Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 324/QĐ-UBND | Gia Lai, ngày 28 tháng 06 năm 2013 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số: 22/TTr-LĐTBXH ngày 04/5/2013 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2013-2020,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này: Kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2013-2020.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông - Vận tải, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; thủ trưởng các sở, ngành liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRỢ GIÚP NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN 2013-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 324/QĐ-UBND ngày 28/6/2013 của UBND tỉnh)
Thực hiện Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2013-2020, cụ thể như sau:
I. KHÁI QUÁT THỰC TRẠNG NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI TỪ NĂM 2007 ĐẾN NAY:
1. Thực trạng người khuyết tật trên địa bàn tỉnh:
Tính đến cuối năm 2012, số người khuyết tật toàn tỉnh Gia Lai là 9.206 người, chiếm khoảng 0,77% dân số. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khuyết tật là do bẩm sinh, bệnh tật, hậu quả của chiến tranh và tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Đời sống của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn, ít có điều kiện tiếp xúc với thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của Nhà nước và cộng đồng. Trình độ học vấn của người khuyết tật rất thấp, hầu hết người khuyết tật không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ người khuyết tật có việc làm và tham gia làm việc của tỉnh thấp, số người có việc làm chủ yếu thuộc khu vực nông thôn, thu nhập của người có việc làm cũng rất thấp.
2. Kết quả thực hiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật:
2.1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo:
- Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND nhiều năm qua công tác chăm sóc người khuyết tật nói chung và tình hình thực hiện chế độ, chính sách đối với người khuyết tật nói riêng đã được thường xuyên quan tâm và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Ngày 15/8/2007, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 83/2007/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch thực hiện đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2007-2010. Qua thời gian thực hiện cũng đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đời sống của đại bộ phận người khuyết tật được nâng lên rõ rệt thông qua các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần của Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Các hoạt động tuyên truyền, tập huấn cán bộ, triển khai các hoạt động trợ giúp người khuyết tật trong những năm qua đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của các gia đình, cộng đồng và xã hội, các cấp chính quyền địa phương và bản thân người khuyết tật về quyền bình đẳng của người khuyết tật trong việc tham gia các hoạt động xã hội.
2.2. Hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận với chính sách an sinh xã hội:
Thực hiện Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, đã có 5.575 đối tượng khuyết tật nặng đang hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng, với kinh phí thực hiện trên 15 tỷ đồng. Tiếp nhận và đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội tổng hợp chăm sóc và nuôi dưỡng lâu dài 32 người khuyết tật nặng.
Được sự quan tâm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã triển khai dự án xây dựng mô hình sinh kế cho người khuyết tật tại phường Tây Sơn, thành phố Pleiku từ năm 2007 - 2009, với tổng kinh phí 300 triệu. Qua 3 năm thực hiện đã cấp vốn sản xuất cho 80 hộ gia đình, cải tạo bậc thềm cho 01 hộ gia đình, hỗ trợ học văn hóa cho 9 người, hỗ trợ học nghề 3 người và chi hỗ trợ xe lăn, xe lắc và máy trợ thính cho 6 người.
2.3. Các hoạt động về trợ giúp phục hồi chức năng:
Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh đã có 290 người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng miễn phí, có 446 người được trợ giúp xe lăn, xe lắc, có 176 đối tượng được trang cấp dụng cụ chỉnh hình (chân tay, giả); đối với những đối tượng tâm thần nặng tại cộng đồng được cơ quan y tế tạo điều kiện điều trị, theo dõi sức khỏe.
2.4. Các hoạt động hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, văn hóa thể dục, thể thao:
Đối với các đối tượng người khuyết tật hưởng trợ cấp hàng tháng đều thực hiện mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế, được khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập.
Hàng năm đều tổ chức cho đoàn vận động viên người khuyết tật của tỉnh tham gia Hội thi Thể thao người khuyết tật toàn quốc và đã giành được nhiều huy chương vàng, bạc và bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch.
Tổ chức Hội nghị biểu dương Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Gia Lai lần thứ I với sự tham dự của 150 đại biểu là người khuyết tật tiêu biểu, đồng thời đưa 15 đối tượng tiêu biểu tham dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ I, II, III và thứ IV do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức.
2.5. Hoạt động trợ giúp về học tập:
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc rà soát, xem xét miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác cho học sinh khuyết tật, được hưởng trợ cấp xã hội và xét cấp học bổng theo chế độ của Nhà nước.
2.6. Hỗ trợ học nghề và tạo việc làm:
Bằng nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và dạy nghề ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức dạy nghề cho 160 người khuyết tật với kinh phí 500 triệu đồng.
Dự án “Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật thành phố Pleiku và thị xã An Khê” đào tạo nghề cho 190 người tàn tật từ nguồn tài trợ thông qua Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam, trị giá 1.550.000.000 đồng.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 50 người khuyết tật đang lao động, sản xuất trong các doanh nghiệp.
3. Đánh giá về những mặt được, tồn tại và khó khăn.
3.1. Những kết quả đạt được:
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nhiều hoạt động hướng tới người khuyết tật đã được quan tâm tổ chức thực hiện cụ thể như sau:
- Công tác tuyên truyền, triển khai các hoạt động trợ giúp người khuyết tật đã góp phần nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng và xã hội, các cấp chính quyền và chính bản thân người khuyết tật về quyền bình đẳng của người khuyết tật trong việc tham gia các hoạt động xã hội. Chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc người khuyết tật được sự đồng tình hưởng ứng của các ngành, các cấp, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước, đã tạo điều kiện chăm sóc người khuyết tật trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn.
- Đời sống của đại đa số người khuyết tật được nâng lên rõ rệt thông qua các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần của Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước. Ngoài ra, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và giải quyết việc làm cũng đã tích cực tác động đến đời sống của đại đa số người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
- Việc thực hiện các chế độ chính sách trợ giúp được triển khai đồng bộ, số đối tượng người khuyết tật nặng được hưởng trợ cấp xã hội tăng nhanh và mức trợ cấp xã hội của Nhà nước cũng đang được điều chỉnh cao hơn, nhiều đối tượng được ưu đãi vay vốn giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, một số đối tượng đã được học nghề tạo việc làm ổn định.
- Bước đầu đã hình thành được các mô hình chăm sóc trợ giúp người khuyết tật như nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh, đo lắp dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật; đã phát huy được sự cố gắng vươn lên của bản thân người khuyết tật, vượt qua mặc cảm, khó khăn của bản thân trong hoạt động, sản xuất cũng như các hoạt động văn hóa, thể thao.
3.2. Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại:
- Một số cơ quan, ban ngành, đoàn thể của các huyện, thị xã, thành phố và các xã chưa quan tâm đầy đủ đến người khuyết tật như: chưa rà soát kỹ đối tượng người khuyết tật đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội, hướng dẫn người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật làm thủ tục hưởng trợ cấp còn chậm nên đời sống vật chất, tinh thần của một số đối tượng người khuyết tật còn gặp rất nhiều khó khăn.
- Hầu hết các công trình công cộng, các phương tiện giao thông chưa thuận lợi cho người khuyết tật được tiếp cận và sử dụng; việc học văn hóa, học nghề, tìm kiếm cơ hội việc làm tăng thu nhập, tiếp cận các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao của người khuyết tật còn rất hạn chế.
- Công tác tuyên truyền về Pháp lệnh, Luật người khuyết tật và chủ trương chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật chưa được thường xuyên, sâu rộng nên nhận thức trách nhiệm của một bộ phận dân cư, của một số ngành, địa phương chưa đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức đến người khuyết tật. Sự phối hợp liên ngành trong các hoạt động chăm sóc và tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia vào các hoạt động xã hội có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức.
- Do điều kiện kinh tế, vị trí địa lý, trình độ đội ngũ cán bộ y tế cơ sở và khả năng tiếp cận thông tin còn hạn chế, đặc biệt là nhận thức của gia đình người khuyết tật, không đưa con đi điều trị, phục hồi chức năng... một số đối tượng người khuyết tật còn chưa được hưởng các dịch vụ về phục hồi chức năng, cung cấp dụng cụ chỉnh hình.
- Đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp người khuyết tật còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh phí để trợ giúp người khuyết tật còn eo hẹp, ngân sách Nhà nước dành cho người khuyết tật và cơ sở của người khuyết tật bố trí chưa đáp ứng được nhu cầu người khuyết tật theo quy định pháp luật.
- Các văn bản hướng dẫn thực hiện xác định mức độ khuyết tật chưa cụ thể và không kịp thời dẫn đến việc thực hiện một số vấn đề về chăm sóc sức khoẻ và hỗ trợ nuôi dưỡng, học văn hóa, học nghề và việc làm, sử dụng công trình công cộng đối với người khuyết tật còn hạn chế.
II. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN GIAI ĐOẠN 2013 - 2020:
1. Mục tiêu chung.
Đẩy mạnh thực thi Luật Người khuyết tật nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư về bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp người khuyết tật nhằm tạo môi trường thuận lợi, thân thiện để người khuyết tật có khả năng tiếp cận các chính sách và dịch vụ, từng bước hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; Tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội.
2. Một số chỉ tiêu cụ thể trong giai đoạn 2013 - 2020.
2.1. Giai đoạn 2013 - 2015:
- 70% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được khám sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật.
- 95% người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật; 95% người khuyết tật đủ điều kiện được trợ cấp xã hội thường xuyên.
- 1.000 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp.
- 60% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục.
- 100 người khuyết tật trong độ tuổi lao động có khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp.
- 100% công trình xây mới, 50% công trình sửa chữa cải tạo là các trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, bến xe, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục, thể thao, nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
- 40% người khuyết tật tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông, tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương.
- 20% người khuyết tật được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
- 10% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật, 15% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động và luyện tập thể dục thể thao.
- 100% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.
- 60% cán bộ làm công tác trợ giúp người khuyết tật được tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật; 30% gia đình có người khuyết tật được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho người khuyết tật; 30% người khuyết tật được tập huấn các kỹ năng sống.
2.2. Giai đoạn 2016 - 2020:
- Hằng năm 90% người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 80% trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi được khám sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật.
- 100% người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật; 100% người khuyết tật đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên.
- 1.200 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp.
- 70% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục.
- 200 người khuyết tật trong độ tuổi lao động có khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp.
- 100% công trình xây mới và sửa chữa cải tạo là các trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, bến xe, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục, thể thao, nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
- 60% người khuyết tật tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương.
- 40% người khuyết tật được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
- 20% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật, 30% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động và luyện tập thể dục thể thao.
- 100% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.
- 80% cán bộ làm công tác trợ giúp người khuyết tật được tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật; 50% gia đình có người khuyết tật được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho người khuyết tật; 50% người khuyết tật được tập huấn các kỹ năng sống.
3. Các nội dung hoạt động chủ yếu của kế hoạch.
3.1. Phát hiện, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật với các hoạt động sau:
a. Nội dung:
- Thực hiện các dịch vụ phát hiện sớm những khiếm khuyết ở trẻ trước khi sinh và trẻ sơ sinh; tuyên truyền, tư vấn và cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khoẻ sinh sản.
- Triển khai thực hiện chương trình can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp người khuyết tật, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.
b. Thời gian thực hiện: Từ năm 2013 - 2020.
c. Cơ quan thực hiện: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan thực hiện.
3.2. Trợ giúp tiếp cận giáo dục:
a. Nội dung:
Tổ chức triển khai giáo dục hòa nhập ở các cấp học phù hợp với khả năng nhận biết của người khuyết tật, đồng thời bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý tham gia giáo dục trẻ khuyết tật; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trực tiếp dạy trẻ khuyết tật trí tuệ, khuyết tật nghe, nói, khuyết tật nhìn, khuyết tật ngôn ngữ, tự kỷ.
b. Thời gian thực hiện: Từ năm 2013 - 2020.
c. Cơ quan thực hiện: Sở Giáo dục - Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện.
3.3. Dạy nghề, tạo việc làm:
a. Nội dung:
- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề và tư vấn viên việc làm cho người khuyết tật.
- Tư vấn học nghề, việc làm theo khả năng của người khuyết tật.
- Xây dựng và nhân rộng mô hình dạy, học nghề gắn với tạo việc làm cho người khuyết tật.
- Triển khai thí điểm mô hình phục hồi chức năng lao động cho người khuyết tật tại một số địa phương có đủ điều kiện thực hiện.
- Dạy nghề, tạo việc làm phù hợp cho người khuyết tật.
b. Thời gian thực hiện: Từ năm 2013 - 2020.
c. Cơ quan thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện.
3.4. Trợ giúp tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng:
a. Nội dung:
Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng để người khuyết tật tiếp cận, sử dụng các công trình xây dựng.
b. Thời gian thực hiện: Từ năm 2013 - 2020.
c. Cơ quan thực hiện: Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện.
3.5. Trợ giúp tiếp cận và tham gia giao thông:
a. Nội dung:
- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về giao thông để người khuyết tật có thể tiếp cận và sử dụng.
- Xây dựng các tuyến mẫu và nhân rộng các xe vận tải hành khách công cộng để người khuyết tật sử dụng phương tiện giao thông.
- Tập huấn lái xe phục vụ hành khách là người khuyết tật sử dụng phương tiện giao thông.
b. Thời gian thực hiện: Từ năm 2013 - 2020.
c. Cơ quan thực hiện: Sở Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện.
3.6. Trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông:
a. Nội dung:
- Đẩy mạnh phát triển mạng lưới thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh. Chú trọng hệ thống thông tin công cộng để mọi người khuyết tật có thể dễ dàng tiếp cận được một cách thuận tiện và nhanh nhất.
- Tổ chức đào tạo người khuyết tật sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
b. Thời gian thực hiện: Từ năm 2013 - 2020.
c. Cơ quan thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện.
3.7. Trợ giúp pháp lý:
a. Nội dung:
- Tăng cường truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật bằng các hình thức thích hợp (trên báo, đài, phát hành tờ gấp, băng cát-xét, đĩa CD).
- Xây dựng và lắp đặt bảng tin, hộp tin, tờ thông tin về trợ giúp pháp lý tại các địa điểm trụ sở Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, Trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh…
- Tăng cường năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật như: Bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật đối với đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý (trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, luật sư và tư vấn viên pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý), thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.
- Khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của người khuyết tật và thực hiện trợ giúp pháp lý (tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức trợ giúp pháp lý khác) cho người khuyết tật tại trụ sở Trung tâm, chi nhánh của Trung tâm khi có yêu cầu.
- Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật, sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý có nội dung liên quan đến người khuyết tật tại các xã, phường, thị trấn nơi có nhiều người khuyết tật, tại Trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh.
b. Thời gian thực hiện: Từ năm 2013 - 2020.
c. Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan thực hiện.
3.8. Hỗ trợ người khuyết tật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch:
a. Nội dung:
- Tập huấn sáng tác hội họa, âm nhạc cho người khuyết tật
- Khuyến khích vận động người khuyết tật phát huy khả năng vốn có của mình như ca hát, thể thao, hội họa...
- Tạo điều kiện cho để người khuyết tật được tham gia thi đấu thể thao trong nước và nước ngoài.
b. Thời gian thực hiện: Từ năm 2013 - 2020.
c. Cơ quan thực hiện: Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện.
3.9. Nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật và giám sát đánh giá:
a. Nội dung:
- Tổ chức tuyên truyền pháp luật về người khuyết tật và những chủ trương, chính sách, chương trình trợ giúp người khuyết tật.
- Đào tạo tập huấn cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên trợ giúp người khuyết tật.
- Tổ chức tập huấn cho gia đình người khuyết tật về kỹ năng, phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng cho người khuyết tật; tập huấn các kỹ năng sống cho người khuyết tật.
- Tổ chức điều tra, thiết lập hệ thống dữ liệu về người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường công tác kiểm tra giám sát đánh giá thực hiện các chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật.
b. Thời gian thực hiện: Từ năm 2013 - 2020.
c. Cơ quan thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện.
Kinh phí thực hiện trợ giúp người khuyết tật gồm:
- Ngân sách hàng năm của trung ương và địa phương.
- Các chương trình mục tiêu Quốc gia; các Chương trình, Đề án liên quan khác để thực hiện các hoạt động của Đề án theo phân cấp của pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Từ nguồn huy động đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật người khuyết tật, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật người khuyết tật đến mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của mọi người dân trong xã hội về người khuyết tật và bản thân người khuyết tật.
2. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp người khuyết tật, huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia trợ giúp người khuyết tật.
3. Đề cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc trợ giúp người khuyết tật.
4. Đẩy mạnh áp dụng khoa học trên các lĩnh vực phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
5. Xây dựng Đề án dạy nghề - tạo việc làm cho người khuyết tật trong tổng thể chương trình mục tiêu quốc gia dạy nghề - tạo việc làm cho lao động nông thôn.
6. Tranh thủ sự hợp tác của các tổ chức trong và ngoài tỉnh, các tổ chức quốc tế để nhận sự hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn lực để trợ giúp cho người khuyết tật.
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giúp cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Kế hoạch thực hiện đề án trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện việc dạy nghề, tạo việc làm và nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật và giám sát đánh giá; tổng hợp tình hình và định kỳ báo cáo tiến độ, kết quả tổ chức thực hiện kế hoạch với Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
- Làm đầu mối với Bộ chủ quản và các Bộ ngành Trung ương để tranh thủ sự hỗ trợ các nguồn lực thực hiện Đề án.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan vận động các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức cho các chương trình, dự án về trợ giúp người khuyết tật.
3. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành chức năng, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh lồng ghép kinh phí các chương trình, các đề án có liên quan trên địa bàn để đảm bảo bố trí ngân sách hàng năm cho các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch theo quy định của Pháp luật về Ngân sách nhà nước. Đồng thời hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Kế hoạch trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Y tế: Tổ chức thực hiện hoạt động phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật.
- Chỉ đạo cho các cơ sở y tế thuộc ngành quản lý chăm sóc và điều trị phục hồi cho người khuyết tật; hướng dẫn về chuyên môn điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho đối tượng.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo: Tổ chức thực hiện hoạt động trợ giúp người khuyết tật tiếp cận với các loại hình giáo dục, thực hiện miễn giảm học phí cho trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn theo quy định.
6. Sở Xây dựng: Tổ chức thực hiện hoạt động trợ giúp người khuyết tật tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng.
7. Sở Giao thông - Vận tải: Tổ chức thực hiện hoạt động trợ giúp người khuyết tật tiếp cận và tham gia giao thông thuận tiện, an toàn nhất.
8. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Gia Lai, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Tuyên truyền về các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về công tác chăm sóc và phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Đồng thời tạo mọi điều kiện tốt nhất trợ giúp người khuyết tật tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
9. Sở Tư pháp: Tổ chức thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.
10. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ người khuyết tật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên: Chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm làm thay đổi nhận thức toàn xã hội về chăm sóc, quản lý và phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại cộng đồng.
12. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Căn cứ vào kế hoạch đề án, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động hàng năm về trợ giúp người khuyết tật; chủ động bố trí ngân sách, nhân lực, lồng ghép kinh phí các chương trình, các đề án có liên quan trên địa bàn để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch.
- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm nắm bắt tình hình quản lý đối tượng trên địa bàn và phối hợp với các cơ quan có liên quan đưa đối tượng đi điều trị, chăm sóc phục hồi.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2013 - 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai yêu cầu các đơn vị căn cứ vào chức năng nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch. Định kỳ 6 tháng, 1 năm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)./.
- 1Quyết định 3310/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 - 2020
- 2Kế hoạch 47/KH-UBND năm 2013 thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 3Kế hoạch 161/KH-UBND năm 2013 thực hiện đề án trợ giúp người khuyết tật thành phố Hà Nội giai đoạn 2013 - 2020
- 1Nghị định 67/2007/NĐ-CP về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội
- 2Pháp lệnh người tàn tật năm 1998
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Nghị định 13/2010/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 67/2007/NĐ-CP về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội
- 5Luật người khuyết tật 2010
- 6Quyết định 1019/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 3310/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 - 2020
- 8Kế hoạch 47/KH-UBND năm 2013 thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 9Kế hoạch 161/KH-UBND năm 2013 thực hiện đề án trợ giúp người khuyết tật thành phố Hà Nội giai đoạn 2013 - 2020
Quyết định 324/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2013-2020
- Số hiệu: 324/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/06/2013
- Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
- Người ký: Măng Đung
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 28/06/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra