN, TH, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, QHQT (3). BV

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 367/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt danh mục Dự án Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2 do Đức tài trợ của Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 367/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/03/2014
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Hoàng Trung Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/03/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản