Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/2006/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 21 tháng 4 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ THỰC HIỆN PHỔ CẬP GIÁO DỤC TRUNG HỌC CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN TUY PHONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 62/2005/QĐ-TTg ngày 24/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở;

Căn cứ Thông tư số 22/2005/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BGD&ĐT ngày 10/8/2005 của Liên Bộ Lao động-TB&XH, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện Quyết định số 62/2005/QĐ-TTg ngày 24/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ;

Theo đề nghị của Liên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Giáo dục & Đào tạo tại văn bản số 01/LĐTBXH-GDĐT-TC ngày 24/01/2006 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ thực hiện Phổ cập giáo dục trung học cơ sở theo Quyết định số 62/2005/QĐ-TTg,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định chính sách hỗ trợ thực hiện Phổ cập giáo dục trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Điều 2.

1. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và được áp dụng kể từ năm học 2006-2007.

2. Những quy định trước đây do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục & Đào tạo hướng dẫn chi tiết thực hiện Quyết định này.

Điều 4. Chánh văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc các Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành ./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Dũng Nhật

 

QUY ĐỊNH

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ THỰC HIỆN PHỔ CẬP GIÁO DỤC TRUNG HỌC CƠ SỞ TRÊN ĐIẠ BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2006/QĐ-UBND ngày 02/4/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Điều kiện, đối tượng, phạm vi áp dụng chính sách hỗ trợ:

1. Điều kiện áp dụng: chính sách hỗ trợ phổ cập giáo dục trung học cơ sở được áp dụng đối với học sinh trong độ tuổi từ 11 đến 18 và đang theo học tại các trường công lập, ngoài công lập và hệ bổ túc văn hóa, các lớp phổ cập giáo dục trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình thuận.

2. Đối tượng thuộc phạm vi áp dụng và chính sách hỗ trợ:

Về đối tượng được hưởng chính sách: thực hiện như quy định tại Quyết định số 62/2005/QĐ-TTg ngày 24/3/2005 của Thủ tướng chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 22/2005/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BGD&ĐT ngày 10/8/2005 của Liên Bộ Lao động-TB&XH, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo. UBND Tỉnh quy định rõ thêm về đối tượng được hưởng trợ cấp và được hưởng như sau:

a) Học sinh là người tàn tật không phân biệt nguồn gốc gây ra tàn tật, bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt học tập gặp nhiều khó khăn, thì được giảm 50% học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường học.

Trường hợp học sinh bị tàn tật thuộc diện hộ nghèo (có sổ chứng nhận hộ nghèo) thì được miễn 100% học phí, các khoản đóng góp xây dựng trường học và được trợ cấp một lần để mua sách vở và đồ dùng học tập với mức quy định tại Điều 2 của Quy định này;

b) Học sinh mồ côi cả cha và mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ (nhưng người còn lại là mẹ hoặc cha bị mất tích hoặc không đủ khả năng nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật hiện hành như: đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, bị tâm thần phân liệt hoặc bị tàn tật nặng không có khả năng lao động và được cơ quan y tế có thẩm quyền kết luận không đủ khả năng nuôi dưỡng con cái); bị bỏ rơi, bị mất nguồn nuôi dưỡng và không còn người thân thích để nương tựa thì được miễn 100% học phí, các khoản đóng góp xây dựng trường học và được trợ cấp một lần để mua sách vở và đồ dùng học tập với mức quy định tại Điều 2 Quy định này;

c) Đối với học sinh là dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo được miễn 100% học phí, đóng góp xây dựng trường và được hưởng trợ cấp một lần để mua sách, vở, đồ dùng học tập với mức quy định tại Điều 2 Quy định này;

d) Học sinh thuộc diện hộ nghèo theo quy định của pháp luật (có sổ chứng nhận hộ nghèo) thì được giảm 50% học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường học.

3. Đối tượng không thuộc phạm vi áp dụng chính sách này.

a) Học sinh thuộc đối tượng chính sách ưu đãi tại khoản a, khoản b, khoản c, khoản d Điều 1 Quy định này đã được chi trả theo quy định tại Nghị định 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ về thi hành Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ, thương bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng;

b) Đối với học sinh là dân tộc K’Ho, Raglay, Rai, Châuro hiện đang hưởng trợ cấp theo Quyết định số 84/2005/QĐ-UBND ngày 15/12/2005 của UBND tỉnh Bình Thuận về quy định chế độ trợ cấp đối với học sinh dân tộc thiểu số ở các thôn, xã miền núi, vùng cao trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;

c) Học sinh trung học cơ sở đang theo học tại trường phổ thông dân tộc nội trú đã được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định hiện hành đối với học sinh dân tộc nội trú.

Điều 2. Mức hỗ trợ thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở

Mức hổ trợ một lần để mua sách, vở và đồ dùng học tập: đối tượng được hưởng hổ trợ theo quy định tại điểm a, b, c thuộc khoản 2 - Điều 1 của Quy định này. Mức hổ trợ một lần như sau:

- Học sinh lớp 6 , lớp 7 được cấp 120.000 đồng/năm học /học sinh;

- Học sinh lớp 8, lớp 9 được cấp 140.000 đồng/năm học /học sinh.

Chương II

THỦ TỤC, HỒ SƠ VÀ PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN CHI TRẢ CÁC ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG CHÍNH SÁCH

Điều 3. Thủ tục, hồ sơ hưởng chính sách hỗ trợ

1. Đối với học sinh học tại các trường công lập:

a) Đối với học sinh được miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường phải làm đơn xin hưởng chính sách hỗ trợ (theo mẫu số 01 kèm theo Quyết định này), có thêm xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn. Đối với học sinh là người tàn tật phải có xác nhận của trưởng trạm y tế xã, phường, thị trấn. Đơn gồm 02 bản, 01 bản nộp cho nhà trường để làm cơ sở xét miễn, giảm theo quy định và 01 bản nộp cho Phòng Nội vụ- LĐTBXH để theo dõi, quản lý;

b) Đối với học sinh được hưởng trợ cấp một lần để mua sách, vở, đồ dùng học tập: nhà trường nơi các em đang học có trách nhiệm lập phiếu xác nhận (mẫu số 02 kèm theo Quyết định này) để nộp cho Phòng Nội vụ- LĐTBXH (nơi học sinh đăng ký hộ khẩu thường trú) để được xét trợ cấp.

2. Đối với học sinh học tại các trường ngoài công lập:

Toàn bộ hồ sơ (gồm mẫu số 01, 02 và giấy chứng nhận hộ nghèo) như học sinh công lập (quy định tại khoản 1 Điều này) nộp cho Phòng Nội vụ- LĐTBXH (nơi học sinh đăng ký hộ khẩu thường trú) để được xét trợ cấp từ nguồn chi bảo đảm xã hội của địa phương.

3. Đối với học sinh học hệ bổ túc văn hóa:

a) Nếu học tại các trường công lập thực hiện như quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Nếu học tại các trường ngoài công lập thực hiện như quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 4. Phương thức thực hiện chính sách hỗ trợ phổ cập giáo dục trung học cơ sở

1. Đối với các trường thuộc hệ công lập:

a) Về miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường: Căn cứ đơn đề nghị của học sinh (theo mẫu 01 kèm quyết định này) các trường phổ thông trung học cơ sở ở các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thành lập Hội đồng xét duyệt nhà trường trực tiếp xét miễn, giảm từng trường hợp và tổng hợp báo cáo danh sách học sinh được miễn giảm về Phòng Nội vụ - Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, thị xã, thành phố để theo dõi, quản lý;

b) Về trợ cấp một lần cho học sinh mua sách, vở và đồ dùng học tập:

- Căn cứ đối tượng được hưởng, các trường trung học cơ sở ở các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm lập phiếu xác nhận cho học sinh được hưởng chính sách này (theo mẫu 02 kèm quyết định này) nộp về Phòng Nội vụ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Phòng Nội vụ - Lao động Thương binh và Xã hội huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm rà soát, kiểm tra và tổng hợp danh sách học sinh hưởng trợ cấp của toàn huyện gửi về Sở Lao động-TBXH xét duyệt (theo mẫu 03 kèm quyết định này). Trên cơ sở phê duyệt của Sở Lao động-TB&XH, Phòng Nội vụ-Lao động Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tham mưu cho UBND cùng cấp ra quyết định trợ cấp;

- Căn cứ quyết định của UBND huyện, thị xã, thành phố, Phòng Nội vụ - Lao động Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thông báo cho các trường nơi các em đang theo học (kèm theo quyết định của UBND) thực hiện việc chi trả trợ cấp một lần cho học sinh mua sách, vở và đồ dùng học tập.

2. Đối với các trường ngoài công lập:

- Áp dụng mức thu học phí và đóng góp xây dựng trường đối với học sinh phổ thông trung học cơ sở của các trường ngoài công lập bằng mức thu đối với học sinh các trường công lập theo quy định hiện hành để tính mức hỗ trợ phổ cập giáo dục trung học cơ sở;

- Việc hỗ trợ học phí, đóng góp xây dựng trường (phần được miễn, giảm) và trợ cấp một lần mua sách, vở, đồ dùng học tập đối với học sinh các trường ngoài công lập do Phòng Nội vụ - Lao động, thương binh và xã hội huyện, thành phố cấp trực tiếp cho đối tượng từ nguồn chi bảo đảm xã hội được cân đối trong dự toán chi ngân sách hàng năm của huyện, thị xã, thành phố. Quy trình xét duyệt và giải quyết chính sách thực hiện như các trường công lập nêu trên.

3. Đối với học sinh hệ bổ túc văn hoá:

a) Nếu học tại các trường công lập thực hiện như khoản 1 Điều này;

b) Nếu học tại các trường ngoài công lập thực hiện như khoản 2 Điều này.

4) Thời gian chi trả:

- Trợ cấp một lần cho học sinh mua sách, vở và đồ dùng học tập thực hiện chi trả trong học kỳ I của năm học;

- Học phí và đóng góp xây dựng trường thực hiện chi trả trong học kỳ II của năm học.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 5. Nguồn kinh phí thực hiện

Hàng năm, Ngân sách Tỉnh cân đối trong dự toán chi bảo đảm xã hội để chi trả cho đối tượng đang theo học tại các trường (bao gồm công lập, ngoài công lập các lớp bổ túc văn hoá, các lớp phổ cập giáo dục trung học cơ sở) thuộc điạ bàn huyện, thị xã, thành phố; Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi trả cho các đối tượng thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách. Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phổ cập giáo dục trung học cơ sở do ngân sách tỉnh cấp, được bố trí trong dự toán chi bảo đảm xã hội hàng năm của các huyện, thị xã, thành phố để chi trả cho đối tượng. Đối với các trường công lập, ngân sách sẽ cấp bù phần kinh phí thực hiện chi trả trợ cấp một lần cho học sinh mua sách, vở và đồ dùng học tập. Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi trả cho các đối tượng thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách.

Điều 6. Phân công trách nhiệm

a) Sở Lao động-TB&XH có trách nhiệm:

- Hàng năm, căn cứ vào số lượng đối tượng, mức hỗ trợ cho từng loại đối tượng lập kế hoạch kinh phí hỗ trợ học phí và đóng góp xây dựng trường cho học sinh học các trường ngoài công lập; kinh phí chi trả trợ cấp một lần cho học sinh mua sách, vở và đồ dùng học tập) gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Chủ tịch UBND Tỉnh quyết định;

- Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ của các huyện, thành phố; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện hàng năm về UBND Tỉnh và Bộ Lao động-TB&XH;

- Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Ban Dân tộc, các Sở, Ngành có liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện đúng theo Quy định này.

b) Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo các Phòng Giáo dục huyện, thị xã, thành phố, các trường trung học cơ sở công lập trên địa bàn Tỉnh thực hiện tốt chính sách miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường cho học sinh thuộc diện được hỗ trợ theo quy định;

c) Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, giúp UBND Tỉnh cân đối ngân sách, bảo đảm kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách ở các địa phương trên địa bàn tỉnh;

d) UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện chính sách hỗ trợ phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở địa phương, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục, Phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đúng đối tượng, đủ số lượng và kịp thời;

e) Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Thủ trưởng các Sở, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 33/2006/QĐ-UBND quy định chính sách hỗ trợ thực hiện Phổ cập giáo dục trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

  • Số hiệu: 33/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/04/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Hồ Dũng Nhật
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/05/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 12/01/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản