Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 32/QĐ-UBND

Gia Nghĩa, ngày 08 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN VÀ SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐĂK NÔNG ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20/3/1996; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản số 46/2005/QH11 ngày 14/6/2005;
Căn cứ Nghị định số 160/2005/NĐ-CP , ngày 27/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản; Nghị định số 07/2009/NĐ-CP ngày 22/01/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị quyết số 09/2009/NQ-HĐND ngày 23/7/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Nông về việc thông qua Đề án “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Tờ trình số 1136/TTr-SCT, ngày 25 tháng 12 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ QUAN ĐIỂM.

1. Mục tiêu.

a) Khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản phục vụ cho nhu cầu trước mắt, đồng thời tính đến sự phát triển của khoa học, công nghệ và nhu cầu khoáng sản trong tương lai.

b) Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của địa phương phải phù hợp và có sự phối hợp chặt chẽ với quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 và quy hoạch các ngành kinh tế, xã hội khác trên địa bàn tỉnh.

c) Bảo đảm yêu cầu về môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác.

d) Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của địa phương phải phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Quan điểm.

a) Góp phần gia tăng vị trí ngành công nghiệp khoáng sản trong cơ cấu kinh tế xã hội của tỉnh; thúc đẩy sự phát triển có định hướng ngành công nghiệp khoáng sản, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

b) Tạo cơ sở thực hiện tốt công tác quản lý các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, và sử dụng khoáng sản.

c) Tạo điều kiện thực hiện đa dạng hóa các hình thức đầu tư cho ngành công nghiệp khoáng sản.

d) Từ cơ sở đa dạng hóa và mức độ đầu tư sẽ cho phép đổi mới công nghệ, kết hợp thô sơ và hiện đại nhằm đạt hiệu quả cao.

II. NỘI DUNG CỦA QUY HOẠCH.

1. Tổng số mỏ và điểm mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.

Hiện tại, đã phát hiện 178 mỏ và điểm mỏ khoáng sản, với 16 loại khoáng sản chủ yếu là: Bauxit; Wolfram; Antimoal; Bazan bọt; Bazan cột, bazan khối; Cát xây dựng; Đá bazan; Đá granit; Sét gạch ngói; Than bùn; Opal; Thiếc sa khoáng; Kaolin; Nước khoáng thiên nhiên; Saphir.

2. Nhu cầu sử dụng khoáng sản chủ yếu trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đến năm 2015 và tính đến năm 2020.

a) Dự báo nhu cầu sử dụng khoáng sản chủ yếu trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đến năm 2015 như sau: Bazan bọt (0,8372 triệu tấn), Bazan cột, khối (2,5868 triệu m3), Cát xây dựng (2,99 triệu m3), Đá bazan (19,6676 triệu m3), Đá granit (4,5578 triệu m3), Sét gạch ngói (0,2682 triệu m3).

b) Dự báo nhu cầu sử dụng khoáng sản chủ yếu trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đến năm 2020 như sau: Bazan bọt (6,3576 triệu tấn), Bazan cột, khối (19,6436 triệu m3), Cát xây dựng (22,7056 triệu m3), Đá bazan (149,3510 triệu m3), Đá granit (11,3413 triệu m3), Sét gạch ngói (2,0370 triệu m3).

3. Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

3.1. Khái quát về diện tích, trữ lượng các khu vực khoáng sản được quy hoạch trên địa bàn tỉnh.

3.1.1. Khoáng sản kim loại.

a) Antimoal: gồm 01 điểm tại thôn 5, xã Đăk Rông, huyện Cư Jút với diện tích quy hoạch 0,361 km2, tài nguyên dự báo khoảng 0,5 ngàn tấn.

b) Thiếc sa khoáng: gồm 01 điểm tại xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong với diện tích quy hoạch 2,96 km2, tài nguyên dự báo khoảng 1,058 ngàn tấn.

3.1.2. Khoáng sản làm vật liệu xây dựng, than bùn.

a) Bazan bọt (puzolan): gồm 05 điểm mỏ phân bố tập trung tại xã Quảng Phú và Buôn Choah, huyện Krông Nô với tổng diện tích quy hoạch 17,947 km2, tài nguyên dự báo khoảng 83,168 triệu tấn.

b) Bazan dạng cột, bazan khối: gồm 13 điểm mỏ phân bố rải rác tại một số huyện, thị xã với tổng diện tích quy hoạch 2,384 km2, tài nguyên dự báo khoảng 2,164 triệu m3.

c) Cát xây dựng: gồm 14 điểm mỏ phân bố chủ yếu tại lòng sông Ea Krông Nô huyện Krông Nô, lòng hồ thuỷ điện Đồng Nai 3 và tại các suối lớn với tổng diện tích quy hoạch 3,485 km2, tài nguyên dự báo khoảng 7,091 triệu m3.

d) Đá bazan: gồm 47 điểm mỏ phân bố hầu hết trên các huyện, thị xã với tổng diện tích quy hoạch 14,153 km2, tài nguyên dự báo khoảng 123,606 triệu m3.

e) Đá granit: gồm 05 điểm mỏ phân bố tại các huyện Krông Nô, Đăk Song, Đăk R’Lấp với tổng diện tích quy hoạch 9,360 km2, tài nguyên dự báo khoảng 89,856 triệu m3.

g) Kaolin: gồm 05 điểm mỏ phân bố tại tại huyện Đăk Glong, thị xã Gia Nghĩa với tổng diện tích quy hoạch 1,956 km2, tài nguyên dự báo khoảng 5,309 triệu tấn.

h) Sét gạch ngói: gồm 17 điểm mỏ phân bố tại các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đăk Glong và thị xã Gia Nghĩa với tổng diện tích quy hoạch 16,398 km2, tài nguyên dự báo khoảng 25,215 triệu m3.

k) Than bùn: gồm 05 điểm mỏ phân bố tại các huyện Krông Nô, Đăk Song, Đăk Mil với diện tích quy hoạch 2,663 km2, tài nguyên dự báo khoảng 0,792 triệu m3.

3.1.3. Nước khoáng thiên nhiên.

Gồm 01 điểm mỏ tại xã Đăk Mol, huyện Đăk Song, đang được Công ty TNHH một thành viên khoáng sản Đăk Nông khai thác với công suất khoảng 570 m3/ngày đêm.

3.1.4. Đá quý và bán quý.

a) Opan: gồm 01 điểm mỏ tại xã Đăk Lao, huyện Đăk Mil với diện tích quy hoạch 12,705 km2 và một số điểm lộ do người dân phát hiện báo quặng tại các khu vực của huyện Đăk Mil, Cư Jút.

b) Saphir: gồm 01 điểm mỏ tại xã Trường Xuân, xã Nâm N’Jang, huyện Đăk Song với diện tích quy hoạch 24,093 km2.

3.2. Khái quát về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản.

3.2.1. Khu vực, diện tích thăm dò, khai thác khoáng sản quy mô công nghiệp.

Từ nay tới năm 2015 và định hướng tới năm 2020 có 6 loại khoáng sản được đầu tư thăm dò, khai thác quy mô công nghiệp:

a) Bazan bọt: có 03 điểm mỏ phân bố tại xã Quảng Phú và Buôn Choah, huyện Krông Nô với tổng diện tích quy hoạch 17,383 km2, tài nguyên dự báo 82,66 triệu tấn. Bazan bọt được thăm dò, khai thác công nghiệp.

b) Bazan dạng cột, khối: có 01 điểm mỏ, với diện tích quy hoạch 0,254 km2, tài nguyên dự báo 0,381 triệu m3.

c) Cát xây dựng: có 02 điểm mỏ phân bố trong lòng và bãi bồi sông Ea Krông Nô tại xã Quảng Phú và Đăk Năng, huyện Krông Nô với tổng diện tích quy hoạch 1,206 km2, trữ lượng 3,314 triệu m3.

d) Đá bazan: có 15 điểm mỏ với tổng diện tích quy hoạch 7,621 km2, tài nguyên dự báo 77,645 triệu m3.

e) Đá granit: có 03 điểm mỏ với tổng diện tích quy hoạch 5,123 km2, tài nguyên dự báo 47,486 triệu m3.

g) Sét gạch ngói: có 05 điểm mỏ với tổng diện tích quy hoạch 8,724 km2, tài nguyên dự báo 14,918 triệu m3.

3.2.2. Khu vực, diện tích thăm dò, khai thác khoáng sản quy mô nhỏ.

Những điểm mỏ khoáng sản được quy hoạch thăm dò, khai thác với quy mô nhỏ do các nguyên nhân sau: tài nguyên trữ lượng không đủ thiết kế khai thác công nghiệp; khoáng sản nằm phân tán không tập trung; thị trường tiêu thụ khoáng sản nhỏ; khai thác chủ yếu cung cấp nguyên liệu tại địa phương và tận thu khoáng sản. Gồm có 51 điểm của các loại khoáng sản sau:

a) Antimoal: 01 điểm mỏ tại thôn 5, xã Đăk Rông, huyện Cư Jút; với diện tích quy hoạch 0,361 km2, tài nguyên dự báo 0,5 ngàn tấn.

b) Bazan bọt: 01 điểm mỏ tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô; với diện tích quy hoạch 0,564 km2, tài nguyên dự báo 0,508 triệu tấn.

c) Bazan dạng cột, khối: 09 điểm mỏ; với diện tích quy hoạch 1,746 km2, tài nguyên dự báo 1,438 triệu m3.

d) Cát xây dựng: 11 điểm mỏ; với diện tích quy hoạch 2,222 km2, tài nguyên dự báo 3,777 triệu m3.

e) Đá bazan: 18 điểm mỏ; với diện tích quy hoạch 3,894 km2, tài nguyên dự báo 23,115 triệu m3.

g) Kaolin: 01 điểm mỏ tại xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa; với diện tích quy hoạch 0,088 km2, tài nguyên dự báo 1,667 triệu tấn.

h) Sét gạch ngói: 05 điểm mỏ; với diện tích quy hoạch 2,665 km2, tài nguyên dự báo 0,985 triệu m3.

k) Than bùn: 05 điểm mỏ; với diện tích quy hoạch 2,663 km2, tài nguyên dự báo 0,792 triệu m3.

3.2.3. Khu vực, diện tích nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đã được Trung ương phê duyệt.

Trên địa bàn tỉnh có 09 khu vực khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác khoáng sản gồm: Bauxit (7 khu vực), Kaolin (1 khu vực) và Wolfram (1 khu vực).

3.2.4. Khu vực, diện tích thăm dò, khai thác khoáng sản đến năm 2015.

Quy hoạch khu vực, diện tích thăm dò, khai thác khoáng sản từ nay tới năm 2015 là 56 khu vực, gồm:

a) Bazan bọt: 03 khu vực với tổng diện tích 17,383 km2, tài nguyên dự báo 83,66 triệu tấn.

b) Bazan dạng cột, khối: 01 khu vực với tổng diện tích 0,254 km2, tài nguyên dự báo 0,381 triệu m3.

c) Cát xây dựng: 13 khu vực với tổng diện tích 3,428 km2, tài nguyên dự báo 7,091 triệu m3.

d) Đá bazan: 23 khu vực với tổng diện tích 9,965 km2, tài nguyên dự báo 91,044 triệu m3.

e) Đá granit: 03 khu vực với tổng diện tích 5,123 km2, tài nguyên dự báo 47,486 triệu m3.

g) Kaolin: 02 khu vực với tổng diện tích 0,152 km2, tài nguyên dự báo 3,488 triệu tấn.

h) Sét gạch ngói: 08 khu vực với tổng diện tích 9,289 km2, tài nguyên dự báo 16,103 triệu m3.

k) Than bùn: 01 khu vực với diện tích 2,483 km2, tài nguyên dự báo 0,612 triệu tấn.

l) Nước khoáng thiên nhiên: 01 khu vực với công suất khai thác 570 m3/ngày đêm.

m) Opan: 01 khu vực với diện tích 12,7 km2.

3.2.5. Khu vực, diện tích thăm dò, khai thác khoáng sản đến năm 2020.

Định hướng đến năm 2020 sẽ có thêm 18 khu vực được thăm dò, khai thác khoáng sản, gồm:

a) Bazan bọt: 01 khu vực với diện tích 0,564 km2, tài nguyên dự báo 0,508 triệu tấn.

b) Bazan dạng cột, khối: 04 khu vực với tổng diện tích 1,646 km2, tài nguyên dự báo 0,399 triệu m3.

c) Đá bazan: 09 khu vực với tổng diện tích 1,509 km2, tài nguyên dự báo 11,092 triệu m3.

d) Kaolin: 01 khu vực với diện tích 1,46 km2.

e) Sét gạch ngói: 03 khu vực với tổng diện tích 4,475 km2, tài nguyên dự báo 8,949 triệu m3.

3.2.6. Khu vực điều tra, đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản.

Có tổng số 22 khu vực cần được khảo sát điều tra, đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản, trong đó Bazan bọt 01 khu vực; Bazan dạng cột, khối 05 khu vực; Đá bazan 04 khu vực; Đá granit 02 khu vực; Cát xây dựng 01 khu vực; Sét gạch ngói 04 khu vực; Saphir 01 khu vực; Vàng 03 khu vực; Wonfram và thiếc 01 khu vực.

3.2.7. Quy hoạch chế biến và sử dụng khoáng sản.

3.2.7.1. Quy hoạch chế biến và sử dụng khoáng sản đến năm 2015.

a) Bazan bọt: Được khai thác làm phụ gia ximăng (puzlan), bê tông đầm lăn; một số các khối tảng lớn có lỗ rỗng tự nhiên đẹp được cưa cắt làm vật liệu trang trí, đá ốp, tấm cách âm, cách nhiệt. Quy hoạch 3 khu vực chế biến gần với các khu vực khai thác: xã Quảng Phú, huyện Krông Nô; thị xã Gia Nghĩa; một trong các xã Buôn Choah, Nam Đà, Đăk Sôr huyện Krông Nô.

b) Bazan cột, khối: Được chế biến làm đá ốp, đá lát, đá trang trí, những phần tận dụng làm đá xây dựng; không sử dụng thô. Quy hoạch các nhà máy chế biến gần với các khu vực khai thác; Hiện nay đã có và dự kiến sẽ có các nhà máy chế biến: đã có nhà máy 240.000 m2/năm của Công ty cổ phần Phú Tài tại huyện Đăk R’lấp; đã có nhà máy 120.000 m2/năm của Công ty cổ phần khai khoáng Tây Nguyên tại KCN Tâm Thắng, huyện Cư Jút; nhà máy 60.000 m2/năm của Công ty TNHH Vượng Phát đang được xây dựng tại huyện Tuy Đức; nhà máy 200.000 m2/năm của DNTN Lan Anh dự kiến xây dựng tại huyện Đăk Song; nhà máy 24.000 m2/năm của Công ty TNHH MTV khoáng sản Đăk Nông dự kiến xây dựng tại CCN Thuận An, huyện Đăk Mil; dự kiến xây dựng 1 nhà máy tại thị xã Gia Nghĩa.

c) Cát xây dựng: Cát sử dụng ở trạng thái tự nhiên, sử dụng vào mục đích xây dựng là chủ yếu; Bãi chứa cát dọc theo bờ sông Krông Nô phía Đăk Nông, những vị trí thuận lợi cho ghe chứa cát cập bến và thuận lợi xe ô tô vào lấy cát.

d) Đá bazan: Sau khi khai thác sẽ được chế biến thành các loại: đá hộc, đá 5x10, đá 4x6, đá 1x2 và đá mi sử dụng vào các mục đích đắp đập ngăn nước, làm nền đường giao thông, xây móng nhà, làm vật liệu bê tông... Vị trí khu chế biến gần với moong khai thác nhằm giảm chi phí vận chuyển và thuận lợi cho công tác quản lý môi trường.

e) Đá granit: Sẽ được chế biến thành 3 dòng sản phẩm có mục đích sử dụng khác nhau: chế biến và sử dụng như đá bazan dạng cột, khối (đá có độ nguyên khối, độ thu hồi khối cao, màu sắc và hoa văn đẹp); chế biến và sử dụng như đá bazan; xay nghiền theo tiêu chuẩn cấp độ hạt của cát xây dựng nhằm thay thế cát xây dựng tự nhiên. Vị trí khu chế biến gần với khu khai thác.

g) Kaolin: Căn cứ vào thành phần, tính chất của kaolin để phân loại mục đích sử dụng: sản xuất các sản phầm đồ sứ, gốm, sành; sản xuất dung dịch cho kỹ nghệ khoan; sản xuất các màng lọc trong công nghiệp dầu khí. Xây dựng nhà máy chế biến, sản xuất tại thị xã Gia Nghĩa và huyện Đăk G’long.

h) Sét gạch ngói: Dựa vào thành phần, tính chất của đất sét để sản xuất vật liệu xây dựng: gạch xây, ngói lợp, ống sành, tấm tường, gạch chịu axit, vật liệu trang trí. Xây dựng các lò gạch tuy nen gần vùng nguyên liệu: Cư Jút (Đăk Rông, Trúc Sơn, Ea T’ling); Krông Nô (Quảng Phú, Đăk Drô); Đăk G’long (Quảng Khê, Đăk Ha); Gia Nghĩa (Đăk Nia).

k) Than bùn: Dùng để sản xuất phân vi sinh phục vụ nông nghiệp. Xây dựng nhà máy sản xuất phân bón tại huyện Đăk Mil.

l) Nước khoáng thiên nhiên: Đã xây dựng nhà máy công suất 570 m3/ngày đêm tại Đăk Mol, Đăk Song.

m) Opan - canxedoan: Được chế tác tại các cơ sở trong tỉnh dùng để trang trí, không xuất thô.

3.2.7.2. Quy hoạch chế biến và sử dụng khoáng sản đến năm 2020:

a) Bazan bọt: Xây dựng nhà máy chế biến tại huyện Krông Nô và thị xã Gia Nghĩa.

b) Bazan cột: Chỉ nâng công suất 06 nhà máy của giai đoạn đến 2015.

c) Đá bazan: Các khu chế biến gần với khu khai thác.

d) Kaolin: Chỉ nâng công suất nhà máy của giai đoạn đến 2015.

e) Sét gạch ngói: Chỉ nâng công suất các nhà máy của giai đoạn đến 2015.

4. Các giải pháp chủ yếu để thực hiện quy hoạch.

4.1. Giải pháp về việc tăng cường và thống nhất quản lý nhà nước về khoáng sản.

a) Nhà nước thống nhất quản lý kết quả thăm dò, khai thác khoáng sản; đầu tư cho việc quy hoạch, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản.

b) Không giới hạn việc thăm dò các mỏ khoáng sản. Khi duyệt cấp phép khai thác mỏ khoáng sản, phải yêu cầu chủ đầu tư sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn hàng hoá có chất lượng cao để các cơ sở sử dụng không phải chế biến lại.

c) Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành trong tỉnh khi cấp phép khai thác một số mỏ và có chế tài đủ mạnh để kiểm tra, giám sát sau khi đã cấp phép khai thác; các cơ sở phải thực hiện nghiêm chỉnh việc khai thác tận dụng tài nguyên, phục hồi môi trường và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với các cơ quan quản lý.

d) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản.

4.2. Giải pháp về cơ chế, chính sách.

a) Có chính sách khuyến khích đầu tư về thiết bị, công nghệ khai thác, chế biến nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản.

b) Bổ sung bảo hiểm rủi ro cho các tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò khoáng sản trên cơ sở thành lập quỹ bảo hiểm rủi ro thăm dò khoáng sản.

c) Có sự phối hợp giữa các tổ chức, trường đào tạo nghề với các cơ quan có chức năng để tổ chức, đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản.

4.3. Giải pháp về huy động vốn đầu tư.

Nguồn vốn cho thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản chủ yếu từ vốn tự thu xếp của các doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán (phát hành trái phiếu, cổ phiếu công trình). Công bố rộng rãi danh mục, tài nguyên các mỏ đã được quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến trên địa bàn tỉnh để kêu gọi đầu tư thăm dò và tổ chức khai thác phục vụ công nghiệp khoáng sản.

4.4. Giải pháp về khoa học công nghệ, môi trường.

a) Nghiên cứu phát triển và chế tạo thiết bị máy móc thăm dò, khai thác, chế biến phù hợp với những điều kiện trong nước.

b) Tổ chức nghiên cứu và xây dựng quy trình công nghệ thăm dò, khai thác và phục hồi môi trường các mỏ khoáng sản giai đọan sau khi kết thúc khai thác.

c) Áp dụng công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến để nâng cao tối đa hệ số thu hồi khoáng sản và giá trị của sản phẩm sau chế biến, nâng cao hiệu quả, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Tăng cường chế biến sâu đối với Kaolin; Bazan cột, khối làm đá ốp lát, trang trí; Bazan bọt làm phụ gia xi măng và bê tông trải đường.

d) Mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt về công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản và chuyển giao công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản.

e) Khuyến khích đầu tư đối với dự án khai thác, chế biến khoáng sản tại chỗ, dự án có áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, bảo đảm môi trường, các sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội cao, dự án chế biến khoáng sản đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu.

Điều 2. Sở Công thương có trách nhiệm quản lý quy hoạch đã được phê duyệt; phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch; kiểm tra, giám sát và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công thương về tình hình thực hiện quy hoạch theo quy định. Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch có những vấn đề không phù hợp với tình hình thực tế hoặc phát sinh mới, báo cáo UBND tỉnh để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp quá trình phát triển của từng thời kỳ.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Phương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 32/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành

  • Số hiệu: 32/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/01/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
  • Người ký: Trần Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/01/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản