Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 320/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 19 tháng 01 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2017-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Sở hữu Trí tuệ ngày 29/11/2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu Trí tuệ ngày 19/6/2009;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu Trí tuệ về sở hữu công nghiệp; Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31/12/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020”;

Căn cứ Quyết định số 7343/QĐ-UBND ngày 25/12/2014 của UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đề án “Phát triển Nghệ An thành trung tâm KH&CN vùng Bắc Trung bộ giai đoạn 2015-2020”;

Căn cứ Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND ngày 27/01/2015 của UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển KH&CN tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020, tính đến 2030.

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 983/TTr-SKHCN ngày 23/12/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2017-2020 với những nội dung chính sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về sở hữu trí tuệ nhằm phát huy tính chủ động trong xây dựng, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ.

- Nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ thông qua việc hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, trong đó ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm đặc thù của địa phương, sản phẩm làng nghề mang địa danh, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Nghệ An.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đào tạo, chuyên môn nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ cho khoảng 1.000 lượt người.

- Số đối tượng đăng ký bảo hộ về sở hữu công nghiệp đạt 1.000 đối tượng.

- Hỗ trợ hoàn thiện, khai thác, áp dụng ít nhất 05 sáng chế hoặc giải pháp hữu ích hoặc thành quả sáng tạo cá nhân có tính ứng dụng cao, khả năng áp dụng rộng rãi.

II. NỘI DUNG

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ

- Hàng năm xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản và chuyên sâu về sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, với số lượng tối thiểu 03 lớp (tổng số 300 lượt người).

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng: Xây dựng chuyên mục tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ; giới thiệu, quảng bá và phát triển các tài sản trí tuệ trên Báo Nghệ An, Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Website của sở KH&CN và trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.

- Xây dựng kho dữ liệu sở hữu trí tuệ trên trang thông tin điện tử của Sở KH&CN và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận, khai thác thông tin sở hữu trí tuệ.

2. Hỗ trợ tạo lập, quản lý, khai thác và phát triển các tài sản trí tuệ

- Hỗ trợ tạo lập, quản lý, khai thác và phát triển các tài sản trí tuệ trong và ngoài nước cho các sản phẩm đặc thù của địa phương, làng nghề mang địa danh, sản lượng lớn, chủ lực của tỉnh dưới dạng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, ưu tiên các dự án có sự tham gia của các doanh nghiệp. Cụ thể như sau:

+ Đối với chỉ dẫn địa lý

Lựa chọn xây dựng các dự án tạo lập, khai thác và phát triển về Chỉ dẫn địa lý, ưu tiên từ các sản phẩm sau: Cam Vinh, lạc Nghệ An, chè Shan tuyết, chè xanh Đô lương, Anh Sơn, tương Nam đàn, Trám đen Thanh Chương, Sâm Puxailaileng, Nhung hươu Quỳnh Lưu, Chanh leo Quế Phong, Trà Hoa Vàng Quế Phong, Quế Quỳ, Gừng Kỳ sơn, gạo Japonica, nước mắm Vạn Phần.

+ Đối với nhãn hiệu chứng nhận

Lựa chọn xây dựng các dự án tạo lập, khai thác và phát triển về nhãn hiệu chứng nhận, ưu tiên từ các sản phẩm sau: Mực Cửa Lò, nước mắm Quỳnh Dị, Bò Giàng, Moi khô Hoàng Mai, cá cơm sấy khô Quỳnh Lưu, ruốc rươi Hưng Châu, nhút Thanh Chương, Anh Sơn, Bột sắn dây các vùng nổi tiếng.

+ Đối với nhãn hiệu tập thể

Lựa chọn xây dựng các dự án tạo lập, khai thác và phát triển về nhãn hiệu tập thể, ưu tiên từ các sản phẩm sau: Thủ công mỹ nghệ Đức Phong, Bưởi hồng Quang Tiến, Cam Yên Thành, Cam Con Cuông, Chè gay Anh sơn, Chè xanh Đô lương, Cà chua múi Tương Dương, Hồng Nam Anh, Xoài Tương Dương, Bí xanh, Dưa rẫy Quế Phong, Hành tăm Nghệ An, Chanh trái Năm Nam (Nam Đàn), Cam Bãi Phủ Anh Sơn, Me Nam Nghĩa, Bánh đa Đô Lương, Dệt thổ cẩm (Con cuông, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương, Tân kỳ,...), Bánh gai dốc dừa, Gà đen Kỳ sơn, Lợn đen Tương Dương, Khoai sọ Kỳ Sơn, Dê cầu Đòn, Mật mía làng Lam Hồng (Nghĩa Đàn), Măng muối Quỳ Châu, Thịt chua Quỳ Châu, Mật ong Tân Kỳ, Bò Mông, bò U đầu rìu,...

- Hỗ trợ khai thác, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

- Hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển giá trị của giống cây trồng mới.

- Hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển giá trị của phần mềm máy tính, các tác phẩm văn học, nghệ thuật, công bố khoa học: tư vấn, hướng dẫn đăng ký bảo hộ, khai thác và tiến hành các biện pháp chống sao chép hoặc sử dụng trái phép, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu,...

3. Hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ và các nhà sáng chế/giải pháp hữu ích

- Đẩy mạnh đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, chú trọng nhãn hiệu, kiểu dáng, sáng chế, giải pháp hữu ích. Hàng năm hỗ trợ tối thiểu 100 đối tượng được bảo hộ và phát triển thương hiệu từ nguồn ngân sách của tỉnh theo các cơ chế chính sách đã ban hành.

- Khuyến khích các hoạt động sáng tạo KH&CN, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong nhân dân, doanh nghiệp. Hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho cá nhân có sáng chế, giải pháp kỹ thuật và các thành quả sáng tạo khác.

- Hỗ trợ hoàn thiện, khai thác, áp dụng ít nhất 05 sáng chế hoặc giải pháp hữu ích hoặc thành quả sáng tạo cá nhân có tính ứng dụng cao, khả năng áp dụng rộng rãi, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cộng đồng.

- Định kỳ hàng năm tổng kết, đánh giá và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình có tài sản trí tuệ, thành quả sáng tạo được áp dụng rộng rãi, mang lợi ích thiết thực cho cộng đồng và xã hội.

- Hỗ trợ thành lập và vận hành các doanh nghiệp, tổ chức tư vấn, khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ.

- Tổ chức trưng bày, triển lãm phân biệt sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

3.1. Tăng cường quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ

- Nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, các hiệp hội, doanh nghiệp, nhân dân trong việc tạo lập, quản lý, khai thác và phát triển tài sản sở hữu trí tuệ là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, thường xuyên.

- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã hàng năm rà soát, xây dựng chương trình phát triển tài sản trí tuệ của ngành và địa phương và đơn vị.

- Đẩy mạnh việc thực thi, ngăn chặn các hành vi xâm phạm, sử dụng trái phép các đối tượng sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ. Tăng cường sự phối hợp liên ngành để xử lý các hành vi xâm phạm về sở hữu trí tuệ.

- Triển khai mô hình quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ.

3.2. Huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình

- Phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc tạo lập, quản lý, khai thác và phát triển các tài sản trí tuệ.

- Đề xuất các đề tài, dự án KH&CN cấp bộ, cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ phát triển tài sản trí tuệ, ưu tiên các nhiệm vụ có sự tham gia của doanh nghiệp. Tham gia chương trình phát triển tài sản trí tuệ của chính phủ giai đoạn 2015 - 2020.

- Lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến công xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ.

- Hàng năm bố trí đảm bảo kinh phí từ nguồn sự nghiệp khoa học, sự nghiệp kinh tế của tỉnh và huyện để thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh.

3.3. Giải pháp về các chính sách phát triển tài sản trí tuệ

- Hỗ trợ tạo lập, khai thác và phát triển thương hiệu các tài sản trí tuệ theo các chính sách đã ban hành tại Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND ngày 25/3/2014 của UBND tỉnh nghệ An, ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ mới, đổi mới công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Quyết định số 46/2015/QĐ-UBND ngày 27/8/2015 về việc ban hành quy định về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An xây dựng và phát triển thương hiệu giai đoạn 2016-2020.

- Hỗ trợ giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cho các tài sản trí tuệ của tỉnh ở trong nước và ngoài nước (tham gia Hội chợ công nghệ thiết bị, Hội chợ thương mại, các Hội chợ quốc tế trong nước và khu vực, tổ chức các lễ hội giới thiệu các sản phẩm có thương hiệu của tỉnh,...).

- Hàng năm rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ chú trọng nhóm sản phẩm đặc sản, sản phẩm nông sản, thực phẩm, hoa quả đã được bảo hộ để khai thác, phát triển.

3.4. Các Dự án ưu tiên (Các Dự án nêu tại Phụ lục: Chi tiết các nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2017-2020 kèm theo Quyết định này).

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Nguồn kinh phí thực hiện:

+ Kinh phí từ Ngân sách Nhà nước Trung ương hỗ trợ;

+ Kinh phí địa phương, từ nguồn ngân sách sự nghiệp KH&CN hàng năm;

+ Nguồn kinh phí của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia (xã hội hóa).

- Dự toán kinh phí thực hiện:

Tổng kinh phí: 40.000.000.000 đ (Bốn mươi tỷ đồng). Trong đó:

+ Kinh phí ngân sách Trung ương: 8.000.000.000 đồng.

+ Kinh phí sự nghiệp KH&CN tỉnh: 10.000.000.000 đồng.

+ Xã hội hóa: 22.000.000.000 đồng.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

5.1. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị và các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ và các nội dung của Chương trình này.

- Chủ trì phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị và đơn vị liên quan triển khai thực hiện Chương trình này. Định kỳ 06 tháng và cả năm báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện Chương trình.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh các dự án KH&CN về tạo lập, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ cấp bộ và cấp tỉnh.

- Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình hàng năm.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.

5.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thành, thị; Sở Khoa học và công nghệ và các đơn vị liên quan lựa chọn danh mục các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế của tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng, phát triển thương hiệu. Quy hoạch và chỉ đạo xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, thu hoạch, bảo quản. Chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai đăng ký bảo hộ các sản phẩm về giống cây trồng.

Chỉ đạo, xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng, phát triển các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp.

5.3. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thành, thị; Sở Khoa học và công nghệ và các đơn vị có liên quan lựa chọn danh mục các sản phẩm công nghiệp chủ lực, có lợi thế của tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng, phát triển thương hiệu.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại.

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

5.4. Sở Tài chính

Bố trí đảm bảo các nguồn lực để thực hiện chương trình và các chính sách về hỗ trợ tạo lập, khai thác và phát triển thương hiệu của tỉnh. Phối hợp Sở Khoa học và công nghệ thẩm định kinh phí các nhiệm vụ của Chương trình theo quy định.

5.5. Sở Thông tin truyền thông

Chỉ đạo thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các kiến thức và pháp luật về sở hữu trí tuệ và hoạt động của chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng.

5.6. UBND các huyện, thành phố, thị xã

Chủ trì phối hợp với các sở, ngành chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển tài sản trí tuệ của địa phương.

Triển khai các biện pháp quản lý, khai thác và phát triển các thương hiệu của địa phương.

Chủ trì, phối hợp các sở, ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn.

5.8. Các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội nghề nghiệp

Tuyên truyền nâng cao nhận thức của các đoàn viên, hội viên về sở hữu trí tuệ và phát triển tài sản trí tuệ; Huy động sự tham gia và đóng góp của các hội viên trong việc tạo lập, quản lý, khai thác và phát triển các tài sản trí tuệ của địa phương và doanh nghiệp.

5.9. Liên minh các Hợp tác xã tỉnh Nghệ An

Chỉ đạo các Hợp tác xã, Làng nghề tạo lập, khai thác và phát triển các thương hiệu đối với các sản phẩm làng nghề. Phối hợp Sở Khoa học và công nghệ lựa chọn danh mục các sản phẩm để bảo hộ và phát triển.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Khoa học và Công nghệ (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PVP UBND tỉnh;
- Sở: KH&CN, NN&PTNT, Công thương; TT&TT;
- Liên minh HTX tỉnh Nghệ An;
- UBND các huyện, thành, thị;
- Báo Nghệ An, Đài PTTH tỉnh (tuyên truyền);
- Trung tâm Tin học - Công báo tỉnh;
- CV: VX (Hương);
- Lưu: VT, UB.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Thanh Điền

 

PHỤ LỤC:

CHI TIẾT CÁC NHIỆM VỤ THUỘC CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ TỈNH NGHỆ AN, GIAI ĐOẠN 2017-2020
Ban hành kèm theo Quyết định số:  /QĐ-UBND ngày  /01/2017 của UBND tỉnh Nghệ An)

* Tổng kinh phí: 40.000 triệu đồng (Dự kiến: TW: 8.000 triệu đồng, NSĐP: 10.000 triệu đồng; Xã hội hóa: 22.000 triệu đồng). Cụ thể:

Đơn vị tính (Kinh phí): Triệu đồng

TT

Nội dung

Phạm vi dự án

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Dự kiến kinh phí

Nguồn kinh phí

I

NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRÊN ĐỊA BÀN

Kinh phí: 1.780

1

Tổ chức 4 lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ và chính sách hỗ trợ cho các nhà quản lý, doanh nghiệp 100 người tại các huyện, thành phố, thị xã.

(mỗi năm 01 lớp/01 cụm)

Chia làm 4 cụm huyện để tổ chức.

Sở KH&CN

Các huyện, thành phố, thị xã

120 (4 lớp x 30)

Kinh phí sự nghiệp KHCN tỉnh

2

Tổ chức 4 lớp tập huấn về tạo lập khai thác và phát triển tài sản trí tuệ cho các nhà sản xuất hộ dân có sản phẩm mang địa danh, làng nghề với 100 người tại các huyện, thành phố, thị xã.

(mỗi năm 01 mỗi lớp/01 cụm)

Chia làm 4 cụm huyện để tổ chức phù hợp với từng sản phẩm đặc thù vùng.

Sở KH&CN

Các huyện, thành phố, thị xã

140 (4 lớp x 35)

Kinh phí sự nghiệp KHCN tỉnh

3

Tổ chức 4 lớp tập huấn về quản lý, khai thác và phát triển các tài sản trí tuệ đã được bảo hộ cho các hộ tham gia chuỗi sản phẩm được bảo hộ với 100 người tại các huyện, thành phố, thị xã. (mỗi năm 01 lớp/ 01 sản phẩm được bảo hộ)

Chọn 4 sản phẩm đặc thù vùng đã được bảo hộ.

Sở KH&CN

Các huyện, thành phố, thị xã

120 (4 lớp x 30)

Kinh phí sự nghiệp KHCN tỉnh

4

Mỗi năm xây 02 phóng sự truyền hình về SHTT phát trên đài truyền hình Nghệ An và phát sóng trên đài truyền hình các huyện, thành phố, thị xã.

Kỳ sơn, Quế phong, Quỳ châu, Tương dương, Thị xã Thái hòa, Diễn châu, Quỳnh lưu, Đô lương, Nam đàn, Vinh.

Sở KHCN

UBND các huyện, thành phố, thị xã

300 (8 PS x 37,5)

Kinh phí sự nghiệp KHCN tỉnh

5

Xây dựng dự án tuyên truyền về SHTT thực hiện từ năm 2017-2020

Trong toàn tỉnh

Đơn vị tư vấn

Cục SHTT

1.000

Kinh phí sự nghiệp KHCN tỉnh

II

TẠO LẬP KHAI THÁC VÀ PHÁT TRIỂN CÁC TÀI SẢN TRÍ TUỆ

Kinh phí: 28.250

1

CHỈ DẪN ĐỊA LÝ: 6 dự án

Kinh phí: 12.000

1.1

Xây dựng và triển khai thực hiện 05 dự án: Tạo lập và khai thác phát triển CDDL các sản phẩm mang địa danh (Chọn lựa theo ưu tiên): lạc Nghệ An, chè Shan tuyết, tương Nam đàn, Trám đen Thanh Chương, Nhung hươu Quỳnh Lưu, Chanh leo Quế Phong (hoặc Nghệ An), Trà Hoa Vàng Quế Phong, Quế Quỳ, Gừng Kỳ sơn, Sâm Puxailaileng, gạo japonica, nước mắm Vạn Phần (nâng cấp),....

Các huyện có địa danh

Chọn lựa theo tuyển chọn

Đơn vị tư vấn

5 x 2.000

Nguồn chương trình Trung Ương có đối ứng kinh phí sự nghiệp KHCN tỉnh

12

Dự án: Hỗ trợ khai thác phát triển CDDL Cam Vinh: Thành lập Hiệp hội sản xuất Cam Vinh, mở rộng địa bàn và bổ sung các giống Cam mới.

Các địa bàn có sản phẩm cam quả có đủ điều kiện đăng ký chỉ dẫn địa lý

Chọn lựa theo tuyển chọn

Cục SHTT

2.000

Kinh phí sự nghiệp KHCN tỉnh

2

NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN: 5 dự án

Kinh phí: 7.500

 

Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận (Chọn lựa theo ưu tiên): nhút Thanh Chương, Mực Cửa Lò, Bột sắn dây Nam Xuân, nước mắm Quỳnh Dị, Bò Giằng Tương Dương, Moi khô Hoàng Mai, cá cơm sấy khô Quỳnh Lưu, ruốc rươi Hưng Châu,...

Các huyện có địa danh

Chọn lựa theo tuyển chọn

Đơn vị tư vấn

5 x 1.500

Kinh phí SNKHCN tỉnh và góp người hưởng lợi

3

NHÃN HIỆU TẬP THỂ: 5 dự án, 20 nhiệm vụ hỗ trợ

Kinh phí: 8.750

3.1

Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể: Thủ công mỹ nghệ Đức Phong, Bưởi hồng Quang Tiến, Cam Yên Thành, cam Con Cuông, cà chua múi Tương dương, hồng Nam Anh, xoài Tương Dương, me Nam nghĩa, bánh đa Đô Lương, Dệt thổ cẩm (Con cuông, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương), Bánh gai dốc dừa, gạo Hưng nguyên, Gà đen Kỳ sơn, lợn đen Tương Dương, khoai sọ Kỳ Sơn, dê cầu Đòn, mật mía làng Lam Hồng (Nghĩa Đàn), Măng muối Quỳ Châu, thịt chua Quỳ Châu, mật ong Tân Kỳ

Các huyện có địa danh

Chọn lựa theo chỉ định

Đơn vị tư vấn

5 x 1.350

Cấp tỉnh. Kinh phí SNKHCN tỉnh và đóng góp

3.2

Hỗ trợ tạo lập nhãn hiệu tập thể: Các địa danh còn lại của phần trên (4 năm và 5 sản phẩm/năm)

Các huyện có địa danh

Các huyện

Đơn vị tư vấn

20 x 100 = 2.000

Cấp tỉnh. Kinh phí SNKHCN tỉnh và đóng góp

III

HỖ TRỢ BẢO HỘ, PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ (Nội dung 3)

Kinh phí: 10.000

1.

Hỗ trợ khoảng 200 đăng ký nhãn hiệu theo QĐ 24 (hằng năm, dự kiến khoảng 50% đề xuất hỗ trợ trong 400 đối tượng)

Các doanh nghiệp, làng nghề, cá nhân có đăng ký

 

 

200 x 10 = 2.000

Cấp tỉnh Nguồn SNKHCN tỉnh

2

Xây dựng 5 dự án hỗ trợ các sáng chế, giải pháp hữu ích, sáng tạo khoa học tạo ra sản phẩm cho các sáng chế: máy nâng hạ, sản phẩm tre,...

Các doanh nghiệp, cá nhân có sáng chế

Chọn lựa theo tuyển chọn

Đơn vị tư vấn, cục SHTT

5 x 1.600 = 8.000

Kinh phí SNKHCN trung ương Kinh phí SNKHCN tỉnh và đóng góp

IV

XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VÀ TRA BỔ SUNG (Nội dung 1)

Kinh phí: 70

1

Nhiệm vụ: Hằng năm tổ chức tra khảo sát các sản phẩm có tiềm năng để tiếp tục hỗ trợ khai thác, bổ sung các dữ liệu về SHTT và cập nhật trên trang VEB để truy cập.

Trong toàn tỉnh

Sở KHCN

Trung tâm Thông tin KHCN và Tin học

Chi phí điều tra: 15 x 4 = 60

Chi phí xử lý số liệu và cập nhật: 2,5 x 4 = 10

Cấp tỉnh Nguồn SNKHCN tỉnh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 320/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017-2020

  • Số hiệu: 320/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/01/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Huỳnh Thanh Điền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/01/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản